Bài văn Nghị luận xã hội về chất độc màu da cam – Thủ thuật
Đề bài: Nghị luận xã hội về chất độc màu da cam
Nghị luận xã hội về chất độc màu da cam
I. Dàn ý Nghị luận xã hội về chất độc màu da cam (Chuẩn)
1. Mở bài
– Chiến tranh đã qua đi rất nhiều năm, nhưng những hậu quả mà nó để lại mãi là nỗi đau đớn khôn nguôi của đất nước, của dân tộc Việt Nam- Trong đó, đau đớn hơn cả là những hậu quả dai dẳng do lượng lớn chất độc màu da cam mà Mĩ đã rải xuống miền Nam Việt Nam trong suốt hơn 10 năm chiến tranh.
2. Thân bài
* Định nghĩa “chất độc màu da cam”:- Chất độc màu da cam là một hỗn hợp các loại thuốc diệt cỏ vô cùng độc hại.- Thành phần chính của chất độc màu da cam là dioxin, một chất lỏng không màu, viết tắt là 2,3,7,8-TCDD.- Được gọi là chất độc màu da cam là bởi chúng được đựng trong những thùng phuy có sọc cam để phân biệt với những loại chất độc khác như chất độc màu xanh, màu trắng,…- Có khả năng phát tán mạnh trong không khí và nước, ngấm sâu vào đất, khó phân hủy.
* Hậu quả:- Trong quá khứ, tác hại của loại chất độc này là vô cùng nặng nề, ước tính có khoảng 400.000 người bao gồm cả quân và dân Việt Nam, đã bị nhiễm độc và tử vong không lâu sau đó, hơn 500.000 trẻ em sinh ra với hình hài dị dạng.- Đem đến những căn bệnh quái ác cho người phải tiếp xúc trực tiếp, điển hình là căn bệnh ung thư, theo sau đó là tiểu đường, vô sinh, rám da, các rối loạn miễn dịch, bất thường trong tái cấu trúc của cơ thể người, ảnh hưởng đến thần kinh, thị giác,..(Còn tiếp)
>> Xem dàn ý chi tiết TẠI ĐÂY.
II. Bài văn mẫu Nghị luận xã hội về chất độc màu da cam (Chuẩn)
“Rải rác biên cương mồ viễn xứChiến trường đi chẳng tiếc đời xanhÁo bào thay chiếu anh về đấtSông Mã gầm lên khúc độc hành”
(Tây Tiến – Quang Dũng)
Chiến tranh đã qua đi rất nhiều năm, nhưng những hậu quả mà nó để lại mãi là nỗi đau đớn khôn nguôi của đất nước, của con người Việt Nam. Biết bao nhiêu liệt sĩ đã anh hùng ngã xuống, hy sinh máu thịt cho nền độc lập dân tộc, họ đã chết để đất nước được sinh ra, rồi có biết bao nhiêu mẹ già mỏi mắt chờ con, biết bao nhiêu người vợ ngày đêm thấp thỏm mong tin chồng, cuối cùng cái chờ được là một tờ giấy báo tử vô hồn, là một người chồng, người cha với thương tật chất chồng đầy trên thân thể tàn tạ. Trong đó đau đớn hơn cả là những hậu quả dai dẳng do lượng lớn chất độc màu da cam mà Mĩ đã rải xuống miền Nam Việt Nam trong suốt hơn 10 năm chiến tranh.
Chất độc màu da cam là một hỗn hợp các loại thuốc diệt cỏ vô cùng độc hại, có tác dụng làm rụng lá cây hàng loạt, được Mĩ sử dụng như một loại vũ khí sinh học để triệt hạ vùng ngụy trang của quân đội ta. Thành phần chính của chất độc màu da cam là dioxin, một chất lỏng không màu, viết tắt là 2,3,7,8-TCDD, trong chiến tranh ở Việt Nam quân đội Mĩ đã hòa chất này cùng một số chất khác vào dầu hỏa và dùng máy bay để phun rải hàng loạt xuống các vùng rừng của Việt Nam. Sở dĩ loại chất độc này được gọi là chất độc màu da cam là bởi chúng được đựng trong những thùng phuy có sọc cam để phân biệt với những loại chất độc khác như chất độc màu xanh, màu trắng,… Đây là loại chất độc có khả năng phát tán mạnh trong không khí và nước, ngấm sâu vào đất, khó phân hủy. Theo thống kê Mĩ đã rải xuống nước ta 76,9 triệu lít chất độc da cam, tương ứng với với khoảng 370kg dioxin.
Trong quá khứ, tác hại của loại chất độc này là vô cùng nặng nề, ước tính có khoảng 400.000 người bao gồm cả quân và dân Việt Nam, đã bị nhiễm độc và tử vong không lâu sau đó, hơn 500.000 trẻ em sinh ra với hình hài dị dạng. Không chỉ gây chết và dị tật thai nhi chúng còn đem đến những căn bệnh quái ác cho người phải tiếp xúc trực tiếp, điển hình là căn bệnh ung thư, theo sau đó là tiểu đường, vô sinh, rám da, các rối loạn miễn dịch, bất thường trong tái cấu trúc của cơ thể người, ảnh hưởng đến thần kinh, thị giác,… Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân Việt Nam, mà quân đội Mĩ, lực lượng lính đánh thuê trên chiến trường miền Nam cũng bị phơi nhiễm nặng nề, tuy nhiên không nghiêm trọng bằng nhân dân ta, do thời gian tiếp xúc không dài, còn quân dân ta ăn uống sinh hoạt, nên lượng chất độc đã đi sâu vào cơ thể để lại những hậu quả vô cùng đau thương. Việc loại chất độc này triệt hạ hàng loạt cây cối, đã khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề, bao gồm cả bầu không khí và nguồn nước, đất, khiến mất cân bằng sinh học, tiêu diệt nhiều loài sinh vật cây cối, trở thành mảnh đất “chết” trong vài chục năm trời, vì không một loài thực vật nào có thể tồn tại trên đó do dư lượng dioxin còn lại quá lớn. Cho đến ngày hôm nay nỗi đau da cam vẫn chưa từng chấm dứt, việc chất độc dioxin ẩn mình trong cơ thể đời cha ông, làm bất thường cấu trúc gen và di truyền cho con cháu, khiến những cặp vợ chồng vốn tưởng bình thường nhưng lại liên tiếp sinh ra những đứa con dị dạng. Ngoài ra một trong những nguyên nhân chính là dư lượng dioxin tồn tại sâu trong đất, khiến con người sinh sống trên đó bị phơi nhiễm mà không hề phát giác, việc sàng lọc trước khi sinh cũng chưa thực sự phổ biến. Để rồi những đứa trẻ sinh ra mang những dị tật khủng khiếp như thiếu chi, thiếu đầu, não bộ không phát triển, không có xương sống, mắt mũi dị dạng, không có nhận thức, bại liệt,… khiến bao cặp vợ chồng đau đớn, chạy vạy ngược xuôi mong chữa trị trong bất lực. Những cặp vợ chồng phải gánh áp lực về kinh tế, vừa phải vật lộn với nỗi đau day dứt trở nên khốn đốn, nghèo khó, có những người dù không đành lòng nhưng cũng phải từ bỏ việc nuôi dưỡng những đứa trẻ dị tật, để lại gánh nặng rất lớn cho xã hội.
Chiến tranh đã qua đi nhưng nỗi đau da cam vẫn còn đó, đó là tội ác khó có thể bù đắp hay một vài lời xin lỗi mà có thể cho qua được. Đế quốc Mĩ đã vì mục tiêu đê hèn, thâm độc là thôn tính Việt Nam mà xem Tổ quốc ta như một nơi để thử nghiệm các chất độc, đồng thời là biện pháp vô cùng tàn bạo nhằm hủy diệt quân đội ta. Cuộc chiến tranh phi nghĩa, vô nhân đạo đã để lại cho nhân dân ta và thậm chí là cả những cựu binh của Mĩ những nỗi đau vô cùng to lớn về cả thể xác lẫn tinh thần. Thế nhưng trong vụ kiện đòi lại công bằng cho nhân dân ta, chính phủ Mĩ đã tìm mọi lý do để phản đối vụ kiện này, gây làn sóng phẫn nộ trong nhân dân ta. Trước những hậu quả nặng nề của chất độc màu da cam, nhưng một số người vẫn có thái độ vô cảm, thờ ơ, bàng quan với những hình ảnh đau thương ấy, trong khi họ đang được hưởng nền độc lập, hòa bình xây nên từ chính máu và nước mắt của cha ông các nạn nhân chất độc màu da cam.
Dù biết rằng không có gì có thể bù đắp và làm vơi bớt nỗi đau da cam, nhưng mỗi chúng ta cần có thái độ đúng đắn, hết lòng chung tay góp sức hỗ trợ các nạn nhân vượt qua nỗi đau ấy. Thường xuyên tổ chức các chương trình tình nguyện vì nạn nhân da cam, gây quỹ để hỗ trợ cho cuộc sống của các nạn nhân, thường xuyên tới thăm hỏi các trung tâm nuôi dưỡng nạn nhân chất độc màu da cam, hỗ trợ các gia đình khó khăn, an ủi động viên tinh thần cho người thân của họ… Điều ấy thể hiện truyền thống quý báu “Uống nước nhớ nguồn”, “Tương thân tương ái”, cùng tinh thần nhân đạo, ấm áp nghĩa tình tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta trong suốt mấy ngàn năm lịch sử.
Tận mắt chứng kiến những nỗi đau, những hậu quả khôn lường mà chất độc màu da cam và chiến tranh để lại chúng ta mới càng ý thức, càng thêm yêu và trân trọng nền hòa bình, độc lập của dân tộc. Để luôn ghi nhớ rằng thế hệ cha ông đã hi sinh biết bao nhiêu cho Tổ quốc, để đến đời con đời cháu họ vẫn còn phải chịu đau thương mất mát vì chiến tranh. Chúng ta cần phải tích cực học tập và tu dưỡng đạo đức, hết lòng bảo vệ và gây dựng đất nước ngày một vững mạnh, để không phải chứng kiến những thảm cảnh đau lòng ấy thêm một lần nữa.
-HẾT-
https://thuthuat.taimienphi.vn/nghi-luan-xa-hoi-ve-chat-doc-mau-da-cam-45674n.aspx Để rèn luyện kĩ năng viết bài văn Nghị luận xã hội, bên cạnh bài Nghị luận xã hội về chất độc màu da cam trên đây, các em có thể tham khảo thêm: Nghị luận xã hội 200 chữ về hiện tượng vô cảm, Nghị luận về sự lười biếng, Nghị luận về một thói quen trong xã hội Sự nịnh bợ, Nghị luận về một hiện tượng của đời sống Thói quen hút thuốc lá.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!