Hãy bàn luận về câu nói: Học như bơi thuyền ngược nước. Không

Văn mẫu lớp 11: Hãy bàn luận về câu nói: Học như bơi thuyền ngược nước. Không tiến sẽ phải lùi (Ngạn ngữ Trung Quốc) được VnDoc sưu tầm, giới thiệu giúp các em học sinh cùng quý thầy cô tham khảo.

I. Dàn ý Hãy bàn luận về câu nói: Học như bơi thuyền ngược nước. Không tiến sẽ phải lùi

Dàn ý nghị luận xã hội về câu nói: Học như bơi thuyền ngược nước. Không tiến sẽ phải lùi mẫu 1

1. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: câu nói: Học như bơi thuyền ngược nước. Không tiến sẽ phải lùi.

Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân mình.

2. Thân bài

a. Giải thích

Thuyền bơi ngược nước: ẩn dụ tượng trưng cho những khó khăn, thử thách mà con người có thể gặp phải trên đường đời.

Ý câu nói: việc học vô cùng quan trọng đòi hỏi con người phải luôn nỗ lực nhiều hơn từng ngày, nếu chúng ta không cố gắng thì sẽ bị thụt lùi về phía sau so với những nhu cầu, sự phát triển của xã hội.

b. Phân tích

Phẩm chất quan trọng trước tiên của việc học là phải kiên trì và quyết tâm, không bao giờ thối chí nản lòng và phải có lòng say mê, sáng tạo thì mới làm cho việc học hưng phấn, thích thú và đạt kết quả tốt.

Kho tàng kiến thức của nhân loại ngày càng mở rộng, phát triển và trở nên phong phú, đa dạng, sinh động hơn. Con người chỉ có thể chiếm lĩnh và làm chủ tri thức khi học tập không ngừng và luôn giữ vững quyết tâm cùng tinh thần kiên trì, bền bỉ.

Nếu con người ngừng việc học tại một thời điểm nào đó nhất định sẽ bị lạc hậu so với xã hội, bị thụt lùi kiến thức so với người khác và sẽ sớm bị xã hội đào thải.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về những người luôn nỗ lực hết mình trong học tập để minh họa cho bài làm văn của mình.

d. Phản đề

Tuy nhiên trong xã hội vẫn còn có nhiều người chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học, chưa thực sự nỗ lực vươn lên trong học tập, trau dồi cho bản thân những kiến thức quý báu,… Những người này thật đáng chê trách và cần thay đổi bản thân nếu muốn mình tốt hơn trong tương lai.

e. Liên hệ thực tiễn

Con người cần xác lập cho bản thân một thái độ học tập đúng đắn, tích cực để giữ vững sự kiên trì, bền bỉ trên con đường chinh phục tri thức. Đồng thời, cần lựa chọn cho bản thân phương pháp học tập phù hợp để đưa con thuyền học tập cập bến tri thức.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: câu nói: Học như bơi thuyền ngược nước. Không tiến sẽ phải lùi.

Dàn ý nghị luận xã hội về câu nói: Học như bơi thuyền ngược nước. Không tiến sẽ phải lùi mẫu 2

1. Mở bài

– Dẫn dắt vào vấn đề nghị luận

– Giới thiệu khái quát về vấn đề nghị luận.

2. Thân bài

a. Giải thích vấn đề nghị luận

– Giải thích các khái niệm: “học”, “bơi thuyền ngược nước”, “tiến”, “lùi”.

– Giải thích nội dung ý nghĩa câu ngạn ngữ.

b. Bàn luận, phân tích vấn đề nghị luận

– Việc học không thể diễn ra trong giây lát mà cần trải qua quá trình tiếp thu, tích lũy.

– Quá trình học tập diễn ra không ngừng nghỉ bởi kho tàng kiến thức của nhân loại vô cùng bao la, rộng lớn, bao gồm tri thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

– Kho tàng kinh nghiệm, kiến thức của nhân loại ngày càng mở rộng, phát triển và trở nên phong phú, đa dạng, sinh động hơn.

– Con người chỉ có thể chiếm lĩnh và làm chủ tri thức khi học tập không ngừng và luôn giữ vững quyết tâm cùng tinh thần kiên trì, bền bỉ.

– Nếu ngừng học hỏi, ngừng tư duy thì kiến thức của con người sẽ trở nên hạn hẹp và tụt hậu so với sự phát triển của thời đại.

c. Bài học nhận thức và hành động

– Con người cần xác lập cho bản thân một thái độ học tập đúng đắn, tích cực

– Giữ vững thái độ kiên trì, bền bỉ trên con đường học tập.

– Lựa chọn cho bản thân phương pháp học tập phù hợp.

3. Kết bài

Khẳng định lại vấn đề nghị luận. Liên hệ bản thân.

II. Văn mẫu nghị luận xã hội về câu nói: Học như bơi thuyền ngược nước. Không tiến sẽ phải lùi

1. Hãy bàn luận về câu nói: Học như bơi thuyền ngược nước. Không tiến sẽ phải lùi (Ngạn ngữ Trung Quốc) – mẫu 1

Học là quá trình cả đời phấn đấu mà bể học là vô tận. Thật đúng với một câu ngạn ngữ Trung Quốc: “Học như bơi thuyền ngược nước. Không tiến sẽ phải lùi”. Đó chính là bản chất và quy luật của việc học đôi với tất cả mọi người, không trừ riêng ai. “Thuyền bơi ngược nước” là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho những khó khăn, thử thách mà con người có thể gặp phải trên đường đời. Và câu nói muốn truyền tải rằng việc học vô cùng quan trọng đòi hỏi con người phải luôn nỗ lực nhiều hơn từng ngày, nếu chúng ta không cố gắng thì sẽ bị thụt lùi về phía sau so với những nhu cầu, sự phát triển của xã hội. Việc học là một quá trình không bao giờ ngừng nghỉ trong cuộc đời của con người. Học tập không chỉ giúp chúng ta có được kiến thức và kỹ năng mới mà còn giúp chúng ta phát triển tư duy, sáng tạo. Tuy nhiên, việc học không phải là một công việc dễ dàng. Để đạt được thành công trong học tập, chúng ta cần phải có sự nỗ lực, kiên trì và trải qua một quá trình tích lũy kiến thức. Đặc biệt, trong thời đại ngày nay khi thế giới liên tục thay đổi, việc học càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Kho tàng kinh nghiệm, kiến thức của nhân loại ngày càng mở rộng, phát triển và trở nên phong phú, đa dạng, sinh động hơn. Những kiến thức cũ sẽ trở nên lạc hậu và không còn hữu ích nữa, trong khi những kỹ năng mới và công nghệ mới sẽ tiếp tục được phát triển và áp dụng rộng rãi. Điều này sẽ khiến chúng ta mất cơ hội để phát triển bản thân và không thể đáp ứng được những yêu cầu của cuộc sống hiện đại nếu từ bỏ việc học. Thực tế cuộc sống đã chứng minh, có rất nhiều tấm gương luôn miệt mài, hăng say trên con đường tri thức. Đó là nhà bác học lừng danh Đác-uyn với vốn hiểu biết uyên thâm và phát minh ra nhiều công trình có ý nghĩa to lớn đối với nhân loại nhưng vẫn kiên trì học hỏi với tâm niệm “Bác học không có nghĩa là ngừng học”. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn có nhiều người chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học, chưa thực sự nỗ lực trong học tập. Những người này thật đáng chê trách và cần thay đổi bản thân. Việc học quan trọng là vậy, vì thế, không bao giờ được nản chí, hãy cố gắng phấn đấu hết mình, chúng ta sẽ thấy khả năng của mình là vô hạn, không có gì là không thể đạt được cả.

Đọc thêm:  Phát triển là gì? Nguyên lý về sự phát triển theo Mác - Lênin?

2. Hãy bàn luận về câu nói: Học như bơi thuyền ngược nước. Không tiến sẽ phải lùi (Ngạn ngữ Trung Quốc) – mẫu 2

Đã bao giờ bạn nhìn một con thuyền bơi ngược nước trên sông? Người lái phải gò mình sải cánh bơi mạnh mái chèo thì con thuyền mới tiến lên được. Nếu dừng tay chèo thì con thuyền không đứng lại mà lùi theo dòng nước chảy mạnh. Sự học cũng như vậy, có khác gì việc bơi thuyền ngược nước: không tiến sẽ phải lùi.

Có người nghĩ rằng việc học là dễ dàng và đơn giản. Cứ cắp sách đến trường, nghe thầy giảng, thu nhận kiến thức và đọc thêm trong sách vở là hoàn tất việc học. Có người lại kì công mời thầy giỏi đến tận nhà dạy riêng cho con mình, tưởng như thế con sẽ giỏi, sẽ thành tài. Nghĩ như vậy là chưa hiểu hết bản chất của việc học. Học cũng gian khổ như bơi thuyền ngược nước. Con thuyền phải đối mặt với dòng nước chảy ngược lại, liệu có dễ dàng đủ sức mạnh để vượt qua thử thách ấy không? Và quan trọng nhất là có đủ kiên trì để chiến thắng nó không? Bởi dòng nước thì lúc nào cũng chảy, còn con thuyền chỉ cần lơ là một chút (ngừng tay chèo) là có thể không tiến lên được mà ngược lại phải lùi lại ngay theo sức nước chảy. Việc học cũng gian nan và đầy thử thách như thế. Không tiến sẽ phải lùi. Đó chính là bản chất và quy luật của việc học đối với tất cả mọi người, không trừ riêng ai.

Học là một hoạt động khám phá và sáng tạo của con người, bao gồm hai khâu chủ yếu: khám phá, tiếp cận và chiếm lĩnh tri thức của nhân loại thành tri thức của mình (thu nhận kiến thức) rồi vận dụng kiến thức đó vào cuộc sống để biến thành kiến thức mới (vận dụng và sáng tạo kiến thức mới). Hiểu như vậy thì việc học không đơn giản chút nào, trái lại rất khó khăn và gian khổ. Nguyễn Cư Trinh từng nói: “Có một chữ mà nghĩ ba năm chưa xong, giảng ngàn năm chưa hết”. Còn Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác thì tâm niệm: “Xem một câu, phải suy ra trăm câu; thấy một việc đời, phải ngẫm ra trăm việc. Có thế học mới hay”. Ở phương Tây, nhờ khổ luyện học vẽ trứng gà mấy chục ngày liền theo cách dạy của thầy Vê-rô-ki-ô mà về sau Lê-ô-na đơ Van-xi đã trở thành danh họa nổi tiếng thời Phục hưng. Không khổ luyện, không kiên trì, không quyết tâm thì làm sao thu nhận được kiến thức và rèn luyện được kĩ năng, nói chi đến việc sáng tạo, phát minh – cái đích cao nhất mà việc học phải vươn tới? Đó chính là lúc người học “ngừng tay chèo” và “con thuyền học tập” sẽ lùi lại theo dòng nước chảy. Dòng nước chảy chỉ là quy luật khách quan, ở đây yếu tố chủ quan của người học mới là điều quyết định. Chẳng thế mà, ngày xưa, Cao Bá Quát đã buộc búi tóc lên xà nhà để học, Châu Trí đã quét lá đa đốt lửa lên mà học,… Và ngày nay, hẳn không thiếu những con người tật nguyền đã vượt qua dòng nước chảy để đưa “con thuyền học tập” tiến lên đến bờ bến vinh quang, đạt tới đỉnh cao của tri thức và sáng tạo, như Nguyễn Ngọc Kí bị liệt cả hai tay, phải tập viết bằng chân mà vẫn tốt nghiệp đại học; các vận động viên khuyết tật điều khiển xe lăn bằng tay mà đạt huy chương vàng,…

Bản chất của việc học là gian khổ nhưng cũng là sáng tạo để chiếm lĩnh thành trì tri thức của nhân loại. Còn thực chất của việc học là sự vươn lên để chiến thắng bản thân mình như người chèo thuyền ngược nước chiến thắng dòng sông. Không chiến thắng được bản thân thì không thể học thành tài được. Cho nên phẩm chất quan trọng trước tiên của việc học là phải kiên trì và quyết tâm, không bao giờ thối chí nản lòng. Nhưng kiên trì phải đi đôi với say mê và sáng tạo thì mới làm cho việc học hưng phấn, thích thú và đạt kết quả tốt. Việc học là suốt đời, không ngừng, không nghỉ, giống như người đi đến “chân trời kiến thức”, đến được chân trời này thì lại mở ra chân trời khác, cứ thế mà đi tới. “Hiểu biết là ngọn nguồn chảy mãi, cơn khát không hút cạn được nó và nó cũng không bao giờ giải xong cơn khát”. (F. Ruc-ke). Tấm gương say mê học tập của các nhà khoa học trên thế giới như Các Mác, Ăng-ghen, Anh-xtanh, Niu-tơn, Ma-ri Quy-ri,… cho ta thấy chính sức mạnh của “cơn khát kiến thức” đã tạo nên những thiên tài của nhân loại, và ở đây, ngọn lửa của niềm say mê, sáng tạo đã tôi luyện thêm lòng kiên trì và quyết tâm của họ trên con đường khám phá, chiếm lĩnh và phát minh kiến thức mới cho loài người. Bản chất của việc học và bí quyết thành công của việc học cũng là như vậy.

Dĩ nhiên trong việc học còn có phương pháp học tập sao cho tốt, cho có hiệu quả, tức là phải biết cách chèo thuyền để vượt lên được dòng nước ngược. Nhưng quan trọng nhất là có can đảm chèo thuyền hay không và có kiên trì quyết tâm chèo con – thuyền – học – tập ấy trong suốt cuộc đời mình để đến được bến bờ vinh quang không? Bởi trong thực tế, biết bao người đã buông tay chèo giữa dòng để mặc cho con thuyền lùi lại. Và ngay cả học sinh sinh viên – mà nhiệm vụ trung tâm là học tập – vẫn còn không ít người như thế. Thật đáng buồn thay! Học mà còn như vậy thì vào đời sẽ thế nào đây? Ý nghĩa triết lí sâu xa của câu ngạn ngữ chắc không chỉ dừng lại ở việc học tập của con người.

Đọc thêm:  Phân tích thái độ của Huấn Cao đối với Viên quản ngục trong Chữ

3. Hãy bàn luận về câu nói: Học như bơi thuyền ngược nước. Không tiến sẽ phải lùi (Ngạn ngữ Trung Quốc) – mẫu 3

Bàn về con đường học tập đầy rẫy những chông gai, thử thách, Lê-nin từng nói “Học, học nữa, học mãi” để khẳng định sự vận động và tiếp diễn không ngừng nghỉ của quá trình chiếm lĩnh tri thức. Bàn về vấn đề này, có ý kiến cho rằng: “Học như bơi thuyền ngược nước, không tiến ắt phải lùi”. Câu ngạn ngữ trên đã ngầm khẳng định vai trò ý nghĩa cùng bản chất của việc học và tích lũy kiến thức.

Như chúng ta đã biết, học là quá trình tư duy để tiếp thu tri thức, trang bị những kiến thức, kĩ năng để phát triển và hoàn thiện nhân cách; còn “bơi thuyền ngược nước” là cách nói ẩn dụ để chỉ những khó khăn, chông gai trên con đường học vấn. Câu ngạn ngữ còn sử dụng hai động từ đối lập nhau để chỉ hai kết quả trái ngược mà con người thu được trên con đường chiếm lĩnh tri thức: “tiến” là động từ diễn tả sự chiến thắng và vượt lên những cản trở; còn “lùi” diễn tả sự tụt hậu và không tiến bộ. Như vậy, bằng cách nói đầy hình tượng thông qua phép so sánh việc học và “bơi thuyền ngược nước”, câu ngạn ngữ đã ẩn chứa một bài học triết lí về bản chất của việc học: quá trình học tập cần đi đôi với sự kiên trì, bền bỉ và diễn ra xuyên suốt trong cuộc đời của mỗi một con người. Nếu không thực hiện được điều này, không làm mới kiến thức của bản thân, chúng ta sẽ trở thành những con người tụt hậu và không thể bắt nhịp với sự vận động không ngừng nghỉ của dòng thời gian cũng như tốc độ phát triển của khoa học – kĩ thuật.

Con đường học tập của con người cần diễn ra kiên trì, bền bỉ bởi việc học không thể diễn ra trong giây lát mà cần trải qua quá trình tiếp thu, tích lũy. Hành trình gian nan, trắc trở đó diễn ra xuyên suốt không ngừng nghỉ bởi kho tàng kiến thức của nhân loại vô cùng bao la, rộng lớn, bao gồm tri thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Mặt khác, tri thức luôn là dòng chảy vận động không ngừng và phát triển song song với nhịp độ đổi thay của xã hội. Kho tàng kinh nghiệm, kiến thức của nhân loại bởi vậy ngày càng mở rộng, phát triển và trở nên phong phú, đa dạng, sinh động hơn. Con người chỉ có thể chiếm lĩnh và làm chủ tri thức khi học tập không ngừng và luôn giữ vững quyết tâm cùng tinh thần kiên trì, bền bỉ. Khi làm được điều này, chúng ta sẽ chiến thắng những cam go, thử thách trên con đường học vấn giống như người lái đò vượt qua những thác ghềnh của dòng nước lũ khi giữ vững tay chèo, bởi “Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào” (Ngạn ngữ Hi Lạp). Nếu người học “ngừng tay chèo” – ngừng học hỏi, ngừng tư duy thì kiến thức của bản thân sẽ trở nên hạn hẹp và tụt hậu giống như “bơi thuyền ngược nước”. Thực tế cuộc sống đã chứng minh, có rất nhiều tấm gương luôn miệt mài, hăng say trên con đường chiếm lĩnh tri thức, học tập không ngừng nghỉ để làm đầy kho tàng kiến thức của bản thân, đồng thời đem lại những đóng góp tích cực cho cuộc sống nhân sinh, xã hội. Đó là nhà bác học lừng danh Đác-uyn với vốn hiểu biết uyên thâm và phát minh ra nhiều công trình có ý nghĩa to lớn đối với cuộc sống nhân loại nhưng vẫn kiên trì học hỏi, nghiên cứu với tâm niệm “Bác học không có nghĩa là ngừng học”. Đó là câu chuyện về quá trình học vẽ trứng gà của họa sĩ Lê-ô-na đơ Van-xi, nhờ tinh thần kiên trì bền bỉ đó mà sau này, ông đã trở thành danh họa nổi tiếng của thời đại Phục hưng. Chân trời kiến thức là hữu hạn và vô tận, bởi vậy quá trình học tập cần được diễn ra liên tục và tiếp diễn không ngừng: “Hiểu biết là ngọn nguồn chảy mãi, cơn khát không hút cạn được nó và nó cũng không bao giờ giải xong cơn khát” (F. Ruc-ke). Tuy nhiên, trong cuộc sống, vẫn có không ít người tự mãn về những gì mình đã biết, ngủ quên trên bục vinh quang và không có ý thức trau dồi, làm mới kiến thức của bản thân.

Qua ý nghĩa của câu ngạn ngữ trên, chúng ta có thể thấy được bản chất của việc học tập luôn gắn liền với quá trình vận động không ngừng nghỉ. Bởi vậy, con người cần xác lập cho bản thân một thái độ học tập đúng đắn, tích cực để giữ vững sự kiên trì, bền bỉ trên con đường chinh phục tri thức. Đồng thời, cần lựa chọn cho bản thân phương pháp học tập phù hợp để đưa con thuyền học tập cập bến tri thức.

Như vậy, câu ngạn ngữ trên đã ẩn chứa một bài học có ý nghĩa sâu sắc và giáo dục, khuyên răn con người cần không ngừng học hỏi với thái độ tích cực, kiên trì, bền bỉ. Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần rèn luyện cho bản thân ý chí quyết tâm trong học tập, đồng thời lên án, phê phán những hiện tượng học tủ, học vẹt và lười tư duy đang diễn ra phổ biến trong tầng lớp thế hệ trẻ hiện nay.

4. Hãy bàn luận về câu nói: Học như bơi thuyền ngược nước. Không tiến sẽ phải lùi (Ngạn ngữ Trung Quốc) – mẫu 4

Nhà bác học Đác Uyn từng nói: “Học, học nữa, học mãi”. Trong suốt tiến trình lịch sử phát triển, loài người đã không ngừng tích lũy tri thức và nỗ lực học hỏi để có thêm hiểu biết và sáng tạo. Tri thức là do nỗ lực học tập mà có chứ không tự nhiên mà có được. Không học tập không thể nào tiến bộ được. Bàn về ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Học như bơi thuyền ngược nước, không tiến sẽ phải lùi”

Học là hành động tiếp thu, chiếm lĩnh tri thức nhân loại để hình thành tri thức của mình và vận dụng vào thực tế cuộc sống nhằm tạo ra của cải vật chất, duy trì sự sống của bản thân, gia đình và xã hội.

“Bơi thuyền ngược nước” là thuyền bơi trên dòng nước ngược, tốn rất nhiều sức. Nếu không ra sức chèo lái, con thuyền sẽ bị dòng nước đẩy lùi. Câu văn sử dụng phép so sánh ẩn dụ quá trình học hỏi của con người với hình ảnh con thuyền trôi ngược dòng nước không tiến ắt phải lùi.

Thật vậy, học là nhiệm vụ khó khăn như bơi thuyền ngược nước. Đó là một quá trình vất vả, không ngừng nghỉ. Đây là một hoạt động diễn ra suốt cuộc đời của con người chứ không phải là một giai đoạn gắn với trường học. Học ở trường lớp và học trong cuộc sống. Học ở thầy cô, bạn bè và học ở mọi người.

Đọc thêm:  Phong Trào Thơ Mới ❤Các Tác Giả + Những Bài Thơ Tiêu Biểu

Nếu con người ngừng việc học tại một thời điểm nào đó nhất định sẽ bị lạc hậu so với xã hội, bị thụt lùi kiến thức so với người khác. Cách so sánh đã khái quát một trong những bản chất của việc học, học hành rất vất vả và liên tục không ngừng như người lái đò phải làm việc hết sức mới đưa được con thuyền tiến lên.

Câu ngạn ngữ “học như bơi thuyền ngược nước” ngầm đưa ra dụng ý khuyên răn con người ta nên có thái độ học tập kiên trì, mạnh mẽ, tự vượt lên chính mình và chiến thắng hoàn cảnh khó khăn để học hỏi, hoàn thiện bản thân. Trong cuộc sống của chúng ta có không ít những tấm gương vượt khó trong học tập như thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí. Dù bị tật nguyền và chịu bao đau đớn về thể xác nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực phi thường, thầy đã đạt được rất nhiều thành công trong cuộc sống.

Kiến thức là vô bờ bến, rất sinh động và thay đổi. Kiến thức phát triển liên tục và luôn mới mẻ. Chỉ bằng cách học không ngừng nghỉ, người ta mới nắm kiến thức phục vụ hữu ích cho chính cuộc sống của mình. Nếu không học, con người sẽ không có kiến thức, nếu chỉ học trong một thời điểm và dừng lại, con người người sẽ bị tụt hậu so với thời đại.

Việc học quan trọng là thế nhưng hiện nay tình trạng lười học, bỏ học, học giả, học thiếu trung thực vẫn còn tồn tại. Nguyên nhân một phần cũng do sự tự ý thức cá nhân còn quá kém, chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc học. Hậu quả sẽ rất to lớn vì khi không có kiến thức, mọi việc sẽ trở nên rất khó khăn, dần dần sẽ trở thành người vô dụng. Do đó, chúng ta phải cố gắng học hỏi, học mọi nơi, kiến thức không bao giờ là thừa.

Học tập thành công luôn đòi hỏi ở con người rất nhiều ý chí, nghị lực và niềm tin tưởng. Qua câu ngạn ngữ: “Học như bơi thuyền ngược nước. Không tiến sẽ phải lùi” chúng ta tự ý thức được việc học, cần phải có ý thức, nghị lực để vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong học tập.

5. Hãy bàn luận về câu nói: Học như bơi thuyền ngược nước. Không tiến sẽ phải lùi (Ngạn ngữ Trung Quốc) – mẫu 5

Học là quá trình tích lũy kiến thức lâu dài nhưng muốn làm cho kho tri thức trở nên phong phú rộng lớn đòi hỏi con người phải có lòng ham học, biết kiên trì theo đuổi sự học ấy. Ngược lại nếu vì những khó khăn trước mắt mà từ bỏ việc học, con người sẽ mãi không chạm đến bến bờ tri thức, vốn hiểu biết cũng mãi giậm chân tại chỗ, thậm chí những tri thức đã có vì không thường xuyên trau dồi có thể “rơi rụng”, lãng quên. Bàn về bản chất của việc học, ngạn ngữ Trung Hoa có câu: “Sự học như thuyền đi trên dòng nước ngược, không tiến ắt phải lùi”.

“Học” là quá trình lĩnh hội, tiếp thu những tri thức mới, làm giàu thêm cho vốn hiểu biết của bản thân. “Thuyền đi trên dòng nước ngược” là ẩn dụ cho những khó khăn, thử thách trong quá trình học tập. Đó là những thử thách khắc nghiệt đòi hỏi con người không ngừng học hỏi, kiên trì cho những mục tiêu học tập, nếu không thể vượt qua những khó khăn ấy con người sẽ không thể chiếm lĩnh những đỉnh cao mới, bị đẩy lùi ngày càng xa với mục tiêu ban đầu.

Câu ngạn ngữ “ Sự học như thuyền đi trên dòng nước ngược, không tiến ắt phải lùi” đã so sánh sự học với việc con thuyền trôi ngược dòng. Nếu không thể vượt qua lực cản của nước cũng như những khó khăn để không ngừng học hỏi, con người sẽ bị thời đại vượt qua, mãi không thể bắt kịp sự vận động của cuộc sống.

Học tập là quá trình học hỏi, tích lũy lâu dài để làm phong phú cho vốn tri thức, mở mang hiểu biết, trang bị đầy đủ kĩ năng, tri thức để chinh phục cuộc sống thực tại. Tri thức là vô tận nên con người không thể lĩnh hội hết trong ngày một ngày hai mà buộc con người phải tích lũy, học hỏi trong quá trình lâu dài.Tuy nhiên việc học cũng chứa đựng rất nhiều những khó khăn, thách thức như: thời gian, công việc, ngoại cảnh hay tâm lí ngại khó ngại khổ của bản thân. Nếu không thể vượt qua những khó khăn ấy con người khó gặt hái được những thành quả của cuộc sống.

Ham học là phẩm chất quan trọng giúp con người phát triển và hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên để đạt được kết quả học tập tối ưu nhất cần phải có tính kiên trì, quyết tâm mạnh mẽ. Con người cần không ngừng học hỏi, đó có thể là học hỏi qua sách vở, thầy cô, bạn bè, báo chí…Không chỉ là học những kiến thức sách mà mà cần có ý thức rèn luyện những kĩ năng sống, kĩ năng xử thế.

Câu ngạn ngữ mang đến cho chúng ta bài học sâu sắc về việc học. Học tập là quá trình rèn luyện lâu dài nơi con người không ngừng học hỏi, tích lũy với quyết tâm và sự kiên trì cao.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 11: Hãy bàn luận về câu nói: Học như bơi thuyền ngược nước. Không tiến sẽ phải lùi (Ngạn ngữ Trung Quốc). Bài viết đã gửi tới bạn đọc dàn ý và các bài văn mẫu. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu để học tập tốt hơn môn Ngữ văn 11 nhé. VnDoc.com mời các bạn cùng tham khảo thêm một số tài liệu học tập tại các mục soạn bài Ngữ văn 11 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 11.

Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm các tài liệu:

  • Nghị luận xã hội: Một quyển sách tốt là một người bạn hiền
  • Nghị luận xã hội Hận thù hãy viết lên cát, ân nghĩa hãy khắc lên đá
  • Nghị luận xã hội bàn về hiện tượng lãng phí thời gian nhàn rỗi của giới trẻ
  • Nghị luận về ý kiến sau: Nên tha thứ cho người khác nhưng đừng bao giờ tha thứ cho chính mình
  • Nghị luận xã hội về suy nghĩ vai trò của ý thức cộng đồng trong cuộc sống hôm nay
  • Hãy bình luận ý kiến sau đây: “Tinh thần khoa học phải đi đôi với dũng khí”
  • Bình luận ý thơ sau đây: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sôn” (Đi thi tự vịnh – Nguyễn Công Trứ)

Bài tiếp theo: “Đất tốt trồng cây rườm rà/ Những người thanh lịch nói ra dịu dàng”. “Đất xấu trồng cây khẳng khiu/ Những người thô tục nói điều phàm phu”

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button