Phân tích tác phẩm Đô-Xtôi-Ép-Xki của Xvai-Gơ – Đọc Tài Liệu

Phân tích tác phẩm Đô-xtôi-ép-xki – Hướng dẫn lập dàn ý và một số bài văn mẫu tham khảo phân tích đoạn trích Đô-Xtôi-Ép-Xki của tác giả X.Xvai-Go.

Dàn ý chi tiết

I. Mở bài

– Giới thiệu tác giả Xte-phan Xvai-gơ, tác phẩm và nhà văn Đô-xtoi-ép-xki: Trong số đó có bức chân dung của Đô-xtoi-ép-xki, bức phác thảo cho ta hiểu rõ về số phận của một nhà văn đầy khốn khổ.

II. Thân bài

1. Cuộc đời của nhà văn Đô-xtôi-ép-xki

* Nỗi khổ về vật chất và tinh thần:

– Nỗi khổ về vật chất: điều kiện sống khốn cùng

+ Thân thể sống leo lét.

+ Không có tiền phải cầu xin “xa lạ, thấp hèn”.

+ Không có tiền phải cầm cố “biết bao lần phải quỳ gối”, “cầm chiếc quần đùi cuối cùng”, “tiếng khóc tuyệt vọng xé ruột”….

+ Điều kiện sống quẫn bách đủ đường: vợ rên rỉ trong cơn đau đẻ, chủ nhà dọa gọi cảnh sát, bà đỡ đẻ đòi tiền, bản thân bị bệnh…

– Nỗi khổ về tinh thần:

+ Xa lạ với mọi người.

+ Bị lưu đày khỏi quê hương trong khi lòng ông ngày đêm mong muốn được sống với quê hương: “trái tim chỉ đập vì nước Nga”.

=> Là nhà văn có số phận nghiệt ngã không kém gì các nhân vật do ông tạo ra.

2. Nghị lực lao động của nhà văn Đô-xtôi-ép-xki

– Là một nhà văn lao động không biết mệt mỏi:

+ Trong hoàn cảnh khó khăn nhất, ông vẫn cho ra đời hàng loạt những tác phẩn văn học đồ sộ xuất sắc: Tội ác và trừng phạt, Lũ người quỷ ám, Anh em nhà Ka-ra-ma-zốp….

+ “Lao động là sự giải thoát và là nỗi thống khổ của ông”.

– Là một nhà văn yêu lao động:

+ Các tác phẩm chính là “rượu ngọt làm ông ngây ngất”, là “niềm hoan lạc lớn nhất đời ông”.

=> Ông là nhà văn lao động không biết mệt mỏi, bất chấp hoàn cảnh khó khăn và thân thể bệnh tật.

3. Đô-xtôi-ép-xki là một nhà văn vĩ đại, nhận được sự trân trong yêu mến của mọi người

– Tài năng và lòng nhiệt thành của nhà văn cuối cùng được nhìn nhận, ông được trở về với nước Nga.

– Cái chết xúc động dữ dội trong mọi tầng lớp nhân dân:

+ Một cơn run rẩy toàn nước Nga; “một phút đau đớn câm lặng, rồi cùng một lúc, không thỏa thuận trước, từ các thành phố xa xôi nhất, các đoàn đâị biểu kéo đến để viếng ông. Một làn sóng yêu thương cuồng nhiệt dâng lên từ mọi nơi của thành phố ngàn tháp chuông…”

+ “Phố Thợ Rèn nơi quản linh cữu ông đen nghịt người; run rẩy, im lặng…..”

– Khát vọng của ông về một nước Nga thống nhất thành hiện thực “dười một rừng cờ và cờ hiệu phấp phới trước gió,…..; trước mộ ông còn để ngỏ, tất cả các phái đảng đoàn kết lại trong một lời nguyền đầy yêu thương và cảm phục.”

=> “Trong giờ phút cuối cùng, ông đã cho đất nước ông một sự hòa giải chốc lát”

=> Với tất cả những gì ông làm được, ông xứng đáng là nhà văn vĩ đại của nước Nga và tình cảm của nhân dân đã chứng minh điều đó.

III. Kết bài

– Ý nghĩa của tác phẩm và của hình tượng nhà văn Đô-xtoi-ép-xki: Qua bài văn của Xvai-gơ chúng ta có cái nhìn sâu sắc và trọn vẹn hơn về một nhà văn vĩ đại.

Tham khảo thêm: Hướng dẫn soạn bài Đô-xtoi-ép-xki ngắn gọn và đủ ý nhất

Văn mẫu hay phân tích tác phẩm Đô-xtôi-ép-xki

Phân tích Đô-xtoi-ép-xki – Mẫu số 1:

Nhà văn người Áo Xte-phan Xvai-gơ, ngoài những tác phẩm văn học, ông còn có những phác thảo chân dung các nhà văn bậc thầy của thế giới. Qua bản phác thảo của ông, chân dung và phong cách của các nhà văn này hiện lên trong lòng người đọc một cách rõ ràng và gần gũi. Trong số đó có bức chân dung của Đô-xtôi-ép-xki, bức phác thảo cho ta hiểu rõ về số phận của một nhà văn đầy khốn khổ nhưng cũng đầy vinh quang của nước Nga.

Nhắc đến Đô-xtôi-ép-xki, là nhắc đến một thiên tài tâm lí, một nhà nhân văn sâu sắc và là một nghệ sĩ lớn. Ông để lại cho nhân loại những tác phẩm được coi là di sản văn hóa, với câu nói nổi tiếng của ông “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” ông đã khẳng định giá trị của nghệ thuật trên con đường nhân đạo hóa đời sống con người. Bài viết của Xvai-gơ phác họa rõ nét chân dung Đô-xtôi-ép-xki và những chấn động lớn lao ông đem lại trong thời đại của mình.

Đọc thêm:  Dàn ý phân tích nhân vật ông Giáo trong truyện ngắn Lão Hạc

Mở đầu là hình ảnh về cuộc sống cùng quẫn, đói nghèo của Đô-xtôi-ép-xki khi ông sống lưu vong ở nước ngoài. Vì có những tư tưởng tự do, dân chủ mà ông đã từng bị Nga hoàng kết án tử hình, sau đó buộc phải sống lưu vong. Cuộc sống của ông khi đó là một cuộc sống leo lét, cô độc và đầy tủi nhục, ông sống như người vô danh, không ai biết đến, không một ai trò chuyện. Cuộc sống của ông tuyệt vọng vì thiếu thốn: ngày ngày chờ đợi ở ngân hàng tờ séc một trăm rúp, trở thành người khách chuyên cần của hiệu cầm đồ. Ông sống trong sự chế nhạo và giễu cợt khi các nhân viên ngân hàng ra mặt chế giễu lão điên nghèo là ông, trong sự chờ đợi vĩnh viễn của ông. Khó có thể nghĩ đó là một cuộc sống bởi vì là sống tại sao lại khổ đến thế, sống mà luôn phải cúi mình nhịn nhục, van xin và than thở “tiếng tuyệt vọng kêu xé ruột”, hơn nữa cuộc sống ấy lại luôn trong tình thế bất an, đầy trắc ẩn khi hoàn cảnh vợ con nheo nhóc, ốm đau và bệnh tật triền miên. Đây đích thực là kiếp đày đọa chứ không phải cuộc sống, sự đày đọa ở xứ sở xa lạ, giữa giống người chấy rận, cuộc sống của Đô-xtôi-ép-xki ngột thở và cùng quẫn như ở trong lao ngục.

Thành quả của sự chịu đựng đớn đau và tuyệt vọng của ông đã mang lại tột đỉnh của vinh quang, mà cội nguồn của vinh quang ấy lại chính là tình yêu tổ quốc. Xvai-gơ đã khẳng định về Đô-xtôi-ép-xki rằng: “Trái tim ông chỉ đập vì nước Nga”, nước Nga chính là tiếng gọi vĩnh cửu của niềm tuyệt vọng trong ông, ông luôn luôn cố gắng và mong mỏi có được ngày trở về đất nước. Ông làm việc suốt đêm trong khi phòng bên cạnh vợ ông đang rên rỉ đau đẻ, lúc bấy giờ, lao động đối với ông chính là sự giải thoát về cả vật chất và tinh thần, giải thoát khỏi số phận lưu đày và tìm đường quay trở về tổ quốc. Lao động đã đem lại niềm vui và sự vui sướng, mê say cho cuộc đời ông, là rượu ngọt làm ông ngây ngất, niềm hân hoan, khoái lạc nhất của ông. Quá trình lao động kiên trì và mãnh liệt ấy đã mang lại một khối lượng tác phẩm văn học đồ sộ của thế kỉ XIX, theo đánh giá của Xvai-gơ, các tác phẩm đó là: Tội ác và trừng phạt, Lũ quỷ người ám, Nhật kí của một nhà văn, Anh em nhà Ka-ra-ma-dốp – một cuốn sách nghệ thuật hoàn hảo nhất. Cuối cùng Đô-xtôi-ép-xki được trở về nước Nga khi ông 52 tuổi, sự nghiệp và giá trị các tác phẩm của ông được toàn nước Nga công nhận, ông đã vươn lên và rực sáng ngời ngời.

Tuy nhiên thời khắc Đô-xtôi-ép-xki đón nhận vinh quang qua đi rất nhanh bởi ông cũng nhanh chóng đi về cõi vĩnh hằng. Trên khắp nước Nga, người người đề tiếc thương cho ông, phút đau đớn câm lặng lan tỏa thành một làn sóng yêu thương cuồng nhiệt, mọi người lấy đi hết những bông hoa trong lễ tang ông để làm kỉ niệm. Sau đám tang của Đô-xtôi-ép-xki, cách mạng nổ ra, chế độ phong kiến đã đến lúc phải bị xóa bỏ, phải chăng tư tưởng tự do dân chủ và đoàn kết của Đô-xtôi-ép-xki cũng góp phần vào trong cuộc cách mạng ấy.

Qua bài văn của Xvai-gơ chúng ta có cái nhìn sâu sắc và trọn vẹn hơn về một nhà văn vĩ đại, đó là con người không vì những đau khổ mà quên đi tổ quốc của mình, một người mang trong mình trái tim luôn đập vì tổ quốc và vì số phận con người. Tác phẩm và tư tưởng của nhà văn vĩ đại đã đụng chạm tới những vấn đề của con người, của nhân loại và những vấn đề chung mà ai cũng có thể đồng cảm, chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm: Phân tích và cảm nhận về chân dung Đô-xtôi-ép-ki

Đọc thêm:  Dàn ý gươm thần là một nhân vật vô cùng quan trọng trong truyền

Phân tích Đô-xtoi-ép-xki – Mẫu số 2:

Xvai-gơ (1881-1942) là nhà văn Áo, rất nổi tiếng với những phác thảo chân dung các nhà văn bậc thầy của thế giới như Ban-dắc, Tôn-xtôi, Đô-xtôi-ép-xki, Xtăng-đan, Đích-ken, v.v…

Mỗi bức chân dung văn học của ông để lại óng ánh sắc màu với bao hoạ tiết mang vẻ đẹp nhân văn kì diệu. “Đô-xtôi-ép-xki” là một bức chân dung văn học mang vẻ đẹp nhân văn kì diệu đó, mà màu thời gian không thể phủ mờ.

Năm Đô-xtôi-ép-xki bước sang thế giới bên kia (1821-1881) thì cũng là năm Xvai-gơ cất tiếng chào đời (1881-1942), thế nhưng khi đọc Xvai-gơ, ta cứ ngỡ hai nhà văn này đang đồng hành, đang lầm lũi trên những nẻo đường từ Anh sang Pháp, từ Ý sang Đức, rồi trở về Pê-téc-bua nước Nga…. Cả hai đã và đang “sống giữa giống chấy rận trước khi vươn lên ánh sáng rực rỡ của niềm vinh quang đời đời”.

Xvai-gơ đã dùng những lời tốt đẹp nhất, những gam màu đậm nhất, những đường nét sắc sảo nhất khi phác hoạ chân dung Đô-xtôi-ép-xki.

Như nhiều độc giả đã biết, Đỏ-xtôi-ép-xki đã cùng vợ trốn sang Đức, Pháp, Anh, Ý…, sống “leo lét” trong một thế giói xa lạ. Sống trong bần cùng cơ cực, lúc thì đứng chực, “đứng chờ” ở cửa tò vò ngân hàng, “ngày lại ngày và với một giọng nói cảm động hỏi xem nước Nga tờ séc của ông cuối cùng đã đến chưa”..một trăm rúp, cái món tiền nhỏ nhoi bán bản thảo mà ông đã “bao nhiêu lần quỳ gối trước những người xa lạ và thấp hèn” Nhiều nhà xuất bản vụ lợi đã lừa ông; các nhân viên ngân hàng thì chế nhạo ông là “lão điên nghèo”. Để có tiền đánh một cái điện về Xanh Pê-téc-bua, ông phải đến hiệu cầm đổ để cầm cố “cái quần dài cuối cùng”. Còn trong thư từ của ông gửi đi, người ta tìm thấy “một tiếng kêu tuyệt vọng xé ruột”.

Sự khốn cùng và hoạn nạn có lúc đã dồn Đô-xtôi-ép-xki đến bên bờ vực thẳm của địa ngục. Ông trằn lưng ra, vắt óc ra làm việc suốt đêm khi vợ rên rỉ trong cơn đau đẻ, khi cơn động kinh “chộp họng ông”; chủ nhà không được trả tiền đe doạ gọi cảnh sát; bà đỡ đòi tiền nợ… “Hoạ vô dơn chỉ”, đứa con gái sinh ra chỉ được vài ngày thì qua đời, Đô-xtôi-ép-xki gần như phát điên lên.

Xvai-gơ chỉ chấm phá một vài nét mà làm nổi bật lên một màn đen u ám cứ cuộn tròn lấy, bám riết lấy chân dung Đô-xtôi-ép-xki, làm cho người xem, người đọc cảm thấy tức thở, nước mắt cứ trào ra. Xvai-gơ đã khéo léo chọn chi tiết điển hình để “điểm nhãn” bức chân dung nhà văn Nga mà ông đang phác hoạ.

Hô-ra-xơ xa xưa đã nói: “Sự khốn khó có tác dụng khơi dậy tài năng mù trong cành giàu sang nó đã ngủ yên”. Đô-xtôi-ép-xki đã không gục ngã trước mọi éo le và sự khốn cùng; chính trong bóng đêm cuộc đời, tài năng ông đa thắp sáng, “đã tạo hình cho tất cả thế giới tinh thần của chúng ta” với bao kiệt tác văn chương “những tác phẩm đồ sộ của thế kỉ XIX”, chỉ nhắc lại tên, bao thế hệ độc giả gần xa trên trái đất đã cúi đầu ngưỡng mộ: Tội ác và trừng phạt, Thằng ngốc. Lũ người quỷ ám, Con bạc… Văn nghiệp của Đô-xtôi-ép-xki gồm 30 tác phẩm “chồng cao quá đầu người”.

Xvai-gơ đã viết nên những dòng văn cô đọng, chất triết lí toá sáng một tâm hồn thơ: “Lao động là sự giải thoát và là nỗi thống khổ của ông: nhớ nó mà ông sống trong Tổ quốc mình”. Kẻ li hương nghèo khổ, nguồn vui duy nhất là sáng tạo, sáng tạo không ngừng, sáng tạo là hạnh phúc: “Đó là rượu ngọt làm ông ngây ngất; đó là niềm hoan lạc lớn nhất của ông” khi mỗi trang văn, mỗi tác phẩm ra đời.

Xvai-cơ đã thấu hiểu tâm trạng đầy bi kịch của Đô-xtôi-ép-xki. Đô-xtôi-ép-xki yêu Tổ quốc, ông nhớ nước Nga, ông muốn trở về nhưng chưa thể trở về. “Cái cọc của trại giam” năm xưa vẫn ám ảnh ông: bị án tứ hình, rồi hơn mười năm lưu đày khổ sai (1848-1859) trong đoạ đày đói rét.

Năm mươi tuổi rồi, nơi xa xứ, Đô-xtôi-ép-xki “vẫn là người không tên, kẻ bị đọa đày”, vẫn phải “tiếp tục sống giữa giống người chấy rận trước khi vươn lên ánh sáng cửa niềm vinh quang đời đời”. Phải có một nghị lực phi thường, ông mới vượt qua được, dù có lúc “những thiếu thốn đã uốn còng lưng ông”, dù nhiều năm tháng “những quả chuỳ của bệnh tật càng giáng thường xuyên hơn xuống cân não ông”. Đúng Đô-xtôi-ép-xki là một người khổng lồ trong bể khổ: “Năm mươi tuổi, nhưng ông đã chịu hàng thế kỉ dằn vặt”.

Đọc thêm:  Năm học 2021-2022: Ứng phó với dịch Covid-19, kiên trì mục tiêu

Phần tiếp theo, bức chân dung của Đô-xtôi-ép-xki được Xvai-gơ vẽ bằng gam màu sáng trong. Năm mươi hai tuổi, Đô-xtôi-ép-xki “được quyền trở về Tổ quốc”. Cũng như Giốp, con người đức hạnh trong Kinh thánh, Chúa Trời đã “ban phước lành”cho ông, “số mênh phán bảo thế là kết thúc”. Trở về Xanh Pê-tée-bua, ông trở thành “sứ giả của xứ sở mình”. Và khi “Nhật kí của một nhà văn”, tiểu thuyết “Anh em nhà Ka-ra-ma-dốp”, kiệt tác văn chương của ông chào đời, thì Tuốc-ghê-nhép, Tôn-xtôi “bị lu mờ”, cả nước Nga “đổ dồn mắt vào ông”

Qua cơn bị cực tất sẽ đến ngày thái lai, Đô-xtôi-ép-xki cũng vậy, “sau tất cả những thử thách, một giây hạnh phức tuyệt đỉnh đã được ban cho ông” đúng như vậy, ông càng thấm thía cái lẽ đời “hạt đã gieo xuống, mùa gặt sẽ vô tận”. Xvai-gơ đã dùng hình ảnh “Đức Chúa Trời ném cho ông một tia chớp” đưa Đô-xtôi-ép-xki “vào cõi vĩnh hằng”. Thật không có cách nói nào hay hơn, ý vị hơn.

Tác giả nhắc lại cái giây phút hạnh phúc nhất, vinh quang nhất trong lễ kỉ niệm ngày sinh của Pu-skin, Đô-xtôi-ép-xki “trong niềm ngây ngất của quỷ dữ, ông vung lời như sấm sét”, ông báo trưóc “sứ mệnh thiêng liêng” của sự tổng hoà giải của nước Nga. Lời phát biểu của ông đã làm cho căn phòng “rung lên trong sự bùng nổ của hoan hỉ”, đám đông cử toạ “quỳ xuống”, các bà “hôn bàn tay ông” một sinh viên “ngất xỉu dưới chân ông”,… Đó là giây phút hạnh phúc nhất của Đô-xtôi-ép-xki: “một vòng hào quang chói lọi bao quanh cái đầu của người bị hành khổ này”.

Phần cuối bài viết, Xvai-gơ đã nói về đám tang của tác giả “Tội ác và trừng phạt”, đó là ngày 10 tháng 2 năm 1881, “khi quả đã được cứu thoát, vỏ khô rụng xuống”. Cả nước Nga “run rẩy lay động”, “đau đớn câm lặng thương tiếc”; “một làn sóng yêu thương cuồng nhiệt dâng lên từ mọi nơi của thành phố ngàn tháp chuông”. Phố Thợ Rèn nơi quàn linh cữu Đô-xtôi-ép-xki “đen nghịt người” cái giường ông nằm nghỉ “đầy hoa”, đám đông người “siết chặt” quan tài ông. “Giấc mơ thiêng liêng” của Đô-xtôi-ép-xki được thực hiện. Qua đám tang ông, những người Nga đã biểu thị sự đoàn kết, và họ đã “truyền sinh khí vào tác phẩm ông”. Cả một rừng cờ và đông đảo các tầng lớp nhân dân Nga, các vị vương tôn trẻ, các giáp trưởng, công nhân, sinh viên, sĩ quan, người hầu và người hành khất “đi bên nhau khóc người quá cố rất thân thiết đối với họ”, tất cả đều “đoàn kết lại trong một lời nguyền yêu thương và cảm động”.

Cũng như Bét-thô-ven, Đô-xtôi-ép-xki qua đời “giữa dông bão” làm dấy lên “tiếng sấm của sự nổi dậy rền vang”, toàn nước Nga “bị kích động dữ dội”, và khắp đất nước “những tia chớp báo thù rạch dọc ngang”… báo hiệu một thời kì bão táp sôi sục diễn ra.

Với một lối viết trang trọng và sắc sảo, ngưỡng mộ và tiếc thương, Xvai-gơ đã phác hoạ chân dung Đô-xtôi-ép-xki tuyệt đẹp, tưởng như ông đã dựng lên một bức tượng đồng kì vĩ, đã đưa nhà văn Nga lỗi lạc này vào cõi vĩnh hằng vinh quang.

Nghị lực phi thường, tài năng lỗi lạc đã tạo nên tầm vóc vĩ đại của văn hào Đô-xtôi-ép-xki. Con người của ông, văn chương của ông mãi mãi là nguồn sáng nhân văn vô tận. Ngôi sao của Thành phố ngàn tháp chuông ngày càng lung linh toả sáng.

-/-

Các bạn vừa tham khảo mẫu dàn ý và một số bài văn mẫu hay phân tích tác phẩm Đô-xtôi-ép-xki của Xvai-gơ. Dựa vào nội dung chính của dàn ý cũng như những cách triển khai bài viết độc đáo trong bài mẫu tham khảo, các em hãy tự mình viết lại thành một bài văn hoàn chỉnh theo văn phong và ý hiểu của mình. Chúc các em đạt kết quả cao !

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button