Hãy tả lại hình ảnh cây đào hoặc cây mai vào dịp Tết đến xuân về

Bài viết số 5 lớp 6 đề 1: Hãy tả lại hình ảnh cây đào hoặc cây mai vàng vào dịp Tết đến xuân về, là tài liệu hữu ích mà Download.vn muốn giới thiệu.

Tài liệu bao gồm 2 dàn ý và 15 bài văn mẫu hay nhất, dành cho học sinh lớp 6, sẽ được đăng tải chi tiết sau đây.

Tả cây đào vào dịp Tết đến, xuân về

Dàn ý tả cây đào vào dịp Tết đến, xuân về

1. Mở bài

– Giới thiệu: Cây đào được bố em mua về hôm hai mươi tám Tết.

2. Thân bài

a. Tả bao quát

– Hình ảnh cây đào hiện lên như thế nào?

– Vị trí của cây đào được đặt ở đâu?

b. Miêu tả chi tiết

– Hình dáng: cao (thấp), thế uốn cây.

  • Cành: Chia nhiều hay ít, cành nhỏ…
  • Lá: nhỏ, màu xanh đầy sức sống…
  • Hoa: có nhiều cánh, cánh hoa có màu phớt hồng, mỏng manh…

– Cây đào được trang trí: câu đối, dây đèn màu sắc, phong bao lì xì…

c. Ý nghĩa của cây đào

– Nhờ cây cành hoa đào ngày Tết, nhà em đẹp hơn.

– Cây đào đem lại may mắn, không khí của mùa xuân…

3. Kết bài

– Khẳng định vẻ đẹp của cây đào là đặc trưng của ngày tết.

– Tình cảm, thái độ đối với loài cây này.

Tả cây đào vào dịp Tết đến, xuân về – Mẫu 1

Mỗi dịp Tết đến xuân về đều làm cho mỗi người trong xóm em đầu rộn lên những cảm giác tưng bừng, hào hứng khó tả. Mọi người ai cũng nô nức đi mua sắm Tết. Chiều hôm ba mươi Tết cuối năm, bố em mua về một gốc đào thế thật đẹp.

Ôi chao, gốc đào này thật đẹp! Ông em bảo đây là giống đào Nhật Tân. Nó chắc mới trồng được vài năm thôi nên gốc cây không to lắm. Thân gốc to gần bằng cổ tay của em, sần sùi như da cóc, nổi lên những u cục. Ấy thế mà, nó đang có sức sống mãnh liệt lắm đấy! Em thấy hình như trong thân cây có một dòng nhựa mát lành đang cuồn cuộn chảy để đi nuôi cây. Cái dáng của nó có chiều quằn, chiều lượn. Bố bảo đấy là dáng long, cong cong như rồng đang bay từ trên đám mây xuống mặt đất. Từ thân cây, chia ra các cành nhỏ khẳng khiu, khúc khuỷu, có vẻ khô cằn, chứa đầy nhựa sống. Trên mỗi mắt đào là bật nhú ra những nụ đào hồng to như những hạt đậu. Kia là những bông đào đã nở, Đào phai năm cánh xếp thành vòng tròn xoay quanh nhụy vàng. Cánh hoa đào mỏng tang như lụa, như cánh bướm non, màu phớt hồng rung rinh trong gió xuân. Hoa đào đẹp tinh khiết và thuần túy. Hoa đào tuy không thơm nhưng có vẻ đẹp quyến rũ lạ thường.

Bố trồng cây đào này vào trong một cái chậu sứ to. Dưới gốc đào, bố trải những viên đá cuội trắng quanh gốc làm tăng thêm vẻ sang trọng cho cây đào. Sau đó, cây đào được đặt ở nơi gần cửa chính của căn nhà – đó là nơi trang trọng nhất. Bố bảo: “Tết đến xuân về, nhà có cành đào như ước mong một năm đầy lộc mới”. Em cũng hy vọng như thế. Cây đào càng lộng lẫy và đẹp hơn khi nó vào buổi tối. Bố giăng những chùm đèn màu nhấp nháy vui mắt. Em cứ đứng ngắm mãi không thôi. Rồi em viết thật nhiều những lời chúc năm mới, mọi điều tốt đẹp nhất vào những mảnh giấy nhỏ rồi cho vào lì xì và treo lên cây đào. Xong xuôi hai bố con nhìn lại thành quả của mình, bật thử đèn nháy và tự cảm thấy tự hào về khả năng trang trí của mình.

Thời tiết đón Tết năm nay ấm hơn mọi năm. Mới sáng mồng một tết, cây đào nở bung ra bao nhiêu là hoa. Ngắm nhìn cây đẹp thật rực rỡ, ánh đèn lấp lánh chiếu vào càng làm cho những bông hoa thêm phần lung linh y như một tòa tháp trong xứ thần tiên. Một cơn gió xuân thoảng qua, cành đào rung rung, những cánh hoa đào như xác pháo rơi lả tả xếp đỏ đầy quang gốc.

Cây đào ngày tết nhà em đã tô điểm cho gia đình em mấy ngày Tết. Mọi người đến thăm đều khen cây đào thật đẹp. Nó không chỉ mang đến không khí ngày Tết mà còn là nhịp cầu nối mọi người gần nhau hơn.

Tả cây đào vào dịp Tết đến, xuân về – Mẫu 2

Tết sắp đến mọi thứ đều nhộn nhịp hơn. Đào, mai, quất cùng nhau đua nhau khoe sắc, rực rỡ cả mùa xuân. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng tràn đầy sức sống nhưng tôi vẫn yêu nhất vẫn là cây đào trong vườn nhà bà.

Cây được ông trồng từ mấy năm trước. Cây cao lớn và có vẻ đẹp thật kiêu sa. Thân cây được ông nội uốn theo hình con rồng bay lên đón chào năm mới. Xung quanh thân là những cành đào đầy hoa. Cành to bằng cán dao, cành nhỏ như chiếc đũa. Tất cả hài hòa, đẹp mắt. Những chiếc lá còn sót lại trên cây thon dài như ngón tay, xanh đậm sắc, xung quanh có đường viền răng cưa thật đẹp mắt. Cây đào ngày tết đẹp hơn hẳn bởi bên cạnh hoa và lá còn có những lộc non mơn mởn đầu cành, những búp xanh nõn nà như những con chuồn chuồn xanh biếc với cặp cánh mỏng tang đang đậu đầu cành đón gió. Nụ hoa chúm chím xinh xinh. Nó nhỏ nên tưởng như gió có thể thổi bay, e thẹn chỉ he hé sắc hồng. Theo làn mưa xuân, đào dần dần khoe sắc thắm. Những bông hoa đỏ rực rỡ gặp hơi xuân nở bung ra. Cành nào cũng chi chít hoa. Mỗi bông hoa thường có rất nhiều lớp cánh xếp chồng lên nhau quây quần, đoàn tụ. Những cánh hoa mong manh mịn màng, be bé như một mẩu giấy hồng. Ở giữa những cánh hoa là nhị hoa màu vàng óng gọi mời ong bướm đến dạo chơi. Nhị hoa như những sợi chỉ vàng sẽ chuyển sang màu vàng sậm khi hoa sắp tàn.

Vào ngày tết đào được trồng đem trồng trong chậu cảnh bằng sứ thật đẹp. Trên cành cây, em treo những bao lì xì màu đỏ in những hình vẽ vui nhộn cho căn phòng đặt chậu đào trở nên tươi vui, sang trọng. Đào là loại cây mang lại nguồn vui cho mọi người. Với các cụ già chơi đào là một thú vui tao nhã. Còn với người trồng đào thì đào không chỉ mang lại niềm vui mà còn mang lại cho họ nguồn thu nhập. Với riêng tôi hoa đào đẹp bởi sắc hoa quyến rũ. Mỗi khi những bông hoa đỏ tươi vừa khoe sắc tôi có cảm giác như mùa xuân đã đến thật gần.

Một năm bắt đầu từ mùa xuân và mùa xuân có hoa đào đó là những dấu hiệu quen thuộc khiến tôi nhận ra mình đã thêm một tuổi. Dù sau này lớn lên, tôi sẽ không thể quên được hình ảnh cây hoa đào trong ngày xuân quê hương.

Tả cây đào vào dịp Tết đến, xuân về – Mẫu 3

Mùa xuân về ngập tràn sắc mai vàng thanh nhã, sắc cúc vàng rực rỡ, hay sắc ly kiêu hãnh. Nhưng đặc trưng nhất của ngày Tết miền Bắc là sắc đào đỏ với nhiều niềm may mắn và kèm những lời chúc tết cực kỳ ý nghĩa trong dịp Tết Nguyên Đán.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, trong gia đình tôi lại có một cây đào. Cây được cắt tỉa gọn gàng, có hình chóp trông như một cái nón rất đẹp mắt. Đào được trồng trong một cái chậu cành rất to và trang trí nhiều hoa văn. Vẻ đẹp của cây đào như được tôn thêm nhờ vẻ đẹp của cái chậu cảnh ấy. Cây đào cao ngang đầu tôi nên thỉnh thoảng đứng gần, tôi thủ thỉ bên tai đào như hai người bạn. Thân cây nhỏ nhưng cứng cáp, mặc một cái áo gilê màu nâu sậm. Từ thân đào đâm ra không biết bao nhiêu cành đào nhỏ. Từng ngày trôi qua, những nụ hoa ấy cũng khẽ cựa mình khoe sắc thắm, khoe những cánh hoa màu hồng mềm mại, mỏng manh. Khi những cánh hoa xòe rộng, nhị vàng bên trong hé mình nhìn ngắm bên ngoài. Xen lẫn với nụ hoa là những mầm xanh nhú lộc nhưng có khi đã bật mình thành những chiếc lá xanh. Để thêm phần hấp dẫn, bố con tôi còn quàng lên mình cây đào những chòm đèn xanh đỏ nhấp nháy. Buổi tối, khi bật đèn nhìn cây đào càng thêm phần rực rỡ, kiêu sa.

Cây đào dường như trở thành tâm điểm của sự chú ý. Cả gia đình tôi ai cũng thích cây đào. Không chỉ vì nó mang đến không khí ngày Tết mà còn là nhịp cầu nối mọi người gần nhau hơn. Thỉnh thoảng, cả gia đình tôi lại quây quần bên nhau ngắm hoa đào và thưởng thức những ngụm trà ấm nóng.

Tết đến xuân về, muôn hoa khoe sắc. Nhưng như đã trở thành truyền thống, hoa đào là biểu tượng mùa xuân miền Bắc và của cả nước ta. Nhìn hoa đào, ta biết mùa xuân đã đến. Những đứa con xa nhà lại chuẩn bị trở về với gia đình thân yêu.

Tả cây đào vào dịp Tết đến, xuân về – Mẫu 4

Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, chợ hoa lại nô nức, náo nhiệt những người đi mua sắm cây hoa, cây quất. Khắp một vùng bạt ngàn những cành đào, cành mai được chở từ khắp nơi về để bán. Giữa một rừng hoa như vậy, mẹ tôi cũng chọn được một cành đào phai đẹp nhất cho nhà tôi.

Đọc thêm:  Nêu cảm nghĩ nổi bật nhất về truyện ngắn Lão Hạc - Thủ thuật

Vì là đào rừng nên nó rất lớn và có dáng vẻ tự nhiên, sinh động hơn bất kì cành đào nào trồng ở vườn dưới xuôi. Từ một cành chính rất to, các cành con mọc ra chi chít xung quanh. Cành nào cũng uốn cong một vẻ mềm mại, uyển chuyển. Nó không chỉ nhiều nụ mà còn vô vàn lộc xanh mơn mởn. Một vài chiếc lá xanh mọc ở đầu cành non, điểm xuyết những bông hoa màu hồng nhạt. Đó mới là cành đào những ngày gần Tết.

Đến 30 Tết, hoa đào bắt đầu nở. Những nụ hoa trước kia giờ là những bông hoa rực rỡ. Các cánh hoa mỏng manh màu hồng xòe ra thật mảnh mai, nhẹ nhàng. Ngay giữa bông là nhị vàng rung rinh. Mỗi khi hoa lay động, những hạt phấn vàng nhỏ li ti bay khắp nơi. Những cánh hoa mong manh đến nỗi chỉ cần cành hơi rung là chúng lập tức rơi xuống đất thật vội vã, không chút do dự. Không chỉ hoa mà lá cũng mọc đầy. Từng chiếc lá nhỏ đẫm một màu xanh man mát, làm bừng sáng góc nhà. Những chiếc lá đó kết thành chùm mọc ở đầu cành, cạnh những bông hoa gần chồi nách. Nhưng hoa vẫn còn thưa thớt, chưa phải là đã nở hết.

Đến độ mùng một, mùng hai Tết, hoa mới nở tràn trên cành. Cành nào cũng có hoa, có lá. Không khí xuân đến bừng trên cành đào. Hơi ấm mùa xuân phả vào những bông hoa làm chúng thêm phần rực rỡ, lá thêm phần xanh tươi. Cành đào đã trút bỏ lớp áo cũ với những lộc non còn e ấp, thay vào đó là bộ áo mới với muôn vàn hoa xinh nở tưng bừng. Vẫn dáng đứng mềm mại, tự nhiên đó, cành đào giờ đây đã trở thành nét đẹp duyên dáng của ngày Tết. Nó đưa ta đến với thiên nhiên, với một mùa xuân vui vẻ, hạnh phúc. Nó làm ta cảm thấy được sự êm dịu của những hạt mưa ngoài trời, những cơn gió lành lạnh thật dễ thương của mùa xuân đích thực.

Rồi hoa bắt đầu rụng dần. Từng cánh hoa nhẹ rơi xuống nền nhà. Chỉ loáng thoáng một vài bông xinh xinh nở muộn như muốn níu giữ lại chút không khí Tết. Cành đào lúc này tuy không tràn đầy sức sống nhưng vẫn có vẻ đẹp thanh thoát, dịu dàng. Nó cố khoe nốt vẻ đẹp. cuối cùng trước khi hoa rụng hết. Với vẻ đẹp còn giữ được, cành đào đó vẫn nằm một góc trong căn nhà tôi. Nó vẫn là sứ giả của mùa xuân, đem đến cho gia đình tôi không khí và nét đẹp ngày Tết. Hình ảnh một cây đào to lớn, sần sùi nằm ở gần cầu thang đã trở thành thân quen với tôi và mọi người trong nhà.

Sẽ còn lại nỗi trống vắng bâng khuâng khi những ngày Tết thật sự qua đi mà cành đào còn ở đó.

Tả cây đào vào dịp Tết đến, xuân về – Mẫu 5

Khi những đàn chim tránh rét từ phương Nam trở về, khi cái rét cắt da cắt thịt của mùa đông bớt dần cũng là lúc nàng tiên mùa xuân ghé thăm đất trời. Xuân đến, ban phát sức sống cho muôn loài tỏa sắc khoe hương. Nào mai vàng miền Nam, hoa ban trắng xóa vùng núi Tây Bắc… Trong đó, em rất thích hoa đào ngày tết ở miền Bắc.

Cuối năm vừa rồi em được bố cho đi sắm Tết, được đắm mình trong rừng hoa rực rỡ ở chợ. Em rất thích một cây đào phai và bố đã mua tặng cho em. Cây đào được đặt giữa phòng khách, trong cái chậu sứ trắng tinh làm nổi bật vẻ đẹp của hoa. Cây cao tầm đầu người, dáng cây uốn lượn khéo léo như dải đất Việt Nam yêu dấu. Nhìn từ xa, cành lá và hoa chụm lại như ngọn nến hồng rung rinh đang tỏa sáng. Thân cây khoác tấm áo nâu hơi xù xì để bảo vệ cho thân non bên trong, nhìn rất khỏe khoắn và tràn đầy sức sống. Gốc đào khá to, tròn trịa và hơi thô ráp nên em đoán cây được trồng khá lâu, chắc khoảng gần hai năm.

Chỉ sau vài ngày về nhà thì đến đúng 30 Tết, đào nở rất đẹp. Từ trong những nụ hoa còn e ấp, chúm chím ngày nào giờ đã nở bung ra. Cánh hoa màu hồng nhạt, rất nhẹ nhàng và bắt mắt; khi sờ vào thấy rất mịn. Rất nhiều cánh hoa xếp chồng lên nhau thành ba lớp trông như bông hoa sen tí hon. Ở giữa là nhụy hoa vàng óng như nắng sớm ban mai sưởi ấm cho ngôi nhà. Điểm xuyết giữa bông hoa là những chiếc lá xanh non mơn mởn. Lá không quá to, thon dài những những chiếc thuyền nhỏ bé đang bồng bềnh trên sóng nước. Đây đó vẫn còn một vài bông chưa nở, hãy còn e ấp. Hoa đào không có hương thơm ngào ngạt như hoa li cũng không ngát như hoa bưởi mà tỏa ra thứ hương thơm dịu nhẹ, thanh khiết làm cho mọi người luôn cảm thấy dễ chịu và thoải mái.

Bố em nói “Cây đào này hoa đẹp, lá tươi lại còn có lộc nữa. Đó cũng chính là khởi đầu tốt đẹp của một năm, đem lại may mắn cho cả gia đình”. Bố khen vậy em thấy rất vui vì hãnh diện vì chính tay mình đã lựa chọn. Để cây đào thêm rực rỡ và có không khí ngày Tết, em còn trang trí dây nháy vào buổi tối, đeo thêm những đèn lồng đỏ tươi và những phong bao lì xì may mắn. Khách đến nhà ai ai cũng khen đào đẹp và rút một phong bao lấy may.

Đã mấy ngày Tết trôi qua, nhưng hoa vẫn tươi và tràn đầy sức sống. Em rất chăm chỉ chăm sóc cây. Sáng nào em cũng dậy sớm tưới nước và cho cây uống B1 để cây tươi hơn, để lưu giữ không khí nhộn nhịp của ngày tết miền Bắc.

Màu sắc hồng thắm của hoa đào đã điểm tô sắc xuân trong mỗi gia đình, trên mọi nẻo đường và con phố.

Nếu miền Nam có mai vàng và bánh tét, thì miền Bắc lại có hoa đào và bánh chưng. Với em, đào đã trở thành một người bạn không thể thiếu vào mỗi dịp Tết đến xuân về.

Tả cây đào vào dịp Tết đến, xuân về – Mẫu 6

Từ lâu, hoa đào đã trở thành một biểu tượng vô cùng đẹp đẽ trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc. Nhưng hoa đào lại được chơi nhiều nhất trong dịp Tết ở miền Bắc.

Hai mươi tám Tết, bố tôi đi chợ hoa rồi mang về một cây đào khá lớn. Nó cao ngang đầu tôi. Cây đào được trồng trong một chiếc chậu màu trắng. Dáng của cây khá thẳng. Gốc cây cằn cỗi, có màu nâu, xù xì bởi lớp vỏ bọc bên ngoài. Những đường gân rắn chắc nổi lên phô diễn sức mạnh của rễ cây. Cành cây trông khẳng khiu, gầy guộc. Còn thân cây lại cứng cáp, mạnh mẽ. Lá của cây đào khá nhỏ, có màu xanh. Trên những cành cây, những nụ hoa nhỏ xinh đang e ấp dưới ánh nắng vàng. Một vài bông hoa đã bắt đầu nở rộ. Cánh hoa màu hồng nhạt, mềm mại và có mùi dịu mát. Những cánh hoa với sắc độ đậm nhạt khác nhau, được xếp thành từng tầng tạo. Ở giữa là vài chiếc nhụy hoa bé xíu, có màu vàng. Tất cả đã tạo nên những bông hoa tuyệt đẹp.

Đến ba mươi Tết, tôi cùng với chị gái đem những chiếc lòng đèn, câu đối màu đỏ trang trí cho cây đào thêm rực rỡ. Thời tiết ấm áp khiến cho những nụ hoa vẫn còn e ấp chỉ sau vài ngày đã nở rực rỡ như để đón chào mùa xuân đã về. Có một chậu hoa đào trong nhà khiến cho không khí thêm đậm nét. Mỗi khi Tết đến, bên cạnh bánh chưng xanh, câu đối đỏ thì cành đào càng tô thêm sắc màu rực rỡ của không khí mùa xuân trong mỗi gia đình. Không có một loài hoa nào có thể thay thế được hoa đào vào Tết.

Những cây hoa đào khiến cho không khí Tết thêm rộn ràng. Hoa đào chính là một tín hiệu báo hiệu năm một mùa xuân, một năm mới nữa lại sắp về.

Tả cây đào vào dịp Tết đến, xuân về – Mẫu 7

Tết đến xuân về, muôn hoa lại tưng bừng khoe sắc. Nhưng như đã trở thành truyền thống, hoa đào là biểu tượng mùa xuân, đặc biệt là ở miền Bắc. Khi những cành đào rực rỡ sắc thắm, là Tết cũng về.

Khi Tết đến, trong gia đình tôi lại có một cây đào. Cây đào được bố tôi mua ngoài chợ hoa. Cây được cắt tỉa gọn gàng nên cây đào có hình chóp trông như một cái nón rất đẹp mắt. Đào được trồng trong một cái chậu cành rất to và trang trí nhiều hoa văn. Nhờ được đặt trong một chiếc chậu phù hợp mà hoa đào càng thêm đẹp hơn. Cây đào cao ngang đầu tôi nên thỉnh thoảng đứng gần, tôi thủ thỉ bên tai đào như hai người bạn. Thân cây nhỏ nhưng cứng cáp, mặc một cái áo gilê màu nâu sậm. Từ thân ấy đâm ra không biết bao nhiêu cánh tay tí hon. Những cành nhỏ vươn ra như khoe những nụ đào chúm chím, còn đang e ấp. Từng ngày trôi qua, những nụ hoa ấy cũng khẽ cựa mình khoe sắc thắm, khoe những cánh hoa màu hồng mềm mại, mỏng manh. Khi những cánh hoa xoè rộng, nhị vàng bên trong hé mình nhìn ngắm bên ngoài. Xen lẫn với nụ hoa là những mầm xanh nảy lộc nhưng có khi đã bật mình thành những chiếc lá xanh. Để thêm phần hấp dẫn, bố con tôi còn trang trí cho cây đào những chòm đèn xanh đỏ nhấp nháy. Buổi tối, khi bật đèn nhìn cây đào càng thêm phần rực rỡ, kiêu sa.

Cả gia đình tôi ai cũng thích cây đào. Không chỉ vì nó mang đến không khí ngày Tết mà còn là nhịp cầu nối mọi người gần nhau hơn. Đến mùng một Tết, những nụ hoa đã nở rực rỡ trong nắng xuân đang về.

Hoa đào là biểu tượng mùa xuân, của ngày tết. Mỗi người ở nơi đâu, chỉ nhìn thấy cánh hoa đào, sẽ đều mong được trở về nhà đón Tết cùng người thân. Hoa đào cũng là loài hoa mà tôi yêu thích nhất.

Tả cây mai vàng vào dịp Tết đến, xuân về

Dàn ý cây mai vàng vào dịp Tết đến, xuân về

1. Mở bài

– Dẫn dắt để giới thiệu về hình ảnh cây mai – biểu tượng của ngày tết.

2. Thân bài

a. Miêu tả hình dáng của cây hoa mai

Đọc thêm:  Trình bày suy nghĩ về câu nói: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt

– Cây mai không cao lắm, khoảng tầm nửa mét.

– Thân cây màu nâu, cứng cáp và được tạo nhiều dáng khác nhau.

– Gốc mai cằn cỗi, xù xì nổi lên cả mặt đất.

– Lá cây mai thon dài, ở mép có hình răng cưa. Khi còn non, lá mai có màu xanh phớt hồng, sau đó ngày càng xanh hơn.

– Vào ngày Tết, cây mai thường được trồng trong chậu sứ, được trang trí bởi những câu đối, phong bao lì xì…

b. Miêu tả vẻ đẹp của hoa mai

– Hoa mai có màu vàng, mùi thơm dịu nhẹ.

– Mỗi bông hoa có năm cánh, cánh hoa mỏng và mềm mại. Các cánh hoa bao quanh nhị hoa nhỏ nhắn, nằm chính giữa bông hoa.

c. Ý nghĩa của hoa mai

– Biểu tượng của mùa xuân, của sự sống.

– Là hình tượng đẹp đẽ trong văn chương.

– Mai là một trong loài cây thuộc bộ tranh tứ quý: tùng – cúc – trúc – mai.

– Cây mai tượng trưng cho ý chí bất khuất và kiên cường, phẩm chất thanh cao của người quân tử.

– Màu vàng của hoa mai mang lại sự thịnh vượng, tài lộc trong năm mới.

III. Kết bài

– Cảm nghĩ của người viết với cây mai.

Tả cây mai vàng vào dịp Tết đến, xuân về – Mẫu 1

Nếu hoa đào là loài cây đặc trưng cho ngày tết ở miền Bắc, thì ở miền Nam đó chính là hoa mai. Tết năm nay, gia đình em đã mua một cây hoa mai để trang trí nhà cửa cũng như để cầu chúc một năm mới thịnh vượng, bình an.

Em còn nhớ đó là ngày ba mươi Tết, ba em đã ra khu chợ hoa của thành phố để mua một cây hoa mai về nhà. Ba trồng cây trong một chiếc chậu sứ màu trắng, đặt ở góc sân. Còn mẹ thì trang trí cho cây những câu đối hay phong bao lì xì đỏ. Em phụ trách tưới nước cho cây. Xong xuôi, em cùng em trai mang ghế ra ngồi ngắm nhìn cây mai.

Dáng của cây mai rất thẳng. Gốc mai cằn cỗi, xù xì lớp vỏ. Những đường gân rắn chắc nổi lên phô diễn sức mạnh của rễ cây. Cành cây trông khẳng khiu, gầy guộc. Còn thân cây lại cứng cáp, mạnh mẽ.

Lá của cây mai thon dài như lá trà, mép lá có hình răng cưa. Lúc non lá có màu xanh phơn phớt hồng. Khi lớn hơn, lá sẽ có màu xanh đậm. Ba nói với em rằng, những ngày trước Tết, người ta thường tỉa những chiếc lá già để từ đó những chiếc lá non sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.

Đẹp nhất phải kể đến hoa mai. Những bông hoa có màu vàng, trông thật ấm áp dưới ánh nắng rực rỡ. Mỗi nụ mai thường có năm cánh. Hiếm lắm mới bắt gặp một vài bông hoa có nhiều cánh hoa hơn. Những cánh hoa mềm mại, mỏng manh được xếp đều trên đài hoa màu xanh khỏe khoắn tạo nên nét tương phản hài hòa làm nổi bậc sắc vàng tươi. Chính giữa là vài chiếc nhị hoa nhỏ xíu. Những bông hoa rung rinh dưới ánh nắng trông thật tuyệt vời. Đâu đó, tiếng chim ca líu lo như đang chào đón một mùa xuân nữa lại về.

Không phải ngẫu nhiên mà cây mai được coi là biểu tượng của ngày Tết. Mà bởi hoa mai được xem là đem đến sự tài lộc, thịnh vượng và may mắn trong năm mới. Sắc mai vàng rực rỡ cũng tượng trưng cho sự sống, xua tan đi cái lạnh giá của mùa đông. Dáng mai thẳng đứng trông thật thanh cao, tượng trưng cho khí phách của người dân Việt từ ngàn đời nay. Đối với người dân sống ở miền Nam – việc có một cây mai trong nhà vào ngày Tết đã trở thành một “truyền thống” không thể thiếu, không thể bỏ.

Cây mai đã trở thành biểu tượng của mùa xuân, của vẻ đẹp cao khiết và của tâm hồn người Việt Nam – thanh cao mà bình dị. Vì vậy, mỗi dịp Tết về, em lại háo hức đón chờ cùng ba đi sắm sửa một cây hoa mai.

Tả cây mai vàng vào dịp Tết đến, xuân về – Mẫu 2

Trong những ngày giáp Tết, mọi người đều nô nức sắm sửa chuẩn bị. Gia đình em cũng vậy, chiều hai chín Tết, em cùng bố dạo quanh khu chợ hoa và đem về một chậu mai tuyệt đẹp.

Đó là một cây nhỏ, chỉ cao chừng bảy mươi xăng ti mét nhưng có rất nhiều nụ, nụ hoa lại mập mạp rất đáng yêu. Thân cây ở phía gốc to bằng cổ tay em, càng lên cao càng nhỏ dần. Vỏ cây nâu mốc, xù xì chứng tỏ nó đã khá già. Đặc biệt, thân mai được uốn sao cho cây vươn lên xoắn theo hình trôn ốc rất độc đáo. Những cành mai vì thế mà mọc xòe ra nhiều phía, tạo thành tán tròn ôm lấy thân cây làm tâm điểm. Nhìn cây mai, chẳng khác nào một ngọn tháp tí hon. Lá cây rất nhỏ và thưa, cành rất nhiều những chiếc nụ nho nhỏ, xinh xắn. Nụ mai được bao bên ngoài bởi một lớp vỏ màu nâu, khi bông đã đến khi nở, lớp vỏ ấy sẽ rụng đi. Bố em nói rằng cây mai này rồi sẽ nở hoa rất đẹp. Bố cẩn thận đặt cây vào một chiếc chậu sứ rồi để trong phòng khách.

Đúng sáng ngày mùng một Tết. Khi cả nhà em bước ra phòng khách, ai cũng ngỡ ngàng nhìn cây mai với ánh mắt say mê. Hoa đã nở rất nhiều, màu hoa mai vàng tươi như ánh nắng ban mai. Cái tháp nhỏ ngày hai mươi tám thoắt đã vụt trở thành một chiếc tháp vàng rực rỡ. Từ đỉnh tháp đến chân tháp, những bông hoa xòe cánh bao phủ. Hoa mai cũng có năm cánh như hoa đào ngoài Bắc nhưng cánh mai to hơn một chút. Ngoài ra, hoa mai có thể có bảy hoặc chín cánh trên một bông. Cánh hoa vàng tươi được nâng đỡ bởi đài hoa xanh non trông thật đẹp mắt. Ở giữa bông hoa là nhị hoa dài và nhụy hoa cũng mang màu vàng tươi như cánh.

Em cẩn thận đem những phong bao lì xì màu đỏ kèm bên trong là những lời chúc tết, những chiếc đèn lồng đỏ nhỏ có những câu đối chúc mừng năm mới treo lên cây mai. Thật tuyệt vời làm sao! Màu vàng của hoa mai tượng trưng cho sự trù phú, sung túc. Giữa những ngày Tết, ngày xuân màu hoa mai chan hòa với ánh nắng của đất trời, làm xôn xao lòng người khiến ai ai cũng thêm phấn chấn, vui vẻ. Màu đỏ lại tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc. Vậy nên màu vàng của hoa, màu đỏ của những vật trang trí hẳn là những sắc màu đem lại may mắn cho năm mới.

Cơn gió xuân thoảng qua là cánh hoa rung rinh thật nhẹ, như mơn man đùa giỡn với gió. Còn những chiếc phong bao, những chiếc đèn lồng thì xoắn tít dây, khẽ bay bay như vỗ tay reo mừng. Ngày Tết mà có một cây mai trong nhà thì còn gì tuyệt vời bằng.

Cây hoa mai trong những ngày Tết đến, xuân về thật đẹp đẽ và quan trọng biết mấy. Cũng như hoa đào, hoa mai đã trở thành biểu tượng của một mùa xuân ấm áp.

Tả cây mai vàng vào dịp Tết đến, xuân về – Mẫu 3

“Mừng Tết đến, vạn lộc đến nhà nhà. Cánh mai vàng, cành đào hồng thắm tươi. Chúc cụ già được sống lâu sống thọ. Cùng con cháu sang năm lại đón Tết sang”. Đó là những lời trong bài hát Ngày xuân long phụng sum vầy mà mỗi dịp Tết về tôi lại được nghe. Không biết từ bao giờ, hoa đào và hoa mai đã trở thành một nét đẹp trong ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Đặc biệt là hoa mai – loài hoa mà tôi yêu nhất.

Những ngày giáp Tết, tôi lại cảm thấy vô cùng sung sướng khi được cùng ông nội dạo chơi quanh chợ hoa. Muôn vàn loài hoa khoe sắc nhưng tôi lại chỉ thích ngắm hoa mai. Những cây mai đều được những đôi bàn tay khéo léo của người thợ làm vườn tạo ra những dáng cây – mỗi dáng có một ý nghĩa riêng. Dù không am hiểu nhưng tôi cảm thấy những dáng cây đó đều rất đẹp. Gốc cây mai to lớn, xù xì được bao bọc bởi một lớp vỏ màu nâu. Những đường gân rắn chắc nổi lên. Các cành cây cũng được uốn lượn theo nhiều dáng khác nhau. Lá cây nhỏ và dài, ở mép của mỗi chiếc lá đều có hình răng cưa. Khi còn non, lá có màu xanh non, mỏng manh. Đến lúc giá lá cây sẽ có màu xanh đậm và dày hơn.

Nhưng tôi thích nhất là những bông hoa mai. Hoa mai thường mọc thành từng chùm nhỏ. Mỗi nụ hoa có năm cánh. Cánh hoa nhỏ xíu, mềm mại, và rất mỏng manh. Ở chính giữa là những chiếc nhị hoa nhỏ xíu có màu vàng cam. Từng chùm hoa nở rộ như sưởi ấm lòng người giữa tiết trời cuối đông vẫn còn lạnh giá.

Có được một chậu mai để trong nhà vào ngày Tết sẽ đem đến cho gia chủ sự may mắn trong năm mới. Cây mai cũng thể hiện được phẩm chất của người Việt Nam: cao quý, thanh nhã. Quan trọng nhất là khi những bông hoa mai hé nở, cũng là lúc ngày Tết sắp đến, một mùa xuân nữa lại về. Khi ấy, có lẽ trong lòng mỗi người lại cảm thấy thật xôn xao, háo hức.

Hoa mai đã trở thành một thứ hương vị riêng của ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Cũng là món quà tuyệt mĩ mà thiên nhiên dành tặng cho con người. Yêu biết bao nhiêu loài hoa của mùa xuân.

Tả cây mai vàng vào dịp Tết đến, xuân về – Mẫu 4

Tết đến, hình ảnh cây hoa đào, hoa mai đều vô cùng quen thuộc trong mỗi gia đình Việt Nam. Hoa đào là biểu tượng của miền Bắc, còn hoa mai là biểu tượng của miền Nam.

Cây mai có dáng thẳng. Gốc cây cằn cỗi, xù xì lớp vỏ. Những đường gân rắn chắc nổi lên phô diễn sức mạnh của rễ cây. Cành cây trông khẳng khiu, gầy guộc. Còn thân cây lại cứng cáp, mạnh mẽ. Lá của cây mai thon dài như lá trà, mép lá có hình răng cưa. Lúc non lá có màu xanh phơn phớt hồng. Khi lớn hơn, lá sẽ có màu xanh đậm. Ba nói với em rằng, những ngày trước Tết, người ta thường tỉa những chiếc lá già để từ đó những chiếc lá non sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Đẹp nhất phải kể đến hoa mai. Những bông hoa có màu vàng, trông thật ấm áp dưới ánh nắng rực rỡ. Hoa mai thường nở thành từng chùm mọc ra từ thân cây, chùm hoa có cuống dài treo lơ lửng trên cành. Mỗi nụ hoa mai thường có từ 5 – 9 cánh, rất hiếm khi bắt gặp những bông hoa có đến 12 – 18 cánh. Những cánh hoa mềm mai, mỏng manh được xếp đều trên đài hoa màu xanh khỏe khoắn tạo nên nét tương phản hài hòa làm nổi bậc sắc vàng tươi. Chính giữa là vài chiếc nhị hoa nhỏ xíu. Những bông hoa rung rinh dưới ánh nắng trông thật tuyệt vời. Đâu đó, tiếng chim ca líu lo như đang chào đón một mùa xuân nữa lại về.

Đọc thêm:  Bài mẫu: Bình giảng bài thơ Chiều tốì - Thủ thuật

Mai là loài cây ưa ẩm và ưa sáng nhưng không chịu được úng. Vì vậy cần trồng cây mai nơi cao ráo và phải thường xuyên tưới nước cho cây. Nếu trồng trong chậu thì cần chú ý bón phân và thay đất hàng năm. Nếu chăm sóc tốt thì khoảng 5 – 7 năm mai có thể cho hoa. Khi cây mai lớn, muốn có một chậu hoa đẹp thì cần chú ý cắt nhánh, uốn cành, tạo thế để có được những chậu mai có hình dạng độc đáo, mang ý nghĩa sâu sắc, đậm chất triết lí Á Đông. Người trồng mai thường phải chú ý trút lá và canh thời tiết để mai có thể ra hoa đúng vào dịp Tết. Năm nào thời tiết nắng ấm thì trút lá trước Tết khoảng hai mươi lăm ngày. Năm nào rét đậm thì phải trút lá sớm hơn.

Hoa mai là loài hoa đem đến sự tài lộc, thịnh vượng và may mắn trong năm mới. Sắc mai vàng rực rỡ cũng tượng trưng cho sự sống, xua tan đi cái lạnh giá của mùa đông. Dáng mai thẳng đứng trông thật thanh cao, tượng trưng cho khí phách của người dân Việt từ ngàn đời nay.

Tả cây mai vàng vào dịp Tết đến, xuân về – Mẫu 5

Khi Tết đến, mọi người lại háo hức đi mua sắm, chuẩn bị để đón Tết. Cũng như hoa đào, hoa mai đã trở thành một loài hoa đặc trưng của ngày tết với những ý nghĩa tốt đẹp.

Cây mai của gia đình em khá cao. Sau Tết năm ngoài, bố đã trồng nó ở một góc nhỏ trong vườn và chăm sóc rất cẩn thận. Đến gần Tết, bố em đặt nó vào trong một chiếc chậu sứ có hoa văn rất đẹp. Nó khoác trên mình một chiếc áo xanh đậm điểm vài bông hoa vàng hoe. Thân cây trơ trụi ngày nào giờ đã được tô điểm bằng những chấm xanh non của mầm hoa, mầm lá. Những nụ hoa lớn lên, phình tròn, nhỏ bằng chiếc móng tay út. Nhìn cây mai như có hàng trăm con bọ xanh âu yếm bám chặt vào cành, cố gắng làm đẹp cho cây và hứa hẹn một sự đơm hoa rực rỡ trong những ngày đầu xuân. Cây mai còn được mẹ em trang trí thêm những câu đối rực rỡ sắc màu cho thêm phần không khí Tết.

Hôm mồng một Tết, mọi người vui vẻ trong những bộ đồ mới. Đến lúc này, nhìn sang cây mai, ai cũng ngạc nhiên khi thấy nó thật tuyệt. Mai phủ khắp người một chiếc áo vàng rực rỡ của hoa, điểm thêm vài màu xanh non của lá. Hoa mai vàng tươi, rất đẹp. Cánh hoa mềm, mịn như nhung. Nhưng chỉ sau một vài ngày, những cành hoa ấy héo dần và từ từ rời cành xuống điểm tô cho đất. Đất trong chậu đầy một màu vàng của cánh mai. Hoa mai rụng đi nhường chỗ cho những nụ hoa con con bung mình hé nở. Những cái nụ xanh be bé, điểm vài màu vàng ở đỉnh.

Mai giống như một người bạn điệu đà đã góp phần làm cho mùa xuân thêm rực rỡ. Ngày tết cả nhà quây quần, đoàn tụ cùng nhau ăn mứt, bánh bên gốc cây mai nở rổ thì có gì đẹp hơn, đầm ấm và hạnh phúc hơn.

Tả cây mai vàng vào dịp Tết đến, xuân về – Mẫu 6

Mỗi dịp Tết đến xuân về, nhà nào cũng có một cây đào hoặc cây mai để chơi Tết. Hai loại cây này từ lâu đã trở thành biểu tượng cho ngày tết ở Việt Nam. Với riêng em thì lại thích cây mai hơn cả.

Sáng hai mươi bảy Tết, bố em mang về một chậu mai rất đẹp. Mai là loài cây có dáng vẻ thanh cao, tao nhã khác thường, thân cây gỗ màu nâu nhưng khá mềm mại và uyển chuyển, đối với những cây mai trồng ở vườn còn được uốn nắn theo các thế cây khác nhau. Lá mai có màu xanh biếc dịu dàng, lá hơi nhỏ và nhọn, vào mùa đông, cây thường trút hết lá để chuẩn bị cho đợt trổ bông vào mùa xuân, đến khi hoa ra gần hết cây mới lại bắt đầu đâm những chồi lộc và ra lá non.

Hoa mai thường nở thành từng chùm mọc ra từ thân cây, chùm hoa có cuống dài treo lơ lửng trên cành. Những cánh hoa trông rất mỏng manh và mịn màng, từng cánh hoa có màu sắc vàng tươi rực rỡ. Hương thơm của mai vàng thường rất khó nhận ra, nhưng nếu để ý một cách tinh tế thì sẽ cảm nhận được mùi hương thơm thoang thoảng e ấp và kín đáo của hoa mai. Mai vàng thuộc vào một trong những loại khó trồng, cần có sự chăm sóc đặc biệt và trồng được một cây mai sinh trưởng khỏe mạnh, ra hoa đúng đợt phụ thuộc rất lớn vào tay nghề và kinh nghiệm trồng mai. Mai ưa ẩm và ưa ánh sáng nhưng không chịu được úng nên phải trồng nơi cao ráo và tưới nước thường xuyên, nếu trồng trong chậu phải bón phân và thay đất hằng năm.

Cây mai được trồng trong một chiếc chậu gốm với họa tiết trang nhã. Em và mẹ còn trang trí cho cây mai những dây câu đối rực rỡ, những phong bao lì xì đỏ thắm. Không phải ngẫu nhiên mà hoa mai được coi là biểu tượng của ngày Tết. Sáng mùng một, cây mai nở rực rỡ một góc sân khiến cho ngày tết thêm rộn ràng. Dáng mai thẳng đứng trông thật thanh cao, tượng trưng cho khí phách của người dân Việt từ ngàn đời nay. Đối với người dân sống ở miền Nam – việc có một cây mai trong nhà vào ngày Tết đã trở thành một “truyền thống” không thể thiếu, không thể bỏ.

Cây mai đã trở thành một biểu tượng cho ngày tết cổ truyền của dân tộc. Loài cây báo hiệu về một mùa xuân ấm áp đang đến.

Tả cây mai vàng vào dịp Tết đến, xuân về – Mẫu 7

Khi mùa xuân về, hình ảnh những cây hoa mai vàng đã trở nên quen thuộc với những người dân Việt Nam. Trong nhà ai cũng muốn sắm sửa một cây hoa mai để đón chào một năm mới, một mùa xuân mới.

Cây hoa mai vàng là loài hoa tết truyền thống của người Việt. Đây là loại cây thân nhỏ, không quá cao mà chỉ ngang đầu người. Đặc biệt với những loại mai thế, mai cảnh thì chỉ cao tầm gần mét, vậy nên khi đặt trước nhà trông rất vừa vặn và nhỏ xinh. Hoa mai là loài cây ưa tiết trời ấm áp vậy nên nó được trồng chủ yếu ở khu vực phía Nam. Chính xác hơn cả thì hoa mai là cây hoa Tết cổ truyền của người dân khu vực miền Nam.

Hoa mai có cảnh nhỏ, mỏng và dễ bị rơi rụng chứ không hề có sức sống bền bỉ như liều loài hoa khác dịp Tết. Những cánh hoa được xếp san sát nhau. Bên trong nụ hoa là những nhị hoa li ti. Mai không phải là loài cây nhiều lá to, xum xuê. Lá mai cũng nhỏ, dẹt, thay vào đó cây mai tự tạo nên bức tranh sặc sỡ của riêng mình khi nó kết hợp với những nụ mai xanh xanh non mọc chi chít ở mỗi cành mai khẳng khiu gầy gò màu nâu sẫm.

Những cây mai thường được trang trí thêm những câu đối, phong bao lì xì đỏ cho thêm phần may mắn. Đẹp nhất là vào đúng ngày Tết, mai nở rực rỡ. Màu vàng của hoa mai đem đến cho gia chủ một năm mới thịnh vượng, sung túc. Đó có lẽ cũng là lý do vì sao mà các gia đình dịp Tết ai cũng cố gắng trang trí cho không gian sống của mình một cây mai đón xuân. Hoa là hương thơm của lòng người, là tinh túy của đất trời.

Cây mai vàng như mang trong nó tấm lòng thảo hiền, ấm áp của người dân miền Nam, để gửi hương cho gió mang theo bức tình đến mùa xuân. Có lẽ, người ta chơi mai vào ngày tết cũng vì những điều đó.

Tả cây mai vàng vào dịp Tết đến, xuân về – Mẫu 8

“Tết… Tết… Tết… Tết đến rồi…” – Mỗi khi những ca từ này vang lên là lòng tôi lại cảm thấy rộn ràng. Mùa xuân đã đến, một năm mới cũng đã đến. Những cây mai vàng khoe sắc thắm để báo hiệu mùa xuân đã về.

Cây hoa mai có rất nhiều loại khác nhau. Nhưng loại hoa được chơi vào ngày Tết thường là mai vàng ngày Tết. Những cây mai đều được những đôi bàn tay khéo léo của người thợ làm vườn tạo ra những dáng cây – mỗi dáng có một ý nghĩa riêng. Dù không am hiểu nhưng tôi cảm thấy những dáng cây đó đều rất đẹp. Gốc cây mai to lớn, xù xì được bao bọc bởi một lớp vỏ màu nâu. Những đường gân rắn chắc nổi lên. Các cành cây cũng được uốn lượn theo nhiều dáng khác nhau. Lá cây nhỏ và dài, ở mép của mỗi chiếc lá đều có hình răng cưa. Khi còn non, lá có màu xanh non, mỏng manh. Đến lúc giá lá cây sẽ có màu xanh đậm và dày hơn. Hoa mai thường mọc thành từng chùm nhỏ. Mỗi nụ hoa có năm cánh. Cánh hoa nhỏ xíu, mềm mại, và rất mỏng manh. Ở chính giữa là những chiếc nhị hoa nhỏ xíu có màu vàng cam.

Những cây mai thường được trang trí bằng những phong bao lì xì màu đỏ kèm bên trong là những lời chúc tết, những chiếc đèn lồng đỏ nhỏ có những câu đối chúc mừng năm mới… Màu vàng của hoa mai tượng trưng cho sự trù phú, sung túc. Cùng với đỏ là màu đỏ của những phong bao lì xì, câu đối.. tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc. Vậy nên màu vàng của hoa, màu đỏ của những vật trang trí hẳn là những sắc màu đem lại may mắn cho năm mới.

Những cây mai cùng với cây đào đã trở thành một biểu tượng đẹp trong năm mới. Đây là loài hoa đem đến cho mỗi người sự say đắm, báo hiệu mùa xuân về, cũng như tượng trưng cho phẩm chất cao quý của con người.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button