Trung thực là gì? Biểu hiện và các ý nghĩa của lòng trung thực?
Trung thực là một trong những đức tính tốt đẹp của công dân. Ngay từ khi còn bé, mỗi đứa trẻ đã được rèn giũa tính trung thực, vậy lòng trung thực là gì, và tại sao phải có tính trung thực?
1. Trung thực là gì?
Trung thực là một tính từ chỉ tính cách, đạo đức của con người. Nếu cắt nghĩa từng từ thì “trung thực” là trung thành với sự thực, hay nói cách khác trung thực là tôn trọng lẽ phải, sống thật thà, nói và làm theo sự thật, không gian dối hay có những hành vi gian xảo, biết nhìn nhận và dám dũng cảm nhận lỗi khi có khuyết điểm.
Người có tính trung thực là người có những hành động, lời nói trên, luôn sống và hành động theo chân lý, lẽ phải, không mưu cầu lợi lộc cho mình.
2. Biểu hiện của lòng trung thực:
Với từng đối tượng, lòng trung thực được thể hiện ở những khía cạnh khác nhau.
Ví dụ:
– Với học sinh: lòng trung thực được thể hiện đơn giản ở việc nói thật, làm thật, học thật, thi thật, không copy bài, không gian lận trong học tập, thi cử…
– Với những người kinh doanh, buôn bán: lòng trung thực được thể hiện ở việc không buôn gian, bán lận, không làm trái pháp luật hay có những hành vi lừa dối người tiêu dùng…
– Với tất cả mọi người nói chung: sự trung thực là tôn trọng lẽ phải, công lý, sống thật thà, không bao che cái xấu, không ngại nhận sai… Và chúng tôi sẽ chỉ ra những biểu hiện rõ hơn của lòng trung thực qua cách nhận diện người trung thực:
Người trung thực thường không phải làm hài lòng mọi người:
Người trung thực sống thẳng thắn, họ không quan tâm có được yêu quý hay không mà sẵn sàng đứng về lẽ phải, theo những gì đúng đắn, và không lấy lòng bất kỳ ai. Họ sẽ không ngại khi có những hành động, lời nói mà không được lòng người khác miễn là điều đó đúng và họ cho là cần thiết. Chính vì thế, người trung thực cũng sẽ không nịnh bợ, không thảo mai với bất kỳ ai. Tuy nhiên, đôi lúc họ sẽ bị quá thẳng thắn trong cách sử dụng ngôn từ của mình, khiến cho các mối quan hệ bị ảnh hưởng.
Ánh mắt của người trung thực luôn nhìn thẳng và đầy chính trực:
Thực sự đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn và ánh mắt của mỗi người đều thể hiện rất rõ tính cách, thái độ của người đó.Và đối với người trung thực, ánh mắt luôn nhìn thẳng, không phải giấu giếm hay lắt léo gì. Và ánh mắt của họ cũng rất cương định.
Với người trung thực, lời nói luôn đi đôi với hành động:
Người trung thực có cách hành xử rất quy tắc, họ nói được là làm được. Họ luôn đặt chữ tín và trách nhiệm lên hàng đầu, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Bên cạnh đó, người trung thực sẽ sống theo nguyên tắc của bản thân. Họ có những nguyên tắc riêng với bản thân mình và sẽ nghiêm khắc để thực hiện nó.
Người trung thực biết nhìn nhận lỗi lầm và khuyết điểm của mình:
Con người ai cũng có những sai lầm nhưng không phải ai cũng biết nhìn nhận và sửa chữa sai lầm của mình. Con người ta thường chỉ thích lộ ra những ưu điểm của mình và tìm cách che lấp đi khuyết điểm của bản thân. Nhưng với người trung thực thì khác, họ biết hạn chế của bạn thân họ ở đâu và công khai khuyết điểm của mình cho mọi người để ngày càng hoàn thiện bản thân của mình hơn.
3. Ý nghĩa của lòng trung thực:
Đối với người trung thực:
Người trung thực sẽ được mọi người yêu quý, kính trọng: mọi người đều yêu thích lẽ phải, vì thế họ cũng thích sự trung thực. Hơn nữa, trung thực sẽ giúp mọi người nâng cao được giá trị của bản thân. Từ đó, sẽ được nhiều người yêu mến và lấy đó làm gương để họ có thể noi theo và học hỏi. Chính vì thế, người trung thực cũng sẽ được kính trọng và tôn vinh.
Người trung thực sẽ nhận được sự tín nhiệm, tin tưởng của những người xung quanh.
Người trung thực luôn đúng về lẽ phải, bảo vệ sự thật dù bất cứ giá nào. Vì thế, họ sẽ luôn nhận được sự tin cậy của người khác và được coi trọng. Hơn nữa người trung thực cũng là người có trách nhiệm, biết nhìn nhận khuyết điểm và khắc phục, nên luôn được người khác tin tưởng giao trọng trách.
Giúp người trung thực duy trì và phát triển các mối quan hệ: Việc có những mối quan hệ với những người trung thực sẽ giúp cho đối phương cảm thấy an tâm vì không phải tiếp xúc với những gì được coi là dối trá và nịnh bợ, thảo mai. Vì thế, khi bạn là người trung thực, những người xung quanh bạn sẽ dễ dàng yêu mến bạn, và bạn có thể duy trì và phát triển mạng lưới quan hệ của mình.
Giúp người trung thực thấy thanh thản tâm hồn: Người trung thực luôn sống với lẽ phải, sẽ không bao giờ phải cảm thấy tội lỗi vì làm tổn thương những người tốt. Hơn nữa, họ cũng không phải suy nghĩ nhiều làm sao để làm hài lòng mọi người. Vậy nên người trung thực sẽ cảm thấy rất thanh thản.
Đối với những người xung quanh
Người trung thực sẽ tạo nên những tấm gương đẹp, những hình mẫu lý tưởng để những người xung quanh học hỏi và rèn luyện theo. Và sống gần những người trung thực, bạn cũng sẽ cảm nhận được những giá trị tốt đẹp để hoàn thiện bản thân.
Đối với xã hội
– Giúp nuôi dưỡng những giá trị đạo đức tốt đẹp:
Trung thực là một trong những phẩm chất cao quý của người dân Việt Nam, được ông cha ta truyền từ đời này sang đời khác. Nó nuôi dưỡng lên những giá trị tinh thần, mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Vì thế rèn cho mình đức tính trung thực là duy trì một đức tính tốt đẹp của dân tộc.
– Góp phần xây dựng xã hội văn minh: người trung thực lan tỏa thái độ sống đẹp đến những người xung quanh từ đó hình thành nên “hệ sinh thái” sống trung thực, góp phần cho sự phát triển của kinh tế – xã hội.
4. Làm sao để sống trung thực?
Sau khi tìm hiểu về những biểu hiện, ý nghĩa của tính trung thực, chúng ta có thể rút ra một số bài học cho bản thân để rèn luyện cho mình đức tính trung thực:
Thứ nhất, về nhận thức bạn cần nhận thức được tầm quan trọng của tính trung thực đối với bản thân và đối với cuộc sống, những người xung quanh.
Thứ hai, xây dựng ý thức trung thực từ những việc nhỏ hàng ngày đến dần những việc lớn hơn: Luôn tin tưởng và tôn trọng công lý, lẽ phải, dám đứng lên bảo vệ sự thật, lên án những việc làm sai trái, đi ngược với đạo đức xã hội, pháp luật. Ngoài, luôn tích cực học hỏi, trau dồi bản thân, không che đậy những khuyết điểm của bản thân.
Thứ ba, tạo ra những nguyên tắc riêng cho bản thân, đặt chữ tín lên hàng đầu, thực hành nói được, làm được.
Thứ tư, không thảo mai, nịnh bợ, nhưng cũng không đồng nghĩa với việc sỗ sàng, không lịch sự, không suy nghĩ trước khi nói.
Thứ năm, luôn cạnh tranh công bằng, khiêm tốn, chính trực, không vụ lợi cá nhân mà luôn đặt lợi ích chung lên trên nhất, hơn nữa luôn sẵn sàng lắng nghe góp ý của mọi người, nhìn nhận khuyết điểm và sửa chữa.
Thứ sáu, lên án, phê phán những người thiếu trung thực, đẩy lùi những tiêu cực do thiếu trung thực gây lên và sẵn sàng tuyên dương những việc làm trung thực.
5. Nhược điểm của lòng trung thực:
Trung thực là một đức tính tốt, tuy nhiên đôi lúc lòng trung thực cũng đem lại cho ta những phiền toái, nhược điểm nhất định:
Tính trung thực giúp duy trì các mối quan hệ nhưng đôi khi nó cũng khiến chúng ta đánh mất những mối quan hệ. Vì người trung thực đôi lúc sẽ quá thẳng thắn, làm đối phương tổn thương. Một tình huống như: việc được mời ăn một bữa ăn nhân ngày kỷ niệm và khi được hỏi chúng ta lại thẳng thắn chê bữa ăn đó thì chúng ta có thể mất đi người bạn đã mời bữa ăn đó, thay vì thẳng thắn chúng ta có thể tinh tế trả lời để không mất lòng và công sức của người bạn đó.
Người trung thực sẽ dễ bị kẻ xấu lợi dụng, ganh tị, vì người trung thực rất hiểu chuyện, và sẽ bị một số người không thích, và có mưu đồ xấu muốn làm khó, làm tổn thương, gây hại đến những người trung thực. Vì thế người lợi dụng dễ bị lợi dụng để làm chuyện xấu, hoặc lừa lấy tài sản vì người trung thực ít khi tỉnh táo để đề phòng và bảo vệ bản thân.
6. Những câu nói hay về lòng trung thực:
– “Trung thực là bước đệm đầu tiên thậm chí khi mà bạn không thấy tất cả các bậc cầu thang” (Martin Luther King – Mục sư và Nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi)
– Cây ngay không sợ chết đứng.
– Thẳng mực thì đau lòng gỗ.
– Thẳng như ruột ngựa.
– Thuốc đắng giã tật – Sự thật mất lòng
– Ăn ngay nói thẳng.
– Ăn ngay nói thật mọi tật mọi lành.
– Một câu nói ngay bằng ăn chay cả tháng.
– Mất lòng trước, được lòng sau.
– Của phi nghĩa có giàu đâu. Ở cho ngay thẳng giàu sau mới bền.
– “Trung thực là “chương đầu tiên” trong cuốn sách về sự khôn ngoan” (Thomas Jefferson – Chính khách, Nhà ngoại giao, Luật sư và Nhà triết học người Mỹ)
– “Lòng trung thực thường không mang tới sự đáp lại trong tình yêu, nhưng nó hiển nhiên là điều cần thiết để có được tình yêu” (Ray Blanton – Doanh nhân và Chính trị gia người Mỹ)
– Người thật sự trung thực là người luôn luôn tự hỏi mình đã đủ trung thực chưa.
– “Con người trưởng thành qua kinh nghiệm nếu họ đối diện với cuộc đời trung thực và can đảm. Đây là cách tính cách hình thành” (Anna Eleanor Roosevelt – Chính khách người Mỹ)
– “Nói lời phải giữ lấy lời.
Đừng như con bướm đậu rồi lại bay”
– “Làm người suy chín xét xa
Cho tường gốc ngọn, cho ra vắn dài”
– “Những người tính nết thật thà
Đi đâu cũng được người ta tin dùng”
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!