Phân tích bài Tỏ lòng để làm sáng tỏ nhận định – Thủ thuật
Đề bài: Em hãy phân tích bài Tỏ lòng để làm sáng tỏ nhận định: Tỏ lòng khắc hoạ vẻ đẹp con người có sức mạnh, có lí tưởng, nhân cách cao cả cùng khí thế hào hùng của thời đại.
Tỏ lòng khắc hoạ vẻ đẹp con người có sức mạnh, có lí tưởng, nhân cách cao cả
Mẹo Phương pháp phân tích bài thơ, đoạn thơ đạt điểm cao
Bài văn mẫu Phân tích bài Tỏ lòng để làm sáng tỏ nhận định: Tỏ lòng khắc hoạ vẻ đẹp con người có sức mạnh
Xuất thân là một danh tướng tài ba lỗi lạc, Phạm Ngũ Lão lại ghi tên mình vào văn chương nghệ thuật với một số tác phẩm đặc sắc, trong đó có Thuật hoài (Tỏ lòng). Bài thơ vừa thể hiện được hào khí Đông A vừa “khắc họa vẻ đẹp con người có sức mạnh, có lý tưởng, nhân cách cao cả cùng khí thế hào hùng của thời đại”. Với vẻ đẹp nội dung và hình thức nghệ thuật, bài thơ để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc.
Nhận định “Tỏ lòng khắc hoạ vẻ đẹp con người có sức mạnh, có lí tưởng, nhân cách cao cả cùng khí thế hào hùng của thời đại” đã thể hiện rất đúng nội dung của bài thơ Thuật hoài. Vẻ đẹp con người có sức mạnh, có lí tưởng và nhân cách cao cả là những phẩm chất nói về những vị anh hùng, danh tướng thời xưa. Họ là những con người có tầm vóc to lớn với ý chí quyết tâm khôi phục giang sơn, mang hạnh phúc và bình yên đến cho đất nước. Không chỉ vậy, ở họ còn mang đậm vẻ đẹp của Hào khí Đông A – biểu tượng ý chí mạnh mẽ, ngang tàng, tình yêu nước thiết tha dưới thời Trần.
Mở đầu bài thơ, Phạm Ngũ Lão đã tái hiện hình ảnh quân đội nhà Trần mạnh mẽ, oai phong lẫm liệt:
“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thuTam quân tỳ hổ khí thôn ngưu”
(Múa giáo non sông trải mấy thuBa quân khí mạnh nuốt trôi trâu)
Hai câu thơ mở đầu khắc họa không gian rộng lớn với tâm thế hiên ngang, hùng dũng của người tráng sĩ. Ở đây không gian “giang sơn” và thời gian “kháp kỉ thu” được trải ra không có giới hạn, như được mở rộng ra đến hết biên độ. Đó là tấm phông nền kì vĩ cho sự xuất hiện của con người. Tuy vóc dáng nhỏ bé hơn trước thiên nhiên, không gian và thời gian nhưng tầm vóc của họ thì không hề nhỏ. Người tráng sĩ thời Trần hiên ngang, hùng dũng như làm chủ cả thiên nhiên, vạn vật.
Chỉ một hình ảnh người tráng sĩ cũng đã gián tiếp thể hiện sức mạnh phi thường của “tam quân” thời Trần. Tác giả Phạm Ngũ Lão đã sử dụng hình ảnh ẩn dụ “hổ khí thôn ngưu” một cách đặc sắc, có ý nghĩa như hổ báo “nuốt trôi trâu”. Sử dụng hình ảnh này, tác giả muốn tái hiện lại khí thế cùng sức mạnh hừng hực của quân đội nhà Trần. Tác giả như vẽ lên bức tranh tam quân hùng hậu, đông đảo đang ào ào khát vọng chiến đấu với mong muốn mang vinh quang về cho dân tộc. Đây chính là “vẻ đẹp sức mạnh” của người chiến sĩ đời Trần nói riêng và của con người Việt Nam nói chung. Đó là ý chí quật cường, không chịu khuất phục dưới ánh sáng của chủ nghĩa yêu nước, thương dân.
Chỉ với hai câu thơ, tác giả Phạm Ngũ Lão đã khắc họa thành công vẻ đẹp sức mạnh người tráng sĩ tuy bé nhỏ nhưng mưu cao chí lớn. Đó là những phẩm chất đáng quý của những con người có lí tưởng lớn, khát vọng lớn.
Không chỉ hiện lên với vẻ đẹp sức mạnh, người tráng sĩ còn nổi bật với “vẻ đẹp lí tưởng và nhân cách” của người làm trai thời ấy:
“Nam nhi vị liễu công danh tráiTu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”
(Công danh nam tử còn vương nợLuống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu)
Nếu ở hai câu thơ đầu, người tráng sĩ hiện vẻ đẹp sức mạnh thì đến đây, vẻ đẹp lý tưởng và nhân cách lại càng tỏa sáng hơn bao giờ hết. Món nợ công danh “công danh trái” mà tác giả nhắc đến là một trong những việc mà bậc nam nhi trong thiên hạ phải làm. Bởi lẽ đối với những nam nhân sống thời xưa, món nợ công danh vô cùng quan trọng. Như Nguyễn Công Trứ từng nói “Đã mang tiếng ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông”. Kẻ làm trai phải chứng tỏ được bản thân mình, trả món nợ đời với quốc gia dân tộc. Phải biết hy sinh vì nghĩa lớn, biết chân cứng đá mềm, đầu đội trời chân đạp đất. Qua đó, ông muốn nhắc nhở kẻ làm trai phải biết lấy gương sáng của người xưa để noi theo và phấn đấu cho xứng với các bậc tiền nhân đi trước. Niềm khát vọng công danh của tác giả thực chất là khát khao được hy sinh và cống hiến cho độc lập của dân tộc. Bởi đấng nam nhi thời xưa là con người sống vì bổn phận, vì trách nhiệm. Bởi vậy họ quyết hy sinh bản thân, hạnh phúc của mình để đổi lấy tự do cho dân tộc. Đó chính là vẻ đẹp nội tâm của một bậc anh hùng có lý tưởng và nhân cách cao đẹp, đáng ngưỡng mộ.
Đến cuối bài thơ, Phạm Ngũ Lão lại càng khiến cho người đọc ngưỡng mộ bởi phẩm chất cao đẹp của mình khi luôn cảm thấy “thẹn với Vũ Hầu”. Chữ “thẹn” được xem là điểm nhãn làm sáng bừng cả câu thơ. Phạm Ngũ Lão khéo léo nhắc đến Gia Cát Lượng – một trong những con người túc trí đa mưu bậc nhất trong thời Tam Quốc. Ông thẹn bởi cảm thấy mình chưa đủ tài, đủ trí để so sánh với Vũ Hầu. Thế nhưng cái thẹn ấy không làm cho ông bé nhỏ đi mà ngược lại, càng đề cao vẻ đẹp nhân cách của ông. Ấy là cái thẹn của một con người biết nhìn nhận thời thế và biết tự lượng sức mình. Cái thẹn ấy chính là động lực để ông và những người tráng sĩ khác có động lực vươn lên, cống hiến hết mình cho dân tộc.
Như vậy có thể thấy, người tráng sĩ đời Trần không chỉ hiện lên với vẻ đẹp sức mạnh mà còn nổi bật với vẻ đẹp lý tưởng và nhân cách. Chính những vẻ đẹp ấy là yếu tố khiến cho Tỏ lòng để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ.
-HẾT-
Tỏ lòng là bài thơ thể hiện được khát vọng công danh, chí nam nhi của Phạm Ngũ Lão, đồng thời đây cũng là bài thơ tiêu biểu cho hào khí Đông A nổi tiếng thời nhà Trần. Để có những cảm nhận chi tiết về bài thơ, các em có thể tham khảo thêm: Hình ảnh trang nam nhi thời trần trong bài Thuật hoài (Tỏ lòng) Phạm Ngũ Lão, Vẻ đẹp hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ Tỏ lòng, Cảm nhận về hào khí Đông A thời Trần qua bài Tỏ lòng, Cảm tưởng của anh (chị) về bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão.
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-bai-to-long-de-lam-sang-to-nhan-dinh-to-long-khac-hoa-ve-dep-con-nguoi-co-suc-manh-co-li-tuong-47949n.aspx
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!