Mẫu quyết định phân công nhiệm vụ cho nhân viên năm 2023
1. Mẫu quyết định phân công nhiệm vụ:
Mẫu quyết định phân công nhiệm vụ cho nhân viên mang nghĩa rộng hơn. Nó được hiểu nhiệm vụ có thể là rất nhiều công việc. Ví dụ: Mẫu quyết định phân công nhiệm vụ kế toán, mẫu quyết định phân công nhiệm vụ thiết kế, mẫu quyết định phân công nhiệm vụ giám sát…
Tải về quyết định phân công nhiệm vụ
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————————
….., ngày…… tháng………. năm…….
QUYẾT ĐỊNH PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ CHO NHÂN VIÊN
(Chức vụ của người đưa ra quyết định)
– Căn cứ vào điều lệ và hoạt động tổ chức của công ty……
– Căn cứ quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức các chức danh của công ty……
– Căn cứ Quyết định số………..của ông (bà)………đối với ông (bà) về…
Điều 1: Giao nhiệm vụ cho ông (bà) ……..làm nhiệm vụ…
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực từ……
Điều 3: Công ty…….và ông (bà) chịu trách nhiệm thi hành quyết định này
Nơi nhận Người đại diện theo pháp luật
(Người ra quyết định)
2. Mẫu quyết định giao việc:
Mẫu quyết định giao việc cho nhân viên được hiểu và sử dụng với nghĩa hẹp hơn. Nó được sử dụng khi giao 01 công việc cụ thể, rõ ràng. Ví dụ: Quyết định giao việc cho nhân viên (về việc: Đàm phán hợp đồng với công ty A), Quyết định giao việc cho nhân viên (về việc: Thay mặt ký hợp đồng với công ty B)…
Tải về quyết định giao việc
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————————
….., ngày…… tháng………. năm…….
QUYẾT ĐỊNH GIAO VIỆC
(Chức vụ của người ra quyết định)
– Căn cứ vào điều lệ của công ty……
– Căn cứ vào quyết định số……
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ông (bà)………được giao công việc……từ ngày………đến ngày……
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực từ ngày…
Điều 3: Công ty…….và ông (bà) ……có trách nhiệm thi hành.
Nơi nhận Ký tên
(Người ra quyết định)
Như vậy, 02 loại mẫu quyết định phân công nhiệm vụ và quyết định giao việc có ngữ cảnh sử dụng và mục đích sử dụng khác nhau. Người dùng lưu ý sử dụng biểu mẫu này cho đúng với mục đích và ngữ cảnh của mình.
3. Cách soạn quyết định giao việc:
– Luôn có quốc hiệu và tiêu ngữ trong quyết định giao việc;
– Xác định người có thẩm quyền ra quyết định giao việc đúng thẩm quyền;
– Ghi rõ ngày, tháng, năm bắt đầu thực hiện công việc;
– Ghi rõ những người có trách nhiệm thi hành quyết định giao việc;
– Ghi rõ công việc được giao, nhiệm vụ được giao. Nếu cần có thể chi tiết hoá các công việc được giao, nhiệm vụ được giao để quyết định được chính xác nhất.
– Đại diện của công ty giao việc phải ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu theo đúng quy định của pháp luật
– Để xác nhận tính pháp lý, tốt nhất phải có chữ ký xác nhận của nhân sự được giao việc thể hiện: Đã nhận quyết định, đã nhận công việc và nhiệm vụ được giao.
– Quyết định giao việc, quyết định phân công nhiệm vụ được lập với mục đích tránh các tranh chấp pháp lý không đáng có trong nội doanh nghiệp, xác định người chịu trách nhiệm với công việc và nhiệm vụ được giao.
4. Thẩm quyền giao việc, giao nhiệm vụ cho nhân viên:
+ Người đứng đầu trong đơn vị, cơ quan, tổ chức: Đó có thể là Thủ trưởng của các cơ quan, đơn vị nhà nước; Tổng giám đốc/Giám đốc của các công ty, doanh nghiệp. Đây là người quản lý có vị trí cũng như quyền lực cao nhất, và quyết định có hiệu lực tối cao nhất trong đơn vị, cơ quan đó.
+ Người đứng đầu trong một bộ phận, một văn phòng, một nhóm: Ví dụ như các trưởng phòng, trưởng bộ phận, trưởng nhóm nghiên cứu sinh. Với sự phân công nhiệm vụ của người đứng đầu, đây là những người có nhiệm vụ phân công nhiệm vụ cho những người thuộc sự quản lý của mình trong một nhóm, trong một văn phòng, một bộ phận…
+ Người được ủy quyền ra quyết định phân công nhiệm vụ. Đối tượng này có thể là người không có quyền ra quyết định nhưng được người có quyền phân công nhiệm vụ cho những người khác ủy quyền để ký quyết định phân công việc.
5. Cắt lương, không giao việc có được coi là tạm đình chỉ công tác không?
Tóm tắt câu hỏi:
Kính chào luật Sư! Tôi xin trình bày sự việc như sau: Năm 2011, tôi được bổ nhiệm công chức nhưng không được hưởng chế độ phụ cấp công vụ.
Tháng 11/2014 Sở Nội vụ ra thông báo ký hợp đồng với viên chức, phòng Nông nghiệp huyện đã yêu cầu tôi ký hợp đồng nhưng tôi không đồng ý.
Ngày 28/12 tôi làm đơn khiếu nại lần 1.
Ngày 16 tháng 01 năm 2015 bị đơn vị tự ý chuyển sang ngạch viên chức không có lý do và yêu cầu ký hợp đồng làm việc theo luật viên chức.Tôi không đồng ý, có đơn xin tạm hoãn thời gian ký hợp đồng , đồng để chờ kết quả giải quyết khiếu nại. Nhưng lãnh đạo đơn vị không đồng ý và có văn bản thông báo cắt lương, không giao việc (từ tháng 3/2015) với lý do tôi không chấp hành theo quyết định chuyển ngạch.
Từ ngày 1/3 đến ngày 10/3 tôi vẫn đến cơ quan làm việc nhưng lãnh đạo gạch tên tôi trong danh sách chấm công hàng ngày và yêu cầu tôi ở nhà vì đã ra thông báo không giao việc cắt lương.
Từ tháng 3/2015 đến tháng 11/2015 tôi thực hiện mô hình nuôi cá ở hộ nuôi do UBND huyện giao cho phòng phòng đảm nhận. Khi kết thúc mô hình đến nay ở nhà chờ kết quả giải quyết.
Ngày 15/ 4/2016 tỉnh có văn bản giải quyết của UBND tỉnh như sau:
– Chi trả chế độ phụ cấp công vụ cho bà KA từ ngày 1/5/2011 theo đúng qui định. Phục hồi ngạch công chức và chi trả chế độ tiền lương cho bà KA theo qui định đối với thời gian bà KA làm việc thực tế tại phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy An.
– Rà soát ưu tiên bố trí đủ số lượng công chức thực hện chức năng nhiệm vụ QLNN được giao cho phòng.
– Sở Nội vụ chấm dứt hiệu lực quyết định chuyển ngạch công chức sang viên chức của bà KA và phục hồi ngạch công chức vì quyết định chuyển ngạch là trái qui định Tuy nhiên, đến nay tôi cũng chỉ nhận được quyết định chi trả chế độ phụ cấp công vụ bằng văn bản của UBND huyện nhưng chưa nhận được tiền phụ cấp chi trả.
Vậy xin hỏi luật sư:
– Thông báo cắt lương, không giao việc và gạch tên trong danh sách chấm công của phòng có được xem là thông báo tạm đình chỉ công việc hay không?
– Trong thời gian tôi nghỉ việc nhưng vẫn phụ trách mô hình nuôi tại cơ sở (tháng 6/2014 đến tháng 10/2015) và thời gian tôi nghỉ ở nhà chờ giải quyết khiếu nại thì có được nhận tiền lương hay không?
– Ngày 6/7/2016 , phòng có thông báo về việc tôi tự ý nghỉ việc là 52 ngày tính theo ngày của quyết định phục hồi ngạch công chức mà tôi chưa nhận được và thông báo triệu tập tôi ra để kỷ luật trong khi tôi chưa nhận được thông báo phục hồi ngạch công chức hoặc thông báo phục hồi công việc để tôi đi làm. Vậy trong trường hợp này cơ quan kỷ luật tôi vì lý do trên là đúng hay sai?
– Đối với công tác Đảng, trong thời gian tạm nghỉ tôi có xin tạm hoãn sinh hoạt vì nhà xa, con nhỏ, công việc lương bổng bị gián đoạn nên không tiện cho sinh hoạt tại cơ quan. Tuy nhiên chi bộ không đồng ý và ra giấy mời tôi ra chi bộ để xem xét kỷ luật vì tôi không tham gia sinh hoạt đảng. Từ đó đến nay, đảng viên phản hồi nội dung cuộc họp là đã khai trừ tên tôi ra khỏi danh sách đảng viên của chi bộ nhưng tôi cũng không nhận được quyết định khai trừ. Bây giờ đảng viên chi bộ lại phản hồi rằng đã ghi tên tôi lại trong danh sách đảng viên. Tôi phải làm gì trong trường hợp gì để được sinh hoạt đảng trở lại?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất: Việc cắt lương, không giao việc có được coi là Tạm đình chỉ công tác không?
Căn cứ theo Điều 81 Luật cán bộ, công chức 2008 có quy định tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, công chức.
Theo thông tin bạn trình bày bạn đơn vị tự ý chuyển sang ngạch viên chức không có lý do và yêu cầu ký hợp đồng làm việc theo luật viên chức nhưng bạn không đồng ý bạn không đồng ý, có đơn xin tạm hoãn thời gian ký hợp đồng nhưng lãnh đạo đơn vị không đồng ý và có văn bản thông báo cắt lương, không giao việc (từ tháng 3/2015) với lý do bạn không chấp hành theo quyết định chuyển ngạch. Căn cứ theo quy định tại Điều 81 Luật cán bộ, công chức 2008 xét về bản chất việc thông báo cắt lương không giao việc của lãnh đạo không phải là thông báo tạm đình chỉ công tác.
Thứ hai: Về chế độ tiền lương
Theo như bạn trình bày ngày 15/04/2016 Ủy ban nhân dân Tỉnh có trả lời: chi trả chế độ tiền lương cho bạn theo qui định đối với thời gian làm việc thực tế tại phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy An.
Tại Điều 24 Nghị định 34/2011/NĐ-CP có quy định về chế độ, chính sách đối với công chức đang trong thời gian tạm giữ, tạm giam và tạm đình chỉ công tác. Tuy nhiên đối với trường hợp của bạn, như phân tích ở trên thì có thể thấy, thời gian bạn bị cắt lương, không giao việc không phải là thời gian bị tạm đình chỉ công tác, mà thời gian bạn nghỉ ở nhà để chờ giải quyết khiếu nại và phụ trách tại cơ sở là xuất phát từ thống báo sai trái của lãnh đạo, Do vậy, vấn đề tiền lương những ngày chờ giải quyết khiếu nại và phụ trách tại cơ sở thì bạn nên yêu cầu bên phía Ủy ban nhân dân trả lời rõ hơn.
Thứ ba: Quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức
Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 34/2011/NĐ-CP có quy định các hành vi xử lý kỷ luật. Căn cứ theo Điều 18 Luật cán bộ, công chức 2008, Điều 19 Nghị định 34/2011/NĐ-CP.
Theo thông tin bạn trình bày ngày 15/4/2016 Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản giải quyết, không rõ lý do vì sao mà bạn lại không nhận được văn bản giải quyết. Tuy nhiên việc mà Cơ quan gửi giấy triệu tập thông báo bạn ra để tiến hành xử lý kỳ luật với lý do bạn tự ý nghỉ việc 52 ngày là phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên theo thông tin mà bạn trình bày thì bạn không nhận được thông báo đi làm lại, do vậy, bạn có thể làm đơn khiếu nại vè quyết định xử lý kỷ luật.
Thứ Tư: Xóa tên trong danh sách Đảng viên
Tại Điều 7 Quy định 181/QĐ-TW có quy định như sau:
Điều 7. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ
3. Trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
a) Vô tổ chức, vô kỷ luật, cố ý bỏ sinh hoạt đảng, bỏ vị trí công tác nhiều lần không có lý do chính đáng; có hành vi chống lại các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tiết đ Điểm 1 Chương III Hướng dẫn 09-HD/UBKTTW năm 2013:
“đ) Về Điểm a, Khoản 3, Điều 7:
Vô tổ chức, vô kỷ luật, cố ý bỏ sinh hoạt đảng, bỏ vị trí công tác nhiều lần không có lý do chính đáng; có hành vi chống lại các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
– Vô tổ chức, vô kỷ luật là việc đảng viên tùy tiện, không đặt mình trong hệ thống tổ chức của Đảng, không thực hiện đúng các quy định của tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể mà mình là thành viên.
– Đảng viên có vi phạm đã được kiểm điểm, phê bình, giáo dục hoặc đã bị xử lý kỷ luật mà vẫn tiếp tục cố ý bỏ sinh hoạt đảng.
– Đảng viên có hành vi chống lại các chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước được hiểu là đảng viên cố tình không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc có hành vi phủ định, bác bỏ, vô hiệu hóa các chủ trương, nghị quyết, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.”
Theo thông tin bạn trình bày bạn xin tạm hoãn sinh hoạt vì nhà xa, con nhỏ, công việc lương bổng bị gián đoạn nhưng không được chi bộ đồng ý. Chi bộ đã mời bạn ra xử lý kỷ luật nhưng bạn không ra. Căn cứ theo quy định trên việc bạn xin tạm hoãn sinh hoạt Đảng nhưng không được chi bộ đồng ý mà bạn tự ý nghỉ thì Chi bộ có thể xử lý bạn với hình thức khai trừ ra khỏi đảng với lý do vô tổ chức, vô kỷ luật, cố tình tự ý bỏ sinh hoạt đảng. Dựa vào thông tin bạn trình bày thì qua phản ánh của Đảng viên thì bạn đã bị xóa tên trong danh sách, nay lại phản ánh bạn đã được ghi tên lại trong danh sách. Bởi vì bạn cũng chưa trực tiếp hỏi chi bộ mà mới nghe thông tin phản ánh qua các Đảng viên khác, do vậy bạn cần liên hệ lại với Chi bộ để hỏi rõ về vấn đề này.
6. Quy định về phân công chuyên môn cho viên chức trúng tuyển:
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào Văn phòng Luật sư. Tôi có một thắc mắc, rất mong Luật sư gíup đỡ tôi: tôi đang công tác tại Trường THCS, trường tôi có một giáo viên dự thi viên chức môn Địa lý (chuyên ngành của giáo viên đó là Văn – Địa. Nhưng khi thi viên chức thì giáo viên đó thì Địa lý) khi về trường thì Hiêụ trưởng lại phân cho giáo viên này dạy Văn mà không phân dạy một tiết Địa nào trông khi trường tôi đang thiếu giáo viên Địa lý, Hiệu trưởng đã phân cho những người không có chuyên môn Địa dạy Địa trong khi giáo viên thì viên chức đúng chuyên ngành Địa lý thì lại không phải dạy Địa. Vậy xin Luật sư cho tôi hỏi việc phân công chuyên môn như thế ở trường tôi có đúng không ạ? Tôi xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của Luật sư.
Luật sư tư vấn:
Căn cứ theo Điều 25 Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức quy định về phân công nhiệm vụ đối với viên chức.
Căn cứ vào quy định này thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc người đứng đầu đơn vị sử dụng viên chức chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của viên chức, bảo đảm các điều kiện cần thiết để viên chức thực hiện nhiệm vụ và các chế độ, chính sách đối với viên chức.
Khoản 1 Điều 19 Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệu trưởng như sau:
+ Xây dựng, tổ chức bộ máy nhà trường;
+ Thực hiện các quyết nghị của Hội đồng trường;
+ Xây dựng quy hoạch phát triển nhà trường; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học; báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện trước Hội đồng trường và các cấp có thẩm quyền;
+ Thành lập các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và các hội đồng tư vấn trong nhà trường; bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó; đề xuất các thành viên của Hội đồng trường trình cấp có thẩm quyền quyết định;
+ Quản lý giáo viên, nhân viên; quản lý chuyên môn; phân công công tác, kiểm tra, đánh giá xếp loại giáo viên, nhân viên; thực hiện công tác khen thưởng, kỉ luật đối với giáo viên, nhân viên; thực hiện việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên; ký hợp đồng lao động; tiếp nhận, điều động giáo viên, nhân viên theo quy định của Nhà nước;
+ Quản lý học sinh và các hoạt động của học sinh do nhà trường tổ chức; xét duyệt kết quả đánh giá, xếp loại học sinh, ký xác nhận học bạ, ký xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học cho học sinh tiểu học (nếu có) của trường phổ thông có nhiều cấp học và quyết định khen thưởng, kỷ luật học sinh;
+ Quản lý tài chính, tài sản của nhà trường;
+ Thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước đối với giáo viên, nhân viên, học sinh; tổ chức thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của nhà trường; thực hiện công tác xã hội hoá giáo dục của nhà trường;
+ Chỉ đạo thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành; thực hiện công khai đối với nhà trường;
+ Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Đồng thời việc phân công nhiệm vụ cho viên chức phải bảo đảm phù hợp với chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý được bổ nhiệm và yêu cầu của vị trí việc làm.
Như vậy, đối với trường hợp của bạn. Người giáo viên này trúng tuyển kỳ thi viên chức với vị trí việc làm làm giáo viên dạy địa lý. Thì người đứng đầu nhà trường có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho giáo viên này phải phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm. Mặc dù chuyên ngành là giáo viên văn – địa, tuy nhiên phải phù hợp với vị trí được tuyển dụng. Hiệu trưởng nhà trường phân công cho những người không có chuyên môn địa lý dạy môn địa lý là không đúng chuyên môn là sai.
Nếu như bạn có ý kiến phản hồi đối với trường hợp của người giáo viên này thì bạn có thể làm đơn khiếu nại lên hiệu nhà trường, nếu nhà trường không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì bạn làm đơn gửi đến Phòng Giáo dục – Đào tạo; Phòng nội vụ cấp huyện nơi quản lí trực tiếp đơn vị sự nghiệp công lập nơi bạn đang công tác giảng dạy để được giải quyết.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!