Hình tượng đất nước đau thương mà anh dũng trong bài thơ Đất

Đề bài: Hình tượng đất nước đau thương mà anh dũng trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi

hinh tuong dat nuoc dau thuong ma anh dung trong bai tho dat nuoc cua nguyen dinh thi

Hình tượng đất nước trong bài thơ đất nước của Nguyễn Đình Thi ngắn gọn, hay nhất

I. Dàn ý Hình tượng đất nước đau thương mà anh dũng trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi ngắn gọn

1. Mở bài

– Sơ lược về Nguyễn Đình Thi và phong các sáng tác.

– Đất nước là một thi phẩm xuất sắc và tiêu biểu nhất trong sự nghiệp thi ca của Nguyễn Đình Thi, bên cảnh hình ảnh đất nước thanh bình, tươi đẹp, giữa trời thu hương cốm mới thì đất nước còn hiện lên với hình tượng đau thương và anh dũng vô cùng.

2. Thân bài

a. “Nước chúng ta…vọng nói về”:

– “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/Những buổi ngày xưa vọng nói về”: Gợi nhắc biết bao quá khứ đau thương đã được mảnh đất đau thương này ghi lại trong lòng, đêm đêm vẫn âm thầm nhắc nhở con cháu bằng tiếng “vọng nói về” thiêng liêng, gần gũi.

=> Hình tượng đất nước bất tử, trường tồn cộng hưởng với âm thanh “rì rầm” ấy đã trở thành sự thôi thúc mạnh mẽ trong trái tim tác giả.

b. “Ôi những cánh đồng…mắt người yêu”

– Tiếng than đầy đau xót của thi nhân trước cảnh đất nước tan hoang, dùng những hình ảnh ẩn dụ có tính hiện thực sâu sắc, khái quát hóa đất nước Việt Nam, làng quê Việt Nam bằng hình ảnh cánh đồng, trời xanh.

– Tố cáo mạnh mẽ tội ác man rợ của thực dân Pháp, khắc sâu thực cảnh khốc liệt của chiến tranh và lòng căm thù giặc đến tận cùng.

– Hồi ức về những năm tháng hành quân kiêu hùng của bộ đội ta, Trong hình tượng bi tráng, anh hùng ấy của người lính Nguyễn Đình Thi thêm vào một nét vẽ lãng mạn và sâu lắng “bồn chồn nhớ mắt người yêu”.

=> Tình cảm cá nhân cũng trở thành cảm hứng của tình yêu đất nước.

c. “Từ những năm…tiếng căm hờn”:

– Sự lý giải sâu sắc về vẻ đẹp, sức sống, lòng căm hờn của con người Việt Nam ta trong chiến đấu, được Nguyễn Đình Thi thể hiện bằng những vần thơ giàu hình ảnh, phong cách ẩn dụ độc đáo, cách dùng từ linh hoạt, sáng tạo.

– “quê hương” như bừng sáng một vẻ đẹp thiêng liêng và kiêu hùng, lồng trong vẻ đẹp ấy là tấm lòng căm ghét giặc ngoại xâm sâu sắc, thấm đẫm cả “gốc lúa bờ tre hồn hậu” vốn vô tri.

d. “Bát cơm…đứa lột da”: Tội ác man rợ của quân thù được Nguyễn Đình Thi lột tả sâu sắc, bằng giọng điệu căm hờn.

– Cơn đói khát, lầm than vẫn còn in hằn trong trái tim, nỗi đau xác thịt của những năm tháng khổ sai dưới roi da, gậy gộc của bọn giặc Tây, bọn chúa đất vẫn còn rõ mồn một.

=> Cơ sở để đứng lên chiến đấu để bảo vệ cuộc sống, bảo vệ quê hương, đất nước, giành lại tự do, giành lại cánh đồng xanh thẳng cánh cò, giành lại bầu trời tươi đẹp.

e. “Xiềng xích…thương nhà”:

– Khẳng định tấm lòng yêu nước vững bền và mạnh mẽ.

– “trời đầy chim” là biểu tượng cho lòng yêu tự do, “đất đầu hoa” là biểu tượng cho tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu sống khát khao hạnh phúc từ trong bom đạn của nhân dân.

f. “Khói nhà máy…ánh bình minh”:

– Cuộc chiến trong thơ của Nguyễn Đình Thi được tái hiện một cách sinh động, với niềm tin, niềm hy vọng chiến thắng ngập tràn, trở thành nền tảng cho chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

– Giọng thơ rộn ràng như tiếng bước chân hành quân trùng trùng, mang âm hưởng hào hùng, như giục giã từng con người Việt Nam đứng dậy đấu tranh vì một ngày mai tươi sáng hơn.

g. “Súng nổ…sáng lòa”:

– Hình ảnh đất nước hiện lên, rũ bỏ hết những tàn bụi chiến tranh, như một người anh hùng bước ra từ trong máu và lửa, anh dũng và hùng tráng như một tượng đài bất tử, vẻ vang.

3. Kết bài

– Tổng kết nội dung.

II. Bài văn mẫu Hình tượng đất nước đau thương mà anh dũng trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi siêu hay

1. Bài văn Hình tượng đất nước trong bài thơ đất nước của Nguyễn Đình Thi ngắn nhất hay số 1

1.1. Dàn ý hình tượng đất nước đau thương mà anh dũng trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi:1.1.1. Mở bài:– Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.- Khái quát về nội dung: Hình tượng đất nước đau thương mà anh dũng. 1.1.2. Thân bài:1.1.2.1. Khái quát chung:– Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ “Đất Nước” được hoàn thành vào năm 1955, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và được đưa vào tập thơ Người chiến sĩ 1956. 1.1.2.2. Phân tích hình tượng đất nước đau thương mà anh dũng:a) Hình tượng đất nước đau thương:– Cảnh vật quê hương bị tàn phá:+ Những cánh đồng quê (hoán dụ chỉ cảnh thiên nhiên đất nước) chảy máu (ẩn dụ cho tàn phá, đau thương).=> Hình ảnh tương phản gay gắt tô đậm ấn tượng về đau thương, mất mát.+ Ẩn dụ, nhân hóa: “Dây thép gai đâm nát trời chiều”.=> Lên án tội ác dã man của giặc Pháp mà trời không thể dung tha.- Người dân đau thương:+ Bát cơm chan nước mắt.+ Bị giặc giằng khỏi miệng, đè cổ, lột da. b) Hình tượng đất nước quật khởi, anh hùng:– Khẳng định kiên cường, gan góc:+ “Xiềng xích chúng bay không khóa được”, “Súng đạn chúng bay không bắn được”.=> Điệp ngữ khẳng định tinh thần, ý chí kiên cường. + Hình ảnh so sánh “Người lên như nước vỡ bờ”.=> Tất cả những gì được tích tụ từ căm hờn, đau thương dồn nén vào tiếng “lên”, tạo thành tư thế “rũ bùn” đầy hào hùng, mạnh mẽ. => Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn tràn ngập tác phẩm. 1.1.3. Kết bài:– Khẳng định lại giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật:+ Giá trị nội dung: Đất nước được cảm nhận trong chiều dài của những năm tháng kháng chiến, chiến đấu và chiến thắng, trong không gian rộng lớn.+ Giá trị nghệ thuật: Nhịp điệu, hình ảnh thơ sáng tạo, ngôn ngữ thơ lắng đọng, cô đúc, sử dụng sáng tạo các biện pháp tu từ.

Đọc thêm:  Tầm quan trọng của mối quan hệ bạn bè trong xã hội - DCI Việt Nam

1.2. Bài văn Hình tượng đất nước đau thương mà anh dũng trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi:

Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài. Ông vừa sáng tác nhạc, làm thơ, viết tiểu thuyết, tiểu luận phê bình. Dù ở bất cứ lĩnh vực nào thì ông cũng có những đóng góp quan trọng. Thơ ca Nguyễn Đình Thi tự do, phóng khoáng nhưng hàm súc, sâu lắng. Tiêu biểu cho phong cách đó phải kể đến bài thơ “Đất nước”. Tác phẩm đã làm nổi bật hình tượng đất nước đau thương mà anh dũng.

Bài thơ “Đất nước” được ra đời vào năm 1955, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và được đưa vào tập thơ “Người chiến sĩ” năm 1956. Qua bài thơ, Nguyễn Đình Thi muốn ngợi ca hình ảnh một đất nước anh hùng, dũng cảm, hiên ngang.

Đầu tiên, tác giả đã làm nổi bật hình tượng đất nước đau thương khi phải gánh chịu vô vàn áp bức của bọn thực dân:

“Ôi những cánh đồng quê chảy máu

Dây thép gai đâm nát trời chiều

Bát cơm chan đầy nước mắt

Bay còn giằng khỏi miệng ta

Thằng giặc Tây thằng chúa đất

Đứa đè cổ đứa lột da”

Những vần thơ như tái hiện một khung cảnh đầy tang thương. Cảnh vật quê hương đã hiện lên trong những nét bút mang đầy màu sắc bi thảm. “Những cánh đồng quê” là hình ảnh ẩn dụ cho thiên nhiên, đất nước. Nó giàu giá trị, tác động mạnh đến giác quan người đọc, gây ấn tượng đặc sắc. Những cánh đồng ấy đang bị “chảy máu”, bị tàn phá. Trong ánh chiều tà, những hàng dây thép gai rào quanh giặc giăng tua tủa như đâm nát cả bầu trời quê hương. Hình ảnh ẩn dụ và nhân hóa về “Dây thép gai đâm nát trời chiều” đó là cặp hình ảnh gay gắt tô đậm ấn tượng về đau thương, mất mát. Khi cả bầu trời quê hương đều nhuốm màu sắc đau thương. Ngay cả miếng cơm của nhân dân chúng cũng không để yên. Với biết bao thứ thuế, chúng bóc lột nhân dân ta đến tận xương tủy. Tội ác của chúng “trời không dung, đất không tha”. Vậy đoạn thơ trên, tác giả Nguyễn Đình Thi đã khắc sâu nỗi thống khổ của cả dân tộc dưới ách thống trị của giặc Pháp.

Đứng trước những khó khăn nhưng nhân dân ta chưa bao giờ lùi bước cam chịu. Họ vẫn anh dũng đứng lên đấu tranh để bảo vệ chủ quyền đất nước:

“Từ những năm đau thương chiến đấu

Đã ngời lên nét mặt quê hương

Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu

Đã bật lên những tiếng căm hờn

Xiềng xích chúng bay không khóa được

Trời đầy chim và đất đầy hoa

Súng đạn chúng bay không bắn được

Lòng dân ta yêu nước thương nhà”

Nhà thơ đã tạo nên một bức tượng đài với những con người anh hùng, bất khuất. Từ những người lao động bình dị, vô danh họ cũng dám đứng lên đấu tranh để chiến đấu bảo vệ quê hương. Xiềng xích của kẻ thù không thể nào ngăn cản được bước chân nát đá của những người dân yêu nước. Từ những người nông dân chất phác họ đứng lên đấu tranh bằng tất cả những gì mình đang có. Hình ảnh “trời đầy chim” và “đất đầy hoa” thật độc đáo. Thể hiện niềm hi vọng, tinh thần lạc quan vào một ngày không xa đất nước được thống nhất. Tiếng nói của nhà thơ cũng chính là tiếng nói của cả dân tộc. Đại dân tộc đoàn kết, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Cái hay của đoạn thơ chính là âm điệu hào hùng, sảng khoái. Đọc lên như gieo vào lòng người đọc một niềm tin tưởng vào tương lai. Đến đây khiến người đọc nhớ đến những vần thơ của Quang Dũng “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Hay đó là câu nói của Bác “Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của nhân dân ta”. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào đi chăng nữa thì bom đạn của kẻ thù cũng không thể cản nổi tinh thần của con người Việt Nam.

Bằng những hình ảnh thơ sáng tạo, ngôn ngữ thơ lắng đọng, cô đúc, sử dụng sáng tạo các biện pháp tu từ, Nguyễn Đình Thi hình ảnh đất nước đau thương nhưng anh hùng. Chính tinh thần chiến đấu dũng cảm của tất cả mọi người đã mang đến độc lập, tự do cho cả dân tộc. Qua đây, tác giả như muốn nhắc nhở mỗi người về trách nhiệm bảo vệ quê hương, đất nước.

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – HẾT – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

Qua bài thơ “Đất Nước”, độc giả có thể cảm nhận được tình yêu nước thiết tha của nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Mời em ghé xem các bài viết liên quan trên Taimienphi.vn để hiểu sâu hơn toàn bộ bài thơ nhé: Phân tích 7 câu thơ đầu trong bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Đoạn văn bàn về giá trị nghệ thuật của bài thơ Đất nước (Nguyễn Đình Thi).

2. Bài văn Hình tượng đất nước trong bài thơ đất nước của Nguyễn Đình Thi hay nhất số 2

Nguyễn Đình Thi (1924-2003), ông là một nghệ sĩ đa tài trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc, ông làm văn, viết thơ, viết kịch, ngoài ra còn soạn nhạc. Trong suốt cuộc đời nghệ sĩ và cuộc đời cách mạng của mình, Nguyễn Đình Thi sáng tác thơ không nhiều, thế nhưng thơ ông có một giọng điệu riêng, vừa phóng khoáng tự do, vừa hàm xúc suy tư, đặc biệt nhà thơ luôn hướng tới những hình ảnh, nhạc điệu có tính hiện đại, đổi mới. Trong tổng số các tác phẩm thơ của mình Nguyễn Đình dành khá nhiều để viết về quê hương, đất nước với những tình cảm thiết tha, đằm thắm, viết về một Việt Nam của những con người áo vải, dẫu chịu nhiều gian khổ, đau thương nhưng vẫn đứng lên hiên ngang, một lòng chiến đấu và giành chiến thắng vẻ vang lịch sử. Đất nước là một thi phẩm xuất sắc và tiêu biểu nhất trong sự nghiệp thi ca của Nguyễn Đình Thi, bên cảnh hình ảnh đất nước thanh bình, tươi đẹp, giữa trời thu hương cốm mới thì đất nước còn hiện lên với hình tượng đau thương và anh dũng vô cùng.

Đọc thêm:  Mẫu đơn xin học câu lạc bộ cuối giờ - Cùng Hỏi Đáp

Đất nước từ lâu đã trở thành cảm hứng thi ca của nhiều nghệ sĩ, ta thấy một đất nước có nguồn gốc, có quá trình trưởng thành và tồn tại trong những vần thơ bình dị của Nguyễn Khoa Điềm, ta cũng thấy một đất nước với âm điệu của “thon thả giọt đàn bầu” của Tạ Hữu Yên, rồi một Trần Mạnh Hảo với đất nước hình tia chớp mạnh mẽ, kiêu hùng,… Nhưng đến Nguyễn Đình Thi ta lại thấy hình tượng đất nước hiện lên nhiều hơn ở sự đau thương và anh dũng, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Nếu trong 17 câu thơ đầu của Đất nước Nguyễn Đình Thi đang chìm đắm trong hương cốm mùa thu, trong cảm giác hạnh phúc, sung sướng của độc lập tự do mới giành lại được, thì những dòng thơ tiếp theo tác giả lại bỗng quay về xúc cảm trầm tư với những suy tưởng, về những trang lịch sử còn mới của đất nước.

“Nước chúng taNước những người chưa bao giờ khuấtĐêm đêm rì rầm trong tiếng đấtNhững buổi ngày xưa vọng nói về”

Đó chính là tấm lòng của Nguyễn Đình Thi, không bao giờ lãng quên quá khứ, càng nhìn về thuở xa xưa đớn đau thi nhân mới lại càng thêm quý trọng những ngày tháng an lành hôm nay. Trong câu thơ “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/Những buổi ngày xưa vọng nói về”, đem lại cho người đọc những cảm xúc mới lạ, tiếng “rì rầm” ấy là gì? Phải chăng là anh linh của biết bao con người đã nằm xuống, là biết bao quá khứ đau thương đã được mảnh đất đau thương này ghi lại trong lòng, đêm đêm vẫn âm thầm nhắc nhở con cháu bằng tiếng “vọng nói về” thiêng liêng, gần gũi của “những người chưa bao giờ khuất” . Hình tượng đất nước trong cảm nhận của nhà thơ là hình tượng bất tử, trường tồn cộng hưởng với âm thanh “rì rầm” ấy đã trở thành sự thôi thúc mạnh mẽ trong trái tim nhà thơ, khiến mạch cảm xúc của Nguyễn Đình Thi nhanh chóng hòa vào những năm tháng đau thương trong lịch sử bằng tấm lòng thành kính nhất, không quá ồn ào, triết lý mà lặng lẽ, sâu sắc. Nỗi đau trong Đất nước những năm tháng chiến tranh được Nguyễn Đình Thi thể hiện bằng những hình ảnh ẩn dụ có tính hiện thực sâu sắc, khái quát hóa đất nước Việt Nam, làng quê Việt Nam bằng hình ảnh cánh đồng, trời xanh.

“Ôi những cánh đồng quê chảy máuDây thép gai đâm nát trời chiềuNhững đêm dài hành quân nung nấuBỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”

Một từ “ôi” như tiếng than đầy đau xót của thi nhân trước cảnh đất nước tan hoang, còn đâu những cánh đồng thẳng cánh cò bay, mà nay là “cánh đồng quê chảy máu” đầy đau thương, còn đâu một mảnh trời thanh bình, hiu hiu gió heo may thổi, nay lại bị “dây thép gai đâm nát” tan hoang. Tất cả đều lên án, tố cáo mạnh mẽ tội ác man rợ của thực dân Pháp, những kẻ “Lấy máu đỏ tưới lên đồng vàng”, khiến nhân dân ta phải khốn khổ, lầm than biết bao năm trời. Nguyễn Đình Thi sáng tạo những hình ảnh mang đậm chất điện ảnh như vậy lại càng khắc sâu thực cảnh khốc liệt của chiến tranh và lòng căm thù giặc đến tận cùng. Từ những cảm xúc căm hờn ấy ông chuyển sang hồi ức về những năm tháng hành quân kiêu hùng của bộ đội ta, những người con rời xa quê hương, rời xa gia đình để hòa mình vào cuộc chiến, với trái tim ngập tràn máu nóng của tình yêu Tổ quốc, lòng căm thù giặc sâu sắc. Trong hình tượng bi tráng, anh hùng ấy của người lính Nguyễn Đình Thi thêm vào một nét vẽ lãng mạn và sâu lắng “bồn chồn nhớ mắt người yêu”, phản ánh đúng với tâm trạng người lính chiến, đặc biệt là thế hệ thanh niên rời bỏ ghế nhà trường ra đi vì lý tưởng độc lập tự do. Tình cảm cá nhân cũng trở thành cảm hứng của tình yêu đất nước nước, với Nguyễn Đình Thi trong tình cảm chung lớn, lúc nào cũng tồn tại những cái riêng là một phần tử nhỏ giúp xây dựng nên tình cảm lớn lao và vĩ đại, tư tưởng hiện thực và lãng mạn luôn song hành, điều này khá tương đồng với nhà thơ Tố Hữu.

“Từ những năm đau thương chiến đấuĐã ngời lên nét mặt quê hươngTừ gốc lúa bờ tre hồn hậuĐã bật lên những tiếng căm hờn”.

Sự lý giải sâu sắc về vẻ đẹp, sức sống, lòng căm hờn của con người Việt Nam ta trong chiến đấu, được Nguyễn Đình Thi thể hiện bằng những vần thơ giàu hình ảnh, phong cách ẩn dụ độc đáo, cách dùng từ linh hoạt, sáng tạo. “Từ những năm đau thương chiến đấu” trở thành nguyên nhân, là cơ sở khiến quê hương hương Việt Nam, con người Việt Nam bộc lộ được sức sống mãnh liệt, tinh thần chiến đấu mạnh mẽ, chỉ một từ “ngời”, dường như ta thấy “quê hương” như bừng sáng một vẻ đẹp thiêng liêng và kiêu hùng. Mà lồng trong vẻ đẹp ấy là tấm lòng căm ghét giặc ngoại xâm sâu sắc, thấm đẫm cả “gốc lúa bờ tre hồn hậu” vốn vô tri, chân chất như nông dân Việt Nam ta, nhưng gặp cảnh hoang tàn cũng phải “bật lên những tiếng căm hờn”. Điều này mang nhiều ý nghĩa, trước là tố cáo và nhấn mạnh tội ác thiên thu của kẻ thù, đến mức dù là loài cây cỏ cũng phải bật dậy oán than, sau là ẩn dụ cho hình ảnh dân tộc Việt Nam mộc mạc, chân chất nhưng tấm lòng với quê hương với đất nước vĩnh viễn sâu sắc và rộng lớn không gì sánh bằng. Hiện thực một cuộc sống đầy ải dưới bóng quân thù càng trở nên sâu sắc trong các vần thơ tiếp.

Đọc thêm:  Dàn ý cảm nhận về khổ 3 bài thơ Tây Tiến - Thủ thuật - TaimienPhi.vn

“Bát cơm chan đầy nước mắtBay còn giằng khỏi miệng taThằng giặc Tây thằng chúa đấtĐứa đe cổ, đứa lột da”

Tội ác man rợ của quân thù được Nguyễn Đình Thi lột tả sâu sắc, bằng giọng điệu căm hờn, nỗi khổ nhục với “bát cơm chan đầy nước mắt” cũng bị giành lấy, cơn đói khát, lầm than vẫn còn in hằn trong trái tim, nỗi đau xác thịt của những năm tháng khổ sai dưới roi da, gậy gộc của bọn giặc Tây, bọn chúa đất vẫn còn rõ mồn một. Lấy gì mà không căm, không ghét, lấy gì mà không đứng lên chiến đấu để bảo vệ cuộc sống, bảo vệ quê hương, đất nước, giành lại tự do, giành lại cánh đồng xanh thẳng cánh cò, giành lại bầu trời tươi đẹp? Đó chính là cơ sở cho hình ảnh hiên ngang, bi tráng của dân tộc ta được bộc lộ một cách mạnh mẽ.

“Xiềng xích chúng bay không khóa đượcTrời đầy chim và đất đầy hoaSúng đạn chúng bay không bắn đượcLòng dân ta yêu nước thương nhà”

Chẳng xiềng xích nào khóa được một bầu trời Việt Nam tươi đẹp rộn ràng tiếng chim, một mảnh đất anh hùng mọc đầy những bông hoa đất, đã tắm bao nước mắt, mồ hôi và xương máu của dân tộc từ bao đời nay. Có thể nói rằng “trời đầy chim” là biểu tượng cho lòng yêu tự do, “đất đầu hoa” là biểu tượng cho tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu sống khát khao hạnh phúc từ trong bom đạn của nhân dân ta. Chúng mãi trường tồn và mạnh mẽ tựa như “lòng dân ta yêu nước thương nhà” chẳng súng đạn nào có thể hủy diệt, xuyên thấu, một người ngã xuống liền sẽ trở thành sức mạnh đau thương cho thế hệ tiếp theo nối bước anh hùng, bi tráng kiêu hùng, nhưng không bao giờ bi lụy.

Từ ý chí và tinh thần cao đẹp của những con người áo vải kiêu hùng, cuộc chiến trong thơ của Nguyễn Đình Thi được tái hiện một cách sinh động, với niềm tin, niềm hy vọng chiến thắng ngập tràn, trở thành nền tảng cho chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

“Khói nhà máy cuộn trong sương núiKèn gọi quân văng vẳng cánh đồngÔm đất nước những người áo vảiĐã đứng lên thành những anh hùngNgày nắng đốt theo đêm mưa dộiMỗi bước đường mỗi bước hi sinhTrán cháy rực nghĩ trời đất mớiLòng ta bát ngát ánh bình minh”

Giọng thơ rộn ràng như tiếng bước chân hành quân trùng trùng, mang âm hưởng hào hùng, như giục giã từng con người Việt Nam rũ bỏ hết vướng bận, khoác vào tấm chinh y lên đường ra chiến tuyến, đứng dậy đấu tranh vì một ngày mai tươi sáng hơn. Nguyễn Đình Thi bước ra từ cảm xúc đau thương, bi tráng, tiến vào mạch cảm xúc mới, ấy là sự vui tươi, hào hứng, tràn đầy nhiệt huyết của những người lính ra trận, trong mắt tràn ngập niềm hy vọng,nhìn thấy ngày đất nước được độc lập, tự do. Niềm hy vọng, niềm tin chiến thắng mạnh mẽ trong trái tim mỗi người lính đã trở thành động lực, sức mạnh để quân dân ta vượt qua tất thảy những khó khăn, gian khổ “Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội” của cuộc kháng chiến trường kỳ, vượt qua những mất mát “Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh”, nén đau thương để “Trán cháy rực nghĩ trời đất mới/Lòng ta bát ngát ánh bình minh”.

“Súng nổ rung trời giận giữNgười lên như nước vỡ bờNước Việt Nam từ máu lửaRũ bùn đứng dậy sáng lòa”

Cao trào cuộc chiến được tái hiện một cách mạnh mẽ, ác liệt, rầm rộ và hào hùng, bao nhiêu những căm hờn gói cả vào tiếng “Súng nổ rung trời giận giữ”, trở thành sức mạnh to lớn rung chuyển trời đất, tựa như cơn nước lớn vỡ bờ, ào ạt cuốn trôi lũ giặc ngoại xâm đang vấy bẩn mảnh đất thiêng liêng 4000 năm lịch sử. Một lần nữa hình ảnh đất nước hiện lên, rũ bỏ hết những tàn bụi chiến tranh, như một người anh hùng bước ra từ trong máu và lửa, anh dũng và hùng tráng, tựa như đóa sen trắng vươn lên từ đầm nước sâu, đầy bùn đất, rong rêu, bung những cánh trắng tỏa ngát hương thơm. Đó chính là ẩn dụ về con người Việt Nam, những con người áo vải, máu đỏ da vàng, quật cường vươn lên từ biết bao khó khăn, có nước mắt có mồ hôi và cả xương máu, bao nhiêu những hi sinh ấy đã tô đậm vẻ đẹp tinh thần của nhân dân ta, trở thành sức mạnh khiến nhân dân ta bật dậy và tỏa sáng những trang sử vẻ vang của dân tộc.

Hình tượng đất nước đau thương và anh hùng trong thơ Nguyễn Đình Thi được tái hiện một cách xuất sắc bằng những hình ảnh ẩn dụ đặc sắc, có ý nghĩa khái quát nhưng sâu xa, giọng thơ lúc suy tư, trầm lặng, lúc căm hờn, oán giận, lúc hào hùng sôi nổi khí thế thời đại. Tất cả đã làm nên một đất nước chân thật, và nghệ thuật bằng chính tấm lòng tha thiết, những tình cảm đằm thắm chân thành với quê hương và lịch sử dân tộc của tác giả.

https://thuthuat.taimienphi.vn/hinh-tuong-dat-nuoc-dau-thuong-ma-anh-dung-trong-bai-tho-dat-nuoc-cua-nguyen-dinh-thi-48304n.aspx Cùng với bài Hình tượng đất nước đau thương mà anh dũng trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi, các em có thể tham khảo thêm: Bình giảng khổ cuối bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Phân tích 7 câu thơ đầu trong bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi,Bình giảng bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi, So sánh hình tượng đất nước trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm và Nguyễn Đình Thi.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button