Tìm hiểu một số quy định pháp luật về dân quân tự vệ
Câu 1: Dân quân tự vệ được hiểu là lực lượng nào? Thành phần của dân quân tự vệ? Vị trí, chức năng của Dân quân tự vệ được nhà nước quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2; Điều 3 và Điều 6 của Luật Dân quân tự vệ thì:
– Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, được tổ chức ở địa phương gọi là dân quân, được tổ chức ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) gọi là tự vệ.
– Thành phần của dân quân tự vệ bao gồm: Dân quân tự vệ tại chỗ; Dân quân tự vệ cơ động; Dân quân thường trực; Dân quân tự vệ biển; Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế.
– Vị trí, chức năng của Dân quân tự vệ: Dân quân tự vệ là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân; là lực lượng bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của cơ quan, tổ chức ở địa phương, cơ sở; làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh.
Câu 2: Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Dân quân tự vệ được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 4 của Luật Dân quân tự vệ thì dân quân tự vệ được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc sau:
– Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức; sự chỉ huy cao nhất của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; sự chỉ huy của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, người chỉ huy đơn vị quân đội.
– Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; dựa vào dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và hệ thống chính trị để thực hiện nhiệm vụ.
– Xây dựng Dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp; tổ chức, biên chế của Dân quân tự vệ phải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, gắn với địa bàn và nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, tổ chức; thuận tiện cho lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, quản lý và phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế – xã hội của từng địa phương, cơ quan, tổ chức.
Câu 3: Nhiệm vụ của Dân quân tự vệ được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 5 của Luật Dân quân tự vệ thì Dân quân tự vệ có nhiệm vụ sau:
– Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ địa phương, cơ sở, cơ quan, tổ chức.
– Phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và lực lượng khác trên địa bàn bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, hải đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam; tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật, hội thi, hội thao, diễn tập.
– Tham gia thực hiện các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền.
– Phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và nhiệm vụ phòng thủ dân sự khác theo quy định của pháp luật.
– Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; tham gia xây dựng địa phương, cơ sở vững mạnh toàn diện, thực hiện chính sách xã hội.
– Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Câu 4: Nhà nước quy định độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 8 của Luật Dân quân tự vệ thì Nhà nước quy định độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình như sau:
– Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; nếu tình nguyện tham gia Dân quân tự vệ thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ.
– Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ tại chỗ, Dân quân tự vệ cơ động, Dân quân tự vệ biển, Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế là 04 năm; dân quân thường trực là 02 năm.
Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương, cơ quan, tổ chức, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được kéo dài nhưng không quá 02 năm; đối với dân quân biển, tự vệ và chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ được kéo dài hơn nhưng không quá độ tuổi quy định (nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi).
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định kéo dài độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ theo quy định nêu trên.
Câu 5: Đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 của Luật Dân quân tự vệ thì việc đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được quy định như sau:
– Tháng 4 hằng năm, căn cứ kết quả đăng ký nghĩa vụ quân sự, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đăng ký cho công dân đủ 18 tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; tổ chức đăng ký bổ sung cho công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;
– Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ khi thay đổi nơi cư trú đến đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã có trách nhiệm đăng ký cho công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.
Trường hợp thay đổi nơi làm việc thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đăng ký cho công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;
– Người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần theo quy định của pháp luật được miễn đăng ký nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.
Câu 6: Quản lý Dân quân tự vệ được nhà nước quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 của Luật Dân quân tự vệ thì việc quản lý Dân quân tự vệ được quy định như sau:
– Dân quân tự vệ khi vắng mặt trong thời gian thực hiện nhiệm vụ phải báo cáo với người chỉ huy trực tiếp để xem xét, quyết định;
– Dân quân tự vệ tạm vắng trong thời gian từ 03 tháng trở lên phải báo cáo với Ban chỉ huy quân sự cấp xã nơi cư trú, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức hoặc người chỉ huy đơn vị tự vệ nơi không có Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức;
Câu 7: Nhà nước quy định tiêu chuẩn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 của Luật Dân quân tự vệ thì công dân Việt Nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, có đủ các tiêu chuẩn sau đây được tuyển chọn vào Dân quân tự vệ:
– Lý lịch rõ ràng;
– Chấp hành nghiêm đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
– Đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ của Dân quân tự vệ.
Câu 8: Việc tuyển chọn và thẩm quyền quyết định công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2, 3, 4 Điều 10 của Luật Dân quân tự vệ quy định như sau:
– Bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật;
– Hằng năm, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; nơi không có đơn vị hành chính cấp xã do Ban chỉ huy quân sự cấp huyện trực tiếp tuyển chọn.
– Quân nhân dự bị chưa sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên được tuyển chọn vào đơn vị Dân quân tự vệ.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.
Câu 9: Nhà nước quy định công dân được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình trong những trường hợp nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 của Luật Dân quân tự vệ thì nhà nước quy định công dân được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình trong những trường hợp sau:
– Phụ nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; nam giới một mình nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
– Không đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ của Dân quân tự vệ;
– Có chồng hoặc vợ là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ trong Quân đội nhân dân;
– Có chồng hoặc vợ là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân công an đang phục vụ trong Công an nhân dân;
– Có chồng hoặc vợ là cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;
– Lao động duy nhất trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; người trong hộ gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi công dân cư trú hoặc làm việc xác nhận;
– Vợ hoặc chồng, một con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;
– Người đang học tại trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; người đang lao động, học tập, làm việc ở nước ngoài.
Câu 10: Nhà nước quy định công dân được miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình trong những trường hợp nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 của Luật Dân quân tự vệ thì nhà nước quy định công dân được miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình trong những trường hợp sau:
– Vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ;
– Vợ hoặc chồng, con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
– Quân nhân dự bị đã được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên;
– Người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng; người trực tiếp nuôi dưỡng người suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
– Người làm công tác cơ yếu.
* Trong trường hợp công dân thuộc diện tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ quy định nêu trên nếu tình nguyện thì được xem xét tuyển chọn vào Dân quân tự vệ.
Câu 11: Trường hợp nào công dân được thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trước thời hạn?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Luật Dân quân tự vệ những trường hợp sau nhà nước quy định thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trước thời hạn:
– Dân quân tự vệ nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, Dân quân tự vệ nam một mình nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
– Không đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ của Dân quân tự vệ;
– Hoàn cảnh gia đình khó khăn đột xuất không có điều kiện tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác nhận;
– Có lệnh gọi nhập ngũ hoặc lệnh gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; có quyết định tuyển dụng vào công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, công nhân công an;
– Có giấy báo và vào học ở cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; người có giấy báo và đi lao động, học tập, làm việc ở nước ngoài.
Câu 12: Trường hợp nào công dân bị đưa ra khỏi danh sách Dân quân tự vệ?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 của Luật Dân quân tự vệ những trường hợp sau nhà nước quy định Đưa ra khỏi danh sách Dân quân tự vệ:
– Chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là mất tích, đã chết;
– Bị khởi tố bị can;
– Bị tước danh hiệu Dân quân tự vệ;
– Bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc;
– Nghiện ma túy theo xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
– Bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Câu 13: Công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ khi nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 13 của Luật Dân quân tự vệ thì công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong các trường hợp sau:
1. Dân quân tự vệ đã phục vụ đủ thời hạn (Dân quân tự vệ tại chỗ, Dân quân tự vệ cơ động, Dân quân tự vệ biển, Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế là 04 năm; dân quân thường trực là 02 năm) được công nhận hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.
2. Công dân đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ nhưng còn trong độ tuổi (Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi) thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đăng ký, quản lý để sẵn sàng mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ.
3. Dân quân thường trực được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định công nhận công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.
Câu 14: Luật Dân quân tự vệ quy định những hành vi nào bị nghiêm cấm về Dân quân tự vệ?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 14 của Luật Dân quân tự vệ quy định các hành vi bị nghiêm cấm về Dân quân tự vệ như sau:
1. Thành lập, tham gia, tài trợ tổ chức, huấn luyện, điều động, sử dụng Dân quân tự vệ trái pháp luật.
2. Trốn tránh, chống đối, cản trở việc tổ chức, huấn luyện, hoạt động và thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.
3. Giả danh Dân quân tự vệ.
4. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ của Dân quân tự vệ được giao xâm phạm lợi ích của quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
5. Sản xuất, vận chuyển, mua bán, thu gom, tàng trữ, sử dụng, chiếm giữ trái pháp luật vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, trang phục, sao mũ, phù hiệu, tài sản của Dân quân tự vệ.
6. Phân biệt đối xử về giới trong công tác Dân quân tự vệ.
Câu 15: Chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 34 của Luật Dân quân tự vệ chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ được quy định như sau:
1. Chế độ, chính sách đối với dân quân khi làm nhiệm vụ:
– Đối với dân quân tại chỗ, dân quân cơ động, dân quân phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế được trợ cấp ngày công lao động, bảo đảm tiền ăn; được hưởng chế độ khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động; được trợ cấp ngày công lao động tăng thêm trong trường hợp được kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.
Khi làm nhiệm vụ trên biển được hưởng phụ cấp đặc thù đi biển; khi làm nhiệm vụ cách xa nơi cư trú, không có điều kiện đi, về hằng ngày thì được bố trí nơi nghỉ, bảo đảm phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tàu, xe một lần đi và về;
– Đối với dân quân biển được hưởng chế độ, chính sách quy định tại điểm a khoản này; khi làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển được hưởng trợ cấp ngày công lao động, tiền ăn tăng thêm; trường hợp là thuyền trưởng, máy trưởng được hưởng phụ cấp trách nhiệm tính theo ngày thực tế hoạt động trên biển;
– Đối với dân quân thường trực được hưởng chế độ, chính sách quy định tại điểm a khoản này; được hưởng trợ cấp một lần khi được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình; được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ; được bảo đảm nơi ăn, nghỉ.
2. Đối với tự vệ khi làm nhiệm vụ được hưởng nguyên lương, các khoản phúc lợi, phụ cấp, công tác phí, chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật; đối với tự vệ biển khi làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển được hưởng thêm lương, ngạch bậc và tiền ăn tính theo ngày thực tế hoạt động trên biển.
3. Cấp nào quyết định Dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ thì cấp đó có trách nhiệm bảo đảm chế độ, chính sách.
Câu 16: Thành phố Hà Nội quy định một số chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn như sau:
Trả lời:
Theo Nghị quyết số 13/2010/NQ-HĐND ngày 10/12/2010 của H ĐND Thành phố Hà Nội về cơ cấu tổ chức ( thời bình); phân cấp nhiệm vụ chi và định mức chi từ ngân sách địa phương thực hiện theo Luật Dân quận tự vệ, trên địa bàn thành phố Hà Nội một số chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ như sau:
1. Trợ cấp ngày công lao động và trợ cấp ngày công lao động tăng thêm
– Dân quân khi được huy động làm nhiệm vụ theo qui định được trợ cấp ngày công lao động: hệ số 0,10 mức lương tối thiểu của các bộ, công chức.
– Dân quân nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, nếu tiếp tục được kéo dài thời hạn tham gia thực hiện nghĩa vụ thì ngoài chế độ theo quy định chung, khi được huy động làm nhiệm vụ được hưởng trợ cấp ngày công lao động tăng thêm: hệ số 0,05 mức lương tối thiểu của các bộ, công chức.
2. Hỗ trợ tiền ăn
Dân quân khi làm nhiệm vụ cách xa nơi cư trú, không có điều kiện đi, về hàng ngày thì được bố trí nơi nghỉ, hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tầu xe một lần đi về; được hỗ trợ tiền ăn bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sỹ bộ binh phục vụ có thời hạn trong Quân đội nhân dân Việt nam.
3. Phụ cấp hàng tháng của Thôn đội trưởng, Tổ đội trưởng được hưởng: hệ số 0,7 mức lương tối thiểu của các bộ, công chức.
4. Hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm Y tế cho Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã: nếu tham gia được hỗ trợ đóng BHXH 16% và BHYT 3% tổng phụ cấp được hưởng.
5. Các chế độ, chính sách khác của dân quân, tự vệ không qui định tại Nghị quyết này thực hiện theo qui định hiện hành của Nhà nước.
Câu 17: Nhà nước quy định Chế độ, chính sách đối với tự vệ khi làm nhiệm vụ như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 72/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ quy định chế độ, chính sách đối với tự vệ khi làm nhiệm vụ như sau:
1. Khi làm nhiệm vụ, trừ nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển được hưởng nguyên lương, các khoản phúc lợi, phụ cấp, công tác phí, chế độ, chính sách theo chế độ hiện hành.
2. Khi làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển được hưởng nguyên lương, các khoản phúc lợi, phụ cấp, công tác phí, chế độ, chính sách theo chế độ hiện hành và hưởng thêm 50% lương ngạch bậc tính theo ngày thực tế huy động, tiền ăn mỗi người mỗi ngày bằng 149.000 đồng; nếu mức thực tế thấp hơn quy định trên thì được áp dụng mức trợ cấp ngày công lao động bằng 178.800 đồng.
Câu 18: Chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 35 của Luật Dân quân tự vệ quy định Chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh như sau:
1. Dân quân tự vệ khi thực hiện nhiệm vụ hoặc đang là học viên đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở thì được hưởng chế độ, chính sách sau đây:
– Trường hợp không tham gia bảo hiểm y tế, nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương thì được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh;
– Trường hợp không tham gia bảo hiểm xã hội, nếu bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí;
– Trường hợp bị thương thì được xét hưởng chính sách như thương binh, nếu hy sinh thì được xét công nhận là liệt sĩ theo quy định của pháp luật.
2. Dân quân khi thực hiện biện pháp triệt sản, dân quân nữ khi thực hiện biện pháp đặt vòng tránh thai, dân quân nam có vợ sinh con được nghỉ thực hiện nhiệm vụ Dân quân tự vệ; thời gian được nghỉ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Câu 19: Điều kiện khám bệnh, chữa bệnh cho Dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm y tế nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định 72/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ quy định điều kiện khám bệnh, chữa bệnh cho Dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm y tế nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương như sau:
– Dân quân tự vệ trong thời gian thực hiện nhiệm vụ theo quyết định điều động, huy động hoặc làm nhiệm vụ theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân, dân y theo quy định;
– Dân quân tự vệ không được khám bệnh, chữa bệnh nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương khi: cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân hoặc tai nạn do mâu thuẫn của chính bản thân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến thực hiện nhiệm vụ hoặc tai nạn do sử dụng rượu, bia, sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy hoặc chất gây nghiện khác theo quy định của pháp luật.
Câu 20: Nhà nước quy định mức hưởng chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho Dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm y tế nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định 72/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ quy định mức hưởng chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho Dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm y tế nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương như sau:
Chi phí khám bệnh, chữa bệnh như mức hưởng bảo hiểm y tế cho hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ. Trong thời gian điều trị nội trú được bảo đảm tiền ăn bệnh lý. Trường hợp Dân quân tự vệ đang điều trị nội trú, nhưng hết thời gian làm nhiệm vụ thì được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và tiền ăn bệnh lý nhưng tối đa không quá 15 ngày; nếu hết 15 ngày bệnh vẫn chưa ổn định thì điều trị đến khi ổn định và được thanh toán 100% tiền khám, chữa bệnh.
Câu 21: Trình tự, thủ tục và cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho Dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm y tế nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 Nghị định 72/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ quy định trình tự, thủ tục và cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho Dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm y tế nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương như sau:
– Dân quân hoặc người đại diện hợp pháp của dân quân gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính, môi trường điện tử đơn đề nghị thanh toán tiền khám bệnh, chữa bệnh cho dân quân kèm theo phiếu xét nghiệm, đơn thuốc, hóa đơn thu tiền, giấy ra viện cho cơ quan quân sự địa phương. Dân quân thuộc đơn vị Dân quân tự vệ của cấp nào tổ chức thì gửi đơn cho cơ quan quân sự địa phương cấp đó; trường hợp không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan quân sự địa phương phải có văn bản hướng dẫn gửi người nộp đơn để bổ sung, hoàn thiện;
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn đề nghị, cơ quan quân sự địa phương lập 01 bộ hồ sơ. Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định. Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định;
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho dân quân;
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện chi trả kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho dân quân; nơi không có đơn vị hành chính cấp xã do Ban chỉ huy quân sự cấp huyện thực hiện chi trả; việc chi trả bằng hình thức chuyển khoản hoặc qua đường bưu chính hoặc trực tiếp nhận ở cấp xã.
* Hồ sơ:
– Đơn đề nghị thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh của dân quân hoặc người đại diện hợp pháp của dân quân.
– Phiếu xét nghiệm, đơn thuốc, hóa đơn thu tiền, giấy xuất viện;
– Quyết định công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; quyết định điều động hoặc huy động hoặc kế hoạch thực hiện nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Câu 22: Điều kiện dân quân tự vệ được hưởng chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm xã hội nếu bị tai nạn, chết được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 72/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ thì Dân quân tự vệ được hưởng chế độ, chính sách trong trường hợp sau:
– Thực hiện nhiệm vụ theo quyết định điều động hoặc huy động theo kế hoạch của cấp có thẩm quyền phê duyệt;
– Thực hiện nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao;
– Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm nhiệm vụ trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
Câu 23: Nhà nước quy định mức hưởng của dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm xã hội nếu bị tai nạn, chết như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 15 Nghị định 72/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ thì mức hưởng của dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm xã hội nếu bị tai nạn, chết như sau:
– Trường hợp bị tai nạn: Trong thời gian điều trị tai nạn được hưởng chi phí khám bệnh, chữa bệnh như mức hưởng bảo hiểm y tế cho hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ. Trong thời gian điều trị nội trú được bảo đảm tiền ăn bệnh lý. Trường hợp Dân quân tự vệ đang điều trị nội trú, nhưng hết thời gian làm nhiệm vụ thì được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và tiền ăn bệnh lý nhưng tối đa không quá 15 ngày; nếu hết 15 ngày bệnh vẫn chưa ổn định thì điều trị đến khi ổn định và được thanh toán 100% tiền khám, chữa bệnh, kể cả trường hợp vết thương tái phát cho đến khi xuất viện. Nếu tai nạn làm suy giảm khả năng lao động 5% thì được hưởng 7.450.000 đồng; sau đó, cứ suy giảm 1% thì được hưởng thêm 745.000 đồng;
– Trường hợp bị tai nạn dẫn đến chết: Thân nhân được trợ cấp tiền tuất bằng 53.640.000 đồng; người lo mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng 14.900.000 đồng;
– Trường hợp bị ốm đau dẫn đến chết: Thân nhân được trợ cấp tiền tuất bằng 7.450.000 đồng; người lo mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng 14.900.000 đồng.
Câu 24: Trình tự giải quyết hưởng chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm xã hội nếu bị tai nạn, chết như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 15 Nghị định 72/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ thì trình tự giải quyết hưởng chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm xã hội nếu bị tai nạn, chết như sau:
– Dân quân hoặc người đại diện hợp pháp của dân quân gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính, môi trường điện tử đơn đề nghị trợ cấp tai nạn hoặc chết kèm theo giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị tai nạn đối với trường hợp điều trị nội trú hoặc bản sao giấy chứng nhận thương tích do cơ sở y tế cấp (nơi đã cấp cứu, điều trị cho Dân quân tự vệ), biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động hoặc giấy chứng tử, trích lục khai tử đối với trường hợp chết cho cơ quan quân sự địa phương. Dân quân thuộc đơn vị Dân quân tự vệ của cấp nào tổ chức thì gửi đơn đề nghị cho cơ quan quân sự địa phương cấp đó; trường hợp không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan quân sự địa phương phải có văn bản hướng dẫn gửi người nộp đơn để bổ sung, hoàn thiện;
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn đề nghị, cơ quan quân sự địa phương lập 01 bộ hồ sơ. Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định; Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã gửi hồ sơ đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Chủ tịch Ủy ban nhân cấp tỉnh quyết định;
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trợ cấp cho dân quân;
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định trợ cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện chi trả trợ cấp cho dân quân; nơi không có đơn vị hành chính cấp xã do Ban chỉ huy quân sự cấp huyện thực hiện chi trả; việc chi trả bằng hình thức chuyển khoản hoặc qua đường bưu chính hoặc trực tiếp nhận ở cấp xã.
Câu 25: Hồ sơ hưởng chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm xã hội nếu bị tai nạn, chết như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 15 Nghị định 72/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ thì hồ sơ hưởng chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm xã hội nếu bị tai nạn, chết như sau:
– Hồ sơ hưởng trợ cấp tai nạn gồm: Đơn đề nghị trợ cấp tai nạn kèm theo giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị tai nạn đối với trường hợp điều trị nội trú hoặc bản sao giấy chứng nhận thương tích do cơ sở y tế (nơi đã cấp cứu, điều trị cho Dân quân tự vệ) cấp theo mẫu quy định, biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của hội đồng giám định y khoa bệnh viện cấp tỉnh và tương đương trở lên; trường hợp bị tai nạn giao thông thì có thêm biên bản điều tra của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự thuộc Bộ Quốc phòng;
– Hồ sơ hưởng trợ cấp chết gồm: Đơn đề nghị trợ cấp chết kèm theo giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị tai nạn đối với trường hợp điều trị nội trú, bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử; trường hợp bị tai nạn giao thông dẫn đến chết thì có thêm biên bản điều tra của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự thuộc Bộ Quốc phòng;
Câu 26: Nhà nước quy định thi đua, khen thưởng, xử lý vi phạm, hình thức kỷ luật Dân quân tự vệ như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 46, Điều 47, Điều 48 của Luật Dân quân tự vệ quy định thi đua, khen thưởng, xử lý vi phạm, hình thức kỷ luật Dân quân tự vệ như sau:
*Thi đua, khen thưởng:
– Cơ quan quân sự địa phương các cấp, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng liên quan thực hiện công tác thi đua, khen thưởng về Dân quân tự vệ.
– Tổ chức phong trào thi đua trong Dân quân tự vệ gắn với phong trào thi đua của cơ quan, tổ chức, địa phương.
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân và Dân quân tự vệ có thành tích trong thực hiện công tác Dân quân tự vệ được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
* Xử lý vi phạm
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật Dân quân tự vệ thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
– Dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ nếu vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
* Hình thức kỷ luật
1. Đối với chiến sĩ Dân quân tự vệ áp dụng một trong các hình thức kỷ luật sau đây:
– Khiển trách;
– Cảnh cáo;
– Tước danh hiệu Dân quân tự vệ.
2. Đối với các chức vụ chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ áp dụng một trong các hình thức kỷ luật sau đây:
– Khiển trách;
– Cảnh cáo;
– Giáng chức;
– Cách chức;
– Tước danh hiệu Dân quân tự vệ.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!