Dàn ý nghị luận về lòng biết ơn – Đọc Tài Liệu

Dàn ý nghị luận về lòng biết ơn

Dàn ý ngắn gọn:

I. Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần bàn luận

– Từ xa xưa, ông bà ta có câu “uống nước nhớ nguồn”, một câu nói dạy bao thế hệ về lòng biết ơn. Lòng biết ơn là một đức tính cao quý và đẹp của con người. Truyền thống về lòng biết ơn đã được bao đời thế hệ cha ông gìn giữ và phát huy. Để tiếp nối ông cha thì thế hệ trẻ cũng đã gìn giữ nét đẹp để hiểu thêm về lòng biết ơn, chúng ta cùng đi tìm hiểu về “Lòng biết ơn”.

II. Thân bài

1. Giải thích thế nào là “lòng biết ơn”?

– Lòng biết ơn là sự ghi nhớ công ơn, tình cảm mà người khác mang lại cho mình. Những hành động, việc làm mà họ hi sinh để mang lại niềm hay hạnh phúc hay niềm vui cho mình.

2. Biểu hiện của lòng biết ơn

– Luôn ghi nhớ công ơn của họ trong long

– Có những hành động thể hiện sự biết ơn

– Luôn mong muốn đền áp công ơn của những người đã giúp đỡ mình

3. Tại sao phải có lòng biết ơn?

– Vì đó là nghĩa cử, truyền thống tốt đẹp của ông cha ta từ bao đời xưa.

– Lòng biết ơn là một tình cảm cao đẹp và thiêng liêng của mỗi con người.

– Mỗi công việc chúng ta thành công không phải tự nhiên mà có, dù lớn hay nhỏ cũng có sự giúp đỡ của ai đó, vậy nên ta cần phải có lòng biết ơn.

4. Mở rộng vấn đề

– Có một số người hiện nay không có lòng biết ơn.

VD: Ăn cháo đá bát, qua cầu rút ván, …

III. Kết bài

– Nêu cảm nghĩ về lòng biết ơn

– Nêu những công việc và thể hiện lòng biết ơn.

Xem thêm: Lập dàn ý chi tiết nghị luận về lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ

Dàn ý chi tiết mẫu 1:

I. Mở bài

– Lòng biết ơn là một trong những truyền thống đạo lí tốt đẹp của con người Việt Nam.

– Vậy lòng biết ơn có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống của chúng ta?

II. Thân bài

1. Giải thích:

– Lòng biết ơn là gì? => Đó là tình cảm biết trân trọng, ghi nhớ công ơn của người khác dành cho mình, đã giúp đỡ mình.

2. Đưa ra các biểu hiện:

Tại sao chúng ta phải có lòng biết ơn?

+ Bởi vì nó thể hiện phẩm chất đạo đức cần có ở mỗi chúng ta.

+ Biết ơn sẽ khiến cho con người trở nên tốt đẹp hon.

+ Là cơ sở cho những tình cảm tốt đẹp khác.

+ Khi chúng ta thừa hưởng những thành quả tốt đẹp, ta cần phải nhớ ơn đến người đã tạo ra thành quả cho ta hưởng thụ.

+ Lòng biết ơn đã trở thành truyền thống quý báu của con người Việt Nam.

– Dẫn chứng, biểu hiện: Trong cuộc sống, chúng ta mang ơn ba mẹ đã sinh thành, dưỡng dục, nuôi dạy ta nên người. Học sinh biết ơn thầy cô giáo đã dạy dỗ cho mình biết bao kiến thức và bài học quý báu. Ngoài ra ta còn phải biết ơn các anh chiến sĩ bộ đội đã hi sinh thân mình để mang lại nền độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc cho chúng ta hưởng thụ.

– Những câu tục ngữ, ca dao nói về lòng biết ơn:

– Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

– Uống nước nhớ nguồn.

– Con ơi ghi nhớ lời này

Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy chớ quên.

– Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa.

– Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng.

3. Bàn bạc, mở rộng vấn đề

– Phê phán những con người có hành động vô ơn, bạc nghĩa.

– Dẫn chứng:

+ Những con người quên đi nguồn cội, gốc gác của mình.

+ Những câu tục ngữ nói về vong ơn bạc nghĩa: Qua cầu rút ván, Có trăng quên đèn, Có mới nới cũ, Được cá quên nơm, Ăn cháo đá bát, …

III. Kết bài

– Lòng biết ơn là phẩm chất đạo đức cao quý của con người.

– Biết ơn, đền đáp công ơn mà người khác dành cho mình là điều nên làm.

– Cần có trách nhiệm giữ gìn, vun đắp, phát huy bằng những việc làm cụ thể.

Đọc thêm:  Nghị luận về câu nói Có ba cách để tự làm giàu cho mình chính là

Dàn ý chi tiết mẫu 2:

I. Mở bài:

– Lòng biết ơn vốn là một truyền thống văn hóa cao đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay. Sống biết ơn thể hiện sâu sắc lối sống trọng tình trọng nghĩa, cưu mang tương trợ lẫn nhau. Biết ơn người khác là một phẩm chất cần có ở mỗi con người.

II. Thân bài:

1. Biết ơn là gì?

– Biết ơn là sự ghi nhớ và trân trọng những gì mình nhận được từ người khác. Lòng biết ơn là sự thể hiện sự biết ơn của mình đối với những thành quả lao động do cha ông để lại. Lòng biết ơn là cơ sở khẳng định phẩm chất con người.

2. Biểu hiện của lòng biết ơn

– Người có lòng biết ơn là người luôn biết ghi nhớ và trân trọng những gì người khác trao tặng, để lại cho mình. Họ luôn biết gìn giữ và phát huy những giá trị ấy trong cuộc sống.

– Trong xã hội, lòng biết ơn được biểu hiện bằng những nghĩa cử cao đẹp. Tục thờ cúng ông bà tổ tiên thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của con cháu đối với các bậc sinh thành đã có công dưỡng dục chúng ta nên người. Đó là một nét đẹp văn hóa mà ít dân tộc nào trên thế giới có được.

– Ngày 27/7 hằng năm, trở thành ngày lễ trọng đại tri ân các anh hùng, thương binh, liệt sĩ đã anh dũng hi sinh thân mình bảo về và giữ gìn độc lập chủ quyền dân tộc. Truyền thống ấy đã được duy trì và phát huy trong mấy chục năm qua và ngày càng trở nên lớn mạnh.

– Chúng ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, tôn vinh công ơn của các thầy cô giáo vào ngày 20/11. Và ngày 20/11 hằng năm trở thành dịp để các em học sinh và phụ huynh thể hiện sâu sắc lòng biết ơn những người thầy đã hết lòng giáo dục các em nên người.

– Lòng biết ơn trở thành truyền thống văn hóa ăn sâu trong nhận thức của mỗi người dân Việt Nam. Truyền thống cao đẹp ấy đã biến thành hành động cụ thể, đem lại hiệu quả thiết thực trong đời sống hiện nay.

– Lòng biết ơn đã trở thành chuẩn mực đạo đức của người Việt Nam.

3. Bài học nhận thức và hành động

* Nhận thức:

– Lòng biết ơn là một đức tính cần có ở mỗi con người.

– Kế thừa thành quả lao động của các thế hệ đi trước, nhận lãnh các giá trị do người khác là bản chất của xã hội. Vì thế, ta phải sống có lòng biết ơn.

– Sống có lòng biết ơn thể hiện lối sống văn hóa, tình nghĩa, đoàn kết, gắn bó của con người Việt Nam.

– Lòng biết ơn trở thành chuẩn mực nền tảng của đạo đức con người. Sống có lòng biết ơn là lối sống lành mạnh, tích cực, mẫu mực trong đời sống của chúng ta. Người sống có lòng biết ơn luôn được người khác yêu mến, trân trọng và giúp đỡ trong cuộc sống.

* Hành động:

– Phải biết ơn những người đã mang lại cho mình những lợi ích. Hãy biết ơn và tôn vinh những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Trước hết là biết ơn ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo đã không quản khó nhọc nuôi dạy chúng ta nên người. Biết nói lời cảm ơn khi nhận một điều tốt đẹp từ người khác.

– Tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa trong xã hội. Thường xuyên thể hiện sâu sắc lòng biết ơn của bản thân đối với những người đã tạo dựng ra các thành qủa lao động trong xã hội, mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc. Tuyên dương, ca ngợi, tôn vinh kịp thời, đúng lúc những hành động tốt đẹp trong cuộc sống.

– Phấn đấu học tập tốt, rèn luyện nhân cách nhân phẩm trở thành người hữu ích mai này đem sức mình xây dựng quê hương đất nước.

4. Bàn luận mở rộng

– Phê phán:

+ Trong cuộc sống còn có nhiều người sống vô ơn. Họ sống cá nhân, ích kỉ, chỉ biết nhận lấy mà không biết ơn. Họ tự tách mình ra khỏi các quy luật của đời sống, tách biệt với cộng đồng, thậm chí là chà đạp lên các thành quả lao động do người khác để lại. Những người như thế thật đáng chê trách.

+ Tục ngữ ta có nhiều câu nói về sự vô ơn: “ăn cháo đá bát”; “qua cầu rút ván”; “vong ơn bội nghĩa”…

Đọc thêm:  Đề thi tham khảo THPT Quốc gia môn Địa 2022 (Có đáp án)

– Rút ra bài học cho bản thân:

+ Sống có lòng biết ơn là lối sống văn hóa, khẳng định phẩm chất cao quý của con người.

+ Là học sinh chúng ta phải biết ơn ông bà cha mẹ, thầy cô giáo. Phấn đấu học tập và rèn luyện mình để không phụ lòng người khác đã kì vọng, mong đợi.

III. Kết bài:

– Lòng biết ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất của con người mà còn là ngọn nguồn của mọi đức tính khác. Sống biết ơn người khác là lối sống cao thượng cần được đề cao và tôn vinh trong cuộc sống này.

Dựa trên một trong những dàn ý chi tiết nghị luận về lòng biết ơn trên đây, các em hãy viết thành một bài văn hoàn chỉnh với văn phong riêng của mình. Có thể tham khảo bài văn mẫu nghị luận về lòng biết ơn dưới đây để củng cố lại cách làm cũng như bổ sung vốn ngôn từ cho bài văn sắp viết.

Top 2 bài văn mẫu hay nghị luận bàn về lòng biết ơn

Bài mẫu số 1:

Mỗi người có mặt trên trái đất này đều có một cội nguồn. Ông cha ta xưa có câu: “Uống nước nhớ nguồn” và đến tận bây giờ câu tục ngữ ấy vẫn luôn đeo đuổi ta từ khi được sinh ra. Vậy thế nào là “uống nước nhớ nguồn”?

Câu tục ngữ thật ngắn gọn nhưng hàm ý thật sâu xa. “Uống nước” là điều chúng ta làm mỗi ngày, nhưng hai chữ này bao gồm nhiều ý nghĩa khác nữa. “Uống nước” tượng trưng cho người hưởng thụ thành quả, “nhớ” nói đến một thái độ, một tấm lòng biết ơn, “nguồn” là nguồn cội, cội nguồn của tất cả những thành quả mà con người được hưởng, “nhớ nguồn” là nhắc nhở những người hưởng thụ phải biết tri ân, giữ gìn, phát huy những thành quả của người làm ra chúng. “Uống nước nhớ nguồn” có thể hiểu theo hai nghĩa đen: đây có thể là lời khuyên, khi nào uống nước thì phải nhớ nguồn, cũng là lời của ta tự nhủ mình rằng: uống những giọt nước này ta không thể quên từ đâu ta có nước để uống. Vậy “uống nước nhớ nguồn” thể hiện truyền thống đạo lí của con người Việt Nam rằng cần phải biết ơn, trân trọng những người đã làm ra thành quả cho ta hưởng đến ngày hôm nay.

Thật vậy, mọi sự vật đều có nguồn gốc. Của cải, vật chất, tinh thần đó chính là công sức do con người làm ra. Như việc bạn thưởng thức một chén cơm, bạn cảm thấy vị ngọt, nhưng với tôi chúng thật mặn, mặn vì những giọt mồ hôi, mặn vì những ngày dầm mưa dãi nắng, mặn vì họ đã bỏ biết bao công sức để làm ra những hạt gạo ngày hôm nay. Bạn có thấy không sự hi sinh xương máu của các vị anh hùng dân tộc, các chiến sĩ yêu nước vì sắc áo của dân tộc để rồi xây dựng đất nước giàu đẹp phát triển đến ngày hôm nay, tạo cho ta một tinh thần vững mạnh. Việc xây dựng đền đài, lăng tẩm không chỉ để nhớ ơn những việc mà họ đã làm cho Tổ quốc mà đó còn là sự nhắc nhở ta không bao giờ được quên nguồn gốc của mình. Nguồn gốc, nguồn cội không phải dễ có, ta cần phải biết trân trọng. Nhớ về nguồn cội thôi chưa đủ, ta cần phải biết ơn và đó là nét đẹp đạo lí làm người của con người Việt Nam. Người Việt chúng ta luôn là những người sống với lòng biết ơn, không bao giờ quên tổ tiên, nòi gióng, biết bảo vệ quê hương Tổ quốc.

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba

Dù ai buôn bán gần xa

Nhớ ngày giỗ tổ tháng ba thì về…”

Bốn câu lục bát mà mỗi người dân trên đất nước Việt Nam này không bao giờ quên vì đó là những lời nhắc nhở con cháu “Dòng máu lạc hồng” luôn nhớ về cội nguồn của mình. Điều đó đã góp phần tạo nên nhiều phẩm chất cao quý của dân tộc, tạo nên những giá trị tinh thần cao đẹp mà trong đạo lý “uống nước nhớ nguồn” nổi lên như một truyền thống tiêu biểu và tôn vinh những người đã sinh ra mình, những người có công với làng xóm, với quê hương, đất nước. Không những thế, người Việt Nam không bao giờ quên những người người đã dạy dỗ mình. Nhờ có cha mẹ, ta đã được nuôi lớn tới ngày hôm nay, nhớ có thầy cô mà ta có đủ vốn kiến thức để vững tin bước vào cánh cửa tương lai tốt đẹp. Tất cả những điều đó là biểu hiện của một con người luôn “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ người đào giếng”.

Đọc thêm:  Phân tích hình ảnh người phụ nữ Tây Bắc trong tác phẩm Vợ chồng

Sâu kín trong tâm hồn, chúng ta không phải là những người vô ơn. Tuy nhiên, vì đời sống máy móc, bận rộn; vì những lo lắng trong cuộc sống; có khi vì mệt mỏi, chúng ta đã không còn thì giờ suy nghĩ đến những thành quả mà họ đã tạo nên. Đó là điều mà ta cần khắc phục vì không khéo, nguồn cội sẽ đi vào quên lãng khi con người chỉ biết cuốn theo thời gian mà không ngừng nghỉ. Song, ta cần phê phán những kẻ “ăn cháo đá bát”, “có mới nới cũ”, đó là loại người lừa thầy phản bạn, bất hiếu, là một kẻ lười học, phá hoại tài sản của đất nước như việc quên đi nguồn cội mình, coi thương nguồn gốc của mình thì đó là việc đáng trách, ta cần phải loại bỏ.

Qua câu tục ngữ trên, ta càng thầy được đạo lí tốt đẹp của con người Việt Nam. Suy nghĩ đến bốn chữ ngắn ngủi trong câu tục ngữ, “Uống nước nhớ nguồn,” tôi thấy những chữ này dạy ta những bài học vô cùng quý giá trong tinh thần biết ơn. Ta cần biết trân trọng, kính trên nhường dưới, sống có tình có nghĩa. Tôi và bạn hãy cố gắng học tốt để góp phần cồng hiến làm nên những thành quả cho lớp người đi sau.

Có thể bạn đang quan tâm: Nghị luận về lòng biết ơn với các thế hệ cha anh và trách nhiệm của thanh niên – một trong những biểu hiện lớn của lòng biết ơn trong xã hội

Bài mẫu số 2:

“Đền ơn đáp nghĩa” vốn là một nghĩa cử đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt Nam. Lòng biết ơn từ lâu đã được coi là một truyền thống đạo đức cần được gìn giữ và phát huy.

Ông cha ta xưa có câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là một lời nhắc nhở cho con cháu phải biết sống có trước có sau, biết ơn những người đã giúp đỡ mình. Không phải tự nhiên mà chúng ta có được cuộc sống ấm no, đầy đủ như hiện tại. Đó là thành quả của nhiều người đã vất vả làm nên. Bố mẹ không quản khó khăn, chăm lo, nuôi dưỡng chúng ta nên người. Thầy cô ngày ngày đứng trên bục giảng, tận tâm truyền tải kiến thức tới học sinh… Và còn rất nhiều người đã và đang hi sinh thầm lặng, ngày đêm miệt mài lao động để đem lại cuộc sống yên bình, ấm no trên manh đất quê hương.

Là “người ăn quả” của ngày hôm nay, ta cần có ý thức bảo vệ và phát huy những thành quả đạt được trở nên ngày một đơm hoa kết trái. Trong gia đình, ta cần làm tròn bổn phận là một người con: hiếu thảo với cha mẹ, kính trọng ông bà, nhường nhịn các em nhỏ… Ở trường, bản thân cần phải là một học sinh gương mẫu, nỗ lực học tập để không phụ công ơn giảng dạy của thầy cô, chăm lo nuôi dưỡng của bố mẹ. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải có ý thức rèn luyện bản thân sống có đạo đức, văn minh, tránh xa các tệ nạn xã hội, thói hư tật xấu vẫn đang còn tồn tại hiện nay. Làm được như vậy là ta đã thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã giúp ta có được cuộc sống tươi đẹp như ngày hôm nay.

Thế hệ trẻ hôm nay là những chủ nhân tương lai của đất nước. Lòng biết ơn là đạo lý muôn đời, là những người tiếp nối các thế hệ đi trước, chúng ta cần có những hành động cụ thể để đạo lý này vẫn mãi được duy trì và truyền lại cho mai sau.

-/-

Các bạn vừa tham khảo một số mẫu dàn ý ngắn gọn và dàn ý chi tiết nghị luận về lòng biết ơn, đi kèm là hai mẫu bài nghị luận hay nhất. Truy cập kho tài liệu Văn mẫu lớp 12 để cập nhật thêm nhiều bài văn hay khác giúp bạn rèn luyện kỹ năng làm văn, chuẩn bị tốt cho các bài thi và kiểm tra môn Văn. Chúc các bạn học tốt !

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button