Làm sáng tỏ ý kiến: Tràng là một gã trai quê nông nổi, liều lĩnh nhưng
Đề bài: Làm sáng tỏ ý kiến: Tràng là một gã trai quê nông nổi, liều lĩnh nhưng lại đầy khát khao và tốt bụng
Làm sáng tỏ ý kiến: Tràng là một gã trai quê nông nổi, liều lĩnh nhưng lại đầy khát khao và tốt bụng
I. Dàn ý Làm sáng tỏ ý kiến: Tràng là một gã trai quê nông nổi, liều lĩnh nhưng lại đầy khát khao và tốt bụng (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu chung về tác phẩm “Vợ nhặt”.- Dẫn dắt vào ý kiến: “Tràng là gã trai quê nông nổi, liều lĩnh nhưng lại đầy khát khao và tốt bụng”.
2. Thân bài:
a. Tràng – một gã trai quê nông nổi và liều lĩnh.
– Hoàn cảnh:+ Tràng là một nông dân nghèo, sống cùng mẹ trong một xóm ngụ cư nghèo.+ Tràng không có gì ngoài một thân thể có phần xấu xí và những nét tính cách ngờ nghệch, hồn nhiên đúng nghĩa.+ Một người đàn ông đã đến tuổi lấy vợ nhưng chẳng có vốn liếng gì, hai mẹ con sống trong một căn nhà nhỏ xiêu vẹo, nạn đói thì hoành hành, đói khổ không biết sống chết lúc nào.
– Hành động liều lĩnh và nông nổi:+ Mời hẳn “cơm trắng mấy giò” bằng một câu bông đùa, hài hước với thị: “Muốn ăn cơm trắng mấy giò này!/ Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì”.+ Hào phóng mời hẳn bốn bát bánh đúc như lời thị yêu cầu.+ Trong tình cảnh nuôi thân còn khó, Tràng lại đèo bòng thêm thị.
– Chấp nhận: “Chậc, kệ”.=> Đứng trước vấn đề sinh tồn, sự sống của bản thân có thể bị giặc đói cướp đi lúc nào không hay, Tràng vẫn quyết định thêm thị vào cuộc sống của mình, đó là một hành động liều lĩnh của anh nông dân nghèo đang trong cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.
b. Tràng – một người nông dân tốt bụng và đầy khát khao.
* Tràng là một người nông dân tốt bụng, có lòng yêu thương con người:+ Tràng nghèo nhưng không nỡ nhìn thị chịu đói, không nỡ nhìn thị thèm khát bát bánh đúc bên đường nên đã mời thị một bữa ăn.+ Khi thị đồng ý theo về, dù biết thân còn lo không nổi lại đèo thêm bòng nhưng Tràng cũng không nỡ bỏ thị giữa đường nên chấp thuận.=> Tấm lòng vàng giữa đời thường: một con người dù đang trong khó khăn vẫn sẵn sàng dang tay cứu vớt, giúp đỡ người còn khó khăn hơn mình.
* Tràng có khát khao về hạnh phúc gia đình:- Tràng lấy thị cũng xuất phát từ khát khao có một mái ấm đúng nghĩa.- Tràng đưa vợ về trong tâm trạng vui vẻ hơn thường ngày, khuôn mặt, ánh mắt cũng rạng rỡ và lấp lánh hẳn lên.- Giữa mùi hôi tanh, bẩn thỉu của xóm ngụ cư, niềm vui nơi Tràng như một động lực tinh thần to lớn để vượt qua cái đói, cái khổ.
– Khát khao hạnh phúc đã khiến Tràng trở nên tốt đẹp hơn:+ Tràng trưởng thành và có trách nhiệm hơn sau đêm có vợ.+ Người hắn lâng lâng trong niềm vui có vợ, hắn vẫn còn không dám tin đó là sự thật.+ Thức dậy vào sáng hôm sau, nhìn thấy cảnh dâu thảo cùng mẹ chồng nhổ cỏ vườn, dọn dẹp lại căn nhà, hắn thấy lòng khoan khoái, thấy mình phải có trách nhiệm hơn.=> Tràng khát khao hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình và khao khát về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp trong cảnh nghèo.
3. Kết bài
Khẳng định lại tính đúng đắn của nhận định.
II. Bài văn mẫu Làm sáng tỏ ý kiến: Tràng là một gã trai quê nông nổi, liều lĩnh nhưng lại đầy khát khao và tốt bụng (Chuẩn)
Viết về đề tài người nông dân có rất nhiều những tác phẩm hay, để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng người đọc. Một trong số đó phải kể đến truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân. Hình ảnh anh cu Tràng bước ra từ xóm ngụ cư nghèo cùng tình huống nhặt vợ đầy độc đáo là một dấu ấn đầy khó quên về nhân vật. Bàn về anh nông dân Tràng, có ý kiến cho rằng: “Tràng là gã trai quê nông nổi, liều lĩnh nhưng lại đầy khát khao và tốt bụng”.
Khi đọc và khám phá tác phẩm, chắc hẳn ai cũng sẽ cùng quan điểm với ý kiến trên. Qua ngôn ngữ và hành động, hình ảnh anh cu Tràng hiện lên tuy nông nổi, liều lĩnh nhưng đầy tốt bụng với những khát khao hạnh phúc đích thực được bộc lộ rõ nét.
Trước tiên, ta cùng tìm hiểu về Tràng – “một gã trai quê nông nổi và liều lĩnh”. Vốn là một nông dân nghèo, sống cùng mẹ trong một xóm ngụ cư nghèo, Tràng không có gì ngoài một thân thể có phần xấu xí và những nét tính cách ngờ nghệch, hồn nhiên đúng nghĩa. Một người đàn ông trưởng thành, đã đến tuổi lấy vợ nhưng chẳng có vốn liếng gì, hai mẹ con sống trong một căn nhà nhỏ xiêu vẹo, nạn đói thì hoành hành, đói khổ không biết sống chết lúc nào. Lúc bấy giờ, một đồng cũng là quý giá, vậy mà Tràng lại quyết định mời hẳn “cơm trắng mấy giò” bằng một câu bông đùa, hài hước với thị: “Muốn ăn cơm trắng mấy giò này!/ Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì”. Tuy chỉ là lời bông đùa, nhưng ta vẫn thấy được sự nông nổi trong câu nói của Tràng, bởi nếu như ai đó chấp thuận thì Tràng phải chịu “chi” số tiền ít ỏi mà mình có cho người khác, dù bản thân chẳng dư giả gì. Và sau đó, lời bông đùa của Tràng đã bị thị lấy làm cớ để trách móc vì Tràng quên lời hứa khi đẩy xe bò hộ, lúc ấy, Tràng đã hào phóng mời hẳn bốn bát bánh đúc như lời thị yêu cầu. Trong tình cảnh đến cái ăn của bản thân còn phải suy nghĩ mà Tràng lại mời thị tới bốn bát bánh đúc, sau đó ngỏ ý rủ thị về cùng. Đó là một sự bồng bột, nông nổi và liều lĩnh đáng sợ. Bởi trong lúc này, đến nuôi thân còn khó, Tràng lại đèo bòng thêm. Thêm một miệng ăn là thêm một gánh nặng, thêm một phần thách thức và lo toan trong cuộc sống, thậm chí, bản thân có thể chết vì đói bất cứ lúc nào không hay. Nhưng không vì thế mà Tràng từ bỏ thị, trong suy nghĩ, hắn hoàn toàn hiểu được những khó khăn phía trước: “Thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng” nhưng vẫn chấp nhận: “Chậc, kệ”. Đứng trước vấn đề sinh tồn, sự sống của bản thân có thể bị giặc đói cướp đi lúc nào không hay, Tràng vẫn quyết định thêm thị vào cuộc sống của mình, đó là một hành động liều lĩnh của anh nông dân nghèo đang trong cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.
Mặt khác, tuy nông nổi và có phần liều lĩnh, nhưng trong từng hành động, lời nói, ta vẫn thấy ở Tràng những phẩm chất tốt đẹp, đáng trân trọng. Hành động mời thị ăn bánh đúc cũng xuất phát từ tấm lòng yêu thương con người của anh cu Tràng cục mịch. Tràng không nỡ nhìn thị chịu đói, không nỡ nhìn thị thèm khát bát bánh đúc bên đường nên đã mời thị một bữa ăn thoải mái dù trong hầu bao của mình chẳng chút dư giả gì. Hơn thế nữa, khi thị đồng ý theo về, dù biết thân còn lo không nổi nhưng Tràng cũng không nỡ bỏ thị giữa đường, chấp thuận cho thị theo về. Đó là một tấm lòng vàng giữa đời thường, một tấm lòng nghĩa hiệp bởi theo lẽ thường “một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu” (Nam Cao). Thật đáng trân trọng khi một con người dù đang trong khó khăn vẫn sẵn sàng dang tay cứu vớt, giúp đỡ người còn khốn khổ hơn mình.
Tràng là một người nông dân đầy khát khao, mà trước hết chính là khát khao về hạnh phúc gia đình. Tràng lấy thị cũng xuất phát từ ước muốn có một mái ấm đúng nghĩa. Tràng đưa vợ về trong tâm trạng vui vẻ hơn thường ngày, khuôn mặt, ánh mắt cũng rạng rỡ và lấp lánh hẳn lên. Giữa mùi hôi tanh, bẩn thỉu của xóm ngụ cư, niềm vui nơi Tràng như một động lực tinh thần to lớn để vượt qua cái đói, cái khổ lúc này. Đó chẳng phải là niềm hạnh phúc, là khát vọng được sống an lành, ấm êm hay sao? Khát khao hạnh phúc đã khiến Tràng trở nên tốt đẹp hơn, Tràng trưởng thành và có trách nhiệm hơn sau đêm có vợ. Người hắn lâng lâng trong niềm vui có vợ, hắn vẫn còn không dám tin đó là sự thật. Thức dậy vào sáng hôm sau, nhìn thấy cảnh dâu thảo cùng mẹ chồng nhổ cỏ vườn, dọn dẹp lại căn nhà, chuẩn bị cho bữa cơm đầu tiên, hắn thấy lòng khoan khoái, thấy mình phải có trách nhiệm hơn vì “hắn đã có một gia đình”. “Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận lo lắng cho vợ con sau này”. Tràng muốn sửa sang lại căn nhà để sau này cùng vợ “sinh con đẻ cái ở đấy”. Những thay đổi trong hành động, suy nghĩ và nhận thức của Tràng đã cho thấy sâu thẳm bên trong Tràng là một con người khát khao hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình và khao khát về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp trong cảnh nghèo. Có lẽ, trong khó khăn, người ta càng trân trọng những phút giây hạnh phúc, càng khao khát mãnh liệt những bình yên, no ấm trong cuộc đời.
Qua trên, ta có thể khẳng định rằng: lời nhận xét “Tràng là gã trai quê nông nổi, liều lĩnh nhưng lại đầy khát khao và tốt bụng” là một đánh giá khách quan và đúng đắn về nhân vật Tràng. Có thể nói, bằng sự thấu hiểu và tấm lòng nhân đạo sâu sắc của mình, nhà văn Kim Lân đã ngợi ca những vẻ đẹp tâm hồn đáng trân trọng của người nông dân Việt Nam. Trong khốn khó, họ vẫn là những con người nghĩa tình, giàu lòng trắc ẩn và luôn khát khao về những hạnh phúc nhỏ nhoi, tốt đẹp trong đời.
-HẾT-
https://thuthuat.taimienphi.vn/lam-sang-to-y-kien-trang-la-mot-ga-trai-que-nong-noi-lieu-linh-nhung-lai-day-khat-khao-va-tot-bung-68870n.aspx Qua bài văn mẫu, chắc hẳn các em cũng đã có cho mình những đánh giá riêng về nhân vật Tràng bước ra từ “Vợ nhặt”. Bên cạnh đó, các em cùng tham khảo thêm Cảm nhận về bữa cơm ngày đói trong tác phẩm Vợ nhặt, Cảm nhận về nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt, Phân tích giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ nhặt, Suy nghĩ về kết thúc truyện Vợ nhặt.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!