Bùi Quốc Đạt (Đạt “ma”) tại CQCA
Ngày 15/11, CA tỉnh Thanh Hóa đang điều tra mở rộng vụ án cưỡng đoạt tài sản liên quan đến Đạt “ma”. Theo đó, vào chiều 13/11, lực lượng của Phòng CSHS CA tỉnh Thanh Hóa bắt quả tang Bùi Quốc Đạt (tức Đạt “ma”, SN 1979, ngụ phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) đang có hành vi cưỡng đoạt tài sản của người dân trên địa bàn xã Xuân Du, huyện Như Thanh. Sau khi bắt giữ Đạt “ma”, CQCA cũng tiến hành khám xét ngôi nhà của đối tượng tại số 262 đường Lê Hoàn, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa.
Theo tài liệu, vào ngày 8/5/2018, do mâu thuẫn trong việc nợ nần tiền lô đề với Mai Xuân Tài, SN 1990, Khu tái định cư, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, Bùi Quốc Đạt “lệnh” cho hàng chục đàn em dùng súng bắn đạn hoa cải bắn Tài trọng thương. Sau khi gây án, các đối tượng đàn em của Bùi Quốc Đạt lần lượt bị CA bắt, truy tố về các tội danh như “Gây rối trật tự công cộng”, “Cố ý gây thương tích” và “Sử dụng vũ khí quân dụng trái phép”, còn Đạt bỏ trốn.
Sau gần 2 năm gây án và trốn truy nã tại các tỉnh biên giới phía Bắc, Đạt “ma” quay về TP Thanh Hóa. Ngày 1/3/2020, Đạt “ma” bị CQCA khống chế và bắt giữ khi đang trốn tại riêng riêng ở số 34, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa. Thời điểm bị bắt giữ, trong nhà của Bùi Quốc Đạt có nhiều dao, kiếm, mã tấu và tài liệu, tang vật liên quan tới hành vi phạm tội. Sau khi bị bắt, Đạt bị xử phạt án tù và đã chấp hành xong án.
Được biết, Đạt “ma” từng nhiều lần vào tù. Gần đây nhất là tháng 3/2020, CA TP Thanh Hóa bắt giữ Đạt “ma” để điều tra về các hành vi “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra vào tháng 5/2018.
Theo CQCA, Đạt “ma” là một đối tượng giang hồ cộm cán ở Thanh Hóa. Dưới trướng Đạt quy tụ đông đảo đàn em. Bùi Quốc Đạt cầm đầu ổ nhóm chuyên về lô đề, bảo kê đấu thầu, cho vay lãi, can dự vào các hoạt động kinh tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Hiện CQCA tỉnh Thanh Hóa đang điều tra mở rộng vụ án.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi mà Đạt “ma” đang bị điều tra được quy định tại Điều 170 BLHS 2015.
Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của họ. Có thể hơn, cưỡng đoạt tài sản là tìm mọi cách làm cho người có tài sản hoặc người có trách nhiệm về tài sản sợ hãi phải giao tài sản cho người phạm tội.
Theo chuyên gia pháp lý, cũng như đối với tội cướp tài sản và tội “Bắt cóc” nhằm chiếm đoạt tài sản, tội “Cưỡng đoạt tài sản” cũng được thực hiện do cố ý. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản.
Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc để xác định tội danh. Tuy nhiên, ngoài mục đích chiếm đoạt, người phạm tội còn có thể có những mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của người đồng phạm khác, người phạm tội cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Thời điểm hoàn thành tội phạm này được tính từ lúc người phạm tội thực hiện xong hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn uy hiếp tinh thần người khác kèm theo đòi hỏi về giao tài sản để chiếm đoạt.
Nếu chỉ thuần tuý đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần mà không có hay không gắn liền vối yêu cầu về tài sản để chiếm đoạt sẽ không cấu thành tội phạm này.
Về hình phạt, theo luật sư Nguyên, Điều 170, BLHS 2015 quy định, người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Nếu phạm tội có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 đến dưới 200 triệu đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội… sẽ bị phạt tù từ 3 đến 10 năm.
Trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 đến dưới 500 triệu đồng sẽ bị phạt tù từ 7 đến 15 năm. Còn chiếm đoạt tài sản từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 12 đến 20 năm. Như vậy, nếu bị chứng minh có tội cưỡng đoạt tài sản, tùy tính chất mức độ mà người phạm tội có thể đối mặt với các khung hình phạt nêu trên.
Khám xét một “giang hồ” cộm cán ở xứ Thanh Chế tài xử lý như thế nào?