Phát biểu cảm nghĩ về hình tượng người phụ nữ trong xã hội xưa
Đề bài: Anh chị hãy Phát biểu cảm nghĩ về hình tượng người phụ nữ trong xã hội xưa thông qua Những câu hát than thân đã được học trong chương trình Ngữ văn lớp 10.
Phát biểu cảm nghĩ về hình tượng người phụ nữ trong xã hội xưa thông qua Những câu hát than thân
I. Dàn ý Phát biểu cảm nghĩ về hình tượng người phụ nữ trong xã hội xưa thông qua Những câu hát than thân (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về những câu hát than thân: Những câu hát than thân không chỉ nói lên số phận lênh đênh chìm nổi của những kiếp người nghèo khổ, mà còn là tiếng nói thương cảm và khát khao hạnh phúc, tự do của những người phụ nữ xưa.
2. Thân bài
– Những người phụ nữ xưa có vẻ đẹp về ngoại hình+ Họ vốn ý thức được vẻ đẹp của mình+ Vẻ đẹp ấy xứng đáng được trân trọng, nâng niu…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Phát biểu cảm nghĩ về hình tượng người phụ nữ trong xã hội xưa thông qua Những câu hát than thân tại đây.
II. Bài văn mẫu Phát biểu cảm nghĩ về hình tượng người phụ nữ trong xã hội xưa thông qua Những câu hát than thân (Chuẩn)
Ca dao dân ca luôn thể hiện những cảm xúc dạt dào về cuộc đời và số phận con người. Bằng những lời thơ chân tình mà sâu sắc, những câu hát than thân không chỉ nói lên số phận lênh đênh chìm nổi của những kiếp người nghèo khổ, sống phụ thuộc trong xã hội xưa mà còn là tiếng nói thương cảm là khát khao hạnh phúc, tự do với cuộc đời của họ. Những người phụ nữ xưa hiện lên qua từng câu hát nghe sao quá đỗi đắng cay chua xót:
” Thân em như tấm lụa đàoPhất phơ giữa chợ biết vào tay ai”
Hai từ “thân em” nghe sao mà ngậm ngùi xót xa, dường như trái tim những người con gái ấy vẫn luôn xót xa, đắng cay cho thân phận nhiều tủi nhục của mình. Em vốn là tấm lụa đào đẹp đẽ, tấm lụa ấy là ẩn dụ cho vẻ đẹp sắc sảo, mềm mại và duyên dáng của người con gái đang tuổi xuân thì, nhưng số phận vốn trêu người “hồng nhan bạc mệnh”, em giờ đây như một món hàng “phất phơ” giữa chợ, mặc người mua kẻ bán, nếu may mắn gặp đúng người biết yêu thương, trân trọng thì phận đỡ trái ngang còn không phải chịu kiếp khổ cực, bi thương. Họ thật đớn đau khi ngay chính mình chẳng thể làm chủ cuộc đời mình giữa đầy rẫy những bất công, đành chấp nhận phó mặc cho số phận.
” Thân em như trái bần trôiGió dập sóng dồi biết tấp vào đâu”
Người con gái ấy ví mình “như trái bần” trôi nổi giữa dòng sông, chịu bao đoạ đày “gió dập sóng dồi”, bao biến cố làm cho thân kia héo mòn, rời rã, trôi vô định chẳng biết đâu là bến đỗ của cuộc đời. Câu ca dao cất lên nghe như tiếng khóc ai oán, thương đau giữa cuộc đời chìm nổi, hạnh phúc mỏng manh chẳng thể níu giữ, phận hẩm hiu lênh đênh một kiếp tàn lụi chẳng tia hy vọng. Họ ao ước biết bao quyền được sống là chính mình, được tự do, được vun vén hạnh phúc gia đình:
” Ước gì sông rộng một gangBắc cầu dải yếm để chàng sang chơi”
Nhưng lại bị bao kẻ khốn nạn chà đạp lên những ước muốn giản dị mà thiêng liêng ấy.
“Thân em như củ ấu gaiRuột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đenKhông tin bóc vỏ mà xemĂn rồi mới biết rằng em ngọt bùi”
Những người phụ nữ xưa hơn ai hết họ ý thức được chính mình, họ có phẩm cách và đức hạnh tốt đẹp. Trong nghèo nàn họ làm lụng vất vả kiếm sống, trong khổ đau họ vẫn gắng gượng vượt qua, sống giữa những nhơ nhớp, bon chen của cuộc đời họ vẫn giữ phẩm cách trong sạch. Họ ví mình như củ ấu gai, một sự khiêm tốn về ngoại hình như vẫn luôn có một trái tim đẹp, một tấm lòng thủy chung son sắt. Những người phụ nữ ấy xứng đáng được hạnh phúc, được chở che biết bao. Nhưng thực tại quá phũ phàng, khi mà xã hội phong kiến với quan niệm “trọng nam khinh nữ” ngày càng lớn, họ bị xem nhẹ, rẻ rúng, khinh thường. Những kẻ tai to mặt lớn “năm thê bảy thiếp” khiến bao người phải chịu kiếp chồng chung, làm lẽ chẳng được yêu thương coi trọng.
” Thân em như hạt mưa saHạt vào giếng nước, hạt ra ruộng cày”
Chao ôi, còn gì tội nghiệp hơn thế cho những số kiếp đáng thương kia. Những hạt mưa, những hạt mưa mang màu nước mắt của số phận. Người may mắn vào giếng nước có thể được nâng niu, kẻ hẩm hiu phải chịu kiếp lưng trần giữa ruộng đồng.
” Thân em như giếng giữa đàngNgười khôn rửa mặt, người phàm rửa chân”
Càng nghĩ càng tủi cực, đớn đau. Càng buồn càng thổn thức, xót xa, ngậm ngùi. Những người phụ nữ vốn đã yếu đuối lại chịu nhiều những vất vả, họ cũng cần được yêu thương được trân trọng từ mọi người, đặc biệt là người đầu ấp tay gối với mình. Vậy mà thứ hạnh phúc nhỏ nhoi ấy cũng phải chia năm sẻ bảy cho người. Hồ Xuân Hương cũng từng thốt lên tiếng thơ đã diết mà phẫn uất cho số phận đó:
“Chém cha cái kiếp lấy chồng chungKẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”
Suốt một đời chăm sóc cung phụng cho chồng, cho con, vậy mà nào có được chút yêu thương tử tế:
“Năm nay em đi làm dâuThân khác gì trâu mang theo áchNăm nay em đi làm vợThân mang cày, dây khiến không biết ai?Em đi làm dâu không có mùa nghỉ, chỉ có mùa làm.”
Họ vẫn phải một nắng hai sương dầm mưa dãi nắng, vẫn quần quật như con trâu cày ruộng suốt năm này qua năm khác, tháng này qua tháng khác. Chút san sẻ từ chồng cũng chẳng có, đành ngậm ngùi chấp nhận dẫu đêm về rơi nước mắt đau thương.
Những người phụ nữ xưa có thân phận nhỏ bé đến tội nghiệp, họ có sắc đẹp, có tài năng và phẩm giá vậy mà vẫn chẳng thể sống được trọn vẹn hạnh phúc. Ta vẫn đau đáu trước bao số kiếp trong thơ ca cũng chính là hiện hữu cho những kiếp người trong xã hội cũ. Đó là phận nàng Kiều tài hoa bạc mệnh, là Vũ Nương thủy chung son sắt vẫn phải chịu cái chết oan khiên, là Hoạn Thư- nạn nhân của cuộc sống vợ chồng không tình yêu,…và đầy rẫy những số kiếp đau thương khác. Thật đớn đau đến nghẹn lòng cho bao thân phận đắng cay, bị những bất công ngang trái hủy hoại đến tận cùng.
Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển con người cũng ngày càng được tự do và bình đẳng hơn. Những người phụ nữ ngày càng tự lập và tài năng, khẳng định được vị trí và vai trò quan trọng của mình. Họ trở thành những doanh nhân thành đạt, những nhà giáo ưu tú, những người lãnh đạo tài ba. Họ xây dựng gia đình hạnh phúc, cùng chồng con xây đắp cuộc sống vui vẻ, đầm ấm, an nhiên. Điều đó thật đáng quý và đáng mừng biết bao. Tuy nhiên, đâu đó,vẫn còn tồn tại những kẻ giữ quan niệm xưa mà làm nên bao điều tội lỗi. Là những kẻ sẵn sàng bỏ đi đứa con mình của mình vì dòng máu ấy không phải là đứa con trai nối dõi, vẫn còn những kẻ đang tay đánh đập vợ con tàn nhẫn mà không chút bận tấm. Và đâu đó, vẫn còn bao người chồng tệ bạc, ngoại tình phụ bạc người con gái mình yêu khiến họ phải chịu nhiều tổn thương, tủi nhục và thậm chí tìm đến cái chết để giải thoát. Những điều ấy thật đáng phê bình và lên án.
Đọc những câu hát than thân về người phụ nữ trong xã hội xưa mới thấy được bao nỗi lòng của họ. Những tiếng lòng thổn thức, đau đến xé lòng, mỗi câu thơ cất lên mang cả những phẫn uất, đau thương và cả những khát khao hạnh phúc. Văn học Việt Nam đã trở nên quý giá biết bao khi có được sự đóng góp những vần thơ dân gian đẹp đẽ và chứa chan tinh thần nhân văn cao đẹp ấy.
-HẾT-
Ca dao than thân là những tâm sự thầm kín, xót xa của người phụ nữ khi bị vây hãm trong những định kiến, bất công, hủ tục của xã hội xưa, tìm hiểu về tình cảnh và thân phận người phụ nữ, bên cạnh bài Phát biểu cảm nghĩ về hình tượng người phụ nữ trong xã hội xưa thông qua Những câu hát than thân, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích những câu Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa, Phân tích những nét tương đồng giữa những câu hát than thân và bài thơ Bánh trôi nước, Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân, Cảm nhận của em về số phận người phụ nữ qua các câu ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa. Thông qua hình tượng người phụ nữ dưới thời đại xưa nói riêng và dưới các thời đại nói chung, chúng ta có thể thấy được một phần đâu đó hình ảnh người mẹ tảo tần, vất vả hằng ngày, các em có thể tham khảo thêm bài viết cảm nghĩ về người thân để bồi dưỡng thêm kĩ năng viết văn cảm nghĩ nhé.
https://thuthuat.taimienphi.vn/phat-bieu-cam-nghi-ve-hinh-tuong-nguoi-phu-nu-trong-xa-hoi-xua-thong-qua-nhung-cau-hat-than-than-51423n.aspx
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!