Đoạn văn phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược
Đề bài: Đoạn văn phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà
Đoạn văn phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng hay
I. Dàn ý Đoạn văn phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà ngắn gọn (Chuẩn)
1. Mở đoạn:
– Giới thiệu tác giả Nguyễn Quang Sáng, tác phẩm “Chiếc lược ngà” và nhân vật ông Sáu.
2. Thân đoạn:
a. Hoàn cảnh:
– Ông Sáu là một người lính chiến đấu xa nhà, “thoát li đi kháng chiến” đã tám năm.- Khi ông ra đi, con gái ông mới chỉ chưa tròn tuổi.- Do chiến tranh, lại chiến đấu xa nhà nên trong tám năm đó, ông chưa một lần được gặp con.
b. Tình yêu của ông Sáu dành cho con:
– Khi vừa gặp con:+ Khi thoáng nhìn thấy “một đứa bé độ tám tuổi tóc cắt ngang vai, mặc quần đen, áo bông đỏ” ngồi trước hiên, ông Sáu đã không thể đợi xuồng cập bến mà “nhùn chân nhảy thót lên”, vội vã chạy về phía con.+ Ông mong được con gọi ba, được con “chạy xô vào lòng”, “ôm chặt lấy cổ” nhưng ngược lại bé Thu “giật mình, tròn mắt nhìn”, “ngơ ngác, lạ lùng” rồi “vụt chạy đi”.+ Điều đó đã khiến ông Sáu vô cùng thất vọng “mặt anh sầm đi”, “hai tay buông xuống như bị gãy”.
– Trong những ngày ở nhà:+ Ông Sáu “chẳng đi đâu xa”, chỉ quanh quẩn ở nhà “vỗ về con”, quan tâm con.+ Ông mong được nghe tiếng gọi “ba” từ con của mình.+ Nhưng đổi lại, bé Thu lại càng “đẩy ra”, bé chưa từng một lần gọi ba, cũng không thèm nhờ vả ông chuyện gì.
– Khi chia tay con, chuẩn bị trở lại chiến trường:+ Ông Sáu từ biệt con bằng sự “trìu mến và buồn rầu”.+ Thế nhưng chính giây phút nào, ông lại nghe được tiếng gọi “ba” xé lòng từ con gái.+ Tiếng gọi đó đã khiến ông xúc động, nghẹn ngào đến bật khóc.
– Ở chiến khu:+ Lúc nào ông Sáu cũng mong nhớ về con và “ân hận” vì đã đánh con+ Những điều đó trở thành “nỗi khổ tâm” “giày vò” tâm trí ông.+ Mãi đến khi ông hoàn thành chiếc lược ngà, tâm trạng ông mới phần nào được “gỡ rối”.
c. Đánh giá chung:
– Nội dung:+ Ông Sáu là một người cha có tình yêu thương con tha thiết, sâu nặng+ Qua ông Sáu, tác giả muốn ca ngợi tình cảm cha con thắm thiết trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh.
– Nghệ thuật:+ Ngôn ngữ gần gũi, giản dị,mộc mạc+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật, miêu tả tâm lý hết sức thành công.
3. Kết đoạn:
– Khẳng định vẻ đẹp của nhân vật.
II. Những Đoạn văn phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà hay nhất
1. Đoạn văn phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà, mẫu 1 (Chuẩn)
Nguyễn Quang Sáng là một người con đất Nam Bộ, vậy nên các sáng tác của ông cũng đều tập trung miêu tả cuộc sống và con người của vùng đất này. Một trong những tác phẩm đặc sắc của ông phải kể tới là truyện ngắn “Chiếc lược ngà” – một tác phẩm về tình cha con sâu nặng. Nhân vật chính trong tác phẩm là ông Sáu – một người lính chiến đấu xa nhà và có một tình yêu dành cho con vô cùng tha thiết. Ông Sáu là một người chiến sĩ “thoát ly đi kháng chiến” từ những ngày con gái của anh còn chưa đầy tuổi. Chiến đấu xa nhà, chiến tranh loạn lạc nên tám năm đi xa, anh chưa từng gặp con gái của mình lần nào. Và trong một lần ghé thăm quê trước khi tập kết, ông đã gặp lại đứa con gái bé bỏng của mình. Tình cha con trong anh nôn nao đến nỗi khi vừa thấy một đứa bé “độ tám tuổi tóc cắt ngang vai, mặc quần đen, áo bông đỏ” ở trước sân nhà, anh đã chẳng thể chờ xuồng cập bến mà “nhún chân nhảy thót lên” và dừng lại kêu thật to: “Thu! Con!”. Những tưởng sau tám năm xa cách trong nhớ thương, ông sẽ được con gái “chạy xô vào lòng”, “ôm chặt lấy cổ” nhưng không, đứa bé ấy “giật mình, tròn mắt nhìn”, nó “ngơ ngác, lạ lùng” nhìn ông như một kẻ xa lạ rồi chạy đi gọi má. Điều này đã khiến ông Sáu vô cùng thất vọng và buồn bã “mặt anh sầm đi”, “hai tay buông xuống như bị gãy”. Ông Sáu chỉ được về nhà ba ngày, vậy nên trong ba ngày ấy, ông cố sức làm thân với con bé, quan tâm và chiều chuộng con bé. Lúc nào ông cũng “vỗ về con”, nhưng đổi lại, con bé lại “càng đẩy ra”. Đến tiếng gọi ba mà ông tha thiết mong nhớ, bé Thu cũng chưa một lần gọi. Nó chỉ “nói trổng” và không bao giờ chịu nhờ ông bất cứ việc gì. Đến ngày ông phải chia tay con để trở lại chiến trường thì cũng là ngày ông được nghe tiếng ba cất lên. Tiếng gọi ba xé lòng của bé Thu đã khiến trái tim của một người cha xúc động đến nghẹn ngào, ông Sáu đã khóc, đã thổn thức những giọt nước mắt hạnh phúc của tình cha con. Ra đi, ở chiến khu, nhưng lúc nào ông cũng nhớ tới con, “ân hận” vì đã lỡ tay đánh con. Điều đó trở thành “nỗi khổ tâm” “giày vò” trái tim yêu con của người cha ấy cho tới khi ông làm xong chiếc lược ngà cho con. Chiếc lược ấy đã phần nào “gỡ rối” cho tâm trạng ông, giúp ông vơi bớt nỗi nhớ con cháy bỏng. Có thể nói, khi đọc tác phẩm, ta thấy ông Sáu là một người cha có tình yêu con vô cùng tha thiết và sâu nặng.
2. Đoạn văn phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà, mẫu 2 (Chuẩn)
Tình cảm cha con, tình phụ tử là thử tình cảm thiêng liêng, thắm thiết, sâu nặng không kém gì so với tình mẫu tử. Và tình cảm ấy đã được nhà văn Nguyễn Quang Sáng thể hiện rất hay và rõ qua nhân vật ông Sáu trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” của mình. Ông Sáu “thoát ly đi kháng chiến” từ tám năm trước, từ khi mà đứa con gái của ông còn chưa đầy tuổi. Trong lần về thăm nhà trước khi đi tập kết, ông Sáu đã vô cùng háo hức, hạnh phúc khi được trở về thăm con gái nhỏ của mình. Thế nhưng trái ngược với ông Sáu, bé Thu – con gái của ông lại “giật mình, tròn mắt nhìn”. Nó “ngơ ngác, lạ lùng” nhìn ông Sáu như một người lạ và vụt chạy đi. Điều đó đã khiến ông Sáu đau khổ vô cùng “mặt anh sầm lại”, “hai tay buông xuống như bị gãy”. Trong 3 ngày ở nhà, ông Sáu “chẳng đi đâu xa, lúc nào cũng vỗ về con”, mong “nghe một tiếng “ba” từ con bé”. Thế nhưng đổi lại, con bé con của ông lại “càng đẩy ra”. Nó chưa từng gọi ông là ba mà lúc nào cũng “nói trổng” và không bao giờ nhờ ông giúp đỡ. Đến tận lúc chia tay, bé Thu – con của ông mới nhận ra ba của mình. Trong khoảnh khắc ấy, bao nhiêu yêu thương, mong nhớ con của ông Sáu đã bật ra nghẹn ngào, biến thành những giọt nước mắt hạnh phúc. Những ngày ở chiến khu là những ngày mà ông Sáu quay quắt trong nỗi nhớ con, quay quắt trong niềm “ân hận” vì đã đánh con. Những nỗi niềm ấy đã biến thành nỗi “khổ tâm” “giày vò” tâm hồn ông Sáu. Ông đã dồn hết tâm huyết và tình cảm để hoàn thành chiếc lược ngà – món quà ông dành cho con mình. Đến tận lúc hi sinh, trong lòng ông Sáu lúc nào cũng chan chứa một tình cha con thắm thiết, sâu nặng. Ông là một người cha với tình yêu con tha thiết vô cùng. Qua hình ảnh của ông Sáu, ta có thể thấy nhà văn Nguyễn Quang Sáng muốn gửi tới chúng ta hình ảnh về tình cha con sâu nặng cùng những đau thương, éo le mà chiến tranh gây nên. Bằng những hình ảnh sinh động, ngôn từ gần gũi, nghệ thuật xây dựng và miêu tả nhân vật xuất sắc, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã tái hiện cho chúng ta hình ảnh của một người cha với tình yêu thương con hết mực sâu sắc. Chiếc lược ngà rất hay về những con người Nam Bộ giàu tình yêu thương, chất phác mà anh hùng.
3. Đoạn văn phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà, mẫu 3 (Chuẩn)
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng mang đến câu chuyện về tình cảm cha con sâu nặng qua truyện ngắn Chiếc lược ngà của mình. Ông Sáu là nhân vật chính của câu chuyện, ông là thoát li kháng chiến trong suốt 8 năm trời. Trong suốt thời gian đó, ông chưa được gặp đứa con gái nhỏ của mình, bởi vậy nên lúc nào ông cũng khao khát được gặp con, khao khát được ôm lấy con vào lòng. Vậy nên khi được trở về thăm nhà trước khi đi tập kết, khi chiếc xuồng còn chưa kịp cập bến, khi vừa trông thấy con đứng chơi trước hiên nhà, ông đã “nhún chân nhảy thót lên” bờ và kêu lên: “Thu!Con!”. Đó là tiếng gọi tha thiết của một người cha yêu con mà phải xa cách tới tận tám năm trời. Ông vô cùng xúc động, mong con gái nhỏ sẽ “chạy xô vào lòng”, “ôm chặt lấy cổ” ông. Thế nhưng không, bé Thu – con gái của ông chỉ đứng đó “giật mình, tròn mắt nhìn” trong sự “ngơ ngác, lạ lùng” rồi “vụt chạy đi”. Điều đó đã khiến ông Sáu vô cùng thất vọng và đau khổ. Ba ngày trở về nhà là ba ngày ông “chẳng đi đâu xa”, lúc nào cũng quanh quẩn “vỗ về con” nhưng bé Thu vẫn một mực xa lánh, chối từ mọi hành động quan tâm của ông. Cho tới ngày ông chia tay con để trở lại chiến trường thì cũng là khoảnh khắc con gái ông nhận ra ba. Tiếng “ba” xé lòng mà ông mong ngóng đã được thốt lên từ chính con gái của ông. Điều đó đã khiến cho ông nghẹn ngào vô cùng. Khi ở chiến khu, ông Sáu nhớ con, “ân hận” vì đã lỡ đánh con trong cơn tức giận. Ông đã dồn hết tình cảm của mình để làm chiếc lược ngà để tặng con. Qua tác phẩm, ta thấy ông Sáu là một người cha có tình yêu thương con vô cùng sâu sắc. Đồng thời thông qua hình tượng ông Sáu, tác giả muốn gửi đến chúng ta lời ca ngợi về tình cảm cha con sâu nặng trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh.
4. Đoạn văn phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà hay nhất – Mẫu 4
4.2. Phân tích nhân vật ông Sáu ngắn nhất của học sinh giỏi
Nhân vật anh Sáu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng sẽ khiến ta cảm nhận được tình cảm cha con ấm áp nhưng cũng đầy day dứt, tiếc nuối. Anh Sáu là một người nông dân thoát li đi kháng chiến từ lúc con gái của anh còn chưa đầy một tuổi. Sau rất nhiều năm xa nhà, anh vui sướng vì được nghỉ phép về nhà thăm gia đình. Khi nhìn thấy đứa con gái của mình chơi ở bến sông, anh nôn nao, xúc động muốn chạy đến ôm chầm lấy con bé. Thế nhưng thái độ anh nhận được lại là sự hoảng sợ, xa lánh của bé Thu. Điều này khiến anh vô cùng bàng hoàng, đau đớn và thất vọng. Trong những ngày ở nhà, anh càng sầu não hơn khi con gái nhất định không chịu gọi “ba”. Thái độ chống đối của bé Thu còn quyết liệt đến mức khi anh gặp miếng trứng cá vào bát con bé, nó ngay lập tức hất đi. Quá tức giận và đau đớn, anh Sáu đã vung tay đánh vào mông nó. Sáng hôm sau, anh phải chia tay mọi người để quay lại chiến trường. Anh rất muốn ôm hôn con nhưng sợ con phản kháng nên chỉ đành đứng nhìn con bé từ xa rồi nhẹ nhàng nói: “Thôi! Ba đi nghe con!”. Nằm ngoài dự tính của mọi người, con bé bỗng gọi ba rồi chạy đến ôm chặt lấy anh Sáu. Anh vui sướng, xúc động đến mức bật khóc. Cảnh tượng ấy khiến mọi người xung quanh đều nghẹn ngào. Khi quay trở lại chiến khu, anh vẫn luôn ân hận vì đã đánh con. Cho đến khi anh Sáu tìm được miếng ngà voi trong rừng, anh quyết định làm một chiếc lược ngà tặng cho con. Anh cẩn thận tỉ mỉ mài từng chiếc răng lược sau đó khắc dòng chữ “Yêu nhớ tặng Thu con của ba” lên thân lược. Tất cả niềm thương nỗi nhớ dành cho con gái anh đều mang gửi vào chiếc lược, mong đất nước sớm ngày thống nhất để hai ba con gặp nhau. Nguyễn Quang Sáng xây dựng rất thành công hình tượng người cha nhờ việc sử dụng ngôn ngữ Nam Bộ giản dị, gần gũi. Qua đó, người đọc lại càng thấy được rõ hơn tình yêu thương con gái cháy bỏng, mãnh liệt và cao cả của một người cha.
5. Phân tích nhân vật ông Sáu ngắn gọn siêu hay – mẫu số 5
Ông Sáu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” là một người lính gan dạ gai góc, cũng là người cha yêu thương con mình hết mực. Ông Sáu đi lính từ khi con gái chưa đầy một tuổi. Khi chiến đấu, ông đã có một vết thẹo dài trên mặt do bị Mỹ bắn. Từ đó, khuôn mặt ông trở nên đáng sợ hơn xưa rất nhiều. Đó cũng chính là lí do con không chịu nhận ông khi gặp lại. Tuy rất muốn được ở nhà thêm với con vài ngày nhưng ông Sáu đã gác lại nỗi niềm riêng để đi tập kết đúng thời gian, hoàn thành nhiệm vụ đất nước giao. Khi được về thăm nhà, ông rất nôn nao, háo hức được gặp con. Thế nhưng sự sợ hãi, hoảng hốt của con bé khiến ông rất đau đớn và chạnh lòng. Một người cha mang theo nỗi niềm mong chờ được ôm con trong vòng tay lại phải nhận lấy sự ê chề, tủi hổ khi con không nhận mình. Trong những ngày ở nhà, ông Sáu đã rất cố gắng để thể hiện tình cảm với bé Thu nhưng đều không được đáp lại. Đỉnh điểm là khi con bé hất miếng trứng cá mà ông gắp cho ra ngoài. Quá tức giận, ông Sáu bèn vung tay đánh con. Đây chỉ là hành động bộc phát nhưng cũng khiến cho ông Sáu rất ân hận cho tới mãi sau này. Đến sáng hôm sau, ông Sáu phải lên đường quay lại mặt trận. Dù rất muốn ôm hôn con nhưng ông không dám, sợ con bé lại phản kháng lại lần nữa. Ông chỉ nói khẽ “Thôi! Ba đi nghe con”. Thế nhưng trái với suy nghĩ của ông, bé Thu bỗng bật thốt lên tiếng “Ba” và chạy lại ôm ông Sáu. Hạnh phúc đến với ông quá đột ngột, ông không nén nổi xúc động rơi nước mắt. Tiếng ba mà ông mong chờ bấy lâu cuối cùng cũng được nghe, dù là trong phút chia li nhưng nó cũng khiến ông mãn nguyện. Quay trở lại chiến trường, trong lòng ông Sáu không phút nào nguôi đi nỗi nhớ con. Đến khi, ông tìm được một chiếc ngà voi, ông quyết định làm một chiếc lược ngà tặng con gái. Chiếc lược ngà được ông Sáu làm rất tỉ mỉ, kì công như thể ông chính là một người thợ vậy. Mỗi lần nhớ con, ông lại lấy chiếc lược ra ngắm, nỗi ân hận trong ông cũng vơi đi phần nào. Chiếc lược chính là món quà gửi gắm tình cảm của ông Sáu dành cho bé Thu. Tình cảm cha con thiêng liêng, cao quý luôn được ông mang theo hằng ngày, là động lực giúp ông chiến đấu. Món quà chưa đến tay con gái thì ông đã hi sinh. Sự hi sinh này như một nốt trầm buồn đau thương, khiến ta không khỏi day dứt xót xa cho thứ tình cảm ấm áp, trong sáng chưa kịp cháy lại đã lụi tắt. Với nhân vật ông Sáu, Nguyễn Quang Sáng đã xây dựng thành công hình tượng một người lính quả cảm, cũng là một người cha hết mực yêu thương con. Qua đó, độc giả cũng thấy được sự hòa quyện và thống nhất giữa tình cảm gia đình và tình yêu Tổ quốc của con người thời chiến.
-HẾT-
https://thuthuat.taimienphi.vn/doan-van-phan-tich-nhan-vat-ong-sau-trong-truyen-ngan-chiec-luoc-nga-69648n.aspx Ông Sáu không những là một người lính mà còn là người cha ấm áp, luôn yêu thương và hướng về đứa con gái bé bỏng của mình. Khám phá thêm những đặc sắc của truyện ngắn Chiếc lược ngà, mời các bạn cùng tìm đọc thêm các bài viết khác như: Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà, Ý nghĩa nhan đề Chiếc lược ngà, Đóng vai bé Thu kể lại câu chuyện Chiếc lược ngà, Phân tích chi tiết vết sẹo trong truyện Chiếc lược ngà.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!