Đề thi thử THPT Quốc gia môn văn 2019 . đề 9 – Thư Viện Văn Mẫu

ĐỀ CHÍNH THỨC

ĐỀ THI THỬ KÌ THI THPT QUỐC GIA LẦN 1

NĂM HỌC 2018 – 2019

MÔN THI: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút không kể thời gian giao đề

ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Lòng biết ơn là đẳng cấp cao nhất của văn minh. Một triết gia cổ đã từng nói như vậy.

Nên trong cuộc đời mình, dù có bất đồng quan điểm, hoặc không còn yêu thương, hoặc họ không cho mình nữa, hoặc mình không đủ năng lực lấy cơ hội họ mang đến, thì cũng nên trắng đen mà dùng lí trí phân biệt, rằng họ đã từng cho mình. Dù là một xu hay một miếng bánh nhỏ, cũng phải biết ơn.

Luôn nghĩ về ngày xưa, để biết ơn người đã cho mình cơ hội. Nếu không có họ, thì mình hiện giờ sẽ ra sao. Tự tưởng tượng và xoá bỏ những ý nghĩ không hay nếu có. Văn minh đơn giản chỉ là vậy.

(…) Cảm ơn là câu cửa miệng, nhưng với người mình thì ngày càng hiếm hoi. Chữ cảm ơn xuất phát từ lòng biết ơn chân thành, là một tiêu chí đánh giá con nhà có giáo dục tốt từ cha mẹ. ( Trích Lòng biết ơn, Tony Buổi sáng 17/10/2017)

Câu 1. Xác định thao tác lập luận chủ yếu được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2. Cho biết nôi dung chính của đoạn trích.

Câu 3. Theo anh/chị, vì sao: Lòng biết ơn là đẳng cấp cao nhất của văn minh?

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm: Chữ cảm ơn xuất phát từ lòng biết ơn chân thành, là một tiêu chí đánh giá con nhà có giáo dục tốt từ cha mẹ không ? Tại sao?

LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) chia sẻ suy nghĩ về quan điểm sau trong phần Đoc hiểu: Cảm ơn là câu cửa miệng, nhưng với người mình thì ngày càng hiếm hoi.

Câu 2 (5,0 điểm)

Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

Nhớ từng rừng nứa bờ tre

Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy…

…Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Án sao đầu súng bạn cùng mũ nan.

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

( Trích Việt Bắc – Tố Hữu, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục, 2008)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên, từ đó nhận xét đặc điểm phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu.

……………………………………………..Hết………………………………………………..

SỞ GD&ĐT THANH HOÁ

Trường THPT Hậu Lộc 4

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ THI THỬ KÌ THI THPT QUỐC GIA LẦN 1

NĂM HỌC 2018 – 2019

MÔN THI: NGỮ VĂN

Phần Câu Nội dung Điểm I ĐỌC HIỂU 3.0 1 Đoạn văn trên sử dụng thao tác lập luận chủ yếu: bình luận 0.5 2 Nội dung chính của đoạn trích:

Đọc thêm:  Top 9 phần mềm dạy học cho giáo viên hay nhất thị trường - ClassIn

– Lòng biết ơn là đẳng cấp cao nhất của xã hội văn minh

– Lời cảm ơn là tiêu chí đánh giá một con người có văn minh/ có giáo dục hay không.

0.5 3 Thí sinh có thể có nhiều cách lí giải khác nhau. Có thể theo hướng sau: Lòng biết ơn là đẳng cấp cao nhất của văn mình vì: Đó là triết lí sống đẹp, là truyền thống đạo lí tốt đẹp vốn có từ bao đời nay của dân tộc. Chỉ khi con người tôn trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, hàm ơn thì phải biết ơn và trả ơn thì mới có thể trở thành một con người có nhân cách tốt, thể hiện một con người văn minh, làm nên một cộng đồng văn minh, xã hội văn minh, hiện đại. 1.0 4 Thí sinh cần nêu rõ quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình; lí giải hợp lí, thuyết phục về ý kiến của tác giả trong đoạn trích. Chẳng hạn như:

– Nếu thí sinh đồng tình thì có thể kiến giải: Vì biết ơn và biết cách bày tỏ lòng biết ơn với người giúp đỡ mình thể hiện sự ứng xử văn minh, lịch sự. Cách ứng xử đó không chỉ là kết quả của sự tu dưỡng ở bản thân mỗi người mà còn do sự giáo dục, đặc biệt từ gia đình. Cha mẹ, ông bà giáo dục tốt sẽ giúp đứa trẻ hình thành nhân cách cao đẹp, ứng xử có văn hóa, biết bày tỏ lòng biết ơn chân thành với người đã giúp đỡ mình.

– Nếu thí sinh không đồng tình thì có thể kiến giải: Mặc dù gia đình, trong đó có ông bà, cha mẹ có vai trò quan trọng trong việc giáo dục con cháu, hình thành cho trẻ cách cư xử văn minh, lịch sự. Nhưng không hiếm những trường hợp ngược lại, trẻ vẫn hư hỏng. Bởi hình thành nên nhân cách một con người do rất nhiều yếu tố, sự giáo dục gia đình, nhà trường… và đặc biệt là sự tự tu dưỡng, rèn luyện và bản lĩnh của mỗi cá nhân.

1.0 II LÀM VĂN 7.0 1 Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) chia sẻ suy nghĩ về ý kiến sau trong phần Đoc hiểu: Cảm ơn là câu cửa miệng, nhưng với người mình thì ngày càng hiếm hoi. 2.0 a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0.25 b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Cảm ơn là câu cửa miệng, nhưng với người mình thì ngày càng hiếm hoi.

0.25 c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ. Cảm ơn là câu nói cửa miệng, nhưng hiện nay, nhiều người không biết nói cảm ơn, thậm chí vong ân bội nghĩa, qua cầu rút ván, chẳng một lời tri ân với người đã giúp mình.

Đọc thêm:  Top hơn 20 cách làm trong suốt ảnh trong powerpoint hay nhất

Có thể theo hướng sau:

– “Uống nước nhớ nguồn”,“ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” vốn là lối sống đẹp mà ông cha đã truyền dạy cho con cháu bao đời nay. Tiếc rằng, truyền thống ấy ngày nay phần nào bị mai một đi. Trong cuộc sống, xuất hiện không ít trường hợp nhận ơn mà không biết trả ơn, thậm chí quên ơn những người đã tận tình giúp đỡ mình khi sa cơ lỡ vận, lúc hoạn nạn khó khăn. (Có thể chỉ ra vô số những biểu hiện như con cái vô ơn với cha mẹ, bạn bè quên ơn nhau, học trò không biết ơn thầy cô…)

– Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, một phần là do cách sống, cách giáo dục nhưng quan trong hơn là do ý thức bản thân mỗi người. Lối sống vô ơn xuất hiện mang đến nhiều hệ lụy, làm mai một truyền thống đạo lí dân tộc, xã hội, con người thiếu đi sự gắn kết, thậm chí nguy hiểm hơn khiến người ta trở nên dửng dưng, vô cảm với mọi người và thế giới xung quanh.

– Cần biết nói lời cảm ơn khi được nhận sự giúp đõ quan tâm của người khác, cần phê phán lối sống vô ơn; gia đình, xã hội hãy giáo dục con trẻ lối sống hàm ơn, mỗi người cũng cần tự giáo dục mình để hoàn thiện hơn, giúp cuộc sống đẹp hơn, thân thiện hơn…

1.0 d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0.25 e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0.25 2 Cảm nhận về đoạn thơ trong bài Việt Bắc, qua đó nhận xét về đặc điểm phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu. 5.0 a.Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề

0.25 b.Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Nỗi nhớ về thiên nhiên Việt Bắc, khí thế hào hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp với hình ảnh toàn quân, toàn dân cùng ra trận

0.5 c.Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

3.5 1.Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và đoạn thơ:

– Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng, với phong cách trữ tình chính trị, đậm đà tính dân tộc.

– Việt Bắc là bài thơ xuất sắc của ông, tác phẩm được viết vào tháng 10/1954 nhân một sự kiện có tính lịch sử, các cơ quan trung ương Đảng dời chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Bài thơ là một bản hùng ca đồng thời là khúc tình ca về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến.

Đọc thêm:  TOP 20 mẫu mở bài Đất nước Nguyễn Khoa Điềm (2023) SIÊU HAY

– Những câu thơ sau mang đến cho người đọc ấn tượng đặc sắc:

0.5 2. Cảm nhận về đoạn thơ:

– 6 câu trên: Nối nhớ thiên nhiên, cuộc sống Việt Bắc

+ Thể hiện nỗi nhớ đằm thắm, sâu nặng của người cán bộ kháng chiến dành cho Việt Bắc, trong đó chan hòa tình nghĩa riêng chung

+ Hiện lên trong nỗi nhớ ấy là hình ảnh Việt Bắc thân thương với cảnh vật bình dị mà thơ mộng, nhịp sống đơn sơ mà êm đềm ấm áp.

6 câu dưới: Khí thế hào hùng, dũng mãnh của cuộc kháng chiến chống Pháp

Đoạn thơ tái hiện lại con đường Việt Bắc trong những năm kháng chiến chống Pháp với những nẻo đừơng hành quân, nẻo đường chiến dịch,Các từ láy “đêm đêm”, “rầm rập”, “điệp điệp”, “trùng trùng” cùng lối so sánh “như là đất rung” đã gợi tả thật hay, thật hào hùng âm vang cuộc kháng chiến thần thánh và sức mạnh nhân nghĩa 4000 năm của dân tộc. Khí thế chiến đấu thần kì của quân dân Việt Bắc làm rung đất chuyển trời mà không một thế lực tàn bạo nào có thể ngăn cản được. Cả dân tộc ra trận chống Pháp với sức mạnh không gì ngăn được.

– Nghệ thuật của đoạn thơ

+ Thể thơ lục bát, kết hợp nhuần nhuyễn chất cổ điển và chất dân gian, nhịp điệu linh hoạt, âm hưởng khi tha thiết, ngọt ngào, lúc hào hùng sôi nổi.

+ Hình ảnh thơ giản dị mà gợi cảm, cách ví von quen thuộc mà độc đáo, cách tổ chức lời thơ với phép tiểu đối, phép điệp cân xứng, khéo léo, cách dùng từ láy đặc sắc…

2.0

0,75

0,75

0,5

3. Nhận xét về đặc điểm phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu

– Đoạn thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu. Yếu tố trữ tình chính trị, âm hưởng sử thi hào hùng, tính dân tộc đậm đà.

– Đoạn thơ thể hiện tình cảm lớn, đó là tình cảm gắn bó sâu nặng của người cán bộ cách mạng về xuôi với Việt Bắc.

– Tính dân tộc đậm đà của thơ Tố Hữu cũng được thể hiện thành công trong đoạn thơ từ cách sử dụng ngôn từ, các biện pháp nghệ thuật đến thể thơ lục bát truyền thống.

1,0 d/ Chính tả, ngữ pháp:

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

025 e. Sáng tạo:

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ

0.5 TỔNG ĐIỂM 10.0

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button