Khôn và dại…
Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học do tác giả Hoàng Phê làm chủ biên thì: khôn là có khả năng suy xét để xử sự một cách có lợi nhất, tránh được những việc làm và thái độ không nên có; dại là chưa đủ trí khôn, chưa biết suy xét phán đoán. Như vậy, nói đến khôn – dại, tức là nói đến khả năng, hành vi của con người, có nghĩa là ở đâu có con người thì ở đó sẽ có khôn và dại. Cụ Trần Tế Xương từng có thơ: Thế sự đua nhau nói dại khôn/ Biết ai là dại biết ai khôn?
Hình minh họa
Nói đến khôn – dại thì nói không xiết chuyện, có những chuyện nổi đình nổi đám như một số quan to, chức lớn cũng chẳng tránh khỏi cái vòng dại – khôn, có ông phấn đấu cả đời để vênh mày, mở mặt với thiên hạ… ấy vậy mà chẳng hiểu ma xui, quỷ khiến thế nào mà dại thế, không những mất hết chức tước mà còn mắc lao lý vì đủ thứ tội lỗi. Lúc các ông chưa bị phanh phui đưa ra ánh sáng công luận thì ai cũng khen các ông khôn, khen các ông giỏi. Ừ mà khôn thật, không khôn thì làm sao các ông lại diễn giỏi như vậy được, khi chưa mắc lao lý, những ông quan to, chức lớn, Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch tỉnh, tướng, tá… đủ cả, sao các ông giống nhau đến thế, mỗi khi đứng trên diễn đàn nói theo Nghị quyết, rao giảng về phòng chống tham nhũng thì trôi chảy lắm, lại còn nói hay là đằng khác, chỉ đến khi cháy nhà mới ra mặt chuột, đúng là nói một đằng, làm một nẻo.
Có người cho rằng, “dân mình dại lắm, đụng tí là đưa tiền hối lộ cho cán bộ quan chức, như thế là làm hư cán bộ, gây khó khăn cho công tác phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước”? Ô, thế nói vậy thì hóa ra “dân dại” làm hư “quan khôn”, hẳn nào mà mấy ông cán bộ, quan chức kia mới mắc vòng lao lý chứ nhỉ?
Chả là thế này, tại một lớp cao học về Quản lý xã hội, cô giáo dạy môn học về phòng chống tham nhũng, sau một hồi giảng giải về lý thuyết môn học, cô chuyển sang phần thảo luận với học viên về chủ đề phòng chống tham nhũng. Cũng vì thế mà lớp học trở nên sôi nổi với một chủ đề được cho là “nóng” trong xã hội, các học viên được tự do bày tỏ quan điểm của mình về các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong xã hội hiện nay. Phần lớn các học viên đều cho rằng, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước ta đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, được nhân dân đồng tình ủng hộ… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, tình hình tham nhũng lãng phí vẫn còn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện hơn, nhất là tham nhũng vặt gây nhức nhối không nhỏ. Lĩnh vực tài nguyên, đất đai, xây dựng và giao thông vẫn là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều tham nhũng, lãng phí. Ngoài ra, tham nhũng trong đầu tư công, đấu thầu mua sắm công cũng được phanh phui gần đây ở một số lĩnh vực y tế, giáo dục…
Quả là không hề khó khăn đối với các học viên khi được yêu cầu chỉ ra những hành vi tham nhũng tiêu cực trong xã hội. Tuy vẫn có những thứ e ngại không nói ra, nhưng ai cũng hiểu và cho đó là những chuyện tinh tế và nhạy cảm, nhất là công tác cán bộ trong các cơ quan công quyền nhà nước như vấn đề tham quyền cố vị, chạy chức, chạy quyền, chạy tội… nhưng các học viên vẫn chỉ ra không thiếu lĩnh vực nào là không có tiêu cực lãng phí, chẳng qua là mức độ tinh vi hoặc ít hay nhiều mà thôi. Đúng như văn kiện Đại hội Đảng trong nhiều khóa liên tiếp, Đảng ta khẳng định tham nhũng là: “quốc nạn”, là “giặc nội xâm” và lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đẩy mạnh vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Chủ đề thảo luận không có gì mới, vấn đề phòng chống tham nhũng tiêu cực lãng phí vẫn được báo chí, truyền thông nói ra rả hàng ngày, sẽ không có gì đặc biệt cho đến khi có quan điểm cho rằng “dân mình dại lắm”, đụng tí là đưa tiền hối lộ cho cán bộ quan chức, như thế là làm hư cán bộ, gây khó khăn cho công tác phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Nếu nói như cô giáo: “dân mình dại lắm”. Vậy ai khôn ở đây nhỉ? Trong mối quan hệ cán bộ và dân, không nhẽ cán bộ quan chức khôn?
Mặc dù quan điểm “dân mình dại lắm” tuy có tính chủ quan cá nhân và có phần hơi phiến diện nhưng nó trở thành chủ đề gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, đa số ý kiến tranh luận cho rằng, không nên ví von, so sánh khôn – dại với dân mình, bởi dân mình luôn tinh tế, chuẩn mực và “biết cả đấy”, song “vẫn do cơ chế” nên chỉ muốn xong việc nên mới vậy. Quả thật câu chuyện ai khôn, ai dại trong mối quan hệ chủ thể hối lộ và tham nhũng, quả là quá khó cho cả cô và trò, không thể luận giải đến cùng ở khía cạnh khôn – dại để xác định chủ thể trong mối quan hệ giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ trong một buổi học.
Không chỉ riêng chuyện hối lộ, tham nhũng, có lẽ bất cứ việc gì người ta cũng có thể gán với sự khôn và dại, cũng như tranh khôn, tranh dại… ví như chuyện khôn – dại ở công sở thì cũng muôn hình vạn trạng, anh bạn tôi kể, ở cơ quan anh ấy có ông sếp khi nào cũng cho mình là tài giỏi và khôn hơn người, hễ có nhân viên nào góp ý điều gì, việc gì thì ông ấy lại có thái độ dè bửu, xem thường, kiểu như những điều nhân viên nói hay góp ý thì ông ta đều biết cả rồi, ông ta không muốn ai dạy khôn mình. Ông ta luôn cho mình là đúng, ý ông là “ý Chúa”, một khi ông sếp ấy đã muốn điều gì thì nhất nhất không thay đổi, bảo thủ một cách đến cực đoan.
Anh bạn tôi kể, khi công ty anh ấy tổ chức hội họp thì gần như ông ta độc thoại, lên mặt dạy đời chứ chả mấy ai dám có ý kiến, ý cò gì, hầu như cán bộ, công nhân viên đều hiểu rằng nếu có ý kiến thì cũng chả giải quyết được việc gì, không khéo lại chẳng phải đầu cũng phải tai, tốt nhất im lặng cho nó lành. Nếu ai đó có phát biểu thì cũng nói nhăng nói cuội vài ba câu cho vui chứ tội gì “bôi mỡ cho kiến nó đốt”, chọn im lặng là vàng được cho là khôn và vẫn là lựa chọn của nhiều người. Cũng bởi ông Sếp ấy luôn chỉ thích khen, thích nghe một chiều chứ không thích nghe những điều trái ý, nếu ai đó nói ngược thì sẽ bị mọi người cho là “dại”, kiểu gì cũng bị ông ấy trù dập, ông ấy ghét… Cũng vì thế mà đa số cán bộ nhân viên của công ty lựa chọn cách ứng xử được cho là “khôn” theo câu thành ngữ “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Cũng may cơ quan anh bạn tôi là môi trường doanh nghiệp, một công ty quản trị kiểu gia đình, chứ cái kiểu bảo thủ của ông sếp ấy mà ở cơ quan nhà nước thì thật là tệ hại và thiếu dân chủ.
Có biết bao nhiêu câu chuyện khôn – dại mà hằng ngày chúng ta vẫn bắt gặp, người ta thốt về đứa trẻ chơi khôn, nghịch dại; những hành vi chụp ảnh tự sướng ở những nơi nguy hiểm; ghi hình, phát tán hình ảnh trụy lạc, phát ngôn thô tục trên mạng xã hội để câu view câu like; chuyện thị phi công sở cho đến hành vi hối lộ, tham nhũng của cán bộ quan chức… Vẫn biết rằng khôn – dại thường chỉ được kêu than sau những sự việc, hành vi đã xảy ra. Tuy nhiên, nếu mỗi cá nhân đều có ý thức giữ mình trước các chuẩn mực đạo đức xã hội, luôn sống và làm việc tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật thì bản thân mỗi người sẽ không vướng phải những khôn – dại đáng tiếc.
Chữ khôn – dại tưởng rằng chỉ dùng để khen hoặc chê một cá nhân nào đó mà thôi, ấy thế mà cũng phức tạp ra phết, đúng là ở đời chả biết thế nào là dại, thế nào là khôn, trăm năm khôn – dại ở đời, việc hay, việc dở thảy đều kinh qua. Xin được mượn mấy câu thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thay lời kết cho bài viết này, “Ở đời có dại mới lên khôn/ Chớ dại ngu si, chớ quá khôn/ Khôn được ích mình, đừng để dại/ Dại thì giữ phận, chớ tranh khôn/ Khôn mà hiểm độc là khôn dại/ Dại vốn hiền lành, ấy dại khôn”./.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!