Dàn ý phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm | Văn mẫu 10

Tài liệu hướng dẫn lập dàn ý phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm bao gồm dàn ý chi tiết cùng một số bài văn mẫu chọn lọc hay giúp em tham khảo, nắm được cách làm dạng bài này và tiếp thu giá trị của tác phẩm tốt hơn.

Hướng dẫn làm dàn ý phân tích bài thơ Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Đề bài: Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

  • Hướng dẫn soan bài Nhàn ngắn gọn nhất

1. Phân tích đề

– Kiểu đề: thuộc dạng đề nghị luận văn học – phân tích một tác phẩm thơ.

– Vấn đề nghị luận: Phân tích nội dung bài thơ Nhàn.

– Phạm vi dẫn chứng, tư liệu: các chi tiết, câu văn, từ ngữ thuộc phạm vi văn bản Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

2. Xác lập luận điểm, luận cứ

Luận điểm 1: Hoàn cảnh sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Luận điểm 2: Quan niệm sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Luận điểm 3: Cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm ở chốn quê nhà

Luận điểm 4: Triết lí sống nhàn.

3. Sơ đồ tư duy

Để ghi nhớ tốt hơn dàn ý phân tích Nhàn, các em hoàn toàn có thể lưu lại sơ đồ tư duy Nhàn dưới đây về máy của mình:

4. Chi tiết dàn ý phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

a) Mở bài

– Giới thiệu về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm và tập thơ Bạch Vân quốc ngữ thi tập:

+ Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ lớn nhất Việt Nam thế kỉ XVI với những sáng tác ghi dấu mốc lớn trên con đường phát triển lịch sử văn học.

+ Bạch vân quốc ngữ thi tập là tập thơ Nôm nổi tiếng của ông.

– Giới thiệu bài thơ Nhàn (xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác, nội dung): là bài thơ Nôm số 73 trong tập Bạch vân quốc ngữ thi tập, làm khi tác giả cáo quan về ở ẩn, nói về cuộc sống thanh nhàn nơi thôn dã và triết lí sống của tác giả.

b) Thân bài

* Hai câu đề: Hoàn cảnh sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

– Mai, cuốc, cần câu: Là những dụng cụ lao động cần thiết, quen thuộc của người nông dân.

– Phép liệt kê kết hợp với số từ “một”: Gợi hình ảnh người nông dân đang điểm lại công cụ làm việc của mình và mọi thứ đã sẵn sàng.

– Nhịp thơ 2-2-3 thong thả đều đặn

→ Cuộc sống ở quê nhà của Nguyễn Bỉnh Khiêm gắn bó với công việc nặng nhọc, vất vả, lam lũ của một lão canh điền. Nhưng tác giả rất yêu và tự hào về thú vui điền viên ấy.

– Trạng thái “thơ thẩn”: chăm chú vào công việc, tỉ mẩn

-> Tâm trạng hài lòng, vui vẻ cùng trạng thái ung dung, tự tại của nhà thơ.

– Cụm từ phủ định “dầu ai vui thú nào”: Phủ nhận những thú vui mà người đời thường hay theo đuổi.

=> Hai câu thơ khái quát hoàn cảnh sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm ở quê nhà vất vả, lam lũ, mệt nhọc nhưng tâm hồn lúc nào cũng thư thái, thanh thản.

=> Tâm thế ung dung, tự tại, triết lí sống nhàn của ẩn sĩ “nhàn tâm”.

* Hai câu thực: Quan niệm sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Đọc thêm:  Văn mẫu lớp 9: Phân tích đoạn trích Chị em Thúy Kiều 2 Dàn ý & 22

– Nghệ thuật đối: ta – người, dại – khôn: Nhấn mạnh quan niệm sống mang tính triết lí, thâm trầm của nhà thơ.

– Nghệ thuật ẩn dụ:

+ “Nơi vắng vẻ”: Tượng trưng cho chốn yên tĩnh, thưa người, nhịp sống yên bình, êm ả. Ở đây ngụ ý chỉ chốn quê nhà

+ “Chốn lao xao”: Tượng trưng cho chốn ồn ào, đông đúc huyên náo, tấp nập, cuộc sống xô bồ, bon chen, giành giật, đố kị. Ở đây chỉ chốn quan trường.

– Cách nói ngược: Ta dại – người khôn:

+ Ban đầu có vẻ hợp lí vì ở chốn quan trường mới đem lại cho con người tiền tài danh vọng, còn ở thôn dã cuộc sống vất vả, cực khổ.

+ Tuy nhiên, dại thực chất là khôn bởi ở nơi quê mùa con người mới được sống an nhiên, thanh thản. Khôn thực chất là dại bởi chốn quan trường con người không được sống là chính mình.

⇒ Thể hiện quan niệm sống “lánh đục về trong” của Nguyễn Bỉnh Khiêm

⇒ Thái độ tự tin vào sự lựa chọn của bản thân và hóm hỉnh mỉa mai quan niệm sống bon chen của thiên hạ.

* Hai câu luận: Cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm ở chốn quê nhà.

– Sự xuất hiện của bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông.

– Cuộc sống gắn bó, hài hòa với tự nhiên của Nguyễn Bỉnh Khiêm

– Việc ăn uống: Thu ăn măng trúc, đông ăn giá.

– Là những món ăn thôn quê dân giã, giản dị thanh đạm và có nguồn gốc tự nhiên, tự cung tự cấp

– Chuyện sinh hoạt: Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

– Thói quen sinh hoạt tự nhiên, thoải mái, có sự giao hòa, quấn quýt giữa con người với thiên nhiên.

– Cách ngắt nhịp 4/3 nhịp nhàng, kết hợp với cách điệp cấu trúc câu.

→ Gợi sự tuần hoàn, nhịp nhàng thư thái, thong thả.

⇒ Hai câu thơ miêu tả bức tranh bốn mùa có cả cảnh đẹp, cả cảnh sinh hoạt của con người

⇒ Sự hài lòng về cuộc sống đạm bạc, giản dị, hòa hợp với tự thiên mà vẫn thanh cao, tự do thoải mái của Nguyễn Bỉnh Kiêm.

* Hai câu kết: Triết lí sống nhàn

– Sử dụng điển tích giấc mộng đêm hòe: Coi phú quý tựa như một giấc chiêm bao

-> Thể hiện sự tự thức tỉnh, tự cảnh tỉnh mình và đời, khuyên mọi người nên xem nhẹ vinh hoa phù phiếm.

– Động từ “nhìn xem”: Tô đậm thế đứng cao hơn người đầy tự tin của Nguyễn Bỉnh Khiêm

⇒ Triết lí sống Nhàn: Biết từ bỏ những thứ vinh hoa phù phiếm vì đó chỉ là một giấc mộng, khi con người nhắm mắt xuôi tay mọi thứ trở nên vô nghĩa, chỉ có tâm hồn, nhân cách mới tồn tại mãi mãi.

⇒ Thể hiện vẻ đẹp nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm: Coi khinh danh lợi, cốt cách thanh cao, tâm hồn trong sáng.

* Nghệ thuật

– Ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, dễ cảm

– Cách kể, tả tự nhiên, gần gũi

– Các biện pháp tu từ: Liệt kê, đối lập, điển tích điển cố.

– Nhịp thơ chậm, nhẹ nhàng, hóm hỉnh

c) Kết bài

– Khái quát nội dung và nghệ thuật của bài thơ Nhàn

– Thể hiện những cảm nhận của mình về bài thơ: Là bài thơ hay, giàu ý nghĩa.

Tham khảo: Biện pháp nghệ thuật và tu từ trong Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Bài văn mẫu phân tích bài thơ Nhàncủa Nguyễn Bỉnh Khiêm

Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trí thức nho sĩ, luôn khao khát đem tài năng phục vụ cho đất nước. Nhưng ông sinh vào thời buổi loạn lạc, nên chỉ làm quan có tám năm rồi ông lui về ở ẩn. Bài thơ số bài thơ số 73 hay còn được người biên soạn đặt là Nhàn, nằm trong tập Bạch Vân quốc ngữ thi tập là một trong những tác phẩm nổi bật của ông. Tác phẩm thể hiện triết lí, quan niệm sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Đọc thêm:  Phân tích đoạn 3 Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi siêu hay

Nhàn là một thái độ sống, cách thể hiện quan niệm đạo đức của các nhà nho ẩn dật. Đồng thời đây cũng là một chủ đề phổ biến trong văn học Trung đại. Nhàn là lối sống hòa hợp với tự nhiên, thuận theo tự nhiên. Với Nguyễn Bỉnh Khiêm, sống trong bối cảnh xã hội khủng khoảng, nhà thơ không có điều kiện để thực hiện lí tưởng, tài năng của mình (tám năm làm quan, mười tám lần dâng sớ chém đầu lộng thần nhưng không được chấp thuận) thì việc cáo quan về ở ẩn, sống “nhàn” để giữ vững phẩm chất đạo đức là một lựa chọn tích cực.

Lối sống nhàn của ông trước hết thể hiện ở cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên: “Một mai, một cuốc, một cần câu/ Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”. Câu thơ sử dụng biện pháp liệt kê, với nhịp thơ 2/2/3 cho thấy nhịp sinh hoạt đều đặn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cuộc sống hàng ngày của ông đơn giản chỉ gồm: mai – đào đất, cuốc – xới đất và cần câu – câu cá. Đây là cuộc sống của những người lao động bình dân nơi thôn quê. Cùng với đó ông kết hợp biện pháp điệp ngữ cùng số từ “một” – số ít, cho thấy cuộc sống giản đơn, không tư lợi, bon chen, chỉ cần những dụng cụ tối thiểu, đơn giản nhất để phục vụ nhu cầu của mình. Đồng thời cách ngắt nhịp 2/2/3 còn cho thấy lối sống của ông hết sức thong thả, ông luôn giữ tâm thế ung dung, tự tại, khoan thai.

Trong câu thơ thứ hai, ông trực tiếp bộc lộ quan điểm sống cũng như tâm trạng của mình. Quan niệm sống được phát biểu rõ ràng, dù ai có lựa chọn những thú vui khác (cuộc sống đủ đầy, tiện nghi, vinh hoa phú quý) thì tác giả vẫn kiên định với lựa chọn của mình. Tâm trạng “thơ thẩn” diễn tả trực tiếp tất cả trạng thái, tâm thế của tác giả. “Thơ thẩn” là thanh thản, thảnh thơi, hoàn toàn mãn nguyện. Đây là lối sống ông chọn và ông hoàn toàn mãn nguyện, bằng lòng với cuộc sống lão nông tri điền như thế.

Lối sống nhàn của ông còn được thể hiện qua cuộc sống đạm bạc mà thanh cao. Bữa cơm, sinh hoạt đời thường hết sức giản dị, thuận theo tự nhiên: Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao. Chỉ với hai câu thơ, nhưng tác giả đã gợi nên những đặc trưng tiêu biểu nhất của từng mùa. Đồng thời bức tranh ấy cũng cho thấy nhịp sống tuần hoàn, đều đặn của Trạng Trình. Ông hoàn toàn chủ động, ung dung khi hòa nhịp sống của bản thân với nhịp sống của thiên nhiên vạn vật. Sự hòa nhịp ấy trong cả nếp ăn và nếp tắm. Từ “ăn” và “tắm” được lặp lại hai lần cho thấy những nhu cầu sống tối thiểu của con người đều được đáp ứng đủ đầy, mùa nào thức ấy được thiên nhiên hào phóng ban tặng. Cuộc sống đạm bạc nhưng không hề khắc khổ mà thanh cao, giải phóng cho con người, mang đến sự tự do trong cuộc sống.

Đọc thêm:  Phân tích Sang thu của Hữu Thỉnh (18 mẫu + Sơ đồ tư duy) - Văn 9

Không dừng lại ở đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm ta còn thấy vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách thanh cao, vượt lên trên danh lợi tầm thường: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao”. Ở đây Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sử dụng thành công nghệ thuật đối giữa hai không gian sống và hai cách ứng xử. Nơi vắng vẻ là nơi ít người lại qua, không phải cầu cạnh, cũng chẳng phải đua chen, tranh giành với nhau. Thiên nhiên tĩnh lặng và trong sạch, con người được nghỉ ngơi và có cuộc sống thanh nhàn. Ông tự nhận dại tìm đến nơi vắng vẻ để sống, ông chọn khác với đám đông, khác với thói thường… “Chốn lao xao” là nơi đô thị sầm uất, nhộn nhịp, con người phải đua chen, giành giật, phải luồn cúi cầu cạnh. Người khôn cứ tiếp tục sống cuộc sống đua chen, tranh giành sẽ đánh mất nhân phẩm. Khôn mà hóa dại. Trong nhiều bài thơ khác, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nói về cái lẽ dại – khôn ấy: Khôn mà hiểm độc là khôn dại/ Dại mà hiền lành ấy dại khôn.

Đặc biệt quan niệm sống của ông còn được thể hiện rõ qua hai câu kết: “Rượu đến cội cây, ta sẽ uống/ Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”. Mượn điển tích Thuần Vu Phần nằm mộng dưới gốc cây hòe, mơ thấy mình ở nước Hòe An có công danh phú quý nhưng tỉnh dậy thấy bên cạnh chỉ là một tổ kiến. Nguyễn Bỉnh Khiêm tìm đến rượu để say, nhưng say mà để tỉnh, rồi nhận ra chân lí của cuộc sống, quy luật trong cuộc đời: công danh, phú quý chỉ là giấc mộng thoảng qua. Công danh phú quý không phải là tất cả. Ông đã khẳng định phú quý kia chỉ là giấc chiêm bao, quan điểm đó đã cho thấy sự thông tuệ của bản thân của Nguyễn Bỉnh Khiêm: hiểu được quy luật tuần hoàn của vũ trụ, nhìn mọi sự biến thiên bằng con mắt bình thản.

Bài thơ có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố đường luật và yếu tố Việt hóa: yếu tố đường luật thể hiện ở lớp ngôn từ với nhiều dùng điển tích; hình ảnh ước lệ với bốn mùa xuân – hạ – thu – đông. Bài thơ tuân thủ chặt chẽ niêm luật thơ Đường. Nhưng yếu tố Nôm cũng được kết hợp hết sức hài hòa: sử dụng chữ Nôm, hình ảnh thơ dân giã, quen thuộc, hết sức giản dị.

Qua bài thơ Nhàn cho ta thấy một lối sống, quan niệm sống hết sức đẹp đẽ của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tác phẩm là lời khẳng định sâu sắc về lối sống nhàn, hòa hợp với tự nhiên, ông giữ cốt cách thanh cao, vượt lên trên phường danh lợi đua chen tầm thường.

-/-

Không chỉ có bài văn mẫu này thôi đâu, các em còn có thể xem chi tiết phân tích Nhàn với các bài văn tuyển chọn nữa nhé!

Các bạn vừa tham khảo nội dung dàn ý phân tích bài thơ Nhàn chi tiết do Đọc Tài Liệu tổng hợp có kèm theo bài văn mẫu giúp học sinh dễ dàng hình dung và nắm được cách phân tích.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button