Nữ sinh tri ân người mẹ đã khuất, vượt qua nỗi đau ba bỏ đi theo
Nữ sinh tri ân người mẹ đã khuất, vượt qua nỗi đau “Ba bỏ mẹ con mày, đi theo người khác rồi”
“Khi đám bạn tò mò hỏi con: “Ba mày đâu?”, hay nghe người lớn trong gia đình nói “Ba mày bỏ mẹ con mày, đi theo người khác rồi”. Mẹ ơi, dù còn nhỏ dại, lòng con vẫn đau nhói”.
Mẹ đã đau hơn con gấp ngàn lần!
Đó là những dòng tâm sự của Nguyễn Thị Thu Trang – lớp 12C4, Trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú, TPHCM – gửi tới người mẹ đã khuất tại buổi lễ tri ân và trưởng thành do trường tổ chức mới đây.
Trang mong người mẹ có thể nghe những lời chân thành nhất mà mãi đến khi mẹ ra đi, con vẫn chưa đủ lớn để nói ra.
“Mẹ con chỉ có một trên đời, không ai thay thế, và cái khoảng trống mẹ để lại trong con khi ra đi vĩnh viễn vẫn luôn là khoảng trống! Nhưng vì con đã lớn, con biết tự lấp khoảng trống bằng những ký ức về mẹ”, Trang kiên cường chia sẻ.
Trong câu chuyện của mình, Trang cho biết, ba đã bỏ ba mẹ con em từ nhỏ. Mẹ một mình tần tảo, lo lắng cho hai chị em.
Mỗi lần nhớ đến những câu hỏi về ba – cảm giác nhói đau ấy – Trang vẫn nhớ đến giờ.
“Và con hiểu, lúc đó mẹ còn đau đớn hơn con gấp ngàn lần, phải không mẹ?” – Trang đặt câu hỏi.
Bạn bè xúc động với câu chuyện của Trang mang đến buổi lễ tri ân và trường thành (Ảnh: NTCC).
Trong mắt Trang mẹ thật vĩ đại và mạnh mẽ, mẹ là “thần tượng”, một mình gánh vác cả hai vai trò làm mẹ và làm cha. Mẹ tần tảo sớm hôm, gồng gánh cả gia đình, ra đi khi con chưa dậy, về nhà lúc con đã ngủ rồi. Cơm áo gạo tiền vây bủa, nhưng mẹ chưa từng để chị em thiếu thốn. Nhiều lúc con không ngoan, mẹ rầy la, mắng mỏ và rút roi đánh con… trong nước mắt.
Thế nhưng, cuộc đời trớ trêu khi mẹ Trang đã ra đi bởi một tai nạn.
“Con ước gì thời gian quay ngược lại để con chuộc lỗi của mình, để làm đứa con thật ngoan, để lau nước mắt trên khuôn mặt mẹ!”.
Trong phần chia sẻ của mình, nữ sinh cũng gửi lời tri ân tới người chị ruột dù chỉ hơn Trang vài tuổi nhưng đã thay mẹ nuôi dạy em. Chị gái đã dành cả tuổi trẻ, không nghĩ đến hẹn hò ai, chỉ tập trung vào việc kiếm tiền cho em ăn học.
“Khi mẹ mất, đứa em gái này chỉ muốn chết theo thôi. Nhưng Hai đã cho em tựa vào đôi vai của Hai để vượt qua nỗi hụt hẫng. Với em, Hai cũng là một “chiến binh” mạnh mẽ và kiên cường như mẹ…
Nếu như ngày trước, mẹ của chị em mình gánh vác cả việc làm cha, thì chị Hai của em gánh hết trách nhiệm của cả cha lẫn mẹ”, Trang nghẹn ngào.
Cuối thư, Trang nhắn nhủ với chị của mình: “Em nay đã lớn, biết suy nghĩ thiệt hơn, biết tự chăm sóc bản thân rồi. Hai đừng quá lo lắng cho em nữa mà hãy sống cho mình. Em ước mong sao, chị Hai của em sẽ gặp được người đàn ông tốt để xây dựng cuộc sống gia đình. Hãy hạnh phúc nhé, người chị tuyệt vời của em! Mỗi lần Hai nở nụ cười, em lại thấy mẹ hiện lên ở trong Hai. Thật đó!”.
Lời chia sẻ của em khiến tất cả mọi người có mặt đều xúc động. Nhiều người đã không cầm được nước mắt.
Một lời cám ơn bố là không đủ
Buổi tri ân cũng là dịp để những cô cậu học trò cuối cấp được nói ra lời tâm sự mà ít dám thổ lộ.
Gia Bảo – học sinh lớp 12C1 – có một lá thư muốn gửi đến bố của mình, nhưng vì không thu xếp được công việc, bố của em không thể có mặt tại buổi tri ân này.
Bảo kể rằng, mẹ của em vĩnh viễn ra đi khi hai anh em còn rất nhỏ. Bố phải nuốt nước mắt vào trong, vừa làm bố, vừa làm mẹ để nuôi con thơ.
Bảo cho biết, lúc nhỏ em không cảm nhận được nỗi đau khi mất mẹ, cũng không hiểu được sự khổ cực của bố. Trong suốt mười mấy năm qua, bố đã vùi vào công việc, vừa để có tiền trang trải, nuôi con, vừa để quên đi nỗi đau mất mát.
Dù khổ cực, vất vả nhưng bố luôn chăm lo cho anh em Bảo đủ đầy, là “ông Bụt” khi anh em Bảo ngoan, là “ông Kẹ” khi hư, là chuyên gia tâm lý khi anh em đánh nhau…
Với Bảo, ước muốn của em là được gặp bố và được ăn một bữa cơm gia đình. Bởi từ khi vào trung học, anh em Bảo vào ở nội trú, lịch học kín mít, học phí cũng tăng thêm nên bố phải làm việc nhiều hơn. Chính vì thế, bữa cơm đoàn tụ ngày thường không có.
“Bố là người rất vĩ đại, là bóng mát cho cuộc đời của hai anh em con. Con đã trách cuộc đời sao đem mẹ của con đi nhanh quá… nhưng con cám ơn số phận vì cho con được làm con của bố. Con biết rằng, một lời cám ơn là không đủ và bố cũng không cần con nói đến lời tri ân. Nhưng xin cho con một lần được nói: Con cám ơn bố về tất cả mọi điều bố làm cho con”, Bảo chia sẻ.
Bài học về lòng biết ơn
Gửi gắm tâm sự với các em học sinh trong lễ tri ân, thầy giáo Nguyễn Đình Độ – Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân chia sẻ, để có được ngày hôm nay – ngày mà các em học sinh lớp 12 đã đủ chín chắn, trưởng thành; đủ kiến thức và bản lĩnh để chuẩn bị một hành trình mới của cuộc đời – các em học sinh hãy tưởng nhớ và cám ơn những người thầy, người cô từ thuở các em chập chững bước chân đến trường, học phát âm, viết chính tả, làm toán.
Các em hãy cảm ơn những người thầy ở cấp 2 đã cần mẫn, vun xới bồi đắp kiến thức để các em vào được bậc THPT; cám ơn các thầy cô cấp 3 đã truyền đạt kiến thức, ước mơ, hoài bão để các em bay cao bay xa…
Sự trưởng thành của các em còn có công sức của các cô chú bảo vệ, lao công, cấp dưỡng; các thầy cô bán trú, nội trú… vì đây là những người đã đồng hành, kề cận, theo sát từng bữa ăn, giấc ngủ cho đến các bài học cho các em học sinh.
Những người làm cha, làm mẹ xúc động ôm con vào lòng (Ảnh: NVCC).
Đặc biệt, thầy Độ nhấn mạnh, có hai người quan trọng mà các em học sinh phải nhớ đến. Đây là hai người luôn bên cạnh các em học sinh bất kể lúc nào: lúc vui hay buồn, lúc hờn dỗi hay sung sướng, lúc khóc lóc hay cười đùa, lúc đầy rẫy ước mơ, hy vọng hay chán chường, thất vọng, lúc khỏe khoắn hay ốm đau, lúc ở gần hay ở xa, lúc còn nhỏ hay khi tóc đã điểm bạc…
“Hai người này chính là hai người xứng đáng nhất, thiêng liêng nhất, đẹp đẽ nhất… mà các con nhớ ơn chính là ba mẹ của các con. Hai người đã tần tảo cả đời để các con có được quá khứ êm đềm, hiện tại an vui và tương lai rộng mở”, vị hiệu trưởng căn dặn học sinh trong bài học cuối cùng.
Bên cạnh đó, thầy dặn rằng, các em học sinh cũng nên cám ơn một người nữa, đó chính là bản thân mình. Những gì các em có được ngày hôm nay đều do chính các em bỏ ra nhiều công sức, thời gian, trí tuệ… mới có được.
“Khi các con chuẩn bị bước ra biển lớn, có thể sẽ không còn mọi người bên cạnh. Lúc này, các con rất cần bản thân mình. Hãy nhớ đến những điều bản thân mình đã làm được để quý trọng và phát huy”, thầy Độ nhắn nhủ.
Bài: Huyên Nguyễn
12/06/2023
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!