Một thời hồn nhiên, vô tư, trong sáng | meddom.org

​​​​​​​PGS.TS Trần Đình Ngạn* tâm sự: mỗi bước đi trên đường đời của mình, tôi đều thấy có ý nghĩa và đáng trân trọng. Nhưng những ký ức thuở nhỏ được sống bên gia đình và bạn bè luôn gợi một niềm nhớ thương không dễ phai mờ.

Ông kể: gia đình ông nhiều đời làm nghề dạy học và thầy thuốc. Ông là con cả và là cháu đích tôn của dòng họ Trần ở làng Hướng Nghĩa, xã Minh Thuận, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Đó là ngôi làng thuần nông, thuộc vùng chiêm trũng, cứ vào tháng 7, tháng 8 là bị ngập nước, nhà nọ muốn sang nhà kia phải dựng cầu, đi lại trong xóm hoặc sang làng khác phải dùng thuyền. Do cứ đến mùa mưa là bị ngập úng, đất đai kém màu mỡ, người nông dân chỉ làm được một vụ trong năm. Cuộc sống nghèo khó nhưng truyền thống hiếu học thì được lưu giữ qua nhiều đời. “Gia đình tôi có truyền thống anh dạy học cho em. Bố tôi (cụ Trần Văn Tương) là Hương sư, dạy học cho học sinh cả vùng, trong đó có các chú của tôi, nhiều người đi thi trường tỉnh đều đỗ, các chú của tôi được cấp bằng Certificat và về làng mở lớp dạy học. Tôi cũng được thừa hưởng truyền thống đó của gia đình[1] – PGS.TS Trần Đình Ngạn nói.

Năm 1946, Trần Đình Ngạn 6 tuổi, đi học tại trường làng do chú ruột là Trần Thiện Căn dạy. Lớp học được tổ chức tại đình làng Hướng Nghĩa, các cụ trong làng đã lấy các cánh cửa kê lại làm bàn, tấm ván làm ghế. Dù trường còn đơn sơ nhưng như PGS Trần Đình Ngạn tâm sự: Tôi rất yêu trường làng tôi, nơi đó có nền văn hóa đẹp, để lại nhiều kỷ niệm thơ ấu. Xung quanh đình có hồ nước, cây gạo, giếng nước, sân đình[2]… Mỗi lớp gồm khoảng 20-30 học sinh, một thầy phụ trách 2-3 lớp và một năm học sinh có thể hoàn thành chương trình của mấy lớp. Cách dạy học của các thầy cũng rất đặc biệt, kỳ công, thầy viết chữ bằng bút chì cho học sinh mới học chữ tô lại. Thầy rất nghiêm khắc, học trò thì rất lễ độ, học nghiêm túc. PGS Trần Đình Ngạn chia sẻ: Do vậy học trò ảnh hưởng của thầy rất nhiều, người ta hay nói “thầy nào, trò nấy” là thế. Bố và chú tôi là thầy giáo nên tôi có nhiều thuận lợi. Đặc biệt là thời gian hè, tôi thường được học trước chương trình, vào năm học, tôi rất tích cực phát biểu. Xưa các cụ quan niệm, đã học bài phải đọc to, tức là mắt nhìn, tai nghe, miệng nói… để nhanh thuộc bài. Và một điều nữa, tôi nghĩ rằng các cụ cũng muốn cho người trong làng biết rằng con, cháu tôi đang học bài đấy[3].

Lên lớp 3, Trần Đình Ngạn xuống học ở trường của xã Đồng Minh (gồm các thôn Hướng Nghĩa, Phú Cốc, Phú Vinh, Bịch), nay là xã Minh Thuận (sáp nhập hai xã Đồng Minh và xã Thuận Thành). Hàng ngày, Ngạn cùng chú ruột là Trần Văn Trưởng và anh Đặng ở cùng làng đi bộ 3-4km qua cánh đồng, mương nước của mấy làng để tới trường. Có khi anh Đặng phải cõng Ngạn qua mương nước.

Là trường của xã nhưng cũng được mở ở đình làng, bàn ghế là các cánh cửa, tấm ván xếp thành. Trường có trống đánh báo giờ vào lớp, giờ ra chơi, tan lớp. Theo thời khóa biểu, thầy dạy rất tận tình, học trò nghiêm túc học. Học cùng lớp với Ngạn có nhiều bạn đã 13-14 tuổi. Ban đầu, thầy dạy lớp của Trần Đình Ngạn chính là bố của cậu – cụ Trần Văn Tương. Nhưng đầu năm 1950, cụ Tương phải vào Thanh Hóa để đảm bảo an toàn, do cụ là Đảng viên, tích cực hoạt động cách mạng ở địa phương. Vì thế, chú Trần Thiện Căn lên đây dạy học. PGS Trần Đình Ngạn cho biết: Trước năm 1950, tôi được học đầy đủ theo chương trình của Pháp dù chưa có sách giáo khoa, ngoài ra tôi còn tự học ở nhà. Cuối mỗi năm học, các thầy viết nhận xét và cho điểm vào học bạ. Cuối cấp học được cấp chứng chỉ chứng nhận năng lực học của học sinh[4].

Năm 1952, cụ Trần Văn Tương về thăm quê và đón con trai Trần Đình Ngạn, em trai Trần Văn Trưởng và 5 học sinh con cán bộ cùng làng vào Thanh Hóa. Sau một cuộc hành trình đi bộ dài, đoàn đến xã Trường Văn[5], huyện Tĩnh Gia, nơi cụ Tương công tác và tất cả đều ở cùng nhà với cụ. Theo sự chỉ bảo của cụ Tương, hàng ngày 7 anh em, chú cháu thay nhau làm việc nhà, nấu cơm và cùng nhau học bài. Cuối tuần thì cùng lên núi lấy củi về đun. Người dân ở đây rất tốt bụng, họ cho ở nhờ và được dùng chung bếp nấu ăn. Trần Đình Ngạn về trường cấp 1 của xã Trường Văn, nơi bố làm Hiệu trưởng, học tiếp lớp 4. Lớp học cũng được tổ chức ở đình làng rất đơn giản. Ở vùng kháng chiến, học trò được học theo chương trình mới cải cách. PGS Trần Đình Ngạn thổ lộ: Việc học của tôi rất chắp vá, theo chương trình cũ và mới. Chủ yếu học văn, sử, địa lý, toán, tập làm văn… Do thiếu giáo viên nên một thầy dạy 1 lớp hoặc 2 lớp[6].

Đọc thêm:  Hướng dẫn sử dụng Zalo PC dạy học trực tuyến an toàn

Năm 1953, Trần Đình Ngạn thi đỗ vào học trường Phổ thông cấp 3 Nguyễn Thượng Hiền – trường đào tạo cả cấp 2 và cấp 3. Trường ở làng Ngò, nay là làng Đồng Chí, xã Thiệu Minh, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Cùng thi đỗ năm ấy có chú Trần Đình Trưởng và anh Sinh, bạn Đặng Văn Nga. Khi ấy, năm học bắt đầu từ đầu năm đến tháng 11. PGS Trần Đình Ngạn nhớ rằng, cứ giờ ra chơi hoặc những buổi nghỉ học, ông cùng các bạn học thường chia đội để đá bóng, bóng làm từ bẹ chuối khô bó tròn. Thời bấy giờ đi học rất vui nhưng kỷ luật. Điều kiện học tập còn khó khăn, phải học tối do sợ máy bay bắn phá. Học sinh phải xách theo đèn để soi đường đi và học bài. Ở chợ có bán đèn hoa kỳ, đèn kính, đèn tự chế, nhưng phần lớn học sinh dùng đèn tự chế. Có thể mua hoặc tự làm theo cách dùng vỏ hộp kem đánh răng hay ống đựng nước cất, lọ đựng thuốc peniciline để làm đèn, nhét đầy bông, đổ dầu hỏa vào; lấy vỏ van xe đạp gắn vào rồi luồn sợi bông qua ống van làm bấc đèn; lấy vỏ chai thủy tinh cắt bỏ cả trên và dưới làm bóng đèn. Không chỉ xách đèn, mỗi học sinh còn phải mang bàn ghế theo. Bàn đóng bằng gỗ, nhỏ và nhẹ, gấp lại được như kiểu bàn của những người đi bán dạo kẹo kéo hay lạc rang, có hai dây quai để đeo. Sau này, có sự cải tiến, làm chiếc hộp nhỏ gắn phía dưới bàn để đựng đồ, có chốt để cố định lại và có thể tháo rời ra được để làm ghế ngồi. Trường Nguyễn Thượng Hiền được bà địa chủ Tô cho mượn nhà làm phòng học, sân nhà là nơi tổ chức sinh hoạt toàn trường vào mỗi tối thứ hai hàng tuần. Nhà bà Tô có bể nước to, nhà ốp gạch men trắng của Pháp, gạch này có thể viết lên và xóa đi. Một số học sinh đã cậy lấy mỗi người một viên cho vào cặp để viết nháp, coi đó là giấy nháp.

Cuối năm 1953 – đầu 1954, trường Nguyễn Thượng Hiền chuyển ra Xích Thổ, Nho Quan, Ninh Bình và tách thành hai trường Phổ thông cấp 3 Nguyễn Quốc Trị và trường Phổ thông cấp 3 Cù Chính Lan (đào tạo cả cấp 2 và cấp 3). Trần Đình Ngạn về đây tiếp tục học lớp 6A của trường Phổ thông cấp 3 Cù Chính Lan.

PGS Trần Đình Ngạn cho biết, thời bấy giờ nhà trường đã chú ý phát triển năng lực cá nhân, đến việc học nhóm, học tổ. Học sinh luôn nghĩ đến lý tưởng cách mạng, luôn nghĩ học để làm gì, đã quan tâm đến khái niệm giai cấp công nhân là gì… Học sinh thành lập nhóm, thay nhau kể chuyện, làm văn, tự giác tham gia giúp đỡ người dân địa phương việc nhà và đồng áng. Trần Đình Ngạn chơi thân với nhóm bạn gồm Vũ Ngọc Hải (sau từng làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), Ngô Thu Hoàng (sau này từng nghiên cứu xử lý rác thải ở Thái Bình), Nguyễn Thị Tâm Bắc (sau này là tiến sĩ toán học), Ngô Minh Giang (sau này công tác ở Ban Tổ chức Trung ương), Nguyễn Văn Nhân (sau này là kỹ sư nông nghiệp, từng giữ chức Phó giám đốc Sở Khoa học công nghệ Cao Bằng), Lê Chính (sau này là Phó giám đốc nhà máy Xi măng Hải Phòng)… Cả nhóm thường ra gốc cây, bờ ao trải chiếu ngồi học, truy bài, thuyết trình cho nhau nghe bài đã học trên lớp. Thậm chí có những buổi học về vấn đề tư tưởng, chính trị, về Đảng, giai cấp công nhân…, dù còn nhỏ nhưng học sinh đã tự tìm hiểu, tham khảo tài liệu rồi trao đổi với nhau. Sau này, nhóm bạn này gắn bó thân thiết như ruột thịt và luôn theo dõi sự tiến bộ của nhau. Điển hình là ông Vũ Ngọc Hải là người đã động viên ông Trần Đình Ngạn hoàn thiện luận án để bảo vệ và nhận học vị Phó tiến sĩ vào năm 1988.

Nhóm bạn thời phổ thông gặp mặt ngày 12-10-2008.

Hàng đứng, từ trái: GS.TS Vũ Ngọc Hải, PGS.TS Trần Đình Ngạn, ông Ngô Minh Giang

Đọc thêm:  Phân tích bài thơ Qua Đèo Ngang - Văn 7 (9 mẫu) - Download.vn

Hàng ngồi, từ trái: ông Lê Chính, KS Nguyễn Văn Nhân

Nhớ về thủa học trò, PGS Trần Đình Ngạn như còn cảm nhận được tiếng trống trường giờ ra chơi – học sinh ùa ra sân chơi đuổi bắt, nói cười vui vẻ, hết giờ là vào lớp. Trước mỗi giờ học, quản ca thường bắt nhịp cho cả lớp hát các bài như Bao chiến sĩ anh hùng, Giải phóng Điện Biên…, việc đó giúp học sinh có tinh thần sảng khoái, chuẩn bị vào tiết học mới. Khi thầy cô chuẩn bị vào lớp, bạn trực nhật hô “nghiêm” để cả lớp đứng lên chào thầy giáo. Bước vào lớp, thầy cô gật đầu chào và cho học sinh ngồi xuống. Học trên PGS Trần Đình Ngạn 1 lớp, PGS.TS Trần Thị Băng Thanh[7]cũng từng kể: thời bấy giờ, tinh thần tự quản của học sinh rất cao. Mỗi lớp đều chia thành 4-5 tổ, gồm các học sinh khá, giỏi, trung bình và yếu kém. Trong tổ tự động chia nhóm giúp đỡ nhau, tùy tình hình thực tế mà hẹn nhau học nhóm ngoài giờ. Nếu rất cần thiết thì một vài bạn được bạn học giỏi trong nhóm giảng lại bài, kiểm tra lại bài sau khi học trên lớp. Nhờ cách ấy mà nhiều bạn bù đắp được những lỗ hổng kiến thức từ trước. Bên cạnh đó, ở trường các thầy giáo không phải mất nhiều công sức trong việc tổ chức, duy trì các hoạt động trong trường hay kèm cặp học sinh học tập. Đó là nhờ có hệ thống hiệu đoàn. Đây là tổ chức đại diện của học sinh, có hiệu đoàn trưởng, hiệu đoàn phó và một số ủy viên chịu trách nhiệm từng công tác, họ đều ở độ tuổi 18 đến 20; có các ban phụ trách học tập, lao động, văn nghệ… Bên cạnh đó còn có đội thiếu nhi và đoàn thanh niên, với ban chỉ huy phân đội, phân đoàn. Mỗi lớp là một phân đoàn, phân đội, lớp lớn là chi đoàn, chi đội. Trong lớp có một lớp trưởng, hai lớp phó. Hàng tuần, đại diện các lớp, các phân đội, phân đoàn cùng với ban chấp hành hiệu đoàn tổ chức họp, bình xét khen thưởng và kỷ luật cho từng lớp. PGS Trần Đình Ngạn cũng chia sẻ thêm: Chúng tôi luôn phấn đấu thành Thiếu nhi tháng Tám, có sổ tự tu để cùng nhau rèn luyện. Ở nhà dân tối đến, chúng tôi còn tắm cho trẻ con, quét sân, quét nhà. Nền giáo dục bấy giờ mang ý nghĩa giáo dục nhân dân, rất có ý nghĩa[8].

Đến giữa năm 1955, trường Cù Chính Lan sáp nhập với các trường Nguyễn Quốc Trị, Hoa Lư, La Văn Cầu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Trường Tộ thành trường Phổ thông cấp 3 Liên khu III. Do các trường học tại vùng kháng chiến thường tổ chức chương trình học của năm từ tháng 1 đến tháng 12, còn các lớp học trong thành Hà Nội thì học từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau. Vì vậy, trường Phổ thông cấp 3 Liên khu III học thêm 1 học kỳ vào đầu năm 1955 để tập trung ôn luyện, kèm lẫn nhau; các thầy thì dạy nâng cao và tổ chức phụ đạo. Do vậy, Trần Đình Ngạn phải học thêm học kỳ 3, năm lớp 6.

Năm học 1955-1956, trường đặt tại thôn Kiều Sáo, xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, sau đó tập trung về trường Cải cách ruộng đất của Liên khu III tại thị xã Phủ Lý. Thời gian học cấp 2, cuộc sống của các trò còn gian khổ, người thì bố mẹ cho gạo, người được cho tiền, củi đuốc phải tự ra đồng kiếm (chủ yếu là rơm)… Trước khi nấu cơm thì luộc rau, sau đó vớt rau và múc nước ra, nhưng để lại ít nước luộc rau còn nóng rồi cho gạo vào nấu thành cơm vì sợ hết củi. Thức ăn chủ yếu là rau và nước mắm. Gian khổ nhưng ai cũng cảm thấy rất nhẹ nhàng, không cầu kì, luôn vui tươi. Người dân cũng thương học sinh nghèo, họ cho ở nhờ không lấy tiền và sẵn lòng giúp đỡ. Thỉnh thoảng, khi được gia đình cho tiền, các trò lại rủ nhau đi ăn phở cải thiện.

Đến năm 1956, trường chuyển về nhà thờ Sanh-Tô-Ma ở thành phố Nam Định, cũng là khi Trần Đình Ngạn cùng các bạn về đây học cấp 3. Kết thúc năm học 1955-1956, học sinh khối lớp 9 được công nhận tốt nghiệp và ra trường, do học theo hệ 9 năm. Năm học 1956-1957, bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hệ 10 năm. Trường có mười lớp 8 và bốn lớp 9. Khóa của Trần Đình Ngạn bắt đầu học theo chương trình giáo dục hệ phổ thông 10 năm. Mỗi lớp có khoảng 40 học sinh, gồm học sinh của cả Liên khu III: như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam…

Đọc thêm:  Tóm tắt bài Treo biển ngắn nhất - Ngữ văn lớp 6

Thời gian học cấp 3 cũng để lại trong PGS Trần Đình Ngạn nhiều ấn tượng, nhiều kỷ niệm thân thương. Ông ấn tượng với một số thầy, như thầy Lê Đình Phi (các ông thường gọi là anh) dạy toán, thầy Nguyễn Trọng Quế dạy Vật lý. Các thầy đều dạy giỏi và tận tình với học sinh. Đặc biệt là thầy Lê Đình Phi rất thông minh, tận tình, yêu quý học sinh, thường giúp học sinh rèn luyện không chỉ trong học hành mà còn về đạo đức, tác phong. Thầy còn đến tận nhà giảng giúp cho những học trò chưa hiểu bài. Trần Đình Ngạn học tốt các môn sinh học, hóa học, vật lý, nhưng lại sợ môn văn và tiếng Trung, đặc biệt là viết văn, ông tự đánh giả bản thân viết lủng củng nên chỉ được điểm 3.

Trần Đình Ngạn quyết tâm tự kiếm sống để bớt gánh nặng cho bố mẹ. Từ năm học lớp 8 cho đến hết phổ thông, Trần Đình Ngạn thường đi dạy thêm tại lớp bình dân học vụ tổ chức vào buổi tối tại Nhà máy dệt Nam Định để có thêm thu nhập. Học sinh ở đây là anh em miền Nam tập kết ra Bắc. Mỗi đêm, ông được trả 5 hào. Ông dạy theo chương trình phổ thông, gồm các môn toán, chính tả, làm văn… PGS Trần Đình Ngạn chia sẻ: Tôi sinh ra trong gia đình lấy cái học làm chính, sống bằng cái nghề từ học hành mà ra nên phải cố gắng. Nhưng mình vẫn phải cần kiệm. Tôi lại cũng có khiếu dạy học như các cụ. Và tôi lại cầm sách, cầm phấn đi dạy lại các em tôi[9]. Ngay trong tháng đầu tiên nhận được tiền dạy thêm, Trần Đình Ngạn đã dành cả 10 đồng mua 1,5m vải để biếu bà ngoại. Một lần về thăm nhà, thấy em trai bị sốt mà đêm không có nước nóng để uống, Trần Đình Ngạn mua phích mang về cho em dùng. Trần Đình Ngạn tâm sự: Với tôi, mọi thứ đều rất tự nhiên, từ việc nỗ lực học tập, tự kiếm tiền đến sự quan tâm đối với người thân. Hoàn cảnh đã tạo nên con người tôi[10].

Năm 1959, một số tỉnh của Liên khu III như Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam đã thành lập các trường cấp 3 ở địa phương mình, lấy nòng cốt là các lớp 8 của trường Phổ thông cấp 3 Liên khu III. Bộ phận còn ở lại được đổi tên thành Trường cấp 3 Lê Hồng Phong. Trần Đình Ngạn học ở trường Lê Hồng Phong học kỳ 2 của lớp 10. Bấy giờ, học sinh luôn sẵn sàng chia sẻ, bảo ban nhau đến nơi đến chốn. Vì vậy, dù lực học của học sinh không đều nhưng đến kỳ thi đều vực dậy được, thành tích tương đối tốt. Đến kỳ thi tốt nghiệp năm 1959, mặc dù đề thi rất khó nhưng tất cả đều đạt kết quả tốt.

Sau kỳ thi tốt nghiệp, trước khi chia tay bạn bè, mỗi học sinh có một cuốn lưu bút và chuyền tay nhau ghi lại thông tin cá nhân cần thiết và những dòng cảm nhận, kỷ niệm, suy nghĩ… về nhau, để rồi mỗi người sẽ có một con đường, cuộc sống riêng cho mình…Kèm theo đó là những bức ảnh chân dung tặng nhau…PGS Trần Định Ngạn nói: Thế hệ chúng tôi có lý tưởng lớn về đội, đoàn, đảng, và đó là xu thế chung của thời bấy giờ. Ai không được vào đoàn, đội thì không có gì để tự hào. Tình bạn của chúng tôi trong sáng, không một chút vụ lợi, không ganh tỵ, chỉ nghĩ đến đất nước, mình vì mọi người, vì bạn bè và cùng động viên nhau học tốt. Chúng tôi cùng khổ, cùng đói, cùng ăn, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, cách suy nghĩ, cách phấn đấu. Và chúng tôi có một ý chí là phải chịu khó học, phải làm được gì đó cho đất nước mình. Ai cũng tâm niệm rằng: mỗi người đều có một nghĩa vụ, chỉ cần cố gắng làm tốt công việc của mình, lợi ích cho đất nước, dân tộc là được[11].

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, các bạn học của Trần Đình Ngạn, người theo học sư phạm làm giáo viên, người đi du học nước ngoài… Trần Đình Ngạn thi đỗ vào trường Đại học Y Dược khoa[12] khóa 1960-1965. Tốt nghiệp bác sĩ, ông đã phục vụ ở chiến trường Lào 2 năm, và gắn bó với Viện Quân y 103 hơn 30 năm. Ông từng là Phó Viện trưởng Viện Quân y 103 và giữ nhiều vị trí công việc khác, nhưng mỗi khi nhớ về thời học sinh, trong ông vẫn dâng lên niềm xúc cảm khó tả, bởi đó là một thời tuổi trẻ, hồn nhiên, vô tư của cuộc đời ông.

Lê Thị Hằng

_____________________

* PGS.TS Trần Đình Ngạn, chuyên ngành Y học, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quân y 103.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button