Bài: Một người Hà Nội – Nguyễn Khải – Hoc247.vn

I. Tìm hiểu chung:

1. Tác giả Nguyễn Khải:

– Nguyễn Khải (1930 – 2008), sinh tại Hà Nội nhưng sống ở nhiều nơi.

– Ông viết văn từ năm 1950.

– Cách mạng tháng Tám thành công, ông đến với cách mạng, tự nguyện dùng ngòi bút phục vụ hai cuộc kháng chiến của dân tộc.

– Trước năm 1975, sáng tác của Nguyễn Khải mang đầy ắp cảm hứng chính luận, chuyên đề cập đến các vấn đề thời sự, chính trị, đạo đức, cách mạng để bàn luận, đánh giá sự kiện, con người. Tác phẩm tiêu biểu: “Mùa lạc”(tập truyện ngắn), “Người trở về”(tập truyện vừa)…

– Sau năm 1975, sáng tác của ông chuyển sang cảm hứng triết luận, đánh dấu một bước phát triển trong tư duy nghệ thuật của nhà văn- soi xét đối tượng dưới góc độ văn hóa, lịch sử, triết học. Tác phẩm tiêu biểu: “Cha và con, và…”(tiểu thuyết), “Một người Hà Nội”(tập truyện ngắn)…

2. Tác phẩm “Một người Hà Nội”:

– Sáng tác năm 1990.

– Phát hiện vẻ đẹp trong chiều sâu tâm hồn, tính cách con người Việt Nam qua bao biến động, thăng trầm của đất nước.

II. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN:

1. Hình tượng nhân vật bà Hiền:

2. Giới thiệu chung về nhân vật.

– Tác giả đã giới thiệu bà Hiền bằng tình cảm quý mến: “Chúng tôi gọi là cô, cô Hiền, là chị em đôi con dì ruột với mẹ già tôi”. => Lối dẫn dắt giản dị, tự nhiên => Tăng tính chân thực và sức thuyết phục của truyện.

– Trong suy nghĩ của nhân vật “tôi”, “cô Hiền đích thị là tư sản”:

+ Xuất thân trong một gia đình giàu có, lương thiện: mẹ buôn nước mắm, bố đậu tú tài, mê văn thơ, dạy con cái theo khuôn phép nhà quan. bà Hiền xinh đẹp, thông minh, được gia đình cho phép mở phòng tiếp khách văn chương, gọi là xa lông văn học.

+ Căn nhà của bà tọa lạc ngay tại một đường phố lớn, trang phục cũng sang trọng quá, cái ăn cũng không giống số đông…

+ Bà Hiền vừa tìm cách thích ứng với cuộc sống mới, vừa biết giữ gìn nếp sống và cách nghĩ riêng của mình.

b. Tính cách.

* Nhà văn đã đặt nhân vật trước những biến cố lớn của đất nước. Đồng thời, ông đã tập trung vào việc kể về cách sống, cách ứng xử của bà Hiền trong mối quan hệ với người thân, với bạn bè, từ góc nhìn văn hóa, ông đã khám phá và thể hiện những nét đẹp trong tính cách của nhân vật vô cùng đặc sắc và sinh động:

– Một người phụ nữ sắc sảo và tinh tế: Sau khi kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, bà Hiền vừa tìm cách thích ứng với chế độ mới, vừa biết giữ gìn nếp sống và cách nghĩ riêng của mình.

+ Bà mạnh dạn, thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ của mình trước những điều chưa hợp lí của chế độ mới: bà không thích cách gọi nhau bằng “đồng chí” của những người trong gia đình. Bà không thích cách chính phủ can thiệp nhiều vào những việc vặt vãnh của đời sống nhân dân. Bà nói: “Vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều, phải nghĩ đến làm ăn chứ!”

+ Với những người giúp việc, bà Hiền coi họ như người nhà, tình nghĩa như người trong họ.

+ Với thời cuộc, bà Hiền cũng bộc lộ rõ ràng thái độ của mình. Lúc người cháu hỏi bà về thành phần giai cấp, về chuyện tại sao bà không phải đi học tập cải tạo…thì bà cười rất tươi: “Tao chưa đủ tiêu chuẩn”, rồi thản nhiên: “tao có bộ mặt rất tư sản, nhưng lại không bóc lột ai cả thì làm sao thành tư sản được.”

Đọc thêm:  Bài văn mẫu Nghị luận về ý kiến: Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành t

– Một người phụ nữ thông minh, quyết đoán có đầu óc thực tế và rất giỏi tính toán:

+ Mọi việc bà làm đều có sự tính toán trước: Sau ngày Hà Nội giải phóng, bà có hai dinh cơ, năm 1956, bà bán ngôi nhà ở Hàng Bún… , chồng muốn mua máy in, bà liền hỏi: “ông có đứng máy được không? ông có sắp chữ được không?… ông muốn làm một ông chủ dưới chế độ này à?”. Người chồng tính vốn nhát nên rút lui ngay trước những câu hỏi dồn dập nhưng rất thức thời của vợ. Bà nói: “Chú tuy chưa già nhưng đành để ngồi chơi, các em sẽ đi làm cán bộ, tao sẽ phải nuôi một lũ ăn bám, dầu họ có đủ tài để không phải sống ăn bám”.

+ Bà Hiền đã tính là làm, đã làm là không để ý đến những lời đàm tiếu của thiên hạ. Bà tuyên bố thẳng thừng: “Một đời tao chưa từng bị ai cám dỗ, kể cả chế độ”: việc hôn nhân, việc sinh con.

– Một người phụ nữ chu toàn mọi việc, như một “nội tướng” trong gia đình:

+ Bà Hiền đặc biệt quan tâm, coi trọng vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Theo bà, người phụ nữ không chỉ là nội trợ mà còn là “nội tướng”.

+ Gần 30 tuổi, bà mới lấy chồng, không lấy quan mà chẳng hứa hẹn gì với đám văn nhân tài tử. Bà chọn một anh giáo Tiểu học đứng đắn, hiền lành để kết bạn trăm năm=> Bà có thái độ nghiêm túc với hôn nhân, đặt trách nhiệm nuôi dạy con cái lên hàng đầu.

+ Việc sinh con: chấm dứt vào tuổi 40. Với bà, trách nhiệm quan trọng của bậc làm cha mẹ là tạo dựng nhân cách và chuẩn bị cho con cái một tương lai tốt đẹp. Tình thương con của bà Hiền là tình thương sáng suốt của một người mẹ có tầm nhìn xa trông rộng.

+ Bà quan tâm, dạy dỗ con cái từ khi còn nhỏ, từ những chuyện nhỏ. Khi ngồi vào bàn ăn, bà thường chú ý sửa chữa cách ngồi, cách cầm bát đũa, cách múc canh, cả cách nói chuyện trong bữa ăn. Bà không coi những chuyện ấy là vặt vãnh mà là văn hóa con người. Hơn thế, đó là văn hóa của người Hà Nội. Bà khuyên con cháu: “Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng, nói năng phải có chuẩn, không được sống tùy tiện, buông tuồng.”

+ Bà dạy con cháu phải biết tự trọng, biết xấu hổ, biết giữ nhân cách. Đây là nền tảng cơ bản để sau này trưởng thành có khả năng tự lập.

– Một con người giàu lòng tự trọng, một con người sống có trách nhiệm:

+ Vẻ đẹp của bà Hiền còn là vẻ đẹp của một nhân cách sống cao thượng, vẻ đẹp của con người Hà Nội luôn coi lòng tự trọng là thước đo phẩm giá của mình. Lòng tự trọng ấy được thể hiện rõ nét nhất qua câu chuyện của bà về hai người con đi bộ đội. Khi anh Dũng xin đi bộ đội vào Nam chiến đấu, bà nói với nhân vật “tôi”: “Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn bè. Nó dám đi cũng là biết tự trọng”. Đến lượt đứa con thứ hai lên đường bà cũng nói “Tao không khuyến khích cũng không ngăn cản, ngăn cản tức là bảo nó tìm con đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó”. Bà muốn sự công bằng như bao bà mẹ khác “Tao cũng muốn sống bình đẳng với các bà mẹ khác, hoặc sống cả, hoặc chết cả, vui lẻ có hay hớm gì”.

Đọc thêm:  Công thức Thể tích hình hộp Chữ Nhật & Cách tính đơn giản 2023

+ Là người mẹ ai mà không yêu con, không muốn con gặp gian nguy, bất trắc nhưng ở đây bà Hiền muốn dạy con đừng bao giờ sống đớn hèn, sống bám vào sự hi sinh của người khác là sống đáng hổ thẹn. Lòng tự trọng không cho phép con bà sống hèn nhát, ích kỷ. Ở đây bà còn hiện lên vẻ đẹp của người mẹ thời chiến có ý thức trách nhiệm với đất nước với dân tộc, biết sẻ chia trước đau thương mất mát của biết bao người mẹ khác. Lòng tự trọng giúp con người ta sống có trách nhiệm với cộng đồng. Ở bà Hiền, lòng tự trọng của cá nhân đã hòa vào lòng tự trọng của dân tộc. Đây là một cách ứng xử rất nhân bản.

– Một con người luôn lưu giữ những nét đẹp của người Hà Nội, luôn nuôi dưỡng niềm tin vào cuộc sống.

+ Dù cơn lốc thị trường làm xói mòn đi nếp sống của người Hà Nội ngàn năm văn vật nhưng nó không làm lay chuyển được ý thức của con người luôn tin vào giá trị văn hóa bền vững của Hà Nội không thể mất đi. Bà Hiền vẫn lau đánh cái bát bày thủy tiên, phòng khách của bà nhiều năm vẫn không hề thay đổi. Bà quan niệm rằng “Với người già, bất kể ai, cái thời đã qua luôn là thời vàng son, mỗi thế hệ đều có thời vàng son của họ. Hà Nội thì không thế. Thời nào nó cũng đẹp, một vẻ đẹp riêng cho mọi lứa tuổi”. Đấy chính là niềm tin mãnh liệt vào những giá trị cổ truyền.

+ Nhà văn còn đem hình ảnh cây si cổ thụ vào phần cuối của truyện với thái độ ngợi ca nhân vật với sự trân trọng những giá trị tâm linh. Cây si bật gốc đổ lên mái đền Ngọc Sơn nhưng nhờ vào tình yêu và niềm tin của con người mà nó đã sống lại. Sự sống lại cây cổ thụ là niềm lạc quan tin tưởng của tác giả vào sự phục hồi những giá trị tinh thần của Hà Nội.

+ Những giá trị văn hóa bền vững sẽ không mất đi, nhà văn ao ước những giá trị ấy sẽ hóa thân vào hiện tại “Một người như cô phải chết đi thật tiếc, một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ lung linh chói sáng những ánh vàng”.

2. Các nhân vật khác:

a. Nhân vật “tôi”: Thấp thoáng sau những dòng chữ là nhân vật “tôi”. Đó là một người đã chứng kiến và tham gia vào nhiều chặng đường lịch sử của dân tộc. Trên những chặng đường ấy, nhân vật “tôi” đã có những quan sát tinh tế, cảm nhận nhạy bén, sắc sảo, đặc biệt là về nhân vật cô Hiền, về Hà Nội và người Hà Nội. Ẩn sâu trong giọng điệu vừa vui đùa, khôi hài, vừa khôn ngoan, trải đời là hình ảnh một người gắn bó thiết tha với vận mệnh đất nước, trân trọng những giá trị văn hóa của dân tộc. Nhân vật “tôi” mang hình bóng Nguyễn Khải, là người kể chuyện, một sáng tạo nghệ thuật sắc nét đem đến cho tác phẩm một điểm nhìn trầm thuật chân thật, khách quan và đúng đắn, sâu sắc.

Đọc thêm:  Top 10 Bài văn phân tích truyện "Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng" hay nhất

b. Nhân vật Dũng: Người con trai đầu của cô Hiền. Anh đã sống đúng với những lời mẹ dạy về cách sống của người Hà Nội, cùng với những thanh niên ưu tú của Hà Nội lên đường hiến dâng tuổi xuân của mình cho đất nước. Dũng, Tuất và tất cả những chàng trai Hà Nội ấy đã góp phần tô thắm thêm cốt cách tinh thần của người Hà Nội, phẩm giá cao đẹp của con người Việt Nam.

c. Những nhân vật khác: Bên cạnh những người Hà Nội có phẩm cách cao đẹp, còn có những người tạo nên “nhận xét không mấy vui vẻ” của nhân vật “tôi” về Hà Nội. Đó là “ông bạn trẻ đạp xe như gió” đã làm xe người ta suýt đổ lại còn phóng xe vượt qua rồi quay mặt lại chửi “tiên sư cái anh già”…, là những người mà nhân vật “tôi” quên đường phải hỏi thăm…Đó là những “hạt sạn của Hà Nội”, làm mờ đi nét đẹp tế nhị, thanh lịch của người Tràng An.Cuộc sống của người Hà Nội nay cần phải làm rất nhiều điểm để giữ gìn và phát huy cái đẹp trong tính cách người Hà Nội.

3. Hình ảnh cây si cổ thụ:

– Câu chuyện về cây si cổ thụ đã nói lên quy luật bất diệt của sự sống.

– Cây si cũng là một biểu tượng nghệ thuật, một hình ảnh ẩn dụ về vẻ đẹp của Hà Nội: có thể bị tàn phá, bị nhiễm bệnh nhưng vẫn là một người Hà Nội với truyền thống văn hóa đã được nuôi dưỡng suốt trường kì lịch sử, là cốt cách, tinh hoa, linh hồn của đất nước.

III. TỔNG KẾT:

– Làm nên thành công của tác phẩm nói chung và xây dựng nhân vật bà Hiền nói riêng là nhờ vào ngôn ngữ kể chuyện đặc sắc, có tính cá thể hóa. Nhà văn ít miêu tả, chủ yếu là kể, kể bằng quan sát, phân tích và bình luận sắc sảo giàu ý nghĩa. Giọng điệu trần thuật mang tính trải đời, tự nhiên, trĩu nặng suy tư, giàu chất khái quát, đa thanh, mang đậm yếu tố tự truyện qua “cái tôi”, giọng kể tự tin xen lẫn hoài nghi, tự hào xen lẫn tự nhiên tăng tính chân thật, khách quan.

– Qua nhân vật bà Hiền, nhà văn khẳng định sức sống bền bỉ của các giá trị văn hóa mang nét đẹp Hà Nội. Qua đó tác giả gửi gắm niềm thiết tha gìn giữ các giá trị ấy cho hôm nay và cho cả mai sau. Từ đó chúng ta thêm yêu quý, tự hào về văn hoá, đất nuớc, con người Việt Nam trong mối quan hệ chặt chẽ với lịch sử, với quá khứ dân tộc, với quan hệ gia đình và nối tiếp thế hệ. Nhân vật bà Hiền là “Một người Hà Nội” mãi mãi là hạt bụi vàng trong bể vàng trầm tích của văn hóa xứ sở.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button