Kể một việc làm tốt góp phần xây dựng quê hương (9 mẫu)
Kể một việc làm tốt góp phần xây dựng quê hương, đất nước tuyển chọn 9 mẫu kể chuyện thật hay, giúp các em học sinh lớp 5 rèn luyện kỹ năng kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia thật tốt.
Với dạng đề này, các em có thể kể những câu chuyện về xây dựng đường phố, giữ gìn vệ sinh, trồng cây xanh… mà em nhìn thấy trong gia đình, trường học, làng xóm, phố phường, nơi công cộng. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết để có thêm nhiều vốn từ, ngày càng học tốt phân môn Tập làm văn lớp 5.
Gợi ý Kể một việc làm tốt góp phần xây dựng quê hương
Những việc làm thể hiện ý thức xây dựng quê hương, đất nước:
- Góp công, góp của xây dựng đường sá, cầu cống,…
- Giữ gìn vệ sinh, trật tự đường phố, xóm làng.
- Trồng cây, trồng hoa, bảo vệ môi trường.
- Vận động nhân dân xây dựng nếp sống mới.
- Kể những chuyện gì?
- Có thể kể câu chuyện em thấy trong gia đình, ở trường, ở làng xóm, phố phường, nơi công cộng (trên đường, trong bênh viện, bưu điện, cửa hàng, bến xe,…); cũng có thể kể những câu chuyện em thấy trên ti vi.
- Có thể kể câu chuyện về việc làm tốt của một người thân, của một người xa lạ hay kể việc làm của chính em.
Dàn ý kể một việc làm tốt góp phần xây dựng quê hương
1. Mở bài
– Nêu hoàn cảnh, thời gian diễn ra sự việc.
2. Thân bài
– Kể diễn biến sự việc:
- Việc tốt đó là gì? Xảy ra ở đâu?
- Suy nghĩ của em khi làm công việc đó.
- Hành động cụ thể của em khi đó.
– Việc làm của em đã mang lại ích lợi như thế nào.
3. Kết bài
- Cảm giác của em sau khi làm được một việc tốt.
Kể chuyện về một việc làm tốt xây dựng quê hương, đất nước
Khu phố của em có tên gọi thân thương là khu phố Cây xanh bởi có rất nhiều cây xanh được trồng dọc đường đi. Có được điều đó, là do người dân khu phố em cùng nhau gây dựng.
Trước đây, phần vỉa hè của cả khu phố trơ trọi, chỉ có lối đi được lát đá. Mùa hè thì nắng gắt, mùa mưa thì ướt xối xả. Thế là mọi người đã cùng nhau bàn bạc, góp tiền mua cây trồng rồi chăm sóc. Sau khi hỏi ý kiến của ủy ban cùng ý kiến chung của toàn thể cư dân, mọi người quyết định trồng cây phượng vĩ và cây me. Đầu tiên, mọi người đo đạc và căn chỉnh vị trí để đào hố trồng cây. Sau đó mua cây về để trồng vào. Các cây được mua đều cao hơn một mét, đã cứng cáp rồi. Nhờ mọi người ủng hộ nhiệt tình nên quá trình hết sức thuận lợi. Sau đó, phần đất trống dưới các gốc cây, mọi người quyết định trồng các loài hoa nhỏ. Cây trước nhà ai thì người đấy tự chọn hoa để trồng. Nhờ vậy, cả con đường vừa mát mẻ lại rực rỡ. Đặc biệt mọi người còn có ý thức giữ gìn đường phố. Tự chủ động tưới nước, chăm bón và bảo vệ cây cối ven đường. Ai đi qua cũng tấm tắc khen ngợi cả khu phố.
Em rất tự hào khi được là một thành viên của khu phố này. Chiều chiều đi học về em ra tưới nước cho cây, ngắm cả con đường mà lòng lâng lâng hạnh phúc.
Kể một việc làm tốt góp phần xây dựng quê hương – Mẫu 1
Ngày nào đi học, chúng em cũng đi qua chiếc cầu gỗ bắc qua ngòi Thia. Ngòi Thia chỉ rộng độ 15 mét, sâu hơn 2 mét, nhưng về mùa lũ nước cuồn cuộn đục ngầu. Tháng 9 năm 2000, mưa to, lũ lụt lớn. Chiếc cầu gỗ bắc qua ngòi Thia chỉ một đêm bị lũ cuốn gần như hết sạch các mảnh ván gỗ và lan can trên cầu.
Sáng thứ hai hôm ấy, mưa đã tạnh, nước ngòi dâng đầy cuốn băng băng Cầu đã bị trôi hết ván. Hàng mấy chục học sinh Tiểu học thôn Hạ và xóm Chừ đứng ngơ ngác nhìn ngòi, nhìn cầu. Bước vào năm học mới được 2 tuần, thế bọn chúng em phải quay trở về nhà.
Bác Chính sĩ quan công binh về hưu, là Hội trưởng Hội Cựu chiến binh xã Hồng Phong đã ra tay làm sống lại cây cầu. Bác đã vận động thanh niên và các cán bộ về hưu toàn xã đốn mấy chục cây bạch đàn to, dài trong vườn bác tập kết tại chân cầu. Mấy tay thợ mộc ở xóm Chùa được bác điều động đến giúp bác một tay. Mọi thứ vật liệu khác như đinh, móc sắt, dây thép và dây cáp vun chằng cầu bác đều tự bỏ tiền ra mua sắm. Là kĩ sư công binh thời chiến tranh, tất cả nên mọi khâu kĩ thuật, bác đảm đương hết. Các cô giáo trường Tiểu học xã phục vụ nước uống và cơm trưa. Đến nửa đêm thì cái cầu bắc qua ngòi Thia đã hoàn thành. Năm đó, em là học sinh lớp Một.
Đến nay, chiếc cầu đã trải qua năm năm trời sương gió nắng mưa, được phục thử thách qua ba cơn lũ lớn. Xe kéo công nông vẫn qua lại bình thường. Uỷ ban xã trả bác Chính 5 triệu đồng gọi là tiền gỗ bạch đàn, nhưng bác Chính nói là chiếc cầu tình nghĩa có là bao!
Từ bấy đến nay, chiếc cầu bắc qua ngòi Thia từ làng Hạ, xóm Chùa đi sang làng Thượng, làng Trung của quê em được bà con gọi một cách thân mật là cầu Ông Chính.
Kể một việc làm tốt góp phần xây dựng quê hương – Mẫu 2
Hôm ấy là một ngày đẹp trời lại là ngày nghỉ học, em cùng với Việt Hà rủ nhau ra công viên hóng mát. Tình cờ chúng em gặp được bốn bạn trai cùng lớp.
Đó là Phát, Hoàng, Độ, Dũng. Sau khi dạo một vòng quanh công viên, chúng em lại ngồi đối diện nhau trên hai dãy ghế, ngắm nhìn cảnh vật xe cộ qua lại và kể cho nhau nghe những chuyện cười đọc được trang báo “Nhi Đồng” và “Khăn quàng đỏ”. Cả bọn cười nói rôm rả. Bỗng, Độ phát hiện thấy dưới ghế ngồi có mấy ông chích (ống kim tiêm). Độ lấy que hất ra ngoài rồi nói: “Có lẽ đây là mấy ống chích của mấy người ghiền xì ke đây”. Em suy nghĩ một lát rồi đề nghị: “Tụi mình về nhà lấy que gắp, rồi ra đây chúng mình đi khắp công viên gom lại bỏ vào thùng rác đi. Để thế này nguy hiểm lắm! Mọi người đều đồng ý. Sáng đó, chúng em gom được một bọc, ước chừng vài chục ống chích, đem bỏ vào thùng rác.
Việc làm của chúng em tuy không lớn nhưng đứa nào đứa nấy đều cảm thấy vui, vì mình đã làm được một việc tốt, góp phần bảo vệ môi trường.
Kể một việc làm tốt góp phần xây dựng quê hương – Mẫu 3
“Quê hương” – hai tiếng nghe thân thương biết mấy. Nơi ấy là nơi chôn nhau cắt rốn của mỗi người, là nơi lưu giữ bao điều quý giá. Ta đã làm gì để góp phần xây dựng quê hương mình? Riêng em, em đã tham gia vào công cuộc xây dựng quê hương bằng một việc làm dù rất nhỏ bé.
Từ nhỏ, ông bà đã luôn nhắc nhở em phải có trách nhiệm với quê hương của mình. Vì vậy, em luôn cố gắng để xứng đáng là người con của mảnh đất thân yêu. Trong kỳ nghỉ hè vừa qua, địa phương em tổ chức phát động phong trào “Vì màu xanh quê hương”. Em và các bạn cùng xin phép bố mẹ để được tham gia. Hoạt động chính của phong trào là trồng cây, trồng hoa xung quanh khu vực đường làng, thôn xóm để không gian trong lành, sạch đẹp.
Học sinh chúng em tham gia rất đông, ai nấy đều háo hức. Trước khi trồng cây, hoa, chúng em được chia thành những nhóm nhỏ. Theo sự hướng dẫn của các anh chị, cô chú, chúng em tiến hành phát quang làm cỏ và thu thập rác thải để tạo những khoảng trống gieo trồng. Sau khi cỏ rác được dọn sạch sẽ, nhiều giống hoa, cây cảnh được đem đến. Nào hoa loa kèn, hoa thủy tiên, hoa mười giờ… Nào cây phượng vĩ, cây hoa sữa, cây bang… Có những cây phải mua giống, cũng có những cây người trong thôn xóm tự mang đến đóng góp. Chúng em đi khắp mọi ngóc ngách, lần lượt làm tơi xốp đất, bón phân rồi trồng cây, hoa xuống. Sau đó vun lại rồi tưới nước. Trời tháng bảy nắng như đổ lửa, ve kêu râm ran. Người nào người ấy trong đoàn đều ướt sũng mồ hôi, mệt lả. Vậy mà ai cũng hăng hái, thỉnh thoảng các anh chị còn vui vẻ đùa:
– Chẳng mấy chốc hoa nở, địa phương mình lại như công viên ấy các anh chị, các bác nhỉ?
Nghe vậy, ai cũng cười, mệt mỏi như xua tan đâu hết. Chỉ còn đó tinh thần quyết tâm làm đẹp cho quê hương mình. Từng mảnh đất trống nhanh chóng được phủ kín. Những giọt nước vừa tưới xong long lanh trong nắng hè gay gắt trên những chiếc lá như giọt pha lê trong sáng. Mãi đến cuối buổi chiều, khi mặt trời đã ngả về phía tây công việc mới hoàn thành. Xong xuôi mọi người được phân công chăm sóc cây, hoa ở gần nhà mình thường xuyên. Em cũng được giao nhiệm vụ chăm sóc bồn hoa trước cổng nhà mình. May mắn thay, sau hôm trồng cây và hoa xuống, trời chợt đổ mưa. Nước mưa tưới mát giúp cây nhanh chóng bám rễ. Mưa tạnh, cây xanh mơn mởn rung rinh trong gió. Trong suốt một thời gian, ngày nào em cũng chăm sóc, tưới nước chu đáo cho bồn hoa mình được giao. Dù nắng hay mưa, em vẫn luôn để ý không rời. Để ngăn lũ gà phá phách mà nhổ cây lên em còn cẩn thận làm cả hàng rào vây kín quanh đó.
Thời gian trôi qua, hoa phát triển dần. Từ một khóm hoa nhỏ mà lan ra mãi. Cả bồn hoa chẳng mấy chốc đã xanh um như một mâm xôi đầy ắp. Rồi một ngày cuối hè, những nụ hoa chúm chím nghiêng mình trong nắng và gió. Sớm ban mai hôm sau, khi những giọt sương còn long lanh trên kẽ lá, những nụ hoa hé mở, nở bung thành bông hoa rực rỡ. Không chỉ bồn hoa nhà em, hoa trên con đường làng đều đồng loạt nở rỗ. Không gian tràn ngập sắc hoa, đẹp vô cùng.
Đến hôm nay, ngõ lớn ngõ nhỏ trong thôn xóm, đâu đâu cũng chan hòa sắc xanh của hoa lá. Quê hương em như tươi mới hẳn lên. Em rất vui mừng vì mình đã góp phần nhỏ bé xây dựng diện mạo quê hương.
Kể một việc làm tốt góp phần xây dựng quê hương – Mẫu 4
Nhà em nằm sâu trong một con hẻm dài chừng năm chục mét. Sáng chủ nhật nào bà con trong hẻm cũng tập trung làm vệ sinh chung.
Vào khoảng bảy giờ sáng chủ nhật, ông tổ trưởng đánh lên một hồi kẻng dài. Nghe tiếng kẻng mỗi gia đình cử ra một người cùng tham gia làm vệ sinh chung. Ba chục người đại diện cho ba chục gia đình đã có mặt đông đủ trước nhà ông tổ trưởng. Người già có, thanh niên có, phụ nữ có, bạn nhỏ có, mỗi người đều cầm trong tay một dụng cụ lao động như: cuốc, xẻng, dao, liềm, chổi…
Sau khi nghe ông tổ trưởng phân công, bà con tản ra làm mấy nhóm và bắt đầu dọn vệ sinh. Nhóm này thì cắt cỏ, xén cây làm vườn chung của tổ. Nhóm kia thì quét dọn đường hẻm thu gom rác. Nhóm khác thì khơi thông cống rãnh để nước mưa tiêu rút nhanh không gây ra cảnh ngập đường. Mọi người vừa làm vừa râm ran trò chuyện. Chừng một giờ sau, mọi việc đã xong. Ông tổ trưởng đi kiểm tra các việc rồi tuyên bố giải tán. Ai nấy vui vẻ ra về. Chỉ cần bỏ ra một giờ lao động chung, bà con tổ dân phố đã làm cho đường phố trong khu sạch đẹp.
Việc làm vệ sinh chung là một việc làm rất có ích. Nó làm cho môi trường sống tốt lành hơn và cũng tạo cho mọi người một nếp sống sạch sẽ, văn minh. Em rất thích công việc này nên tuần nào cũng vác chổi ra tích cực tham gia quét dọn.
Kể một việc làm tốt góp phần xây dựng quê hương – Mẫu 5
Chẳng bao giờ em làm được một việc tốt đáng kể hay chỉ ít là làm người khác thấy vui, chỉ trừ có một lần khi em còn học lớp 2. Lần đó em đã nhặt được của rơi và trả lại cho người mất.
Chiều hôm ấy, em trực nhật nên phải ở lại lớp một lúc để đổ rác. Lúc em đang đi trên sân trường thì bỗng em giẫm phải một vật gì cưng cứng. Em cúi xuống nhặt lên thì thấy: ồ! hoá ra là một cuốn tiểu thuyết khổ 18x7cm của nhà sách Trí Tuệ cuốn đầu giáo sư Powel của tác giả A.R Belger (hay lắm đấy). Cuốn sách này được bọc ngoài bằng nilon trong nên có lẽ người mất mới mua về chưa đọc. Em cũng chưa đọc nó nhưng đã biết ít nhiều về nó qua lời nói của bố mẹ. Hình như nó là một cuốn tiểu thuyết rất hay. Em lật xem bìa sau của cuốn sách thì thấy một đoạn văn ngắn kể lại tóm tắt nội dung cuốn sách. Nó càng làm em chắc chắn về suy nghĩ của mình. Trong đầu em hiện lên ý nghĩ lấy luôn cuốn sách này. Thế là, em ngó xung quanh xem có ai không. Thôi chết! Còn bác bảo vệ. Em chờ bác bảo vệ để ý đi chỗ khác rồi nhanh tay đút luôn cuốn sách vào cặp tung tăng chạy ra khỏi cổng trường. Trên đường, em không thôi nghĩ về những tình tiết hấp dẫn, li kì của cuốn sách. Ôi! thú vị biết bao! Nhưng cái đầu em không chỉ nghĩ đến một chuyện nó lái sang một chuyện khác. Chuyện về người bị mất. Vì có cái đầu ham nghĩ nên em không biết phải phân xử ra sao, mang về đọc và giữ của riêng hay trả lại cho người bị mất đây! Hai phương án cứ đánh nhau, xáo trộn trong đầu em. Vừa lúc đó, em về đến nhà. Em chào bố mẹ rồi đặt mình lên chiếc giường ở phòng riêng. Em lại tiếp tục suy nghĩ. Mà phải rồi! Mẹ là người có kinh nghiệm trong cuộc sống, mình nên hỏi mẹ xem sao! Em nghĩ, thế là em chạy xuống tầng 1, đưa cuốn sách cho mẹ và kể đầu đuôi câu chuyện cho mẹ nghe. Nghe xong, mẹ cười và bảo:
– Bây giờ, con hãy đặt mình vào tình huống như người mất mà xem. Chắc chắn con sẽ rất buồn và lo lắng vì bố mẹ sẽ mắng khi làm mất cuốn sách khá đắt: 120.000 đ cơ mà! Đấy, con hãy tự nghĩ và quyết định đi.
– Quả thật nếu em là người mất thì cũng sẽ có những cảm giác như mẹ nói. Mà nếu các bạn biết thì lòng tin của các bạn đối với em sẽ chẳng ra gì nữa! Em quyết định sẽ trả lại. Sáng hôm sau, em mang cuốn sách đưa cho cô Tổng phụ trách. Vừa lúc đó, có một chị lớp Năm hớt hơ hớt hải chạy đến. Khi cô Tổng phụ trách đưa chị cuốn sách và giới thiệu em với chị thì chị ấy cảm ơn em rối rít. Lúc em về lớp, các bạn xô đến quanh em và khen em.
Khi đó em thực sự là rất vui. Bây giờ em mới biết giá trị của những việc làm tốt. Nó vô hình nhưng nó lại có thể mang niềm vui cho tất cả mọi người và bạn sẽ những nụ cười từ những người khác.
Kể một việc làm tốt góp phần xây dựng quê hương – Mẫu 6
Bác Khánh ở xóm Đền là cán bộ về hưu. Hỏi đến bác thì thôn trong, xóm ngoài ai cũng biết.
Thời chống Pháp, bác đi bộ đội khi chưa biết chữ. Vốn là một thợ đúc đồng đúc gang lành nghề, bác được tuyển làm chiến sĩ công binh để đúc vỏ bom, mìn, lựu đạn cho bộ đội. Dần dần bác được bồi dưỡng văn hóa, được cấp trên cho đi học, về sau trở thành một kĩ thuật viên trung cấp sửa chữa xe pháo và vũ khí cho Giải phóng quân thời chống Mĩ. Bác về hưu với quân hàm trung tá nhưng ăn mặc giản dị như một lão nông chân quê.
Người bác to cao. Tóc bạc cắt ngắn. Cặp lông mày bạc trắng làm nổi bật đôi mắt sâu đen láy, tinh nhanh của bác. Cùng tuổi với ông nội em – 75 tuổi – khi răng ông nội em đã rụng mất 6 chiếc thì răng bác vẫn còn nguyên. Có lúc bác nói vui: “Hàm răng trời cho để nhai bo bo, nhai bắp”. Bác nói to, giọng lơ lớ, đi lại rất nhanh nhẹn. Lần nào đến chơi với ông em, bác cũng đòi xem sách vở: “Cháu Thìn đâu rồi, mang sách và ra đây cho bác tập đọc, làm cộng trừ nhân chia với…”. Bác khen là con mẹ Nga viết đẹp, học giỏi và ngoan.
Bác góa vợ đã gần 30 năm nay, con cháu đều trưởng thành. Có lẽ vì thế mà bác là người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Bác tham gia Hội Cựu chiến binh xã. Bác làm Hội trưởng Hội Khuyến học xã. Bác đã vận động cán bộ về hưu, nhân dân toàn xã Hồng Phong đóng góp quỹ học bổng giúp con em các gia đình khó khăn, những em chăm ngoan, học giỏi. Bạn Lý và bạn Chung lớp em vào đầu năm học lớp 5, mỗi bạn nhận được suất học bổng 300.000 đồng. Bác vẫn thường xuyên đến thăm thầy trò Trường Tiểu học Hồng Phong. Nhờ bác và Hội Khuyến học mà trường em có nhiều cây xanh tỏa bóng mát sân trường: 4 cây bàng và 24 cây xà cừ.
Cách đây 5 năm, đường trong làng trong xã toàn là đường đất. Những hôm mưa bão, đường trơn như đổ mỡ, chúng em đi học, bà con đi chợ, đi làm thật vất vả. Trong Đại hội Đảng bộ xã năm 2000, bác đề nghị xi măng hóa các đường, xây dựng lại Trạm Y tế xã. Ý kiến của bác được đưa vào Nghị quyết Đảng bộ xã, được bà con nhiệt liệt hưởng ứng. Riêng bác đã rút 20 triệu đồng tiền tiết kiệm của bác cho một số gia đình khó khăn ở xóm Đền Vay không lấy lãi để góp công sức làm đường. Điện đã về xã, đường đi lại được lát bê tông, bà con xã em ai cũng cảm phục và biết ơn bác Khánh.
Bác Khánh là người nông dân “ăn chắc mặc bền”. Bác vẫn giữ nguyên bản chất tốt đẹp của “anh bộ đội Cụ Hồ”. Học sinh Trường Tiểu học Hồng Phong vẫn coi bác như ông nội, ông ngoại kính yêu của mình. Mỗi lần bác đến thăm trường, thầy trò đều rất vui mừng đón chào bác.
Kể một việc làm tốt góp phần xây dựng quê hương – Mẫu 7
Mùa thu, bầu trời quang đãng với một vài chòm mây trắng bồng bềnh và muôn tia nắng vàng dịu. Nhưng cũng không ít lần, bầu trời giận dữ với những trận mưa bão ầm ầm, xối xả. Mưa bão, vùng quê miền Trung lại chìm ngập trong nước lũ. Mùa màng bị lũ cuốn, nhà cửa lũ tràn nước, các bạn học sinh cũng chẳng có được một mùa tựu trường trọn vẹn. Trường Tiểu học của tôi đã phát động phong trào ủng hộ đồng bào nơi đó. Chúng tôi đều hào hứng để thực hiện hành động có ý nghĩa này.
Thứ bảy, thầy trò trường tôi có mặt đầy đủ ở trường. Cô Tổng phụ trách lên tổ chức một vài hoạt động tập thể. Các bạn múa, hát những bài hát vui nhộn về quê hương đất nước. Lớp 5B còn diễn một vở kịch rất xúc động. Một lúc sau, thầy Hiệu trưởng lên đọc quyết định phát động phong trào ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai. Chúng tôi đã được các thầy cô phổ biến trước nên hôm nay đã chuẩn bị những thứ mình có thể ủng hộ. Ở góc sân, các thầy cô chia thành nhiều nhóm: nhóm nhận đồ dùng học tập, nhóm nhận đồ ăn, nhóm nhận đồ chơi, nhóm nhận tiền mặt,… Tối qua, khi thu dọn kho đồ chơi của mình. Tôi đã quyết định sẽ đem món đồ mà tôi yêu thích nhất để ủng hộ các bạn nhỏ vùng lũ lụt. Đó là chiếc máy bay trực thăng mini. Hồi mới mua về, nó có điều khiển để bay lên được. Nhưng do anh em tôi tranh giành nhau, nút điều khiển bị hỏng. Tuy vậy, chúng tôi vẫn thường xuyên lôi nó ra chơi. Tôi đã viết một bức thư nhỏ với dòng chữ “Chúc cậu sớm vượt qua những thiệt hại do lũ lụt gây ra! Một ngày nào đó, chiếc máy bay sẽ đưa cậu đi ngắm bầu trời xanh…” Tôi mở cánh cửa của chiếc máy bay, đưa vào bên trong. Tôi hi vọng một cậu bạn nào đó sẽ đọc được những dòng thư này. Các bạn học sinh trường tôi còn ủng hộ sách, vở, truyện, quần áo, giày dép,… Thầy Hiệu trưởng nói, nhà trường sẽ cùng với quận đem những đồ dùng đó trao tận tay bà con miền nước lũ.
Thầy Hiệu trưởng đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện thương tâm do lũ gây ra. Ai nấy nghe đều vô cùng xúc động. Chúng tôi đem những đồ dùng tới để ủng hộ với niềm mong mỏi các bạn miền Trung sẽ sớm nhận được và sớm vượt qua những khó khăn hiện tại.
Kể một việc làm tốt góp phần xây dựng quê hương – Mẫu 8
Không ai ở xã em mà không biết ông Tùng, dù đã ngoài 60 tuổi, vẫn ngày ngày miệt mài đạp xe cọc cạch đi khắp nơi để vận động mọi người xây trường học cho trẻ em nghèo trong xã.
Từ giã chiến trường trở về quê hương, ông Tùng là một thương binh. Ông chứng kiến cảnh các bạn thiếu nhi nghèo trong xã không được đến trường, không được dạy dỗ tử tế nên nói tục, chửi bậy, lại có bạn sa vào trộm cắp … Nghĩ đến bản thân mình ngày trước, ông càng thương các bạn và đi đến quyết định: “Phải giúp chúng thay đổi cuộc đời. Chỉ có cái chữ mới giúp lũ trẻ thoát nghèo!”.
Từ đó, ông Tùng bắt tay vào việc vận động xây trường học cho xã. Ông đề nghị Ủy ban xã cho phép xây trường học và được ủng hộ nhiệt tình. Ông Tùng tự nguyện hiến mảnh vườn nhỏ của mình do ông bà để lại xây trường học. Đất xây trường có rồi, còn kinh phí đâu mà xây dựng? Ông mất ăn, mất ngủ, âm thầm suy nghĩ, trăn trở tìm mọi cách. Nhân dân trong xã biết vậy, mỗi người xin đóng góp một ít cùng ông xây trường. Nhưng quê ông còn nghèo, số tiền quyên góp của bà con chẳng thấm vào đâu. Đã vậy, bà con chỉ quyên góp một lần, hai lần, chứ nhiều cũng … khổ cho họ. Nghe vậy, ông về nhà đốn tre, chia thành ngàn ống, đưa đến từng hộ dân trong xã. Ông kêu gọi mọi người, mỗi tháng bỏ vào ống hai lon gạo. Chỉ hai lon thôi nhưng cũng đóng được vài bộ bàn ghế, vài cái bảng đen…
“Nhưng xã này còn nghèo quá, mà tiền xây dựng trường học bán từ gạo quyên góp thì như muối bỏ biển. Đã góp phần xây dựng quê hương thì phải nghĩ ra nhiều chuyện, phải có nhiều tiền mới xây được trường” – Ông cười …
Rồi ông bắt đầu đi … xin. Lúc đầu, phạm vi của ông là những gia đình khá giả trong xã, trong huyện … Dần dần, ông lên thành phố. Ông nhắm vào những người cùng làng, cùng xã nay làm ăn khấm khá ở các thành phố lớn, vậy mới có thể đủ tiền xây dựng trường. Chiếc xe đạp cọc cạch theo chân ông đi khắp hang cùng ngõ hẻm. Nhiều người không hiểu, cười bảo ông làm chuyện bao đồng; cứ tỉnh, huyện rót kinh phí xuống bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, chứ đi xin kiểu ấy, vừa hành xác, vừa giống … ăn mày. Nhưng ông Tùng quả quyết:
– Mình ăn mày mà đem lại cho lũ trẻ nơi học hành tử tế, có được cái chữ để giúp thân thì chẳng đáng gì!
Sau hai năm, bằng tấm lòng cùng sự chân thành, ông đã thu được kết quả ngoài mong đợi. Không những ông xây được ngôi trường hai tầng khang trang mà còn sửa lại đường xá, cầu cống cho các bạn đến trường thuận tiện.
Nhìn bộ mặt của quê hương thay đổi, khuôn mặt ông Tùng càng thêm rạng rỡ. Tiếng đọc bài của các bạn vang lên hàng ngày làm ông Tùng mãn nguyện. Ông thấy mình như trẻ lại.
Việc làm tốt đẹp của ông Tùng đã góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Đó là việc làm cao cả được mọi người khâm phục và kính trọng.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!