Kể lại truyện “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài – VnDoc.com

Văn mẫu lớp 12: Kể lại truyện Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 12 hay dành cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết môn Ngữ văn 12 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

1. Kể lại tác phẩm Vợ chồng A Phủ mẫu 1

Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra đều ngạc nhiên thấy một cô gái ngồi quay sợi bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Sau hỏi ra mới biết cô ấy là vợ A Sử, con trai thống lí Pá Tra.

Mị về làm dâu nhà Pá Tra đã mấy năm. Từ năm nào, cô không nhớ, cũng không ai nhớ. Nhưng người nghèo ở Hồng Ngài vẫn kể lại câu chuyện Mị về làm người nhà quan thống lí. Bố Mị lấy mẹ Mị không có đủ tiền cưới phải đến vay nhà thống lí, bố của thống lí Pá Tra bây giờ. Mỗi năm phải trả nợ lãi một nương ngô. Mẹ Mị đã mất, bố Mị nay đã già, vẫn chưa trả hết nợ. Năm ấy, Mị đã lớn. Pá Tra đến nói với bố Mị; “Cho tao đứa con gái mày về làm dâu thì tao xóa hết nợ cho”. Ông lão chưa biết nói thế nào, thì Mị bảo bố rằng: “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu”.

Tết năm ấy, con trai con gái vui chơi, đánh pao đánh quay rồi đêm đêm rủ nhau đi chơi. Con trai đến nhà cô gái, người mình yêu đứng thổi sáo xung quanh vách suốt đêm. Nhà Mị cũng thế. Rồi Mị đã bị A Sử đánh lừa, bị con trai thống lí Pá Tra bịt mắt, cõng đem về buồng. Khi tiếng nhạc sinh tiền cúng ma đường rập rờn nhảy múa trong nhà thống lí Pá Tra, thì A Sử đến gặp bố Mị, nói: “Tôi đã cướp được con gái bố về làm vợ, tôi đem về cúng trình ma nhà tôi rồi … Tiền bạc để cưới bố tôi bảo đã đưa cả cho bố rồi”. Bố Mị chỉ còn biết cất lời than…

Hàng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc. Một hôm, Mị trốn về nhà, cặp mắt đỏ hoe. Gặp bố, Mị quỳ lạy, úp mặt xuống đất, nức nở. Bố Mị cũng khóc, đoán biết lòng con gái: “Mày về lạy chào tao để mày đi chết đấy à? Mày chết rồi nhưng nợ tao vẫn còn, quan lại bắt tao trả nợ. Mày chết rồi thì không lấy ai làm nương ngô giả được nợ người ta, tao thì ốm yếu quá rồi. Không được, con ơi!”. Mị bưng mặt khóc. Mị ném nắm lá ngón giấu trong áo xuống đất. Mị đành trở lại nhà thống lí.

Kể lại truyện Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài

Mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Mị không nghĩ đến chuyện ăn lá ngón tự tự nữa Mị tưởng mình như con trâu con ngựa, chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi. Lên núi hái thuốc phiện, giặt đay, xe đay, bẻ bắp, hái củi, bung ngô, tước sợi đay… bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế. Mị lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Cái buồng Mị nằm, kín mít chỉ có một chiếc cửa sổ, một lỗ vuông bằng bàn tay. Nhìn ra ngoài, chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay nắng, Mị nghĩ chỉ ngồi nhìn ra, đến bao giờ chết thì thôi.

Những đêm tình mùa xuân nữa lại đến với cái làng Mèo đỏ. Mỏm đất phẳng đầu làng, trẻ con tụ tập trên sân chơi đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi khèn và nhảy. Mị nghe tiếng sáo ai rủ bạn đi chơi, thiết tha bồi hồi. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ừng ực từng bát khi trong nhà thống lí, tiếng chiêng đánh ầm ĩ, người ốp đồng nhảy lên xuống, run bần bật. Mị lịm mặt ngồi nhìn người nhảy đồng, người hát. Mị nghe tiếng sáo văng vẳng gọi bạn đầu làng mà nhớ thời con gái, Mị có bao người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị. Khi mọi người đã về, chơi đã vãn cả, Mị vẫn ngồi trơ một mình. Mãi sau Mị đứng dậy đi vào buồng. Mị thấy lòng phơi phới trở lại, đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị muốn đi chơi. A Sử vừa ở đâu về. Hắn thay áo mới, khoác thêm hai vòng bạc vào cổ, bịt cái khăn trắng lên đầu. Mị cũng không nói. Mị xắn thêm một miếng mỡ bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Mị với tay lấy váy hoa, rút thêm cái áo vắt ở phía trong vách. A Sử lấy làm lạ, hỏi Mị: “Mày muốn đi chơi à?” Mị không nói. Thằng A Sử trói đứng Mị vào cột bằng một thúng sợi đay. Hắn còn quấn tóc Mị lên cột làm cho Mị không cúi, không nghiêng đầu được nữa. Hắn thắt cái thắt lưng xanh ra ngoài áo, rồi tắt đèn, đi ra, khép cửa buồng lại.

Mị bị trói đứng suốt đêm trong buồng. Tay chân đau không cựa được. Mị nghe tiếng sáo, tiếng chân ngựa đạp vào vách, tiếng chó sủa xa xa. Mị khóc, nín khóc, lại bồi hồi, lúc mê, lúc tỉnh. Mị nghĩ đến các chị vợ anh, vợ chú, những người đàn bà khốn khổ sa vào nhà quan. Mị chợt nhớ lại chuyện một người đàn bà bị chồng trói chết trong nhà thống lí… Mị sợ quá.

Đọc thêm:  Phân tích bài ca dao Thân em như tấm lụa đào, phất phơ giữa chợ

Trời tang tảng rồi không biết sáng từ bao giờ. Tiếng người xôn xao khiêng con lợn, hoặc một người phải trói, bị vất huỵch xuống đất thở phè phè. A Sử chệnh choạng vào buồng. Áo rách toạc một mảnh vai, cái khăn xéo trắng loang lổ đầy máu. Hắn lăn ra giường, đứng xung quanh là bọn thị sống, thống quán, xéo phải. Pá Tra tay vẫn cầm roi ngựa, gọi ra ngoài. Mị nhắm mắt lại, rồi hé nhìn ra. Người chị dâu lưng còng đến cởi trói cho Mị, và khẽ nói vào tai Mị: “Mị! Đi hái thuốc cho chồng mày”.

Vào rừng tìm lá thuốc, người chị dâu kể lại chuyện A Sử đi chơi bị A Phủ đánh vỡ đầu. Đi hái thuốc lá về, Mị đi cửa sau lé mắt vào thấy một người to lớn quỳ trong góc nhà. Mị đoán đấy là A Phủ. Bọn lí dịch, quan làng, xéo phải, thống quán đội mũ quấn khăn, xách gậy, cưỡi ngựa kéo đến xử kiện và ăn cỗ. Pá Tra và bọn chức việc nằm hút thuốc phiện từ trưa cho đến hết đêm. Khói thuốc phiện tuôn qua các lỗ cửa sổ tun hút xanh như khói bếp. A Phủ quỳ giữa nhà chịu đòn, chỉ im như cái tượng đá. Mặt sưng lên, môi và đuôi mặt dập chảy máu. Suốt chiều, suốt đêm, càng hút, càng tỉnh, càng đánh, càng chửi, càng hút.

Trong buồng, đêm hôm đó, Mị phải thức suốt đêm xoa thuốc cho A Sử. Mỏi quá, lại đau ê ẩm, có lúc Mị thiếp đi liền bị hắn đạp chân vào mặt. Ngoài nhà, tiếng hút thuốc phiện rên lên từng cơn như mọt nghiến gỗ kéo dài, giữa tiếng khóc, tiếng đấm đá huỳnh huỵch.

Sáng hôm sau thì đám kiện đã xong. Vì tội đánh con quan làng, đáng nhẽ làng xử A Phủ tội chết, nhưng làng tha cho để được sống và nộp vạ. Tiền phạt, tiền thuốc, tiền lợn, A Phủ phải chịu một trăm đồng bạc trắng. Quan cho A Phủ vay để nộp vạ. A Phủ lê hai cái đầu gối sưng bạnh lên như mặt hổ phù đến nhặt từng đồng bạc trắng, nhặt xong lại đặt lên mặt tráp, Pá Tra trút cả bạc vào trong tráp. A Phủ không phải quỳ, phải đánh nữa. A Phủ đứng lên cầm dao đi chọc tiết lợn hầu làng.

A Phủ trở thành kẻ đi ở trừ nợ cho nhà quan thống lí Pá Tra từ đấy. Đốt rừng, cày nương, cuốc nương, săn bò tót, bẫy hổ, chăn bò, chăn ngựa, quanh năm một thân một mình bôn ba rong ruổi ngoài gò, ngoài rừng. Quê A Phủ ở Háng-bia. Bố mẹ, anh em của A Phủ đã chết vì bệnh đậu mùa. A Phủ trơ trọi một mình từ năm mười tuổi, từng bị bán đi cho người Thái ở dưới cánh đồng. Lưu lạc đến Hồng Ngài, đi làm thuê. A Phủ biết đúc lưỡi cày, biết đúc cuốc, lại cày giỏi và đi săn bò tót rất bạo. Nhiều cô gái trong vùng mê. Không có bạc trắng, không có ruộng, không có bố mẹ nên A Phủ không thể lấy nổi vợ. Chỉ có độc một chiếc vòng vía lằn trên cổ nhưng trong những ngày Tết, A Phủ cũng cứ cùng trai làng đem sáo, khèn, đem con quay và quả pao, quả yến đi tìm người yêu ở các làng trong rừng. Vì thế mà sinh sự đánh nhau với A Sử.

Mấy năm sau, một tai hoạ lại trút xuống đầu A Phủ. Năm đó đói rừng, hổ, gấu từng đàn kéo ra bắt bò ngựa, phá nương. A Phủ đi chăn bò, chẳng may hổ bắt mất một con. Pá Tra quát: “Quân ăn cướp làm mất bò tao!”. A Phủ bị Pá Tra trói vào cọc gỗ bằng một cuộn dây mây từ chân đến vai, chỉ còn cổ và đầu hơi lúc lắc được. Pá Tra nói: ‘Trói cho đến chết nếu không bắt được hổ về”. Đêm đó, A Phủ nhay đứt hai vòng mây thì trời cũng vừa sáng. Pá Tra vào khám, quàng thêm một vòng thòng lọng vào cổ, thế là A Phủ không cúi, không còn lắc được nữa.

A Phủ bị trói như thế đã đến mấy ngày đêm. Đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn. Đêm nào Mị cũng dậy ra bếp sưởi thường từ lúc gà gáy sáng. Một đêm, Mị lé mắt nhìn sang, thấy một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại của A Phủ. Mị nghĩ đến người đàn bà ngày trước, nghĩ đến kẻ đang bị trói đứng,… Chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết. Mị nghĩ đến thân phận mình cũng chỉ còn biết rũ xương ở đấy thôi… Người kia việc gì mà chết thế. Mị sợ, rồi làm sao Mị cũng không thấy sợ. Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị rón rén bước lại, lấy con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. Tháo hết dây trói, Mị thì thào “Đi ngay…”, rồi Mị nghẹn lại. A Phủ khụy xuống, rồi lại quật sức vùng lên, chạy. Mị đứng lặng trong bóng tối, rồi băng đi đuổi kịp A Phủ khi A Phủ đã lăn, chạy tới lưng dốc. Mị nói, thở trong gió thốc lạnh buốt: “A Phủ cho tôi đi… Ở đây thì chết mất”. Biết người đàn bà chê chồng đó vừa cứu mình, A Phủ nói: “Đi với tôi”. Hai người đỡ nhau chạy xuống dốc núi. Mị và A Phủ vượt qua những triền núi cao, ăn củ rừng, mộc nhĩ,… đi suốt mùa mưa thì đến khu di tích Phiềng Sa. A Phủ và Mị nên vợ nên chồng từ đấy.

Đọc thêm:  Chiếc lược ngà - Nguyễn Quang Sáng - Văn 9 - Loigiaihay.com

Đến Phiềng Sa, vợ chồng A Phủ vỡ nương, dựng được một ngôi nhà gỗ, nuôi được con lợn nhỡ. Bọn Tây đồn Bản Pe lùng sục tới. Chúng bắt A Phủ khiêng lợn về đồn. A Phủ bị đánh, bị bắt khuân đá, khiêng nước, cái roi tóc của cha mẹ để lại cho cũng bị thằng Tây đè ra cắt mất. A Phủ trốn thoát. A Phủ gặp cán bộ A Châu. Hai người làm lễ ăn sùng kết nghĩa anh em.

A Phủ trở thành chiến sĩ du kích, giữ đường cho bộ đội. Bọn Tây đồn Bản Pe lại kéo quân đến càn quét khu du kích Phiềng Sa. Chúng đốt phá, tàn sát dã man. Nhiều đàn bà, trẻ em, trong đó có Mị bị bắt. Được cứu thoát, nhưng Mị vô cùng sợ hãi vì cô nghe tin cha con thống lí Pá Tra đã về ở với bọn Tây đồn Bản Pe. A Phủ ngồi nướng thịt bò tót, làm lương khô chuẩn bị cùng bộ đội đi đánh đồn Bản Pe. A Phủ nạt Mị: “Đây không phải là Hồng Ngài. Đây là khu du kích Phiềng Sa. A Phủ là tiểu đội trưởng du kích… “.

2. Kể lại tác phẩm Vợ chồng A Phủ mẫu 2

Vợ chồng A Phủ là câu chuyện kể về cuộc đời của cô gái trẻ xinh đẹp tên là Mị, sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng Hồng Ngài. Mị bị A Sử trong làng bắt cóc về làm vợ để gạt nợ nhà thống Lí Pá Tra. Cuộc đời Mị lại tiếp tục những chuỗi ngày nghèo khổ và cơ cực hơn gấp ngàn lần, hàng ngày cô phải lao động quần quật không kể trời nắng hay mưa, vất vả hơn cả con trâu, con ngựa.

Mùa xuân, mùa của ngày hội đến, Mị uống rượu, tiếng sáo gọi bạn tình làm Mị muốn đi chơi, muốn được ra ngoài, nhưng A Sử không cho, trói chặt Mị ở trong buồng. A Sử bị đánh vì gây sự với đám trai làng, lúc đó, Mị mới được cởi trói để đi lấy thuốc, xoa dầu cho chồng. Cũng đêm đó, A Phủ một chàng trai khỏe mạnh, giỏi lao động nhưng vì nghèo và mồ côi, do đánh A Sử nên A Phủ đã bị phạt vạ phải làm ở đợ cho nhà thống lý để trừ nợ. Mùa đông gió rét kéo đến, rừng đói, hổ báo kéo đến phá nương, phá rẫy, ăn thịt trâu bò. Một lần A Phủ để hổ ăn mất một con bò, nên đã bị trói đứng, bỏ đói mấy đêm liền, chờ khi A Sử bắn được hổ mới tha cho. Một đêm, Mị trở dậy thổi lửa để sưởi ấm thì bắt gặp hai dòng nước mắt trên gò má A Phủ. Mị đồng cảm với cảnh ngộ của A Phủ, Mị thương thay cho cả thân phận mình. Mị đã cắt đứt dây trói và cùng A Phủ bỏ trốn khỏi nhà thống lý Pá Tra. Cả hai chạy trốn trong đêm, băng qua những cánh rừng để đến Phiềng Sa, họ thành vợ thành chồng xây dựng một cuộc sống mới. A Phủ đến với cách mạng, họ theo cán bộ A Châu và A Phủ trở thành đội trưởng du kích. Họ cầm súng đánh đuổi giặc thù bảo vệ gìn giữ bản làng.

3. Kể lại tác phẩm Vợ chồng A Phủ mẫu 3

Vợ chồng A Phủ kể về đôi vợ chồng người H’ Mông ở vùng Tây Bắc. Mị là một cô gái xinh đẹp có tài thổi sáo. Trai bản nhiều người mê và Mị đã có người yêu. Dù cha Mị nợ thống lí Pá Tra một món tiền lớn, chưa trả nổi, hằng năm phải trả lãi cả một nương ngô nhưng Mị kiên quyết không lấy A Sử – con trai thống lý Pá Tra – để xóa nợ. Nhưng một đêm xuân, Mị bị A Sử lừa, bắt về trình ma nhà nó. Tiếng gọi là làm vợ A Sử nhưng Mị bị đối xử thậm tệ.

Ban đầu, Mị định tự tử nhưng vì thương cha đành cam chịu sống trong đau khổ câm lặng “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Ngày Tết lại về, Mị lén uống rượu một mình. Không khí vui nhộn, nhất là tiếng sáo gọi bạn tình đã giúp Mị nhớ lại những ngày trước, khơi dậy ở Mị khát vọng tình yêu hạnh phúc. Mị vào buồng và định thay váy áo đi chơi thì bị A Sử bắt trói đứng vào cột nhà, bằng cả thúng dây đay, cả tóc Mị. Trong cơn chập chờn mê tỉnh, Mị vẫn thả hồn theo các cuộc chơi. Đến lúc thích chí vùng bước đi mới biết toàn thân bị trói chặt, đau buốt.

Cũng đêm đó, A Phủ – một thanh niên mồ côi nhưng khoẻ mạnh, can trường, đã đánh A Sử, vì bất bình trước trò xấc xược của hắn ta. A Phủ bị làng bắt về xử và trở thành người ở trong nhà Pá Tra để trừ nợ.

Một mùa đông giá rét, rừng đói, hổ báo từng đàn ra phá nương, bắt bò ngựa. A Phủ vì mải mê bẫy nhím nên đã để hổ bắt mất một con bò. A Phủ bị thống lí Pá Tra bắt trói đứng vào một cây cột, suốt mấy ngày đêm – chờ khi nào A Sử bắn được hổ mới tha.

Lúc ấy, tuy Mị đã trở thành một con người hoàn toàn vô cảm nhưng khi nhìn thấy hai dòng nước mắt của A Phủ lặng lẽ rơi trên hai hõm má xám đen vì kiệt sức, tuyệt vọng, Mị động lòng thương người cùng cảnh ngộ. Sau một hồi suy nghĩ, Mị đã cắt dây trói cho A Phủ. Rồi, Mị vụt chạy theo anh ta.

Cả hai băng rừng sang Phiềng Sa, trở thành vợ chồng. Quân Pháp tràn tới, dân làng hoang mang lo sợ. A Châu, cán bộ Đảng đã tìm đến xây dựng phong trào và kết nghĩa anh em với A Phủ. A Phủ đã trở thành tiểu đội trưởng du kích, cùng với Mị và đồng đội tích cực tham gia chống Pháp và tay sai bảo vệ quê hương.

Đọc thêm:  Top 14 Bài văn nghị luận về mối quan hệ giữa tiền tài và hạnh phúc

4. Kể lại tác phẩm Vợ chồng A Phủ mẫu 4

Mị là một cô gái dân tộc Mèo xinh đẹp và tài giỏi, có đời sống nội tâm và khát vọng tự do, vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo nên cô đã phải làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra.

Khi mới về làm dâu, hàng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc Một hôm, Mị trốn về nhà, cặp mắt đỏ hoe. Gặp bố, Mị quỳ lạy, úp mặt xuống đất, nức nở. Bố Mị cũng khóc, đoán biết lòng con gái: “Mày về lạy chào tao để mày đi chết đấy à? Mày chết rồi nhưng nợ tao vẫn còn, quan lại bắt tao trả nợ. Mày chết rồi thì không lấy ai làm nương ngô giả được nợ người ta, tao thì ốm yếu quá rồi. Không được, con ơi!”. Mị bưng mặt khóc. Mị ném nắm lá ngón giấu trong áo xuống đất. Mị đành trở lại nhà thống lí. Mấy năm sau, bố Mị chết. Mị không nghĩ đến chuyện ăn lá ngón tự tự nữa, Mị tưởng mình như con trâu con ngựa, chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi. Lên núi hái thuốc phiện, giặt đay, xe đay, bẻ bắp, hái củi, bung ngô, tước sợi đay… bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế. Mị lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Cái buồng Mị nằm, kín mít chỉ có một chiếc cửa sổ, một lỗ vuông bằng bàn tay. Nhìn ra ngoài, chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay nắng, Mị nghĩ chỉ ngồi nhìn ra, đến bao giờ chết thì thôi.

Những đêm tình mùa xuân, trẻ con tụ tập trên sân chơi đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi khèn và nhảy. Mị nghe tiếng sáo ai rủ bạn đi chơi, thiết tha bồi hồi. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ừng ực từng bát khi trong nhà thống lí, tiếng chiêng đánh ầm ĩ, người ốp đồng nhảy lên xuống, run bần bật. Mị lịm mặt ngồi nhìn người nhảy đồng, người hát. Mị nghe tiếng sáo văng vẳng gọi bạn đầu làng mà nhớ thời con gái, Mị có bao người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị. Khi mọi người đã về, chơi đã vãn cả, Mị vẫn ngồi trơ một mình. Mãi sau Mị đứng dậy đi vào buồng. Mị thấy lòng phơi phới trở lại, đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị muốn đi chơi, nhưng A Sử trói đứng Mị, hắn còn quấn tóc Mị lên cột làm cho Mị không cúi, không nghiêng đầu được nữa. Hắn thắt cái thắt lưng xanh ra ngoài áo, rồi tắt đèn, đi ra, khép cửa buồng lại. Mị bị trói đứng suốt đêm trong buồng, tay chân đau không cựa được. Mị nghe tiếng sáo, tiếng chân ngựa đạp vào vách, tiếng chó sủa xa xa. Mị khóc, nín khóc, lại bồi hồi, lúc mê, lúc tỉnh.

Cùng số phận người ở không công như Mị là A Phủ. A Phủ là một chàng trai nghèo nhưng khỏe mạnh, dũng cảm gan góc, bộc trực hồn nhiên, cũng vì nghèo không có tiền nộp phạt cho nên anh ta đã bị tra tấn dã man. A Phủ trở thành kẻ đi ở trừ nợ cho nhà quan thống lí Pá Tra từ đấy. Đốt rừng, cày nương, cuốc nương, săn bò tót, bẫy hổ, chăn bò, chăn ngựa, quanh năm một thân một mình bôn ba rong ruổi ngoài gò, ngoài rừng. A Phủ trơ trọi một mình từ năm mười tuổi, từng bị bán đi cho người Thái ở dưới cánh đồng. Lưu lạc đến Hồng Ngài, đi làm thuê. A Phủ biết đúc lưỡi cày, biết đúc cuốc, lại cày giỏi và đi săn bò tót rất bạo. Nhiều cô gái trong vùng mê. Không có bạc trắng, không có ruộng, không có bố mẹ nên A Phủ không thể lấy nổi vợ. Chỉ có độc một chiếc vòng vía lằn trên cổ nhưng trong những ngày Tết, A Phủ cũng cứ cùng trai làng đem sáo, khèn, đem con quay và quả pao, quả yến đi tìm người yêu ở các làng trong rừng. Vì thế mà sinh sự đánh nhau với A Sử.

Vì một lần để mất bò nên thống lí Pá Tra đã bắt và trói anh một cách tàn nhẫn để cho A Phủ đói khát và chờ chết. Trong một đêm trở dậy để thổi lửa hơ tay, nhìn thấy A Phủ bị trói và cái chết đang đến gần, Mị đã cắt dây trói cứu A Phủ, vì sợ chết Mị đã chạy trốn theo A Phủ, thoát khỏi địa ngục trần gian ở Hồng Ngài, thoát khỏi nhà Pá Tra. Họ đã đến Phiềng Sa, đã trở thành vợ chồng và xây dựng một cuộc sống mới.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Kể lại truyện “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 12 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12 và biết cách soạn bài lớp 12 và các Tác giả – Tác phẩm Ngữ Văn 12 trong sách Văn tập 1 và tập 2, mời các bạn tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

  • Vợ chồng A Phủ
  • Tóm tắt truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài
  • Soạn bài lớp 12 Vợ chồng A Phủ
  • Phân tích truyện Vợ chồng A Phủ
Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button