Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức – Tạp chí Công Thương
TÓM TẮT :
Để điều chỉnh các quan hệ trong xã hội cần có các quy phạm xã hội để điều chỉnh hành vi xử sự của con người. Trong các quy phạm xã hội đó có pháp luật và đạo đức – hai yếu tố thuộc về kiến trúc thượng tầng, đều là những hệ thống chuẩn mực nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội với mục đích duy trì, phát triển và bảo vệ trật tự xã hội theo quan điểm của giai cấp thống trị. Pháp luật và đạo đức có mối quan hệ tác động tương hỗ với nhau nhằm thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh hành vi xử sự của con người và duy trì trật tự xã hội. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích những nội dung về khái niệm của pháp luật và đạo đức, đồng thời chỉ ra mối quan hệ biện chứng của các quy phạm xã hội này, cũng như việc vận dụng chúng trong điều chỉnh quan hệ xã hội.
Từ khóa: quy phạm xã hội, đạo đức, pháp luật.
1. Khái niệm pháp luật và đạo đức
Để điều chỉnh các quan hệ xã hội, xã hội loài người đã dùng nhiều quy phạm xã hội: quy phạm đạo đức, tập quán, tôn giáo, quy phạm pháp luật,… Như vậy, quy phạm pháp luật chỉ là một trong nhiều quy phạm xã hội dùng để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Điều này cũng có nghĩa khi điều chỉnh quan hệ xã hội không chỉ có quy phạm pháp luật mà còn có sự tác động của những quy phạm xã hội khác. Khác với các quy phạm pháp luật khác, quy phạm pháp luật chỉ tồn tại và phát triển trong xã hội có giai cấp; sự hình thành, tồn tại và phát triển của pháp luật luôn luôn gắn liền với nhà nước.
Pháp luật là một yếu tố điều chỉnh không thể thiếu trong một Nhà nước, trong xã hội có giai cấp. Mặc dù vậy, không nên tuyệt đối hóa vai trò của pháp luật trong điều chỉnh các quan hệ xã hội. Vấn đề ở đây phải đánh giá đúng vai trò của nó trong việc sử dụng kết hợp với các quy phạm xã hội khác để điều chỉnh các quan hệ xã hội có hiệu quả nhất. Trong mối quan hệ với các quy phạm xã hội khác, pháp luật và đạo đức là hai hiện tượng thuộc kiến trúc thượng tầng, giữa chúng có mối quan hệ khá chặt chẽ và thống nhất với nhau.
Pháp luật là quy tắc xử sự chung thể hiện ý chí của giai cấp thống trị do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận và được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. Trong khi đó, đạo đức là hệ thống những chuẩn mực nhằm điều chỉnh và đánh giá quan hệ ứng xử giữa con người với con người trong xã hội. Chúng được thể hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội. Đạo đức không chỉ là các giá trị trong quan hệ giữa người và người, giữa con người với xã hội mà còn là tính tự trọng, sự tự ý thức về danh dự, nhân phẩm của mỗi con người.
Như vậy, từ nội hàm của khái niệm trên, có thể rút ra kết luận rằng, pháp luật và đạo đức đều là những hệ thống chuẩn mực nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội với mục đích duy trì, phát triển và bảo vệ trật tự xã hội theo quan điểm của giai cấp thống trị. Tuy nhiên, nếu xét từng khía cạnh cụ thể, sự tác động qua lại giữa các hình thái ý thức xã hội này trong kiến trúc thượng tầng là hết sức phức tạp.
2. Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức
Mối quan hệ này trước hết là tương quan giữa pháp luật và đạo đức trong từng thời kỳ khác nhau. Không phải bất cứ lúc nào sự tương quan giữa pháp luật và đạo đức cũng giống nhau mà ở mỗi thời kỳ tùy thuộc tình hình xã hội lúc bấy giờ tương quan giữa chúng có sự thay đổi. Có thể nêu ví dụ ngay ở xã hội Việt Nam qua các thời kỳ. Trong xã hội phong kiến, do tư duy của con người lúc này chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng Nho giáo, do vậy các quan hệ xã hội lúc bấy giờ vẫn do đạo đức và chiếm ưu thế hơn so với pháp luật. Mặc dù trong xã hội phong kiến vẫn có những quy phạm pháp luật nhưng suy cho cùng nó vẫn chủ yếu dựa vào các quy phạm đạo đức của xã hội, những tư tưởng về đạo đức được luật hóa rất nhiều và đạo đức hầu như ngự trị trong luật pháp.
Bước sang thời kỳ chiến tranh, pháp luật cũng được bổ sung và điều chỉnh nhiều mối quan hệ xã hội hơn, phát triển hơn so với thời kỳ phong kiến. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh chiến tranh có nhiều vấn đề phát sinh trong thời chiến không thể dùng pháp luật để áp đặt được nên quy phạm đạo đức vẫn chiếm ưu thế hơn. Sang thời bao cấp, do tư duy và đường lối chính sách chưa phù hợp nên pháp luật vẫn chưa có sự phát triển cao. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, đời sống đạo đức và pháp luật có những chuyển biến thể hiện khát vọng và nhu cầu tự do của con người. Hiện nay, khi chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường, vấn đề giải quyết mối tương quan giữa pháp luật và đạo đức được đặt ra là hết sức cần thiết. Bởi vì, đạo đức tuy là vấn đề mang tính trìu tượng nhưng việc đưa đạo đức vào thực thi và áp dụng pháp luật sẽ làm quy định của pháp luật mang tính thực tiễn cao, thể hiện được tinh thần nhân đạo và phù hợp với ý chí của nhân dân.
Xét về bản chất, giữa pháp luật và đạo đức có những đặc điểm thống nhất với nhau song cũng có những đặc điểm khác biệt. Sự thống nhất giữa pháp luật và đạo đức thể hiện ở chỗ: đạo đức và pháp luật đều có chung mục đích trong quản lý đời sống xã hội nhằm giáo dục nhân cách, phẩm chất đạo đức cho con người trong xã hội. Pháp luật và đạo đức đều là công cụ để đảm bảo lợi ích của con người, có tác dụng điều chỉnh quan hệ xã hội, giáo dục con người hướng đến việc thiết lập những mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội. Pháp luật và đạo đức có mối quan hệ hữu cơ, bổ sung, hỗ trợ cho nhau tạo nên sự điều chỉnh mạnh mẽ nhất đối với hành vi của con người. Pháp luật và đạo đức tác động trực tiếp đến hành vi của con người, hướng dẫn, kiếm tra, đánh giá các hành vi đó theo những tiêu chí nhất định. Ngoài ra, các phạm trù đạo đức như: nghĩa vụ đạo đức, lương tâm, nhân đạo, công bằng,… cũng có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động xây dựng và áp dụng pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chẳng hạn như trong quy định pháp luật về phẩm chất của cán bộ trong ngành Tư pháp luôn nêu lên nguyên tắc: thực hiện nhiệm vụ theo đúng pháp luật và phải có phẩm chất đạo đức tốt. Pháp luật và đạo đức cũng là tiêu chuẩn đánh giá hành vi của con người. Ví dụ việc những người vi phạm pháp luật có hành vi tự thú khi chưa bị phát hiện về hành vi vi phạm pháp luật đó luôn được sự khoan hồng từ phía Nhà nước và được sự đánh giá cao của pháp luật và đạo đức. Trong Bộ luật Hình sự có quy định về tình tiết giảm nhẹ, có thể miễn trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cũng đã thể hiện sự nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước ta nhằm tạo cơ hội cho những người có hành vi vi phạm pháp luật có cơ hội để hoàn lương. Như vậy, việc đưa quan niệm đạo đức vào quy định pháp luật có tác dụng rất to lớn trong việc giáo dục nhân cách, phẩm chất của con người, đồng thời điều này cũng thể hiện tinh thần nhân đạo của Nhà nước.
Bên cạnh sự thống nhất đó, giữa pháp luật và đạo đức có những đặc điểm khác biệt. Pháp luật về hệ thống quy tắc được thể hiện bằng các đạo luật, sắc lệnh, nghị định,… được xây dựng trên cơ sở đời sống xã hội nhằm định hướng và điều chỉnh hành vi của mọi thành viên trong xã hội. Đằng sau hệ thống pháp luật là cả bộ máy nhà nước với những cơ quan đặc biệt khác để đảm bảo thực thi pháp luật. Sự phát triển của lịch sử loài người cho thấy, pháp luật chỉ ra đời khi trong xã hội có sự xuất hiện của chế độ tư hữu và giai cấp. Trong khi đó, đời sống đạo đức của xã hội lại được bắt đầu ngay khi loài người bước vào lịch sử của mình và ban đầu nó được thể hiện thông qua tập quán, phong tục. Như vậy, có thể thấy rằng, pháp luật hình thành dựa trên sự ra đời của giai cấp mang tính tự giác để điều chỉnh quan hệ xã hội và thực hiện sự thống trị của giai cấp đó đối với xã hội, còn đạo đức hình thành trên con đường tự phát trong xã hội và không được thể hiện thông qua bất cứ văn bản nào mà chủ yếu dựa vào sự tác động đến ý thức của người dân.
Trong khi pháp luật do Nhà nước ban hành và được đảm bảo thực hiện bằng những biện pháp cưỡng chế có khi rất nghiêm khắc như hình phạt tù, tử hình,… thì đạo đức lại được đảm bảo thực hiện bằng những biện pháp mang tính xã hội và thường ít nghiêm khắc hơn. Mặc dù đạo đức không có bất kỳ biện pháp đảm bảo thực hiện nào từ phía Nhà nước và ít nghiêm khắc hơn nhưng hiệu quả của đạo đức trong việc điều chỉnh hành vi của con người không hề kém hơn pháp luật vì đạo đức tác động hành vi của con người qua dư luận xã hội và nó có sức mạnh to lớn trong việc tác động đến ý thức và hành vi của con người. Việc truy cứu trách nhiệm pháp lý còn có thời hiệu nhưng sự lên án, xử lý của đạo đức, của dư luận xã hội và của chính lương tâm con người thì không phụ thuộc vào thời hiệu nào cả, trái lại rất triền miên, day dứt, thậm chí suốt cả cuộc đời người vi phạm.
Cũng dễ dàng nhận thấy rằng, các quy phạm pháp luật thường mang tính chính xác, thống nhất, quy định chặt chẽ hơn so với đạo đức vì pháp luật do Nhà nước ban hành và đảm bảo thực hiện. Trong khi đó, đạo đức thường là những quy phạm mang tính chung chung và không thống nhất. Một đặc điểm khác biệt cũng không kém phần quan trọng giữa pháp luật và đạo đức đó là phạm vi điều chỉnh. Xét ở khía cạnh này có thể nhận xét, đạo đức có phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với pháp luật, vì trên thực tế có những quan hệ xã hội pháp luật không thể điều chỉnh hết được, đặc biệt đối với những quan hệ xã hội trong lĩnh vực tình bạn, tình yêu, sự giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống hằng ngày,… Ví dụ: trong Luật Hôn nhân gia đình, những vấn đề thuộc về tình cảm, đạo đức sẽ điều chỉnh cụ thể và sâu sắc hơn so với pháp luật.
Như vậy, có thể nói rằng, pháp luật chỉ có thể thực hiện được vai trò là phương tiện hàng đầu trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội khi có sự bổ sung hỗ trợ của các quy phạm xã hội khác. Pháp luật không thể và cũng không cần thiết phải điều chỉnh hết các quan hệ xã hội, vì thế không nên coi pháp luật là công cụ vạn năng và do đó cũng không nên thể chế hóa mọi quan hệ xã hội thành pháp luật. Mỗi một loại quy phạm xã hội có những ưu thế và hạn chế của mình, hạn chế của pháp luật như đã nói ở trên là khó tác động đến các quan hệ tư tưởng và quan hệ tình cảm, còn hạn chế của đạo đức là chỉ có thể điều chỉnh những quy phạm xã hội trực tiếp thể hiện tính chất hành vi của con người, những hành vi có thể đánh giá được từ phương diện đạo đức. Do đó, những hành vi không thể đánh giá theo tiêu chí đạo đức, về cơ bản không thuộc lĩnh vực điều chỉnh của đạo đức. Trong hệ thống pháp luật thường có những quy phạm pháp lý – kỹ thuật hay những quy phạm về trình tự pháp lý, trình tự xác lập các văn bản pháp lý đều không liên quan trực tiếp đến đạo đức.
Đưa ra những phân tích như trên để rút ra nhận xét, khi nghiên cứu về mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức không nên mô tả sự khác nhau giữa chúng một cách cứng nhắc. Bởi lẽ, pháp luật và đạo đức không thể tách rời nhau mà giữa chúng có mối quan hệ biện chứng lẫn nhau. Pháp luật tác động đến đạo đức và ngược lại.
Pháp luật tác động đến đạo đức để đưa quan niệm đạo đức tiến bộ vào thực tế đời sống pháp luật. Pháp luật khẳng định, bảo vệ và phát huy những nguyên tắc, chuẩn mực của truyền thống đạo đức, đồng thời cũng hạn chế và loại bỏ dần những quan điểm, chuẩn mực đạo đức không tiến bộ, tiêu cực. Pháp luật không chỉ ghi nhận đạo đức mà còn là phương tiện đảm bảo cho đạo đức thực hiện trong cuộc sống thông qua các biện pháp tác động của Nhà nước. Ví dụ: Điểm c khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 nước Việt Nam quy định: “Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội”. Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội được mọi người thừa nhận và tôn trọng. Quy định này đòi hỏi người xác lập giao dịch dân sự không chỉ tuân thủ quy định pháp luật mà còn phải cân nhắc đến những quy tắc đạo đức. Như vậy, pháp luật sẽ là yếu tố đảm bảo cho hành vi của con người phù hợp với đạo đức hơn.
Sự tác động trở lại của đạo đức đối với pháp luật thể hiện: đạo đức là cơ sở, môi trường thuận lợi để tiếp thu, cảm nhận và thực hiện pháp luật. Đạo đức là yếu tố không thể thiếu được trong mỗi con người. Nếu thiếu đi vai trò tác động của đạo đức đến hành vi, tư tưởng của con người thì việc đưa ra những quy định pháp luật cũng như áp dụng pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ lệch lạc và dễ dẫn đến tiêu cực. Do đó, quy phạm đạo đức có vai trò làm định hướng cho nhà làm luật trong việc xác định tội phạm hóa hay phi tội phạm hóa.
Tất nhiên, sự tác động của đạo đức đối với pháp luật chỉ mang tính tương đối, điều này có nghĩa chỉ những quan điểm đạo đức tiến bộ phù hợp mới đưa vào pháp luật, còn những quan điểm đạo đức lạc hậu, lỗi thời, tiêu cực phải dần bị loại bỏ. Vì thực tế cho thấy, pháp luật ban hành dựa trên xã hội có giai cấp cũng dễ dàng thay đổi khi có giai cấp khác thống trị và thay thế bằng hệ thống pháp luật mới. Khi nhà nước của giai cấp thống trị mới được xác lập và còn chưa đủ điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa cần thiết để xóa bỏ triệt để cơ sở của nền đạo đức cũ thì những tàn dư của nó vẫn tiếp tục tồn tại dai dẳng trong xã hội mới. Do đó, nếu xét về sự tác động đối với xã hội thì đạo đức có sự tác động bền lâu hơn so với pháp luật, vì những quan niệm về đạo đức tác động trực tiếp đến ý thức và tư tưởng của nhân dân nên việc thay đổi sẽ rất khó và cần thời gian dài. Chính vì lẽ đó nên thông thường các quy phạm pháp luật bao giờ cũng hiện đại và dễ thích ứng với điều kiện xã hội mới hơn so với đạo đức vì vậy đạo đức thường lạc hậu và chậm thay đổi hơn.
3. Vận dụng mối quan hệ pháp luật và đạo đức trong điều chỉnh các quan hệ xã hội
Cần xác định rõ những quan điểm đạo đức tích cực phù hợp với xã hội hiện tại để đưa vào pháp luật. Vì suy cho cùng, pháp luật cũng chỉ là hiện tượng của đạo đức. Không những thế, sự tác động của pháp luật hiện đại sẽ tạo điều kiện làm thông thoáng và tháo gỡ những quan niệm đạo đức vốn dĩ trước đây rất khắt khe. Tuy nhiên, cần nhận thức rõ pháp luật khi ban hành dù có hiện đại đến đâu cũng phải phù hợp với đạo đức, vì nếu không pháp luật đó sẽ không tồn tại được. Chính sự tác động qua lại giữa pháp luật và đạo đức sẽ bổ sung, hoàn thiện lẫn nhau, nhằm tiến đến xây dựng xã hội tốt đẹp và công bằng hơn.
Trong quá trình áp dụng pháp luật và đạo đức vào trong đời sống xã hội sẽ không tránh khỏi những mâu thuẫn, xung đột. Nhìn chung, giữa pháp luật và đạo đức không có những mâu thuẫn sâu sắc, vì cả hai đều chung một mục đích là cùng bảo vệ những hành vi tốt, bài trừ những quan điểm, hành vi xấu, nhằm hướng đến mục tiêu xác lập trật tự và điều hòa lợi ích chung của xã hội. Nếu xét về yếu tố con người thì đạo đức là một lĩnh vực mang đậm tính nhân văn và nhân đạo. Trong khi đó, pháp luật tiến bộ dù coi con người là trọng tâm nhưng pháp luật còn trọng trách điều chỉnh trật tự xã hội nên nó không đáp ứng đầy đủ nhu cầu về đạo đức của con người. Vì thế, có những hành vi được coi là vi phạm đạo đức nhưng không vi phạm pháp luật và ngược lại. Đối với những trường hợp như vậy thường khó có thể giải quyết triệt để được, vì cho dù xã hội có phát triển và hiện đại mấy đi chăng nữa thi không thể xóa nhòa tương quan giữa pháp luật và đạo đức. Trong trường hợp nếu pháp luật chưa điều chỉnh thì giải quyết theo quy phạm đạo đức hay nếu có xung đột giữa pháp luật và đạo đức thường giải quyết theo hướng thiên về quy phạm đạo đức.
Hiện nay, khi bước sang cơ chế thị trường, pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập các quan hệ kinh tế, vì thế phần nào những giá trị đạo đức đang dần bị xem nhẹ và bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Do đó, việc giáo dục đạo đức trong nhân dân cũng như đội ngũ cán bộ công chức là rất cần thiết để tránh những tác hại về mặt tư tưởng, dẫn đến băng hoại về đạo đức. Vì thế, phải nhận thức sâu sắc vai trò của đạo đức và các nguyên tắc xã hội khác trong việc thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của xã hội. Cũng chính vì thế tại Đại hội lần thứ VIII của Đảng khẳng định: “Cần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam. Quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị Quốc gia.
- Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2014), NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
- Trường Đại học Luật Hà Nội (2020), Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, NXB Tư pháp, Hà Nội.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021), Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Quốc gia sự thật.
- Hoàng Thị Kim Quế (2013), Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức trong nhà nước pháp quyền và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam hiện nay, Tạp chí Luật học, 3.
- Thành Duy (1995), Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh và mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức, đạo đức và lợi ích công dân, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, 3.
- Hoàng Văn Tuệ (2007), Tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội,
<https://www.tapchicongsan.org.vn/en_US/web/guest/thong-tin-ly-luan/-/2018/6790/view_content?_contentpublisher_WAR_viettelcmsportlet_urlTitle=tu-tuong-ho-chi-minh-ve-ket-hop-dao-duc-va-phap-luat-trong-quan-ly-xa-hoi>,.
- Trần Công Huyền (2019), Hồ Chí Minh về pháp luật và đạo đức, Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử, <https://baotanghochiminh.vn/ho-chi-minh-ve-phap-luat-va-dao-duc.htm.
- Trần Ngọc Đường (2016), Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Tạp chí Tuyên giáo, <http://tuyengiao.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/xay-dung-va-hoan-thien-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-83808.
- Đặng Công Thành (2017), Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, <https://quangnam.gov.vn/webcenter/portal/ubnd/pages_tin-tuc/chi-tiet?dDocName=PORTAL142142.
Faculty of Law, University of Economics, University of Da Nang
Master. Mai Van Anh
The reciprocal relationship between laws and ethics
ABSTRACT:
To regulate relationships in society, it is necessary to have social norms in order to regulate human behaviour. In those social norms, there are laws and ethics – two elements belonging to the superstructure, both are normative systems aimed at regulating social relations for the purpose of maintaining, developing and preserving protect the social order from the point of view of the ruling class. Law and morality have a reciprocal relationship to perform the task of regulating human behaviour and maintaining social orders. This paper analyzes the concepts of law and morality and points out the dialectical relationship of these social norms as well as their application in regulating the social relationship.
Keywords: social norms, ethics, law.
[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20, tháng 8 năm 2021]
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!