Tuyển tập đề đọc hiểu Tràng Giang của Huy Cận
Tràng Giang là bài thơ mà Huy Cận dùng nó để bộc lộ nỗi sầu của cái tôi cô đơn trước vũ trụ rộng lớn, niềm khao khát hòa nhập với cuộc đời, lòng yêu nước thầm kín mà sâu sắc. Để giúp bạn hiểu rõ ràng và sâu sắc hơn về các dạng đề đọc hiểu liên quan đến bài thơ, cùng Đọc Tài Liệu tham khảo soạn bài Tràng Giang – Huy Cận cùng một số đề đọc hiểu dưới đây và xem gợi ý đáp án của từng đề bạn nhé:
Đề đọc hiểu Tràng Giang – Huy Cận
Đề số 1
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
(Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, 2007, tr.29)
Câu 1. Giới thiệu vài nét về Huy Cận.
Câu 2. Nêu đại ý của đoạn trích.
Câu 3. Chỉ ra ý nghĩa biểu đạt và ý nghĩa biểu cảm của những từ láy trong đoạn trích.
Câu 4. Vẻ đẹp cổ điển của đoạn thơ toát lên từ những yếu tố nào?
Câu 5. Nhận xét về nhịp điệu của câu thơ cuối cùng. Nêu ấn tượng của anh/chị về hình ảnh được gợi tả trong câu thơ.
Gợi ý thêm cho bạn: Phân tích khổ thơ đầu bài Tràng giang – Huy Cận
Đáp án đề đọc hiểu Tràng Giang số 1
Câu 1: Giới thiệu vài nét về Huy Cận
- Huy Cận (1919 – 2005) tên thật là Cù Huy Cận, quê xã Đức An, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
- Thơ Huy Cận có sự kết hợp hài hòa giữa thơ ca truyền thống của dân tộc với thơ Đường và thơ hiện đại của Pháp.
- Thơ Huy Cận giàu chất triết lí và suy ngẫm sâu sắc về vũ trụ, cuộc đời.
Câu 2: Đại ý của đoạn trích: vẻ đẹp của bức tranh sông nước mênh mang, heo hút của dòng sông Hồng và nỗi buồn của người thi sĩ trước không gian vô tận.
Câu 3: Các từ láy: điệp điệp, song song mang lại âm hưởng cổ kính cho đoạn thơ.
– Từ láy điệp điệp: nghĩa biểu đạt – gợi những con sóng nối tiếp nhau, nghĩa biểu cảm – thể hiện nỗi buồn da diết, triền miên tưởng như không dứt từ lòng người lan tỏa vào sóng nước trường giang. Nỗi buồn tuy không mãnh liệt nhưng nó cứ liên tục như toả ra từ lòng người và thấm vào cảnh vật.
– Từ láy song song: nghĩa biểu đạt – gợi hình ảnh con thuyền rẽ sóng, chia nước thành đôi ngả; nghĩa biểu cảm – gợi sự sóng đôi nhưng thực chất nhấn vào nỗi buồn chia li, cách trở.
Câu 4:
– Hai câu thơ đầu phảng phất phong vị cổ điển: Cả hai nhà thơ đều sử dụng từ láy: tiêu tiêu, cổn cổn; điệp điệp, song song.
– Riêng trong câu thơ thứ hai của Huy Cận, phong vị cổ điển còn được gợi lên từ vẻ đẹp nhẹ nhàng, tĩnh lặng, trầm mặc của hình ảnh con thuyền xuôi mái. Hình ảnh thơ hiện lên như một nét vẽ trong bức tranh thủy mặc hữu tình.
Câu 5:
– Câu thơ cuối cùng được ngắt nhịp 1/3/3. Chữ củi tách riêng làm một nhịp, nhấn mạnh vào một hình ảnh hết sức quen thuộc của cuộc sống đời thường nhưng hiếm khi xuất hiện trong văn chương.
– Hình ảnh cành củi khô trôi nổi giữa dòng trường giang là mang lại màu sắc hiện đại cho lời thơ. Nghệ thuật đảo ngữ đã đẩy từ “củi” lên đầu câu nhằm nhấn mạnh thân phận nhỏ bé, bọt bèo của kiếp người trong cuộc sống. củi, cành khô gây ấn tượng về sức sống tàn tạ, khô héo; số từ một gợi cái cô đơn, lẻ loi, lạc lõng; lạc mấy dòng gợi cái bơ vơ, vô định, không điểm đỗ. Câu thơ bảy chữ mà nỗi buồn chất đầy trong từng con chữ.
=> Tác giả liên tưởng đến cuộc đời mình cũng như bao người dân mất nước, mang thân phận bọt bèo giữa cuộc đời rộng lớn. Hình ảnh cành củi kia còn tượng trưng cho kiếp người nhỏ bé, những văn nghệ sĩ đang băn khoăn, ngơ ngác, lạc lõng trước nhiều trường phái văn học, ngã rẽ của cuộc đời.
Đề số 2
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
(Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, 2007, tr.29)
Câu 1. Nêu đại ý của đoạn trích.
Câu 2. Hai chữ đìu hiu trong đoạn trích được Huy Cận học tập từ câu thơ nào trong Chinh phụ ngâm (nguyên tác Đặng Trần Côn, diễn Nôm Đoàn Thị Điểm)? Cặp từ láy lơ thơ, đìu hiu gợi lên cảm nhận gì trong bức tranh “tràng giang”?
Câu 3. Nêu cảm nhận về âm thanh được gợi lên trong bức tranh sông nước mênh mang
Câu 4. Chỉ ra hiệu quả của nghệ thuật đối trong hai câu thơ cuối đoạn trích. Cách diễn đạt sâu chót vót có gì đặc biệt?
Tham khảo thêm: Phân tích khổ thơ thứ hai bài Tràng giang – Huy Cận
Đáp án đề đọc hiểu Tràng Giang số 2
Câu 1: Đại ý của đoạn trích: Khung cảnh cồn bến hoang vắng trong nắng chiều.
Câu 2:
– Hai chữ đìu hiu trong đoạn trích được Huy Cận học tập từ câu thơ trong Chinh phụ ngâm (nguyên tác Đặng Trần Côn, diễn Nôm Đoàn Thị Điểm):
Non Kì quạnh quẽ trăng treo
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò.
– Hiệu quả nghệ thuật của các từ láy:
- Từ láy lơ thơ gợi sự thưa thớt, rời rạc, vắng vẻ của không gian cảnh vật bên dòng tràng giang.
- Từ láy đìu hiu gợi nỗi buồn, hiu hắt, có phần thê lương của cảnh vật. Dường như nỗi buồn, nỗi hiu hắt từ trong lòng người tỏa ra và lan thấm vào cảnh vật.
Câu 3: Âm thanh được gợi lên trong bức tranh sông nước mênh mang được tác giả nhắc đến là tiếng họp chợ của một làng chài ở phía xa. Âm thanh ấy phát ra từ ngôi “chợ chiều” đã “vãn” mà làng lại xa nên không đủ sức làm cho cảnh vật sinh động, có hồn.
Chỉ một câu thơ mà mang nhiều sắc thái gợi lên âm thanh xa xôi, không rõ rệt: “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”
- “Đâu tiếng làng xa” có thể là câu hỏi “đâu” như một nỗi niềm khao khát, mong mỏi của nhà thơ về một chút sự hoạt động, âm thanh sự sống của con người.
- Cũng có thể là “đâu có”, một sự phủ định hoàn toàn, vì chung quanh đây chẳng hề có chút gì sống động để xua bớt cái tịch liêu của thiên nhiên. Tất cả vẫn chỉ là sự im lặng bao trùm lên dòng chảy tràng giang.
Câu 4:
– Hai câu thơ cuối sử dụng tài tình nghệ thuật đối: có đối trong phạm vi câu (nắng xuống / trời lên, sông dài / trời rộng), đối giữa các câu (nắng xuống trời lên / sông dài trời rộng; sâu chót vót / bến cô liêu). Phép đối khiến lời thơ nhịp nhàng, uyển chuyển, đồng thời dựng lên không gian đa diện, nhiều chiều: chiều cao (nắng xuống trời lên), chiều rộng (sông dài trời rộng), chiều sâu (sâu chót vót).
– Chót vót vốn là từ láy vốn chỉ được sử dụng để diễn tả độ cao, trong câu thơ của Huy Cận, nó lại đi với chiều sâu. Cảm giác sâu chót vót là có thật bởi tác giả nhìn dòng sông và thấy bầu trời dưới đáy sông sâu.
=> Đó chính là sự rợn ngợp trong tâm hồn của thi nhân trước cái vô cùng của vũ trụ.
– Cách sử dụng từ hết sức mới lạ bởi tác giả đã lồng chiều cao vào chiều sâu; ông đang ngắm cảnh bầu trời cao “chót vót” dưới mặt nước “sâu” thăm thẳm. Không gian càng rộng, hình ảnh con người lại càng nhỏ bé, cô độc, lẻ loi đến tội nghiệp.
– Hình ảnh “bến cô liêu” với âm hưởng man mác của hai chữ “cô liêu” ấy, một lần nữa lại gợi ra một nỗi buồn nhân thế, nỗi buồn về sự sống quá nhỏ nhoi, rất hữu hạn trong thiên nhiên, mà vũ trụ thì cứ mở ra mãi đến vô tận, vô cùng.
=> Không gian càng vắng lặng rộng lớn bao la thì hình ảnh con người càng cô đơn đến tột cùng. Nỗi buồn lan tỏa khắp không gian, bao trùm lên cảnh vật.
Có thể bạn quan tâm: Phân tích khổ thơ thứ ba trong bài Tràng giang
Đề số 3
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
(Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, 2007, tr.29)
Câu 1. Nêu đại ý của đoạn trích.
Câu 2. Đưa vào lời thơ những thi liệu cổ điển nhưng cách viết của Huy Cận mới mẻ ở chỗ nào?
Câu 3. Nhận xét về hình ảnh Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Câu 4. Đoạn trích cho thấy tình cảm, thái độ gì của nhà thơ?
Đáp án đề đọc hiểu Tràng Giang số 3
Câu 1: Đại ý đoạn trích: Bức tranh sông nước mênh mang, vắng lặng.
Câu 2: Đưa vào lời thơ những thi liệu cổ điển nhưng cách viết của Huy Cận rất mới mẻ:
– Trong văn chương cổ điển, hình ảnh cánh bèo trên mặt nước gợi sự trôi nổi vô định, nhắc nhớ đến thân phận trôi dạt nhỏ bé của kiếp phù sinh (bèo dạt mây trôi). Trong thơ Huy Cận, không đơn lẻ một cánh bèo trôi mà là cả đám bèo đông đúc nổi nênh trên mặt nước. Nhưng đông đúc mà chẳng hề tấp nập bởi đám bèo cứ lặng lẽ hàng nối hàng trôi dạt, không biết về đâu.
– Thơ xưa mượn hình ảnh cầu và đò để nối liền những không gian xa cách, để xóa đi những khoảng trời li biệt. Huy Cận cũng gọi đò, gọi cầu (gọi sự sống con người) về thơ mình nhưng càng gọi càng vắng bóng (không một chuyến đò ngang, không cầu gợi chút niềm thân mật) nên chỉ thấy nỗi cô đơn, vắng lặng, li cách, chia lìa mênh mông khắp không gian.
Câu 3:
– Cảnh “tràng giang” chỉ còn “lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”. Câu thơ đã vẽ lên được một bức tranh thật đẹp, tĩnh lặng nhưng rất buồn. Sắc xanh phối với sắc vàng làm nên một màu úa, bờ xanh, bãi vàng tiếp nối nhau hững hờ, lặng lẽ, chẳng hề có một sự kết nối đầm ấm nào.
– Phép đảo ngữ nhấn mạnh sự buồn lặng, u tĩnh của không gian mênh mông.
Câu 4: Bốn câu thơ, bốn hình ảnh, tất cả đều gợi buồn. Chúng “cộng hưởng” với nhau tạo thành bức tranh gợi về số phận nổi trôi, bơ vơ, bất hạnh, cô đơn của kiếp người trong xã hội cũ.
– Nghệ thuật sử dụng thủ pháp quen thuộc của thơ cổ điển: lấy “không” để nói “có”.
Đề số 4
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều xa.
Lòng quê rờn rợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
(Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, 2007, tr.29)
Câu 1. Đoạn trích trên được rút ra từ tác phẩm nào? Nêu ý nghĩa nhan đề tác phẩm đó.
Câu 2. Chỉ ra các lỗi sai trong đoạn trích. Sửa lại cho đúng với nguyên tác.
Câu 3. Vẻ đẹp cổ điển của lời thơ được thể hiện như thế nào trong đoạn trích?
Câu 4. Nêu cảm nhận về từ dợn dợn.
Câu 5. Chỉ ra sự sáng tạo của Huy Cận trong cách diễn đạt: Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà. Hai câu thơ cuối bộc lộ nỗi niềm, tâm trạng gì trong thi nhân?
Bài văn mẫu: Phân tích khổ thơ cuối bài Tràng giang – Huy Cận
Đáp án đề đọc hiểu Tràng Giang số 4
Câu 1:
– Đoạn trích trên được rút ra từ bài thơ Tràng Giang của Huy Cận.
– Ý nghĩa nhan đề của tác phẩm: Nhan đề của bài thơ là “Tràng Giang” cũng là một trong những dụng ý nghệ thuật của nhà thơ Huy Cận. “Tràng Giang” vốn là hai từ Hán Việt để chỉ dòng sông dài.
+/ Trong Tiếng Việt, có hai từ nhằm miêu tả chiều dài đó là từ “Tràng” và từ “Trường”. Ở đây nhà thơ Huy Cận không viết là “Trường Giang” mà lại viết là “Tràng Giang”.
- Bởi chữ “Trường” chỉ đơn thuần là miêu tả chiều dài.
- Còn chữ “Tràng” với âm “vang” vốn là âm mở, nó không chỉ miêu tả chiều dài của dòng sông mà còn gợi lên chiều rộng của con sông.
⇒ Đó là một con sông được vẽ lên với không gian ba chiều: sâu chót vót; rộng mênh mông; dài dằng dặc. Dòng sông càng mênh mông, càng vô biên, vô cùng bao nhiêu thì tâm hồn thi nhân càng cô liêu, cô sầu bấy nhiêu.
Câu 2:
– Lỗi sai trong đoạn trích: sai các từ xa, rờn rợn.
– Chữa lại các lỗi sai: xa sa, rờn rợn dợn dợn
Câu 3: Vẻ đẹp cổ điển của lời thơ:
– Huy Cận cũng vẽ lên trời chiều đang chuyển một hình ảnh cánh chim nghiêng bé nhỏ.
– Nghệ thuật đối lập tương phản: hình ảnh thiên nhiên mang vẻ đẹp kì vĩ (những lớp mây như đùn lên từ mặt đất, cả bầu trời lớp lớp mây tạo thành những núi mây và ánh mặt trời buổi chiều chiếu sáng làm cho những đám mây ánh lên như núi bạc) đối lập với cánh chim nghiêng quá bé nhỏ.
a. Hai câu đầu: màu sắc cổ điển của các hình ảnh thiên nhiên
- Các hình ảnh mây, núi, gió được thể hiện rất rõ và nổi bật qua đoạn thơ
- Hình ảnh lớp mây thể hiện nỗi buồn của tác giả vô bờ
- Hình ảnh cánh chim lẻ loi, thể hiện nỗi buồn của tác giả thêm sâu nặng
- Hình ảnh cánh chim không chỉ báo hiệu hoàng hôn mà còn chỉ cái tôi nhỏ nhoi, cô độc của tác giả
b. Hai câu cuối:
- Nhà thơ có cảm giác nhớ quê hương khi đứng trước cảnh thiên nhiên
- Nỗi buồn của Huy Cận được thể hiện rất sâu sắc và nổi bật
- Khát vọng sự đẹp đẽ, tươi đẹp về quê hương đất nước, góp sức mình cho quê hương, đất nước
Câu 4:
- Dợn dợn là từ láy, khác với rờn rợn. Rờn rợn chỉ cảm giác ghê, sợ trong lòng người; còn dợn dợn hoàn toàn không mang sắc thái cảm xúc đó.
- Dợn dợn không chỉ gợi cảm giác có điều gì đó gợn gợn trong lòng mà còn gợi hình ảnh những làn sóng nhấp nhô, liên tiếp, mở ra muôn trùng dòng trường giang. Sóng nước và sóng lòng hòa quyện vào nhau, mênh mang trên dòng tràng giang
Câu 5:
– Sự sáng tạo của Huy Cận trong cách diễn đạt: Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà: Sử dụng nghệ thuật phủ định để khẳng định: tuy không có một tín hiệu nào ở ngoại cảnh tác động mà nỗi nhớ quê hương vẫn dậy lên trong tâm khảm.
– Nếu như nỗi nhớ là một điều tất yếu khi phải xa quê hương thì Huy Cận lại cảm thấy nhớ mặc dù đang sống ở giữa quê hương, nỗi nhớ khi phải sống trong hoàn cảnh mất nước.
Xem thêm: Sơ đồ tư duy Tràng Giang
–
Trên đây là một số đề đọc hiểu Tràng Giang của Huy Cận mà Đọc tài liệu đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà!
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!