Những căn cứ để lựa chọn ngành nghề phù hợp

Theo các chuyên gia nghiên cứu để lựa chọn được một ngành nghề phù hợp cho bản thân bắt buộc học sinh phải căn cứ vào 4 yếu tố như sau:

I. Những yếu tố trong nội tại bản thân

1. Sở thích – Tức là sự đam mê, thích thú về nghề

Muốn làm nghề gì trước hết bản thân phải thích nó, tức là hứng thú với công việc trong nghề, nếu không thích thì đừng chọn. Chúng ta không thể thay đổi nghề dễ như thay đổi cái áo được. Hơn nữa, ta không dễ gì đến với nghề khác theo sở thích của bản thân mình ngay sau khi ta đã chán nghề đã chọn…

Đối với người lao động, chỉ có niềm đam mê, hứng thú với công việc mới có thể giúp họ vượt qua những khó khăn của nghề nghiệp, giúp họ ngày càng hoàn thiện nghề nghiệp để có được một sự nghiệp vững chắc. Họ sẽ luôn có động lực làm việc, yêu thích công việc và luôn có cảm giác thoải mái, hạnh phúc trong công việc. Có thể nói, lòng say mê, yêu thích đối với nghề sẽ là động lực rất quan trọng để mỗi người ra sức rèn luyện, tự học, tự bồi dưỡng và vượt qua mọi khó khăn để vươn tới đỉnh cao của nghề nghiệp. Vì vậy, khi chọn nghề, yếu tố đầu tiên cần phải tính đến, đó là bản thân có yêu thích, hứng thú đối với nghề đó hay không?

Ví dụ: Người có sở thích chơi game điện tử thì có thể chọn nghề: thiết kế phần mềm trò chơi điện tử, kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử… Người có sở thích về làm đẹp thì thích ngành: dịch vụ spa , tóc, thiết kế thời trang…

2. Sở trường và năng lực – Tức là khả năng làm được nghề đó

Bao gồm khả năng về trí tuệ, văn hóa, thể chất, quan hệ giao tiếp. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, mỗi người đều có những khả năng, điểm mạnh riêng biệt. Những khả năng này nếu được rèn luyện thỏa đáng, sẽ phát triển thành những kĩ năng và thế mạnh cần có trong nghề nghiệp.

Nếu ai đó được làm những công việc thuộc về thế mạnh của họ, sự thành công là hiển nhiên vì họ làm việc rất hiệu quả, dễ dàng đạt chất lượng cao và luôn thấy tự tin, thỏa mãn trong công việc. Ngược lại, nếu người nào đó chọn công việc, nghề nghiệp mà bản thân mình hoàn toàn thiếu khả năng, thế mạnh thì dù làm việc gấp 10 lần thời gian, mất rất nhiều công sức nhưng hiệu quả và chất lượng công việc khó có thể đạt như mong muốn, thậm chí còn thất bại. Do đó việc hiểu được năng lực của mình cùng với những yêu cầu của nghề nghiệp bắt buộc phải có là yếu tố rất quan trọng để chọn nghề cho mỗi cá nhân.

Đọc thêm:  Dàn ý cảm nhận bài thơ Mây và sóng của Ta-go, Ngữ văn lớp 9

Ví dụ: Nếu người nào có năng khiếu hội họa thì việc chọn nghề nhiếp ảnh hay kiến trúc sư trở thành rất thuận lợi, dễ dàng và ngược lại.

3. Cá tính – Tính cách phù hợp với nghề

Mỗi người sinh ra đều có một cá tính riêng biệt, nó làm nên “cái” rất riêng biệt của mỗi người:

– Có người luôn ôn hòa, nhã nhặn, bình tĩnh: Giáo viên, giảng viên, nhà văn, nhà phân tích, nhà nghiên cứu…

– Người luôn dễ nổi nóng, thiếu bình tĩnh: Kinh doanh cá thể, hộ gia đình, những nghề không cần đội nhóm, không áp lực, sự tương tác với người khác hạn chế…

– Người có cá tính “hướng nội”, ngại giao tiếp nên chọn ngành ít va chạm với bên ngoài: Nghiên cứu, nhà thiết kế…

– Có người có cá tính “hướng ngoại” thích quảng giao: Giáo viên, kinh doanh, nhà diễn thuyết, MC, du lịch, truyền thông, quảng cáo, phiên dịch…

Việc hiểu rõ cá tính của bản thân để từ đó chọn công việc, nghề nghiệp và môi trường làm việc phù hợp với cá tính của mình sẽ là yếu tố góp phần quan trọng giúp ta đạt được sự thành công và thỏa mãn trong công việc.

II. Giá trị nghề nghiệp – Tức là làm nghề đó đem lại cho mình những giá trị gì để mình cống hiến hết lòng với nó

Trong cuộc sống hiện nay, chúng ta thường nói đến giá trị sống. Giá trị sống là những điều mà chúng ta cho là quý giá, là quan trọng, là có ý nghĩa đối với cuộc sống của bản thân. Trong hướng nghiệp, ta nói đến những giá trị nghề nghiệp. Giá trị nghề nghiệp là những điều được cho là quý giá, là quan trọng, và có ý nghĩa mà mỗi người mong muốn đạt được khi trở thành người lao động trong lĩnh vực nghề nghiệp nào đó. Nói cách khác, giá trị nghề nghiệp chính là những nhu cầu quan trọng cần được thỏa mãn của mỗi người khi tham gia lao động nghề nghiệp.

Do quan niệm, nhận thức và điều kiện sống của mỗi người khác nhau nên giá trị nghề nghiệp của mỗi người cũng khác nhau. Có người cho rằng giá trị nghề nghiệp của họ chỉ đơn giản là có công việc ổn định, thu nhập đảm bảo cho cuộc sống của bản thân và gia đình; Có người lại coi sự thăng tiến trong nghề nghiệp để được giữ vai trò lãnh đạo là giá trị nghề nghiệp của họ. Việc tìm hiểu để biết rõ giá trị nghề nghiệp của bản thân đóng vai trò rất quan trọng trong việc quyết định nghề nghiệp. Giá trị nghề nghiệp chính là động lực thúc đẩy người ta chọn nghề đó, quyết định tiếp tục với nghề đó hay đổi nghề khác, phản ánh mức độ thỏa mãn, hạnh phúc trong nghề nghiệp của mỗi người. Nghiên cứu cho thấy có đến 90% người lao động đổi công việc vì giá trị nghề nghiệp của họ không được thỏa mãn.

Đọc thêm:  Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ Tôi yêu em

Thực tế hiện nay cho thấy phần lớn học sinh chọn hướng học, chọn nghề thường theo phần “ngọn” cây hướng nghiệp. Ví dụ như có bạn thấy nghề bác sỹ học xong ra trường dễ xin việc, lương cao thế là chọn học nhưng lại không biết nghề bác sỹ đòi hỏi những yêu cầu gì. Cho nên khi thi đậu đại học vào học mới nhận thấy mình không phù hợp với nghề dẫn tới không yêu thích nghề, không có được động lực niềm đam mê công việc sau này sẽ làm. Kết quả những bạn này khi đi làm thường không mấy thành công trong công việc. Ngược lại nếu một bạn chọn nghề y nhưng xuất phát từ phần “rễ” cây nghề nghiệp thì khi đi làm bạn đó sẽ thấy hạnh phúc, thành công trở thành một bác sỹ giỏi không chỉ có thu nhập cao mà lại được nhiều người tôn trọng….

Trong cuộc sống ai trong chúng ta cũng muốn có một công việc ổn định, lương cao, môi trường làm việc tốt, được nhiều người tôn trọng, vị trí công tác cao, cơ hội thăng tiến tốt, v.v….Tất cả những mong muốn trên là mong muốn chính đáng của mỗi người và đó chính là “trái ngọt” trong “cây nghề nghiệp”. Để có được những kết quả (hay trái ngọt) trong nghề nghiệp, việc chọn ngành học, chọn nghề phù hợp với sở thích, khả năng, cá tính và giá trị nghề nghiệp của mỗi người là rất quan trọng.

III. Nhu cầu xã hội

Khi lựa chọn nghề điều quan trọng phải xem nhu cầu xã hội ra sao.Vì chúng ta đi học, lựa chọn nghề nghiệp để đi làm phục vụ cho xã hội từ đó mới phục vụ bản thân. Qua các kênh thông tin báo chí, truyền hình,mạng internet, gia đình, bạn bè, các chuyên gia,… về vấn đề lao động việc làm. Khi đó ta cần tìm hiểu một số nội dung sau:

Đọc thêm:  Dàn ý phân tích tác phẩm Rừng xà nu | Văn Mẫu 12 - Đọc Tài Liệu

– Công việc của nghề nghiệp đó có rộng không, tức là có ở nhiều lĩnh vực khác nhau hay không?

– Tính cạnh tranh khi đi xin việc, tức là khi xin việc thì nghề này có nhiều người xin vào không? Khả năng cạnh tranh của mình thế nào.

– Tính bền vững của nghề, tức là nghề này có được tuyển và trọng dụng lâu dài không?

– Môi trường nghề nghiệp (nơi công tác) đó có phù hợp với điều kiện của bản thân không?

– Nghề nghiệp này có nằm trong mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, vào hướng phát triển kinh tế trong kế hoạch nhà nước, vào kế hoạch sản xuất và hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương mình hay không. Những nghề không có nhu cầu nhân lực, không nằm trong kế hoạch phát triển thì dù có thích hoặc có năng lực tương ứng thì ta cũng không nên lựa chọn.

Nhận thức sâu sắc nội dung câu hỏi này, chúng ta có thể điều chỉnh, phát triển hứng thú và năng lực của mỗi cá nhân.

IV. Thu nhập

Khi lựa chọn ngành nghề bao giờ cũng liên tưởng là thu nhập của mình. Nhưng ta chưa thể biết trước chính xác sau này được bao nhiêu. Tuy nhiên đối chiếu vào thực tế có thể biết được các mức thu nhập tương đối của các ngành nghề. Những ngành nghề có thu nhập cao thường là những nghề mà đòi hỏi chất xám cao, nghề đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, những nghề yêu cầu đầu vào mà ít người có thể đáp ứng được, những ngành nghề không nhiều nguồn cung, những nghề tạo ra giá trị lớn, những ngành nghề độc hại, nghề có tính rủi ro….

Việc chọn nghề có thu nhập cao sẽ quyết định hiệu quả, giá trị tài chính mà công việc đem lại cho mỗi cá nhân. Do đó nên chọn nghề nghiệp có thu nhập khá trở lên để có sự đầu tư đúng hướng, có động lực đáng để quyết tâm phấn đấu.

Qua những phân tích nêu trên, đây là những cơ sở khoa học để cho học sinh Việt Nam nói chung và du học sinh nói riêng có sự lựa chọn ngành nghề đúng, phù hợp với bản thân, với xã hội, phát huy tối đa sức mạnh của mình và đem lại hiệu quả trong việc học cũng như việc làm sau này.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button