Mùa xuân trong thi ca Việt – Công an Nhân dân
- Bước chậm giữa mùa xuân
- Vẽ mùa xuân
So với mùa thu, mùa xuân gắn với nhiều lạc quan và hy vọng hơn bởi mùa thu đẹp nhưng thường đi cùng nỗi buồn man mác bâng khuâng, mà người ta không thể bước tới tương lai bằng nỗi man mác ấy. Trong dòng chảy thi ca Việt, mùa xuân đã đi vào vô vàn các tác phẩm thơ và nhạc của những nghệ sĩ tài danh, từ truyền thống đến hiện đại, trở thành một dòng chảy dạt dào với nhiều cung bậc cảm xúc, phong phú về nội dung biểu đạt.
Hội xuân của bà con các dân tộc miền núi phía Bắc.
1. Thời trung đại, vẻ đẹp của mùa xuân in dấu trong thơ của nhiều danh gia. Từ thế kỷ 11, Mãn Giác thiền sư qua bài kệ nổi tiếng “Cáo tật thị chúng” đã nói với chúng ta những quy luật của mùa xuân, của đất trời cùng sự đề cao giá trị tinh thần trong tư duy, trong suy nghĩ nội tại, nhấn mạnh vào niềm tin tưởng ở sự sống, ở tương lai: “Xuân qua trăm hoa rụng/ Xuân tới trăm hoa cười… Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai”.
Nguyễn Trãi ở thế kỷ 15 cũng có khá nhiều câu thơ, bài thơ về mùa xuân, thể hiện niềm lạc quan yêu đời, ung dung tự tại. Con người sống chan hòa cùng cảnh sắc thiên nhiên của mùa xuân dù xuân đang dâng tràn hay “xuân đã muộn”: “Cỏ xanh như khói bến xuân tươi/ Lại có mưa xuân nước vỗ trời” (Bến đò xuân đầu trại), “Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn/ Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan” (Cuối xuân tức sự).
Liền ngay sau Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thế kỷ 16 cũng có những vần thơ về mùa xuân trong sự tận hưởng cuộc sống theo lẽ tự nhiên nhi nhiên: “Thu ăn măng trúc đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao” (Nhàn).
Đại thi hào Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” cũng có những câu thơ tả vẻ đẹp trong ngần, tinh khôi, đầy ắp sức sống của mùa xuân: “Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa/ Thanh minh trong tiết tháng ba/ Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh/ Gần xa nô nức yến anh/ Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân”. Cũng trong “Truyện Kiều”, chữ “xuân” còn được dùng để miêu tả vẻ đẹp của những người phụ nữ: “Làn thu thủy, nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”, “Bóng hồng nhác thấy nẻo xa/ Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai”.
Dĩ nhiên không chỉ có niềm vui, mùa xuân còn gắn cả với những nỗi buồn, nỗi cô đơn lẻ loi của một khát khao hạnh phúc còn dang dở như trong thơ Hồ Xuân Hương: “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại/ Mảnh tình san sẻ tí con con” (Tự tình 2), “Chơi xuân có biết xuân chăng tá/ Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không” (Đánh đu).
2. Phong trào Thơ Mới 1932 – 1945, đỉnh cao của thơ ca Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20 có rất nhiều thi phẩm độc đáo, xuất sắc về mùa xuân, nhưng tựu trung lại có thể chia làm hai khuynh hướng: mùa xuân gắn với nỗi buồn và mùa xuân gắn với niềm vui. Nỗi buồn giống như một thứ mỹ cảm bao phủ bàng bạc khắp Thơ Mới bởi nó ngầm chứa tâm trạng của tầng lớp tri thức trong hoàn cảnh nước nhà còn mất độc lập tự do, chưa thể tìm thấy hay xác định rõ ràng một con đường tương lai cho mình.
Chế Lan Viên đang ở trong tuổi xuân mà viết những câu thơ từ chối mùa xuân, chán ghét mùa xuân: “Tôi có chờ đâu có đợi đâu/ Đem chi xuân đến gợi thêm sầu/ Với tôi tất cả như vô nghĩa/ Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau/ Ai đâu trở lại mùa thu trước/ Nhặt lấy cho tôi những lá vàng/ Với của hoa tươi muôn cánh rã/ Về đây đem chắn nẻo xuân sang” (Xuân).
Hàn Mặc Tử thì viết bài lục bát “Sầu xuân” gồm 12 câu mà có đến 14 chữ xuân, chữ xuân nào cũng buồn bã lạnh lùng hoang vắng trống trải. Bi kịch của con người được đẩy cao đến độ, khi đã trốn vào hạnh phúc của ân ái, của tình yêu đôi lứa mà vẫn không thoát khỏi nỗi buồn: “Thề xuân dù chẳng vuông tròn/ Khóa buồng xuân lại vẫn còn sầu xuân”.
Mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính cũng thật buồn với nỗi ly biệt quê hương, xa nhà nhớ chị và tấm thân phiêu bạt giang hồ: “Bốn bể vẫn chưa yên sóng gió/ Xuân này em chị vẫn tha hương/ Vẫn ăn cái Tết ngoài thiên hạ/ Son sắt say hoài rượu viễn phương/ Em đi non nước xa khơi quá/ Mỗi độ xuân về bao nhớ thương” (Xuân vẫn tha hương).
Nhưng cũng chính những thi sĩ trên lại có những vần thơ khác về mùa xuân tươi vui, trong trẻo:“Trong làn nắng ửng khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/ Sột soạt gió trêu tà áo biếc/ Trên giàn thiên lý/ Bóng xuân sang” (Mùa xuân chín – Hàn Mặc Tử), “Đây cả mùa xuân đã đến rồi/ Từng nhà mở cửa đón vui tươi/Từng cô em bé so màu áo/ Đôi má hồng lên, nhí nhảnh cười” (Thơ xuân – Nguyễn Bính).
Nhưng say đắm tươi vui rạo rực nồng nàn với mùa xuân nhiều hơn cả trong phong trào Thơ Mới phải kể đến Xuân Diệu, người từng được mệnh danh là nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới, hoàng tử thơ tình: “Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già/ Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất/ Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật… Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!” (Vội vàng), “Xuân của đất trời nay mới đến/ Trong tôi xuân đã đến lâu rồi” (Nguyên đán), “Tình không tuổi và xuân không ngày tháng” (Xuân không mùa).
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!