Đóng vai Lê Lợi và kể lại Sự tích Hồ Gươm – Văn 6 (5 mẫu)
Truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm sẽ được hướng dẫn tìm hiểu trong chương trình Ngữ văn lớp 6.
Sau đây, Download.vn sẽ cung cấp Bài văn mẫu lớp 6: Đóng vai Lê Lợi và kể lại truyện Sự tích Hồ Gươm, mời các bạn học sinh tham khảo.
Dàn ý đóng vai Lê Lợi kể lại Sự tích Hồ Gươm
1. Mở bài
Giới thiệu về bản thân – Lê Lợi, chủ tưởng của nghĩa quân Lam Sơn.
2. Thân bài
– Hoàn cảnh đất nước: giặc Minh xâm lược, coi nhân dân như cỏ rác, nghĩa quân Lam Sơn dưới sự chỉ huy của Lê Lợi đứng lên bảo vệ đất nước.
– Long Quân cho nghĩa quân Lam Sơn mượn gươm thần nhưng bằng cách trải qua thử thách để tìm được thanh gươm quý.
– Lê Thận là người dân bình thường, làm nghề đánh cá: Trong một lần thả lưới, vớt được một thanh sắt liền vứt xuống nước, liên tiếp vớt được tới lần thứ ba thì lấy làm lạ. Chàng bèn đưa thanh sắt lại cạnh mồi lửa nhìn xem thì phát hiện ra đó là một lưỡi gươm.
– Lê Lợi là chủ tướng lãnh đạo nghĩa quân: Một lần bị giặc truy đuổi, lúc rút lui đi qua một khu rừng. Lê Lợi thấy ánh sáng lạ trên ngọn đa. Ông trèo lên mới biết đó là chuôi gươm nạm ngọc. Lúc này mới nhớ đến lưỡi gươm ở nhà Lê Thận và hiểu ra đó là một vật báu.
– Lê Lợi có thanh gươm trong tay tung hoành khắp các trần địa, làm cho quân Minh kinh hồn bạt vía.
– Gươm thần giúp nghĩa quân đánh bại quân xâm lược, cho đến khi không còn bóng một tên giặc nào trên đất nước.
– Đất nước đã đánh tan giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi vua cai trị đất nước, nhân dân sống trong thái bình. Rùa Vàng hiện lên đòi lại thanh gươm quý.
3. Kết bài
Đất nước đã đánh tan giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi vua cai trị đất nước, nhân dân sống trong thái bình. Rùa Vàng hiện lên đòi lại thanh gươm quý.
Đóng vai Lê Lợi kể lại Sự tích Hồ Gươm – Mẫu 1
Ta là Lê Lợi, chủ tướng của nghĩa quân Lam Sơn. Giặc Minh sang xâm lược nước ta. Chúng bóc lột nhân dân đến tận xương tủy. Điều đó khiến cho ta vô cùng đau lòng.
Ta quyết định thành lập nghĩa quân, lấy tên là Lam Sơn ngày đêm rèn sức luyện tài để đợi ngày đánh giặc. Do nghĩa quân mới thành lập chưa lâu nên lực lượng còn non yếu lại gặp nhiều khó khăn: thiếu thốn lương thực, vũ khí…
Hồi ấy, ở Thanh Hóa có một người tên là Lê Thận làm nghề đánh cá. Lê Thận khi kéo lưới thấy nặng tưởng rằng cá to. Hóa ra khi vớt lên chỉ thấy một thanh thanh sắt, liền vứt xuống sông. Liên tiếp ba lần như vậy, chắc hẳn Lê Thận thấy kỳ lạ nên đã quyết định đem về nhà. Về sau, Lê Thận tham gia nghĩa quân Lam Sơn, chiến đấu vô cùng dũng cảm. Chuyện này về sau ta nghe Lệ Thận kể lại mới hiểu rõ đó là ý trời.
Một lần nọ, ta cùng tùy tùng đến thăm nhà Lê Thận. Bỗng nhiên thấy phía góc nhà lóe sáng, ta tiến đến gần xem là cầm lên xem là vật thì gì thì thấy hai chữ “Thuận Thiên”. Trong một lần bị giặc đuổi, ta cùng tùy tùng đi qua một khu rừng, nhặt được một cái chuôi. Ta trèo lên cây xem thử thì thấy một cái chuôi gươm nạm ngọc quý giá. Bỗng nhớ đến lưỡi gươm nhà Lê Thận, ta mang chuôi về tra vào lưỡi gươm thì vừa như in.
Một năm trôi qua, nhờ có gươm thần giúp sức, nghĩa quân của ta đánh đến đâu thắng đến đó. Thanh thế ngày một vang xa. Quân Minh được dẹp tan. Ta được nhân dân tôn lên làm vua lấy niên hiệu là Lê Thái Tổ.
Một ngày nọ, ta cho cưỡi thuyền trên hồ Tả Vọng thì thấy một con Rùa Vàng nổi lên. Rùa không sợ người, còn nói với với ta:
– Việc lớn đã thành. Xin bệ hạ trả lại gươm báu cho đức Long Quân.
Sau khi nghe Rùa Vàng nói, ta bèn đem gươm báu trả lại rồi nói:
– Xin cảm tạ ngài cùng đức Long Quân đã cho mượn gươm báu để đánh tan quân giặc, bảo vệ nước nhà.
Nghe xong, Rùa Vàng gật đầu rồi lặn xuống hồ. Từ đó, người dân đổi tên hồ Tả Vọng thành hồ Gươm (hay còn gọi là hồ Hoàn Kiếm).
Đóng vai Lê Lợi kể lại Sự tích Hồ Gươm – Mẫu 2
Vào thời giặc Minh đô hộ ở nước ta chúng coi nhân dân như cỏ rác, làm nhiều điều bạo ngược. Bấy giờ ở vùng Lam Sơn, nghĩa quân của ta nổi dậy chống lại chúng, thế lực còn non yếu nên nhiều lần bị thua. Thấy vậy Long Quân quyết định cho nghĩa quân của ta mượn gươm thần để giết giặc.
Hồi ấy, ở Thanh Hoá có một người làm nghề chài lưới quanh năm để nuôi thân, tên là Lê Thận. Một đêm nọ, anh ta thả lưới ở một bến vắng như mọi hôm. Khi kéo lên, Thận nghĩ là được mẻ cá to. Nhưng khi thò tay vào bắt cá, Thận chỉ thấy một thanh sắt. Thận liền vứt ngay xuống nước, rồi lại thả lưới ở một chỗ khác.
Lần thứ hai cất lưới lên, Thận lại thấy thanh sắt đó mắc vào lưới. Lần thứ ba, vẫn. thanh sắt đó mắc vào lưới. Thấy sự lạ, Thận bèn đưa thanh sắt lại gần mồi lửa. Bỗng chàng reo lên:
– Ha ha! Một lưỡi gươm!
Sau này, Thận gia nhập nghĩa quân khởi nghĩa Lam Sơn. Lê Thận thông minh gan dạ, dũng cảm, không nề gian nan, nguy hiểm nên ta rất quý mến. Một ngày nọ, ta và mấy người lính đến nhà Thận. Trong túp lều rách nát, tối om, bỗng thanh sắt sáng rực lên ở góc lều. Lấy làm lạ, ta cầm lên xem thấy hai chữ “Thuận thiên” khắc sâu trên mặt kiếm. Song tất cả bọn ta vẫn không biết đó là báu vật.
Một hôm, bị giặc đuổi, ta và các tướng rút lui mỗi người một ngả. Đến một gốc đa cổ thụ, thấy vật gì sáng lóe trên cây ta bèn trèo lên xem, thì ra đó là một chuôi gươm nạm ngọc. Nhớ đến lưỡi gươm nhà Lê Thận, ta bèn rút lấy chuôi dắt ở lưng và trở về.
Vài hôm sau, ta gặp mọi người trong nghĩa quân và kể lại cho họ nghe câu chuyện bắt được chuôi gươm. Lúc đem tra gươm vào chuôi thì vừa như in. Lê Thận cầm gươm lên và nói với ta:
– Đây là trời có ý phó thác cho minh công làm việc lớn. Chúng tôi nguyện hy sinh tính mạng cho đất nước và cùng thanh gươm thần này để báo đền Tổ quốc!
Từ đó nhuệ khí của nghĩa quân ngày càng tăng. Trong tay ta, thanh gươm tung hoành mọi trận địa, làm cho giặc kinh hồn bạt vía. Uy thế của nghĩa quân vang khắp nơi. Nghĩa quân không phải trốn tránh như trước nữa mà xông xáo đi tìm giặc. Chúng ta không phải ăn uống khổ cực nữa mà đã có những kho lương mới chiếm được tiếp tế cho nghĩa quân. Gươm thần mở đường cho chúng ta đánh tràn ra khắp đất nước đến khi không còn bóng giặc nào trên đất nước ta nữa. Dẹp giặc xong, ta được phong lên ngôi vua. Năm sau, vào một buổi sáng đẹp trời ta cùng các tuỳ tùng cưỡi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả Vọng. Đúng lúc đó Đức Long Quân sai Rùa Vàng lên đòi lại thanh gươm thần. Khi thuyền Rồng tiến ra giữa hồ, tự nhiên có một con rùa lớn nhô đầu và mai lên khỏi mặt nước. Theo lệnh của ta, thuyền đi chậm lại. Đứng trên mạn thuyền, ta thấy lưỡi gươm thần đeo bên người tự nhiên động đậy. Con Rùa Vàng không sợ người, nhô đầu lên và tiến về phía thuyền. Nó đứng nổi trên nước và nói: “Xin bệ hạ hoàn lại gươm cho Long Quân!”.
Ta nâng gươm hướng về phía Rùa Vàng. Nhanh như cắt, rùa há miệng đớp lấy gươm và lặn xuống nước. Gươm và rùa đã chìm xuống đáy nước, người ta vẫn thấy vật gì sáng le lói dưới đáy hồ xanh.
Từ đó ta gọi hồ Tả Vọng là hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm. Nhân dân cũng nhân sự tích này mà gọi hồ Tả Vọng bằng cái tên mới là hồ Hoàn Kiếm.
Đóng vai Lê Lợi kể lại Sự tích Hồ Gươm – Mẫu 3
Ta là Lê Lợi, chủ tướng của nghĩa quân Lam Sơn. Trước tình hình đất nước rối ren trăm bề, giặc Minh hoành hành gây ra bao đau khổ cho nhân dân. Ta đứng lên phát động mọi người yêu nước, có cùng lí tưởng, khát khao đấu tranh chống quân Minh, giành độc lập cho dân tộc, mang lại cho người dân cuộc sống yên bình, ấm no.
Nghĩa quân của ta thu hút đông đảo quần chúng nhân dân lao động nghèo ở nhiều địa phương quy tụ về. Tuy nhiên vẫn có sự chênh lệch lớn về tương quan lực lượng, vũ khí đấu tranh so với quân xâm lược Minh. Cảm động trước tấm lòng nhân nghĩa của nghĩa quân, đồng thời cũng nhận biết được tình cảnh khó khăn mà nghĩa quân đang phải đối mặt, đức Long Vương đã cho ta mượn Gươm báu, và thanh gươm này đã trở thành một trợ thủ đắc lực đưa đến chiến thắng lẫy lừng sau này.
Không thể đứng nhìn đất nước của mình rơi vào tay quân giặc, không chấp nhận cuộc sống của kiếp nô lệ nên ta đã đứng lên phát động bà con cùng đấu tranh chống giặc. Ngay sau những hoạt động tuyên truyền, phát động, lực lượng người theo ta ngày càng đông đảo.
Trong thời gian đầu, nghĩa quân đã gặp phải muôn vàn khó khăn, thách thức, liên tiếp bị quân Minh tập kích, truy sát làm cho nhiều anh em đồng đội đã ngã xuống. Ta và mọi người tuy rất đau lòng nhưng không thể dừng lại hành động đấu tranh chính nghĩa này được. Hôm ấy trong một cuộc sát phạt dã man của quân giặc, ta và một vài người anh em đã chạy vào ẩn nấp trong một ngôi nhà nhỏ trong rừng. Sau khi đã an toàn, ta tìm gặp và cảm tạ chủ nhân của căn nhà, người đó tên là Lê Thận.
Khi đang nói chuyện, ta bỗng thấy có những tia sáng kì lạ thu hút ánh nhìn của mình, nhìn qua thì đó thì ra là một lưỡi gươm sáng loáng. Những thanh gươm tốt ta đã gặp rất nhiều nhưng thanh gươm sắc bén đến mức phát ra thứ ánh sáng kì lạ này thì là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy, đặc biệt hơn nữa, trên thân của lưỡi gươm này có khắc dòng chữ Thuận Thiên. Thấy ta tò mò về lưỡi gươm, Lê Thận đã không hề giấu mà mang câu chuyện kéo được lưỡi gươm báu cho ta nghe.
Một lần nọ, trước sự tấn công của quân Minh, ta đã một mình chạy vào rừng. Khi thấy trên ngọn cây cao phát ra thứ ánh sáng lạ kì, ta đến gần thì phát hiện đó chính là một chuôi gươm. Nhớ đến lưỡi gươm ở nhà Lê Thận, ta đem tra gươm vào chuôi thì vừa như in.
Sau đó khi đất nước đã được thái bình, đất nước không còn một bóng giặc, ta lên làm vua. Trong một lần cùng chúng quan bơi thuyền dạo chơi trên hồ Tả Vọng thì bỗng hiện lên một con Rùa Vàng to lớn, đặc biệt là nó không sợ người, bơi sát vào phía mạn thuyền thì cất tiếng đòi gươm. Lúc bấy giờ ta mới biết đây là thanh gươm báu của đức Long Vương cho ta mượn để hoàn thành nghiệp lớn, nay sự nghiệp hoàn thành, nên đòi lại gươm. Ta đã cung kính dâng thanh gươm cho Rùa Vàng, sau đó thì Rùa Vàng biến mất không còn dấu vết.
Đóng vai Lê Lợi kể lại Sự tích Hồ Gươm – Mẫu 4
Trong thời gian nhân dân nước Nam bị giặc Minh đàn áp. Lúc này nghĩa quân Lam Sơn do tôi đứng đầu đã đã nổi dậy chống lại chúng, nhưng buổi đầu thế lực còn non yếu nên nhiều lần bị giặc đánh cho tan tác. Thấy vậy Đức Long Quân đã quyết định cho tôi mượn thanh gươm thần để tôi giết giặc.
Hồi ấy ở Thanh Hóa có một người làm nghề đánh cá tên là Lê Thận. Một đêm nọ. Thận thả lưới ở một bến vắng như thường. Tự nhiên trong một lần kéo lưới, chàng thấy nằng nặng, trong bụng mừng thầm chắc là có cá to. Nhưng khi thò tay bắt cá. Thận mới biết đó là một thanh sắt. Chàng vứt luôn xuống nước rồi lại thả câu ở một chỗ khác.
Lần thứ hai cất lưới lên cũng thấy nặng tay. Thận không ngờ thanh sắt vừa rồi lại chui vào lưới mình. Chàng lại nhặt lên và ném xuống sông. Lần thứ ba vẫn là thanh sắt ấy mắc vào lưới. Lấy làm quái lạ, Thận ghé mồi lửa lại nhìn xem. Bỗng chàng reo lên một mình:
– Ha ha! Một lưỡi gươm!
Thận về sau gia nhập quân đoàn khởi nghĩa Lam-sơn của chúng tôi. Chàng đã mấy lần vào sinh ra tử ở nơi trận mạc để diệt lũ cướp nước. Một hôm, tôi cùng mấy người tùy tòng đến nhà Thận. Trong gian nhà tối om, thanh sắt hôm đó chợt sáng quắc lên ở một xó nhà. Lấy làm lạ, tôi bèn đến gần cầm lấy xem và nhận ra chữ “Thuận Thiên” khắc sâu vào lưỡi. Song tất cả mọi người đều không biết đó là báu vật.
Một hôm bị giặc đuổi,tôi và các tướng đang chạy tháo thân mỗi người một ngả. Lúc đi qua một khu rừng,tôi bỗng thấy ánh sáng trên ngọn cây đa. Lúc đó tôi đã trèo lên mới biết đó là cái chuôi gươm nạm ngọc. Nhớ tới lưỡi gươm ở nhà Lê Thận, tôi rút lấy chuôi gươm dắt vào lưng.
May mắn thay ba ngày sau tôi đã gặp lại tất cả người anh em của tôi, trong đó có Lê Thận. Khi lắp lưỡi vào với chuôi thì kỳ lạ thay, vừa vặn khớp nhau. Tôi bèn kể lại câu chuyện cho tất cả mọi người nghe. Sau khi nghe xong đều hồ hởi vui mừng. Lê Thận nâng gươm lên ngang đầu nói với tôi:
– Đây là thần có ý phó thác cho minh công làm việc lớn. Chúng tôi nguyện đem xương da của mình theo minh công và thanh gươm thần này để báo đền xã tắc!
Từ đó khí thế của nghĩa quân ngày một tăng. Thanh gươm thần tung hoành cùng với tôi trên mọi trận địa và làm cho quân Minh chạy mất. Chẳng mấy chốc tiếng tăm của quân Lam-sơn lan khắp nơi. Chúng tôi không phải trốn tránh trong rừng nữa mà xông xáo đi tìm giặc và cũng không phải ăn uống khổ cực như trước nữa, đã có những kho lương thực của giặc mới cướp được tiếp tế cho chúng tôi. Gươm thần đã mở đường cho đoàn quân của chúng tôi đánh tràn ra mãi cho đến lúc không còn bóng một tên giặc nào trên đất nước.
Sau khi đuổi giặc Minh về được một năm, ngày hôm ấy tôi đã là một nhà vua và cưỡi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả Vọng trước kinh thành. Nhân dịp đó, Long quân sai rùa vàng lên đòi lại thanh gươm thần. Khi chiếc thuyền chèo ra giữa hồ thì tự nhiên có một con rùa lớn nhô đầu và mai lên khỏi làn nước xanh. Nhìn thấy vậy tôi đã ra lệnh cho thuyền đi chậm lại. Khi đang đứng trên thuyền, thì tôi bỗng nhận thấy lưỡi gươm đeo bên mình cũng đang cử động. Con rùa vàng không sợ người, nhô thêm nữa, tiến sát về phía thuyền của tôi. Nó đứng nổi lên trên mặt nước và nói:
– Bệ hạ hoàn gươm cho Long quân!
Nghe nói thế nhà tôi bỗng hiểu ra bèn thò tay rút gươm ra khỏi bao. Chỉ trong nháy mắt mà thanh gươm trong tay tôi đã không thấy đâu. Hóa ra là thanh gươm đã được rùa há miệng đớp lấy ngang lưỡi rồi. Cho đến khi gươm và rùa lặn xuống, tôi vẫn thấy có vệt sáng le lói dưới mặt nước hồ xanh.
Khi những chiếc thuyền của bá quan tiến lên kịp thuyền rồng thì tôi liền báo ngay cho họ biết:
– Đức Long quân cho chúng ta mượn thanh gươm thần để trừ giặc Minh. Nay đất nước đã thanh bình, Người sai rùa lấy lại.
Và từ đó, chúng tôi đã gọi hồ này là hồ Gươm hoặc Hồ Hoàn Kiếm.
Đóng vai Lê Lợi kể lại Sự tích Hồ Gươm – Mẫu 5
Tôi là Lê Lợi, là chủ tướng của nghĩa quân Lam Sơn. Tôi luôn đau đáu với những nỗi đau thương, mất mát, sự hi sinh mà nhân dân phải chịu khi giặc Minh sang xâm lược nước ta. Chứng kiến tình cảnh ấy, tôi không khỏi đau đớn.
Tôi tập hợp những người hùng, quân nhân giỏi về cả trí và lực để phụng sự sự nghiệp kháng chiến. Rất nhiều tráng sĩ từ khắp mọi nơi đã sẵn sàng đến gia nhập vào nghĩa quân và mong muốn được hết mình vì sự nghiệp của dân tộc. Trong những ngày đầu kháng chiến, nghĩa quân luôn thất bại liên tiếp vì lực lượng còn mỏng, chưa có kinh nghiệm chiến đấu và cũng vì quân nhân ta có sự chênh lệch lớn về lực lượng, trang bị, vũ khí với quân địch.
Tôi lo lắng trước tình hình an nguy của đất nước và vẫn luôn suy nghĩ để tìm ra phương pháp tiêu diệt kẻ thù một cách nhanh chóng, bớt tiêu hao nhân lực nhiều nhất. Một ngày, có một tráng sĩ đến doanh trại nghĩa quân, tự nguyện đầu quân cho nghĩa quân Lam Sơn. Đó là Lê Thận, một người tráng sĩ khỏe mạnh và có tinh thần yêu nước, tinh thần kháng chiến đáng tự hào. Một lần, Lê Thận nói với tôi câu chuyện về thanh gươm kì lạ mà anh ba lần kéo lưới được trong một lần đánh cá. Anh nghĩ đó chắc hẳn là một vật báu trời ban. Tôi tò mò về thanh gươm nên đã nói Lê Thận cho chiêm ngưỡng thanh gươm ấy.
Khi về đến nơi Lê Thận ở trước đây, tôi nâng thanh gươm lên, thanh gươm bỗng sáng rực và lộ rõ hai chữ “Thuận Thiên” trên thân gươm. Biết được đây là gươm quý, vật trời ban, tôi và Lê Thận cùng đồng lòng mang thanh gươm về để ra quân chiến đấu. Một lần, khi đi ngang qua khu rừng, tôi phát hiện trên cây có một chuôi gươm. Nghĩ tới thanh gươm ở nhà, tôi lấy xuống và kì lạ thay, khi tra vào gươm vào chuôi thì vừa y như đúc. Tôi dùng thanh gươm này để tiêu diệt kẻ thù, đánh đến đâu, giặc giã đến đấy. Chẳng bao lâu, nghĩa quân Lam Sơn đã tiêu diệt được hết giặc Minh, đánh đuổi chúng về nước.
Khi đất nước thanh bình, tôi được nhân dân suy tôn lên làm vua. Trong một lần dạo chơi hồ ở hồ Tả Vọng, bỗng hiện lên một con Rùa Vàng lớn. Con rùa ấy nhô lên khỏi mặt nước và cất tiếng nói: “Xin bệ hạ trả gươm cho Long Quân”. Thấy vậy, thanh gươm được giắt bên người tôi bỗng rung lên. Tôi tháo gươm ra dâng cao lên, rùa ngay lập tức há miệng đớp lấy thanh gươm rồi lặn xuống nước. Tôi biết đó là công ơn của Đức Long Quân đã cho mượn gươm để tôi đánh đuổi giặc thù. Từ đó, tôi cho đổi tên hồ Tả Vọng thành Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm, tức hồ trả gươm.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!