Tổng hợp các đề đọc hiểu Chí khí anh hùng – Đọc Tài Liệu
Tác phẩm Chí khí anh hùng (trích) thuộc chương trình học Ngữ văn 10 và cũng là đề tài được thầy cô yêu thích và đề ra trong phần Đọc hiểu của các đề thi, đề kiểm tra. Cùng Đọc tài liệu tham khảo các đề sau đây:
Tổng hợp đề đọc hiểu Chí khí anh hùng
Đề đọc hiểu Chí khí anh hùng số 1
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Nàng rằng: Phận gái chữ tòng,
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi
Từ rằng “Tâm phúc tương tri,
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?
Bao giờ mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.
(Trích Chí khí anh hùng, Trang 113, Ngữ văn 10, Tập II,NXBGD, 2006)
Câu 1. Nêu ý chính văn bản trên? Xét ở góc độ giao tiếp, văn bản sử dụng ngôn ngữ gì ?
Câu 2. Lời của Thuý Kiều trong văn bản gợi nhớ đến câu nói gì theo quan niệm phong kiến ? Tại sao nàng xin đi theo Từ Hải ?
Câu 3. Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ trong văn bản?
Câu 4. Viết đoạn văn ngắn bày tỏ suy nghĩ về hình ảnh nàng Kiều khi chia tay Từ Hải với cuộc chia tay với Thúc Sinh trước đó :
“Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Dặm hồng bụi cuốn chinh an
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh
Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”
Đáp án đọc hiểu Chí khí anh hùng số 1
Câu 1.
– Ý chính của văn bản: Thuý kiều xin đi theo Từ Hải. Từ Hải đáp lại bằng lời trách nhẹ nhàng và lời hứa hẹn một tương lai tươi sáng với sự nghiệp phi thường.
– Xét ở góc độ giao tiếp, văn bản sử dụng ngôn ngữ đối thoại.
(Hiểu rõ hơn về phần thơ này, các em có thể tham khảo thêm văn mẫu cảm nhận 12 câu thơ giữa bài Chí khí anh hùng nữa nhé!)
Câu 2.
– Lời của Thuý Kiều trong văn bản gợi nhớ đến câu nói theo quan niệm phong kiến: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử ( quan niệm tam tòng) ……..
– Kiều xin đi theo Từ Hải vì nàng muốn gắn kết với Từ Hải không phải chỉ bằng tình tri kỉ, nam nữ mà bằng nghĩa vợ-chồng. Nàng muốn mình là một phần của cuộc đời Từ để có một chỗ dựa trong cuộc đời- một nét tâm lí rất chân thật ở người con gái yếu đuối có cảnh ngộ như nàng. Qua đó, ta thấy được vẻ đẹp lòng chung thuỷ của Kiều.
Câu 3. Các biện pháp tu từ trong văn bản :
– Phép liệt kê : mười vạn tinh binh, chiêng dậy đất, tinh rợp đường
– Phép điệp cú pháp : Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.
– Nói quá : chiêng dậy đất, tinh rợp đường
– Hoán dụ : mặt phi thường ( anh hùng)
Hiệu quả nghệ thuật: thông qua hàng loạt biện pháp tu từ về từ và tu từ cú pháp, tác giả thể hiện niềm tin, lí tưởng cao cả của anh hùng. Đó là một lí tưởng đẹp. Lí tưởng gắn liền với một quan điểm sống tích cực, một cách sống vượt ra mọi khuôn khổ trói buộc của đời thường để đạt tới mục tiêu cao cả.
Câu 4. Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :
– Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp.
– Nội dung:
+ Trong cảnh Kiều chia tay Thúc Sinh, Nguyễn Du không dùng ngôn ngữ đối thoại mà chủ yếu tập trung tả cảnh để thể hiện tâm trạng của người về-kẻ đi. Nhà thơ dự cảm cuộc chia tay này đồng nghĩa với vĩnh biệt qua hình ảnh vầng trăng ai xẻ. Nhưng dẫu sao, Thúc Sinh cũng là cái phao cứu sinh trong cuộc đời Kiều. Vì thế, trong cảnh chia tay này, Kiều hiện ra là một người sống có tình có nghĩa với anh chàng họ Thúc nhát gan, sợ vợ.
+ Trong cảnh Kiều chia tay Từ Hải, Nguyễn Du dùng ngôn ngữ đối thoại. Dù mới nửa năm sống với Từ Hải vô cùng hạnh phúc nhưng giữa họ chưa hề có lễ nghi gia ( lễ cưới chính thức) nhưng nàng nói với Từ như lời người vợ dành cho chồng. Nàng xin đi theo để làm tròn chữ tòng theo quan niệm xưa. Từ Hải đáp lại lời nàng với lời hứa danh dự của một người anh hùng, sẽ đem lại hạnh phúc cho nàng. Qua đó, người đọc cảm nhân vẻ đẹp của lòng chung thuỷ, trọn nghĩa phu thê của nàng Kiều.
Đề đọc hiểu Chí khí anh hùng số 2
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Nửa năm hương lửa đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.
Trông vời trời bể mênh mang,
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.
Nàng rằng:“Phận gái chữ tòng,
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”.
Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?
Bao giờ mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.
Bằng nay bốn bể không nhà,
Theo càng thêm bận biết là đi đâu ?
Đành lòng chờ đó ít lâu,
Chầy chăng là một năm sau vội gì!”
Quyết lời dứt áo ra đi,
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.
( Ngữ văn 10, tập 2, trang 112-113, NXB Giáo dục -2006).
Câu 1. (1.0 điểm) Phương thức biểu đạt chính của văn bản là gì?
Câu 2. (1.0 điểm) Nêu ý nghĩa của điển tích được dùng trong câu thơ:
Quyết lời dứt áo ra đi,
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.
Câu 3. (4.0 điểm) Anh/ chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 20 dòng) nêu cảm nhận về vẻ đẹp của nhân vật Từ Hải qua đoạn trích Chí khí anh hùng (Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du).
Đáp án đọc hiểu Chí khí anh hùng số 2
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: tự sự
Câu 2.
– Điển tích được dùng trong câu thơ là: “chim bằng” (chim đại bàng).
– Ý nghĩa của điển tích này là: Nguyễn Du đã mượn hình ảnh chim bằng (chim đại bàng) trong văn chương cổ điển – chim bằng là một giống chim rất lớn, đập cách làm động nước trong ba ngàn dặm, thường tượng trưng cho những người anh hùng có bản lĩnh phi thường, khao khát làm nên sự nghiệp lớn, tượng trưng cho sự dũng mãnh, khát vọng làm nên việc lớn của những người anh hùng quân tử hán bản lĩnh phi thường để chỉ Từ Hải. Cuộc ra đi đột ngột, không báo trước, thái độ dứt khoát lúc chia tay, niềm tin vào thắng lợi đều bộc lộ chí khí anh hùng của người anh hùng Từ Hải. Cuộc chia tay Thúy Kiều chính là thời điểm đánh dấu đã đến lúc chim bằng tung cánh bay lên cùng gió mây chín ngàn dặm trên cao, thỏa sức tung hoành giang sơn bốn bể.
Câu 3.
Để nêu cảm nhận về vẻ đẹp của nhân vật Từ Hải qua đoạn trích Chí khí anh hùng
*4 câu đầu:
“Nửa năm hương lửa đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.
Trông vời trời bể mênh mang,
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.”
– Thúy Kiều và Từ Hải đang có cuộc sống vô cùng hạnh phúc “hương lửa đương nồng”
– Trượng phu: chỉ người đàn ông có chí khí, bậc anh hùng → Thái độ trân trọng, kính phục của Nguyễn Du với Từ Hải.
– Thoắt: dứt khoát, mau lẹ,nhanh chóng.
– Động lòng bốn phương: trong lòng náo nức chí tung hoành ở bốn phương
– Lên đường thẳng rong: đi liền một mạch
→ Một tư thế đẹp, hiên ngang không vướng bận, không lệ bộ của người quân tử sẵn sàng lên đường.
→ Cảm hứng vũ trụ, con người vũ trụ với kích thước phi thường, không gian bát ngát, ngợi ca, khâm phục.
=> Từ Hải không phải là con người của những đam mê thông thường mà là con người của khát vọng công danh.
*12 câu tiếp:
a. Lời Thúy Kiều:
– Xưng hô: Chàng – thiếp: tình cảm vợ chồng mặn nồng, tha thiết.
– Phận gái chữ tòng: bổn phận của người vợ phải theo chồng.
– Một lòng xin đi: quyết tâm theo Từ Hải
→ Muốn ra đi để tiếp sức, chia sẻ, gánh vác công việc với chồng
=> Thúy Kiều không chỉ ý thức được bổn phận của người vợ, thể hiện tình yêu với chồng mà còn hiểu, khâm phục và kính trọng Từ Hải. Nàng xứng đáng là tri kỉ của bậc anh hùng.
b. Lời Từ Hải
* Lời đáp:
“Từ rằng: “Tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”
– Từ chối mong muốn của Kiều
– Khuyên Kiều hãy vượt lên tình cảm thông thường để xứng đáng làm vợ một người anh hùng.
– Coi Kiều là người tri kỉ, hiểu mình
→ Tính cách anh hùng của Từ Hải.
*Lời hứa:
“Bao giờ mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.
Làm cho rỡ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.”
– Rõ mặt phi thường: tạo nên sự nghiệp xuất chúng, phi thường→ niềm tin sắt đá vào bản thân, sự nghiệp của mình.
– Rước nàng nghi gia: hứa trở về đón Kiều
→ Người anh hùng có chí khí, sự thống nhất giữa khát vọng phi thường và tình cảm sâu nặng với người tri kỉ.
* 4 câu thơ tiếp:
“Bằng nay bốn bể không nhà,
Theo càng thêm bận biết là đi đâu?
Đành lòng chờ đó ít lâu
Chầy chăng là một năm sau vội gì!”
– Bốn bể không nhà: khẳng định thực tế gian nan, vất vả, khó khăn của buổi đầu lập nghiệp.
– Lời hẹn: “ một năm” : mốc thời gian cụ thể, nhanh chóng → Khẳng định ý chí, bản lĩnh, sự tự tin
→ Lời hẹn ước ngắn gọn, dứt khoát, tự tin
=> Từ Hải không chỉ là người anh hùng có khát vọng, chí khí lớn mà còn rất tự tin vào tài năng của mình.
*Hai câu cuối
“Quyết lời dứt áo ra đi,
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi”
– Hành động :
+ quyết lời
+ dứt áo ra đi
→thái độ, cử chỉ, hành động dứt khoát, không hề do dự, không để tình cảm bịn rịn làm lung lạc và cản bước ý chí người anh hùng
– Hình ảnh chim bằng :
→ ẩn dụ tượng trưng về người anh hùng có lí tưởng cao đẹp, hùng tráng, phi thường, mang tầm vóc vũ trụ. →Thể hiện ước mơ về người anh hùng lí tưởng của Nguyễn Du ( chân dung kì vĩ, chí khí, tài năng, bản lĩnh phi thường, thực hiện giấc mơ công lí).
Đoạn văn tham khảo
Hình tượng Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng được miêu tả hiện lên vô cùng chân thực và sinh động. Người anh hùng Từ Hải đã được lý tưởng hóa mang những vẻ đẹp về phẩm chất của một nam nhi đại trượng phu mẫu mực. Đầu tiên, Từ Hải hiện lên với chí làm trai, thỏa sức tung hoành để làm nên việc lớn. Hình ảnh “Nửa năm hương lửa đương nồng” là hình ảnh của sự hạnh phúc lứa đôi ngọt ngào, dễ làm cho con người thui chột ý chí muốn vươn ra đất trời rộng lớn ngoài kia. Tuy nhiên, Từ Hải lại khác, người trượng phu nghĩa lớn ấy đã “thoắt đã động lòng bốn phương”. Cách dùng từ độc đáo của Nguyễn Du cho thấy chí lớn, chí làm trai, thỏa sức tung hoành với mục tiêu làm nên nghiệp lớn vẫn luôn ngự trị và trở thành khát khao lớn, mãnh liệt trong nhân vật. Từ bỏ hạnh phúc gia đình êm ấm và Thúy Kiều, người anh hùng ấy “trông vời trời bể mênh mang/ Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”. Cái khát vọng công danh của người anh hùng đã tạm gác gia đình lại để tiếp tục sự nghiệp dang dở. Thứ hai, ta thấy Từ Hải là người nam nhi có nghĩa lớn, muốn cho Thúy Kiều một danh phận đàng hoàng. Trong suốt cuộc đời lưu lạc của Kiều thì Từ Hải chính là người đàn ông duy nhất mà có thể cứu Kiều và dám hứa với Kiều về một danh phận và cuộc sống, chỗ dựa đàng hoàng. Người anh hùng Từ Hải quyết tâm làm nên sự nghiệp lớn để rồi đón Kiều về nhà, cho nàng một danh phận và cuộc sống êm ấm. Thái độ dứt khoát của Từ Hải qua những từ như “quyết, dứt” cho thấy ý chí làm nên công danh và nghiệp lớn của người đàn ông nặng nghĩa nặng tình. Và qua đó, nhân vật Từ Hải đã khắc dấu trong tâm trí người đọc với vẻ đẹp của người quân tử có chí lớn và yêu thương vợ của mình.
Đề đọc hiểu Chí khí anh hùng số 3
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Văn bản 1:
Nửa năm hương lửa đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.
Trông vời trời bể mênh mang,
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.
(Trích Chí khí anh hùng, Trang 113, Ngữ văn 10, Tập II,NXBGD, 2006)
Văn bản 2: Trong Kim Vân Kiều, Thanh Tâm Tài Nhân tả sự ra đi của nhân vật một cách chóng vánh: “ Từ bèn mua riêng một sở để cùng ăn ở với nàng. Được hơn năm tháng thì Từ dứt áo ra đi. Nào biết đi để làm gì? Hãy đợi hồi sau phân giải”…
Câu 1. Nêu thể loại của văn bản (1) và (2)?
Câu 2. Cùng một chi tiết chia tay nhưng cách kể của Nguyễn Du khác với cách kể của Thanh Tâm Tài Nhân ở điểm nào?
Câu 3. Em hiểu từ trượng phu và cụm từ động lòng bốn phương như thế nào? Từ thoắt nói lên điều gì trong tính cách của Từ ở văn bản (1)?
Câu 4. Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về vẻ đẹp người anh hùng Từ Hải qua văn bản (1)
Đáp án đọc hiểu Chí khí anh hùng số 3
Câu 1. Thể loại của văn bản
– (1) : thơ lục bát và văn bản
– (2): tiểu thuyết chương hồi
Câu 2. Cách kể của Nguyễn Du khác với cách kể của Thanh Tâm Tài Nhân ở điểm :
– Cách kể của Thanh Tâm Tài Nhân chỉ thuần túy là để thông báo sự kiện. Nó không giúp chúng ta cảm nhận được những phẩm chất phi thường của người anh hùng Từ Hải, đồng thời tình yêu của Từ Hải dành cho Kiều không được đề cập. Nói chung, đây là cách kể chỉ quan tâm đến sự kiện.
– Cách kể của Nguyễn Du giúp chúng ta cảm nhận được những phẩm chất phi thường của người anh hùng Từ Hải, đồng thời thấy được sự gắn bó của Từ Hải và Thuý Kiều thật sâu đậm, nồng nàn: hương lửa đương nồng. Nguyễn Du quan tâm đến tiếng lòng, đến cảm nhận của con người. Đó là sự sáng tạo của thiên tài Nguyễn Du.
Câu 3.
– Trượng phu (đại trượng phu) là từ chỉ người đàn ông có chí khí, bậc anh hùng với hàm nghĩa khâm phục, ca ngợi.
– Động lòng bốn phương là cụm từ ước lệ chỉ chí khí anh hùng (chí làm trai nam, bắc, đông, tây…) tung hoành thiên hạ. Đó cũng là lí tưởng anh hùng thời trung đại, không bị ràng buộc bởi vợ con, gia đình mà để ở bốn phương trời, ở không gian rộng lớn, quyết mưu sự nghiệp phi thường.
– Từ thoắt là nhanh chóng trong khoảnh khắc bất ngờ. Với từ thoắt, ta thấy cách nghĩ, cách xử sự của Từ Hải cũng khác thường và dứt khoát. Người anh hùng gặp người đẹp tri kỉ, đang say lửa nồng hạnh phúc lứa đôi, chợt nghĩ đến chí lớn chưa thành, đã động lòng bốn phương, đã thấy cuộc sống hạnh phúc gia đình sao mà chật hẹp, tù túng.
Câu 4. Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :
– Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành ;
– Nội dung:
+ Từ Hải không phải là con người đam mê tửu sắc mà là con người sống có lí tưởng. Lí tưởng đó là được tự do, vẫy vùng giữa trời cao đất rộng, không chịu một sự trói buộc nào.
+ Vẻ đẹp của Từ Hải được đặt trong hình ảnh không gian rộng lớn, khoáng đạt, không gian biển rộng trời cao. Không gian đó không chỉ nâng tầm vóc người anh hùng ngang hàng với vũ trụ mà còn như chắp cánh cho những ước mơ, khát vọng lớn lao, phi thường của người tráng sĩ ấy.
+ Từ Hải là giấc mơ lớn của Nguyễn Du về tự do và công lí.
-/-
Trên đây là một số đề đọc hiểu Chí khí anh hùng đã được ra trong các đề thi, đề kiểm tra mà Đọc tài liệu đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà Đừng quên còn rất nhiều đề văn về đoạn trích Chí khí anh hùng giúp các em ôn luyện chuẩn bị cho kì thi cuối kì tốt nhất nhé!
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!