Viết đoạn văn ngắn về trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ
Viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về trách nhiệm đối với cha mẹ là một trong những đề văn thuộc chương trình Ngữ văn lớp 10. VnDoc.com mời các bạn tham khảo trong bài viết này.
I. Dàn ý Nghị luận xã hội về trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ
Dàn ý Nghị luận xã hội về trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ mẫu 1
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ.
2. Thân bài
a. Giải thích
Chữ hiếu: là tấm lòng thảo thơm, hiếu kính, sự đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ của những người con.
Trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ chính là việc mỗi người sống có hiếu với cha mẹ mình và có những hành động đền ơn đáp nghĩa đối với họ.
b. Phân tích
Cha mẹ là những người sinh thành, nuôi dưỡng giáo dục chúng ta nên việc hiếu nghĩa là việc chúng ta phải làm để báo đáp công ơn đó.
Cách thể hiện chữ hiếu của con người đánh giá nhân phẩm của người đó, người hiếu thỏa với cha mẹ là những con người đáng được tôn trọng và học tập.
Những hành động thể hiện sự hiếu thảo giúp các thành viên trong gia đình thêm đoàn kết hơn, gắn bó hơn đồng thời để thế hệ đi sau học tập và noi theo.
c. Chứng minh
Học sinh tự lấy dẫn chứng là những con người, những hành động sống với lòng hiếu thảo.
d. Phản đề
Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người con chưa có hiếu, không hiểu, không coi trọng công lao của bố mẹ dành cho mình. Lại có những người phủi trách nhiệm của mình với cha mẹ, thậm chí có những hành động ngược đãi, đối xử không tốt với chính cha mẹ của mình,… → những người này đáng bị phê phán.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ và rút ra bài học cho bản thân.
Dàn ý Viết đoạn văn Trình bày suy nghĩ về trách nhiệm đối với cha mẹ mẫu 2
Học sinh hình thành đoạn văn dựa vào các gợi ý sau:
- Câu mở đầu: giới thiệu đến vấn đề cần bàn bạc: trách nhiệm đối với cha mẹ.
- Nêu ra những công lao to lớn mà cha mẹ đã làm cho chúng ta: sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc,…
- Từ những công lao trên, nêu ra những hành động mà mỗi người con cần làm cho cha mẹ: hiếu thảo, phụng dưỡng, giúp đỡ mọi việc,…
- Khẳng định lại vấn đề: nêu cao tầm quan trọng của trách nhiệm đối với cha mẹ.
II. Văn mẫu Nghị luận xã hội về trách nhiệm đối với cha mẹ
Đoạn văn Trình bày suy nghĩ về trách nhiệm đối với cha mẹ mẫu 1
Cha mẹ là những người có công lao và ảnh hưởng vô cùng lớn đến cuộc sống của con người. Chính vì thế chúng ta cần có trách nhiệm đối với cha mẹ cho tròn đạo làm con. Trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ là trách nhiệm yêu thương, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ cha mẹ của mình trong cuộc sống hằng ngày cũng như việc chúng ta nỗ lực vươn lên trong học tập, tu dưỡng đạo đức để trở thành công dân tốt, có điều kiện để phụng dưỡng cha mẹ khi về già cũng như cống hiến được những điều tốt đẹp nhất cho xã hội. Cha mẹ là những người có công sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục chúng ta nên người, từ đó việc hiếu nghĩa là việc chúng ta phải làm để báo đáp công ơn đó. Bên cạnh đó, cách thể hiện chữ hiếu của con người đánh giá nhân phẩm của người đó, người hiếu thỏa với cha mẹ là những con người đáng được tôn trọng và học tập. Những hành động thể hiện sự hiếu thảo giúp các thành viên trong gia đình thêm đoàn kết hơn, gắn bó hơn đồng thời để thế hệ đi sau học tập và noi theo. Sự tôn trọng, yêu thương, đền ơn đáp nghĩa của con cái đối với cha mẹ là những hành động, nghĩa cử cao đẹp xứng đáng được lan tỏa và khen ngợi. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay vẫn còn có nhiều người con chưa có hiếu, không hiểu, không coi trọng công lao của bố mẹ dành cho mình. Lại có những người phủi trách nhiệm của mình với cha mẹ, thậm chí có những hành động ngược đãi, đối xử không tốt với chính cha mẹ của mình,… Những người này đáng bị phê phán và cần thay đổi góc nhìn, cách nghĩ, cách hành động của bản thân để trở thành người con có hiếu và người công dân tốt của tổ quốc. Cuộc sống rất ngắn ngủi, cha mẹ sẽ không sống trọn đời bên ta, chúng ta cần sống và làm những việc tốt đẹp để giúp cho cuộc sống thêm tươi đẹp, trọn vẹn hơn.
Đoạn văn Trình bày suy nghĩ về trách nhiệm đối với cha mẹ mẫu 2
Thời gian trôi qua sẽ không lấy lại được. Mỗi con người cũng chỉ được sống một lần duy nhất trong đời, chúng ta hãy sống một cuộc đời thật trọn vẹn với tình yêu thương, sự sẻ chia với người khác. Tình cảm đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người là tình cảm gia đình. Chính vì thế, mỗi người con cần phải có trách nhiệm với cha mẹ mình. Trách nhiệm của con cái với cha mẹ là ý thức của con người về những việc, những hành động mình cần phải làm và được người khác kì vọng, mà trong bài viết này chính là trách nhiệm với cha mẹ, bao gồm sự yêu thương, chăm sóc và lòng biết ơn. Cha mẹ là người đã sinh ra ta, cho ta sinh mạng, mẹ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, nhan sắc, chịu bao cực khổ để nuôi nấng ta thành người. Cha đã hi sinh cả cuộc đời, làm lụng vất vả để cho ta một cuộc sống đầy đủ vật chất. Tuy chịu nhiều vất vả nhưng cha mẹ chưa bao giờ ca thán lấy nửa lời. Không chỉ sinh ra ta, nuôi lớn ta thành người, mà chính cha mẹ là người cho ta một cuộc đời tốt đẹp, bao dung ta hết lần này đến lần khác. Cho dù cả thế giới có bỏ rơi bạn nhưng cha mẹ thì không bao giờ. Cha mẹ là người duy nhất hy sinh tất cả vì chúng ta, ước muốn duy nhất của họ là cho chúng ta một cuộc đời tốt đẹp (lấy ví dụ nhân vật Lão Hạc). Cha mẹ là người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giáo dục chúng ta thành người, cho chúng ý thức về thế giới, nâng bước ta vào đời. Khi cha mẹ còn trẻ khỏe, chúng ta có trách nhiệm khiến cha mẹ luôn vui vẻ, hạnh phúc, không phải phiền lòng. Luôn luôn rèn luyện tu dưỡng đạo đức, học tập chăm chỉ để khiến cha mẹ yên tâm, có trách nhiệm giúp cha mẹ san sẻ gánh nặng. Khi cha mẹ già yếu thì có trách nhiệm chăm lo cho cuộc sống của cha mẹ, thường xuyên thăm hỏi sức khỏe của cha mẹ, nếu cha mẹ ốm đau thì phải tận tình chăm sóc, đưa đi thăm khám không quản nắng mưa. Khi cha mẹ đã già yếu, đầu óc không minh mẫn thì ta lại càng phải ân cần hơn nữa, không được làm cha mẹ cảm thấy bản thân là gánh nặng của con cái, phải dốc hết lòng yêu thương, chăm sóc. Khi cha mẹ chẳng may qua đời, thì phận là con cái phải có trách nhiệm lo liệu tang lễ, hậu sự cho thật chu đáo, tỏ rõ tấm lòng đau xót, tiếc thương, hằng năm cúng giỗ, lễ tết cũng nhất định phải tươm tất đầy đủ. Mỗi người chỉ được sống một lần, chúng ta hãy sống với tấm lòng, sự tử tế, cho đi và yêu thương, đối xử tốt với cha mẹ để làm cho xã hội này ngày càng tốt hơn, con người được sống tình cảm hơn vì vốn dĩ: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Đoạn văn Trình bày suy nghĩ về trách nhiệm đối với cha mẹ mẫu 3
“Công cha như núi Thái SơnNghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Từ xưa đến nay, người dân Việt Nam ta luôn sống với đạo lí lấy chữ Hiếu làm cốt. Chữ hiếu có vai trò quan trọng trong đời sống con người dù ở thời đại nào đi nữa và là một người con, chúng ta cần có trách nhiệm với cha mẹ của mình. Lòng hiếu thảo thể hiện phẩm chất đạo đức tốt mà chúng ta cần có, là nghĩa vụ mà chúng ta phải làm. Nó còn là thước đo để đánh giá phẩm chất, đạo đức của con người. Mỗi chúng ta được sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục nên người đều là nhà công lao vất vả, to lớn của cha mẹ. Khi nhận về phải biết cho đi, đề đáp những công ơn, tình cảm cao đẹp đó một cách trọn vẹn nhất. Bản thân chúng ta khi cha mẹ còn sống khỏe mạnh, phận làm con phải biết yêu thương, tôn thờ và kính trọng. Phải biết chăm sóc cha mẹ đỡ đần thuốc thang khi cha mẹ già yếu, bệnh tật. Khi chúng ta sống với lòng hiếu thảo, không chỉ khiến gia đình ta hạnh phúc mà nó còn là tiền đề quan trọng để tạo dựng tinh thần đoàn kết, lan tỏa thông điệp đạo đức tốt đẹp, tích cực ra xã hội. Tuy nhiên, trong cuộc sống xã hội hiện nay vẫn còn xuất hiện những đứa con bất hiếu, vong ơn bội nghĩa, phủi bỏ, vội vàng quên đi những tháng năm cha mẹ yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ nên người. Lại có những kẻ này còn quay ngược lại chửi mắng đánh đập, đôi khi còn tàn nhẫn hơn đó chính là giết chính cha mẹ của mình. Hoặc đôi khi có những nơi có tục lệ rất cổ hủ như khi cha mẹ già yếu thì theo tập tục thì những người con phải mang cha mẹ mang bỏ lên núi bơ vơ một mình… những con người và những hành động này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án. Lòng hiếu thảo là phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người mà ai ai cũng nên có. Chúng ta cần yêu thương, tôn thờ, chăm sóc khi cha mẹ già yếu, bệnh tật… cha mẹ chỉ có một, những gì họ hi sinh cho ta xứng đáng nhận được sự đền đáp trọn vẹn.
Đoạn văn Trình bày suy nghĩ về trách nhiệm đối với cha mẹ – Bài mẫu 4
Mỗi con người khi sinh ra trên cõi đời này đều là một sự may mắn mà cha mẹ mang lại, chính vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm với cha mẹ của mình. Mẹ là người sinh ra ta, chăm sóc ta từng li từng tí, lo cho ta miếng ăn giấc ngủ. Cha là người vất vả bon chen ngoài cuộc sống để lấy tiền lo cho tương lai của ta và dạy ta những bài học làm người quý giá. Từ những công lao to lớn này, mỗi người con chúng ta cần sống với sự biết ơn, tình yêu thương cha mẹ và có trách nhiệm với cha mẹ lúc họ về già. Họ dành cho chúng ta nửa cuộc đời để nuôi ta lớn, giúp ta tạo dựng tương lai, sau này giúp chúng ta chăm sóc con cái của mình. Chính vì vậy, phần đời còn lại của họ khi họ già yếu, không còn khả năng lao động, mỗi người con chúng ta hãy chăm sóc họ với tình yêu thương, sự ân cần quan tâm giống như họ đã làm cho ta. Sự yêu thương, kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ lúc về già không chỉ giúp cho tình cảm gia đình thêm đầm ấm, gắn bó hơn mà nó còn là tấm gương cho con cái chúng ta sau này học tập theo, giúp chúng có tư du và suy nghĩ đúng đắn. Chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ lúc về già mang đến cho chính chúng ta những lợi ích quý báu. Chúng ta hãy là những người con hiếu thảo với cha mẹ mình để xứng đáng với công sức của họ đã vun đắp cho mình và trở thành công dân tốt của xã hội.
Đoạn văn Trình bày suy nghĩ về trách nhiệm đối với cha mẹ – Bài mẫu 5
Dân gian ta đã từng có câu:
Công cha như núi Thái SơnNghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy raMột lòng thờ mẹ kính chaCho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Câu dân gian này không những vô cùng đúng đắn mà còn mang đến cho chúng ta nhiều bài học ý nghĩa sâu xa. Mỗi chúng ta khi được sinh ra đã mang ơn nghĩa công lao sinh thành từ cha mẹ; lớn lên mang ơn nghĩa công lao nuôi dưỡng; thành người mang ơn nghĩa công lao giáo dục. Có thể thấy, cha mẹ là những người “thợ xây” xây dựng nên mỗi chúng ta thành người. Để đền đáp những công ơn to lớn đó, mỗi người con chúng ta cần có thái độ và hành động đúng đắn. Đền ơn đáp nghĩa cha mẹ không chỉ bắt nguồn từ tấm lòng, từ suy nghĩ mà đó còn là trách nhiệm của mỗi một người con như chúng ta. Mỗi chúng ta cần cố gắng học hành tập nghiêm túc, trở thành một công dân tốt giúp ích cho đời để bố mẹ tự hào và ngẩng cao đầu. Bên cạnh đó, chúng ta có trách nhiệm hiếu thảo, biết ơn, đền đáp công ơn cha mẹ bằng lời nói, việc làm cụ thể: phụng dưỡng cha mẹ khi về già, giúp đỡ cha mẹ về tài chính;… Hành động của chúng ta đối đáp với cha mẹ nó không chỉ thể hiện tình yêu thương, sự biết ơn mà đó còn là thước đo giá trị đạo đức của con người. Mỗi chúng ta hãy hành động đẹp đẽ để xứng đáng với truyền thống quý báu của con người Việt Nam.
Đoạn văn Trình bày suy nghĩ về trách nhiệm đối với cha mẹ – Bài mẫu 6
“Công cha đức mẹ cao dàyCưu mang trứng nước những ngày ngây thơNuôi con khó nhọc đến giờTrưởng thành con phải biết thờ song thân”
Công lao sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con cái là vô cùng to lớn, không sao kể xiết. Vì vậy, những người làm con khi đã khôn lớn, trưởng thành phải luôn ghi nhớ công lao trời biển ấy và báo đáp, phụng dưỡng cha mẹ. Đúng như những lời trong câu ca dao: “Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Bất kể ai cũng vậy, từ khi mới chào đời ta đã nhận được tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ và những người xung quanh. “Mang nặng đẻ đau” chín tháng mười ngày để rồi vỡ òa trong niềm vui và hạnh phúc khi nghe thấy tiếng khóc đầu đời của con. Còn gì vui sướng hơn khi sau bao nhiêu ngày tháng chờ đợi, thiên thần của cha mẹ đã ra đời. Và cũng từ đó, cha mẹ vất vả hơn khi phải chăm sóc con, lo cho con tất cả mọi thứ, thức trắng đêm trông nom khi con ốm. Cứ như vậy cho đến khi con “ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi”, thời gian trôi con lớn dần trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của cha mẹ còn cha mẹ thì vất vả hơn vì vừa phải lo cho công việc vừa phải lo cho con. Nhưng có một điều mà chắc chắn ai cũng biết đó là cho dù vất vả, nặng nhọc đến đâu chỉ cần những đứa con luôn vui tươi, khỏe mạnh thì đó đã là niềm động viên, an ủi, tiếp thêm sức mạnh cho những người làm cha, làm mẹ rồi.
Công lao của cha mẹ thật vô cùng lớn lao, chính vì vậy con cái cần làm tròn trách nhiệm của mình đối với cha mẹ ngay từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Khi còn nhỏ, bổn phận của con cái là phải biết vâng lời cha mẹ, chăm chỉ học tập rèn luyện để cha mẹ được vui lòng. Tuy còn nhỏ, chưa thể giúp gì nhiều cho cha mẹ nhưng việc phấn đấu để trở thành con ngoan trò giỏi chính là món quà to lớn dành cho cha mẹ của mình. Mặc dù có nhiều lúc cha mẹ có quát mắng ta nhưng suy cho cùng, những bậc làm cha làm mẹ chỉ muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình. Có thể khi đó, chúng ta còn quá nhỏ để hiểu được một cách sâu xa những lời quát mắng đó là muốn tốt cho mình, nhưng khi đã trưởng thành, ta thầm cảm ơn những lời quát mắng đó đã giúp ta hiểu ra nhiều điều hơn. Khi con cái dần trưởng thành cũng là lúc cha mẹ ngày càng già yếu đi, đây chính là lúc những người làm con cần làm làm tròn chữ hiếu của mình, đó là phải phụng dưỡng, chăm sóc chu đáo cho cha mẹ của mình, có như vậy mới làm tròn chữ hiếu của đạo làm con.
Tuy nhiên không phải những người con nào cũng làm tròn trách nhiệm của mình đối với cha mẹ. Có những người con xem cha mẹ của mình là gánh nặng khi họ già yếu đi, anh em trong cùng một gia đình đùn đẩy trách nhiệm nuôi cha mẹ hết cho người này rồi đến người khác, có một số người chọn cách đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão để không mất thời gian chăm sóc. Cha mẹ cả một đời vất vả vì con cái, chỉ mong lúc về già được an nhàn, sum họp bên con cháu, vậy mà những người con nỡ nhẫn tâm bỏ mặc cha mẹ trong sự cô đơn, mặc dù vẫn đầy đủ về cuộc sống vật chất nhưng lại thiếu thốn tình cảm, lúc nào cũng cảm thấy cô đơn.
“Công cha nặng lắm ai ơiNghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang”
Một lần nữa phải luôn tự nhắc nhở rằng, công lao, ơn nghĩa của cha mẹ là không gì có thể sánh nổi. Những người làm con phải luôn ghi nhớ công lao ấy và phải làm tròn trách nhiệm của mình đối với cha mẹ, đừng để khi cha mẹ mãi mãi không còn trên thế gian này nữa thì mọi sự báo đáp cũng đã muộn rồi.
Đoạn văn Trình bày suy nghĩ về trách nhiệm đối với cha mẹ – Bài mẫu 7
“Công lao của cha mẹ to lớn như biển cả và nó rất quan trọng đối với chúng ta”. Một công đôi việc mà cha mẹ đã hy sinh cho chúng ta. Họ là người đã chăm sóc và dạy dỗ chúng ta nên người. không có người trồng cây, không có quả. Không có người sinh thành thì không có bản thân mỗi chúng ta. Công đức sinh thành của cha mẹ không gì sánh bằng: cha thức khuya dậy sớm làm lụng vất vả lo cho con có cơm ăn áo mặc, việc học hành. Dòng sữa ngọt ngào, lời ru của mẹ, người con nào có thể quên. Lúc con ốm đau, bệnh tật, cha mẹ lo lắng thuốc thang. Lòng thành kính của chúng ta tới cha mẹ được biểu hiện trong thực tế đời sống như phải biết kính trọng biết ơn cha mẹ, phụng dưỡng chăm sóc cha mẹ lúc ốm đau bệnh tật, khi về già phải biết chia sẻ gánh nặng cuộc sống với cha mẹ. Người con có hiếu là người con luôn biết yêu thương và kính trọng cha mẹ, phải làm cho cha mẹ vui lòng và tự hào về những cử chỉ hành động của chúng ta!
Đoạn văn Trình bày suy nghĩ về trách nhiệm đối với cha mẹ – Bài mẫu 8
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Câu thơ vang lên như xoáy mạnh vào tim tôi. Có bao giờ bạn tự hỏi rằng thứ tình cảm nào là cao cả và thiêng liêng nhất? Đó chính là tình cảm gia đình, một thứ tình cảm mà bấy lâu nay đã bảo bọc, nuôi dưỡng tâm hồn ta. Nó khiến tôi suy nghĩ đến trách nhiệm của một người con đối với gia đình thân yêu của mình. Vậy trách nhiệm đó là gì?
Trách nhiệm có nghĩa là mỗi người cần phải ý thức tự giác làm những gì mình được giao và những gì người khác muốn mình làm, cụ thể ở đây chính là cha mẹ. Đó là bổn phận mà con cái phải hoàn thành, đây cũng chính là đạo làm con từ xưa đến nay.
Mỗi con người cần phải xác định rõ và thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với cha mẹ. Bởi trên thế gian này, không có tình thương yêu nào sánh bằng tình thương yêu của cha mẹ dành cho con. Nó to lớn như núi cao biển rộng và đã được thể hiện rất nhiều trong thơ ca. Vì thế, mỗi người con đều phải có trách nhiệm làm tròn chữ hiếu để không phụ lòng cha mẹ.
Vậy chúng ta phải làm gì để hoàn thành tốt trách nhiệm của mình? Bổn phận lớn nhất của con cái là phải biết vâng lời cha mẹ, nghe theo những lời hay lẽ phải của cha mẹ. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta phải học tập thật tốt để có thể xây dựng một tương lai tươi đẹp cho bản thân, không phụ công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ. Ngoài ra còn phải biết tránh xa những thói hư tật xấu của xã hội và rèn luyện những đức tính tốt đẹp cho bản thân như cư xử đúng mực với những người xung quanh mình nhất là người lớn, yêu thương và tôn trọng mọi người, không xa hoa đua đòi với bạn bè…Và quan trọng hơn hết, chúng ta phải biết quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ cha mẹ từ những việc nhỏ nhất. Đó là tất cả những gì mà một người con phải có trách nhiệm thực hiện để làm tròn chữ hiếu của mình.
Chữ hiếu là nền tảng của đạo lý và luân thường của con người, vì thế ai mà không đối xử tốt với cha mẹ là người thân của mình thì xã hội cũng không còn tử tế với họ nữa. Hiếu với cha mẹ không những chỉ cốt giữ được lòng kính mến là đủ mà còn làm cho cha mẹ vui lòng. Cha mẹ là người sinh ra con cái, và có một kỳ vọng lớn lao vào con cái, con cái hạnh phúc, cha mẹ hạnh phúc. Vì vậy hiếu thảo với cha mẹ là một nền tảng của tình yêu thương trong xã hội con người chúng ta. Con cái dù có thành công hay thất bại, gia đình vẫn là mái ấm duy nhất luôn cùng con trên bước đường đời.
Bên cạnh đó, trong thực tế có rất nhiều đứa con không có trách nhiệm với gia đình, cha mẹ. Họ chỉ biết quan tâm đến bản thân mình, vui chơi quên ngày tháng mà không hề nghĩ đến cha mẹ đang ngày đêm lao động, đổ mồ hôi nước mắt để cho con một cuộc sống ấm êm, sung sướng. Tôi tự hỏi rằng tại sao trên cõi đời này lại còn tồn tại những đứa con bất hiếu như thế? Nỡ nào quên đi những tình cảm gia đình thiêng liêng, cao quý. Có phút giây bất chợt nào đó, những người con chợt nghĩ ra rằng mình vẫn còn một người mẹ, một người cha sống trên cõi đời này không? Nếu sau này cha mẹ mất đi mà có hối tiếc thì cũng đã muộn mất rồi.
Tóm lại, mọi người con đều phải sống có trách nhiệm với gia đình của mình, nhất là khi còn có cha mẹ để yêu thương, để làm chỗ dựa cho mình trong những lúc vấp ngã trong cuộc sống. Tình cảm gia đình là một dòng suối ấm áp, hiền hòa nuôi dưỡng tâm hồn ta, giúp ta có thể đứng vững trên đường đời đầy chông gai. Vậy ngay từ bây giờ, chúng ta hãy sống thật có trách nhiệm với cha mẹ, không bao giờ làm cha mẹ buồn lòng để không phải hối hận khi họ đã ra đi mãi mãi…
Đoạn văn Trình bày suy nghĩ về trách nhiệm đối với cha mẹ – Bài mẫu 9
Trước những hi sinh vô bơ của cha mẹ, con cái cần có nhận thức về bổn phận của mình với cha mẹ. Bổng phận được hiểu là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người. Và với con cái, bổn phận trước hết của ta chính là ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ để cha mẹ không phiền lòng. Bên cạnh đó, chúng ta cần học tập tốt, việc học tập giỏi không phải vì chỉ cho riêng bản thân ta mà còn là để trả ơn cho những giọt mồ hôi của cha mẹ mỗi ngày để cho ta cuộc sống tốt nhất. Càng lớn, chúng ta càng phải có được nhận thức về nỗi nhọc nhằn của mẹ cha, để từ đó gạt đi những cái tôi ích kỉ, lười biếng để giúp cha mẹ đỡ vất vả. Một câu hỏi thăm, một ly nước khi cha mẹ về nhà, hay giúp đỡ bố mẹ quét nhà, nấu cơm…Những hành động tuy nhỏ bé nhưng cho thấy được bổn phận của người làm con. Để rồi mai kia ta khôn lớn ,ta xa rời vòng tay mẹ cha, điều ta có thể làm đó là gọi những cuộc điện thoại hỏi han cha mẹ, về thăm nhà khi có thời gian. Đừng để những bộn bề của cuộc sống ngoài kia mà quên mất căn nhà ấm êm có cha mẹ luôn chờ đợi. Và rồi khi cha mẹ không còn đủ sức khỏe, mỗi chúng ta sẽ là bờ vai để cha mẹ dựa vào. Xin hãy làm tròn bổn phận với cha mẹ. Cha mẹ cả đời hi sinh cho ta, có thể cha mẹ không dám mong chờ báo đáp, nhưng với tình yêu vầ nhận thức, hãy biết bổn phận của người con với cha mẹ để làm tình cảm gia đình mãi thiêng liêng.
Đoạn văn Trình bày suy nghĩ về trách nhiệm đối với cha mẹ – Bài mẫu 10
Tuổi trẻ không những có trách nhiệm với bản thân mình, với tương lai đất nước mà còn có cả trách nhiệm đối với gia đình. Tuổi trẻ ngày nay chính là những người đang làm con, làm cháu trong gia đình. Chúng ta đã được sống trong vòng tay yêu thương, bảo bọc, những sự ân cần, hỏi han của cha mẹ, của ông bà. Vì vậy trước hết chúng ta phải có trách nhiệm đối với cha mẹ, với ông bà, với những người lớn tuổi trong gia đình. Đó là làm tròn bổn phận của chính mình, phải có sự yêu thương, chăm sóc, kính trọng đối với những người lớn tuổi trong gia đình. Trong đó, có trách nhiệm mà dân tộc ta luôn đề cao, ấy chính là làm tròn chữ hiếu “Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Tuổi trẻ, con cái trong gia đình phải hết lòng chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ mỗi khi ốm đau, bệnh tật, hỏi han sức khỏe thường xuyên, không nên vô tâm với chính cha mẹ, ong bà của mình. Đôi khi có những người nghĩ rằng bố mẹ chăm sóc chúng ta chính là lẽ đương nhiên vì vậy không cần phải có trách nhiệm gì với bố mẹ. Đó là những suy nghĩ sai lệch, trái với đạo đức. Một trách nhiệm nữa ấy chính là góp phần xây dựng, gìn giữ hạnh phúc gia đình. Không nên vì những điều nhỏ nhặt mà phải xảy ra bất hòa trong cuộc sống gia đình. Ý thức được trách nhiệm của bản thân mình với gia đình chính là tiền đề cho trách nhiệm với quê hương, đất nước.
Đoạn văn Trình bày suy nghĩ về trách nhiệm đối với cha mẹ mẫu 11
Công lao của cha mẹ đối với con cái là vô cùng quan trọng, đó là tình cảm vô cùng thiêng liêng và vô bờ bến, chính vì vậy là con cái luôn phải biết hiếu thảo, kính trọng đối với cha mẹ của mình. Cha mẹ là người sinh thành ra chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta mỗi ngày, vì vậy công lao đó thật to lớn như trời bể, chúng ta phải biết quý trọng tình cảm đó, nó vô cùng thiêng liêng, đáng được trân trọng và giữ gìn. Trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ đó là biểu hiện lòng biết ơn, sự hiếu thảo đối với đấng sinh thành ra mình. Chúng ta phải có nghĩa vụ chăm sóc, hiếu thảo, biết ơn đối với cha mẹ, người đã có công lao to lớn, sinh thành ra mình, nuôi dưỡng chúng ta mỗi ngày. Trong cuộc sống cha mẹ luôn dành những điều tốt nhất cho con cái của mình, mong muốn con lớn lên có được cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc nhất. Từ xưa đến nay dân tộc ta luôn coi trọng truyền thống hiếu thảo, phải có nghĩa vụ quý trọng và biết ơn đối với người sinh thành ra mình. Luôn phải có thái độ lễ phép, hiếu thảo, luôn thể hiện sự thành kính sâu sắc đối với những người đã sinh thành ra mình. Truyền thống đó từ xưa đến nay vẫn luôn được coi trọng và phát huy mỗi ngày, là con cái chúng ta cần phải biết vâng lời cha mẹ, cần phải hiếu thảo, giúp đỡ cha mẹ, đó là những việc làm cực kì quan trọng của mỗi con người. Luôn phải biết lo lắng, quan tâm đối với cha mẹ của mình. Phải biết hiếu thảo đối với cha mẹ. Cha mẹ là người có công lao to lớn trong việc sinh thành ra con cái của mình, vì vậy mỗi chúng ta cần phải biết quý trọng tình cảm đó thật chân thành, da diết và thể hiện sự yêu mến của mình đối với cha mẹ, luôn lo lắng, quan tâm và biết chăm sóc cha mẹ khi ốm đau bệnh tật. Trong xã hội chúng ta gặp rất nhiều tấm gương hiếu thảo và luôn quan tâm đến cha mẹ của mình, họ luôn biết dành những điều tốt nhất cho cha mẹ, luôn biết quan tâm và lo lắng cho cha mẹ, mong muốn cha mẹ không phải lo lắng, muộn phiền điều gì về mình, đó là những con người thật đáng khen ngợi, họ biết lo lắng, hiếu thảo, cư xử đúng mực đối với người đã sinh thành ra mình, đó là những điều đúng đắn nhất của mỗi chúng ta. Tuy nhiên trong xã hôi cũng có rất nhiều trường hợp không hiếu thảo với cha mẹ, họ cư xử không đúng mực với cha mẹ, có những cách cư xử không đúng gây ra những hậu quả xấu cho gia đình và xã hội. Đây là những trường hợp cần bị phê phán sâu sắc, mỗi chúng ta cần phải biết tự ý thức lại chính bản thân mình, để từ đó làm cho xã hội ngày càng giàu đẹp hơn. Trong cuộc sống chúng ta cần phải biết ý thức và có trách nhiệm hơn với gia đình, với cha mẹ, người đã sinh thành ra chúng ta, đó là những điều cần thiết và quan trọng nhất của mỗi con người. Công cha lớn lao, chúng ta phải biết hiếu thảo, lo lắng và đền đáp công ơn to lớn đó, bởi tình cha, tình mẹ là vô bờ bến, không có tình cảm nào có thể so sánh được.
–
Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:
- Đề đọc hiểu Ngữ văn 10 có đáp án
- Soạn bài Tổng quan văn học Việt Nam
- Cách làm văn nghị luận xã hội lớp 10
- 20 đề và bài văn mẫu nghị luận xã hội 200 chữ
Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về trách nhiệm đối với cha mẹ. Bài viết đã gửi tới bạn đọc dàn ý và các bài văn mẫu. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập tốt hơn nhé.
Chúc các em học tập thật tốt.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!