Suy nghĩ về câu hát: Đừng sống như hòn đá, sống không một tình
Đề bài: Suy nghĩ về câu hát: Đừng sống giống như hòn đá, sống không tình yêu, sống chỉ biết riêng mình. Đừng hóa thân thành đá, vì tâm hồn đá giá băng
Suy nghĩ về câu hát: Đừng sống như hòn đá, sống không một tình yêu…
I. Dàn ý Suy nghĩ về câu hát: Đừng sống như hòn đá, sống không một tình yêu…
1. Mở bài
– Con người sinh ra là một niềm hạnh phúc, nhưng sống như thế nào cho ý nghĩa thì không phải ai cũng làm tốt được.- Lời bài hát của cố nhạc sĩ Trần Lập: “Đừng sống như hòn đá, ..” là lời khuyên răn chúng ta về cuộc sống yêu thương, sẻ chia.
2. Thân bài:
* Giải thích quan niệm của tác giả:- Đá: vật vô tri, có ở mọi nơi, dùng đến trong cuộc sống con người, vẻ ngoài rắn rỏi- Nó sống ở một vũ trụ riêng, không quan tâm đến ai, vật gì, không sẻ chia, ích kỉ.- Lối sống ích kỷ, nhỏ nhen, hẹp hòi, thiếu tình cảm, chỉ biết bản thân.- Tác giả muốn ẩn dụ tới cuộc sống của con người: không tình cảm, khô khan, ích kỷ.
* Bàn luận vấn đề:- Sống ý nghĩa, chan hòa, quan tâm tới người khác là lối sống con người nên hướng đến để trở thành người có ích cho xã hội:+ Con người nên sống yêu thương nhau+ Dẫn chứng: Đội hiệp sĩ đường phố ở thành phố Hồ Chí Minh: giúp người bị nạn trong đêm, không nề hà về công sức, thời gian
….(Còn tiếp)
>> Xem dàn ý Suy nghĩ về câu hát: Đừng sống như hòn đá, sống không một tình yêu…đầy đủ tại đây.
II. Bài văn mẫu Suy nghĩ về câu hát: Đừng sống như hòn đá, sống không một tình yêu…
“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng để làm gì, em biết không?” Những lời hát trong bài hát “Để gió cuốn đi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vang lên thật êm dịu, ru ấm tâm hồn ta. Những lời hát đó là tấm lòng, là thông điệp đầy ý nghĩa mà Trịnh Công Sơn muốn gửi đến hàng vạn con người trên đất nước Việt Nam tươi đẹp: Hãy sống yêu thương nhau, mang đến với nhau bằng cả tấm lòng chan chứa yêu thương. Cũng cùng với tâm niệm như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cố nhạc sĩ Trần Lập cũng gửi gắm một thông điệp như thế trong sáng tác “Tâm hồn của đá” của mình: “Đừng sống giống như hòn đá, sống không tình yêu, sống chỉ biết riêng mình. Đừng hóa thân thành đá, vì tâm hồn đá giá băng”…
Tuy đã rời xa thế gian, nhưng những lời hát của tác giả Trần Lập mới gửi gắm vẫn còn vẹn nguyên những giá trị ban đầu. Tại sao nhạc sĩ Trần Lập lại khuyên chúng ta đừng sống như hòn đá? “Hòn đá” vốn là một thứ vô tri vô giác, nhỏ bé, xuất hiện ở khắp mọi nẻo đường, từ nơi vùng núi tới nơi đồng bằng. Nó sống một cuộc sống xa cách với mọi người, đơn giản, đơn điệu, không màu sắc. Hòn đá đó sống giữa một vũ trụ riêng của bản thân nó mà không quan tâm tới bất kì điều gì bên ngoài. Phải chăng hòn đá ấy chính là sự ẩn dụ cho lòng vô cảm của con người, cho lối sống ích kỷ, cá nhân, hẹp hòi, khô khan, thiếu tình cảm? Con người trong xã hội tiên tiến này phải chăng đang dần biến lối sống đó trở thành lối sống của bản thân mình, chỉ biết tới cá nhân mà quên đi hết thảy những người khác xung quanh mình? Không, điều đó là không thế! Vậy nên, những lời hát đó của nhạc sĩ Trần Lập đã giúp chúng ta nhận ra một điều vô cùng ý nghĩa rằng: Hãy sống chan hòa, yêu thương mọi người, hãy đồng cảm, sẻ chia, mở rộng tấm lòng mình để đón nhận biển lớn tình yêu của nhân loại, đừng sống lẻ loi mà quên đi người khác bên cạnh.
“Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình người”, nhà văn Go – rơ – ki đã nói như vậy đấy. Phải, nơi lạnh nhất không phải là nơi có băng giá của thiên nhiên mà đó là nơi tồn tại băng giá của lòng người.Con người chúng ta sống cùng với nhau, tại sao không thể sống yêu thương, chan hòa, quan tâm tới người khác để mang lại niềm tin giữa cuộc đời và trở thành một người có ích hơn với xã hội?
Lục tìm đâu đó trong trí nhớ của chúng ta, chúng ta vẫn hàng ngày hàng giờ nhận ra những con người sống ích kỷ, thờ ơ với đồng loại của chúng mình. Hãy nhìn xem trên chiếc xe bus chúng ta đi hàng ngày, vấn nạn trộm cắp vặt trên xe, rồi những thanh niên sức dài vai rộng chẳng biết nhường chỗ cho một bà già, cho một người thai phụ? Đâu đó, chúng ta vẫn thấy quanh mình những “biển chết” ích kỷ, bởi họ nghĩ rằng đó không phải trách nhiệm cũng chẳng phải nghĩa vụ để họ phải làm như vậy. Đó là sự ích kỷ, sự cá nhân hóa. Tại sao chúng ta không thể dang tay giúp đỡ những người chỉ đơn giản là đồng loại của chính mình?
Thế nhưng, không phải ai trong xã hội chúng ta cũng mang đến sự thờ ơ, vô cảm đến đâu xót như vậy, chúng ta vẫn có những tấm gương về lối sống cao đẹp, sông yêu thương con người. Hãy nhìn xem những người anh người chú trong đội Hiệp sĩ đường phố tại thành phố Hồ Chí Minh. Các anh đang từng ngày từng giờ giúp đỡ những người không may gặp nạn trên đường ban tối, giúp đỡ sửa xe miễn phí cho người đi đường. Họ bỏ thời gian, công sức của mình để giúp đỡ người khác mà không hề nề hà khó khăn, cực nhọc. Đó chẳng phải là một cuộc sống tràn đầy tình yêu thương giữa người với người hay sao? Và cũng hãy nhìn xem, tấm gương chàng trai trẻ Đào Ngọc Hải ở Sài Gòn, chàng trai ấy mới chỉ hai mươi tư, hai mươi lăm tuổi. Ở cái tuổi vẫn còn non trẻ ấy, chàng trai vũ công ấy đã nhận đỡ đầu và nuôi nấng ba đứa trẻ mồ côi mẹ mất vì ung thư. Thử hỏi, nếu không có tình yêu thương, sự nhân hậu, một lối sống cao đẹp thì liệu một chàng trai vẫn còn trẻ tuổi như vậy có chịu khép mình làm cha, nhận trách nhiệm cao cả để trở thành một người trụ cột nuôi ba đứa trẻ kia hay không? Và còn hàng ngàn, hàng ngàn những con người khác đang ngày đêm dựng xây lên một cuộc sống ý nghĩa biết bao?
Chúng ta, ai cũng từng nghe tới câu chuyện về biển Chết, đó là một biển nhỏ, mặn chát và không hề có sự sống. Bởi vì nó không bao giờ biết chia sẻ những giọt nước của mình tới những hồ hay biển khác. Nó giữ riêng cho mình những giọt nước đó và biến mình trở thành một con biển cô đơn nhất thế gian. Phải, chúng ta bắt gặp những “biển chết” ấy vô số ở quanh ta. Họ ích kỉ đến nỗi chẳng hề sẻ chia bất cứ thứ gì của mình cho người khác, họ nghĩ rằng như thế là đúng, hoàn toàn không sai. Nhưng họ đâu biết răng một cuộc sống sẻ chia yêu thương thì mới là một cuộc sống hạnh phúc. Cuộc sống ấy sẽ giúp ta bớt đi những nhỏ nhen, vị kỷ trong lòng. Bởi tình yêu thương con người sẽ xóa đi hết khoảng cách, xoa dịu đi hết những tâm hồn đang chịu những tổn thương.
Cuộc sống tràn đầy yêu thương ấy chúng ta đã bắt gặp nhiều vô cùng ngày nay. Mới đây một cô gái người Mỹ đã dành năm ngàn đô la của mình để mua một mảnh đất tại một đất nước nghèo ở châu Phi để dựng nhà và nuôi sống hai trăm đứa trẻ. Đó là khoảng tiền cô ấy đã tiết kiệm từ khi năm tuổi bằng những công việc nhỏ bé của mình. Và cô gái ấy, cô mới chỉ mười tám tuổi thôi. Ở một cái tuổi vừa chập chững vào đời, cô ấy đã dùng cả tấm lòng bao la của mình để sẻ chia tình yêu thương đối với những đứa trẻ xa lạ, bởi cô ấy đã biết rằng: cho đi là còn mãi. Và chúng ta cũng không quên, hình ảnh của nữ 9x xinh đẹp Phạm Thanh Tâm, người đã cưu mang đứa bé mười bốn tháng tuổi tại Lào Cai khi em sinh ra bị suy dinh dưỡng và chỉ nặng có hơn ba cân. Phải, tình yêu thương, sự sẻ chia đã giúp chúng ta chiến thắng tất cả. Vật chất quan trọng thế nhưng tình yêu thương, sự sẻ chia giữa con người còn quan trọng gấp nhiều lần. Bởi chỉ có sự sẻ chia yêu thương thì cuộc sống của chúng ta mới có được thêm nhiều ý nghĩa hơn nữa.
Thế nhưng, đó đây, ta vẫn thấy những câu chuyện đau lòng về tình người trong xã hội. Đó là sự thờ ơ, sự vô cảm, máu lạnh của một số bộ phận con người. Họ vô tâm, sống ích kỷ và chẳng hề biết sẻ chia trong cuộc sống. Hình ảnh của sát thủ Nguyễn Hải Dương – người đã gây ra vụ thảm sát tại Bình Dương làm sáu người chết chỉ vì mâu thuẫn trong tình cảm, mâu thuẫn giữa người với người. Chỉ một chút yêu thương, ngồi lại cùng chia sẻ, liệu có dẫn tới những sự việc đau lòng tới vậy hay không? Rồi hãy nhìn xem, vụ “hôi bia” ở Đồng Nai vẫn còn đang nóng hổi. Một người lái xe thuê cho chủ hàng bị lật xe, đổ hết hàng hóa, vậy mà người dân ở đó lại chẳng hề chung tay giúp đỡ người không may kia. Họ mặc nhiên nhặt nhạnh những chai bia chưa vỡ mặc kệ những lời van xin của người lái xe tội nghiệp. Một cộng đồng thật ích kỷ, thật nhỏ nhen biết chừng nào!
Vẫn biết trong xã hội là tập hợp của một cộng đồng người, trong đó vẫn có những người có tư tưởng ích kỷ, nhỏ nhen, thế nhưng chúng ta vẫn cứ hãy mở rộng lòng mình đón nhận, sẻ chia đi những yêu thương trong cuộc sống, học hỏi những điều mới mẻ để sống có ý nghĩa hơn nữa. Và đó cũng là lời nhắn nhủ vô cùng thắm thiết mà nhạc sĩ Trần Lập muốn gửi gắm cho chúng ta: Đừng sống như hòn đá, sống không tình yêu, sống chỉ biết riêng mình, …
Dân tộc ta có truyền thống đoàn kết, yêu thương nhau, là lành đùm lá rách. Truyền thống ấy vẫn luôn in sâu vào tâm hồn của mỗi người. Và lời bài hát ấy của cố nhạc sĩ Trần Lập cũng chính là lời ca mang đậm tính nhân văn sâu sắc, mang đầy sự trăn trở về cuộc đời của anh. Đó đây, lời nhạc của bài hát “Tâm hồn của đá” vang vọng lên, nhắn nhủ chúng ta về một cuộc sống tràn đầy yêu thương, ý nghĩa, không còn ích kỉ, nhỏ nhen: Đừng sống như hòn đá, sống không tình yêu, sống chỉ biết riêng mình. Đừng hóa thân thành đá, …
-HẾT-
https://thuthuat.taimienphi.vn/suy-nghi-ve-cau-hat-dung-song-nhu-hon-da-song-khong-mot-tinh-yeu-46252n.aspx Cùng với bài văn mẫu Suy nghĩ về câu hát: Đừng sống như hòn đá, sống không một tình yêu…, các em có thể tự rèn luyện kĩ năng viết bài nghị luận qua việc tham khảo: Suy nghĩ của anh chị về đồng tiền trong cuộc sống của con người, Suy nghĩ về tình yêu của tuổi trẻ trong cuộc sống hiện nay, Suy nghĩ về vai trò của ý thức cộng đồng trong cuộc sống hôm nay, Suy nghĩ về thắng và bại, dại và khôn trong cuộc sống.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!