Bộ đề đọc hiểu thi vào lớp 10 môn Văn năm 2023 – VnDoc.com

Để chuẩn bị cho kì thi vào lớp 10 sắp tới, VnDoc gửi tới các bạn Bộ đề đọc hiểu thi vào lớp 10 môn Văn có đáp án do VnDoc biên soạn. Tài liệu được biên soạn chi tiết, dễ hiểu, bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 9 luyện thêm đề môn Ngữ văn vào lớp 10, chuẩn bị tốt cho kì thi sắp diễn ra.

Bộ đề đọc hiểu thi vào lớp 10 môn Văn bao gồm 14 Đề đọc hiểu Ngữ văn thi vào 10 chọn lọc có đáp án với các câu hỏi giúp các em ôn luyện phần ngữ pháp Tiếng Việt của mình được hiệu quả. Sau đây mời các bạn tham khảo.

Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc. Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép nhằm mục đích thương mại.

Đề đọc hiểu Ngữ văn thi vào 10 số 1

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn đã trở thành truyền thống tốt đẹp làm nên sức mạnh Việt Nam – một dân tộc anh dũng, kiên cường và nhân văn.

Mặc dù kinh tế đất nước đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhưng Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn đặc biệt quan tâm, chú trọng và không ngừng đẩy mạnh, mở rộng công tác đền ơn, đáp nghĩa hoàn thiện, ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ gia đình và người có công với nước. Đây là cơ sở quan trọng để các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng thiết thực đi vào chiều sâu, theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng: Huy động mọi nguồn lực xã hội, cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công…Tạo điều kiện, khuyến khích mọi người và gia đình có công tích cực tham gia phát triển kinh tế để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, có mức sống cao hơn mức sống trung bình của dân cư tại địa bàn.

Ngay từ đầu tháng 7, Chủ tịch nước đã có quyết định 1142/QĐ-CTN về việc tặng quà nhân dịp ngày thương binh liệt sĩ. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã cùng nhiều đoàn công tác đến thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các trung tâm nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh trong cả nước…Bên cạnh đó, các địa phương, bộ, ngành, đoàn thể đã dành kinh phí và huy động các nguồn lực xã hội để triển khai kịp thời, hiệu quả các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, qua đó tạo niềm tin đối với người có công về sự chăm lo, trợ giúp của Đảng, Nhà nước đối với những cống hiến, hy sinh của họ vì độc lập, tự do của dân tộc.

Đền ơn đáp nghĩa đã trở thành một phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa lớn và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp…tích cực, chủ động tham gia, với các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc bà mẹ Việt Nam anh hùng; xây dựng mới và sử chữa nhà tình nghĩa; đỡ đầu con em thương binh, liệt sĩ; trợ cấp, hỗ trợ thường xuyên các gia đình chính sách; tuổi trẻ cả nước đã đồng loạt triển khai Đêm thắp nến tri ân anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ…đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong cộng đồng.

(Trích: Xã luận – Báo Nhân dân điện tử, ngày 26/7/2013)

Câu 1: Hãy ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích trên.

Câu 2: Hãy giải thích vì sao tác giả lại cho rằng “Đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn đã trở thành truyền thống tốt đẹp làm nên sức mạnh Việt Nam…”

Câu 3: Em đã có những hành động cụ thể nào để tiếp nối truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Đáp án đọc hiểu văn bản số 1

Câu 1:

Câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích trên: Đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn đã trở thành truyền thống tốt đẹp làm nên sức mạnh Việt Nam – một dân tộc anh dũng, kiên cường và nhân văn.

Câu 2:

Tác giả cho rằng: “Đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn đã trở thành truyền thống tốt đẹp làm nên sức mạnh Việt Nam…” vì: Thể hiện tấm lòng biết ơn đối với những người có công, sự trân trọng với những giá trị tốt đẹp trong quá khứ. Là đạo lý nhân văn cao đẹp của dân tộc ta gắn với hàng nghìn năm lịch sử hào hùng. Hình thành, củng cố, khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc… → Động lực làm nên sức mạnh Việt Nam.

Câu 3:

Hành động cụ thể về việc tiếp nối truyền thống Đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn theo quan điểm riêng của bản thân: Giữ gìn, bảo vệ những giá trị, thành quả của ông cha đã để lại, tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩ ở địa phương, học tập nghiêm túc; cần cù lao động phát huy những giá trị ấy…

Đề đọc hiểu Ngữ văn thi vào 10 số 2

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Khi nói đến ước mơ của mỗi người thì điều đầu tiên cần phải xác định đó không phải là những mong ước viển vông mà chính là mục đích con người đặt ra và cố gắng phấn đấu để đạt đến trong cuộc đời mình.

Đồng thời một yếu tố cũng hết sức quan trọng là cần phải xác định cách thức để đạt được mục đích đó, bởi không ai trong cuộc đời này lại không muốn đạt đến một điều gì đó. Sự khác biệt chính là ở phương thức thực hiện, cách thức đạt đến ước mơ của mỗi người và điều này sẽ quyết định “đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người.

Có người đi đến ước mơ của mình bằng cách trung thực và trong sáng thông qua những nỗ lực tự thân tột cùng. Đây là những người có lòng tự trọng cao và biết dựa vào sức của chính mình, tin vào khả năng của chính mình và sự công bằng của xã hội. Đối với họ, mục tiêu chưa chắc là điều họ quan tâm, cái họ quan tâm hơn chính là phương thế để đạt đến mục tiêu trong cuộc sống.

Chính vì vậy họ là những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi”, trở thành công cụ trong tay người khác hay giao phó tương lai của mình cho người khác. Sở dĩ như thế là bởi họ chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến, đồng thời cũng là những người xem phương tiện quan trọng như mục tiêu của cuộc đời mình.

(Nguồn: Lê Minh Tiến, Đẳng cấp về nhân cách, http://tuoitre.vn)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2: Theo tác giả, điều gì sẽ quyết định “đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người?

Câu 3: Vì sao tác giả cho rằng: những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến.

Đọc thêm:  Soạn bài Ngữ cảnh | Ngắn nhất Soạn văn 11 - VietJack.com

Câu 4: Từ đoạn trích trên, hãy rút ra bài học có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?

Đáp án đọc hiểu văn bản số 2

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2:

Điều sẽ quyết định “đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người là: phương thức thực hiện, cách thức đạt đến ước mơ của mỗi người

Câu 3:

Những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến. Tác giả nói như vậy vì:

“Tầm gửi” là lối sống dựa dẫm vào người khác, là những người kém bản lĩnh, bất tài.

Những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” là những người có lòng tự trọng, có ý thức về giá trị bản thân, luôn nỗ lực vươn lên để đạt được mục đích.

Câu 4:

Thí sinh có thể rút ra bài học:

– Nỗ lực thực hiện ước mơ bằng chính khát vọng và khả năng của bản thân.

– Tự tin, tự trọng làm nên giá trị con người.

Học sinh lựa chọn thông điệp phù hợp với bản thân và lí giải.

Đề đọc hiểu Ngữ văn thi vào 10 số 3

Đọc đoạn văn sau và trả lời những câu hỏi:

Hành trang lên đường

Có một hòa thượng muốn đi học tập ở nơi xa. Sư thầy hỏi:

– Khi nào con đi?

– Tuần sau con sẽ đi. Đường xa, con đã nhờ người đan vài đôi giày cỏ, sau khi lấy giày con sẽ lên đường.

Sự thầy trầm ngâm một lát rồi nói:

– Nếu không thì thế này, ta sẽ nhờ các tín chúng quyên tặng giày cho con.

Không biết sư thầy đã nói với biết bao nhiêu người nhưng ngày hôm đó, có đến vài chục người đem giày đến tặng, chất đầy cả một góc căn phòng thiền. Sáng hôm sau, lại có người mang một chiếc ô đến tặng cho hòa thượng. Hòa thượng hỏi:

– Tại sao tín chủ lại tặng ô?

– Sư thầy nói rằng hòa thượng chuẩn bị đi xa, trên đường có thể sẽ gặp mưa lớn, sư thầy nói với tôi liệu tôi có thể tặng hòa thượng một chiếc ô?

Thế nhưng hôm đó, không chỉ có người đó mang ô đến tặng. Đến buổi tối, trong phòng thiền đã chất khoảng 50 chiếc ô các loại. Giờ học buổi tối kết thúc, sư thầy bước vào phòng thiền của hòa thượng:

– Giày cỏ và ô đã đủ chưa?

– Đủ rồi ạ! – Hòa thượng chỉ vào đống ô và giày cỏ chất cao như ngọn núi nhỏ trong góc phòng. – Nhiều quá rồi thầy ạ, con không thể mang tất cả đi được.

Sư thầy nói:

– Vậy sao được. Trời có lúc mưa lúc nắng, có ai tiên liệu được con sẽ phải đi bao xa, phải dầm bao nhiêu lần mưa gió. Nhỡ đâu giày cỏ đi rách hết cả, ô cũng mất, lúc đó con phải làm sao?

Ngừng một lát, ông lại tiếp tục:

– Trên đường đi, chắc chắn con sẽ gặp không ít sông suối, mai ta sẽ có lời nhờ tín chúng quyên thuyền, con hãy mang theo…

Đến lúc này, vị hòa thượng mới hiểu ra ý đồ của sư phụ. Hòa thượng quỳ rạp xuống đất, nói:

– Đệ tử sẽ xuất phát ngay bây giờ và sẽ không mang theo bất cứ thứ gì ạ.

Câu 1: Nêu phương thức biểu đạt chính của câu chuyện.

Câu 2: Em thích nhất chi tiết nào trong câu chuyện? Vì sao?

Câu 3: Em hiểu thế nào về những hành động của sư thầy?

Câu 4: Câu chuyện giúp em nhận ra điều gì?

Đáp án Đề đọc hiểu Ngữ văn thi vào 10 số 3

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính của câu chuyện: tự sự

Câu 2:

Học sinh chọn ra những chi tiết tiêu biểu để cảm nhận: chi tiết chú tiểu được tặng giày, tặng ô; chi tiết sư thầy kêu gọi quyên góp đồ tặng chú tiểu; chi tiết chú tiểu vội vã lên đường. Giải thích tại sao lại chọn chi tiết đó.

Câu 3:

Hành động của sư thầy không chỉ giúp chú tiểu quyên góp được món đồ mình muốn mà đó còn là bài học sư thầy dạy cho chú tiểu: Khi làm bất cứ việc gì, điều quan trọng không phải là những vật ngoài thân đã được chuẩn bị kỹ lưỡng hay chưa mà là ta đã đủ quyết tâm hay chưa.

Câu 4:

Câu chuyện mang đến cho chúng ta bài học: Những vật ngoài thân không quyết định đến thành công của chúng ta. Hãy mang trái tim của mình lên đường, mục tiêu dù ở xa bao nhiêu đi chăng nữa nhưng đường ở ngay dưới chân mình, hãy cứ đi rồi sẽ đến.

Đề đọc hiểu Ngữ văn thi vào 10 số 4

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Mẹ và Quả

Những mùa quả mẹ tôi hái đượcMẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồngNhững mùa quả lặn rồi lại mọcNhư mặt trời, khi như mặt trăng.

Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lênCòn những bí và bầu thì lớn xuốngChúng mang dáng giọt mồ hôi mặnRỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.

Và chúng tôi, một thứ quả trên đờiBảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được háiTôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏiMình vẫn còn một thứ quả non xanh?

(Nguyễn Khoa Điềm)

Câu 1 (0,5đ): Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì?

Câu 2 (0,75đ): Bài thơ sử dụng biện pháp nghệ thuật gì? Nêu tác dụng.

Câu 3 (0,75đ): Hình ảnh “Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?” gợi cho em suy nghĩ gì?

Câu 4 (1đ): Nêu suy nghĩ của em về bài thơ trên.

Đáp án Đề đọc hiểu Ngữ văn thi vào 10 số 4

Câu 1 (0,5đ): Phương thức biểu đạt chính của bài thơ là biểu cảm.

Câu 2 (0,75đ):

Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích:

Ẩn dụ: “những mùa quả mẹ trồng”: ẩn dụ cho việc mẹ sinh ra, nuôi nấng, chăm sóc những đứa con thơ gian nan, vất vả nhưng mẹ luôn cố gắng đầy tâm huyết.

So sánh: “Những mùa quả lặn rồi lại mọc/ Như mặt trời, khi như mặt trăng.” Cứ hết mùa quả này mẹ lại trồng mùa quả khác cũng giống như vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại của mặt trời và mặt trăng; liên tưởng này giúp bạn đọc dễ dàng hình dung ra những công lao to lớn của mẹ.

Câu 3 (0,75đ):

Hình ảnh “Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?” gợi suy nghĩ: Sẽ là một nỗi sợ nếu phải rời xa vòng tay mẹ khi chưa đủ trưởng thành để đối diện với phong ba bão táp ngoài kia; sẽ không còn bến đỗ bình yên chúng ta có thể quay về sau những mệt mỏi.

Câu 4 (1đ):

Bài thơ “Mẹ và quả” đã gợi cho em nhiều ấn tượng sâu sắc: những đứa con giống như những loại quả mẹ vun trồng, một lòng chăm sóc chờ ngày đơm hoa kết trái nhận quả ngọt. Mẹ đã bỏ bao công sức, tâm huyết, tình yêu thương chỉ mong các con nên người. Bài thơ không chỉ nói về công lao to lớn của mẹ mà còn thể hiện sự biết ơn, tình yêu thương, trân trọng mà người con dành cho mẹ.

Đề đọc hiểu Ngữ văn thi vào 10 số 5

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Thân em thời trắng phận em tròn,Bảy nổi ba chìm mấy nước non.Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son.

Câu 1 (0,5đ): Tác giả của bài thơ trên là ai?

Câu 2 (0,75đ): Nêu nội dung chính của bài thơ.

Câu 3 (0,75đ): Chỉ ra 01 biện pháp nghệ thuật nổi bật và nêu tác dụng.

Câu 4 (1đ): Qua bài thơ trên, anh/chị hiểu thêm điều gì về người phụ nữ trong xã hội cũ.

Đáp án Đề đọc hiểu Ngữ văn thi vào 10 số 5

Câu 1 (0,5đ):

Tác giả của bài thơ: Hồ Xuân Hương

Câu 2 (0,75đ):

Đọc thêm:  Soạn bài Ôn tập trang 36 - Chân trời sáng tạo - VietJack.com

Nội dung chính của bài thơ: nói về thân phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội cũ không được lựa chọn hạnh phúc cho mình và phải nghe theo số phận đồng thời thể hiện tấm lòng thủy chung son sắt của họ.

Câu 3 (0,75đ):

Biện pháp nghệ thuật: vận dụng thành ngữ Bảy nổi ba chìm.

Tác dụng: Nói lên số phận long đong, lận đận, bất hạnh của người phụ nữ.

Câu 4 (1đ):

Người phụ nữ trong xã hội cũ chịu nhiều bất hạnh, thiệt thòi. Họ là người có tấm lòng thủy chung son sắt tuy nhiên lại không được lựa chọn, không được sống cuộc đời theo ý mình mà phải nghe theo sự sắp đặt của người khác để rồi rơi vào bi kịch.

Đề đọc hiểu Ngữ văn thi vào 10 số 6

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Chỉ có thuyền mới hiểuBiển mênh mông nhường nàoChỉ có biển mới biếtThuyền đi đâu, về đâu

Những ngày không gặp nhauBiển bạc đầu thương nhớNhững ngày không gặp nhauLòng thuyền đau – rạn vỡ

(Thuyền và biển – Xuân Quỳnh)

Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2 (0,5đ): Nêu đối tượng được nhà thơ nhắc đến trong hai khổ thơ trên.

Câu 3 (1đ): Chỉ ra biện pháp nghệ thuật tiêu biểu của đoạn thơ và nêu tác dụng.

Câu 4 (1đ): Tác giả đã gửi gắm những tình cảm gì vào hai khổ thơ trên?

Đáp án Đề đọc hiểu Ngữ văn thi vào 10 số 6

Câu 1 (0,5đ):

Đoạn thơ được viết theo thể thơ năm chữ.

Câu 2 (0,5đ):

Đối tượng được tác giả nhắc đến là thuyền và biển. Qua hình ảnh ẩn dụ này để nói về người con trai và con gái trong tình yêu nhớ nhung những ngày xa cách.

Câu 3 (0,75đ):

Biện pháp nghệ thuật: ẩn dụ (hình ảnh thuyền và biển chỉ người con trai và con gái trong tình yêu) và điệp cấu trúc: “Chỉ có… mới…” và “ Những ngày không gặp nhau…”

Tác dụng: kín đáo thể hiện tình cảm, nỗi nhớ dành cho người yêu; làm cho bài thơ thêm giàu chất nhạc, chất trữ tình hơn.

Câu 4 (1đ):

Tình cảm tác giả gửi gắm vào hai khổ thơ: nỗi nhớ dạt dào và tình yêu thương vô bờ bến dành cho người yêu.

Đề đọc hiểu Ngữ văn thi vào 10 số 7

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Chúng ta nhận rõ cái kì diệu của văn nghệ khi chúng ta nghĩ đến những người rất đông, không phải ở trốn trong một cơ quan bí mật, không phải bị giam trong một nhà pha, mà bị chung thân trong cuộc đời u tối, vất vả không mở được mắt. Những người đàn bà nha quê lam lũ ngày trước, suốt đời đầu tắt mặt tối, sống tối tăm, vậy mà biến đổi khác hẳn, khi họ ru con hoặc hát ghẹo nhau bằng một câu ca dao, khi họ chen nhau say mê xem một buổi chèo. Câu ca dao tự bao giờ truyền lại đã gieo vào bóng tối những cuộc đời cực nhọc ấy một ánh sáng, lay động những tình cảm, ý nghĩ khác thường. Và ánh đèn buổi chèo, những nhân vật ra trò, những lời nói, những câu hát làm cho những con người ấy trong một buổi được cười hả dạ hay rỏ giấu một giọt nước mắt. Văn nghệ đã làm cho tâm hồn họ thực được sống. Lời gửi của văn nghệ là sự sống.”

(Tiếng nói của văn nghệ – Nguyễn Đình Thi)

Câu 1 (0,5đ): Nêu phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2 (0,5đ): Đối tượng được tác giả nêu ra trong đoạn trích là gì?

Câu 3 (0,75đ): Sự kì diệu của văn nghệ được tác giả thể hiện như thế nào?

Câu 4 (1,25đ): Qua đoạn trích, anh/chị hiểu thế nào về tầm quan trọng của văn nghệ?

Đáp án Đề đọc hiểu Ngữ văn thi vào 10 số 7

Câu 1 (0,5đ):

Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: nghị luận.

Câu 2 (0,5đ):

Đối tượng: người phụ nữ và văn nghệ.

Câu 3 (0,75đ):

Sự kì diệu của văn nghệ được tác giả thể hiện: văn nghệ đánh thức tâm hồn cằn cỗi của con người.

Câu 4 (1,25đ):

Tầm quan trọng của văn nghệ: văn nghệ nuôi dưỡng tâm hồn, làm cho tâm hồn của con người tràn đầy sức sống hơn, chạm đến trái tim và giúp con người trở nên tốt đẹp hơn.

Đề đọc hiểu Ngữ văn thi vào 10 số 8

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nóiVầng trăng cao đêm cá lặn sao mờÔi tiếng Việt như đất cày, như lụaÓng tre ngà và mềm mại như tơ

Tiếng tha thiết nói thường nghe như hátKể mọi điều bằng ríu rít âm thanhNhư gió nước không thể nào nắm bắtDấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh”

(Lưu Quang Vũ – Tiếng Việt)

Câu 1 (0,5đ): Văn bản trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2 (0,75đ): Chỉ ra và phân tích biện pháp nghệ thuật được sử dụng chủ yếu trong văn bản.

Câu 3 (0,75đ): Văn bản thể hiện thái độ, tình cảm gì của tác giả đối với tiếng Việt?

Đáp án Đề đọc hiểu Ngữ văn thi vào 10 số 8

Câu 1 (0,5đ):

Văn bản được viết theo thể thơ tám chữ.

Câu 2 (0,75đ):

Biện pháp nghệ thuật được sử dụng chủ yếu: so sánh (tiếng Việt như đất cày, như lụa; Óng tre ngà và mềm mại như tơ; tiếng nói nghe như tiếng hát, như gió nước).

Tác dụng: miêu tả và nhấn mạnh vẻ đẹp của tiếng Việt.

Câu 3 (0,75đ):

Thái độ, tình cảm của tác giả đối với tiếng Việt: lòng yêu mến, thái độ trân trọng đối với vẻ đẹp và sự giàu có, phong phú của tiếng Việt.

Đề đọc hiểu Ngữ văn thi vào 10 số 9

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Bạn có thể không thông minh bẩm sinh nhưng bạn luôn chuyên cần và vượt qua bản thân từng ngày một. Bạn có thể không hát hay nhưng bạn là người không bao giờ trễ hẹn. Bạn không là người giỏi thể thao nhưng bạn có nụ cười ấm áp. Bạn không có gương mặt xinh đẹp nhưng bạn rất giỏi thắt cà vạt cho ba và nấu ăn rất ngon. Chắc chắn, mỗi một người trong chúng ta đều được sinh ra với những giá trị có sẵn.”

Câu 1 (0,25đ): Nêu câu chủ đề của văn bản.

Câu 2 (0,75đ): Từ đoạn văn trên, em hãy kể ra những “giá trị có sẵn tốt đẹp” của bản thân mình.

Câu 3 (1đ): Đoạn văn giúp em nhận ra điều gì?

Đáp án Đề đọc hiểu Ngữ văn thi vào 10 số 9

Câu 1 (0,5đ):

Câu chủ đề của đoạn văn: Chắc chắn, mỗi một người trong chúng ta đều được sinh ra với những giá trị có sẵn.

Câu 2 (1đ):

Học sinh hình thành đoạn văn dựa vào các gợi ý sau:

Giá trị có sẵn tốt đẹp của em là gì?

Em đã thể hiện giá trị đó như thế nào?

Em cầm làm gì để hoàn thiện bản thân mình hơn?

Câu 3 (1,5đ):

Bài học rút ra sau đoạn văn:

Mỗi con người đều có những giá trị tốt đẹp riêng, hãy biết trân trọng giá trị đó.

Sớm nhận ra những yếu điểm của mình và có biện pháp khắc phục chúng để hoàn thiện bản thân hơn.

Có ý thức rèn luyện lối sống lành mạnh, tốt đẹp.

Đề đọc hiểu Ngữ văn thi vào 10 số 10

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Trong cuộc đời bình yên tựa nghìn xưaGần gũi nhất vẫn là cây lúaTrưa nắng khát ước về vườn quảLúc xa nhà nhớ một dáng mâyMột dòng sông, ngọn núi, rừng câyMột làn khói, một mùi hương trong gió…

Có mấy ai nhớ về ngọn cỏMọc vô tình trên lối ta điDẫu nhỏ nhoi không đáng nhớ làm chiKhông nghĩ đến nhưng mà vẫn có.

(trích Cỏ dại – Vĩnh Linh)

Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2 (0,5đ): Tác giả đã kể ra những sự vật gần gũi, thân quen nào?

Câu 3 (1đ): Trong những sự vật ở quê nhà gần gũi mà tác giả kể trên, theo em tác giả gửi gắm tình cảm vào sự vật nào nhiều nhất? Vì sao?

Đọc thêm:  Bảng chữ cái Tiếng Anh - English alphabet - Cách đọc và phiên âm

Đáp án Đề đọc hiểu Ngữ văn thi vào 10 số 10

Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ được viết theo thể thơ tự do.

Câu 2 (0,5đ):

Những sự vật được tác giả nhắc đến: cây lúa, vườn quả, dáng mây, dòng sông, ngọn núi, rừng cây, làn khói, mùi hương trong gió, ngọn cỏ.

Câu 3 (1đ):

Tác giả gửi gắm tình cảm nhiều nhất vào ngọn cỏ dại vì nó từ lâu đã âm thầm trở thành biểu tượng của quê nhà nhờ sức sống dẻo dai, mãnh liệt.

Đề đọc hiểu Ngữ văn thi vào 10 số 11

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Tôi là con gái Hà nội. Nói một cách kiệm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như cái đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!”. Xa đến đâu mặc kệ, nhưng tôi thích ngắm tôi trong gương. Nó dài dài, màu nâu, hay nheo lại như chói nắng.

Không hiểu sao các anh pháo thủ và lái xe lại hay hỏi thăm tôi. Hỏi thăm hoặc viết những thư dài gửi đường dây, làm như ở cách nhau hàng nghìn cây số, mặc dù có thể chào nhau hàng ngày. Tôi không săn sóc, vồn vã. Khi bọn bạn gái tôi xúm nhau lại đối đáp với một anh bộ đội nói giỏi nào đấy, tôi thường đứng ra xa, khoanh hai tay trước ngực và nhìn đi nơi khác, môi mím chặt. Nhưng chẳng qua tôi điệu thế thôi. Thực tình trong suy nghĩ của tôi, những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ.”

Câu 1 (0,5đ): Đoạn trích trên trích từ tác phẩm nào? Nêu tên tác giả.

Câu 2 (0,5đ): Nhân vật trong đoạn trích được miêu tả là người thế nào?

Câu 3 (1đ): Câu nói cuối của đoạn trích gợi lên cho em suy nghĩ gì?

Đáp án Đề đọc hiểu Ngữ văn thi vào 10 số 11

Câu 1 (0,5đ):

Đoạn trích trên trích từ truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của tác giả Lê Minh Khuê.

Câu 2 (0,5đ):

Nhân vật trong đoạn trích được miêu tả là một cô gái khá, hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như cái đài hoa loa kèn và có cái nhìn xa xăm.

Câu 3 (1đ):

Câu nói cuối gợi suy nghĩ: Những con người dũng cảm, yêu nước, sẵn sàng chiến đấu chống kẻ thù là những con người đẹp đẽ nhất không gì sánh bằng.

Đề đọc hiểu Ngữ văn thi vào 10 số 12

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Nhà em có một giàn giầuNhà anh có một hàng cau liên phòngThôn Đoài thì nhớ thôn ĐôngCau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

(Tương tư – Nguyễn Bính)

Câu 1 (0,25đ): Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2 (0,75đ): Biện pháp nghệ thuật nổi bật trong đoạn thơ là gì? Nêu tác dụng.

Câu 3 (1đ): Qua đoạn thơ, em nêu cảm nhận của mình về tình yêu đôi lứa ngày xưa?

Đáp án Đề đọc hiểu Ngữ văn thi vào 10 số 12

Câu 1 (0,25đ): Đoạn thơ được viết theo thể thơ lục bát.

Câu 2 (0,75đ):

Biện pháp nghệ thuật nổi bật: ẩn dụ (cau, giầu, thôn Đoài, thôn Đông để chỉ người con trai và con gái trong tình yêu) và câu hỏi tu từ (Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?).

Tác dụng: nhấn mạnh nỗi nhớ và tình cảm tha thiết dành cho người thương đồng thời làm cho những câu thơ giàu hình ảnh hơn, hấp dẫn người đọc.

Câu 3 (1đ):

– Cảm nhận về tình yêu đôi lứa ngày xưa:

Họ luôn hướng về người yêu, hướng về nhau.

Nỗi nhớ được thể hiện thầm kín vô cùng đáng yêu.

Đề đọc hiểu Ngữ văn thi vào 10 số 13

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Có thói quen tốt và có thói quen xấu. Luôn dậy sớm, luôn đúng hẹn, giữ lời hứa, luôn đọc sách,… là thói quen tốt.

Hút thuốc lá, hay cáu giận, mất trật tự là thói quen xấu. Có người biết phân biệt tốt và xấu, nhưng vì đã hình thành thói quen nên rất khó bỏ, khó sửa. […]

Tạo được thói quen tốt là rất khó. Nhưng nhiễm thói quen xấu thì dễ. Cho nên mỗi người, mỗi gia đình hãy tự xem lại mình để tạo nên nếp sống đẹp, văn minh cho xã hội?

(Theo Băng Sơn, Giao tiếp đời thường)

Câu 1 (0,25đ): Theo tác giả, thế nào là thói quen tốt? Thế nào là thói quen xấu?

Câu 2 (0,75đ): Đoạn trích sử dụng biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng.

Câu 3 (1đ): Để rèn luyện thói quen tốt bản thân em cần làm những gì?

Đáp án Đề đọc hiểu Ngữ văn thi vào 10 số 13

Câu 1 (0,25đ):

Thói quen tốt là: Luôn dậy sớm, luôn đúng hẹn, giữ lời hứa, luôn đọc sách,…

Thói quen xấu là: Hút thuốc lá, hay cáu giận, mất trật tự,…

Câu 2 (0,75đ):

Biện pháp tu từ: liệt kê (liệt kê những thói quen tốt và thói quen xấu).

Tác dụng: làm cho người đọc dễ dàng hình dung ra và hiểu biết hơn về khái niệm của thói quen tốt và thói quen xấu.

Câu 3 (1đ):

Học sinh tự trả lời: nêu ra những hành động giúp bản thân rèn luyện được thói quen tốt.

Đề đọc hiểu Ngữ văn thi vào 10 số 14

Đọc đoạn văn sau và trả lời những câu hỏi:

Miền Trung

“(…) Miền TrungCâu ví dặm nằm nghiêngTrên nắng và dưới cátĐến câu hát cũng hai lần sàng lạiSao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm

Miền TrungBao giờ em về thămMảnh đất nghèo mùng tơi không kịp rớtLúa con gái mà gầy còm úa đỏChỉ gió bão là tốt tươi như cỏKhông ai giao mà trắng mặt người

Miền TrungEo đất này thắt đáy lưng ongCho tình người đọng mậtEm gắng vềĐừng để mẹ già mong.”

(Hoàng Trần Cương)

Câu 1: Bài thơ được viết theo thể thơ gì?

Câu 2: Nêu nội dung chính của đoạn thơ.

Câu 3: Hình ảnh: “Miền Trung/ Eo đất này thắt đáy lưng ong/ Cho tình người đọng mật” để lại cho em suy nghĩ gì?

Câu 4: Đoạn thơ mang thông điệp gì?

Đáp án Đề đọc hiểu Ngữ văn thi vào 10 số 14

Câu 1:

Bài thơ được viết theo thể thơ tự do.

Câu 2:

Đoạn thơ miêu tả chân thực những nỗi vất vả, khó nhọc mà người dân miền Trung phải sống, phải đối mặt hằng ngày; đồng thời cũng thể hiện tình cảm yêu mến của tác giả đối với mảnh đất nghèo này.

Câu 3:

Hình ảnh: “Miền Trung/ Eo đất này thắt đáy lưng ong/ Cho tình người đọng mật” đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc. Mảnh đất miền Trung tuy phải chịu nhiều thiên tai, bão lũ khiến cuộc sống của con người nơi đây vất vả, cơ cực. Tuy nhiên, họ là những con người dạt dào tình cảm, trân thành, giản dị, đó là những điều vô cùng đáng quý.

Câu 4:

Đoạn thơ miêu tả chân thực khó khăn trong cuộc sống của đông bào miền Trung đồng thời mang ý nghĩa, thông điệp sâu sa: con người dù sống ở bất cứ đâu, trong hoàn cảnh nào dù khó khăn về vật chất nhưng hãy giàu về tình cảm yêu thương, có như vậy xã hội mới ngày càng tốt lên được.

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Bộ đề đọc hiểu thi vào lớp 10 môn Văn năm 2022. Để cập nhật những thông tin về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới, mời các bạn vào chuyên mục Thi vào lớp 10 trên VnDoc nhé. Ngoài ra các bạn có thể ôn luyện từng môn như Đề thi vào lớp 10 môn Toán, Đề thi vào lớp 10 môn Tiếng Anh, Đề thi vào lớp 10 môn Văn mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chúc các em đạt kết quả cao trong kỳ thi của mình.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button