Nghị luận xã hội về Người phu quét đường vĩ đại (Dàn ý + 4 mẫu)
Bài văn mẫu lớp 9: Nghị luận xã hội về Người phu quét đường vĩ đại là một tài liệu vô cùng hữu ích, mà hôm nay chúng tôi muốn giới thiệu đến tất các bạn học sinh.
Tài liệu này sẽ bao gồm dàn ý chi tiết và một số bài văn mẫu nghị luận xã hội về Người phu quét đường vĩ đại. Với tài liệu này thì các bạn học sinh sẽ rèn luyện được kỹ năng viết văn nghị luận xã hội lớp 9, cũng như có thêm hành trang để bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới. Xin mời quý thầy cô và các bạn cùng tham khảo tài liệu.
Dàn ý nghị luận xã hội về Người phu quét đường vĩ đại
I. Mở bài:
– Giới thiệu vấn đề nghị luận: Người phu quét đường vĩ đại
II. Thân bài:
a. Giải thích về hình ảnh Người phu quét đường
b. Nêu ý nghĩa mà người phu quét đường vĩ đại đóng góp cho xã hội
– Những người quét đường đã làm việc một cách thầm lặng, âm thầm dọn sạch những con đường.
– Công việc của họ là minh chứng điển hình cho những cống hiến, hy sinh lặng lẽ, không ồn ào, khoa trương.
– Công việc của người phu quét đường còn thể hiện rõ rằng: Mọi công việc của con người đều bình đẳng.
c. Bài học nhận thức và hành động
– Ý thức được vai trò, ý nghĩa mà mỗi một nghề nghiệp mang lại để tôn trọng, trân trọng những thành quả lao động của người khác.
– Đồng thời, cần lên án, phê phán cách nhìn phiến diện, tiêu cực về nghề nghiệp cá nhân.
III. Kết bài:
– Đánh giá lại vấn đề nghị luận
Nghị luận xã hội về Người phu quét đường vĩ đại – Mẫu 1
“Nếu một người đã được gọi để làm một người phu quét đường, hãy quét những con đường như đại danh họa Michelangelo đã họa tranh, hãy quét những con đường như đại nhạc sư Beethoven đã soạn nhạc, hãy quét những con đường như đại văn hào Shakespeare đã làm thơ. Người phu quét đường phải quét những con đường một cách tốt đẹp nhất để tất cả khán thính giả trên thiên đàng và nơi trần gian sẽ ngẫm nghĩ và nói: Đây là đời sống của một người phu quét đường vĩ đại – ông ta đã làm công việc của mình thật tốt đẹp”.
Tôi ngước mắt nhìn lên bầu trời trong xanh cao xa vời vợi, mây trắng lãng đãng trôi không biết về tận phương nào, những cánh chim nhỏ nhoi dường như cũng vội vã hơn trong cuộc hành trình vạn dặm, bất chợt tôi có cảm giác: Mình cũng giống vậy sao trong cuộc đời này thật ngắn ngủi này?….Từ khi cất tiếng khóc lúc chào đời cho đến khi nở nụ cười mãn nguyện lúc ra đi, tất cả thật chóng vánh và mơ hồ như một giấc mơ. Đã bao lần tôi đặt câu hỏi: “Ý nghĩa của những gì mình và những người xung quanh đang làm là gì?”
Cách đây hơn 50 năm, trước khi đổ bộ vào bờ biển Cuba trên chiếc tàu Granma, Che Guevara đã nói: “Kể từ giờ trở đi, tôi sẽ không coi cái chết của mình là thất bại. Thay vào đó, tất cả những gì tôi đem xuống mồ là nỗi ân hận vì chưa hát hết một bài ca.” Có những lúc tôi tự hỏi, bài ca nào mà tha thiết thế, bài ca nào mà nồng thắm đến thế…và tôi đi tìm.
Mười bảy tuổi, tôi đi tìm cho tôi một lý tưởng sống. Đã bao lần tôi và bạn hỏi: “Làm thế nào để sống hết mình với cuộc đời. Sống như thế nào để trọn vẹn hai tiếng “con người”? Đã bao lần bạn tự nhủ: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí…”
Như một cây non đi tìm tiếng vọng của rừng xanh, tôi lắng nghe bài ca người xưa vọng lại, lắng nghe nhiệt huyết của thế hệ đã trải qua cuộc chiến tranh mà lý tưởng tất cả vì độc lập tự do, tất cả vì tiền tuyến. Lý tưởng để tìm được chỗ dựa vững chắc tin yêu dành cho công việc mà mình vẫn làm hằng ngày, vẫn phấn đấu vươn lên vì nó, để thấy cuộc đời giàu ý nghĩa hơn, thấy những gì mình làm giàu ý nghĩa hơn.
Trong thời kỳ đất nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, khắc phục những hậu quả của chiến tranh, thì dường như câu hát: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay” càng có ý nghĩa sâu sắc với các bạn trẻ.
Nếu là con chim chiếc láThì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Và tôi đã hiểu rằng, sống là cống hiến, cống hiến hết mình. Sống vì lý tưởng cao đẹp là cống hiến để xây dựng đất nước. Lý tưởng không cần lớn lao nhưng phải là lý tưởng cao đẹp và mạnh mẽ, một người quét đường cũng cần có một lý tưởng bình dị mà như những vĩ nhân: “Hãy quét những con đường như đại nhạc sư Beethoven đã soạn nhạc, hãy quét những con đường như đại văn hào Shakespeare đã làm thơ…” Bằng lý tưởng bình dị ấy ta làm tốt công việc của mình, làm công việc hằng ngày của mình- những việc tưởng chừng như bình thường nhất, mà vĩ đại vô cùng. “Người phu quét đường phải quét những con đường một cách tốt đẹp nhất để tất cả khán thính giả trên thiên đàng và nơi trần gian sẽ ngẫm nghĩ và nói: Đây là đời sống của một người phu quét đường vĩ đại – ông ta đã làm công việc của mình thật tốt đẹp”. Và bởi những công việc bình dị ấy đã đóng góp vào cuộc sống chung của mọi người. Như nhà thơ Thanh Hải đã nhả tơ hát lên khúc nhạc lòng mình:
Một mùa xuân nho nhỏLặng lẽ dâng cho đờiDù là tuổi hai mươiDù là khi tóc bạc
Ước muốn hóa thân vào muôn loài vạn vật, làm tươi đẹp rộn ràng cho cuộc sống: một tiếng chim hót sớm mai; một nhành hoa tô điểm cho vườn hoa cuộc đời; một nốt trầm làm xao xuyến vạn trái tim, tất cả đã thể hiện niềm khát khao sống, khát khao hiến dâng.
Lẽ sống là những điều như vậy đấy, vừa bình dị, vừa cao cả. Làm những điều bình thường bằng một nghị lực phi thường, bằng tình yêu và trách nhiệm phi thường, đó chính là điều vĩ đại trong mỗi con người chúng ta.
Giờ đây trong cuộc sống hiện đại, tôi vẫn cảm thấy thế hệ tôi đang sống, đang mạnh mẽ vươn lên nhưng dường như để lo toan cho cuộc sống riêng của mình nhiều hơn là vì một lý tưởng sâu xa rộng rãi.
Dù trong thế hệ trẻ chúng ta ngày nay vẫn còn có không ít người có quan điểm sống còn mờ nhạt. Với họ “lửa” vẫn còn, vẫn cháy nhưng nó nhạt và “lạnh”. Ngọn lửa ấy bình bình, mọi thứ đều vừa phải, yêu vừa, ghét vừa… Những lúc đó hãy nhớ về một niềm yêu một cuộc sống thiết tha, cháy bỏng, sống hết mình: “Theo truyền thuyết có một loài chim chỉ hót lên một lần trong cả cuộc đời nó, tiếng hót đó ngọt ngào hơn bất cứ sinh vật nào trên trái đất này.
Ngay khi vừa rời tổ loài chim ấy đi tìm ngay một thứ cây có những cành gai nhọn và tiếp tục bay mãi không chịu ngơi nghỉ, cho đến khi tìm được mới thôi. Sau đó nó cất tiếng hót giữa những cành cây hoang dại rồi lao vào một cây gai dài và nhọn nhất, cây gai xuyên thủng qua ngực. Giữa cơn hấp hối một tiếng hót vút cao, thánh thót hơn cả tiếng hót của sơn ca hay họa mi. Tiếng hót tuyệt vời đánh đổi bằng cả cuộc sống.
Trời đất dừng lại để lắng nghe còn thượng đế ở trên cao thì mỉm cười. Bởi vì sự tuyệt vời chỉ có được bằng niềm đau vô tận ấy”. Nhưng chúng ta vẫn thấy mọi người vấn phấn đấu vươn lên, vẫn thành đạt và làm giàu cho xã hội. chúng ta vẫn thấy biết bao trí thức trẻ trong chiến dịch mùa hè xanh, với những bước chân tình nguyện mang ánh sáng tri thức văn hoá đến những vùng sâu vùng xa và biết bao những bước chân âm thầm trong đêm giá rét đang canh giữ nơi biên giới, hải đảo xa xôi để giữ bình yên cho Tổ quốc. Và, đã xuất hiện rất nhiều tấm gương hy sinh quên mình để cứu dân trong hỏa hoạn, bão lũ hay trong những cuộc đấu trí âm thầm chống lại bọn tội phạm giữ bình yên cho đường phố, bản làng…
Chắc chắn rằng lý tưởng của thế hệ trẻ ngày hôm nay vẫn còn cháy sáng. Vẫn còn có nhiều người và bằng nhiều cách khác nhau, tùy theo vị trí, lĩnh vực công tác mà đóng góp, dâng hiến cho đất nước, và xin hãy cháy, cháy sáng lên thật mạnh mẽ, trở thành lý tưởng sâu rộng trong thế hệ trẻ.
Những vấp ngã, những đau đớn là không thể tránh khỏi, nỗi buồn là không thể tránh khỏi…. Những lúc đó, hãy nhớ rằng: Chỉ hi vọng chúng ta sẽ hi sinh khi đang hành động theo tiếng gọi cao cả của trái tim và khối óc. Chỉ hi vọng chúng ta sẽ phải chịu đựng đau đớn khi đang chiến đấu vì niềm tin, lẽ sống và lý tưởng của mình. Hãy cháy hết mình để sống thật với bản thân, sống nồng thắm, sống thiết tha với công việc của mình, với con người xung quanh ta.
Hãy sống có lý tưởng, đặt trái tim và khối óc vào công việc của mình. Dù có là người phu quét đường thì cũng hãy làm người phu quét đường vĩ đại, vĩ đại trong suy nghĩ và trong hành động. Mọi cái bắt đầu thì cuối cùng phải có kết thúc,đó là điều tất yếu của tạo hoá. Cái chúng ta có được chính là cuộc sống trọn vẹn có ý nghĩa và ấp ủ cho ngọn lửa cháy nồng đượm, giữ gìn và truyền lại cho thế hệ sau. Chúng ta một ngày nào đó sẽ mất đi nhưng tình yêu mọi người dành cho chúng ta vẫn còn mãi,những thứ ta để lại sẽ vẫn còn đó và vẫn tiếp tục gây dựng nên một thế giới tươi đẹp hơn. Hãy vui vẻ hưởng thụ cuộc sống và cống hiến cho cuộc đời này,điều đó sẽ làm cho cuộc đời bạn có ý nghĩa,hãy cống hiến cho cuộc và niềm vui sẽ luôn tràn ngập trong tâm trí bạn.
Nghị luận xã hội về Người phu quét đường vĩ đại – Mẫu 2
Người phu quét đường phải quét những con đường một cách tốt đẹp nhất để tất cả khán thính giả trên thiên đàng và nơi trần gian sẽ suy ngẫm và nói: Đây là đời sống của một người phu quét đường vĩ đại – ông ta đã làm công việc của mình thật tốt đẹp”. Câu nói của mục sư Martin Luther đã thể hiện rõ sự tôn trọng và ngợi ca đối với những người phu quét đường vĩ đại. Hình ảnh người phu quét đường còn gợi ra nhiều suy ngẫm về vai trò, ý nghĩa của những cống hiến, hy sinh và sự bình đẳng trong công việc của con người.
Người phu quét đường là tên gọi của những người có công việc thường xuyên tiếp xúc với rác với các hoạt động như quét rác, dọn rác,…. Như vậy, nhiệm vụ và kết quả trong công việc của họ là đem đến sự sạch sẽ, sáng sủa cho những con đường, lối ngõ.
Những người quét đường đã làm việc một cách thầm lặng, âm thầm dọn sạch những con đường. Công việc của họ là minh chứng điển hình cho những cống hiến, hy sinh lặng lẽ, không ồn ào, khoa trương. Dù trong ánh nắng mặt trời chói chang hay trong ánh đèn hiu hắt giữa đêm khuya, những người phu quét đường vẫn dùng cây chổi lầm lũi, kiên trì quét sạch những bụi bặm thành phố. Những con đường hay vỉa hè đều trở nên sáng sủa, sạch sẽ hơn dưới bàn tay của họ. Bởi vậy, không ít lần, những người phu quét đường đã được nhìn nhận và đánh giá đúng những cống hiến của họ.
Tác giả Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã ngợi ca về thành quả lao động mà những người phu quét đường trong tác phẩm “Bài học từ người quét rác”: “Chúng ta thành công bởi vì chúng ta biết lắng nghe và học hỏi từ tất cả những người xung quanh mình – không chỉ từ các triệu phú, tỷ phú, (…) mà từ những người giản dị nhất quanh mình – những người bạn và đồng nghiệp, những người hàng xóm và những người ta tình cờ gặp được: bác nông dân, anh thợ máy,… Thậm chí là những người quét rác. Tất cả họ là những người xuất sắc nhất”. Công việc của người phu quét đường còn thể hiện rõ rằng: mọi công việc của con người đều bình đẳng. Nếu người nông dân tạo ra hạt thóc, hạt gạo, lương thực, thực phẩm; người thầy gánh vác trên vai trách nhiệm truyền đạt tri thức; các giáo sư, tiến sĩ cống hiến bằng những nghiên cứu, phát minh,…. thì người phu quét đường vĩ đại âm thầm làm đẹp cuộc đời bằng những con đường tinh tươm, sáng sủa.
Vậy mà, trong xã hội hiện nay, không ít người lại thiếu tôn trọng đối với công việc của những người phu quét đường. Khi gặp những người lao công đang vất vả với công việc, họ tỏ thái độ coi thường, chê bai, né tránh. Thậm chí có không ít người cảm thấy xấu hổ khi bố mẹ, người thân của mình là những người quét đường, dọn rác. Đây là những tư tưởng, thái độ lệch lạc và hoàn toàn sai lầm, thể hiện sự đánh giá một cách tiêu cực và phiến diện.
Như vậy, trong cuộc sống, không có bất cứ nghề nghiệp nào là tầm thường, thấp hèn. Bởi vậy, chúng ta cần ý thức được vai trò, ý nghĩa mà mỗi một nghề nghiệp mang lại để tôn trọng, trân trọng những thành quả lao động của người khác. Đồng thời, cần lên án, phê phán cách nhìn phiến diện, tiêu cực về nghề nghiệp cá nhân.
Qua hình ảnh, công việc của những người phu quét đường vĩ đại, chúng ta có thể thấy được sự hi sinh và cống hiến thầm lặng đầy lặng lẽ của họ. Từ đó, trân trọng hơn những con đường đã ta đã từng đi qua, bởi nơi đó còn ghi dấu những giọt mồ hôi, nước mắt, vất vả của những người lao công.
Nghị luận xã hội về Người phu quét đường vĩ đại – Mẫu 3
Con người ta sinh ra đã có những con đường. Những con đường ấy được cuộc sống tạo nên bằng những trải nghiệm, rồi lặng lẽ trao cho con người. Một người bình thường nhất, nhưng luôn biết bước đi một cách can trường, chậm rãi, sẽ có được những món quà mà cuộc sống dành tặng họ.
Tôi nghĩ ra một câu chuyện như thế này:
Ở một thành phố nọ, có một người phu quét đường già nua. Ông làm công việc ấy bao nhiêu năm rồi, chẳng ai nhớ rõ, ngay cả đến bản thân ông. Con người ấy đã lang thang khắp ngõ hẻm trong thành phố, làm bạn với từng con đường. Ông quen thuộc chúng đến nỗi, chỉ cần lắng tai nghe cũng đủ để ông biết mình đang ở đâu. Ít nhất một lần, mỗi con người từ đủ thế hệ trong thành phố ấy nhìn thấy ông; ít nhất một lần họ hỏi thăm ông, hoặc chí ít mỉm cười với ông. Người già nhân từ ấy đem cho mỗi con đường một sức sống mới. Mỗi ngày, không sớm thì muộn, ông khoác cho chúng những bộ cánh tinh tươm. Để rồi mỗi tối, bằng những đồng xu kiếm được, ông trở về, không lúc nào quên mang một hai túi kẹo nhỏ cho những đứa cháu đang đợi ở nhà…
Nếu có một Michelangela đi qua những con phố ấy, hẳn ông sẽ nói rằng: “Người phu quét đường ấy đã nặn lên vẻ đẹp của đường phố”.
Nếu có một Beethoven như thế, ngồi lặng nghe tiếng chổi liền tay của người phu quét đường, tiếng chổi nhẹ buông theo từng cơn gió cùng tiếng lá cây bên đường xào xạc. Ắt hẳn ông sẽ nhận xét rằng; “Đây quả là bản giao hưởng của sự lao động đầy nhiệt huyết!”
Và đây là lời nói mà nhà soạn kịch vĩ đại – con người của những số phận – Shakespeare sẽ thốt lên “Một cuộc sống bình thường đến cao cả!”.
Vâng! Những con người như Michelangeli, Beethoven hay Shakespeare, người phu quét đường…, tất cả đều là những con người bình thường và có những số phận mà một người bình thường có thể có. Có ai biết rằng, Beethoven từng có lúc chán ngán việc học âm nhạc, Shakespeare đã trải qua nhiều công việc, gian nan trước khi thực sự trở thành nhà soạn kịch vĩ đại, Michelangelo đã từng bị vắt kiệt sức lực làm việc … Họ là những con người bình thường bởi họ đã đau khổ, đã chán nản, thất vọng hay mệt mỏi. Họ bình thường bởi những gì họ làm nên đều xuất phát từ tình yêu dành cho con người, hay sự vật, những số phận, hay những vẻ đẹp nhỏ nhoi nhất nhưng không ngừng tỏa sáng. Và có những người phu quét đường mang trong mình những vẻ đẹp bình dị nhưng không ngừng tỏa sáng ấy. Họ có những con đường để đi và những ước mơ để hướng đến…
Cụ già ấy đã cao tuổi rồi. Con người ta đi vào quãng đời: mà bệnh tật, cô đơn, buồn tủi dễ xảy đến. Nhưng ông cụ ấy vẫn gắn bó với công việc quét đường. Đơn giản, đó là niềm hạnh phúc của ông. Niềm hạnh phúc khi tận tay mình sưởi ấm niềm vui trên môi đứa cháu bằng những chiếc kẹo. Niềm hạnh phúc của một người già đã có một giấc mơ lớn thành hiện thực: thấy những đứa cháu vui đùa bên mình. Và niềm hạnh phúc ấy lại cháy lên mỗi ngày, làm ấm áp thêm, mái nhà lụp xụp trong những ngày đông giá lạnh… Ước mơ có vẻ nhỏ bé, nhưng nó mang đến những món quà lớn lao cho những đứa cháu của ông.
Rồi từ những số phận bình thường bỗng trở nên cao cả. Đó là khi con người ta biết đứng lên sau mỗi lần gặp khó khăn, vấp ngã. Beethoven bị điếc cả hai tai, nhưng chính vào thời gian này, ông lại sáng tác ra những tuyệt tác vĩ đại nhất; Michelangela được biết đến với những bức tranh tuyệt mỹ mang đầy vẻ đẹp con người trong công trình kiến trúc trần nhà thờ Sistine. Nhưng ít ai biết rằng, ông đã vượt qua sự kiệt sức, tuyệt vọng để tạo nên những kiệt tác về con người. Tôi nghĩ, mỗi người đều là những vì sao của sự cao cả, chỉ là một số đã lu mờ, một số tỏa sáng và được ngưỡng mộ, số khác đã không may bị che khuất. Nhưng hãy nhớ một điều, một khi đã biết tỏa sáng sẽ luôn mãi tỏa sáng.
Nhưng điều gì khiến một ngôi sao tỏa sáng? Điều gì đã khiến con người ta đứng dậy, tiếp tục bước đi? Tôi lại quay về với câu chuyện về ông cụ quét đường ấy:
Đương nhiên, cuộc sống không bao giờ tĩnh lặng, nó luôn mang lại thử thách. Người già ấy không phải là ngoại lệ. Ông cũng đã chịu nhiều đắng cay, bị khinh rẻ bởi những người giàu có hơn, bị ăn quỵt mất tiền công, bị chửi mắng… Nhưng đừng bao giờ so sánh những việc lặt vặt ấy với những gì ông được hưởng. Ở cái xóm nghèo của ông cứ mỗi tối ông lại ngồi đọc những câu chuyện mà mẹ ông hay kể ngày xưa cho những đứa cháu. Mỗi câu chuyện ấy lại chứa một bài học cuộc sống ông cụ dành cho các cháu, ông lại thấy mãn nguyện biết bao khi nhìn những đứa cháu của ông ngủ yên với một nụ cười mãn nguyện trên môi. Tuy tôi muốn, đám thanh niên vẫn tụ tập ca hát và nghe những câu chuyện của ông. Người già ấy bỗng chốc hóa thành một thủy thủ, đưa đám trai tráng ra ngoài biển cả; rồi thành một nhà thơ, ông ngâm lên những vần điệu thuộc lòng hoặc học lỏm được. Đôi khi, ông kể về những con phố ông đã đi qua, những con người tốt bụng ông đã gặp. Những câu chuyện của ông dường như không bao giờ chấm dứt, đến nỗi cả đám thanh niên phải thốt lên: “Bố già ơi! Thật phục bố quá!” Cuộc sống cho ông những món quà kỳ diệu biết bao!
Đây là phần đầu trong một câu nói của mục sư Martin Luther King: “Nếu một người được gọi là phu quét đường, hãy quét những con đường như Michelangelo đã vẽ tranh, hãy quét những con đường như Beethoven đã soạn nhạc, và hãy quét những con đường như Shakespeare đã làm thơ …” Cho dù là Michelangeli, Beethoven, Shakespeare hay là người quét đường nọ, thì họ đã đều quét những con đường của mình thật sạch: Họ đã dùng những chiếc chổi đến từ tình yêu cuộc sống, từ tình yêu công việc, để quét thật sạch rác vụn, bụi bẩn, chướng ngại để tạo nên con đường của chính mình, con đường của tinh thần.
… Người phu quét đường cần phải quét những con đường sạch tới độ tất cả những thiên thần nơi thiên đàng, lẫn con người trên trần gian sẽ phải dừng lại và nói rằng: “Đây là người quét đường vĩ đại, người đã làm thật tốt công việc của mình”. (Mục sư Martin Luther King)
Để làm một công việc thật tốt, người ta tạo nên những “tác” quy trình, giai đoạn hay thủ thuật, một cách đại trà và phổ cập nhất để đưa con người đến một thành công nhất định. Thành công của mỗi người có thể giống nhau, có thể khác nhau. Nhưng điều cốt lõi làm nên một thành công cá nhân đó là niềm đam mê và nhiệt huyết đối với công việc. Một người thực sự thành công khi họ thấy hoan hỉ với những gì mình làm và tiếp tục.cố gắng. Tôi nghĩ, đó là một phẩm chất của con người, một phẩm chất thật tốt đẹp, nhưng theo thời gian, với sự rập khuôn trong xã hội công nghiệp hóa, đã bị biến đổi. Nhưng có lẽ, con người chưa thể hiểu được những gì mình đang làm.
Có một câu nói như thế này: “Con người ta hạnh phúc khi có một công việc để làm, một người để yêu và một ước mơ để vươn tới”. Tôi nhớ là vậy. Vâng! Một công việc để làm. Người ta cố gắng tìm cho mình một công việc yêu thích, đâu phải chỉ để có tiền lương, thu nhập cao, nhàn rỗi, mà còn vì một điều khác. Công việc chính là trải nghiệm, là một phần cuộc sống. Và con người bước đi cũng nhờ công việc ấy. Một sinh viên dấn thân vào ngành báo chí – một ngành đôi khi rất nhạy cảm – nhưng với lòng kiên trì, gan dạ và quyết tâm bài trừ cái xấu, con người ấy đã bất chấp sự ngăn cản của mọi người. Một nhà thơ nghèo xác xơ, nhưng giàu về tinh thần, cứ mỗi lần sinh nhật vợ lại gửi một bài thơ kèm một bông hồng độ thắm. Một cậu bé mơ ước làm một khách sạn thật lớn (không viển vông đâu!), bởi cậu muốn mang đến tiếng cười, sự vui vẻ và thân thiện của mình đến cho mọi người. Một người chiến sĩ hi sinh vì bảo vệ Tổ quốc, người mẹ ấy đau khổ nhưng luôn cảm thấy tự hào về con mình. Một cán bộ kiểm lâm bị đánh trọng thương vì hi sinh bản thân bảo vệ rừng, Và một người quét đường thầm lặng, một người mẹ tảo tần, vất vả nhưng luôn hạnh phúc, đơn giản tình mẫu tử là dành cho các con là vô bờ bến. Những con người ấy thực sự đang bước đi. Họ đã cảm thấy món quà của cuộc sống dành cho mình.
Tôi dành hai từ để gọi những con người này “vĩ đại”. Họ vĩ đại không phải vì họ được biết đến. Họ vĩ đại không phải bởi vì họ lập nên những chiến công lừng lẫy. Mà họ vĩ đại vì họ biết làm những con người rất bình thường. Họ vĩ đại vì họ đã làm thật tốt công việc của mình, họ trở thành những phu quét đường thực thụ, quét những con đường sạch đến nỗi những thiên thần nơi thiên đàng, lẫn những con người trên trần gian đều phải dừng lại và nói rằng: “Đây là một người phu quét vĩ đại, người đã làm thật tốt công việc quét đường của mình”. Hãy như những người phu quét đường, tuy luôn làm việc một cách thầm lặng, nhưng làm việc một cách thực thụ. Hãy làm việc với một tâm huyết lớn lao, để những thiên thần trong tâm hồn có thể trỗi dậy, để tự tin trong cuộc đời. Hãy làm việc như Michelangeli, Beethoven hay Shakespear để biết vượt qua mọi gian khổ, để hiểu và yêu thêm cuộc sống. Làm việc với một tâm hồn biết rung cảm, bạn sẽ mang hạnh phúc đến cho bản thân và những người xung quanh. Làm việc để cống hiến. Và hãy làm việc như chưa bao giờ được làm việc, để bạn mãi luôn tỏa sáng!
Đã đến lúc ta thử nghỉ chân một chút và nhìn lại quãng đường vừa đi. Đoạn đường ấy luôn ánh lên một thứ ánh sáng của vinh quang, ánh sáng của một con đường không chút bụi bẩn mà chính tay ta làm nên. Và ta vẫn sẽ bước đi.
Nghị luận xã hội về Người phu quét đường vĩ đại – Mẫu 4
Con người ta sống trên đời, ai không có ước mơ, khát vọng cho riêng mình? Và đúng như vậy, muốn thành công, bạn hãy chắp cánh cho những ước ; mơ đó bay cao bay xa. Nhưng, mai này thành đạt rồi, bạn có còn nhìn xuống những con người bình thường, đang làm những công việc bình thường mà không hề tầm thường?
Hồi bé, được đi học, nghề nghiệp đầu tiên mà chúng ta biết đến là giáo viên. Bạn và tôi, trong tâm trí non nớt, nhận thức có phần hạn hẹp kia, chắc hẳn ai cũng từng có ước mơ được làm cô giáo. Sự ân cần, chu đáo, dịu dàng và rất đỗi chân thành mà thầy cô đem lại, ít nhiều khiến bạn cảm động và biết ơn. Nhưng bạn ơi bạn có biết, thầy cô phải trải qua biết bao khó khăn để giúp bạn hiểu bài dễ dàng, nhẫn nại khuyên nhủ cậu học trò ngỗ nghịch biết vâng lời, đã dùng tình yêu nghề để sưởi ấm trái tim ta. Vâng, đúng vậy, nghề giáo là một nghề cao quý…
Bài học đạo đức hồi lớp một có một câu chuyện:
Cô giáo hỏi các em học sinh trong lớp:.“Bố mẹ các con làm nghề gì?”. Các bạn trong lớp đều hăng hái trả lời: – “Bố con là bác sĩ, mẹ con là giáo viên”, “Bố con là kỹ sư, mẹ con là nhà văn”… có bạn học sinh trong lớp không ngại ngùng đứng lên và nói rằng: “Bố mẹ con đều là công nhân vệ sinh”. Cả lớp cười ồ lên, bạn gái đó đỏ mặt và như hiểu ra. Nhưng cô giáo đã nói: “Trên đời này mọi nghề đều cao quý, chỉ có những người làm nên những công việc trái pháp luật mới đáng xấu hổ”. Hiện tại bạn là cậu ấm, cô chiêu, bạn được bố mẹ lo cho từng tí chút, bạn còn nhớ bài học giản dị kia về nghề nghiệp? Bạn còn nhớ rằng ra đường hãy cho mẩu rác vào túi thay bằng việc tiện này quăng luôn ra đường. Bạn biết không, có thể việc này nhỏ thôi nhưng cũng đem tới nụ cười, sự ấm áp cho cô công nhân vệ sinh môi trường trong đêm tối đang cùng tiếng chổi tre, thầm lặng làm công việc của mình hàng đêm.
Thương nhân trước kia bị người ta coi rẻ và dùng từ “con buôn” để gọi tên nghề. Nhưng hiện nay, ai không phủ nhận rằng, thương nhân đã làm giàu cho đất nước. Thương nhân cũng là một nghề cao quý.
Sống là để được yêu thương và không ngừng cho đi yêu thương. Nếu công việc nhàn hạ ai cũng chọn hết thì công việc khó khăn vất vả phân ai? Xã hội ngày càng văn minh, phải chăng người ta quên rồi cái thời kì “không khóc nhè để mẹ trồng cây trái, ba vào nhà máy, ông bà vui cấy cày”. Lời bài hát của trẻ mẫu giáo thôi nhưng người lớn học nhiều đấy. Bạn làm những công việc bây giờ có đủ hăng say và ham mê như khung cảnh mà bài hát vẽ ra. Làm bất cứ việc gì, phải yêu thích, ham mê mới có thể làm tốt. Bạn chỉ nhìn vào những công việc hiện tại đang là mốt, là thời thượng mà không yêu thích, ham mê. Chắc rằng bạn có niềm tin mà làm thật tốt?
Martin Luther King – người phu quét đường với tinh thần tương tác và lương tâm qua bài phát biểu của mình muốn làm sạch những con đường kỳ thị và áp bức để kêu gọi mọi người cùng đưa nhau tới cái mĩ học của cuộc đời, nơi có hòa bình và nhân bản. Đoạn trích “Nếu một người được gọi là phu quét đường… người đã làm thật tốt công việc quét đường của mình” mang ý nghĩa đó. Ông muốn thấy được những con đường sạch của khai sáng và hưởng hương thơm của sự khai sáng. Người phu quét đường mà Martin Luther King nhắc tới không chỉ có! vậy, ông muốn thông qua lời nói của mình giúp người khác cảm nhận được những nghề nghiệp và công việc lương thiện bình thường trong cuộc đời như người phu quét đường đã làm những điều bình thường mà không tầm thường.
Cuộc thi hoa hậu Việt Nam năm 2008, xin miễn bàn tới tính đúng sai về giải thưởng cũng như điều tiếng về cuộc thi này. Á hậu hai Nguyễn Thuỵ Vân – người mà nhiều người nghĩ sẽ giành được ngôi vị hoa hậu, trong cuộc phỏng vấn với báo nợ, cô được đặt câu hỏi liên quan tới danh hiệu của mình. Cô đã nói không giành được vương miện nói không buồn thì là nói dối, nhưng tình cảm mọi người dành cho cô, vô hình chung cô đã đeo vương miện trong lòng mỗi người. Vậy, bạn thì sao, không làm những công việc cao quý nhưng bạn đã làm thật tốt, thật tận tâm công việc của mình, bạn đã sống thật tốt với những người xung quanh vô hình chung bạn cũng đã đeo vương miện trong lòng họ rồi đấy!
Sống trên đời chỉ cần một tấm lòng, để gió cuốn đi. Hãy biết theo đuổi đam mê, hãy ước mơ không ngừng, làm mọi việc để thực hiện ước mơ đó và làm thật tốt công việc của mình. Xin hãy đi trên con đường mình đã chọn và đừng nuối tiếc. Xin mượn câu văn của nhà văn Lỗ Tấn thay cho lời kết: “Kì thực trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi mà thành đường thôi”, Và dù bạn lựa chọn cho mình con đường nào thì bạn cũng hãy say mê, và cống hiến hết mình bạn nhé.
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!