Tưởng tượng một kết thúc khác cho truyện Mị Châu, Trọng Thủy (8
Bài viết số 2 lớp 10 đề 2: Tưởng tượng một kết thúc khác cho truyện Mị Châu – Trọng Thủy gồm dàn ý kèm theo 8 bài văn mẫu, là tài liệu hữu ích dành cho học sinh lớp 10 khi làm bài viết số 2.
Tưởng tượng một kết thúc khác cho truyện Mị Châu – Trọng Thủy giúp các bạn có thêm nhiều tư liệu tham khảo, trau dồi vốn từ, rèn kỹ năng viết văn ngày một hay hơn. Bên cạnh đó các bạn tham khảo thêm nhiều bài văn hay khác tại chuyên mục Văn 10.
Dàn ý tưởng tượng kết thúc khác cho truyện Mị Châu, Trọng Thủy
1. Mở bài:
* Giới thiệu về hoàn cảnh xảy ra câu chuyện:
– An Dương Vương kế tục sự nghiệp dựng nước của 18 đời Hùng vương; đổi tên nước Văn Lang thành Âu Lạc, dời đô từ Phong Châu xuống Phong Khê (Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội ngày nay).
2. Thân bài:
* Diễn biến của chuyện:
– An Dương Vương bắt tay vào việc xây thành, gặp rất nhiều khó khăn.
– Nhờ sứ Thanh Giang (Rùa Vàng) giúp đỡ, sau nửa tháng thì thành xây xong.
– Rùa Vàng cho An Dương Vương một chiếc vuốt để làm lẫy nỏ.
– Triệu Đà mang quân sang xâm lược, An Dương vương có nỏ thần bắn một phát chết hàng vạn giặc nên Triệu Đà thua to, phải rút về nước.
– Triệu Đà giả vờ cầu hòa, rồi cầu hôn cho con trai là Trọng Thuỳ. An Dương Vương chủ quan, mất cảnh giác nên đã mắc mưu.
– Trọng Thuỳ lấy cắp lẫy thần. Triệu Đà tấn công Loa Thành, An Dương Vương mang Mị Châu lên ngựa bỏ chạy về phương Nam.
3. Kết bài:
* Kết thúc câu chuyện:
– Rùa Vàng chỉ đích danh Mị Châu là giặc. An Dương Vương rút gươm toan chém đầu Mị Châu.
– Trọng Thuỷ vừa đuổi theo tới nơi, lấy thân đỡ lưỡi gươm thay cho Mị Châu.
Một kết thúc khác cho truyện Mị Châu, Trọng Thủy – Mẫu 1
Kế tục sự nghiệp dựng nước của 18 vị Hùng vương, An Dương Vương Thục Phán đã đánh tan năm mươi vạn quân Tần xâm lược, đổi tên nước Văn Lang thành Âu Lạc và dời đô từ vùng núi Nghĩa Lĩnh, Phong Châu xuống vùng Phong Khê, hay còn gọi vùng Kẻ Chủ, nay là cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội.
Sau khi dời đô, An Dương vương bắt tay ngay vào việc xây thành nhưng ngặt nỗi cứ ngày xây lên đêm lại đổ xuống, mãi không xong. Nhà vua bèn sai các quan lập đàn để cầu đảo bách thần, xin thần linh phù trợ. Ngày mồng bảy tháng ba năm ấy, bỗng thấy có một cụ già từ thong thả từ phía Đông đi tới, vua lập tức mời vào và hỏi chuyện. Cụ già nói rằng sẽ có sứ Thanh Giang tới giúp nhà vua xây thành rồi ra về.
Sáng hôm sau, có một con rùa lớn nổi lên mặt nước, tự xưng là sứ Thanh Giang, bảo với An Dương Vương rằng muốn xây được thành thì phải diệt trừ hết lũ yêu quái thường hay quấy nhiễu. Nhờ sự giúp đỡ của Rùa Vàng mà chỉ trong vòng nửa tháng, thành đã được xây xong. Thành có hình trôn ốc nên được gọi là Loa thành. Sau ba năm, Rùa Vàng từ biệt ra về. An Dương Vương suy nghĩ về việc giữ nước nên chia tay, ông cảm tạ nói: “Nhờ ơn Thần mà thành đã xây xong. Nay nếu có giặc ngoài đến thì lấy gì mà chống?”. Rùa Vàng nghe vậy, tháo một chiếc vuốt trao cho An Dương Vương, dặn hãy lấy làm lẫy nỏ. Giặc đến, cứ nhằm mà bắn thì sẽ không lo gì nữa. Dứt lời, Rùa Vàng trở về biển Đông. Nhà vua sai một tướng tài là Cao Lỗ chế ra chiếc nỏ lớn lấy vuốt của Rùa Vàng làm lẫy. Đó là nỏ thần Kim Quy.
Ít lâu sau, Triệu Đà đem quân sang xâm lược Âu Lạc. An Dương Vương lấy nỏ thần ra bắn, mỗi phát chết hàng vạn tên giặc. Quân Triệu Đà thất bại thảm hại. Chúng hoảng sợ quay đầu chạy về đến núi Trâu, cầm cự được vài ngày rồi rút về nước. Dân chúng Âu Lạc hân hoan mừng chiến thắng vẻ vang.
Thấy không xâm lược được Âu Lạc bằng cách tấn công, Triệu Đà nghĩ ra âm mưu thâm hiểm khác. Hắn cho con trai Trọng Thủy sang Âu Lạc. Trọng Thủy gặp Mị Châu – con gái yêu của An Dương Vương, hai người đem lòng yêu mến nhau rồi Trọng Thủy cầu hôn. Không chút nghi ngờ, An Dương Vương vui lòng gả con gái cho Trọng Thủy, cho phép hắn được ở rể ngay trong cung.
Trọng Thủy vờ ngạc nhiên như không biết đến nỏ thần, ngỏ ý muốn xem với Mị Châu. Mị Châu nhẹ dạ, lại thực lòng yêu thương, tin tưởng chồng, ngây thơ lấy nỏ cho hắn xem, còn giảng giải cho hắn cấu tạo và cách sử dụng nỏ thần. trở về nước, làm một cái nỏ y hệt rồi quay lại Âu Lạc, nhân lúc An Dương Vương và Mị Châu đã say, lẻn vào đánh tráo.
Một hôm sau đó, Trọng Thủy nói với Mị Châu:
– Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ. Ta nay trở về thăm cha, nếu đến lúc hai nước thất hòa, Bắc Nam cách biệt, ta trở lại tìm nàng, lấy gì làm dấu?
Mị Châu ngây thơ đáp:
– Thiếp có cái áo lông ngỗng thường mặc, khi gặp biến, đi đến đâu sẽ rắc lông ngỗng ở ngã ba đường làm dấu mà tìm nhau.
Trọng Thủy về, Triệu Đà lập tức cất binh sang đánh Âu Lạc. Nghe tin báo quân giặc tấn công, cậy có nỏ thần, An Dương vương vẫn ngồi ung dung đánh cờ. Khi quân Đà tiến sát cổng thành, vua mới sai lấy nỏ thần ra bắn nhưng không linh nghiệm nữa.
Hai cha con vội lên ngựa, nhằm hướng phương Nam mà chạy, nhưng cứ chạy đến đâu quân giặc lại theo dấu lông ngỗng mà đuổi theo đến đó. Ra tới sát bờ biển, An Dương Vương cùng đường bèn kêu lớn: “Sứ Thanh Giang ở đâu mau đến cứu ta!”. Ngay lập tức, Rùa Vàng hiện lên, chỉ tay vào Mị Châu mả nói với An Dương Vương rằng: “Kẻ ngồi sau lưng chính là giặc đó!”.
Hiểu ra cơ sự, An Dương Vương nổi giận, tuốt gươm định chém Mị Châu. Nhưng ngay lúc ấy, Trọng Thủy cũng đuổi tới nơi. Thấy Mị Châu gặp nguy hiểm, hắn vội giương cung. Mũi tên xé gió lao đến làm thanh gươm sắp chạm vào cổ Mị Châu rơi xuống đất. An Dương Vương tức giận nhìn Trọng Thủy rồi theo Rùa Vàng rẽ nước xuống biển. Mị Châu khuỵu chân, lặng nhìn theo cha, nước mắt rơi lã chã. Lòng nàng ngập tràn hối hận về sai lầm của mình. Trọng Thủy xuống ngựa, toan đỡ nàng đứng lên. Nhưng Mị Châu bất ngờ cầm lấy thanh gươm dưới chân mình, chĩa thẳng về phía hắn.
Nàng đau đớn chất vấn:
– Tại sao lại dối gạt ta, dối gạt cha, dối gạt bách tính Âu Lạc? Là ta phụ chàng? Hay là cha đối xử tệ bạc với chàng? Cha và ta đều tin tưởng chàng như vậy, cớ sao lại lợi dụng chúng ta? Chàng là hoàng tử một nước, ta cũng là công chúa Âu Lạc. Tại sao phải tìm mọi thủ đoạn xâm chiếm Âu Lạc? Chàng hại ta nước mất nhà tan, biến ta thành kẻ tội đồ của Âu Lạc. Chàng còn muốn đuổi giết tới cùng cha con ta. Tình nghĩa vợ chồng bao lâu hóa ra bạc bẽo đến vậy.
Trọng Thủy nhìn nàng cười chua xót, một chữ cũng không cách nào giải thích. Nàng đối xử với hắn tốt như vậy, hắn lại khiến nàng đau khổ. Hắn nói:
– Mị Châu, giờ nàng đã không còn nơi nào để đi. Theo ta trở về, ta sẽ bù đắp cho nàng mọi lỗi lầm ta gây ra…
– Trở về? Trở về đâu? Mị Châu ta không phải nữ trung hào kiệt, nhưng khí tiết công chúa của một nước ta vẫn có. Âu Lạc đã mất, dân chúng đã nhà tan cửa nát, cha ta còn không rõ sẽ sống như thế nào, ta sao có thể làm như không có chuyện gì mà hưởng thụ? – Nàng ngắt lời Trọng Thủy
Mị Châu lặng người đứng đó, trong mắt nàng lóe lên sự đau đớn nhưng kiên định. Nàng dùng gươm đâm thẳng vào Trọng Thủy đang đứng trước mặt.
– Thù mất nước không thể bỏ qua. Trọng Thủy, nhân duyên hai ta từ nay chấm dứt. Mị Châu là phản đồ, không thể sống. Chàng khiến trăm nghìn bách tính rơi vào cảnh khốn cùng chiến tranh, thù này ta nhất định phải báo. Kiếp sau, hẹn không gặp lại.
Nói đoạn, Mị Châu rút gươm ra tự sát. Trọng Thủy và Mị Châu cùng ngã xuống, máu chảy xuống lòng đại dương…
Một kết thúc khác cho truyện Mị Châu, Trọng Thủy – Mẫu 2
Dưới Âm ti, tại đại sảnh, Diêm Vương đang xem xét sổ sách thì một tên Quỷ Vô Thường chạy vào, bẩm báo:
– Bẩm Diêm Vương, cô nương Mị Châu vẫn cứ đứng ở bến U Linh. Vậy…vậy… phải xử thế nào, thưa Diêm Vương?
– Mặc nàng ta. Nàng ta đứng chờ tướng công nên cũng không làm gì ảnh hưởng đến Âm ti…
Vương mệt mỏi xua xua tay, ý đuổi tên Quỷ Vô Thường kia đi. Tên quỷ biết ý, không dám làm phiền, khép nép đi ra ngoài. Diêm Vương đứng dậy, bước đến chỗ đặt Bảo Kính, miệng khẽ lẩm nhẩm, chợt trên mặt Bảo Kính hiện ra một bạch y cô nương, xinh đẹp vô ngần nhưng đôi mắt hạnh tràn ngập thê lương. Vương khẽ thở dài. Cô nương đó chính là Mị Châu – công chúa Âu Lạc, xuống Âm ti được hơn một tháng, nhưng vẫn không chịu uống bát canh của Mạnh Bà, bởi nàng đang chờ tướng công.
Sông U Linh là một khúc sông dài nghìn trượng, làn nước trong vắt, không có một gợn sóng, nhưng dưới đáy sông đầy rẫy những linh hồn mắc trọng tội, không thể ngoi lên để đầu thai kiếp khác. Sương khói mịt mờ, khung cảnh ảm đạm thê lương. Ngay gần đó là bóng dáng một người con gái, trên người khoác chiếc áo lông ngỗng trắng muốt, những giọt máu bắn lên vô tình tạo thành những bông hoa đào đỏ tươi, đẹp không nói nên lời. Mái tóc mây dài mềm mượt khẽ bay, bạch y cũng lay động, nhìn nàng như một tiên nữ. Nhưng khuôn mặt lại đờ đẫn vô cảm, thủy mâu lạnh lùng nhìn về phía xa xa. Xung quanh nàng tĩnh mịch, yên ắng đến lạ thường. Bỗng có tiếng nói:
– Tội nhân Trọng Thủy ra bến U Linh. Thời hạn một canh giờ.
Hai tiếng Trọng Thủy vang lên khiến Mị Châu chấn động, rồi ngay lập tức lại khôi phục thần sắc như cũ. Có tiếng bước chân nhè nhẹ đằng sau nàng, rồi một giọng nói trầm ấm quen thuộc:
– Nương tử?
Nàng từ từ quay đầu lại. Đôi mắt lạnh lùng hiện giờ đang long lanh ngấn lệ, nỗi vui mừng hiện rõ trên gương mặt. Nàng nghẹn ngào:
– Tướng công! Đúng là chàng rồi. Thiếp đã chờ chàng như lời đã hứa. Cuối cùng chàng cũng đến khiến ta vui mừng khôn xiết.
Nàng nhìn kĩ Trọng Thủy, chàng vẫn ôn nhu tuấn tú như trước, có điều tiều tụy xanh xao hơn mà thôi. Những ngày tháng êm đềm trước kia như hiển hiện rõ mồn một trước mắt nàng, rồi đến cái ngày định mệnh kia, từng chi tiết dù là nhỏ nhất nàng cũng sẽ mãi mãi vĩnh viễn không bao giờ quên được. Nụ cười như đóa hoa hàm tiếu trên cánh môi nàng vụt biến mất, sự mừng vui hạnh phúc cũng biến mất, chỉ còn lại sự lạnh nhạt xa cách và một tia hận ý lóe lên trong đôi mắt đen kịt. Trọng Thủy thấy thần sắc Mị Châu thay đổi, bèn lo lắng hỏi:
– Nàng làm sao vậy?
Nói đoạn chàng đưa tay định nắm lấy vai nàng. Nhưng chợt nhìn thấy một vòng tròn đỏ tươi trên cổ trắng ngần của Mị Châu, chàng bèn rụt ngay tay lại. Giọng chàng khàn khàn:
– Nàng… nàng vẫn trách ta về việc… việc đó sao?
Mắt Mị Châu vẫn không rời màn sương mờ ảo trên dòng U Linh, trên môi khẽ nở nụ cười nhạt, giọng nàng lạnh như băng tuyết:
– Thiếp không dám trách tướng công. Thiếp là nương tử của chàng, coi chàng là trời. Thân là phận nữ nhi, làm sao mà dám oán thán nửa lời.
Những lời nói của Mị Châu như hàng ngàn, hàng vạn lưỡi đao sắc dày vò tâm can Trọng Thủy. Dọc đường xuống bến U Linh này chàng đã suy nghĩ rất nhiều về những việc làm ngày trước của mình, những tội nghiệt chàng gây ra cho Mị Châu, cho bách tính Âu Lạc. Chàng cũng không dám mong chờ nàng sẽ dung thứ cho mình nhưng cũng không muốn nghe những lời này, từng câu từng chữ như rạch nát tim chàng. Chàng biết chàng không còn tư cách để xin tha thứ, mà chàng cũng chẳng muốn van cầu sự tha thứ từ Mị Châu. Nhưng… Chàng đang do dự, muốn nói vài lời hối hận nhưng rồi nhận ra mình là kẻ tội đồ, giờ có nói gì cũng chỉ là lời nói đầu môi. Hai người im lặng hồi lâu, Mị Châu chợt cất tiếng, giọng nói trong trẻo như hoa, như ngọc nhưng cũng thật lạnh lùng:
– Chàng đang hối hận? Chỉ tiếc rằng đã quá muộn.
Trọng Thủy cứng nhắc gật đầu, hai chân vẫn chôn xuống đất không thể cất bước. Chàng nhìn bóng hình Mị Châu, chợt nhận ra nàng cũng cô đơn, cũng đau khổ biết bao. Đúng, giờ có hối cũng đã muộn! Tiếng quạ kêu từng hồi, từng hồi thê thiết, nghe thật não nề, thê lương. Khung cảnh lại trở nên tĩnh mịch, ngột ngạt đến nghẹt thở. Trọng Thủy lên tiếng trước, phá vỡ bầu không khí im lặng:
– Đúng, ta biết giờ mới hối hận cũng đã muộn. Nàng muốn mắng chửi gì ta cũng cam lòng. Bởi ta biết, tội của ta có chết nghìn lần cũng chẳng thể nào được tha thứ. Rồi chàng bật cười to, tiếng cười chát đắng:
– Ha! Ha! Ha!… Tại sao một kẻ như ta, kẻ đã gieo rắc chết cho bách tính Âu Lạc lại đã từng mong chờ có được sự tha thứ? Lại đã mong chờ nàng sẽ trở về bên ta, sống hạnh phúc trên máu xương của người dân Âu Lạc? Đôi bàn tay vấy máu người dân vô tội này sao còn mong chờ được nắm lấy tay nàng? Ta quả là hồ đồ… Ta đã sai, sai từ đầu tới cuối. Đáng lẽ ta không nên chấp nhận cuộc hôn nhân này. Nếu thế thì nàng cũng không vì ta mà chết, người dân Âu Lạc cũng không vì ta mà chịu cảnh nước mất nhà tan, ta cũng chẳng vì nàng mà đau khổ, mà dằn vặt… Không, không… Như thế thì ta sẽ không gặp được nàng, sẽ không được nghe nàng hát, nàng đàn khúc “Nguyệt tâm”, sẽ không được được thấy nàng nói chuyện, sẽ không được vuốt mái tóc mềm mượt hơn mây.
Chàng nói tới đây bất giác nghẹn lời, nước mắt trào ra, từng giọt lệ rơi xuống miệng chàng. Nước mắt đau khổ. Nước mắt của hối hận. Nước mắt của đau đớn đến tận cùng. Một người như chàng mà cũng khóc ư?
Một kết thúc khác cho truyện Mị Châu, Trọng Thủy – Mẫu 3
Sau khi Triệu Đà chiến thắng An Dương Vương, mặc dù trở thành người anh hùng của dân tộc nhưng Trọng Thủy không thoát khỏi sự dằn vặt của lương tâm vì đã trót lừa dối Mị Châu, người vợ yêu quý của mình. Khi nhớ đến người con gái ấy, chàng lại buồn, ra giếng nước – nơi mà Mị Châu thường tắm để nhớ đến những kỉ niệm về nàng. Một hôm, chàng thấy bóng Mị Châu dưới nước, nàng vẫy tay gọi chàng, chàng thấy đôi mắt to, đen, tròn của người vợ yêu đang nhìn chàng… Trọng Thủy nhảy xuống giếng với hy vọng được gặp Mị Châu, mong được nàng thông cảm và tha thứ cho những việc mà mình đã làm. Nhưng ngờ đâu, đó chỉ là ảo ảnh do Trọng Thủy tưởng tượng ra vì luôn nghĩ về Mị Châu. Khi nhận ra mình đã nhìn nhầm, chàng cũng không ân hận, chàng phó thác số phận cho ông trời định đoạt. Chàng muốn chết để đền tội với Mị Châu.
Về phần Mị Châu, sau khi chết, nàng được Rùa Vàng giúp đỡ cho sống ở Long Cung. Dù sống trong thế giới đầy đủ, sung sướng nhưng những kí ức về Trọng Thủy vẫn không hề nhạt dần theo thời gian… Hằng đêm, nàng khóc, khóc vì một phần do nhớ chồng, nhớ quê hương, đất nước. Khóc cũng vì giận Trọng Thủy đã lừa dối, phản bội mình, khóc vì ân hận đã yêu Trọng Thủy một cách mù quáng. Vì Trọng Thủy mà giờ đây nàng đã là tội đồ của dân tộc. Nhiều lúc, Mị Châu thấy tuyệt vọng vì số phận nàng sao mà bi ai đến thế, nàng buồn cho chính bản thân, may mà nhờ An Dương Vương, Rùa Vàng, Thủy Linh công chúa (con của Long Vương) an ủi, lòng nàng cũng nhẹ bớt… Nhưng mỗi lúc nhớ đến Trọng Thủy, nỗi đau trong tim lại trào dâng, từng dòng lệ cay chảy ra từ khóe mắt nàng…
Thần kim quy thấy tình cảm giữa Mị Châu và Trọng Thủy vẫn còn sâu đậm nên ra tay giúp đỡ, cho hai người gặp lại nhau. Xác Trọng Thủy trôi theo dòng nước đến biển Đông, hồn chàng bay theo gió, thần Kim Quy liền nhập thành một, ban cho khả năng sống dưới nước, báo Trọng Thủy tìm đến được Long cung. Trước mắt chàng là một cơ ngơi đồ sộ, nguy nga, lộng lẫy mà chàng chưa từng thấy. Cổng Long cung được canh gác cẩn thận với đội quân hùng hậu. Trọng Thủy đứng đấy ngước nhìn chưa kịp nói thì bị hai vị Thủy thần gần đó chặn lại, hỏi:
– Tên kia, ngươi là ai? Đến đây làm gì? Có biết đây là chốn long cung uy nghiêm không?
Trọng Thủy mới nghe đã sợ, nhưng vì muốn được gặp vợ, chàng trả lời:
– Thưa hai vị, thần là Trọng Thủy, vợ thần là Mị Châu. Thần đến đây do được thần Kim Quy báo mộng rằng Mị Châu đang ở nơi này.
Rồi chàng thành thật kể lại câu chuyện giữa chàng và Mị Châu, đúng lúc đó, Thủy Linh công chúa đang định đi ra khỏi Long cung, gặp chàng thì nói:
– Đây là bạn ta, các người hãy để chàng vào trong.
Trọng Thủy được Thủy Linh công chúa dẫn đến chỗ Mị Châu. Trong Long cung, khung cảnh thật đẹp. Từng đàn cá bơi lội tung tăng, từng rặng san hô đủ màu sắc, đây đúng là chốn thần tiên. Bỗng, Trọng Thủy thấy mình đang ở một nơi rất đẹp, không gian yên tĩnh. Trước mắt chàng, xa xa là một người con gái với mái tóc dài mượt đang ngồi chơi đàn, tiếng đàn sao mà sầu, bi ai đến thế. Dựa vào hình dáng người con gái, dựa vào mái tóc, vào âm thanh của bản nhạc thì chàng không thể nhầm được. Đó là Mị Châu! Chàng kêu to tên vợ, chạy đến bên vợ, nhưng về phần Mị Châu, nàng sợ, hoảng hốt bỏ chạy. Nàng chạy trốn người đã phản bội mình, Trọng Thủy đuổi theo, bắt được nàng, Mị Châu vẫn im lặng, nhìn Trọng Thủy bằng ánh mắt căm thù, oán giận, lẫn chút nhớ nhung, Trọng Thủy nhận ra điều đó, chàng nói:
– Mị Châu, sao nàng chạy trốn ta, ta biết ta có lỗi, ta đã phải bội nàng, nhưng xin hãy hiểu cho ta, ta không còn lựa chọn nào khác. Là phận con, ta phải tuân lệnh cha, ta biết ta sai. Nhưng nàng chớ hiểu nhầm ta không yêu nàng, đừng nghĩ rằng rằng ta cưới nàng chỉ vì âm mưu xâm lăng.
Mặc dù Trọng Thủy đã xin lỗi chân thành nhưng Mị Châu không nói gì, nàng im lặng ngắm nhìn người chồng bấy lâu nay nàng mong nhớ, cũng là người đã phản bội nàng. Tim Mị Châu đau nhói, nàng không biết làm gì để vẹn đôi đường.
Trọng Thủy lại nói:
– Xin nàng đừng im lặng như vậy. Ta biết bản thân mình đã có lỗi với nàng. Điều đó khiến nàng vô cùng đau khổ. Nàng có thể đánh mắng ta, chứ đừng im lặng.
Trong lúc Trọng Thủy giải thích, Mị Châu lén ngắm chàng. Người chàng ốm yếu, xơ xác đi nhiều lo nghĩ quá nhiều, nàng cũng muốn quay lại với Trọng Thủy nhưng lại sợ. Mị Châu với hai hàng lệ đẫm tuôn trào, nói:
– Trọng Thủy chàng ơi, thiếp biết chàng nói thật, nam nhi đại trượng phu phải đặt sự nghiệp lên đầu. Nhưng mối thù của chúng ta vẫn còn đó. Bây giờ thiếp đã là tội đồ của dân tộc, nếu quay lại tội thiếp nặng gấp bội phần.
– Sau những chuyện đã xảy ra, ta đã nhận ra lỗi lầm của mình. Đi, hãy đi cùng ta đến gặp cha nàng cùng thần Kim Quy, ta sẽ xin cho hai vị cho chúng ta được sống hạnh phúc bên nhau, dù trải qua bao nhiêu gian khổ đi chăng nữa, ta chỉ muốn sống cùng nàng tới bạc đầu. Đầu tiên, Mị Châu lưỡng lự song cũng đồng ý, hai người đến gặp vua cha. Tại đây, An Dương Vương cùng rùa vàng đang đánh cờ nói chuyện. Sau khi nghe kể về đôi trẻ, an dương vương không biết làm sao. Thấy vậy Rùa Vàng liền nói:
– Thôi thì hai con hãy đi cùng ta đến gặp ngọc hoàng, nếu người đồng ý hai con sẽ được như ý muốn, còn không thì Mị Châu chỉ có thể ở lại đây cùng cha nói rồi. Trọng Thủy, Mị Châu được rùa vàng dẫn đến gặp ngọc hoàng, sau khi nghe chuyện, hoàng hậu cảm động rơi lên, xin ngọc hoàng ân xá cho đôi trẻ, nhưng còn tội của hai người thì sao? Ngọc hoàng phán rằng:
– Tuy tình cảm của hai con vẫn còn lưu luyến nhưng tội thì không thể tha thứ, hai con hãy xuống hạ giới làm việc thiện ba năm, sau ba năm sẽ được đầu thai, sống chung với nhau, còn hạnh phúc hay không thì tùy thuộc vào hai con.
Hai người chưa kịp nói lời chia tay thì đã được ngọc hoàng đưa xuống hạ giới. Mị Châu đầu thai vào một gia đình giàu có và vẫn xinh đẹp nết na. Nhưng trái tim của nàng giờ đây mạnh mẽ hơn, nàng hay giúp người, làm việc thiện. Còn Trọng Thủy đã trở thành một anh ngư dân chăm chỉ, tốt bụng. Thời gian trôi qua thật nhanh, mới đó đã ba năm, thời hạn để hai người gặp nhau đã đến. Mị Châu gặp Trọng Thủy, hai người ôm lấy nhau khóc, nước mắt đã xóa đi hết những tội lỗi trước đây, hai người cưới nhau sống hạnh phúc quá đỗi. Lại nhắc đến Triệu Đà, vì con đi lâu mà không thấy về, nhớ con, hắn đổ bệnh mà chết.
Tình yêu mà Mị Châu và Trọng Thủy trao cho nhau vẫn còn sáng chói như ngọc trai được rửa trong giếng nước nơi trọng thuỷ thấy bóng vợ mình. Câu chuyện giữa hai người thật cảm động.
Một kết thúc khác cho truyện Mị Châu, Trọng Thủy – Mẫu 4
An Dương Vương – vua của nước Âu Lạc cho xây thành nhưng ngặt nỗi cứ ngày xây lên đêm lại đổ xuống, mãi không xong. Nhà vua bèn sai các quan lập đàn để cầu đảo bách thần, xin thần linh phù trợ. Ngày mồng bảy tháng ba năm ấy, nhà vua bỗng thấy có một cụ già râu tóc bạc phơ, tay chống cây gậy trúc, thong thả từ phía Đông đi tới trước cổng thành, ngửa cổ mà than rằng: “Xây dựng thành này biết bao giờ cho xong được!”. Mừng rỡ, An Dương vương rước cụ già vào trong điện, kính cẩn hỏi rằng: “Ta đắp thành này đã tốn nhiều công sức mà không được, là cớ làm sao?”. Cụ già thong thả đáp: “Sẽ có sứ Thanh Giang tới cùng nhà vua xây dựng thi mới thành công”. Nói xong, cụ già từ biệt ra đi.
Sáng hôm sau, có một con rùa lớn nổi lên mặt nước, tự xưng là sứ Thanh Giang, bảo với An Dương Vương rằng muốn xây được thảnh thì phải diệt trừ hết lũ yêu quái thường hay quấy nhiễu. Quả nhiên, sau khi Rùa Vàng giúp nhà vua diệt trừ yêu quái thì chỉ khoảng nửa tháng là thành đã xây xong. Thành xây theo hình trôn ốc, rộng hơn ngàn trượng nên gọi là thảnh Ốc hay Loa Thành. Rùa Vàng ở lại ba năm thì ra đi. Lúc chia tay. An Dương Vương cảm tạ nói: “Nhờ ơn Thần mà thành đã xây xong Nay nếu có giặc ngoài đến thì lấy gì mà chống?” Rùa Vàng tháo một chiếc vuốt trao cho An Dương Vương, dặn hãy lấy làm lẫy nỏ. Giặc đến, cứ nhằm mà bắn thì sẽ không lo gì nữa. Dứt lời, Rùa Vàng trở về biển Đông. Nhà vua sai một tướng tài là Cao Lỗ chế ra chiếc nỏ lớn, lấy vuốt của Rùa Vàng làm lẫy. Đó là nỏ thần Kim Quy.
Ít lâu sau, Triệu Đà đem quân sang xâm lược Âu Lạc. An Dương Vương lấy nỏ thần ra bắn, một phát chết hàng vạn lên giặc. Chúng hoảng sợ quay đầu chạy về đến núi Trâu, cầm cự được vài ngày rồi rút về nước. Dân chúng Âu Lạc hân hoan mừng chiến thắng vẻ vang của vị vua tài giỏi.
Thấy không nuốt nổi Âu Lạc bằng phương cách tấn công, Triệu Đà nghĩ ra một âm mưu thâm hiểm khác. Hấn cho con trai là Trọng Thuỷ qua cầu hôn Mị Châu, con gái yêu của An Dương Vương Không chút nghi ngờ, nhà vua vui lòng gả và còn cho phép Trọng Thuỳ được ở rể trong Loa Thành.
Theo lời cha dặn, Trọng Thuỷ ngầm để ý dò xét khắp nơi và rắp tâm phát hiện bằng được bí mật của nỏ thần Mị Châu nhẹ dạ, lại thực lòng yêu thương chồng nên đã đưa Trọng Thuỷ vào tận nơi cất giấu nỏ thần Trọng Thuỷ chế ra chiếc lẫy giống y như thật rồi đánh tráo, thay vuốt Rùa Vàng. Xong việc, Trọng Thuỷ nói với vợ: “Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ. Ta nay trở về thăm cha, nếu đến lúc hai nước thất hòa, Bắc Nam cách biệt, ta trở lại tìm nàng, lấy gì làm dấu?” Mị Châu ngây thơ đáp: “Thiếp có cái áo lông ngỗng thường mặc, khi gặp biến, đi đến đâu sẽ rắc lông ngỗng ở ngã ba đường làm dấu mà tìm nhau”.
Trọng Thuỷ về đến nhà, Triệu Đà lập tức cất binh sang đánh Âu Lạc. Nghe tin báo hàng chục vạn quân giặc đã tràn sang, cậy có nỏ thần, An Dương Vương vẫn ngồi ung dung đánh cờ và cười nói: “Đà không sợ nỏ thần sao?”. Quân Đà tiến sát cổng thành, vua mới sai lấy nỏ thần ra bắn nhưng không linh nghiệm nữa.
Thua trận, hai cha con đành lên ngựa, nhằm hướng phương Nam mà chạy, nhưng chạy đến đâu quân giặc cứ theo dấu lông ngỗng mà đuổi theo đến đó. Ra tới sát bờ biển, An Dương Vương cùng đường bèn kêu lớn: “Sứ Thanh Giang ở đâu mau đến cứu ta!” Ngay lập tức, Rùa Vàng hiện lên, chỉ tay vào Mị Châu mà nói với An Dương Vương rằng: “Kẻ ngồi sau lưng chính là giặc đó!” Hiểu ra cớ sự, An Dương Vương nổi giận, tuốt gươm định chém Mị Châu thì vừa lúc ấy, Trọng Thuỷ cũng đến nơi. Chàng lao vào đỡ nhát kiếm oan nghiệt của An Dương vương thay cho người vợ thân yêu. Bỗng nhiên, mặt nước rẽ ra, Rùa Vàng đón An Dương Vương xuống biển. Mị Châu nước mắt chan hoà, vùng chạy theo cha nhưng những đợt sóng giận dữ tung bọt trắng xóa đã ngăn bước chân nàng. Nàng gục xuống bên xác chồng, nức nở.
Một kết thúc khác cho truyện Mị Châu, Trọng Thủy – Mẫu 5
Truyền thuyết kể rằng vua An Dương Vương xây Loa Thành cứ gần xong lại đổ, bèn lập đàn trai giới, cầu khấn thần linh. Ngày mồng bảy tháng ba, thần hiển linh thành một cụ già từ phương Đông tiến thẳng tới trước cửa thành. Cụ già nhìn thành mà than rằng: “Tiếc cho công sức của biết bao người!” Vua mừng rỡ đón cụ già vào điện, thi lễ và xin cụ già cho biết nguyên nhân vì sao việc xây thành lại chiếm nhiều công sức mà cứ xây xong lại đổ. Cụ già nói với nhà vua là sẽ có sứ Thanh Giang (một sứ giả đến từ dòng sông Xanh linh thiêng) đến giúp. Nói rồi, cụ già từ biệt nhà vua.
Quả nhiên, ngày hôm sau, nhà vua gặp được sứ Thanh Giang. Vị sứ giả này chính là Rùa Vàng (Thần Kim Quy) vật tổ linh thiêng của người Việt. Rùa Vàng đã giúp nhà vua xây thành chỉ nửa tháng là xong. Thành rộng hơn ngàn trượng xây hình trôn ốc nên gọi là Loa Thành (Quy Long Thành, Côn Lôn Thành).
Rùa Vàng ở lại ba năm rồi từ biệt ra về, nhà vua cảm tạ và xin Thần Rùa kế sách giữ nước. Rùa tháo vuốt đưa cho nhà vua để chế làm lẫy nỏ và dặn: “Vận nước suy thịnh, xã tắc an nguy đều do mệnh trời, con người có thể tu đức mà kéo dài thời vận”.
Vuốt Rùa được Cao Lỗ chế làm lẫy nỏ thần có thể bắn một phát trúng cả ngàn tên giặc khiến cho Triệu Đà bao lần xâm lược Âu Lạc đều thất bại phải xin hoà.
Không bao lâu, Đà xin cầu hôn. An Dương Vương gả con gái là Mị Châu cho con trai Đà là Trọng Thuỷ với mong muốn cuộc hôn nhân này sẽ nối lại hoà hiếu bang giao hai nước. Không ngờ cuộc hôn nhân này lại nằm trong mưu đồ xâm lược của Triệu Đà. Trọng Thuỷ sau khi lấy được Mị Châu đã dỗ nàng cho xem trộm nỏ thần rồi ngấm ngầm làm một cái lẫy nỏ khác giống hệt đánh tráo lẫy nỏ làm bằng vuốt Rùa Vàng. Xong việc, Trọng Thuỷ lấy cớ về phương Bắc thăm cha, đem lẫy nỏ thần về phương Bắc cho Triệu Vương. Trước khi đi, Trọng Thuỷ còn đề phòng “Bắc Nam cách biệt” hỏi Mị Châu cách tìm nàng khi có biến. Mị Châu mang áo gấm ra nói rằng nàng sẽ dứt lông ngỗng trên áo rải dọc đường làm dấu.
Trọng Thuỷ về nước, Triệu Đà cất quân đánh Âu Lạc, An Dương Vương chủ quan cậy có nỏ thần nên quân giặc đến gần vẫn điềm nhiên đánh cơ nói cười như không. Đến khi cầm nỏ mới biết lẫy thần đã bị mất, nhà vua lập tức hiểu hết sự tình.
Nhà vua nhìn Mị Châu đầy trách móc, Mị Châu biết tội bèn quỳ xuống xin cha trừng phạt. Không nỡ giết con, An Dương Vương sai người lấy ngựa đem Mị Châu chạy trốn, còn mình thì nhanh chóng tập hợp quân sĩ quyết một phen tử chiến. Khi quân hai bên đánh nhau đến bờ biển, thế giặc mạnh không thể chống đỡ, An Dương Vương cùng đường, gọi: “Sứ Thanh Giang đâu! Mau mau giúp ta!” Rùa Vàng hiện lên, rẽ nước đưa nhà vua xuống Thủy cung.
Triệu Đà chiếm được Loa Thành. Trọng Thuỷ nhớ lời dặn bèn theo vết lông ngỗng mà tìm. Đến bờ biển, Trọng Thuỷ nhìn thấy Mị Châu đang nắm chặt chuôi kiếm đứng đợi. Trọng Thuỷ tiến lại gần, Mị Châu tuốt kiếm chĩa về phía Trọng Thuỷ mà rằng: “Chàng vì nghĩa vụ quốc gia mà trở thành kẻ lừa dối, phản bội. Thiếp vì yêu chàng mà đem trái tim đặt nhầm lên khối óc. Nhưng thiếp thề rằng, tấm lòng thiếp vẫn trong sáng và trung thành với vua cha và xã tắc. Nếu có lòng phản trắc, sau khi chết xin làm mồi cho cá. Ngược lại, xin được làm ngọc trai dưới biển Đông”. Dứt lời, nàng vung kiếm tự vẫn. Trọng Thủy đem xác Mị Châu về chôn cất tại Loa Thành. Xong xuôi, chàng quá ân hận và thương nhớ Mị Châu bèn nhảy xuống giếng tự vẫn.
Người đời sau đem ngọc trai biển Đông về rứa ở giếng nước Trọng Thủy, viên ngọc bỗng sáng khác thường. Cảm thông cho tấm lòng yêu thương vợ của chàng, sự thuỷ chung của Mị Châu, Rùa Thần đã hội tụ hồn và xác của Trọng Thuỷ, dùng nước tạo nên hình hài Mị Châu rồi nhập hồn nàng vào.
Trọng Thuỷ, sau khi được sống lại và được Rùa Thần báo mộng rằng Mị Châu đang ở thuỷ cung, đã ngày đêm bơi lặn tìm nàng. Sau bao khó khăn gian khổ, chàng đã tìm được thuỷ cung. Đến cổng, chàng bị hai thuỷ thần giữ lại và hỏi:
– Nhà ngươi là ai, xuống đây có việc gì! Đây là chốn thanh bình, không cho phép người trần mắt thịt với bản chất xấu xa xuống đây làm nhiễu loạn.
– Thưa hai vị thuỷ thần – Trọng Thuỷ đáp – Sau cái chết của vợ, con vô cùng đau khổ, nhớ nàng da diết, trong lúc tuyệt vọng lầm tưởng bóng nàng ở dưới giếng khơi, con đã nhảy xuống giếng đuổi theo nàng. Sau khi chết con được Rùa Thần cứu sống và báo mộng Mị Châu (vợ của con) đang ở chốn này, con khẩn thiết hai vị cho con được vào.
Nghe những lời nói chân thành của Trọng Thuỷ và cũng được Rùa Thần dặn trước, hai vị thuỷ thần cảm động cho Trọng Thuỷ vào. Vào bên trong, chàng cảm thấy thật ngỡ ngàng, kinh ngạc trước cảnh đẹp còn hơn cả hoàng cung. Trước mặt chàng, cá nối đuôi nhau vui đùa nhảy múa, xa xa là khu vườn đầy loài hoa kỳ là. Ngồi ở trong đó chính là Mị Châu. Vừa nhìn thấy nàng, Trọng Thuỷ đã nhận ra. Nghe lời gọi da diết của Trọng Thuỷ, tình yêu lại trỗi dậy, nhưng nàng không tin được Trọng Thủy có thể tìm được đến đây.
– Mị Châu! – Trọng Thuỷ nói – Xa nàng bao nhiêu lâu nhưng ta vẫn nhung nhớ. Ta ăn không ngon, ngày đêm tưởng nhớ nàng, vì quá yêu nàng mà ta đã lầm tưởng bóng nàng dưới đáy giếng rồi nhảy xuống tự tử. Nay được gặp lại nàng, lòng ta sung sướng biết bao.
Mị Châu đáp:
– Tại sao ngươi lại tìm đến đây? Ta bị ngươi lừa dối trở thành kẻ tội đồ của đất nước. Ta đã không còn giá trị cho ngươi lợi dụng nữa.
Nghe những lời đó, Trọng Thuỷ bỗng nhói đau, xót xa ân hận.
– Nàng ơi! Tình yêu của ta thần linh có thể chứng giám. Ta thật ân hận khi nghe theo lời vua cha. Nhưng nàng hãy hiểu cho ta khi phải lừa dối nàng, lòng ta đau như cắt. Nhưng đó là mệnh lệnh cua cha ta, là áp lực của của cha và của cả thần dân của ta. Ta không thể làm khác được.
Nghe đến đây, Mị Châu mắt ướt lệ, giọng nghẹn ngào:
– Thiếp tin vào tình yêu của chàng, tin rằng những tình cảm trước kia chàng dành cho thiếp là chân thật không giả dối. Thiếp cũng biết một đấng nam nhi phải lấy sự nghiệp, giang sơn của mình làm trọng. Nhưng nếu thiếp vẫn theo chàng thì có lẽ thiếp sẽ bị ngàn đời nguyền rủa, vạn lời phỉ nhổ, muôn đời không dung. Thiếp đã vì tình cảm mà đem đất nước giao cho kẻ địch.
Thanh minh, thuyết phục Mị Châu một hồi mà không được. Trọng Thuỷ đi đến quyết định táo bạo.
– Ta thề rằng sẽ không bao giờ lừa dối nàng nữa. Nếu nàng vẫn chưa hẳn tin ta, vẫn sợ những lời đàm tiếu thì nàng hãy cùng ta đi gặp vua cha của nàng xin người tha thứ và nếu có thể ta và nàng sẽ lên gặp thượng đế xin người cho chúng ta được ở bên nhau.
Mị Châu hơi do dự, sợ sệt nhưng vẫn đồng ý:
– Số phận thiếp đã do trời quyết định, nay chờ vào sự an bài của ông trời vây.
Nói rồi, hai người mạnh dạn tìm gặp An Dương Vương. Ông đang chơi cờ cùng với Rùa Thần. Rùa Thần thấy hai người đi cùng nhau thấy làm vui, An Dương Vương tỏ ý tức giận nhưng trong lòng ông vẫn thương con. Không đợi Mị Châu và Trọng Thủy phân trần, An Dương Vương đã nói:
– Ta khó lòng tha thứ cho các ngươi nhưng nếu ông trời quyết định thì ta chẳng có gì để nói nữa cả.
Trọng Thuỷ, Mị Châu vui cảm tạ An Dương Vương rồi xin Rùa Thần dẫn lên Thiên Đình. Trước mặt Thượng Đế hai người cùng đồng tâm:
– Chúng con là Trọng Thuỷ và Mị Châu, chúng con biết chúng đều gây ra tội lỗi, chúng con rất ân hận và xin cam kết từ nay chúng con sẽ tu tâm tích đức bù đắp lại lỗi lầm của mình. Xin Thượng Đế tha thứ và cho chúng con được ở bên nhau.
Thượng Đế suy nghĩ hồi lâu rồi dõng dạc nói, giọng của người vừa uy nghi vừa vang rền như sấm:
– Tuy các ngươi đã có tội, nhưng đã biết hối cải. Ta cũng động lòng trước tình cảm của hai ngươi nhưng tội lỗi thì khó mà xoá được. Vậy ta phạt hai ngươi xa nhau ba năm tu thân tích đức rồi mới được chung sống với nhau.
Trọng Thuỷ và Mị Châu cảm tạ ân điển rồi xuống trần gian. Ba năm sau họ gặp lại nhau và chung sống vui vẻ hạnh phúc.
Một kết thúc khác cho truyện Mị Châu, Trọng Thủy – Mẫu 6
An Dương Vương sau khi xây xong thành Cổ Loa thì được thần Kim Quy tặng cho một chiếc móng để làm nỏ thần. Nỏ thần giúp vua đánh bại kẻ thù phương Bắc xâm lược. Triệu Đà bị thất bại liền lui quần về chờ cơ hội thích hợp. Ít lâu sau, Triệu đưa con trai mình là Trọng Thủy sang cầu thân với Mị Châu – con gái An Dương Vương. Một thời gian qua đi, khi đã có được lòng tin yêu của Mị Châu, Trọng Thủy bèn dò hỏi chuyện về chiếc nỏ thần và đánh cắp đem về cho cha. Có nỏ thần trong tay, Triệu Đà đem quân sang đánh Âu Lạc. An Dương Vương thấy giặc đến chân thành nhưng vẫn chủ quan vì nghĩ rằng đã có nỏ thần. Thua cuộc, An Dương Vương cưỡi ngựa đem theo Mị Châu tiến về phía biển. Nhưng đi đến đâu thì thấy quân giặc theo đến đấy. Vua cầu cứu thần Kim Quy, thần hiện lên báo rằng: “Giặc ở sau lưng nhà vua đấy”. An Dương Vương tỉnh ngộ, liền rút gươm chém Mị Châu, rồi nhảy xuống biển tự vẫn. Trọng Thủy tìm theo về lông ngỗng thì thấy xác Mị Châu, hối hận mà tử tự.
Trọng Thủy nhảy xuống giếng sâu tử tự nhưng chàng không chết. Lúc tỉnh dậy, chàng thấy mình đã đến một vùng đất xa lạ. Chàng bước đi mà không biết bản thân sẽ đi về đâu. Khi đã đi rất lâu, Trọng Thủy đã thấm mệt thì bỗng nhiên nhìn thấy một ngôi nhà nhỏ. Chàng bèn bước đến rồi gõ cửa. Một bà lão ra mở cửa và hỏi:
– Cậu là ai? Đến đây có việc gì?
Trọng Thủy đáp:
– Tôi là người qua đường, chẳng may lạc đến nơi đây, không biết có thể xin vào nhà ngồi nghỉ một lát được không?
Bà lão tốt bụng mời Trọng Thủy vào nhà, cho chàng uống nước. Bỗng nhiên, Trọng Thủy nhìn thấy chiếc áo lông ngỗng giống như của Mị Châu ở trên ghế. Chàng bèn hỏi bà lão xem trong nhà còn ai. Khi biết được bà còn sống cùng con gái, chàng liền xin bà cho mình được gặp mặt. Bà lão bèn gọi con gái của mình ra.
Trọng Thủy nhìn thấy Mị Châu, chàng vô cùng ngạc nhiên. Mị Châu sửng sốt khi gặp lại Trọng Thuỷ. Nhìn vẻ đau khổ và uất hận còn đong đầy trong đôi mắt đẫm lệ của Mị Châu, Trọng Thuỷ bật khóc, tiếng khóc nghẹn ngào, thống thiết của chàng khiến sỏi đá cũng phải mủi lòng. Trọng Thuỷ đã quỳ xuống, van xin Mị Châu tha thứ cho tội lỗi của mình:
– Nàng ơi! Hy vọng nàng hãy tha lỗi cho ta, ta không thể nào làm khác được, đó là lệnh của vua cha! Ta biết nàng tin yêu ta nên không giấu diếm điều gì, nhưng ta đã lợi dụng sự tin yêu để phản bội nàng.
Mị Châu vẫn im lặng không nói gì. Trọng Thuỷ càng đau khổ và quặn thắt ở trong tim, chàng giãi bày hết nỗi lòng của mình:
– Quả là lúc đầu, ta rắp tâm lừa dối cha con nàng, lừa dối cả đất Âu Lạc, nhưng sau một thời gian chung sống, ta thực sự yêu nàng. Tình yêu của ta thần linh có thể chứng giám nó không hề vụ lợi. Ta thật ân hận khi nghe theo lời vua cha. Nhưng xin nàng hãy hiểu cho ta không thể làm khác được, lòng ta vô cùng bối rối, trong lúc tâm trí hỗn loạn, ta đã có một quyết định sai lầm không thể nào bỏ qua. Nàng có biết không, ta đã phải chịu dày vò, dằn vặt. Lúc ta nhận ra sự nghiệt ngã của chiến tranh phi nghĩa thì đã quá muộn màng. Ta quyết định dùng cái chết để tạ tội. Nghe đến đây, mắt Mị Châu đã ướt lệ, giọng nghẹn ngào:
– Ta đã tin tưởng vào tình yêu của chàng. Nhưng chàng đã nhân tâm lừa dối ta. Mối thù giết cha, cướp nước không thể nào xóa bỏ. Chúng ta cũng không thể quay lại như trước kia được nữa.
Trọng Thủy nghe vậy vô cùng đau xót. Chàng nói với Mị Châu:
– Ta là kẻ có tội, đã tìm đến cái chết một lần nhưng lại may mắn sống sót và được gặp lại nàng để xin lỗi. Nay cũng không mong ước gì hơn. Chỉ xin nàng tiếp tục sống, quên đi quá khứ đau buồn.
Nghe đến đây, Mị Châu đã cảm thấy mềm lòng. Nhưng nàng vẫn không quên đi nỗi đau mất nước, liền nói với Trọng Thủy:
– Mọi việc tuy đã là quá khứ, ta có thể tha thứ cho lỗi lầm của chàng. Nhưng đôi ta không thể trở lại chung sống như xưa. Vậy mong chàng hãy rời đi để từ nay không còn gặp lại.
Trọng Thủy biết rằng ý Mị Châu đã quyết, lại nhận được sự tha thứ từ nàng. Chàng đành nói lời từ biệt với Mị Châu rồi ra đi. Kể từ đó hai người không còn gặp lại nhau. Về phần Triệu Đà, sau khi con trai chết. Vì quá thương nhớ con mà đâm ra sinh bệnh mà chết.
Một kết thúc khác cho truyện Mị Châu, Trọng Thủy – Mẫu 7
An Dương Vương khi xây thành Cổ Loa, xây tới đâu, thành đổ tới đó. Nhờ có thần Kim Quy giúp đỡ mới xây xong. Trước khi từ biệt, thần có tặng cho một chiếc móng dặn làm thành nỏ thần. Nỏ được làm xong, bắn bách phát bách trúng. Bấy giờ Triệu đà ở phương Bắc rắp tâm xâm lược nước ta. Nhưng vì vua nước Âu Lạc có được nỏ thần nên đành phải lui về chờ đợi cơ hội thích hợp. Triệu Đà tìm cách cầu thân cho con trai với Mị Châu. Khi lấy được lòng tin của Mị Châu, Trọng Thủy đã hỏi nàng về bí mật của nỏ thần. Sau đó, Trọng Thủy lấy cớ về thăm cha rồi đánh cắp nỏ thần. Triệu Đà đem quân tiến đánh nước Âu Lạc một lần nữa. Giặc đến chân thành nhưng An Dương Vương vẫn thản nhiên ngồi chơi cờ. Khi giao chiến, nỏ thần không phát huy tác dụng như trước khiến nước Âu Lạc thua trận. An Dương Vương phải đưa Mị Châu chạy trốn về phía biển Đông. Quân giặc đuổi theo, vua được thần Kim Quý báo cho kẻ thù ngay bên cạnh, liền rút kiếm chém chết Mị Châu.
Mị Châu sau khi chết được vua Thủy Tề thương xót giữ lại sống ở dưới thủy cung và nhận làm con nuôi. Trọng Thủy nghe tin vợ chết, hết sức hối hận liền nhảy xuống giếng tự tử. Linh hồn Trọng Thủy sau những ngày lang thang khắp nơi, cuối cùng lạc xuống thủy cung nơi Mị Châu ở.
Trọng Thủy lạc vào thủy cung đúng lúc vua Thủy Tề đang tổ chức tiệc mừng thọ. Thấy có người đột nhất, vua sai linh bắt vào hỏi tội. Trọng Thủy được được giải vào, nhìn thấy Mị Châu – lúc này đang ngồi cạnh vua Thủy Tề thì vô cùng ngạc nhiên.
Vua Thủy Tề liền cất tiếng hỏi:
– Ngươi là ai? Từ đâu lại đến đây?
Trọng Thủy bèn trả lời:
– Thần là Trọng Thủy, con trai của Triệu Đà – vua nước Triệu. Khi còn sống làm quá nhiều việc sai trái nên đã tìm đến cái chết. Thần trên đường đi tìm vợ mình là Mị Châu thì lạc xuống đây, xin người thứ tội.
Vua Thủy Tề nghe xong, vô cùng ngạc nhiên, quay sang hỏi con gái:
– Mị Châu, con và hắn có quen biết nhau sao?
Mị Châu khẽ đưa tay lau nước mắt, đáp:
– Thưa phụ vương, con quả thật có quen biết hắn. Hai bên có mối thù sâu nặng. Hắn đã lừa dối con, lấy cắp bảo vật quốc gia đem về cho cha mình. Cha hắn là Triệu Đà đem quân sang xâm lược đất nước của con. Nay gặp lại ở đây, kính mong phụ vương cho con gặp riêng hắn để giải quyết mối nghiệt duyên này.
Vua Thủy Tề nghe xong, sai người cởi trói cho Trọng Thủy. Vua ra hiệu cho người hầu đi theo Mị Châu để đề phòng xảy ra chuyện. Cả hai im lặng một lúc lâu, Mị Châu mới nói:
– Khi còn sống, ngươi lừa dối và hãm hại ta chưa đủ hay sao mà còn theo ta đến tận đây?
Trọng Thủy nhìn Mị Châu, vẻ mặt đầy ăn năn:
– Kìa Mị Châu, nàng hiểu lầm ta rồi. Từ khi nàng mất đi, ta vẫn luôn tự trách móc bản thân. Nay gặp được nàng ở đây, chỉ mong có thể nói lời xin lỗi với nàng.
Mị Châu quay lại, nhìn Trọng Thủy với ánh mắt đầy giận dữ:
– Ngươi tưởng rằng chỉ một lời xin lỗi là xong ư? Vậy nỗi đau vong quốc, nỗi đau bất nghĩa, nỗi đau bị lừa dối, mỗi ngày mỗi đêm đều như hàng ngàn mũi tên ra sức đâm vào trái tim ta thì làm sao có thể quên đi?
Trọng Thủy liền nắm lấy bàn tay của Mị Châu, rồi nói:
– Ta biết lỗi lầm của ta dù có chịu đâm nghìn nhát kiếm cũng không thể rửa hết tội. Nay ta xin tự hủy đi hồn phách của mình để chuộc lỗi với nàng.
Nói rồi, Trọng Thủy tự hủy đi hồn phách của mình. Mị Châu hốt hoảng đỡ lấy Trọng Thủy. Nước mắt của Mị Châu rơi xuống khuôn mặt của chàng. Mị Châu vừa khóc vừa nói:
– Chàng hà tất phải làm như vậy. Chúng ta đã không thể quay lại như xưa được nữa.
Trọng Thủy mỉm cười nhìn Mị Châu và nói:
– Ta biết chúng ta không thể quay lại như trước. Sau khi chết đi, hồn phách của ta đã đi tìm nàng khắp nơi. Nay đã gặp lại nàng và nói lời xin lỗi, ta không còn ân hận điều gì nữa. Chỉ mong nàng hãy hứa với ta có thể tiếp tục sống tốt.
Mị Châu dù rất đau khổ nhưng vẫn hứa với Trọng Thủy. Sau đó, hồn phách của Trọng Thủy dần tan biến.
Kết thúc khác cho truyện Mị Châu – Trọng Thủy – Mẫu 8
Trong cuộc sống, có những câu chuyện xảy ra rồi mới khiến con người ta nuối tiếc, ân hận. Trước khi nhảy xuống giếng ở Loa Thành tự tử, Trọng Thủy đã nghĩ đến Mị Châu và hối hận như vậy. Lòng chàng thầm nghĩ có thể chuộc tội với nàng, cho đến khi hai người hội ngộ.
Sau khi trợ giúp vua cha chiếm được Âu Lạc, Trọng Thủy không ngừng nhớ tới Mị Châu, lòng đau đớn, xót xa vô cùng. Cho đến một ngày không thể chịu đựng thêm được nữa, chàng quyết định gieo mình xuống giếng trong Loa Thành để sớm đoàn tụ với Mị Châu ở thế giới bên kia. Không ngờ vừa mở mắt ra, Trọng Thủy đã thấy mình đang ở một nơi xa hoa lộng lẫy với đầu ngọc trai lấp lánh. Chàng tự hỏi nơi đây là nơi đâu thì nghe tiếng nói nhẹ nhàng quen thuộc từ phía sau lưng:
– Ngươi là ai? Tại sao lại xuất hiện ở Thủy Cung của công chúa.
Trọng Thủy ngay lập tức quay lưng lại. Chàng sững sờ ngắm nhìn người con gái trước mặt. Nàng mặc bộ váy màu xanh thướt tha, vẫn xinh đẹp như ngày nào. Nàng chính là Mị Châu. Mị Châu không ngờ lại gặp Trọng Thủy ở đây, nàng thấy đau lòng nhớ nhung nhưng vẫn nhanh chân lùi lại, kéo dãn khoảng cách. Trọng Thủy cất tiếng gọi:
– Mị Châu, là nàng đúng không? Cuối cùng ta cũng gặp được nàng. – chàng toan bước đến thì Mị Châu vội can ngăn, giọng nàng lạnh lùng xa cách.
– Xin dừng bước. Ngươi và ta ân nghĩa đã đoạn tuyệt, chúng ta không còn liên quan đến nhau nữa…
Trọng Thủy sững người, chàng chợt nhớ ra những tội lỗi của mình, im lặng một lát, chàng nói:
– Ta biết, ta đã gây ra những sai lầm không thể tha thứ. Sau khi nàng ra đi, ta ân hận vô cùng. Hôm nay ta gieo mình xuống giếng để tự kết thúc cuộc đời mình, muốn đền tội với nàng. Không ngờ lại đến được đây. Ta nghĩ phải chăng cũng là ý trời sắp đặt, những chuyện đã qua không cần nhắc lại. Hai ta dẫu sao đã chết một lần, chuyện kiếp trước không nên nghĩ lại nữa.
– Không. Làm sao có thể bỏ qua. Ngươi là kẻ địch của Âu Lạc, ta là công chúa cũng là tội đồ Âu Lạc. Ngươi khiến ta nước mất nhà tan, không thể trở về cũng không được gặp vua cha nữa. Ngươi khiến nhân dân rơi vào lầm than khốn khổ, ta làm sao có thể làm như không có chuyện gì bỏ qua, vui vẻ sống hạnh phúc nốt kiếp này. – Mị Nương kiên quyết, giọng nàng rõ ràng, không nhân nhượng. Nàng dừng một chút rồi nói tiếp:
– Tội chúng ta gây ra trả hết kiếp này cũng không đủ. Tình nghĩa xưa kia đã không thể nối lại được. Ta và ngươi đã định không thể bên nhau, mong ngươi đừng ôm hi vọng gì nữa. Chúng ta không còn liên quan đến nhau. Ngươi có thể đến tìm thái tử Thủy Cung để trở về hoàng cung của người. Sau này chúng ta sẽ không gặp lại…
Thấy Mị Nương định quay người bước đi, Trọng Thủy vội ngăn lại:
– Nàng hà tất phải kiên quyết như thế!…
– Ta là công chúa nước Âu Lạc, cha ta vì ta dẫn giặc vào nhà mà phải trốn chạy khỏi đất nước của ông, nhân dân của ta vì ta mà khốn khổ. Ngươi hãy hiểu cho thân phận của ta, ta không thể nhắm mắt làm ngơ an hưởng hạnh phúc. Sau này sẽ không gặp lại nhau…
Mị Nương nói xong liền dứt khoát rời đi, tình nghĩa vợ chồng đã đứt từ khoảnh khắc ấy. Nàng không thể ích kỉ thêm một lần nào nữa, dù mọi chuyện đã muộn nhưng nhân dân vẫn chịu cực chịu khổ trên nhân gian. Nàng làm sao có thể bình thản sống vui vẻ bên kẻ thù? Mị Nương quay đi chỉ để lại cho Trọng Thủy một bóng lưng lạnh nhạt, xa cách. Lúc ấy, chàng mới hiểu ra mình đã không thể cứu vãn mối nhân duyên này được nữa. Sám hối thú tội cũng đã quá muộn màng.
Trọng Thủy đứng như chôn hai chân xuống mặt đất, chàng không thể bước đi vì tâm trạng nặng nề đè lên trái tim như tảng đá lớn. Chàng hồi tưởng về những ngày còn hạnh phúc bên Mị Châu và thở dài trong đau đớn, xót xa: nếu như có thể quay ngược thời gian, nếu như…
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!