Động viên công nghiệp phục vụ quốc phòng – Báo Quân đội nhân dân
Nhìn lại chặng đường 15 năm thực hiệp pháp lệnh, cho thấy, quy mô, trình độ ĐVCN chưa tương xứng với sự phát triển của nền công nghiệp nước nhà. Cần có những chính sách, biện pháp mới nhằm ĐVCN với quy mô lớn, trình độ cao cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, trong thời gian tới.
ĐVCN là huy động một phần hoặc toàn bộ năng lực sản xuất, sửa chữa của doanh nghiệp công nghiệp ngoài lực lượng vũ trang (LLVT) để sản xuất, sửa chữa cho quân đội. ĐVCN được chuẩn bị từ thời bình và thực hiện động viên trong trường hợp động viên cục bộ, tổng động viên và chiến tranh. Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh ĐVCN, Bộ Quốc phòng xác định, đã thực hiện đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng các dây chuyền ĐVCN tại doanh nghiệp công nghiệp và đơn vị quân đội; tổ chức sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị cho quân đội bảo đảm số lượng, chất lượng theo chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; năng lực công nghệ các dây chuyền được duy trì ổn định, từng bước nâng cao, sẵn sàng động viên khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh những kết quả đạt được, thì số lượng doanh nghiệp công nghiệp được khảo sát, lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị ĐVCN còn ít so với số lượng thực tế doanh nghiệp công nghiệp trên toàn quốc; chưa đánh giá hết tiềm năng công nghiệp của quốc gia, từng vùng, từng địa phương phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Việc giao nhiệm vụ, chỉ tiêu ĐVCN cho các doanh nghiệp công nghiệp còn nhỏ lẻ, ngắn hạn, chưa đồng bộ, thiếu tính quy hoạch, kế hoạch. Số lượng các dây chuyền ĐVCN được triển khai xây dựng còn ít; sản phẩm ĐVCN chưa đa dạng; việc đầu tư, nghiên cứu, thiết kế chế tạo và chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm mới, lĩnh vực mới chưa có tính đột phá. Công tác xây dựng, triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch, chính sách về ĐVCN còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với tốc độ phát triển của xã hội.
Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn
Bên cạnh đó, một số quy định tại pháp lệnh có những điểm bất cập, chưa phù hợp và thống nhất với quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách và các văn bản liên quan về quản lý, huy động các doanh nghiệp công nghiệp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Ngân sách Nhà nước hằng năm bảo đảm cho công tác ĐVCN hạn hẹp; các chế độ, chính sách đối với doanh nghiệp công nghiệp thực hiện nhiệm vụ ĐVCN chưa phù hợp với điều kiện hiện nay.
Theo đó, để nâng cao chất lượng ĐVCN cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, trước hết tập trung xây dựng cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất nhằm thực hiện tốt chuẩn bị và ĐVCN đáp ứng nhu cầu thường xuyên và chiến tranh nếu xảy ra cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Giải pháp này, giữ vị trí hàng đầu, bởi vì, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, mọi hoạt động kinh tế, quốc phòng… đều được tiến hành trong khuôn khổ quy định của luật pháp. Trong khi đó, một số quy định tại pháp lệnh có những điểm bất cập, chưa phù hợp và thống nhất. Điều đó đòi hỏi, phải đồng bộ hóa, thống nhất hóa các quy định đã được luật pháp hóa, tạo hành lang pháp lý cho quá trình chuẩn bị động viên và ĐVCN thời gian tới. Theo đó, từng cơ quan chức năng cần rà soát kỹ lưỡng các văn bản quy phạm pháp luật, nhằm phát hiện sự bất cập giữa pháp lệnh với các bộ luật có liên quan đến ĐVCN. Xây dựng nội dung, quy định mới, kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh, bổ sung các quy định chưa phù hợp của pháp lệnh nhằm đồng bộ hóa với các luật có liên quan đến ĐVCN. Tổ chức tuyên truyên, giáo dục sâu rộng cho toàn dân, nhất là các doanh nghiệp công nghiệp hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ thực hiện ĐVCN, để tự giác thực hiện.
Tiếp đến, cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch ĐVCN bài bản, thống nhất nhằm chuẩn bị ĐVCN toàn diện cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Giải pháp này rất quan trọng, bởi vì, mỗi dây chuyền, công nghệ sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị phục vụ nhu cầu quốc phòng đều đòi hỏi chi một lượng ngân sách lớn, rất tốn kém. Theo đó, phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch chuẩn bị ĐVCN đồng bộ, thống nhất. Trong khi, đến nay chúng ta chưa xây dựng được kế hoạch ĐVCN ở tầm quốc gia. Rõ ràng, các cơ quan chức năng của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Quốc phòng cần tích cực, chủ động xây dựng quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, thống nhất về ĐVCN cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trong đó cần điều tra, khảo sát kỹ lưỡng năng lực sản xuất công nghiệp trên cả nước, chú trọng các địa bàn chiến lược. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch tổng thể ĐVCN khoa học, đáp ứng mọi nhu cầu sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đi cùng với thường xuyên rà soát để điều chỉnh, bổ sung kịp thời, tránh tình trạng phân bố không hợp lý giữa các địa bàn mang tầm chiến lược.
Cùng với đó, mở rộng lĩnh vực, địa bàn, nâng cao trình độ sản xuất, sửa chữa của các doanh nghiệp ngoài quân đội đáp ứng mọi nhu cầu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động ngày càng mạnh mẽ tới mọi mặt, mọi vùng miền của đất nước, điều đó cho phép mở rộng lĩnh vực, địa bàn và nâng cao trình độ ĐVCN. Trong khi, ĐVCN hiện nay, vẫn chủ yếu ở ngành công nghiệp cơ khí với quy mô nhỏ, tập trung ở các trung tâm kinh tế lớn, trình độ công nghệ không cao. Do đó, cần xây dựng kế hoạch mở rộng đầu tư ĐVCN cho các ngành có hàm lượng tri thức cao, như: Điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, công nghiệp chế biến; kết hợp chặt chẽ phát triển công nghiệp với củng cố quốc phòng trên từng địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa nhằm tăng cường ĐVCN cho các vùng, miền. Đồng thời, phải đầu tư nâng cao trình độ công nghệ cho các dây chuyền sản xuất, sửa chữa đã được đầu tư chuẩn bị ĐVCN trong thời gian qua.
Chung quy lại, ĐVCN là hoạt động hết sức bức thiết cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục với quy mô lớn, địa bàn rộng và trình độ công nghệ cao. Các giải pháp được đề xuất có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nếu được thực hiện đồng bộ, nhất quán chắc chắn thì ĐVCN có hiệu quả đáp ứng nhu cầu chiến tranh nhân dân, trình độ công nghệ cao nếu xảy ra, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
PGS, TS HOÀNG MINH THẢO
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!