Phân tích khát vọng và lí tưởng anh hùng của Từ Hải qua đoạn trích
Đề bài: Anh/chị hãy Phân tích khát vọng và lí tưởng anh hùng của Từ Hải qua đoạn trích Chí khí anh hùng
Phân tích khát vọng và lí tưởng anh hùng của Từ Hải qua đoạn trích Chí khí anh hùng
I. Dàn ý Phân tích khát vọng và lí tưởng anh hùng của Từ Hải qua đoạn trích Chí khí anh hùng (Chuẩn)
1. Mở bài
Dẫn dắt vấn đề, giới thiệu đoạn trích, hình tượng người anh hùng Từ Hải.
2. Thân bài
– Vị trí đoạn trích: Đoạn trích từ câu 2213 đến câu 2230- Nội dung: Sau nửa năm chung sống với Thúy Kiều, Từ Hải muốn có sự nghiệp lớn nên từ biệt Kiều ra đi.
a) 4 câu đầu: Khát vọng lên đường:– Không gian: Rộng lớn, hoành tráng của biển rộng, trời cao → Phù hợp với tầm vóc, khát vọng lớn lao của Từ Hải.- Hành động : Nhanh chóng, hiên ngang, tự tin, mạnh mẽ.- Hành trang: Sẵn sàng lên đường.=> Khát khao được vẫy vùng tung hoành bốn phương là sức mạnh tự nhiên không gì có thể ngăn cản nổi
b) Còn lại: Lý tưởng của người anh hùng Từ Hải:* Lời nói của Kiều: Chấp nhận sẵn sàng đi cùng chồng, đồng cam cộng khổ.* Lời của Từ Hải: Từ chối: không quyến luyến và bịn rịn, quyết tâm vì mục tiêu, lý tưởng cao đẹp…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích khát vọng và lí tưởng anh hùng của Từ Hải qua đoạn trích Chí khí anh hùng tại đây.
II. Bài văn mẫu Phân tích khát vọng và lí tưởng anh hùng của Từ Hải qua đoạn trích Chí khí anh hùng (Chuẩn)
Các tác phẩm giai đoạn văn học trung đại là những tác phẩm thể hiện “đạo” và “chí” của con người lúc bấy giờ. Thông qua đó, các nhà văn, nhà thơ đã gửi gắm giấc mơ của mình qua việc khắc họa hình tượng những nhân vật mang cốt cách và bản lĩnh của thời đại. Nguyễn Du đã thể hiện khát vọng và lý tưởng của người anh hùng qua nhân vật Từ Hải- người anh hùng “đầu đội trời, chân đạp đất” trong đoạn trích Chí khí anh hùng trích từ tuyệt tác Truyện Kiều.
Đoạn trích Chí khí anh hùng trích từ câu 2213 đến câu 2230 trong Truyện Kiều. Đoạn trích khắc họa rõ nét nhân vật Từ Hải, không phải qua ngoại hình “Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” mà hình tượng Từ Hải hiện lên từ khát vọng và lý tưởng phi thường . Cuộc đời Kiều tưởng như bế tắc khi bước vào chốn lầu xanh lần thứ hai thì Từ Hải xuất hiện. Giữa chốn nhơ nhớp, Từ Hải nhận ra vẻ đẹp thanh cao và khí chất của Kiều. “Trai anh hùng- gái thuyền quyên”, giữa họ đã tìm được nhờ sự đồng điệu, trở thành những người tri âm, tri kỉ. Sau nửa năm chung sống, Từ Hải muốn có sự nghiệp lớn nên từ biệt Kiều ra đi sau nửa năm chung sống:
Nửa năm hương lửa đương nồng,Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.Trông vời trời bể mênh mang,Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.
Nguyễn Du đã miêu tả hình tượng Từ Hải với khát vọng lên đường mãnh liệt, gác lại những ngọt ngào của tình yêu đang độ mặn nồng nhất, người nam nhi ấy không bị tình yêu giữ chân, quyết lên đường để lập công danh, sự nghiệp. Khát khao lập công, lập danh là điều tất yếu mà mỗi bậc trượng phu lúc bấy giờ phải tạo dựng.
Đã mang tiếng ở trong trời đất,Phải có danh gì với núi sông.
( Đi thi tự vịnh- Nguyễn Công Trứ)
Trong bộn bề của sự rối ren, Từ Hải hiện lên với quyết tâm mãnh liệt thể hiện qua việc miêu tả không gian rộng lớn “bốn phương”, “trời bể mênh mang”, không gian rộng lớn, hoành tráng ấy mới phù hợp với tầm vóc và lý tưởng xoay trời chuyển đất của Từ Hải. Hình tượng Từ Hải được miêu tả qua những hành động hết sức nhanh và quyết đoán, “thoắt”, “động lòng bốn phương”, “thẳng rong” thể hiện khát khao thực hiện hoài bão lớn của người trượng phu. Trong truyện Kiều của Nguyễn Du, chỉ Từ Hải mới được ông chọn làm đấng trượng phu, bởi ở người đàn ông này mang những phẩm chất cao đẹp, mang lý tưởng lớn và khao khát cháy bỏng để thực hiện lý tưởng đó. Từ Hải nghĩ nhanh, hành động mau lẹ, thực hiện mục tiêu của cuộc đời. Với hành trang chỉ là “thanh gươm yên ngựa” nhưng với bản lĩnh và tầm nhìn xa trông rộng, Từ Hải tin tưởng sẽ lập nên sự nghiệp hiển hách.
Ở đây, ta thấy, Từ Hải nói lời từ biệt Kiều khi đã trong tư thế sẵn sàng, khí thế lên đường ngút trời, ở đó là sự dứt khoát và bản lĩnh của đấng nam nhi muốn vùng vẫy bốn phương không gì ngăn cản nổi. Cảnh chia biệt này thể hiện vẻ đẹp trong tính cách Từ Hải, nó khác với cảnh chia tay đầy nước mắt của Kiều với Kim Trọng hay Thúc Sinh :
Dùng dằng chưa nỡ rời tayVừng đông trông đã đứng ngay nóc nhà.
( Kiều- Kim Trọng)
Người lên ngựa kẻ chia bàoRừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
(Kiều – Thúc Sinh)
Qua cảnh tiễn biệt đó, ta thấy được khí phách và sự quyết tâm lập công danh, sự nghiệp hiển hách của Từ Hải. Trước sự quyết tâm ấy, Kiều mong ước được đi cùng Từ Hải, để vẹn chữ “tòng phu”, mong được nâng khăn sửa túi cho Từ Hải, giúp đỡ chàng vơi bớt khó khăn, đồng cam cộng khổ. Mong ước này của Kiều là chính đáng, bởi nàng nhận thức được cuộc sống của nàng đã thay đổi, mang một tương lai mới nhờ Từ Hải.
Dập dìu lá gió cành chim,Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh.Khi tình rượu, lúc tàn canh,Giật mình mình lại thương mình xót xa.
(Trích Nỗi thương mình- Truyện Kiều)
Cuộc sống chạm đến đáy của cuộc đời, Kiều gặp được Từ Hải, chàng như chiếc phao cứu cánh Kiều thoát khỏi bế tắc, nhơ nhớp. Việc Kiều mong ước đi cùng Từ Hải là mong ước hết sức chính đáng của bất cứ người con gái nào rơi vào hoàn cảnh như Kiều. Thế nhưng, Từ Hải đã lựa chọn từ chối lời xin đi đó. Với chàng, đó có chăng cũng chỉ là nữ nhi thường tình?
Từ rằng: tâm phúc tương tri,Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?
Đó là lời trách cứ nhẹ nhàng, còn là lời từ chối khéo léo trước mong ước của Kiều, từ đó, ta thấy được quyết tâm cao độ của Từ Hải với khát vọng công danh. Vừa từ chối, lời Từ Hải còn trách cứ nhẹ nhàng nhưng là để động viên Kiều, đã là “tâm phúc tương tri”, đã hiểu nhau sâu sắc rồi thì hà cớ gì phải quyến luyến, bịn rịn như nữ nhi thường tình. Ở đây, Nguyễn Du sử dụng “nữ nhi thường tình” để muốn nói Kiều không nên tầm thường với những tính cách thông thường của người phụ nữ, mà phải mạnh mẽ và chấp nhận để xứng đáng với Từ Hải- bậc anh hùng. Qua đó thấy được phong thái tự tin, quyết tâm và sẵn sàng vì mục tiêu cao đẹp. Bên cạnh đó, dường như Từ Hải muốn để Kiểu yên tâm hơn, chàng đã hứa hẹn với Kiều. Đó là lời hứa “rước nàng nghi gia”. Lời hứa này có ý nghĩa với bất cứ ai, nhất là Kiều. Cuộc đời nàng những tưởng sẽ không nhận được lời hứa hẹn nào đáng giá như thế, bởi kiếp “làm vợ khắp người ta” như nàng thì e rằng “xuống đến âm phủ làm ma không chồng”. Lời hứa của Từ Hải khiến Kiều thật sự yên tâm:
Bao giờ mười vạn tinh binh,Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường,Làm cho rõ mặt phi thường,Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.
Đây được xem là lời hứa đáng giá ngàn vàng. Nó mang ý nghĩa khi Từ Hải trao lời hứa hẹn ấy với mong ước sẽ cưới Kiều khi công danh, sự nghiệp đã rạng danh. Bao giờ có một đội quân tinh nhuệ, với tiếng tăm lẫy lừng, xuất chúng hơn người sẽ rước Kiều về làm vợ, sẽ cùng nàng vinh quy bái tổ, có danh phận rõ ràng. Từ Hải tự tin mình sẽ tạo nên thanh thế, tiếng tăm để mang lại hạnh phúc cho Kiều. Khẩu khí của Từ Hải là lời hứa chắc chắn của bậc chính nhân quân tử đầy bản lĩnh và tin vào bản thân, đó cũng là động lực giúp Kiều tin tưởng và chờ đợi. Thực hiện sự nghiệp còn là điều giúp Từ Hải khẳng định khao khát và bản lĩnh giữa đất trời. Điều kiện là chàng phải chấp nhận tạm rời xa cuộc vui để dấn thân lập công, lập danh. Lời hứa hẹn của Từ Hải còn mang ý nghĩa giúp Kiều an tâm và lựa chọn tin tưởng đến cùng.
Bằng nay bốn bể không nhà,Đi càng thêm bận biết là đi đâu.Đành rằng chờ đó ít lâu,Chầy chăng là một năm sau vội gì.
Ước hẹn một năm, khi công thành danh toại của Từ Hải thể hiện bản lĩnh của bậc trượng phu. Chàng không thể để Kiều đi theo bởi chưa biết sẽ đi đâu, mang theo Kiều sẽ thêm vướng bận và không được tự do tung hoành. Qua đó, ta thấy Từ Hải là con người dám nghĩ dám làm, nhìn xa trông rộng. Lời từ chối nhưng hơn hết khiến Kiều thật yên tâm bởi sự chu đáo và đáng tin cậy. Sau mọi ước hẹn, sau những lời tiễn biệt, Từ Hải dứt áo ra đi:
Quyết lời dứt áo ra đi,Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.
Hành trang đã sẵn sàng, lời từ biệt đã nói xong, Từ Hải dứt áo ra đi. Ở đây, ta thấy được sự dứt khoát và quyết tâm lên đường của Từ Hải. Hình ảnh cuối cùng, Nguyễn Du xây dựng bằng nghệ thuật ẩn dụ, mượn hình ảnh “chim bằng” trong văn chương cổ điển đại diện cho tự do và công lý, khiến Từ Hải mang vẻ đẹp của một người anh hùng có lí tưởng cao đẹp, phi thường mang tầm vóc vũ trụ . Đó cũng là động lực, niềm tin giúp Kiều vượt khó khăn. Từ Hải là đại diện cho khát vọng tự do, công lý, đồng thời thể hiện tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du: ước mơ giải phóng con người khỏi xã hội bất công.
Bằng bút pháp lãng mạn, Nguyễn Du đã xây dựng hình tượng Từ Hải với khát vọng và lý tưởng của bậc anh hùng mang vẻ đẹp phi thường. Với ngôn ngữ tinh tế, chắt lọc, Nguyễn Du đã xây dựng hình mẫu lý tưởng, nhân vật mang khí chất và bản lĩnh đẹp đẽ trong tác phẩm Truyện Kiều .
-HẾT-
Để học tốt, bên cạnh bài Phân tích khát vọng và lí tưởng anh hùng của Từ Hải qua đoạn trích Chí khí anh hùng, các em có thể tham khảo thêm những bài văn mẫu đặc sắc khác như: Soạn bài Chí khí anh hùng (Trích Truyện Kiều), Nghị luận về nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng, Phân tích hình tượng anh hùng Từ Hải trong Chí khí anh hùng, Cảm nhận về đoạn Chí khí anh hùng.
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-khat-vong-va-li-tuong-anh-hung-cua-tu-hai-qua-doan-trich-chi-khi-anh-hung-48000n.aspx
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!