Những “mảng sáng” trong năm học 2021-2022
Khung kế hoạch thời gian năm học 2022-2023 Triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Ngành Giáo dục và Đào tạo: Nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ
Linh hoạt ứng phó
Năm học 2021-2022 là năm học mà ngành Giáo dục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giáo dục.
Đây là năm học quan trọng và cũng là năm đầu tiên ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và là năm học thứ hai ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cùng với cả nước, toàn ngành đã triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; phối hợp với ngành Y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch Covid-19 bùng phát trở lại, bảo đảm các hoạt động giáo dục, đào tạo không bị “đứt gãy”.
Năm học 2021-2022, lần đầu tiên lễ Khai giảng năm học mới được tổ chức linh hoạt theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tùy tình hình dịch bệnh tại các địa phương.
Ngành Giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động, tổ chức dạy học linh hoạt theo Khung kế hoạch năm học, hướng dẫn tinh giản chương trình, chuẩn bị các điều kiện dạy học trực tuyến nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng; tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát, kết hợp dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình khi dịch bệnh diễn biến phức tạp; phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp đối với trẻ em mầm non.
Khi tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và chính quyền các địa phương, hầu hết các tỉnh, thành phố đã cho trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên các cấp đi học trở lại trong tháng 2/2022. Khi học sinh trở lại trường học, các cơ sở giáo dục đã tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tuyến, học qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường; tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh; sử dụng hiệu quả thời gian còn lại của năm học để tiếp tục tổ chức dạy học; đồng thời xây dựng phương án kiểm tra, đánh giá trực tiếp, bảo đảm nghiêm túc, đúng quy chế.
Ngành Giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tổ chức thành công chiến dịch tiêm vắc xin phòng dịch cho người học theo hướng dẫn của Bộ Y tế; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm hỗ trợ thiết bị học trực tuyến, dịch vụ viễn thông cho các cơ sở giáo dục, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng Kho bài giảng điện tử phục vụ dạy học trực tuyến và chuyển đổi số trong giáo dục; phối hợp với các Đài truyền hình tổ chức sản xuất bài giảng và phát sóng trên truyền hình.
Bộ GD&ĐT cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định tín dụng đối với cơ sở giáo dục Mầm non, Tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và Quyết định tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến.
Với việc triển khai kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống dịch và thực hiện kế hoạch năm học, toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực hoàn thành kế hoạch năm học vừa đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm chất lượng giáo dục.
Duy trì chất lượng giáo dục các cấp học
Năm học 2021-2022, chất lượng giáo dục các cấp học được củng cố, duy trì. Theo đó, đối với giáo dục Mầm non, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,78%. Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục Mầm non đạt 99,7%. Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi/ngày đạt 99,9%.
Đối với giáo dục phổ thông, 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học và phổ cập giáo dục Trung học cơ sở, trong đó 25/63 tỉnh, thành phố được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3, đạt tỷ lệ 40% (tăng 5% so với năm học trước).
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) được tổ chức thành công, bảo đảm nghiêm túc, công bằng và an toàn. Đây cũng là năm đầu tiên thí sinh đang học lớp 12 thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống Quản lý thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức thành công, bảo đảm nghiêm túc, công bằng và an toàn.
Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2022, 37/39 thí sinh đạt giải, trong đó có 1 thí sinh đạt điểm tuyệt đối.
Đối với giáo dục thường xuyên, 63/63 tỉnh,thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 44/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt 69,84% (tăng 15,88% so với năm học 2020-2021). Cả nước có 8.685 học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học cơ sở, gần 350.000 học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT (tăng gần 30.000 người so với năm học 2020-2021). Kết quả đỗ tốt nghiệp THPT của học viên Chương trình giáo dục thường xuyên trên toàn quốc là 93,32% (tăng 3% so với năm học 2020-2021)…
Cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng
Việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở Luật Giáo dục năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học theo hướng hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Tự chủ đại học đã mở ra nhiều cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là trong thu hút nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước; đầu tư điều kiện thực hiện chương trình đào tạo, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học… Chất lượng giáo dục đại học có những cải thiện rõ rệt. Năm 2021, 5 cơ sở giáo dục đại học lọt vào tốp đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.
Số lượng các sản phẩm công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học gia tăng nhanh chóng. Văn hóa kiểm định gắn với chất lượng đào tạo đã bước đầu hình thành ở các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học.
Nâng cao hiệu quả giáo dục thể chất, y tế trường học và giáo dục quốc phòng, an ninh
Trong năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030; Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022-2030” và Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025; đồng thời chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương, các cơ sở GD&ĐT triển khai thực hiện Chỉ thị tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường.
Năm học này, toàn ngành cũng triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học, phòng chống dịch bệnh và tai nạn thương tích; tăng cường tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và an toàn thực phẩm, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh.
Tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ, từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên
Năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT đã chủ động xây dựng cẩm nang hướng dẫn kỹ năng dạy học trực tuyến cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và tổ chức tập huấn cho gần 9.000 giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý tại 63 tỉnh, thành phố; tiếp tục triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo các đề án về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đã được phê duyệt.
Tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ, từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên.
Đến nay, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo cấp Mầm non đạt 91,7%; Tiểu học đạt 74,8%; Trung học cơ sở đạt 86,1% và THPT đạt 99,9%.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022-2026; phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết thực hiện một số chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục Mầm non, giáo dục Tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19…
Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học
Bộ GD&ĐT đã ban hành các danh mục thiết bị dạy học tối thiểu các cấp học phổ thông, làm căn cứ để các cơ sở giáo dục khi lập kế hoạch mua sắm thiết bị dạy học bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, hiệu quả, tránh lãng phí, ưu tiên các thiết bị phục vụ cho các lớp học đã thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện huy động các nguồn lực của xã hội để hỗ trợ việc dạy và học trực tuyến cho học sinh vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Tình trạng trường lớp có quy mô nhỏ, xuống cấp đã dần được khắc phục. Sĩ số học sinh/lớp cơ bản được thực hiện theo quy định. Nhiều địa phương đã chú ý thực hiện các giải pháp bảo đảm thuận lợi, an toàn cho việc đi lại của học sinh khi đến trường. Hiện nay, cả nước có khoảng 459.100 phòng học các cấp Tiểu học, Trung học cơ sở, THPT công lập, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 390.834 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố là 85,1%.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra
Ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế nhằm tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương. Các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng trên tinh thần kiến tạo môi trường pháp lý để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, từng bước tháo gỡ các “nút thắt”, những vướng mắc từ thực tiễn đặt ra, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong quản lý nhà nước về GD&ĐT, được nhân dân ủng hộ, đồng tình.
Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành các nghị định, đề án, kế hoạch về phát triển GD&ĐT, trong đó đã phân công trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan và các địa phương trong triển khai thực hiện. Qua đó đã tăng cường vai trò, trách nhiệm của các bộ, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương trong sự nghiệp phát triển GD&ĐT.
Công tác thanh tra, kiểm tra được quan tâm thực hiện; tập trung vào những vấn đề nóng dư luận phản ánh; từng bước chấn chỉnh, duy trì kỷ cương, nề nếp trong các hoạt động GD&ĐT.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Toàn ngành đã tăng cường chuyển đổi số và đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng hạ tầng học tập quốc gia; xây dựng kho học liệu số; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến, trên truyền hình và kiểm tra, đánh giá trong bối cảnh dịch Covid-19.
Dạy học trực tuyến giúp duy trì việc học trong điều kiện dịch bệnh.
Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học.
Đẩy mạnh phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”
Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn ngành đã tích cực tham gia thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, lồng ghép với phong trào thi đua đặc biệt “Toàn ngành Giáo dục đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học”.
Nhiều nhà giáo có những sáng tạo, đổi mới trong công tác giảng dạy để vừa nỗ lực phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ năm học, kiên trì mục tiêu chất lượng GD&ĐT. Qua phong trào thi đua đã khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong giảng dạy, giáo dục, quản lý và nghiên cứu khoa học.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!