Dàn ý phân tích truyện Chiếc thuyền ngoài xa | Văn mẫu 12

Tài liệu hướng dẫn lập dàn ý phân tích truyện Chiếc thuyền ngoài xa, gợi ý cách làm, phân tích đề, sơ đồ tư duy kèm một số bài văn mẫu tham khảo phân tích nội dung tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu).

Hướng dẫn lập dàn ý phân tích truyện Chiếc thuyền ngoài xa

1. Phân tích đề

– Kiểu bài: dạng bài nghị luận văn học (phân tích tác phẩm)

– Vấn đề nghị luận: nội dung, nghệ thuật của truyện Chiếc thuyền ngoài xa

– Phạm vi dẫn chứng, tư liệu: các căn cứ, hình ảnh, chi tiết,… thuộc phạm vi văn bản Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.

2. Xác lập luận điểm, luận cứ

Luận điểm 1: Hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng

+ Phát hiện “cảnh đắt trời cho”

+ Phát hiện bức tranh cuộc sống đầy nghịch lí

Luận điểm 2: Câu chuyện của người đàn bà hàng chài ở toà án huyện

+ Chị chấp nhận đánh đổi tất cả để không phải bỏ chồng

+ Nguyên nhân chị không chịu bỏ chồng

+ Chị kể về chồng bằng tất cả tình yêu và sự thấu hiểu

Luận điểm 3: Tấm ảnh được chọn

+ Bức ảnh tuyệt bích được chọn in trong tấm lịch năm ấy

+ Ý nghĩa biểu tượng của bức ảnh

>>> Tham khảo hướng dẫn soạn bài Chiếc thuyền ngoài xa ngắn gọn nhất

3. Sơ đồ tư duy

Sơ đồ tư duy phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa

4. Chi tiết dàn ý phân tích Chiếc thuyền ngoài xa

a) Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm

– Nguyễn Minh Châu là một trong số “những nhà văn mở đường tài hoa và tinh anh nhất”. Ông không ngừng trăn trở về số phận nhân dân và trách nhiệm của nhà văn, luôn thiết tha truy tìm những hạt ngọc ẩn giấu nơi bề sâu tâm hồn.

Chiếc thuyền ngoài xa in trong tập Bến quê đem đến cái nhìn đúng đắn về cuộc sống và con người.

b) Thân bài

* Hai phát hiện của nghệ sĩ nhiếp ảnh

– Phát hiện “cảnh đắt trời cho”:

+ Phùng là người say mê nghệ thuật trong một thoáng nhìn anh đã phát hiện ra cảnh đắt trời cho để chớp lấy

  • Nhận xét “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”, một vẻ đẹp đơn giản và toàn bích. Đây là cảnh tượng kì diệu của thiên nhiên, cuộc sống khi nhìn từ xa.
  • Phùng bối rối trước cái đẹp: “trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”, nhận ra rằng “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”. Đó là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ khi bắt gặp cái đẹp, anh nhận ra vai trò thực sự của nghệ thuật.

– Phát hiện bức tranh cuộc sống đầy nghịch lí:

+ Từ chiếc thuyền nhỏ đẹp đẽ vừa rồi, Phùng nhận thấy:

  • Người đàn bà thô kệch xấu xí, mặt đầy sự mệt mỏi bước ra và một lão chồng với tấm lưng rộng, mái tóc tổ quạ, đôi mắt độc dữ cùng bước ra từ con thuyền.
  • Lão chồng “dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà”, “vừa đánh vừa nguyển rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn”.
  • Trong khi ấy, người đàn bà chỉ cam chịu, không kêu van, hay chống trả, chạy trốn.

+ Thái độ của Phùng: “kinh ngạc đến mức trong mấy phút đầu, tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn” -> Phùng ngỡ ngàng nhận ra bản chất thực sự của cái đẹp anh vừa bắt được.

=> Đừng nhầm lẫn giữa hiện tượng bên ngoài và bản chất bên trong.

* Câu chuyện của người đàn bà hàng chài ở toà án huyện

– Khi chánh án Đẩu đề nghị chị nên li hôn, chị ta van xin “con lạy quý tòa… đừng bắt con bỏ nó”

– Chị đưa ra những lí do khiến chị không chịu bỏ chồng:

+ Người đàn ông bản chất vốn không phải kẻ vũ phu, độc ác, anh ta chỉ là nạn nhân của cuộc sống đói khổ.

Đọc thêm:  Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng - tác giả, nội dung, bố cục, tóm

+ Với những con người hàng chài, người đàn ông chính là trụ cột của cả gia đình.

+ Chị không thể một mình nuôi nấng trên dưới 10 đứa con.

+ “trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái vui vẻ, hòa thuận”.

– Chị kể về chồng bằng tất cả tình yêu và sự thấu hiểu:

+ Chồng chị vốn là “một người đàn ông cục tính nhưng hiền lành lắm”, chả đánh đập vợ bao giờ.

+ Cuộc sống ngày càng trở nên nghèo khổ, vất vả, cơ cực và túng quẫn, người đàn bà thì đẻ nhiều nên thuyền ngày một chật đi, chính vì thế nên chồng chị mới ngày càng trở nên độc dữ.

=> Qua câu chuyện và thái độ của người đàn bà, có thể nhận thấy người đàn bà là hiện thân cho kiếp người bất hạnh bị cái đói khổ, cái ác và số phận đen đủi dồn đến chân tường. Nhưng ở chị ta lại có một tâm hồn vị tha, tình yêu thương tha thiết và là người từng trải, sâu sắc.

– Thái độ của chánh án Đẩu và nhiếp ảnh Phùng khi người đàn bà quyết không bỏ chồng:

+ Cả hai đều thấy giận dữ và bất bình

+ Nhưng sau khi nghe tâm sự của chị, anh ta thấy như có “một cái gì vừa mới vỡ ra”.

-> Ban đầu, họ quen nhìn đời bằng con mắt đơn giản một chiều (nghĩ đơn giản rằng những kẻ đi theo ngụy là xấu “lão ta hồi 75 có đi lính ngụy không?”), chỉ biết qua lí thuyết sách vở, không sẵn sàng đối mặt với nghịch lí cuộc đời.

=> Người đàn bà có cái nhìn khác hẳn với Phùng và Đẩu bởi chị không chỉ nhìn thấy cái bên ngoài mà còn phát hiện ra cái bản chất, cái cốt lõi bên trong.

=> Bài học rút ra: phải có cái nhìn đa diện về cuộc sống, không nhìn hiện tượng đánh giá bản chất.

* Tấm ảnh được chọn

– Nghệ sĩ Phùng vẫn mang tấm ảnh đó về tòa soạn, quả nhiên tấm ảnh đã được chọn, được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật.

– Phùng vẫn luôn nhận thấy trong bức ảnh của mình: “cái màu hồng hồng của sương mai” (biểu tượng cho nghệ thuật) và người đàn bà nghèo khổ bước ra từ bức tranh (hiện thân cho đời thực).

=> Quan niệm của tác giả về nghệ thuật : Nghệ thuật chân chính không bao giờ tách rời khỏi cuộc sống.

* Đặc sắc nghệ thuật

– Xây dựng tình huống truyện đặc sắc, cốt truyện hấp dẫn

– Nghệ thuật khắc họa nhân vật sắc sảo

– Điểm nhìn trần thuật linh hoạt

– Giọng điệu chiêm nghiệm, suy tư, trăn trở phù hợp với tình huống nhận thức.

c) Kết bài

– Nêu cảm nhận của em về tác phẩm : Tác phẩm đã đem đến bài học về cách nhìn cuộc sống và con người: phải nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện bản chất đằng sau vẻ bề ngoài của hiện tượng.

Bài văn mẫu hay phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa

Nguyễn Minh Châu “là một trong số những nhà văn mở đường tinh anh và tài năng nhất của văn học”. Trước cách mạng sáng tác của ông thiên về khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, sau cách mạng bằng sự tìm tòi, đổi mới, ngòi bút của ông hướng hẳn vào những vấn đề thế sự, đời tư, đi sâu vào cuộc sống của con ngươi. Chiếc thuyền ngoài xa khai thác sâu sắc số phận cá nhân và thân phận con người trong cuộc sống muôn mặt đời thường. Tác phẩm mang đặc trưng phong cách sáng tác của ông sau cách mạng.

Mở đầu tác phẩm là một khung cảnh tuyệt mĩ, là cảnh đắt trời cho với chiếc thuyền mơ mộng, thanh bình trong khung cảnh bầu trời sương lãng đãng, lại pha chút hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Cùng với đó là vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im như tượng trên chiếc mui khum khum đang hướng mặt vào bờ. Quả thực đây là bức họa kì diệu, mĩ lệ mà tạo hóa đã ban tặng cho con người. Khung cảnh này là khung cảnh mà bất cứ người nghệ sĩ nào cũng mong muốn bắt gặp một lần trong đời làm nghệ thuật của mình. Trước khung cảnh ấy, sao người nghệ sĩ có thể không rung động, Phùng cảm thấy tâm hồn mình được thanh lọc, gột rửa và một niềm hạnh phúc trào dâng trong lòng. Phùng vừa hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên giao cho, nhưng hơn cả là Phùng đã tìm thấy tuyệt tác nghệ thuật.

Đọc thêm:  Tập làm văn lớp 5: Tả người ông đáng kính của em Dàn ý & 29 bài

Nhưng đằng sau bức tranh tuyệt đẹp đó là sự thật đau lòng đến đáng kinh ngạc. Hiện thực trần trụi mở ra trước mắt Phùng, người đàn bà xấu xí, mặt rỗ, đi sau là người đàn ông cao lớn, dữ dằn, tấm lưng rộng và cong như lưng của một chiếc thuyền… Thì ra đằng sau cái đẹp tuyệt mĩ mà Phùng vừa mới phát hiện lại là khung cảnh vô cùng tàn nhẫn, nơi mà bạo lực gia đình diễn ra hết sức khủng khiếp. Người đàn bà cam chịu, nhẫn nhục lẳng lặng đi trước, còn người đàn ông đi phía sau, không nói một lời, nhưng bỗng nhiên trở nên hùng hổ, mặt mũi đỏ gay dùng ngay chiếc thắt lưng vụt tới tấp vào người vợ. Trước khung cảnh ấy người nghệ sĩ Phùng“kinh ngạc đến thẫn thờ”, “mấy phút đầu cứ đứng há mồm ra mà nhìn”, “chết lặng”… Khung cảnh ấy đã cho nghệ sĩ Phùng nhận thức đầy đủ và chân thực hơn về cuộc sống: cuộc sống vốn không đơn giản, xuôi chiều mà chứa đựng rất nhiều nghịch lí, trong cuộc sống luôn tồn tại cả xấu – tốt, đúng – sai, rồng phượng, rắn rết. Bởi vậy, khi nhìn nhận bất cứ vấn đề nào cũng phải nhìn sâu, nhìn kĩ, đừng vội vã đánh giá sự vật hiện tượng qua vẻ bề ngoài của nó.

Nếu như đầu tác phẩm người đàn bà hàng chài mới chỉ hiện lên ở những nét vẽ hết sức sơ xài, thì trong cuộc gặp gỡ ở toàn án huyện chân dung và số phận của chị đã được thể hiện rõ nét hơn. Người đàn bà hàng chài xuất hiện tại tòa án huyện là do anh đã vào can ngăn người chồng đánh lại chị. Tuy nhiên anh đã bị thương, sau lần đó, anh quyết định nhờ đến sự can thiếp của Đẩu – người đại diện cho công lí, pháp luật để giúp đỡ người phụ nữ khốn khổ này.

Người đàn bà chạc ngoài bốn mươi tuổi, thân hình thô kệch, cao lớn, khuôn mặt xấu xí, lại bị rỗ mặt do một trận ốm. Người đàn bà xuất hiện trong tư thế sợ sệt, lúng túng, vì vốn quen với môi trường sông nước, lạ lẫm khi bước vào căn phòng toàn bàn ghế, giấy tờ…. Chị ngồi thu mình ở mép ghế, lo lắng, sợ hãi. Chị sợ sự xuất hiện của mình gây phiền hà, vướng víu cho người khác. Trên gương mặt chị không biểu lộ bất cứ điều gì, bình yên và phẳng lặng, nếu ta không có tìm hiểu có lẽ sẽ không bao giờ biết hết được về người đàn bà này.

Thật nhẹ nhàng và bình thản chị kể về câu chuyện cuộc đời mình. Chị vốn được sinh ra trong một gia đình khá giả ở phố buôn bán những vật dụng phục vụ nghề chài lưới nhưng lại không được ưu ái về nhan sắc, sau một trận đậu mùa mặt bị rỗ chằng chịt. Chị gặp gỡ và lấy được người chồng hiện tại. Cuộc sống gia đình bắt đầu rơi vào bi kịch khi họ sinh nhiều con, cuộc sống trên thuyền chật chội, bấp bênh, họ rơi vào cảnh cùng túng, quẫn bách. Anh chồng vốn hiền lành trở nên cục cằn, dữ dằn, thường lôi chị ra đánh. Chị chính là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Nhưng đằng sau vẻ ngoài xấu xí ấy, còn là một người có nội tâm sâu sắc, một tâm hồn đẹp, nhân hậu. Trước hết người đàn bà hàng chài là một người thấu hiểu sâu sắc lẽ đời. Chị không muốn bỏ chồng vì thứ nhất chị làm nghệ hàng chài, trên một chiếc thuyền của gia đình thì không thể thiếu vai trò của người đàn ông, nhất là khi biển động. Thứ hai một mình chị không thể gồng hành gánh nặng mưu sinh cho chín mười người con. Đối với chị hạnh phúc là khi được nhìn chúng ăn no. Thứ ba, cũng có đôi lúc trên thuyền vợ chồng chị cùng con cái quây quần, hạnh phúc, dù ít ỏi những nó cũng phần nào xoa dịu nỗi đau về thể xác sau mỗi lần bị chồng đánh.

Đọc thêm:  Trình bày sự chuyển biến trong tình cảm của cái tôi trữ tình

Không chỉ vậy, chị còn là người có tấm lòng nhân hậu, bao dung. Tất cả mọi người đều đề xuất giải pháp từ chối, tẩy chay gã đàn ông, riêng chị thì không. Chị sẵn sàng đứng im chịu trận, không chống trả, không bỏ chạy. Rất thấu hiểu chồng, thông cảm cho chồng. Và đẹp đẽ nhất chính là đức hi sinh, tình yêu thương con sâu sắc. Chị sẵn sàng chịu những trận đòi ròn của chồng để đàn con được ăn no, ngủ yên. Lo thằng Phác sẽ có những hành động sai trái, chị gửi nó lên ở với ông ngoại, để nó không nhìn thấy bố đánh mẹ, để nó khỏi đau lòng và không có những hành động trái với luân thường đạo lí. Đối với chị niềm vui, niềm hạnh phúc rất đơn giản, là khi gia đình hòa thuận, khi nhìn thấy lũ trẻ được ăn no. Chị yêu con, thương con, mong con khôn lớn nhưng không thể bảo vệ được tâm hồn của các con. Người đàn bà hàng chìa hiện ra là hình ảnh đại diện cho những con người vô danh, nghèo khổ, lam lũ nhưng lại có vẻ đẹp tâm hồn đáng quý khiến họ trở nên không hề nhỏ bé mà là hiện thân của những gì đẹp đẽ nhất.

Bên cạnh người đàn bà hàng chài, ta cũng không thể không nhắc đến Phùng, một người nghệ sĩ tài hoa, nhạy cảm trước cái đẹp. Khi phát hiện ra cảnh đắt trời cho, trong lòng anh xúc cảm trào dâng: rung động, tâm hồn được thanh lọc, hạnh phúc tràn ngập tâm hồn, lôi máy ảnh ra bấm liên thanh…

Không chỉ vậy anh còn là người có trách nhiệm, có tấm lòng với cuộc đời và con người. Khi chứng kiến cảnh bạo hành, anh sẵn sàng vứt chiếc máy ảnh xuống để giúp đỡ người phụ nữ tội nghiệp. Lần thứ hai can thiệp anh đã bị thương và vì vẫn còn lo lắng cho người phụ nữ kia anh đã nhờ đến sự giúp đỡ của chánh tòa án huyện. Ngoài ra, anh còn là người nghệ sĩ luôn trăn trở với thiên chức nghề nghiệp của mình. Anh phát hiện ra cái đẹp tuyệt mĩ, nhưng đằng sau cái đẹp lại là cái xấu, là hiện thực trần trụi. Chiếc thuyền ngoài xa chính là hình ảnh cuộc đời khi nhìn ở xa, khi quan sát với cái nhìn hời hợt. Bởi vậy, cần nhìn nhận con người, sự việc thấu đáo, toàn diện. Cùng với đó là bức tranh xuất hiện cuối tác phẩm, đem đến cho người nghệ sĩ Phùng một chiêm nghiệm khác chính là nghệ thuật phải gắn liền với cuộc sống, không được xa rời cuộc sống và phải quay trở về để phục vụ cuộc sống.

Với sự cách tân đổi mới trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật Nguyễn Minh Châu đã tạo nên tác phẩm xuất sắc. Không lấy những người hùng làm nhân vật trung tâm mà đi sâu tìm tòi, phát hiện vẻ đẹp ở những con người bình thường. Tác phẩm cũng là những đúc kết thấu đáo về nghệ thuật và con người: về con người, phải nhìn nhận đa chiều, đa diện, không nên đánh giá phiến diện, một chiều; về nghệ thuật: nghệ thuật chân chính phải gắn liền với cuộc đời, xuất phát từ cuộc đời và quay trở lại phục vụ cho cuộc đời.

-/-

Các bạn vừa tham khảo những hướng dẫn chi tiết trong cách lập dàn ý phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu). Trong quá trình làm một bài phân tích hoàn chỉnh, các bạn có thể tìm hiểu và đọc qua một số bài văn mẫu hay phân tích truyện Chiếc thuyền ngoài xa để mở rộng ý hoặc vận dụng thêm những kiến thức đã được học trên lớp về tác phẩm. Chúc các bạn làm bài tốt !

Tuyển tập Văn mẫu hay lớp 12 / Đọc Tài Liệu

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button