Quan điểm của triết học Mác – Lênin về ý thức xã hội và ý nghĩa đối

Theo quan điểm mácxít, về bản chất, ý thức xã hội là sự phản ánh và do tồn tại xã hội quyết định: Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Nước ta hiện nay đang trong quá trình phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Để đạt được mục tiêu này, cùng với việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, chúng ta đồng thời phải xây dựng và phát triển đời sống tinh thần của xã hội mà ý thức xã hội là một bộ phận cấu thành quan trọng.

1. Khái niệm ý thức xã hội đã được C.Mác – Ph.Ăngghen đề cập tới trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức.

Trong tác phẩm, nội dung cơ bản của khái niệm ý thức xã hội được thể hiện rõ ở luận điểm “ý thức không bao giờ có thể là cái gì khác hơn là sự tồn tại được ý thức”(1). Trước khi rút ra kết luận này, C.Mác và Ph.Ăngghen đã giải thích rõ về quan hệ giữa những ý niệm, quan niệm của con người với hoạt động vật chất của họ: “… những quan niệm, tư duy, sự giao tiếp tinh thần của con người xuất hiện ra còn là sản phẩm trực tiếp của các quan hệ vật chất của họ. Đối với sự sản xuất tinh thần, đúng như nó biểu hiện trong ngôn ngữ của chính trị, của luật pháp, của đạo đức, của tôn giáo, của siêu hình học, v.v.. trong một dân tộc thì cũng thế”(2). Những luận điểm này khẳng định, ý thức xã hội là sản phẩm của tồn tại xã hội. Ý thức xã hội bắt nguồn từ tồn tại xã hội, hình thành do nhu cầu của tồn tại xã hội, và đặc biệt, là kết quả tất yếu của hoạt động vật chất có tính xã hội của con người và cũng đáp ứng yêu cầu của tồn tại xã hội một cách tất yếu.

Cùng với khái niệm ý thức xã hội, C.Mác và Ph.Ăngghen cũng bàn đến khái niệm tồn tại xã hội. Theo các nhà kinh điển, tồn tại xã hội là quá trình đời sống hiện thực của con người. Đó là quá trình hoạt động, sinh sống vật chất của các cá nhân cùng với những điều kiện sinh hoạt vật chất của họ. Trong toàn bộ sinh hoạt hiện thực của con người, trước hết các ông nói đến vị trí, vai trò quan trọng quyết định của sản xuất vật chất, đặc biệt là sự sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt. C.Mác và Ph.Ănghen viết: “Sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt của mình, như thế con người đã gián tiếp sản xuất ra chính đời sống vật chất của mình”(3).

Tiếp thu tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, đồng thời trên cơ sở thực tiễn của thời đại và thực tế ở Nga, V.I.Lênin đã phát triển và khái quát thêm nhiều nội dung mới và cụ thể hơn về vấn đề nguồn gốc, bản chất của ý thức xã hội. Trong tác phẩm Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, sau khi phê phán quan điểm sai lầm của Bôgđanốp khi ông ta cho rằng tồn tại xã hội và ý thức xã hội là đồng nhất. V.I.Lênin đã nhấn mạnh: “Tồn tại xã hội và ý thức xã hội không phải là đồng nhất, cũng như nói chung, tồn tại và ý thức không phải là đồng nhất. Con người, khi liên hệ với nhau, đều xử sự với tư cách là những sinh vật có ý thức, nhưng hoàn toàn không thể do đó mà kết luận rằng ý thức xã hội là đồng nhất với tồn tại xã hội”(4). Theo V.I.Lênin, “Trong tất cả những hình thái xã hội ít nhiều phức tạp, và nhất là trong hình thái xã hội tư bản, con người, khi liên hệ với nhau, đều không có ý thức về những mối quan hệ xã hội giữa họ với nhau, hoặc về những quy luật chi phối sự phát triển của những mối quan hệ ấy, v.v.[…] Ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội, đó là học thuyết của Mác. Hình ảnh có thể phản ánh vật thể một cách gần đúng, nhưng ở đây mà nói về sự đồng nhất thì vô lý”(5) và ông đi đến kết luận: “Nói chung, ý thức phản ánh tồn tại, đó là một nguyên lý chung của toàn bộ chủ nghĩa duy vật, và không thể không nhìn thấy mối liên hệ trực tiếp và mật thiết giữa nguyên lý ấy với nguyên lý của chủ nghĩa duy vật lịch sử cho rằng ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội”(6).

Khẳng định ý thức xã hội là sự phản ánh và do tồn tại xã hội quyết định, triết học Mác – Lênin cũng đồng thời nhấn mạnh, ý thức xã hội không phụ thuộc hoàn toàn vào tồn tại xã hội mà nó có tính độc lập tương đối so với tồn tại xã hội. Quan điểm này được thể hiện rõ trong những luận điểm phê phán chủ nghĩa duy tâm khi họ tuyệt đối hóa vai trò của ý thức, ý thức xã hội. Trong Hệ tư tưởng Đức, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra quan niệm duy tâm về lịch sử (thực chất là giải thích sai lệch về mối quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội) của cả phái Hêghen trẻ và phái Hêghen già: “Phái Hêghen trẻ cho rằng những quan niệm, ý niệm, khái niệm, nói chung những sản phẩm của ý thức mà họ gán cho là có một sự tồn tại độc lập, đều là những xiềng xích thật sự đối với con người, – giống như phái Hêghen già tuyên bố rằng chúng là những sợi dây ràng buộc thực sự đối với xã hội loài người, – cho nên dĩ nhiên phái Hêghen trẻ chỉ cần tiến hành đấu tranh chống lại những ảo tưởng đó của ý thức mà thôi. Vì theo họ tưởng tượng, những quan hệ của con người, tất cả mọi hành động và cử chỉ của con người… đều là sản phẩm của ý thức của họ”(7).

Khi bàn về nguyên nhân của tính độc lập tương đối của ý thức xã hội, triết học Mác – Lênin cho rằng, chính sự phân công lao động xã hội là nguyên nhân đầu tiên và chủ yếu nhất. C.Mác và Ph.Ăngghen viết: “Phân công lao động chỉ trở thành phân công lao động thực sự từ khi xuất hiện sự phân chia thành lao động vật chất và lao động tinh thần. Bắt đầu từ lúc đó, ý thức có thể thực sự tưởng tượng rằng nó là một cái gì khác chứ không phải là ý thức về thực tiễn hiện có, rằng nó có thể thực sự đại biểu cho một cái gì đó mà không đại biểu cho một cái gì hiện thực cả; bắt đầu từ lúc đó, ý thức có khả năng tự giải thoát khỏi thế giới và chuyển sang xây dựng lý luận “thuần túy”, thần học, triết học, đạo đức, v.v..”(8).

Một nguyên nhân khác của tính độc lập tương đối của ý thức xã hội là do sự phân chia xã hội thành giai cấp và sự xuất hiện của nhà nước. Vì lợi ích giai cấp mà các giai cấp thống trị sẵn sàng áp đặt ý chí và nguyện vọng của mình vào hoạt động nhận thức cũng như hoạt động sản xuất tinh thần. Chính điều đó làm cho ý thức xã hội ít nhiều mang tính chất chủ quan, không phản ánh đúng thực trạng kinh tế – xã hội.

Ngoài các nguyên nhân trên, trình độ và đặc điểm nhận thức của con người cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự độc lập của ý thức xã hội. Theo Ph.Ăngghen, trong buổi bình minh của lịch sử, do nhận thức thấp kém, con người đã có những quan niệm sai lầm về sự cấu tạo của thân thể họ, về thiên nhiên, về những lực lượng bí ẩn… Những quan niệm sai lầm đó được thể hiện không chỉ trong tôn giáo mà còn cả trong triết học. Trong quá trình phát triển của nhận thức, những quan niệm sai lầm đó được gạt bỏ dần dần, nhưng không phải vì thế mà chúng không còn gây ảnh hưởng đến những giai đoạn nhận thức tiếp theo.

Đọc thêm:  TOP 9 Dàn ý phân tích Chiếc thuyền ngoài xa chi tiết - Download.vn

Cùng với việc chỉ ra nguyên nhân của tính độc lập tương đối của ý thức xã hội, triết học Mác – Lênin đã đưa ra quan điểm về những biểu hiện của tính độc lập tương đối của ý thức xã hội so với tồn tại xã hội.

Thứ nhất, đó là sự lạc hậu của ý thức xã hội so với tồn tại xã hội. Biểu hiện sự lạc hậu của ý thức xã hội so với tồn tại xã hội ở chỗ, nhiều khi tồn tại xã hội đã thay đổi nhưng ý thức xã hội chưa thay đổi kịp và trở nên lạc hậu hơn so với tồn tại xã hội. Trong tác phẩm Ngày mười tám tháng Sương mù của Louis Bonaparte, C.Mác đã viết: “Con người làm ra lịch sử của chính mình, nhưng không phải làm theo ý muốn tùy tiện của mình, trong những điều kiện tự mình chọn lấy, mà là trong những điều kiện trực tiếp có trước mắt, đã cho sẵn và do quá khứ để lại. Truyền thống của tất cả các thế hệ đã chết đè nặng như quả núi lên đầu óc những người đang sống. Và ngay khi con người có vẻ như là đang ra sức tự cải tạo mình và cải tạo sự vật, ra sức sáng tạo ra một cái gì chưa từng có, thì chính trong thời kỳ khủng hoảng cách mạng như thế, họ lại sợ sệt cầu viện đến những linh hồn của quá khứ, lại mượn tên tuổi, khẩu hiệu chiến đấu, y phục của những linh hồn đó, để rồi đội cái lốt đáng kính ấy của người xưa, và dùng những lời lẽ vay mượn đó, để trình diễn màn mới của lịch sử thế giới”(9). Vậy là ở đây, C.Mác đã chỉ cho chúng ta thấy rằng, những người đang sống trong một thời đại nào đó không phải chỉ chịu sự tác động của những quy chế xã hội hiện tại, của luật pháp hiện tại mà đồng thời, còn phải chịu ảnh hưởng từ những tư tưởng của thời đại trước.

Do những tư tưởng, quan niệm, phong tục, truyền thống lạc hậu… vẫn còn tồn tại và trở thành những lực cản cho quá trình xây dựng xã hội mới nên theo V.I.Lênin, một trong những nhiệm vụ cơ bản của Đảng Cộng sản là phải “giúp đỡ việc giáo dục và rèn luyện quần chúng lao động để khắc phục những thói quen cũ, những tập quán cũ do chế độ cũ để lại, những thói quen, những tập quán của người tư hữu đã tiêm nhiễm sâu vào quần chúng”(10).

Thứ hai, sự vượt trước của ý thức xã hội so với tồn tại xã hội. Trong ý thức xã hội có một số bộ phận có thể vượt trước tồn tại xã hội, có khả năng dự báo tương lai, chỉ ra quy luật vận động, phát triển của hiện thực khách quan. Đó chính là các phát minh khoa học, các học thuyết chính trị, đặc biệt là các học thuyết chính trị tiến bộ – khoa học. Trong tác phẩm Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen, C.Mác đã tiến một bước mang ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng thế giới quan khoa học khi ông chỉ ra vai trò vượt trước, tính tiên phong của lý luận. Ông viết: “Giống như triết học thấy giai cấp vô sản là vũ khí vật chất của mình, giai cấp vô sản cũng thấy triết học là vũ khí tinh thần của mình, và chỉ cần sấm sét của tư tưởng đã đánh một cách triệt để vào cái mảnh đất nhân dân còn nguyên vẹn ấy là việc giải phóng người Đức thành con người sẽ hoàn thành […] Đầu não của sự giải phóng ấy là triết học, trái tim của nó là giai cấp vô sản”(11). “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”(12) chỉ đảng nào có được một lý luận tiên phong dẫn đường thì đảng đó mới làm tròn vai trò của một chiến sĩ tiên phong.

Thứ ba, tính kế thừa trong sự phát triển của ý thức xã hội. Trong thư gửi cho C.Sơmít ngày 27 tháng mười năm 1890, khi bàn về tính kế thừa trong lịch sử tư tưởng nhân loại, Ph.Ănghen chỉ rõ rằng, ở Pháp cũng như ở Đức “triết học, cũng giống như sự hưng thịnh chung của nền văn học trong thời đại ấy, cũng là kết quả của một sự phát triển kinh tế”(13) nhưng sự phát triển ấy lại có tính độc lập tương đối của nó và không phụ thuộc hoàn toàn vào sự phát triển kinh tế mà có quy luật phát triển riêng, đó là quy luật về tính kế thừa. Ông viết: “… triết học của mỗi thời đại đều có, với tư cách là tiền đề, một chất liệu tư tưởng nhất định, do những người đi trước nó truyền lại cho nó và nó xuất phát từ chất liệu ấy. Đó là lẽ tại sao những nước lạc hậu về kinh tế vẫn có thể đóng vai trò chủ chốt trong triết học: nước Pháp hồi thế kỷ XVII so với nước Anh là nước có một nền triết học mà người Pháp đã dựa vào, còn sau đó là nước Đức so với cả hai nước trên”(14).

Trong thư gửi cho F.Mêring, sau khi phê phán quan điểm duy tâm, tư biện về nguồn gốc của tư duy, của tư tưởng, Ph.Ăngghen cho rằng: “Trong lĩnh vực của mỗi khoa học, nhà tư tưởng lịch sử (lịch sử ở đây chỉ là một từ tập hợp để chỉ các khái niệm: chính trị, pháp luật, triết học, thần học, – tóm lại để chỉ tất cả những lĩnh vực có liên quan đến xã hội, chứ không đơn giản liên quan đến tự nhiên) có một tài liệu nhất định hình thành một cách độc lập từ sự tư duy của các thế hệ trước và đi qua con đường phát triển độc lập của riêng nó trong não của những thế hệ kế tiếp nhau đó”(15).

V.I.Lênin trong bài Ba nguồn gốc và ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác đã chỉ rõ, trong quá trình phát triển, tư tưởng của nhân loại nói chung, học thuyết Mác nói riêng luôn luôn có tính kế thừa chứ không phải là một sự phủ định sạch trơn. Ông viết: “Học thuyết của ông ra đời là sự thừa kế thẳng và trực tiếp những học thuyết của các đại biểu xuất sắc nhất trong triết học, trong kinh tế chính trị học và trong chủ nghĩa xã hội […] Học thuyết của Mác là học thuyết vạn năng vì nó là một học thuyết chính xác… Nó là người thừa kế chính đáng của tất cả những cái tốt đẹp nhất mà loài người đã tạo ra hồi thế kỷ XIX, đó là triết học Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp”(16).

Tiếp đó, trong Nhiệm vụ của Đoàn thanh niên, V.I.Lênin viết: “Văn hóa vô sản không phải bỗng nhiên mà có, nó không phải do những người tự cho mình là chuyên gia về văn hóa vô sản, phát minh ra. Đó hoàn toàn là điều ngu ngốc. Văn hóa vô sản phải là sự phát triển hợp quy luật của tổng số những kiến thức mà loài người đã tích lũy được dưới ách thống trị của xã hội tư bản, xã hội của bọn địa chủ và xã hội của bọn quan liêu”(17) và “Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản khi biết làm giàu trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng tri thức mà nhân loại đã tạo ra”(18).

Đọc thêm:  4 mẹo học bảng chữ cứng tiếng Nhật - Katakana - Edura

Thứ tư, sự tác động qua lại, sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các hình thái ý thức xã hội

Trong sự vận động và phát triển của mình, các hình thái ý thức xã hội phản ánh các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và luôn luôn có sự tác động qua lại lẫn nhau. Sự tác động này làm cho mỗi hình thái ý thức có những mặt, những tính chất không thể giải thích một cách trực tiếp bằng tồn tại xã hội, bằng các điều kiện vật chất, mà phải bằng tính độc lập t­ương đối của ý thức xã hội so với tồn tại xã hội (đặc biệt là tính kế thừa trong sự phát triển của ý thức xã hội). Đây là vấn đề có tính quy luật. Về điều này, Ph.Ănghen viết rằng: “Sự phát triển của chính trị, pháp luật, triết học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật v.v.. đều dựa trên cơ sở sự phát triển kinh tế. Nh­ưng tất cả chúng cũng có ảnh hưởng lẫn nhau và ảnh hưởng đến cơ sở kinh tế. Vấn đề hoàn toàn không phải là chỉ có hoàn cảnh kinh tế mới là nguyên nhân, chỉ có nó là tích cực còn tất cả những cái còn lại đều chỉ là hậu quả thụ động. Không, ở đây tác động qua lại trên cơ sở tất yếu kinh tế, xét cho cùng bao giờ cũng mở đường đi cho mình”(19).

Thứ năm, sự tác động trở lại của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội. Trong thư gửi cho C.Sơmít ngày 27 tháng mười năm 1890 khi bàn về quan hệ giữa “sự vận động kinh tế” với nhà nước, với pháp luật, với tư tưởng, Ph.Ăngghen cho rằng sản xuất, xét đến cùng là nhân tố quyết định. Tuy nhiên, trong những giới hạn nhất định, “quan điểm tư tưởng” có thể làm “thay đổi cơ sở kinh tế”. Ông viết: “Sự phản ánh của các quan hệ kinh tế dưới dạng các nguyên tắc pháp luật cũng tất yếu đặt lộn ngược những quan hệ đó. Quá trình phản ánh này diễn ra ngoài ý thức của con người đang hành động; nhà luật học tưởng tượng rằng mình vận dụng những nguyên lý tiên nghiệm, mà đó chỉ là sự phản ánh của các quan hệ kinh tế. Như vậy, tất cả đều bị lộn ngược. Còn sự xuyên tạc đó – chừng nào nó chưa bị bóc trần – là cái mà chúng tôi gọi là quan điểm tư tưởng, đến lượt mình, nó tác động trở lại đến cơ sở hạ tầng kinh tế và có thể biến đổi cơ sở hạ tầng ấy trong những giới hạn nhất định… ”(20).

Không chỉ có pháp luật tác động đến cơ sở kinh tế, mà ngay cả hệ tư tưởng chính trị, thông qua thiết chế xã hội tương ứng với nó là nhà nước cũng tác động trở lại kinh tế. Cũng trong bức thư này, Ph.Ăngghen đã viết: “Tác động ngược trở lại của quyền lực nhà nước đối với sự phát triển kinh tế có thể có ba loại. Nó có thể tác động cùng hướng – khi ấy sự phát triển diễn ra nhanh hơn; nó có thể tác động ngược lại sự phát triển kinh tế – khi ấy thì hiện nay ở mỗi dân tộc lớn, nó sẽ tan vỡ sau một khoảng thời gian nhất định, hoặc là nó có thể cản trở sự phát triển kinh tế ở những hướng nào đó và thúc đẩy sự phát triển ở những hướng khác. Trường hợp này rốt cuộc dẫn đến một trong hai trường hợp trên. Tuy nhiên, rõ ràng là trong trường hợp thứ hai và thứ ba, quyền lực chính trị có thể gây tác hại rất lớn cho phát triển kinh tế và có thể gây ra sự lãng phí to lớn về sức lực vật chất”(21).

2. Việc tìm hiểu và nhận thức sâu sắc, có hệ thống những quan niệm của triết học Mác – Lênin về ý thức xã hội có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình xây dựng ý thức xã hội mới Việt Nam hiện nay

Theo quan điểm mácxít, về bản chất, ý thức xã hội là sự phản ánh và do tồn tại xã hội quyết định, do đó, để xây dựng ý thức xã hội mới Việt Nam, trước hết cần phải tiếp tục đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Quá trình CNH, HĐH chính là nhằm tạo nền tảng vật chất cho sự hình thành và phát triển của ý thức xã hội mới. Ở nước ta, sự tồn tại của xã hội nông nghiệp cổ truyền theo phương thức sản xuất châu Á đã kéo dài hàng nghìn năm. Đó là nền sản xuất mang tính chất tự cấp, tự túc được tiến hành theo kinh nghiệm; công cụ thủ công, thô sơ, lạc hậu; có tính chất phân tán, khép kín… Nền sản xuất với những đặc điểm như vậy đã trở thành cơ sở quan trọng nhất để hình thành nên những quan điểm, tư tưởng, thói quen, phong tục… của con người Việt Nam. Vì vậy, muốn xây dựng ý thức xã hội mới thì nhiệm vụ quan trọng có tính nền tảng là cần phải xóa bỏ nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu. Ngay từ Đại hội III (năm 1960), Đảng ta đã khẳng định, muốn đưa nước ta thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu cần phải tiến hành quá trình công nghiệp hóa. CNH, HĐH là quá trình thay đổi căn bản phương thức sản xuất trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân để đạt năng suất lao động xã hội cao, và kết quả của nó là sự chuyển đổi nền kinh tế sản xuất nhỏ, lạc hậu thành nền sản xuất lớn, công nghiệp hiện đại.

Trong điều kiện hiện nay, cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng ta nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…”(22). Quá trình này tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật làm thay đổi những điều kiện kinh tế cũng như tạo ra cơ sở và môi trường xã hội để thay đổi tư duy, nếp nghĩ, thay đổi thói quen, lối sống… của từng cá nhân và cả cộng đồng xã hội. Đồng thời, chủ thể của quá trình CNH, HĐH chính là con người. Cho nên, khi tham gia vào quá trình CNH, HĐH, thực tiễn của quá trình này đòi hỏi những con người đó buộc phải thay đổi, phải từ bỏ những tư tưởng, thói quen, nếp nghĩ, tập quán… cũ, không còn phù hợp để hình thành nên những tư tưởng, quan điểm, lối sống… mới, đáp ứng được yêu cầu của đời sống kinh tế – xã hội hiện nay.

Thứ hai, cần coi trọng việc đấu tranh ngăn ngừa, khắc phục tàn dư tư tưởng, phong tục, tập quán lạc hậu. Quan điểm triết học Mác – Lênin đã chỉ rõ, sự lạc hậu trong quá trình phát triển của ý thức xã hội là điều không tránh khỏi. Ở nước ta hiện nay, sự tồn tại của những tư tưởng, phong tục, tập quán lạc hậu vẫn còn khá phổ biến, với những biểu hiện như trọng nam khinh nữ, gia trưởng…; là sự tồn tại của tâm lý tiểu nông với biểu hiện rất đa dạng như thói tự do, tùy tiện, tâm lý “ăn xổi, ở thì”, thiếu nhìn xa, trông rộng…; của tâm lý làng xã, biểu hiện ở thói cục bộ địa phương cũng như những tư tưởng, thói quen, tập quán tiêu cực được hình thành trong thời kỳ tập trung bao cấp… Những tư tưởng, phong tục, tập quán lạc hậu này vẫn đang tác động tới đời sống xã hội. Do vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của việc xây dựng đời sống tinh thần nói chung và ý thức xã hội mới nói riêng hiện nay ở nước ta là tiến hành đấu tranh hạn chế và khắc phục các loại hình tư tưởng, phong tục, tập quán cũ, lạc hậu đó. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm… chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hoá cao và đời sống tươi vui hạnh phúc”(23). Tuy nhiên, do những tư tưởng, phong tục, tập quán này đã tồn tại lâu dài, đã len lỏi vào những khía cạnh sâu xa trong đời sống xã hội cũng như ở mỗi con người nên quá trình khắc phục những biểu hiện tiêu cực không hề đơn giản mà là cả một quá trình khó khăn, lâu dài. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) cũng xác định: “Từng bước hạn chế, tiến tới xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu”(24) chứ không thể nhanh chóng xóa bỏ ngay được các hủ tục, tập quán đó.

Đọc thêm:  Bảng chữ cái tiếng việt nghệ thuật sử dụng viết ... - Bút mài thầy ánh

Thứ ba, phải chú ý kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, tinh hoa văn hóa của nhân loại. Nhận thức sâu sắc quan điểm mácxít về tính kế thừa trong sự phát triển của ý thức xã hội, trong quá trình lãnh đạo xây dựng nền văn hóa nói chung, ý thức xã hội nói riêng, Đảng ta đã luôn chú ý kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống. Từ Đề cương văn hóa Việt Nam (năm 1943), Đảng đã khẳng định, nền văn hóa mới là nền văn hóa phải bảo đảm tính dân tộc, tức là phải kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc. Quan điểm này tiếp tục được khẳng định trong suốt quá trình tiến hành xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, dưới tác động của quá trình hội nhập quốc tế, đặc biệt là toàn cầu hóa, Đảng ta khẳng định, phải đặc biệt quan tâm “Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam”(25). Muốn hoàn thành tốt công việc này, chúng ta cần phải biết phân biệt những giá trị tích cực và những yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp của truyền thống, của quá khứ; phải biết cải biến, chuyển hóa các yếu tố tích cực cũ để phù hợp với điều kiện tồn tại mới… Hơn nữa, quá trình kế thừa trong xây dựng ý thức xã hội mới ở nước ta hiện nay không đơn thuần chỉ là kế thừa các giá trị truyền thống dân tộc mà đòi hỏi cần kế thừa, tiếp thu các giá trị tinh thần của thế giới làm để làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ, cần “Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam”(26). Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển đời sống tinh thần xã hội mà còn đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Thứ tư, chú ý phát huy vai trò của ý thức xã hội mới Việt Nam hiện nay.

Triết học Mác – Lênin khẳng định, ý thức xã hội có thể tác động mạnh mẽ trở lại sự phát triển của tồn tại xã hội. Do đó, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, việc phát huy vai trò của ý thức xã hội mới có ý nghĩa rất quan trọng. Phát huy vai trò của ý thức xã hội mới hiện nay là tổng hợp những biện pháp, cách thức làm cho ý thức xã hội mới được ăn sâu, bám rễ, thẩm thấu vào đời sống tinh thần, tư tưởng, đạo đức, lối sống của nhân dân. Với hạt nhân tư tưởng là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, có thể nói, ý thức xã hội mới đóng vai trò quan trọng nhất trong việc định hướng tư tưởng, văn hóa xã hội; góp phần xây dựng đạo đức, lối sống mới, tiến bộ cho nhân dân trong bối cảnh sự suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân hiện nay đang có những diễn biến nghiêm trọng; góp phần đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch đang chống phá Đảng và Nhà nước, công kích, xuyên tạc nhằm bác bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng ta là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tóm lại, trong hệ thống lý luận của triết học Mác – Lênin, vấn đề ý thức xã hội là một nội dung quan trọng góp phần tạo cơ sở lý luận cho quan điểm duy vật về lịch sử, và cùng với học thuyết giá trị thặng dư, đã trở thành hai phát kiến vĩ đại của chủ nghĩa Mác. Nhận thức sâu sắc những vấn đề lý luận về ý thức xã hội của triết học Mác và vận dụng hợp lý chúng trong xây dựng ý thức xã hội mới nói riêng và đời sống tinh thần nói chung sẽ góp phần thiết thực vào thành công của công cuộc xây dựng đất nước theo định hướng XHCN.

__________________

(1), (2), (3), (7), (8) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.37, 37, 29, 27, 45.

(4), (5), (6) V.I.Lênin: Toàn tập, t.18, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.400, 400, 400.

(9) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1993, tr.145.

(10), (17), (18) V.I.Lênin: Toàn tập, t.41, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.474, 361, 362.

(11) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập,t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.589-590.

(12) V.I.Lênin: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.30.

(13), (14), (20), (21) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.682, 681-682, 680, 678.

(15), (19) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.39, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.133, 271.

(16) V.I.Lênin: Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.49-50.

(22), (24) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.104, 135.

(23) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.92.

(25), (26) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.143, 147.

TS TRẦN SỸ DƯƠNG

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button