Giá trị thặng dư là gì? Nguồn gốc, bản chất và ý nghĩa của giá trị
Thặng dư là thuật ngữ trong lĩnh vực kinh tế mà ai cũng đã từng nghe qua nhưng có thể chưa chắc đã hiểu rõ về bản chất của nó.
1. Giá trị thặng dư là gì?
Giá trị thặng dư (surplus value) là mức độ dôi ra khi lấy mức thu của một đầu vào nhân tố trừ đi phần giá cung của nó. D.Ricardo đã lấy ví dụ về việc nộp tô cho chủ đất sở hữu những miếng đất màu mỡ
Mác đã nghiên cứu giá trị thặng dư dưới giác độ hao phí lao động, trong đó công nhân sản xuất ra nhiều giá trị hơn chi phí trả cho họ – yếu tố bị quy định bơi mức tiền lương tối thiểu chỉ đủ để đảm bảo cho họ tồn tại với tư các người lao động. Theo Mác, sự bóc lột công nhân chỉ có thể được loại trừ nếu nhà tư bản trả cho họ toàn bộ giá trị mới được tạo ra
A.Marshall cho rằng xét về bản chất, thì tất cả các khoản thu nhập nhân tố cao hơn chi phí nhân tố đều là bán tô trong ngắn hạn. Cho nên theo ông, khi không có các cơ hội khác để một nhân tố sản xuất lựa chọn, thì toàn bộ phần thường dành cho nó đều là giá trị thặng dư.
Hiện có 2 phương pháp chủ yếu để thu được giá trị thặng dư:
- Phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối.
- Phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tương đối.
– Phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối: Là phương pháp sản xuất giá trị thặng dư bằng cách kéo dài thời gian lao động thặng dư trong khi năng suất lao động, giá trị sức lao động và thời gian lao động tất yếu không đổi.
Giá trị thặng dư tuyệt đối là giá trị thặng dư thu được từ việc kéo dài ngày lao động vượt giới hạn thời gian lao động cần thiết. Ngày lao động kéo dài còn thời gian lao động cần thiết không đổi dẫn đến thời gian lao động thặng dư tăng lên. Phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối chính là kéo dài thời gian lao động thặng dư trong khi năng suất, giá trị và thời gian lao động tất yếu không đổi. Cơ sở chung của chế độ tư bản chủ nghĩa chính là sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối.
Phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối được sử dụng phổ biến trong giai đoạn đầu chủ nghĩa tư bản. Đây là thời điểm lao động còn ở trình độ thủ công, năng suất lao động còn thấp. Lúc này bằng lòng tham vô hạn, các nhà tư bản giở mọi thủ đoạn kéo dài ngày lao động nhằm nâng cao khả năng bóc lột sức lao động công nhân làm thuê.
Tuy nhiên sức lực con người có hạn. Hơn nữa vì công nhân đấu tranh quyết liệt đòi rút ngắn ngày lao động nên các nhà tư bản không thể kéo dài ngày lao động vô thời hạn. Nhưng ngày lao động cũng không được rút ngắn đến mức bằng thời gian lao động tất yếu. Một hình thức khác của phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối chính là tăng cường độ lao động. Bởi vì tăng cường độ lao động cũng tương tự việc kéo dài thời gian lao động trong ngày nhưng thời gian lao động cần thiết không đổi.
– Phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tương đối: Là phương pháp sản xuất giá trị thặng dư do rút ngắn thời gian lao động tất yếu bằng cách hạ thấp giá trị sức lao động nhờ đó tăng thời gian lao động thặng dư lên trong điều kiện ngày lao động, cường độ lao động không đổi.
Giá trị thặng dư tương đối là giá trị thặng dư thu được từ việc rút ngắn thời gian lao động tất yếu dựa trên cơ sở tăng năng suất lao động. Tăng năng suất lao động xã hội mà đầu tiên là ở ngành sản xuất vật phẩm tiêu dùng làm cho giá trị sức lao động giảm xuống. Từ đó thời gian lao động cần thiết cũng giảm. Khi độ dài ngày lao động không đổi, thời gian lao động cần thiết giảm sẽ tăng thời gian lao động thặng dư (thời gian sản xuất giá trị thặng dư tương đối cho nhà tư bản).
Phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tương đối là rút ngắn thời gian lao động tất yếu bằng cách hạ thấp giá trị sức lao động. Từ đó tăng thời gian lao động thặng dư lên trong điều kiện ngày lao động và cường độ lao động không đổi.
– Giá trị thăng dư siêu ngạch là giá trị thặng dư thu được do các xí nghiệp sản xuất có giá trị cá biệt thấp hơn giá trị xã hội, khi bán hàng hoá theo giá trị xã hội, sẽ thu được một số giá trị thặng dư vượt trội so với các xí nghiệp khác . Giá trị thặng dư siêu ngạch = Giá trị xã hội của hàng hóa – Giá trị cá biệt của hàng hóa. Giá trị thặng dư siêu ngạch là hình thức biến tướng của giá trị thặng dư tương đối; là động lực trực tiếp thúc đẩy tăng năng suất lao động.
Vì muốn thu được nhiều giá trị thặng dư và chiếm ưu thế cạnh tranh, các nhà tư bản áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Mục đích là cải tiến, hoàn thiện phương pháp quản lý kinh tế, nâng cao năng suất lao động. Kết quả giá trị cá biệt của hàng hóa thấp hơn giá trị xã hội. Nhà tư bản nào áp dụng cách này thì hàng hóa khi bán sẽ thu được một số giá trị thặng dư nhiều hơn nhà tư bản khác.
Giá trị thặng dư siêu ngạch chính là phần giá trị thặng dư thu được trội hơn giá trị thặng dư bình thường của xã hội. Nếu xét từng nhà tư bản xuất thì giá trị thặng dư siêu ngạch là hiện tượng tạm thời. Tuy nhiên xét về toàn xã hội tư bản thì giá trị thặng dư siêu ngạch là hiện tượng tồn tại thường xuyên. Do đó giá trị thặng dư siêu ngạch là động lực thúc đẩy mạnh nhất cho các nhà tư bản cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động.
Cả giá trị thặng dư tương đối và giá trị thặng dư siêu ngạch đều dựa vào cơ sở tăng năng suất lao động. Tuy nhiên cả 2 khác nhau ở chỗ giá trị thặng dư tương đối dựa trên cơ sở tăng năng suất lao động xã hội. Trong khi giá trị thặng dư siêu ngạch dựa trên việc tăng năng suất lao động cá biệt.
Học thuyết giá trị thặng dư được xem là phát minh quan trọng chỉ đứng thứ 2 sau biện luận duy vật lịch sử của Mác. Vậy giá trị thặng dư là gì? Về cơ bản giá trị thặng dư chính là sự phản ánh quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản. Việc sinh ra và chiếm đoạt giá trị thặng dư phản ánh bản chất quan hệ trong sản xuất tư bản chủ nghĩa (quan hệ bóc lột của nhà tư bản với người lao động làm thuê).
2. Nguồn gốc của giá trị thặng dư:
Để tiến hành sản xuất, nhà tư bản phải mua sức lao động và tư liệu sản xuất. Vì tư liệu sản xuất và sức lao động do nhà tư bản mua, nên trong quá trình sản xuất, người công nhân làm việc dưới sự kiểm soát của nhà tư bản và sản phẩm làm ra thuộc sở hữu của nhà tư bản.
Sản xuất tư bản chủ nghĩa là quá trình tạo ra giá trị tăng thêm cho nhà tư bản khi năng suất lao động đạt tới trình độ nhất định – chỉ cẩn một phần của ngày lao động người công nhân làm thuê đã tạo tra giá trị bằng giá trị sức lao động của chính mình.
Bằng lao động cụ thể của mình, công nhân sử dụng các tư liệu sản xuất và chuyển giá trị của chúng vào sản phẩm; và bằng lao động trừu tượng, công nhân tạo ra giá trị mới lớn hơn giá trị sức lao động, phần lớn hơn đó được gọi là giá trị thặng dư.
Giá trị hàng hóa (W) được sản xuất ra gồm hai phần: giá trị những tư liệu sản xuất đã hao phí được lao động cụ thể bảo tồn và chuyển vào sản phẩm (giá trị cũ, ký hiệu c) và giá trị mới (v+m) do lao động trìu tượng của công nhân tạo ra (lớn hơn giá trị hàng hóa sức lao động). Phần giá trị mới do lao động sống tạo thêm ra ngoài giá trị hàng hóa sức lao động, được nhà tư bản thu lấy mà không trả cho người lao động, được gọi là giá trị thặng dư (m). Như vậy, lao động sống là nguồn gốc tạo ra giá trị thặng dư.
3. Bản chất và ý nghĩa của giá trị thặng dư:
Từ việc nghiên cứu Học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác, chúng ta thấy rõ ít nhất ba vấn đề lớn trong giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước.
Một là, trong thời kỳ quá độ nền kinh tế ở nước ta, trong một chừng mực nào đó, quan hệ bóc lột chưa thể bị xóa bỏ ngay, sạch trơn theo cách tiếp cận giáo điều và xơ cứng cũ. Càng phát triển nền kinh tế nhiều thành phần chúng ta càng thấy rõ, chừng nào quan hệ bóc lột còn có tác dụng giải phóng sức sản xuất và thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, thì chừng đó chúng ta còn phải chấp nhận sự hiện diện của nó.
Hai là, trong thực tế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, mọi phương án tìm cách định lượng rành mạch, máy móc và xơ cứng về mức độ bóc lột trong việc hoạch định các chủ trương chính sách, cũng như có thái độ phân biệt đối xử với tầng lớp doanh nhân mới đều xa rời thực tế và không thể thực hiện được. Điều có sức thuyết phục hơn cả hiện nay là quan hệ phân phối phải được thể chế hóa bằng luật.
Đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước mỗi khi được thể chế hóa thành luật và các bộ luật thì chẳng những góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, lấy luật làm công cụ và cơ sở để điều chỉnh các hành vi xã hội nói chung, mà còn cả hành vi bóc lột nói riêng. Ai chấp hành đúng pháp luật thì được xã hội thừa nhận và tôn vinh theo phương châm: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Trong nhận thức, quan điểm chung nên coi đó cũng chính là mức độ bóc lột được xã hội chấp nhận, tức là làm giàu hợp pháp. Trong quản lý xã hội thì phải kiểm soát chặt chẽ thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp để, một mặt, chống thất thu thuế, mặt khác, bảo đảm sự công bằng trong phân phối thông qua Nhà nước và bằng các “kênh” phân phối lại và điều tiết thu nhập xã hội. Thiết nghĩ, đây là một hướng tiếp cận vấn đề bóc lột giúp chúng ta tránh được những nhận thức giáo điều, phi biện chứng về quan hệ bóc lột, cũng như việc vận dụng nó trong một giai đoạn lịch sử cụ thể của việc giải phóng sức sản xuất, tạo động lực phát triển kinh tế và chủ động hội nhập thành công với nền kinh tế quốc tế.
Ba là, mặt khác, cũng phải bảo vệ những quyền chính đáng của cả người lao động lẫn giới chủ sử dụng lao động bằng luật và bằng các chế tài thật cụ thể mới bảo đảm công khai, minh bạch và bền vững. Những mâu thuẫn về lợi ích trong quá trình sử dụng lao động là một thực tế, việc phân xử các mâu thuẫn ấy như thế nào để tránh những xung đột không cần thiết cũng lại là một yêu cầu cấp thiết hiện nay, thể hiện trong bản chất của chế độ mới. Bảo vệ được những quyền lợi chính đáng, những quyền lợi được luật pháp bảo vệ, của tất cả các bên trong quan hệ lao động là một bảo đảm cho việc vận dụng một cách hợp lý quan hệ bóc lột trong điều kiện hiện nay, đồng thời cũng là những đóng góp cơ bản nhất cho cả quá trình hoàn thiện và xây dựng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!