Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến … – DINHNGHIA.VN

Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho thơ văn. Mỗi nhà thơ, nhà văn lại mang đến những góc nhìn riêng, hướng ngòi bút cảm thông đến những thân phận người phụ nữ khác nhau. Dù ở những thời đại khác nhau người phụ nữ mang vẻ đẹp khác nhau nhưng tựu chung họ đều phải gánh chịu những bi kịch của xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn phong kiến. Cùng DINHNGHIA.VN tìm hiểu, phân tích và cảm nhận thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua bài viết dưới đây.

Bối cảnh xã hội phong kiến xưa

Xã hội Việt Nam từ thế X đến nửa đầu thế kỷ XIX có nhiều chuyển biến mạnh mẽ về chế độ xã hội, kinh tế, giáo dục, văn hóa. Một trong những thay đổi quan trọng nhất chính là sự xuất hiện của chế độ phong kiến cùng với hệ tư tưởng Nho giáo. Hệ tư tưởng Nho giáo ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi phương diện của cuộc sống, đặc biệt là người phụ nữ.

Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ phải gánh chịu nhiều bất công của quan niệm “trọng nam khinh nữ”. Họ không được quyền quyết định cuộc đời mình. Tất cả mọi giá trị, nhân sinh quan của người phụ nữ bị bó buộc trong “tam tòng tứ đức”. Người phụ nữ không được học hành cũng không được tham gia bàn bạc quyết định mọi việc từ lớn đến nhỏ, từ cuộc đời mình đến việc nhà việc nước. Có thể thấy, thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến bị gò bó cả về tinh thần lẫn thể xác.

Chính vì thế, cuộc sống của họ chỉ quẩn quanh chốn khuê phòng, quẩn quanh với “cầm, kỳ, thi, họa” hay chuyện “nữ công gia chánh”. Sự bó buộc của quan niệm xã hội đã khiến người phụ nữ rơi vào nhiều bi kịch. Đó cũng là lý do quan trọng khiến văn học giai đoạn này thường đề cập đến thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến và hình ảnh minh họa

Tìm hiểu thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua một số tác phẩm

Nhắc đến thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến, nguyên nhân dẫn đến bi kịch chính của cuộc đời người phụ nữ đó chính là tư tưởng nam quyền, “trọng nam khinh nữ”. Trong xã hội, điều này được hiện thực hóa qua các chuẩn mực khắt khe đối với người phụ nữ. Còn trong văn học, điều đó được thể hiện qua những lời thơ đầy chua xót, đắng cay về thân phận người phụ nữ của các tác giả văn học.

Số phận người phụ nữ khi là nạn nhân của xã hội phong kiến

Từ việc tìm hiểu thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến, ta thấy họ có thể làm được nhiều việc lớn cho đất nước xã hội. Nhìn vào lịch sử ta vẫn còn thấy những chiến công, sự hi sinh anh dũng của biết bao nữ anh hùng. Nhưng trong quan niệm Nho giáo, xã hội lại không đề cao vai trò của người phụ nữ. Họ sống chỉ như cái bóng bên cạnh người đàn ông. Dù tài sắc đến đâu, dù thông minh đến đâu thì họ cũng không có cơ hội phát huy, bởi “nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”. Hay chính Tú Xương cũng cảm thấy bất lực trước tình cảnh hiện tại của mình và hoàn cảnh của vợ. Phân tích bài thơ Thương vợ của Tú Xương, ta thấy hình ảnh Bà Tú vất vả biết mấy:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông

Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm nắng mười mưa dám quản công”

(Thương vợ)

Chua chát, cay đắng hơn khi bà Tú mưu sinh không chỉ vì “năm con” mà còn vì chồng. Tú Xương thương vợ và cũng ý thức được hoàn cảnh của mình – quan tại gia, “ăn lương vợ”. Nhưng ngặt vì định kiến xã hội, ông không thể làm gì cả không thể làm thầy đồ vì không hợp tính cách, không thể ra phụ giúp công việc buôn bán của vợ vì định kiến trói buộc kẻ sĩ. Càng ý thức được thực tại thì càng bất lực, một vòng bi kịch luẩn quẩn không sao thoát khỏi. Khi phân tích thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua hình ảnh bà Tú, ta không khỏi nghẹn ngào.

Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến với tư tưởng trọng nam khinh nữ

Từ tư tưởng “nam tôn nữ ti” dẫn đến nhiều bi kịch nối tiếp của thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Sự bất công lên đến đỉnh điểm khi người phụ nữ không có quyền tự chủ đối với cuộc đời mình. Họ không có quyền định đoạt làm chủ cuộc đời mình ngay cả hạnh phúc cả đời người – tình yêu và hôn nhân họ cũng không được quyết định. Đó là lời hát than thân của người phụ nữ trong ca dao

Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai

(Ca dao)

Mở đầu “thân em” là một motif quen thuộc trong ca dao, gợi chung âm điệu xót xa, ngậm ngùi. Cụm từ “thân em” gợi nhắc đến thân phận người phụ nữ. Đây cũng là lời chung của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Hình ảnh so sánh “tấm lụa đào” cho thấy người con gái ý thức sắc đẹp, tuổi xuân, giá trị của bản thân mình.

Đọc thêm:  Cảm nhận của anh, chị về nhân vật Ngô Tử Văn trong “Chuyện

Từ láy “phất phơ” gợi chỉ sự chuyển động trong gió, và đó cũng chính là số phận người phụ nữ mong manh, chông chênh không có một điểm tựa vững chắc. “Chợ” là nơi lẻ qua người lại, người tốt lẫn kẻ xấu. tiếc thay cho một tấm lụa đẹp, dù giá trị đến mấy nhưng lại không được lựa chọn bến đỗ chỉ có thể mãi là một món hàng chờ người đến mua.

Phân tích thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến, ta thấy Hồ Xuân Hương lại ví von họ với hình ảnh chiếc thuyền.

Chiếc bách buồn vì phận nổi nênh,

Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh.

Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng,

Nửa mạn phong ba luống bập bềnh.

Cầm lái mặc ai lăm đỗ bến,

Giong lèo thây kẻ rắp xuôi ghềnh.

Ấy ai thăm ván cam lòng vậy,

Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh.

(Tự tình III)

Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến cũng bấp bênh như chiếc thuyền kia. Chỉ có thể bất lực buông xuôi nhìn dòng đời xô đẩy. Từ đó nói lên một cách thấm thía nỗi đau của người phụ nữ trong xã hội phong kiến thân phận bị phụ thuộc, giá trị không ai biết đến. Dù làm việc vất vả, chịu mọi khó nhọc nhưng mọi việc người phụ nữ làm không được đánh giá cao – đó là những bổn phận mà người phụ nữ buộc phải thực hiện.

Đồng cảm với điều đó, các tác giả trung đại đã lên tiếng ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ. Nguyễn Dữ ngợi ca tấm lòng thủy chung của Vũ Nương. Khi tìm hiểu về giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện Kiều, ta thấy Nguyễn Du đã khắc họa Thúy Kiều với vẻ đẹp của chữ hiếu “làm con trước phải đền ơn sinh thành”, sự chung tình của nàng với Kim Trọng. Hay trong góc nhìn của Hồ Xuân Hương, thân phận người phụ nữ có những nét tương đồng với hình ảnh “bánh trôi nước”.

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

(Bánh trôi nước)

Phân tích bài thơ Bánh trôi nước, ta thấy Hồ Xuân Hương không miêu tả một cách dửng dưng, lạnh nhạt mà luôn trải lòng, hóa thân vào đối tượng để tiếp cận, để thấu hiểu sẻ chia. Trong cách miêu tả của nhà thơ, chiếc bánh trôi dường như đã trở thành một thân phận nhỏ bé, gần như bị động chịu sự xô đẩy của cuộc đời.

Sự xuất hiện của thành ngữ “bảy nổi ba chìm” đã gợi ra thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Đó là một cuộc đời thăng trầm, liên kết với hình ảnh câu thơ trên gợi ra số phận nhỏ bé, bất công của người phụ nữ. Điều này đã được nói đến rất nhiều trong ca dao. Nhưng nếu trong ca dao chỉ dừng lại ở việc than trách thân phận thì Hồ Xuân Hương lại thể hiện cá tính mạnh mẽ đầy ý thức bản lĩnh cá nhân.

Người phụ nữ không được tự làm chủ cuộc đời, họ đành cam chịu, phó thác cho số phận. Cái duy nhất họ làm chủ được là tấm lòng mình. Lời khẳng định mạnh mẽ ấy được thể hiện qua kết cấu tương phản “Dù…nhưng”. Mặc dầu trong tay kẻ nặn, trong thế bị động, vẻ ngoài có thể thay đổi nhưng tấm chân tình ấy mãi không thay đổi.

Đưa cái trạng thái bên ngoài “rắn nát” đối lập với tính chất “tấm lòng son” bên trong, nhà thơ đã khẳng định: người phụ nữ sẽ vẫn giữ sự thủy chung trước mọi phong ba của cuộc đời. Một lời nói thể hiện niềm tự hào về phẩm chất, thủy chung của người phụ nữ. Chính cách diễn đạt này đã thể hiện khát khao giữ gìn, vươn tới cái đẹp, cái thiện của người phụ nữ.

Bên cạnh đó, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” lại dẫn đến một bi kịch khác của người phụ nữ – bi kịch của tình yêu dở dang, bi kịch kiếp “chồng chung” và cũng chính là một trong những bi kịch của thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Việc “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng” đè nặng khiến người phụ nữ không thể có được một tình yêu trọn vẹn viên mãn.

Họ đã không được quyền quyết định nghe theo trái tim, nay càng đau đớn hơn khi phải san sẻ mối tình của mình với kẻ khác. Trong tình yêu, ai cũng muốn ích kỷ không muốn chia sẻ dù chỉ là “mảnh tình san sẻ tí con con”. Nhưng người phụ nữ trong xã hội phong kiến lại phải chia sẻ chồng mình với người khác.

thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến khi là nạn nhân của kiếp chồng chung

Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến khi làm kiếp chồng chung

Trong đời Hồ Xuân Hương đã thực sự đôi lần làm lẽ, nữ sĩ sẽ càng cay đắng bởi chính mình là một người có tài năng cũng như có ý thức sâu sắc về giá trị bản thân. Nữ sĩ đã cay đắng lên tiếng, có thể vừa cho chính thân phận mình, cho cả những người cùng cảnh ngộ.

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

(Làm lẽ)

Một lời “chém cha” thốt ra như chứa đựng biết bao nhiêu oán hờn, đau đớn và cũng đủ cho thấy cái “kiếp chồng chung” bất công và đắng cay thế nào với người phụ nữ. Nỗi niềm cô đơn ấy không sao kể xiết.

Canh khuya văng vẳng trống canh dồn.

Trơ cái hồng nhan với nước non.

Chén rượu hương đưa, say lại tỉnh,

Vầng trăng bóng xế, khuyết chưa tròn.

Xuyên ngang mặt đất, rêu từng đám,

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con.

(Tự tình II)

Nỗi cô đơn ấy bủa vây tràn ngập cả không gian và thời gian. Hạnh phúc tưởng chừng sẽ đến nhưng rồi cuối cùng cũng chỉ là “vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”. Thời gian dần trôi, tuổi xuân của người phụ nữ cũng vơi dần theo năm tháng nhưng cuối cùng nhìn lại chỉ còn một mình nàng trơ trọi, cô độc giữa không gian. Có thể thấy, thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến thật xót xa biết bao.

Đọc thêm:  Hướng dẫn đăng nhập và sử dụng eNetViet trên điện thoại

Cô độc, đắng cay nhìn tuổi trẻ trôi qua, nhìn bóng hình mình phai tàn – “trơ cái hồng nhan với nước non”. Mượn men rượu để quên đi nỗi sầu tủi hiện tại nhưng men rượu chỉ khiến nàng thêm quặn thắt cõi lòng. Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến phải chịu kiếp chồng chung, san sẻ tình yêu đầy đau đớn.

Số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến khi là những người tài hoa bạc mệnh

Trong văn học trung đại Việt Nam, các tác giả còn hướng ngòi bút của mình đến với thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến – những con người “tài hoa bạc mệnh” bị cuộc sống vùi dập. Đây cũng là một đối tượng được Nguyễn Du dùng hết cái tài, cái tâm của mình để sáng tác. Những hình ảnh ấy cứ trở đi trở lại trong thơ của Nguyễn Du.

Đó là nàng Tiểu Thanh trong “Đọc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du. Đọc Tiểu Thanh Kí đã khắc họa rõ nét về cuộc đời của nàng Tiểu Thanh có tài có sắc nhưng lại làm vợ lẽ người khác và sống một cuộc sống đau buồn, đầy những nỗi uất ức. Bản thân cuộc đời Tiểu Thanh đã làm cho Nguyễn Du nảy sinh mối đồng cảm vô hạn trước số phận nghiệt ngã và tiếng lòng ấy được bật lên thành lời thơ.

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư

(Đọc Tiểu Thanh kí)

Khi phân tích Độc tiểu thanh kí của Nguyễn Du, ta nhận thấy “hoa uyển’ trong câu đầu là vườn hoa, là tượng trưng cho quá khứ và quãng thời gian thanh xuân tươi đẹp. ‘Tẫn thành khư’ là tất cả hóa thành bãi hoang tàn, là sự biến hóa của thời gian trước dòng đời tấp nập. Ở ngay câu đầu tiên, Nguyễn Du đã mượn hình ảnh của không gian nơi Tiểu Thanh từng sống để nói lên cảm nhận của chính ông về những biến đổi của thời gian.

Tây Hồ là nơi cảnh đẹp hữu tình nhưng lại hóa gò hoang vắng, heo hút vì có một người con gái đã mãi mãi chôn vùi tuổi thanh xuân của mình ở đây. Sự biến thiên dâu bể của cuộc đời không sao có thể đoán định được, cảnh đẹp ngày xưa nay chỉ còn là phế tích, chỉ còn lại dấu ấn về một thời đã qua.

Từ ‘Độc’ có nghĩa duy nhất, đơn độc. Còn cụm ‘Nhất chỉ thư’ là một quyển sách, một tập giấy còn sót lại. Trong không gian điêu tàn, Nguyễn Du xuất hiện với dáng vẻ hững hờ và đồng thời cũng thể hiện sự lắng sâu trầm tư trong những nét cô đơn. Một mình nhà thơ ngậm ngùi đọc những tập sách về cuộc đời nàng Tiểu Thanh tội nghiệp. Một mình đối diện trước sự bất lực của nàng Tiểu Thanh về số phận của chính mình.

Sự tồn tại của con gái tài sắc một thời chỉ được biết đến qua một tập sách, phần dư còn sót lại khiến ông không thể không bật lên những nỗi xót thương cho nàng. Xưa Tiểu Thanh luôn cô độc đến lúc mất, nay Nguyễn Du cũng viếng nàng một mình bên khung cửa thể hiện sự thông hiểu sâu sắc của Nguyễn Du với nàng Tiểu Thanh. Câu thơ là sự đồng cảm giữa hai tâm hồn cô đơn. Thời gian và không gian không thể ngăn cách được tấm lòng “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.

Nguyễn Du khóc cho Tiểu Thanh cũng chính là khóc thương cho chính số phận cay đắng, đau khổ của chính mình. Đây cũng là số phận điển hình về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Thương thay cho những tấm hồng nhan bị người đời ghẻ lạnh, những con người đã hiểu rất rõ về giá trị của bản thân nhưng lại phải bất lực trước sự chông gai trên đường đời. Ta thấy rõ sự khắc nghiệt của xã hội đối với những người tài hoa và mong muốn khát khao hạnh phúc của họ. Như những câu thơ đau đớn mà Nguyễn Du từng viết trong Truyện Kiều. Thúy Kiều là người con gái tài sắc vẹn toàn

Kiều càng sắc sảo mặn mà

So bề tài sắc lại là phần hơn

Làn thu thủy nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh

Một hai nghiêng nước nghiêng thành

Sắc đành đòi một tài đành họa hai

(Đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”, Truyện Kiều)

Nhưng cuối cùng trước những giông tố của cuộc đời nàng phải đành chính tay dập tắt mối tình đầu mới chớm với Kim Trọng và bắt đầu chuỗi ngày lưu lạc đầy bi kịch.

Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến khi là nạn nhân của chiến tranh phi nghĩa

Cảm nhận Chinh phụ ngâm, ta thấy thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến khi còn là nạn nhân của chiến tranh phi nghĩa. Khi nhắc đến chiến tranh người ta thường quan tâm đến số phận, sự hi sinh của người lính nơi chiến trường biên ải xa xôi, nhưng các tác giả trung đại còn quan tâm đến số phận của người chinh phụ.

Đầu đời Lê Hiển Tông, phong trào khởi nghĩa nông dân diễn ra liên miên, triều đình điều binh lính đi dẹp loạn. Điều đó dẫn đến việc nhiều gia đình rơi vào cảnh ly biệt kẻ ở người đi, vợ mất chồng, mẹ mất con. Số phận và bi kịch của những con người nhỏ bé trong cái xã hội phong kiến đang đứng bên bờ vực thẳm ấy đã lay động trái tim của Đặng Trần Côn. Để từ đó, ông viết nên tác phẩm “Chinh phụ ngâm”. Người chinh phụ chỉ có thể chờ đợi trong mỏi mòn, hi vọng rồi lại tuyệt vọng.

“Gà eo óc gáy sương năm trống,

Hòe phất phơ rũ bóng bốn bên

Khắc giờ đằng đẵng như niên,

Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.”

(Chinh phụ ngâm)

Phân tích bài Chinh phụ ngâm, ta thấy rằng thời gian được lặp lại đều đặn, đơn điệu trong vòng tròn của sự nhớ nhung đợi chờ từ đêm gà gáy đến ngày bóng hòe. Dịch giả đã dùng rất thành công từ láy “eo óc” và “phất phơ”. “Eo óc” là từ láy tượng thanh gợi tả âm thanh buồn bã, gợi cảm giác vắng vẻ, tịch mịch. Còn “phất phơ”là từ láy tượng hình gợi tả hình ảnh thưa thớt gợi cảm giác cô đơn, trống trải.

Đọc thêm:  Viết đoạn văn nêu nhận xét về cách đặt tên chương, tên các phần

Hai từ láy không chỉ gợi tả được không gian mà còn gợi tả được tâm trạng, hoàn cảnh của người chinh phụ. Một đêm dài năm canh, người chinh phụ vì trông ngóng người chinh phu, thức trọn năm canh, nghe tiếng gà gáy mà sợ hãi, buồn rầu. Cái âm thanh “eo óc” ấy thưa thớt, ghê rợn, tang tóc, khó chịu, từng tiếng từng tiếng vang lên khô khốc đối lập với sự tĩnh lặng, trầm lắng trong tâm nàng. Tiếng gà gáy trong đêm gợi ra khoảng không mênh mông, hiu quạnh, khiến người phụ nữ cô đơn, lẻ loi trở nên nhỏ bé, đáng thương.

Nghệ thuật lấy động tả tĩnh đẩy tâm trạng người chinh phụ lên một nấc thang mới, khiến nó đau đớn hơn, cô độc hơn. Không chỉ có tiếng gà gáy khiến nàng trằn trọc, bóng “hòe phất phơ“ cũng khiến người chinh phụ suy tư, lo nghĩ. Trong không gian vắng lặng, thời gian đã đi qua màn đêm, người chinh phụ ôm nỗi nhung nhớ, thấm thía về bi kịch đời mình – về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

Cảnh đó nhưng người xưa giờ nơi đâu lựa có thể quay về bên nhau như ngày xưa. Có thiên nhiên, có âm thanh nhưng bức tranh ấy không tươi vui mà đầy những màu sắc mơ hồ, u ám như chính tương lai của nàng. Nỗi buồn của nàng đã thấm vào cảnh vật hay chính cảnh vật khơi gợi những nỗi buồn trong lòng nàng. Vắng chồng, cuộc sống của người chinh phụ thật tẻ nhạt, buồn chán và nặng nề với những thương nhớ đong đầy từng khắc, cô đơn bủa vây từng giờ.

Từ láy “Đằng đẵng” gợi thời gian kéo dài lê thê vô thủy vô chung. Còn “Dằng dặc” thì gợi không gian mênh mông vô cùng tận. Không gian và thời gian không còn mang tính cố định của không thời gian vật lý mà mở ra theo chiều kích của nỗi nhớ. Đó là không gian thời gian tâm trạng của người chinh phụ. Với nghệ thuật so sánh kết hợp với việc vận dụng từ láy, từng cặp đối tượng hiện lên “khắc giờ” với “niên”, “mối sầu” với “miền biển xa”.

Những ngày tháng này, thời gian trôi đi thật chậm chạp, như muốn gặm nhấm chuỗi ngày sầu bi của nàng. Một ngày không còn được đo bằng vài canh, mấy khắc, mà được tính đếm bằng cả năm dài “đằng đẵng”. Trong những ngày tháng khó khăn này, người chinh phụ ngẫm về cuộc hôn nhân dang dở, về cuộc đời không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn, khiến nàng đã sầu lại càng sầu thêm. Nỗi buồn của người chinh phụ càng triền miên, không có hồi kết.

Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến còn là nàng Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. Khi Trương Sinh tòng quân đi lính, một mình nàng phải quán xuyến mọi việc nhà chăm lo cho cả mẹ chồng và con. Một mình nàng vừa làm cha vừa làm mẹ. Đến khi chồng trở về, những tưởng nàng sẽ được hưởng hạnh phúc trọn vẹn nhưng chỉ vì bản tính đa nghi gia trưởng của chồng mà cuối cùng gia đình nàng vun vén bấy lâu lại tan vỡ.

Phân tích nhân vật Vũ Nương, ta thấy nàng nguyện dùng cái chết để chứng minh sự trong sạch của bản thân cho thấy được sự chung thủy của nàng. Chính chiến tranh phi nghĩa khiến nàng không có một gia đình trọn vẹn, khiến nàng phải lâm vào cảnh cô đơn gánh vác mọi việc. Và cũng chính chiến tranh tuy kết thúc nhưng những hệ lụy kéo theo ấy không thể giải quyết được. Cuối cùng, Vũ Nương lại rơi vào bi kịch. Thân phận người phụ nữ vốn đã bấp bênh nhưng trong những biến cố của xã hội, thân phận ấy lại càng thêm mỏng manh.

Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến tuy phải chịu nhiều bi kịch, bấp bênh nhưng họ luôn mang trong mình một tình yêu cuộc sống cháy bỏng, khát khao hạnh phúc mãnh liệt. Điều đó là những điểm sáng trong bức tranh cuộc đời của người phụ nữ. Vì vậy, những tác phẩm viết về thân phận người phụ nữ không chỉ thấm đẫm giá trị hiện thực mà còn mang giá trị nhân đạo sâu sắc.

thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến khi là người tài hoa bạc mệnh

Nhận xét thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua các tác phẩm

Nhìn chung, thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa phải chịu nhiều thiệt thòi, áp bức bóc lột của giai cấp cường quyền. Thậm chí cuộc đời của họ vướng vào nhiều chông gai và sóng gió. Sự bất công trong chế độ không kiến càng được hiện hữu rõ khi theo tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, phụ nữ được coi là tầng lớp cuối của xã hội. Vì thế, không có chỗ để họ vực dậy đấu tranh.

Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến bị rẻ rúng biết bao. Họ không được làm chủ chính cuộc sống của mình, phải thuận theo những khuôn phép chật hẹp trói buộc cuộc đời họ trong những khung sắt giam giữ tâm hồn. Một xã hội mà đặc biệt chỉ coi trọng “tam tòng, tứ đức” thì đã biến cuộc đời mỗi phụ nữ khi được sinh ra là phải luôn sống và hy sinh cho người khác. Đó chính là cuộc sống mà sống vì người khác không phải cho mình.

Hy vọng qua bài viết về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến bạn đã có thêm những kiến thức hữu ích phục vụ cho quá trình học tập và nghiên cứu của bản thân. Nếu có bất cứ câu hỏi nào liên quan đến chủ đề thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến, đừng quên để lại nhận xét để cùng Dinhnghia.vn trao đổi thêm nhé. Chúc bạn luôn học tốt!.

Xem thêm:

  • Hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại qua một số tác phẩm
  • Phân tích vẻ đẹp của Vũ Nương cùng số phận bi kịch của nàng
  • Phân tích bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương [Bài viết HAY NHẤT]
Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button