Giải thích và chứng minh câu ca dao Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Giải thích và chứng minh câu ca dao Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Đề bài: Giải thích và chứng minh câu ca dao:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương Người trong một nước phái thương nhau cùng”

Dàn ý Giải thích và chứng minh câu ca dao Nhiễu điều phủ lấy giá gương

1. Mở bài:

+Giới thiệu truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc: là truyền thống lâu đời, thể hiện những đạo lí tốt đẹp của dân tộc.

+Giới thiệu, trích dẫn bài ca dao.

2. Thân bài:

a) Giải thích ý nghĩa của câu ca dao.

+Nghĩa đen: Nhiễu điều: tấm vải đỏ, nhiễu điều phủ lấy giá gương tấm vải đỏ che phủ, bao bọc, bảo vệ gương.

+Nghĩa bóng: Lời khuyên của dân gian: Mọi người phải biết đoàn kết, thương yêu nhau. Tinh thần đoàn kết thương yêu nhau là truyền thống của dân tộc.

b) Tại sao lại phải sống đoàn kết, thương yêu nhau?

+Đề cùng chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống lao động: chống bão lũ, hạn hán….

+Để cùng chống giặc ngoại xâm…

+Để cùng chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt: những người nghèo,nạn nhân chất độc màu da cam, những trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh, trẻ em ung thư… ( có thể dẫn một số câu tục ngữ, ca dao có nội dung tương tự)

c) Cần phải làm gì để thực hiện lời dạy của người xưa?

+Thương yêu đùm bọc và sống có trách nhiệm với chính những người thân yêu trong gia đình, hàng xóm…

+Sống có trách nhiệm với cộng đồng: tham gia các phong trào ủng hộ, các hoạt động từ thiện….

d) Liên hệ bản thân:

+Là học sinh, em có thể làm gì để thực hiện lời khuyên của dân gian ( yêu thương đoàn kết với bạn bè trong lớp,tham gia các hoạt động ủng hộ, quyên góp…)

3. Kết bài:

+Khẳng định giá trị của bài ca dao: Thể hiện được truyền thống tương thân tương ái quý báu của dân tộc.

+Khẳng định rằng truyền thống tốt đẹp ấy sẽ được thế hệ trẻ hôm nay tiếp nối và phát huy.

Giải thích và chứng minh câu ca dao Nhiễu điều phủ lấy giá gương – mẫu 1

Một trong những truyền thống quý giá của dân tộc Việt Nam đó là tinh thần tương thân, tương ái. Điều đó đã được thể hiện qua những câu ca dao, tục ngữ như:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gươngNgười trong một nước phải thương nhau cùng”

Câu ca dao gồm hai vế, ở vế đầu tiên, ông cha ta đã mượn hình ảnh “nhiễu điều” có nghĩa là tấm vải đỏ. Như vậy “nhiễu điều phủ lấy giá gương” ý chỉ lấy tấm vải đỏ che phủ, bao bọc, bảo vệ gương. Đến vế câu thứ hai là “Người trong một nước phải thương nhau cùng” – những người cùng chung nòi giống, sống trong cùng một đất nước hãy yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Tóm lại, câu ca dao muốn khuyên nhủ con người cần phải biết đoàn kết, thương yêu nhau.

Dân tộc Việt Nam có chung một nguồn gốc – dòng máu đỏ da vàng. Chúng ta cần biết sẻ chia, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Hơn nữa, cuộc sống luôn tồn tại những điều thử thách, khó khăn. Con người sinh ra không phải ai cũng được sống trong sung sướng, hạnh phúc. Bởi vậy mà một tấm lòng sẻ chia, yêu thương sẽ khiến cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Đó có thể là sự sẻ chia về vật chất (cơm ăn, áo mặc, tiền bạc…) hay sẻ chia về tinh thân (những lời nói động viên, ánh mắt an ủi…). Nhưng dù là sự sẻ chia vật chất hay tinh thần cũng đều cần có sự xuất phát thật tâm từ tấm lòng của người giúp đỡ.

Những thanh niên tình nguyện, tuy còn trẻ nhưng họ luôn sẵn sàng đưa bước chân đến những vùng miền xa xôi của tổ quốc để giúp đỡ những người khó khăn. Nhưng người nghệ sĩ giàu có tấm lòng thường xuyên đi làm từ thiện… Hoặc cụ thể như năm 2020 vừa đi qua là một năm đáng quên nhưng cần phải nhớ. Hết trận lũ này đến trận lũ khác kéo đến mảnh đất miền Trung thân yêu. Nhà cửa, của cải đều mất trắng, thậm chí nhiều người đã phải bỏ mạng trước thiên tai khốc liệt. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, tấm lòng của người dân Việt Nam lại hướng về đồng bào miền Trung với sự sẻ chia, yêu thương sâu sắc. Không chỉ ủng hộ bằng vật chất mà còn ủng hộ về tinh thần. Nhiều chiến sĩ bộ đội vì cứu người dân mà đã hy sinh cả tính mạng của mình.

Đối với một học sinh như tôi, bài ca dao là lời khuyên vô cùng quý giá. Nó giúp tôi biết yêu thương, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn. Mỗi người hãy nhớ đến lời bài hát “Để gió cuốn đi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” để từ đó sống thật có ý nghĩa.

Như vậy, câu ca dao: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng” đã đem đến cho chúng ta một bài học ý nghĩa. Tình yêu thương luôn có một sức mạnh to lớn đối với cuộc sống của nhân loại.

Giải thích và chứng minh câu ca dao Nhiễu điều phủ lấy giá gương – mẫu 2

Kho tàng ca dao, tục ngữ của dân tộc Việt Nam đã đem đến cho thế hệ sau nhiều bài học quý giá. Một trong số đó là câu ca dao:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gươngNgười trong một nước phải thương nhau cùng”

Bài ca dao chính là lời khuyên quý giá về tinh thần tương thân tương ái – một truyền thống lâu đời của dân tộc.

Câu ca dao đã mượn hình ảnh “nhiễu điều phủ lấy giá gương” ý chỉ tấm vải đỏ che phủ, bao bọc để bảo vệ tấm gương sáng bóng. Từ đó khuyên nhủ con người cần phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Từ hai hình ảnh trên, ông cha ta đã liên tưởng sâu xa đến tình cảm của những người dân trong cùng một dân tộc, cùng một nước, đã chảy chung một dòng máu quê hương, có mục đích chung thì cần biết thương yêu nhau. “Người trong một nước phải thương nhau cùng” – những người cùng chung nòi giống, sống trong cùng một đất nước hãy yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Câu ca dao muốn khuyên nhủ con người cần phải biết đoàn kết, thương yêu nhau. Tinh thần đoàn kết thương yêu nhau là truyền thống của dân tộc.

Trong cuộc sống, không phải ai sinh ra cũng đều được sống trong hạnh phúc. Rất nhiều những mảnh đời bất hạnh không có được đầy đủ mà phải vất vả kiếm sống. Hơn nữa, thế giới cũng luôn tồn tại những nguy cơ, hiểm họa đe dọa như thiên tai, dịch bệnh… có thể cướp đi của cải thậm chí là mạng sống của con người. Chính vì điều đó, chúng ta là những người được hưởng cuộc sống ấm no, đầy đủ về vật chất cần biết chia sẻ cho những người khó khăn hơn. Bởi khi biết giúp đỡ những người khó khăn hơn mình, chúng ta sẽ nhận lại tình yêu thương của những người chúng ta giúp đỡ. Bản thân cũng sẽ cảm thấy thanh thản và hạnh phúc. Có vậy, xã hội sẽ ngày một phát triển hơn. Cũng như bản thân cũng cảm thấy hạnh phúc hơn.

Trong những ngày không quên của năm 2020 vừa qua, khi mà đại dịch Covid-19 đã cướp đi mạng sống của biết bao nhiêu người trên thế giới. Thì ở Việt Nam, chúng ta thật tự hào khi “chiến thắng đại dịch”. Toàn thể nhân dân đã đoàn kết một lòng và đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Đầu tiên, đó là những chính sách hỗ trợ đến từ Đảng và Nhà nước dành cho người nghèo, người thất nghiệp… do ảnh hưởng của đại dịch. Tiếp đến là những phát minh đầy sáng tạo và tình người như cây ATM gạo, ATM khẩu trang… – ai cần thì đến lấy, tất cả đều miễn phí. Đó chính là tinh thần “lá lành đùm lá rách” thật đáng quý của con người Việt Nam.

Như vậy, câu ca dao đã đem đến cho con người những bài học quý giá về tinh thần tương thân tương ái. Bởi “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” – hãy biết yêu thương, chia sẻ để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Giải thích và chứng minh câu ca dao Nhiễu điều phủ lấy giá gương – mẫu 3

Dân tộc Việt Nam có nhiều truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Một trong số đó là tinh thần tương thân tương ái. Điều đó được thể hiện trong bài ca dao:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gươngNgười trong một nước phải thương nhau cùng”

Ở vế câu đầu tiên, hình ảnh “nhiễu điều” có nghĩa là tấm vải đỏ. Vậy nên “nhiễu điều phủ lấy giá gương” ý chỉ lấy tấm vải đỏ che phủ, bao bọc, bảo vệ gương. Chính vì vậy mà “Người trong một nước phải thương nhau cùng” – những người cùng chung nòi giống, sống trong cùng một đất nước hãy yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Câu ca dao muốn khuyên nhủ con người cần phải biết đoàn kết, thương yêu nhau. Tinh thần đoàn kết thương yêu nhau là truyền thống của dân tộc.

Có thể khẳng định đây là một cách sống tốt đẹp. Không phải ai sinh ra cũng được sống trong một hoàn cảnh tiện nghi, sung sướng. Rất nhiều những mảnh đời bất hạnh không có được đầy đủ mà phải vất vả kiếm sống. Hơn nữa, thế giới cũng luôn tồn tại những nguy cơ, hiểm họa đe dọa như thiên tai, dịch bệnh… có thể cướp đi của cải thậm chí là mạng sống của con người. Chính vì vậy, con người cần biết chia sẻ để giúp đỡ, cùng xây dựng một xã hội phát triển hơn.

Dân tộc Việt Nam vốn giàu truyền thống tương thân tương ái. Trong quá khứ, chúng ta đã đoàn kết lại, đùm bọc lẫn nhau vượt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1945, khi nhân dân ta phải đối mặt với “giặc đói”, chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Một nắm khi đói, bằng một gói khi no” được nhân dân hưởng ứng. Các hũ gạo cứu đói đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người dân Việt Nam. Đến hiện tại, tinh thần đó lại càng được nêu cao. Nhiều chương trình từ thiện đã thể hiện được tinh thần nhân ái giữa con người. Có thể kể đến những cái tên quen thuộc như “Cặp lá yêu thương”, “Việc tử tế”… của Đài truyền hình Việt Nam đã giúp đỡ được biết bao mảnh đời khó khăn trong xã hội… Ngay trong những ngày đầy sóng gió của năm 2020 vừa qua, khi đất nước phải đối mặt với đại dịch Covid-19 thì tinh thần ấy lại càng lớn mạnh. Đó là những điểm phát lương thực thực phẩm miễn phí cho những người khó khăn. Những chính sách hỗ trợ từ Đảng và Nhà nước đến những người nghèo. Hay những y bác sĩ nguyện xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Họ không ngại phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh để có thể cứu chữa cho bệnh nhân của mình. Hình ảnh bác sĩ với những vết hằn đỏ trên mặt vì phải đeo khẩu trang liên tục ngày này qua ngày khác thật sự khiến chúng ta cảm thấy xúc động.

Đọc thêm:  Giải thích câu Đi một ngày đàng học một sàng khôn (25 mẫu) - Văn 7

Là một chủ nhân tương lai của đất nước, những học sinh như tôi cần ý thức được bài học về tinh thần “Thương người như thể thương thân”. Chúng ta hãy biến tình yêu thành hành động cụ thể để giúp cho đất nước ngày càng phát triển. Đặc biệt là học sinh, sinh viên cần biết giúp đỡ nhau trong học tập, cuộc sống. Giúp đỡ người khác cũng là giúp đỡ bản thân mình.

Như vậy, câu ca dao trên là một bài học đúng đắn dành cho con người. Mỗi người hãy ghi nhớ để có thể giữ cho mình một lối sống đẹp đẽ, phát huy truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

Giải thích và chứng minh câu ca dao Nhiễu điều phủ lấy giá gương – mẫu 4

Mỗi con người khi sinh ra đều có cho mình một Tổ Quốc, một quê hương. Là một người con của dân tộc ấy, ai cũng cần thực hiện và đảm bảo vai trò, nghĩa vụ của mình, trong đó, cần biết đoàn kết, đùm bọc với chính đồng loại, những người trong cùng một đất nước với mình. Điều này đã được ông cha ta thể hiện rất rõ qua câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Trước hết ta cần hiểu được ý nghĩa của câu tục ngữ. “Nhiễu điều” ở đây là một tấm vải dùng để phủ lên gương để tránh bụi bẩn, giữ cho gương luôn sáng bóng và “giá gương” chính là vật dụng mà cần có tấm “nhiễu điều” để bảo vệ. Từ hai hình ảnh trên, ông cha ta đã liên tưởng sâu xa đến tình cảm của những người dân trong cùng một dân tộc, cùng một nước, đã chảy chung một dòng máu quê hương, có mục đích chung thì cần biết thương yêu nhau, đùm bọc, gắn bó, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh để cùng vượt qua khó khăn, thử thách, có như thế mới giúp đất nước phát triển và đi lên.

Quan niệm của ông cha ta là hoàn toàn đúng đắn và sâu sắc. Trước hết, mỗi người đều có cội nguồn, đều có một Tổ quốc thiêng liêng mà thân thương như là nhà, là nơi vững chãi để con người ta sống và hoạt động. Từ xa xưa, truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra chiếc bọc trăm trứng đã thể hiện sự liên kết, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa người với người trong cùng một dân tộc, có chung nhau tổ tiên, nguồn cội, có chung dòng máu dân tộc trong huyết quản. Vậy nên, sự đoàn kết, gắn bó là điều không thể thiếu trong cuộc sống. Nó chính là nguồn sức mạnh để một đất nước đi lên vững chãi, là nguồn sức mạnh mà trong quá khứ, khiến bao kẻ thù xâm lăng đã ngã gục trên mảnh đất quê ta, cũng là nguồn sức mạnh để con người cùng nhau xây dựng đất nước, xây dựng cuộc sống mới. Một đất nước có phát triển là một đất nước có sự đồng lòng, đoàn kết của mọi người dân trong đất nước ấy, mà để có được điều ấy, trước hết con người với con người phải biết yêu thương, chở che, đùm bọc lẫn nhau.

Xã hội của chúng ta hôm nay vẫn còn tồn tại rất nhiều những hoàn cảnh, những mảnh đời khó khăn, bất hạnh, không nơi nương tựa cần sự giúp đỡ từ chính những người dân cùng chung dòng máu với mình. Và nhìn chung, dù là thời trước hay thời nay, nhân dân ta vẫn đã và đang phát huy tốt tinh thần “lá lành đùm lá rách” với đồng bào. Nếu khi xưa, Bác Hồ vận động kêu gọi lập hũ gạo cứu đói trong giai đoạn 1945 với khẩu hiệu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, thì hôm nay, thế hệ con cháu vẫn phát huy tốt truyền thống ấy bằng việc tổ chức các hoạt động thiện nguyện, các tổ chức từ thiện từ quy mô nhỏ đến lớn nhằm giúp các hoàn cảnh sống nghèo khổ, khó khăn, giúp đỡ bà con đồng bào miền núi, vùng lũ lụt… Nhờ đó mà chất lượng cuộc sống được cải thiện, đất nước có thể xóa đói giảm nghèo, tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm.

Tinh thần đoàn kết, sự sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau sẽ giúp một tập thể, một dân tộc cùng nhau đi lên, cùng nhau phát triển vì một mục đích chung. Là một người con của mảnh đất hình chữ S này, mỗi người cần tự ý thức được vai trò và trách nhiệm của chính mình không chỉ đối với sự phát triển của đất nước mà còn là trách nhiệm đối với chính những mảnh đời xung quanh ta, cần biết sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia, cho đi để rồi nhận lại, không sống vô cảm, thờ ơ với các hoàn cảnh sống khó khăn, mở rộng lòng mình bằng một trái tim vàng son luôn đập rộn ràng với cuộc sống xung quanh.

Là những trái bầu và trái bí trên cùng một giàn cây, cũng giống như những người trong cùng một dân tộc, tuy có thể khác biệt về hình thức, giọng nói, tính cách, nơi sống.. thế nhưng một điều vĩnh viễn không thể phủ nhận đó là mỗi người đều có chung duy nhất một cội nguồn dân tộc, một Tổ Quốc vẫy gọi. Sự yêu thương, sẻ chia, đùm bọc sẽ giúp con người xích lại gần nhau hơn, tạo thành một khối trụ vững bền.

Giải thích và chứng minh câu ca dao Nhiễu điều phủ lấy giá gương – mẫu 5

Kho tàng tục ngữ, ca dao, dân ca của Việt Nam từ đời này qua đời khác vẫn giữ nguyên giá trị và nét đẹp của nó. Chúng ta sẽ nhận ra ý nghĩa của nó khi dựa vào thực tế. Đất nước ta đã trải qua hai cuộc chiến tranh chống pháp và chống mỹ cứu nước, đã đồng tâm hiệp lực để mang lại ấm no hạnh phúc. Tinh thần ấy thật cao quý biết bao. Bởi vậy cha ông ta mới có câu “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Để hiểu hết ý nghĩa của câu ca dao này thì chúng ta cần phải hiểu cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của nó. Nhiễu điều chính là một tấm vải được phủ lên “giá gương” nhằm giữ cho giá gương không vướng bụi bẩn, sạch sẽ nhất. Và ngược lại khi không có giá gương thì nhiễu điều không biết dùng làm gì. Đến câu thứ hai thì chúng ta nhận ra rằng những người cùng chung một nguồn gốc, một tổ tiên thì nên yêu thương và đùm bọc lấy nhau. Đó mới là tư tưởng cốt lõi để giúp cho nhân dân ta dựng xây đất nước ngày càng phồn vinh hơn.

Trong cuộc sống hiện nay, biểu hiện của việc yêu thương, bao bọc lấy nhau thực sự không hiếm. Nó hiển hiện trong mỗi hành động mà bản thân mình không nhận ra. Ở trong một lớp, có những bạn có gia cảnh rất khó khăn nhưng lại vươn lên học tập tốt. Cả lớp cần có kế hoạch giúp đỡ bạn đó để bạn có thể có điều kiện học tập tốt hơn. Tình cảm của các bạn là tinh thần đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau rất đáng quý.

Hằng năm, miền Trung là nơi phải hứng chịu rất nhiều thiên tai, bão lụt, mất mát và đau thương nhiều. Các cơ quan chức năng, tổ chức thiện nguyện đã chung ta giúp đỡ để những người dân nơi đây có thể ổn định cuộc sống hơn. Lòng yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ ấy thật đáng trân trọng và phát triển mạnh mẽ hơn.

Đất nước ta trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nếu không có tinh thần đoàn kết, sự tương trợ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn thì liệu rằng chúng ta có được hưởng ấm no hạnh phúc như bây giờ không? Đây là điều mà mỗi chúng ta cần phải suy nghĩ.

Khi cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc, xung quanh chúng ta vẫn còn rất nhiều mảnh đời cần sự giúp đỡ, sẻ chia. Những đồng bào dân tộc thiểu số, những trẻ em mồ côi, nhiễm chất độc da cam. Bằng hành động chúng ta có thể mang đến cho họ một cuộc sống đỡ khốn khổ, đỡ vất vả hơn rất nhiều. Lòng yêu thương xuất phát từ cái tâm, cái tình của mỗi con người. Yêu thương lấy những người kém may mắn hơn mình thì bản thân sẽ thấy hạnh phúc và ấm áp hơn.

Hằng năm có rất nhiều đoàn tình nguyện đã không ngại mưa gió, rét buốt lặn lội lên các tỉnh vùng núi phía bắc mang những manh áo, sách vở, lương thực để giúp đỡ nhưng em có hoàn cảnh khó khăn. Những việc làm rất thầm lặng nhưng đã thể hiện được tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ lẫn nhau của mọi người.

Tinh thần yêu thương, chia sẻ là tinh thần đáng quý và nên phát huy song trong xã hội vẫn còn tồn tại rất nhiều người chỉ biết sống cho riêng mình, ích kỉ, không chịu san sẻ, yêu thương người khác. Một thực trạng đáng buồn hơn nữa chính là việc thờ ơ với những việc diễn ra ngoài xã hội như thấy người gặp nạn, ăn xin thì bơ đi, coi như không có chuyện gì xảy ra. Thử hỏi lương tâm của chúng ta lúc đó có đáng trách hay không

Như vậy câu ca dao “nhiễu điều phủ lấy giá gương/người trong một nước phải thương nhau cùng” thực sự là câu ca có ý nghĩa nhắc nhở chúng ta phải biết thương thương, chia sẻ, đùm bọc nhau để cùng phát triển. Nhất là đối với thế hệ trẻ lại càng cần phải phát huy tinh thần này.

Đọc thêm:  Soạn bài Lựa chọn trật tự từ trong câu | Soạn văn 8 hay nhất

Giải thích và chứng minh câu ca dao Nhiễu điều phủ lấy giá gương – mẫu 6

Yêu thương, đoàn kết có thể xem là sức mạnh là một truyền thống vốn có của người Việt Nam ta từ xưa cho đến nay. Tinh thần đoàn kết đó đã giúp chúng ta vượt qua bao khó khăn thử thách trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Và tinh thần đó được nhân dân ta gửi gắm trong một câu ca dao đầy hình ảnh:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gươngNgười trong một nước phải thương nhau cùng”

Câu ca dao là một lời khuyên, lời nhắn nhủ đối với chúng ta, những thế hệ con cháu đang tiếp nối truyền thống quý báu của cha anh. Câu ca dao gợi cho chúng ta suy nghĩ về truyền thống tốt đẹp đó. “Nhiễu điều” là một thứ hàng màu đỏ, giá gương là vật dụng bằng gỗ được chạm khắc cầu kỳ vừa đỡ lấy tấm gương soi, vừa là vật trang hoàng trong nhà. Hai vật ấy nếu để riêng, tách bạch nhau ra thì chẳng còn thấy ý nghĩa thế nhưng lại đem miếng vải đỏ đó phủ lấy giá gương chúng sẽ tạo nên một cảnh vừa rực rỡ vừa uy nghiêm. Ngoài ra ý nghĩa chính của tấm vải đỏ ấy là che bụi cho tấm gương để cho tấm gương được sạch sẽ trong trẻo đồng thời cũng nhờ ánh sáng phản chiếu từ chiếc gương ra mảnh vải điều đó càng đẹp rực rỡ hơn. Từ hình ảnh của chiếc nhiễu điều và giá gương người xưa muốn nói lên một tình cảm cao đẹp, nghĩa tình của con người Việt Nam đó là sự đoàn kết yêu thương gắn bó sẵn sàng chia sẻ đùm bọc nhau khi khó khăn hoạn nạn. Đây là một lời khuyên rất đúng đắn và chan chứa tình người.

“Trong dân gian ta cũng từng có câu:Một cây làm chẳng nên nonBa cây chụm lại nên hòn núi cao”

Để nói rằng: một cây thì sẽ chỉ là một thứ cây yếu ớt lạc loài, cô độc giữa bao la, vũ trụ và chỉ cần một cơn gió vô tình cũng có thể quật ngã cây đó vào bất cứ lúc nào. Song nếu cây đó sống trong một quần thể cây thì nó sẽ trở nên mạnh mẽ phi thường, dường như một cơn gió mạnh khó lòng quật ngã được nó mà trái lại cả rừng cây đó sẽ làm bức tường thành vững chắc ngăn bước cơn gió mạnh đó. Cũng bởi vậy đối với đất nước Việt Nam ta, mỗi người là một cá thể của một thôn xóm của một phố phường rộng hơn là quận, huyện, tỉnh… chúng ta đều có chung mối quan hệ đồng hương xóm giềng và có những mối quan hệ khăng khít về tình cảm và vật chất nên chúng ta phải biết yêu thương, đoàn kết giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn, hoạn nạn. Chẳng hạn như khi lũ lụt xảy ra ở một địa phương nào đó khiến họ gặp khó khăn thì chúng ta phải quyên góp vật chất giúp họ vượt qua khó khăn, động viên họ khắc phục dần dần những khó khăn đó. Và hơn nữa có đoàn kết có gắn bó yêu thương thì chúng ta mới vượt qua khó khăn như gần đây nhất chúng ta đã đồng lòng đứng lên đánh đuổi hai đế quốc sừng sỏ nhất thế giới là Mĩ và Pháp.

Trải qua mấy ngàn năm truyền thống đoàn kết, yêu thương lẫn nhau theo kiểu thương người như thể thương thân đã trở thành thói quen, thành lẽ sống của con người bởi thế khi địa phương khác bị tai ương, địch họa thì mọi người lại sẵn sàng tự nguyện đóng góp tiền bạc giúp đỡ, thấy người khác đau như chính mình đau, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”.

Ngày nay ta thấy cả nước thường có những quỹ hỗ trợ người nghèo, hàng ngày có biết bao tấm lòng vàng góp một phần nhỏ bé vật chất của mình để ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn, giúp họ phần nào đỡ đi cảnh vất vả. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, những đóng góp nhỏ bé đó thể hiện tinh thần đoàn kết tương thân thương ái.

Tuy nhiên, bên cạnh đó ta còn thấy có những con người lãnh đạm thờ ơ trước nỗi đau của người khác, họ vô tâm thờ ơ trước nỗi khổ của người khác, trốn tránh nhiệm vụ quyên góp ủng hộ những nơi gặp tai ương, địch họa. Đó là căn bệnh ích kỷ cá nhân đó là những con người cần bị lên án.

Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng thương và lòng nhân ái, tình thương đó đã trở thành nếp nghĩ, lẽ sống, thói quen của con người từ ngàn năm. Tuy nhiên, không nên nhìn nhận vấn đề chỉ trên phương diện tình cảm mà nhiều khi cần có cái nhìn khách quan trước vấn đề xảy ra để tránh tình trạng bao che, dung túng mà cần phải đấu tranh xây dựng. Đó cũng chính là cách biểu hiện, sự vận dụng sáng tạo đúng đắn phương châm xử thế tốt đẹp từ ngàn đời nay của cha ông ta như ý nghĩa của câu ca dao đã hàm chứa.

Giải thích và chứng minh câu ca dao Nhiễu điều phủ lấy giá gương – mẫu 7

Ca dao tục ngữ từ xưa đến nay vẫn luôn là những bài học vô cùng quý báu mà ông cha ta đúc kết để lại cho con cháu. Chúng không cũ đi, mà vẫn luôn có giá trị trong cuộc sống của chúng ta hôm nay và mãi mãi về sau. Có những câu ca dao khuyên bảo chúng ta cần phải biết yêu thương gia đình, có những câu ca dao khuyên chúng ta phải biết yêu đất nước, cả dân tộc phải biết đoàn kết. Câu ca dao:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gươngNgười trong một nước phải thương nhau cùng”

là một bài ca dao về chủ đề tình yêu quê hương đất nước. Bài ca dao khuyên chúng ta phải biết yêu thương đùm bọc đồng bào của mình, dù không có quan hệ huyết thống, nhưng để là con rồng cháu tiên, cùng chung một nguồn gốc, cùng sống trong một bờ cõi.

Đầu tiên, chúng ta cần hiểu về câu ca dao. Nhiễu điều, đó là tấm vải được phủ lên giá gương khi không sử dụng, nhằm giữ cho giá gương luôn sạch sẽ, không bị bụi bẩn và luôn bền đẹp. Giá gương luôn cần tấm nhiễu, cũng như tấm nhiễu chỉ phát huy được tác dụng của mình khi được phủ lên giá gương. Đó là nghĩa đen của câu ca dao. Và ngay ở câu tiếp theo, ý nghĩa của hai hình ảnh tượng trưng nhiễu điều – giá gương đã trở nên rõ ràng. Đó chính là hình ảnh những người trong một nước. Ông cha ta đã khuyên con cháu rằng phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, phải biết đoàn kết để tạo lên sức mạnh tập thể, cũng như nhiễu điều – giá gương, lúc nào cũng ở bên cạnh, bổ sung cho nhau, khiến cho vật kia trở nên có ý nghĩa hơn, đẹp hơn. Bác Hồ đã dạy chúng ta: “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” để nói lên sức mạnh của đoàn kết, sức mạnh của tập thể.

Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng. Như vậy, chúng ta đâu phải là người xa lạ. Chúng ta đều có chung tổ tiên, chung nguồn gốc, đều là anh em một nhà trên dải đất hình chữ S. Năm mươi tư dân tộc anh em cùng nhau đoàn kết, chung tay xây dựng và bảo vệ đất nước.

Từ xưa đến nay, nhân dân ta đã có tinh thần đoàn kết vô cùng to lớn. Trong rất nhiều các cuộc kháng chiến, nhân dân ta phải đối mặt với những kẻ thù mạnh hơn, tàn ác hơn gấp nhiều lần. Nhưng bằng tinh thần đoàn kết, sự mưu trí, dũng cảm, mà sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc, rồi đến những kẻ thù từ phương Tây với những vũ khí tối tân, hiện đại, chúng ta vẫn là một nước tự do, độc lập. Chỉ với những gậy gốc. Rồi những năm kháng chiến gian khổ, mọi hoạt động đều tập trung tại Việt Bắc. Nếu không có sự giúp đỡ của đồng bào và người dân nơi mảnh đất ấy, làm sao kháng chiến có thể thành công, làm sao chúng ta có thể giành được độc lập.

Ngày nay, trong thời đại hòa bình, tinh thần đoàn kết ấy vẫn luôn luôn sáng mãi trong lòng mỗi chúng ta. Chúng ta vẫn cảm thấy đau khi nhìn thấy những đồng bào miền Trung gặp bão lũ. Chúng ta vẫn hết lòng quan tâm, chăm lo cho những người già neo đơn, những em nhỏ cơ nhỡ, những người khó khăn xung quanh ta. Chia sẻ khó khăn với người khác khiến cho chúng ta thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, mọi người cũng thêm xích lại gần nhau hơn. Trong cuộc đời mỗi chúng ta, không phải lúc nào mọi chuyện cũng thuận lợi. Ai rồi cũng cần người khác giúp đỡ, dù là về vật chất hay tinh thần. Vì vậy, hãy cứ cho đi khi có thể. Rồi một ngày bạn sẽ nhận lại được nhiều hơn những gì bạn cho đi. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết bài hát trong đó có câu: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…”

Đoàn kết, yêu thương tạo ra sức mạnh tập thể vô cùng to lớn. Chẳng thế mà chỉ với giáo mác gậy gộc, chúng ta chiến thắng được những đế quốc vô cùng hùng mạnh, tàn ác. Chính lòng yêu thương, sự sẻ chia của những người xung quanh khiến những người có hoàn cảnh khó khăn có một cuộc sống tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn, ấm áp hơn bao giờ hết. Nhờ những tấm lòng, em bé vùng cao có áo ấm, được học cái chữ, được học điều hay. Nhờ những tấm lòng, những cụ già neo đơn không còn phải cô đơn một mình nữa. Nhờ những tấm lòng, kết nối những yêu thương. Những chương trình vô cùng có ý nghĩa như “Áo ấm vùng cao”, “Trung thu cho em”, “Tết trọn vẹn” đã giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn có được một cuộc sống tốt hơn, và quan trọng hơn, là giúp họ nhận được những sẻ chia, ấm áp của tình người.

Tuy nhiên, vẫn còn có những người thờ ơ với những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình. Đó là khi chúng ta nhìn thấy người đi đường bị đổ xe nhưng không ai chịu dừng lại vài phút để giúp. Hay những cánh tay xua đuổi những em bé ăn xin tội nghiệp. Người ta ngày càng ích kỷ, chỉ biết bo bo giữ mình, sợ bị lừa, sợ bị thiệt. Nhưng may mắn thay, đó chỉ là số ít người trong xã hội mà thôi. Hãy thử nghĩ mà xem, chúng ta sống một cuộc sống mà chỉ biết mình, thì sẽ buồn chán, tẻ nhạt đến thế nào? Không chỉ thế, xã hội không có sự giúp đỡ, sẽ thụt lùi, chậm phát triển. Thật là một hậu quả đáng sợ, đáng suy ngẫm.

Đọc thêm:  Bảng chữ cái tiếng mường

Bác Hồ của chúng ta đã từng nói: “Non sông Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Hãy luôn nhớ rằng dân tộc ta luôn là một thể thống nhất, dù có khác nhau về ngôn ngữ, nhưng năm mươi tư dân tộc vẫn là anh em, vẫn luôn phải đoàn kết để cùng nhau giữ gìn và phát triển đất nước.

Giải thích và chứng minh câu ca dao Nhiễu điều phủ lấy giá gương – mẫu 8

Trong kho tàng ca dao, dân ca tục ngữ Việt Nam có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ hay đúc kết kinh nghiệm của ông cha ta về các vấn đề của đời sống xã hội, hay để lại những bài học quý báu cho đời sau. Một trong số đó là câu tục ngữ:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gươngNgười trong một nước phải thương nhau cùng”

Tuy chỉ có hai câu, nhưng câu tục ngữ này đã mang đến cho chúng ta một sự hiểu biết sâu sắc về tình đoàn kết, gắn bó giữa mọi người trong cùng một quốc gia, dân tộc.

Câu tục ngữ có hai lớp nghĩa, xét về nghĩa đen là lớp nghĩa bao quát bên ngoài, hiện lên trong từng con chữ trong câu. Đó là tấm nhiễu điều được phủ lên giá gương có tác dụng giúp cho giá của cái gương nói riêng và toàn bộ cái gương nói chung luôn được sạch sẽ, sáng bóng và bền đẹp từ đó ta có thể hiểu về nghĩa bóng của câu tục ngữ đó là lớp nghĩa và người đọc phải suy luận ra dựa vào lớp nghĩa đen. Đó là người trong cùng một quốc gia dân tộc phải biết đoàn kết, yêu thương lẫn nhau “người trong một nước phải thương nhau cùng”, cũng như tấm nhiễu điều và giá gương gắn bó khăng khít với nhau không thể tách rời, nếu mất tấm nhiễu điều, tấm gương sẽ không còn được bền đẹp nữa. Từ đó ta suy rộng ra về con người, mọi người phải giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau thì mới tạo ra sức mạnh như chủ tịch Hồ Chí Minh – vị cha già của cả dân tộc Việt Nam đã từng nói: “Một cây làm chẳng nên non/ ba cây chụm lại nên hòn núi cao” hay một câu khác cũng có ý nghĩa tương tự đó là: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”.

Qua đây, ta mới có thể hiểu sự yêu thương, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau có ý nghĩa to lớn đến như thế nào? Thực tế lịch sử đã chứng minh, trong những ngày đầu sau năm 1945, nước ta phải cùng một lúc đương đầu với nhiều loại giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Chính Bác Hồ của chúng ta đã phát động phong trào “Hũ gạo cứu đói” với khẩu hiệu “Một nắm khi đói bằng một gói khi no”. Phong trào được mọi người hưởng ứng tham gia rất nhiệt tình, đây chính là một minh chứng rõ nhất cho sự gắn bó đùm bọc của dân tộc ta, để từ đó với lòng yêu nước nồng nàn ta đã đánh thắng kẻ thù xâm lược và giành lại được độc lập dân tộc.

Ngày nay, câu tục ngữ vẫn còn nguyên ý nghĩa được thể hiện ở nhiều phong trào như: Chung tay góp sức hướng về mảnh đất miền Trung – mảnh đất thường xuyên hứng chịu những hậu quả nặng nề của thiên tai. Hay nhiều chương trình truyền hình ý nghĩa như chương trình “Trái tim cho em” với nội dung là gây quỹ giúp đỡ những trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh và nhiều chương trình khác.

Bây giờ và mãi mãi về sau, câu tục ngữ vẫn còn nguyên giá trị vốn có của nó, đem đến cho mọi người một bài học quý báu về tình đoàn kết, sự yêu thương đùm bọc lẫn nhau giữa người với người trong cùng một dân tộc. Đây chính là sức mạnh to lớn để giúp đất nước chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược và ngày càng giàu đẹp.

Giải thích và chứng minh câu ca dao Nhiễu điều phủ lấy giá gương – mẫu 9

Tình dân tộc, nghĩa đồng bào là vô cùng thiêng liêng. Tình nghĩa nồng thắm ấy đã in sâu vào trái tim khối óc người Việt Nam, tạo nên bản sắc dân tộc. Trên chặng đường mấy nghìn năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu, nhân dân ta đã phát huy cao độ lòng yêu nước thương nòi thành truyền thống quý báu. Truyền thống ấy đã trở thành tiếng hát, lời ca mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Tiêu biển là câu ca dao:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương Người trong một nước phái thương nhau cùng”

“Giá gương” là một vật dụng đặt trên bàn thờ gia tiên, một biểu tượng thiêng liêng của người đã khuất. Trên giá gương có thể là một tấm ảnh, một tờ giấy đã phai màu ghi một vài nét về tiểu sử và công đức của người đang được thờ cúng. Giá gương thường được sơn son thếp vàng rất đẹp, một vẻ đẹp cổ kính trang nghiêm.

“Nhiễu điều” là một thứ hàng dệt cao cấp (vóc, nhiều, the, lụa…) màu đỏ thắm (điều). Đem nhiễu điều phủ lấy giá gương, làm cho giá gương đã đẹp, lại càng thêm đẹp, thêm trang trọng. Chữ “phủ” trong câu ca dao là nghĩa chở che, bao bọc, biểu thị một thái độ, một tấm lòng tôn kính, biết ơn… của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Hình ảnh gắn bó vừa thiêng liêng, vừa nghĩa tình.

Đi từ cụ thể đến trừu tượng, từ so sánh đến khái quát, nhân dân ta đã lấy hình ảnh ”Nhiễu điều phủ lấy giá gương” để qua đó, nêu lên một bài học đạo lí có giá trị giáo dục sâu sắc: khuyên nhủ mọi người Việt Nam giữ gìn và nêu cao tình yêu thương đoàn kết dân tộc.

Bài học mà câu ca dao nêu ra thật sâu sắc, thấm thía.

Tại sao “Người trong một nước phải thương nhau cùng?” – Người trong một nước cùng chung cội nguồn, nòi giống đều là con Rồng cháu tiên. Họ có chung một nền văn hoá lâu đời, chung lịch sử, chung một mẹ Việt Nam yêu quý. Dù là Kinh hay Mường, Thái hay Tày. Ba-na hay Ê-đê, v.v… nhưng vẫn là anh em xa gần, anh cm trong đại gia đình Việt Nam, có mối quan hệ vật chất và tinh thần gắn bó, chung một Thủ đô Hà Nội và chung một cơ đồ Việt Nam. Huyền thọai “Trăm trứng”, truyện cổ tích “Quả bầu” làm cho mỗi người chúng ta bồi hồi xúc động, biểu cảm sâu sắc lời ca “Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Tình yêu thương đoàn kết dân tộc ấp ủ trong tim ta tình làng nghĩa xóm, lòng yêu nước thương nòi thắm thiết bao la. Nó nhắc nhở ta biết chia ngọt sẻ bùi với nhau, biết yêu thương đùm bọc nhau. Nó cho ta niềm tin về sức mạnh nòi giống, về lòng tự hào dân tộc để vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng thù trong giặc ngoài. Cả cộng đồng người Việt Nam đoàn kết yêu thương cùng đi lên phía trước, xây dựng đất nước phồn vinh.

Tình yêu thương, đùm bọc đồng loại là đạo lí sống tốt đẹp của nhân dân ta. Cây có cội, nước có nguồn, chim có tổ, người có tông. Câu ca dao-sau đây mỗi lần đọc lên, là người Việt Nam ai mà chẳng bồi hồi:

“Ai về Phú Thọ cùng ta, Nhớ ngày giỗ Tổ tháng Ba mồng Mười. Dù ai đi ngược về xuôi, Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba”.

Dù sống ờ miền Nam hay miền Bắc, miền xuôi hay miền ngược hoặc là Việt kiều tha hương,… tất cả đều là con em đại gia đình Việt Nam. Việt Bắc. Tây Bắc là cái nôi của cách mạng. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã từng “hạt muối cắn đôi” với anh bộ độ Cụ Hồ trong thời chống Mĩ. Tình yêu thương đoàn kết dân tộc là cơ sở của tình yêu nước. Qua đó, ta càng thấy trách nhiệm của mỗi người phải góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Trung hiếu, nhân nghĩa là nền tảng của đạo lí. Chữ hiếu là đạo làm con. Chữ trung là đạo làm người, làm dân. Trong mối quan hệ xã hội, con người phải sống tình nghĩa, thuỷ chung. Tình người, tình đồng bào là thiêng liêng cao cả “Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Tình yêu thương đoàn kết dân tộc phải được biểu hiện bằng những việc làm cụ thể: nhường cơm sẻ áo, giúp thuốc men, lương thực… cho nhau khi gặp thiên tai địch họa. Đồng bào vùng sông Cửu Long, vùng Tây Bắc, Việt Bắc bị lũ lụt tàn phá thì đồng bào cả nước hướng về, ra sức giúp đỡ, chi viện. Họat động của các Hội Việt kiều đã thắt chặt ba, bốn triệu người Việt đang sinh sống làm ăn ờ nước ngoài gắn bó với quê hương là một biểu hiện cao đẹp nâng cao tình cảm dân tộc.

Nghĩa tình của đồng bào ta thật sâu sắc, đẹp đẽ, ca dao, dân ca có bao bài hay ngợi ca:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Nhân dân ta nhân hậu, sống trọn vẹn nghĩa tình. Yêu nước, thương nòi, thương mình, thương người, tương thân tương ái,… là vẻ đẹp tâm hồn. là đạo lí của dân tộc. Câu ca dao trên đã cho thấy nguồn sức mạnh Việt Nam. Với tình thương mà tổ tiên ta đã xây đắp nên nền Văn hiến Đại Việt lâu đời. Với tình thương mà nhân dân ta ngày nay đang xoá bỏ hận thù quá khứ, cùng nhau xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. hướng vào mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh”. Hạnh phúc, ấy là tình thương. Đạo lí làm người, ấy là nhân hậu, ấy là tình thương.

Xem thêm các bài Văn mẫu thuyết minh, phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 8 khác:

  • Tục ngữ có câu Im lặng là vàng. Nhưng nhà thơ Tố hữu lại viết (3 mẫu)
  • Chứng minh văn học dân tộc luôn ca ngợi những ai biết thương người như thể thương thân (dàn ý – 5 mẫu)
  • Nghị luận về trò chơi điện tử (dàn ý – 10 mẫu)
  • Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống (7 mẫu)
  • Suy nghĩ của em về vấn đề: tranh giành và nhường nhịn (dàn ý – 7 mẫu)

Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 8 theo từng phần:

  • Mục lục Văn phân tích, phát biểu cảm nghĩ, cảm nhận
  • Mục lục Văn biểu cảm
  • Mục lục Văn thuyết minh
  • Mục lục Văn nghị luận

Săn SALE shopee tháng 6:

  • Tsubaki 199k/3 chai
  • L’Oreal mua 1 tặng 3
  • La Roche-Posay mua là có quà:
Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button