Tăng gấp 10 LẦN mức phạt trốn khám nghĩa vụ quân sự và 5 trường
Hiện tại đang là thời điểm các địa phương lên kế hoạch gọi thanh niên trong độ tuổi đi nghĩa vụ quân sự để khám sơ tuyển sức khỏe ở cấp xã, sau khi khám sơ tuyển thì Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp xã sẽ chuyển danh sách thanh niên đủ điều kiện sức khỏe để đi khám sức khỏe chính thức ở cấp huyện, và sẵn sàng giao quân vào khoảng tháng 1-2 năm sau.
Việc không có mặt theo giấy gọi khám nghĩa vụ quân sự là thực trạng thường xảy ra trong mỗi đợt tuyển quân, vì nhiều lí do, làm cho công tác tuyển quân gặp khó khăn và ảnh hưởng đến kế hoạch giao quân theo chỉ tiêu đề ra.
Chính vì vậy, ngày 6/6/2022 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2022/NĐ-CP, trong đó quy định tăng nặng mức phạt đối với hành vi trốn khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự và bổ sung mức phạt cho các hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
Vậy, mức phạt hiện nay là bao nhiêu? Có phải mọi trường hợp thanh niên không có mặt theo lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự đều bị xử phạt không?
Mời các bạn cùng xem tiếp câu trả lời trong bài viết dưới đây.
1. Các mức phạt liên quan đến khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự
Theo quy định mới, kể từ ngày 22/7/2022, các hành vi vi phạm liên quan đến việc kiểm tra và khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự có mức phạt như sau:
Điều 6. Vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự (khoản 8 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP)
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
2. Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;
b) Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
4. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
Như vậy:
– Đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm ghi trong lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng, hay thường gọi là “trốn khám nghĩa vụ quân sự”, thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 – 12.000.000 đồng, mức phạt này tăng gấp 10 lần so với quy định trước đây là 800.000 – 1.200.000 đồng.
– Ngoài ra, liên quan đến vi phạm trong việc kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thì trong Nghị định 37/2022/NĐ-CP này bổ sung 2 hành vi vi phạm bị xử phạt mới đó là:
+ Hành vi cố ý không nhận lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng, thì bị phạt tiền từ 12.000.000 – 15.000.000 đồng; và
+ Hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự: phạt tiền từ 25.000.000 – 35.000.000 đồng.
Quy định cũ trước đây không có nội dung này.
2. Trường hợp nào được vắng khi có lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự
Mặc dù đã có quy định phạt nặng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm ghi trong lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, nhưng pháp luật vẫn cho phép trong một số trường hợp đặc biệt, thanh niên có thể vắng trong buổi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, cụ thể được quy định tại Điều 5 Thông tư 95/2014/TT-BQP ngày 07/07/2014 như sau:
– Thứ nhất: bị bệnh hoặc trên đường đi thì bị bệnh hoặc bị tai nạn;
– Thứ hai: người thân gồm cha mẹ đẻ; cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp đang bị bệnh nặng;
– Thứ ba: người thân gồm cha, mẹ đẻ; cha, mẹ vợ hoặc cha, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp chết nhưng chưa tổ chức tang lễ;
– Thứ tư: Nhà ở của mình hoặc nhà ở của người thân nằm trong vùng đang bị thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn làm ảnh hưởng đến cuộc sống;
– Và Thứ Năm là trường hợp không nhận được giấy gọi sơ tuyển nghĩa vụ quân sự; kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà do lỗi của người hoặc cơ quan có trách nhiệm, hoặc do hành vi của người khác gây khó khăn hoặc cản trở.
Tuy nhiên, nếu thanh niên vắng trong buổi gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thuộc một trong các trường hợp vừa nêu thì để không bị lập biên bản và xử phạt hành chính, thanh niên cần chuẩn bị Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, tùy từng trường hợp, như Giấy của UBND xã, phường, thị trấn, hoặc bệnh viện, trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Chi tiết quy định pháp luật như sau:
Điều 5. “Lý do chính đáng” quy định tại Khoản 1 Điều 5, Khoản 1 Điều 6, Khoản 1 Điều 7, Khoản 1 Điều 11, Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP (Thông tư 95/2014/TT-BQP ngày 07/07/2014)
1. “Lý do chính đáng” quy định tại Khoản 1 Điều 5, Khoản 1 Điều 6, Khoản 1 Điều 7, Khoản 1 Điều 11, Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP là một trong các lý do sau:
a) Người phải thực hiện việc sơ tuyển nghĩa vụ quân sự; kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; khám sức khỏe tuyển chọn sĩ quan dự bị; chấp hành lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu (sau đây viết gọn là người thực hiện nghĩa vụ quân sự) nhưng bị ốm hoặc trên đường đi bị ốm, tai nạn.
b) Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự gồm bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp đang bị ốm nặng.
c) Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự gồm bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp chết nhưng chưa tổ chức tang lễ.
d) Nhà ở của người thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc nhà ở của thân nhân người thực hiện nghĩa vụ quân sự nằm trong vùng đang bị thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn làm ảnh hưởng đến cuộc sống.
đ) Người thực hiện nghĩa vụ quân sự không nhận được giấy gọi sơ tuyển nghĩa vụ quân sự; kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; khám sức khỏe tuyển chọn sĩ quan dự bị; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu do lỗi của người hoặc cơ quan có trách nhiệm hoặc do hành vi của người khác gây khó khăn hoặc cản trở quy định tại Điều 8 Chương II Thông tư này.
2. Trường hợp quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều này phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc bệnh viện, trạm y tế cấp xã; trường hợp quy định tại Điểm c, Điểm d Khoản 1 Điều này phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã; trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều này phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CÔNG TY LUẬT CIS
109 Hoàng Sa, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh 028 38257196 – 0938 548 101 Email: info@cis.vn
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!