Những nét khái quát về GDP và GRDP
1. Khái niệm:
a) GDP: trong kinh tế học, tổng sản phẩm trong nước, hay tổng sản phẩm quốc nội và thường gọi GDP (viết tắt của Gross Domestic Product) là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi một lãnh thổ nhất định (thường là quốc gia) trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm).
b) GRDP Tổng sản phẩm trên địa bàn (viết tắt của Gross Regional Domestic Product), do Tổng cục Thống kê hướng dẫn và khái niệm như sau: là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp, phản ánh: “Toàn bộ kết quả cuối cùng của các hoạt động sản xuất của tất cả các đơn vị thường trú trong nền kinh tế của tỉnh trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm); phản ánh các mối quan hệ trong quá trình sản xuất, phân phối thu nhập, sử dụng cuối cùng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế địa phương”.
Tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá thực tế thường được dùng để nghiên cứu về cơ cấu và sự biến động về cơ cấu kinh tế theo các ngành, các nhóm ngành, theo loại hình kinh tế, mối quan hệ giữa kết quả sản xuất với phần huy động vào ngân sách nhà nước và phúc lợi xã hội. Tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá so sánh dùng để đánh giá tốc độ tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế địa phương, của các ngành, các loại hình, các khu vực, nghiên cứu sự thay đổi về khối lượng hàng hóa và dịch vụ mới được tạo ra theo thời gian.
2. Điểm khác biệt giữa GRDP và GDP:
– GRDP: là tổng sản phẩm tính trên phạm vi một vùng, một tỉnh hay một thành phố nào đó.
– GDP: là tổng sản phẩm tính trên phạm vi lãnh thổ của một quốc gia.
Về phương pháp tính và nội dung tính của chỉ tiêu GDP và GRDP là hoàn toàn giống nhau, chỉ khác nhau ở phạm vi tính toán. GDP tính trên phạm vi của một nước, GRDP tính trên một vi của một tỉnh, thành phố nào đó.
3. Phương pháp tính GRDP: Dưới các góc độ khác nhau, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) được xác định theo 03 phương pháp như sau:
(1) Xét về góc độ sử dụng (nhu cầu tiêu dùng): GRDP là tổng cầu của nền kinh tế bao gồm: Tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, tiêu dùng cuối cùng của các Cơ quan, tích luỹ tài sản và chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ.
(2) Xét về góc độ thu nhập, GRDP gồm: thu nhập của người lao động, thuế sản xuất, khấu hao tài sản cố định dùng cho sản xuất và giá trị thặng dư sản xuất trong kỳ.
(3) Xét về góc độ sản xuất: GRDP bằng giá trị sản xuất trừ đi chi phí trung gian cộng thuế sản xuất trừ trợ cấp sản xuất (nếu có).
Từ các góc độ khác nhau, GRDP được tính theo 03 phương pháp khác nhau (Phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng cuối cùng và phương pháp thu nhập)
4. Ý nghĩa của GRDP: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP tính toán cho phạm vi cấp tỉnh) là chỉ tiêu đánh giá đúng đắn nhất, tổng hợp quan trọng phản ánh kết quả sản xuất cuối cùng của tỉnh trong một năm. GRDP còn là chỉ tiêu được dùng để đánh giá sự phát triển kinh tế theo thời gian và so sánh quốc tế.
5. Sự cần thiết phải tính toán chỉ tiêu GRDP thay cho chỉ tiêu GDP của cấp tỉnh:
Chỉ tiêu GDP là một chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, dùng để xây dựng các chỉ tiêu kinh tế – xã hội, từ đó dùng phân tích kinh tế và hoạch định chiến lược, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của phạm vi quốc gia. Đây là chỉ tiêu phù hợp tính toán cho toàn bộ nền kinh tế chứ không phù hợp tính toán cho phạm vi cấp tỉnh.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, cấp tỉnh cũng có chức năng quản lý, chỉ đạo và điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, vì vậy, để đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương, thời gian qua, việc tính GDP cấp tỉnh vẫn được thực hiện. Và quả thực, tổng cộng tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chênh lệch khá lớn so với GDP tính cho phạm vi toàn bộ nền kinh tế. Nguyên nhân là do có sự chênh lệch rất lớn giữa số liệu tổng cộng GDP địa phương và GDP quốc gia. Nhưng phần chênh lệch đó không…chạy đi đâu cả, mà do những bất cập trong công tác thống kê hiện nay. Những bất cập đó được thể hiện:
+ Nguồn thông tin đầu vào để tính toán GDP cấp tỉnh còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến việc tính trùng, tính thiếu, chưa thống nhất về phạm vi, nội dung và phương pháp tính.
+ Các địa phương khi xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội luôn đặt ra các con số khá cao, cao hơn nhiều so với mục tiêu GDP toàn quốc. Trong quá trình thực hiện, trong cách tính, các địa phương cũng cố gắng làm sao cho đạt mục tiêu đề ra. Đây chính là nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến chênh lệch giữa GDP địa phương và GDP quốc gia.
+ Do việc thu thập thông tin của các địa phương đối với đơn vị hạch toán toàn ngành như: ngân hàng, bảo hiểm, điện lực, bưu chính, viễn thông, an ninh – quốc phòng, thuế nhập khẩu…gặp nhiều khó khăn; hệ thống chỉ số giá, hệ số chi phí trung gian chưa hoàn thiện và đồng bộ; năng lực cán bộ thống kê, ý thức chấp hành Luật Thống kê chưa cao…
Để khắc phục tình trạng chênh lệch số liệu này, Thủ tướng đã chỉ đạo khẩn trương xây dựng Đề án Chuyển đổi quy trình biên soạn số liệu GRDP cho cấp tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đề án này, việc biên soạn và công bố chỉ tiêu GDP của toàn bộ nền kinh tế và chỉ tiêu GRDP của các địa phương được tập trung đầu mối là Tổng cục Thống kê, thay vì phân cấp cho các Cục Thống kê địa phương thực hiện như hiện nay. Việc chuyển đổi quy trình biên soạn chỉ tiêu GRDP là phù hợp thông lệ quốc tế. Nâng cao chất lượng số liệu GDP của toàn bộ nền kinh tế và GRDP của cấp tỉnh. Đến năm 2018, Tổng cục Thống kê sẽ trực tiếp tính toán GRDP cho các tỉnh, thành phố thay vì hiện nay các tỉnh, thành phố phải tính toán và công bố.
Phòng TK Tổng hợp
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!