Bài văn Nghị luận xã hội về tình trạng tai nạn giao thông ở nước ta
Đề bài: Nghị luận xã hội về tình trạng tai nạn giao thông ở nước ta
Nghị luận xã hội về tình trạng tai nạn giao thông ở nước ta
I. Dàn ý Nghị luận xã hội về tình trạng tai nạn giao thông ở nước ta (Chuẩn)
1. Mở bài
Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận: Thực trạng tai nạn giao thông ở nước ta hiện nay
2. Thân bài
a. Tình hình tai nạn giao thông hiện nay:
– Số lượng tai nạn giao thông xảy ra ngày càng tăng mạnh- Số người chết và người bị thương vì tai nạn tăng nhanh
b. Nguyên nhân
– Khách quan:
+ Cơ sở hạ tầng,đường sá còn kém chất lượng+ Hệ thống biển báo, đèn giao thông bị xuống cấp+ Tác nhân thời tiết, mưa, gió,..
– Chủ quan:
+ Người tham gia ý thức kém+ Thiếu hiểu biết về luật+ Uống rượu, bia, lạng lách, đánh võng khi tham gia
c. Biện pháp khắc phục:
– Cần tuyên truyền để người dân chấp hành luật giao thông- Nâng cao ý thức người đi đường- Xây dựng, sửa chữa lại cơ sở hạ tầng- Lắp đặt lại hệ thống đèn tín hiệu bị hư hỏng
3. Kết bài
Hãy chung tay vì một môi trường giao thông an toàn, lành mạnh.
II. Bài văn mẫu Nghị luận xã hội về tình trạng tai nạn giao thông ở nước ta hay nhất (Chuẩn)
1. Đoạn văn Nghị luận về an toàn giao thông ngắn gọn – mẫu số 1:
Tai nạn giao thông là vấn đề đáng báo động trong xã hội Việt Nam hiện nay. Tính trong đầu năm 2022, đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra khiến cho hơn 8.000 người thiệt mạng và bị thương. Đó là con số quá lớn so với 6 tháng ngắn ngủi. Nguyên nhân gây nên tai nạn giao thông có thể đến từ khách quan như cơ sở hạ tầng đường bộ còn kém chất lượng, chưa được nâng cấp sửa chữa thường xuyên hoặc các tác nhân thời tiết như mưa bão gây nên. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự chủ quan, ý thức kém của những người tham gia giao thông. Người điều khiển phương tiện lạng lách, đánh võng thậm chí uống rượu bia khi lái xe, gây nên nguy hiểm cho chính họ và những người tham gia giao thông khác. Cần phải ngăn chặn tai nạn giao thông xảy ra bằng những biện pháp cụ thể như tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân; thường xuyên kiểm tra và sửa chữa hệ thống giao thông đường bộ; tăng mức xử phạt cho những người vi phạm,… Tất cả mọi người cần chung tay để cùng nhau tham gia giao thông an toàn.
2. Đoạn văn Nghị luận xã hội về vấn đề tai nạn giao thông – mẫu số 2:
Tai nạn giao thông luôn là nguyên nhân chính dẫn đến thương vong hàng đầu trên cả nước. Bình quân mỗi ngày trên đất nước ta có tới 31 vụ tai nạn, khiến 18 người thương vong. Đây là con số cực kì đáng báo động. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đa phần là do ý thức của người dân còn kém, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, uống rượu bia khi lái xe hay thậm chí cố tình lạng lách đánh võng, gây nên nguy hiểm cho bản thân và cả người khác. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy được rằng cơ sở hạ tầng đường bộ của Việt Nam cũng chưa được phát triển. Vẫn còn tồn tại rất nhiều ổ gà ổ voi. Các biển báo tín hiệu ở một số nơi cũng đã cũ, hỏng khiến người dân gặp khó khăn khi đi đường. Thi thoảng, ta cũng phải nghe những tin tức tai nạn giao thông vì thời tiết mưa bão, sương mù,… gây ra. Vậy có biện pháp để khắc phục và giảm thiểu tai nạn giao thông không? Tất nhiên là có. Chúng ta cần nâng cao ý thức của chính mình và mọi người xung quanh, tham gia giao thông với thái độ thận trọng, văn minh. Nhà nước cũng đang cố gắng nâng cấp cơ sở hạ tầng để đảm bảo sự an toàn cho người dân. Tham gia giao thông là một điều tất yếu, mong rằng mọi người sẽ chấp hành luật giao thông thật tốt và có những chuyến đi an toàn.
3. Nghị luận xã hội về vấn đề tai nạn giao thông hay ngắn – mẫu số 3:
Có rất nhiều người nước ngoài từng nói: “Tham gia giao thông ở Việt Nam như chơi một trò chơi mạo hiểm”. Đây là một lời nhận xét thẳng thắn, giúp cho chúng ta thấy được thực trạng mức độ an toàn giao thông của nước nhà.
An toàn giao thông luôn là một trong những vấn đề đáng lo ngại ở đất nước ta. Hiện nay, số vụ tai nạn giao thông hàng năm luôn cao ở mức báo động. Theo thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2022, cả nước ta đã xảy ra 7.488 vụ tai nạn khiến 4.276 người thiệt mạng, 4.957 người bị thương. Trung bình mỗi ngày có tới 31 vụ tai nạn, khiến 18 người tử vong. Tuy cả 3 tiêu chí là số vụ, số người chết và số người bị thương đều giảm so với những năm trước nhưng con số đó vẫn là quá lớn.
Có hai nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông. Đầu tiên, phải kể đến nguyên nhân khách quan là cơ sở hạ tầng, đường sá kém chất lượng. Rất nhiều con đường đã xuống cấp, nhiều ổ gà ổ voi chưa được sửa chữa lại gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Thông thường, chỉ có thành phố lớn mới có cầu vượt hoặc hầm đi bộ, khiến cho người dân rất khó khăn trong việc sang đường. Hệ thống biển báo, đèn giao thông xuống cấp, không thực hiện được đầy đủ chức năng của nó. Có những nơi biển báo bị bụi cây um tùm che mất khiến người điều khiển phương tiện giao thông không nhìn thấy. Nguyên nhân chủ quan ở đây đến từ chính ý thức của người dân khi ra đường. Những người ý thức kém: không chấp hành luật an toàn giao thông, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, đi quá tốc độ đều mang đến nguy hiểm. Thậm chí, có người lái xe sau khi uống rất nhiều bia rượu, không làm chủ được bản thân gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng.
Để cải thiện tình trạng tiêu cực này, con người cần có những biện pháp khắc phục cụ thể. Phổ biến nhất là tuyên truyền về an toàn giao thông để người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Nhà nước và các cấp chính quyền có thể xem xét nâng các mức xử phạt lên cao hơn để cảnh cáo, răn đe những người không có ý thức. Tiếp theo, cần tập trung xây dựng, sửa chữa, bổ sung cơ sở hạ tầng: đèn tín hiệu, đường sá, camera,… để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
An toàn giao thông là trách nhiệm của mọi nhà. Chúng ta hãy cùng nâng cao ý thức khi ra đường. Đó vừa là cách bảo vệ bản thân, những người yêu thương, đồng thời góp phần giúp xã hội phát triển văn minh và tiến bộ hơn.
4. Nghị luận xã hội về vấn đề tai nạn giao thông siêu hay – mẫu số 4:
Thời kỳ chiến tranh, con người bị cướp đi sinh mạng bởi bom đạn, bởi tội ác của giặc thì trong thời đại hoà bình, sự sống ấy lại dễ dàng bị cánh tay tử thần của “tai nạn giao thông” cướp mất. Đau đớn gì hơn khi phải lặng nhìn những cái chết bất ngờ xảy đến không lường trước chỉ vì một phút không tập trung làm chủ tay lái hay những rủi ro bất ngờ ập đến từ những người sử dụng phương tiện giao thông khác. Đắng cay gì hơn khi những kẻ đầu bạc lại phải tiễn đưa người đầu xanh trong nước mắt. Vì vậy, vấn đề tai nạn giao thông là vấn đề đáng báo động ở đất nước ta trong thời điểm hiện nay.
Trước hết, ta có thể thấy được rằng số lượng tai nạn giao thông xảy ra ngày càng tăng mạnh, chỉ 10 tháng đầu năm 2019 đã có hơn 14.251 vụ tai nạn giao thông khiến 6.300 người thiệt mạng, và hàng chục nghìn người bị thương nặng. Tai nạn giao thông xảy ra trên nhiều phương tiện của giao thông đường thủy, giao thông đường sắt và cả giao thông đường hàng không, tuy nhiên đáng lưu tâm và gây hậu quả nghiêm trọng nhất chính là tai nạn giao thông đường bộ. Ngày ngày trên báo chí, phương tiện truyền thông, ta có thể thấy nhan nhản những vụ tai nạn gây chết người. Gần đây nhất có thể kể đến vụ tai nạn tại Bến Lức- Long An xảy ra vào tháng 1 năm 2019, một chiếc xe container do tài xế Hiếu cầm lái đã bất ngờ đâm vào hàng chục xe máy đang dừng đèn đỏ tại ngã tư, vụ tai nạn đã gây cái chết cho 4 người còn rất trẻ và làm bị thương hơn 21 người , phương tiện bị vỡ, hư hỏng nghiêm trọng. Hay một tai nạn khác xảy ra ở Hải Dương khi đoàn người đang thăm viếng ở nghĩa trang liệt sĩ thì bị một xe ô tô tải tông vào gây chết 8 mạng người và làm hàng chục người khác bị thương. Ở Quảng Trị, một đoàn người xuất phát từ quê vào Quảng Nam rước dâu đã không may va chạm với xe đầu kéo chạy ngược hướng gây tai nạn thảm khốc khiến 13 người trong dòng họ chết tại chỗ, ngày vui đám cưới chưa kịp mừng thì trở thành tang tóc, thương đau….Qua đó, ta có thể thấy được rằng, tai nạn giao thông nguy hiểm đến nhường nào. Không chỉ mất mát về của cải, vật chất mà chúng còn hoành hành để cướp lấy mạng sống của bất kỳ ai. Tai nạn đã làm mất đi của đất nước những lực lượng lao động quý giá, những nhà trí thức, những con người tài giỏi và cả những mầm non tương lai. Nó vô hình nhưng mang lại những cái đau đớn hữu hình, khiến những người ở lại còn nặng lòng khóc nghẹn khi nghĩ về bảo người thân đã ra đi.
Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến bao vui tai nạn kinh hoàng xảy ra. Xét về khách quan, ta có thể thấy một vài vụ tai nạn xảy ra là do những đường bị ổ gà, ổ voi gây khó khăn cho phương tiện đi lại, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, bất cập, hệ thống đường sá chưa được xây dựng, nâng cấp và triển khai một cách hợp lý gây cản trở. Mặt khác, các hệ thống về đèn tín hiệu giao thông, biển báo ở một số nơi vẫn chưa được chú trọng đúng mức, xuống cấp nghiêm trọng nên ảnh hưởng ít nhiều đến người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, vấn đề thời tiết, gió giông, sấm sét, lụt bão, ngập úng cũng gây ra nhiều tai nạn cho người đi đường. Phương tiện giao thông ở Việt Nam quá nhiều , đặc biệt là xe máy gây ùn tắc, đường sá lại quá chật hẹp gây khó khăn cho người di chuyển trên đường, dễ gây va chạm. Song, ta không thể phủ nhận được rằng, nguyên nhân chính và trực tiếp nhất đến từ ý thức người tham gia giao thông. Một số trẻ em đi xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, lạng lách, đánh vọng, dàn hàng năm, hàng bảy giữa đường. Người tham gia giao thông chưa nắm rõ luật hoặc hiểu biết một cách sơ sài về luật giao thông. Sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây tai nạn trên đường làm ảnh hưởng đến những người vô tội. Trên các tuyến đường chính, người tham gia đỗ xe bừa bãi, đi không đúng làn đường quy định, một số lại chạy xe quá tốc độ không bản thân không kiểm soát được tay lái mà gây tai nạn. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới ý thức của một số thành phần dân cư xả rác bừa bãi giữa lòng đường gây cản trở phương tiện giao thông qua lại.
Từ những nguyên nhân trên, ta cần phải đề ra những giải pháp khắc phục và các biện pháp để giúp giảm thiểu tai nạn giao thông, tiến đến xây dựng một môi trường giao thông lành mạnh và an toàn. Thứ nhất, cần ban hành các bộ luật về giao thông đúng và gắn với thực tiễn, tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông, qua sách vở, báo đài,…để người dân hiểu và nắm luật. Thứ hai, mỗi người dân phải tự ý thức về việc chấp hành luật giao thông, phải gương mẫu trước trẻ em, gia đình và xã hội, vận động mọi người cùng chấp hành luật giao thông. Thứ ba, tổ chức các cuộc thi về luật giao thông, tìm hiểu an toàn giao thông trong nhà trường, trong cộng đồng dân cư. Tu sửa lại hệ thống đường sá đảm bảo chất lượng hạ tầng, chú trọng đến hệ thống biển báo, đèn tín hiệu. Thứ tư, mọi người cần hiểu rõ tác hại của bia, rượu,..khi tham gia giao thông để hạn chế sử dụng. Đề ra các khẩu hiệu như: “Nhanh một giây, chậm một đời”, “An toàn giao thông vì hạnh phúc của mọi nhà”, “Đã uống rượu bia thì không lái xe”; … trên các phố xá hay đường làng, ngõ xóm để nâng cao hơn ý thức của người tham gia giao thông.
“An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà”, tất cả chúng ta phải chung tay vì hạnh phúc của chính mình và vì hạnh phúc của xã hội. Đừng để tai nạn giao thông hủy hoại chính cuộc sống mỗi chúng ta.
-HẾT-
https://thuthuat.taimienphi.vn/nghi-luan-xa-hoi-ve-tinh-trang-tai-nan-giao-thong-o-nuoc-ta-53924n.aspx Cùng với bài Nghị luận xã hội về tình trạng tai nạn giao thông ở nước ta, các em học sinh có thể tự củng cố kiến thức và kĩ năng viết bài nghị luận qua việc tham khảo một số Bài văn hay lớp 9 sau: Nghị luận xã hội về vấn đề giáo dục giới tính với tuổi vị thành niên hiện nay, Nghị luận xã hội Tác hại của thuốc lá, Nghị luận xã hội về vấn đề ô nhiễm môi trường, hị luận xã hội chủ đề Nói không với những tệ nạn xã hội
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!