Ông Hai vẫn trằn trọc không sao ngủ được nếu lược bỏ dấu ba chấm

Gấp trang sách lại, chúng ta bồi hồi xúc động về tình yêu làng của ông Hai, về nghệ thuật kể chuyện tạo tình huống hấp dẫn, hồi hộp của nhà văn Kim Lân. Những phẩm chất tốt đẹp của ông Hai như cần cù lao động, chất phác, yêu quê hương đất nước… tiêu biểu cho bản chất cao quý, trong sáng của người dân cày Việt Nam.

dehoctot.edu.vn gửi tặng các em học sinh bộ 5 đề ôn tập phần đọc hiểu và nghị luận văn học về tác phẩm Làng của nhà văn Kim Lân. Chúc các em ôn tập tốt!

Xem chi tiết

Tâm trạng nhân vật ông Hai (Làng – Kim Lân) trong những ngày nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc được tả như sau:

Ông Hai vẫn trằn trọc không sao ngủ được. Ông hết trở mình bên này lại trở mình bên kia, thở dài. Chợt ông lão lặng hẳn đi, chân tay nhủn ra, tưởng chừng không thể cất lên được… có tiếng nói léo xéo ở gian trên. Tiếng mụ chủ… Mụ nói cái gì vậy? Mụ nói cái gì mà lào xào thế? Trống ngực ông lão đập thình thịch. Ông lão nín thở, lắng tai nghe ra bên ngoài…

(Làng, Kim Lân)

  1. Nếu lược bỏ các dấu ba chấm và câu hỏi trong đoạn văn trên thì cách miêu tả nhân vật và giá trị biểu cảm của đoạn văn có gì thay đổi? Vì sao?
  2. Trong một đoạn trích của Truyện Kiều đã học cũng có bốn câu thơ dùng câu hỏi để diễn tả tâm trạng nhân vật. Hãy chép lại những câu thơ đó (ghi rõ tên đoạn trích).

a, Viết một câu văn nhận xét tâm trạng nhân vật ông Hai trong đoạn văn trên.

b, Dùng câu đã viết làm mở đoạn, hãy viết tiếp khoảng 10 câu để hoàn chỉnh đoạn văn.

c, Đoạn văn em vừa viết được trình bày theo cách nào?

Gợi ý làm bài

  1. Nếu lược bỏ các dấu ba chấm và câu hỏi trong đoạn văn trên thì cách miêu tả nhân vật vẫn không thay đổi: tâm trạng nhân vật vẫn được miêu tả qua cử chỉ, hành động và độc thoại nội tâm. Nhưng giá trị biểu cảm của đoạn văn sẽ ảnh hưởng: tâm trạng lo lắng buồn bã, sợ hãi và nghe ngóng của ông Hai không rõ nữa, tốc độ phát triển nhân vật cũng nhanh hơn.
  2. Bốn câu thơ có dùng câu hỏi diễn tả tâm trạng nhân vật trong Truyện Kiều là:

Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

(Kiều ở lầu Ngưng Bích)

3.

Xem chi tiết

a, Viết một câu văn nhận xét tâm trạng nhân vật ông Hai trong đoạn văn trên

Tâm trạng nhân vật ông Hai (Làng – Kim Lân) lo lắng, buồn bã sau khi nghe tin làng mình theo giặc và ông phấp phỏng, âu lo nghe ngóng mụ chủ nhà, sợ bị đuổi đi.

b, Dùng câu đã viết làm mở đoạn, hãy viết tiếp khoảng 10 câu để hoàn chỉnh đoạn văn.

Trong đoạn văn cần làm rõ:

  • Tình yêu làng của ông Hai khi ở nơi tản cư
  • Tâm trạng ông Hai trước và sau khi nghe tin làng Dầu theo giặc

Đọc kĩ đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:

“Cả làng chúng nó Việt gian, theo Tây…” cái câu nói của người đàn bà tản cư hôm trước lại dội lên trong tâm trí ông.

Hay là quay về làng?…

Vừa chớm nghĩ như vậy, lập tức ông lão phản đối ngay. Về làm gì cái làng ấy nữa. Chúng nó theo Tây cả rồi. Về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ…

Nước mắt ông giàn ra. Về làng tức là chịu quay lại làm nô lệ cho thằng Tây. Ông lão nghĩ ngay đến mấy thằng kì lí chuyên môn khua khoét ngày trước lại ra vào hống hách trong cái đình…”

  1. Nêu nội dung của đoạn văn?
  2. Câu văn “Hay là quay về làng?…” thuộc kiểu câu nào chia theo mục đích nói?
  3. Dấu ngoặc kép trong đoạn văn có tác dụng gì?
  4. Có ý kiến cho rằng: Thành công trong cách xây dựng tình huống truyện ngắn Làng là nhà văn đã đặt ông Hai vào những giằng xé nội tâm để buộc nhân vật phải lựa chọn giữa tình yêu làng và tình yêu nước.

Em hãy viết một đoạn văn khoảng 12 câu lý giải ý kiến trên. Trong đoạn văn có sử dụng một câu hỏi tu từ và một câu có chứa khởi ngữ

Gợi ý làm bài

  1. Nội dung của đoạn văn: Sự giằng xé nội tâm của nhân vật ông Hai giữa việc quay về làng hay ở lại.
  2. Câu văn “Hay là quay về làng?…” thuộc kiểu câu nghi vấn.
  3. Tác dụng dấu ngoặc kép: Đánh dấu lời thoại trực tiếp
  4. Định hướng ý:
  • Làm rõ tình yêu làng và tình yêu nước của ông Hai trước và sau khi nghe tin làng Dầu theo giặc.
  • Trước đây, tình yêu làng và tình yêu nước hòa quyện trong nhau thì lúc này; ông Hai buộc phải lựa chọn đau đớn giữa quê hương và Tổ quốc, giữa nghĩa nước với tình làng. Điều đó không đơn giản vì với ông, làng Chợ Dầu đã trở thành một phần của cuộc đời, không dễ gì vứt bỏ; còn cách mạng là cứu cánh của gia đình ông, giúp cho gia đình ông thoát khỏi cuộc đời nô lệ.
  • Một cuộc xung đột nội tâm gay gắt giữa tình yêu làng quê và tinh thần yêu nước đã diễn ra ở ông Hai. Ông đã dứt khoát lựa chọn theo cách của mình: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây thì phải thù”. Tình yêu nước đã rộng lớn hơn, bao trùm lên tình cảm với làng quê. Như vậy, tình yêu làng dẫu có thiết tha, mãnh liệt đến đâu cũng không thể mãnh liệt hơn tình yêu đất nước. Đó là vẻ đẹp tâm hồn cao cả của con người Việt Nam, khi sẵn sàng gạt bỏ tình cảm riêng tư để sống với tình cảm chung của cả cộng đồng, của cả dân tộc và đất nước. Nhưng dù đã xác định như thế, ông vẫn không thể dứt bỏ tình cảm với làng quê, vì thế mà ông càng xót đau, tủi hổ.
Đọc thêm:  Sao Mộc – Ngôi sao của sự may mắn và lạc quan (Kì 1) - Lovedia

Cho đoạn văn sau:

(1) Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ giàn ra.(2) Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư ? (3) Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư ? (4) Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu …(5) Ông lão nắm chặt hai tay lại mà rít lên:

– (6) Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này.

(Ngữ Văn 9 tập 1- Nhà xuất bản Giáo dục 2015)

  1. Cho biết đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào? Ai là tác giả? Nêu hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm đó?
  2. Xác định những câu là lời độc thoại nội tâm trong đoạn văn trên. Những lời độc thoại nội tâm ấy thể hiện tâm trạng gì của nhân vật?
  3. Hãy viết một đoạn văn giới thiệu về nhân vật “ông lão” trong tác phẩm được xác định ở câu hỏi 1 (viết không quá nửa trang giấy thi).

Gợi ý làm bài

  1. Đoạn văn trên trích trong tác phẩm Làng của Kim Lân.

Hoàn cảnh sáng tác: 1948 những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

  1. Độc thoại nội tâm: câu 2, 3, 4.

Thể hiện tâm trạng: nỗi đau đớn, xót xa của ông Hai, thương thân, thương con khi nghĩ đến những đứa con của mình bị hắt hủi, xa lánh vì chúng là trẻ con của làng Chợ Dầu (trong tình huống có tin làng Chợ Dầu theo giặc).

Ông Hai – người nông dân quê ở làng Chợ Dầu – là người có tình yêu làng tha thiết, mãnh liệt.

Ông luôn kể và khoe, tự hào về làng Chợ Dầu của mình. Đi sơ tán, ông nhớ không nguôi về làng mình, nhớ những ngày ở làng tích cực chuẩn bị kháng chiến: đào đường, đắp ụ…

Nghe tin làng Chợ Dầu Việt gian theo Tây, ông choáng váng, đau đớn, tủi nhục… Ông đã trải qua những ngày căng thẳng, đấu tranh tư tưởng gay gắt giữa một bên là tình yêu làng, một bên là lòng trung thành với cách mạng và kháng chiến.

Khi tin được cải chính, ông vô cùng vui sướng, đi khoe về làng – mặc dù nhà ông đã bị đốt nhẵn… Tình yêu làng và yêu nước trong ông đã hòa làm một.

Ông Hai là hình ảnh tiêu biểu cho người nông dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trong tác phẩm Lòng yêu nước, nhà văn Nga I-li-a Ê-ren-bua có viết:

Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc.

Hãy làm sáng tỏ điều đó qua việc phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai trong văn bản Làng của Kim Lân (Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, trang 162)

Gợi ý làm bài

– Trích dẫn câu văn trong tác phẩm “Lòng yêu nước” của nhà văn Nga I-li-a Ê-ren-bua: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”.

– Giới thiệu nhà văn Kim Lân và truyện ngắn “Làng”:

+ Kim Lân nhà một trong những cây bút truyện ngắn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp với ngòi bút luôn hướng về cuộc sống nông thôn.

  • “Làng” là một trong những tác phẩm thành công của tác giả Kim Lân. Truyện viết về nhân vật ông Hai – một lão nông hiền lành, chất phác, giày tình yêu làng, yêu nước, yêu cách mạng.

– Diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai trong văn bản “Làng” chính là minh chứng xác thực cho câu văn của I-li-a Ê-ren-bua.

  1. Phân tích:
  2. Tình yêu làng của ông Hai:
  3. Niềm tự hào, kiêu hãnh của ông Hai về làng của mình:

– Dù đã rời làng nhưng ông vẫn:

  • Nghĩ về làng của mình, nghĩ về những buổi làm việc cùng anh em.
  • Lo lắng, nhớ đến làng: “Chao ôi! Ông lão nhớ cái làng này quá”
  1. Tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng của mình đi theo giặc:
  • Cổ ông nghẹn, giọng lạc hẳn đi.

– Lúc đầu ông không tin nên hỏi lại.

– Ông quá xấu hổ nên đã chép miệng, đánh trống lảng: “Hà, nắng gớm, về nào…” rồi cúi mặt mà đi.

  • Khi về nhà, ông nằm vật ra giường. Tối hôm đó ông trằn trọc không ngủ được.

– Ông nhìn đám trẻ ngây thơ mà bị mang tiếng Việt gian rồi khóc.

– Ông điểm lại mọi người trong làng nhưng thấy ai cũng có tinh thần cả nên ông vẫn không tin lại có ai làm điều nhục nhã ấy.

– Lo sợ sẽ bị bà chủ nhà đuổi vì ông biết rằng nơi đây ai cũng khinh bỉ vfa không chứa chấp Việt gian.

  1. Tâm trạng của ông Hai sau khi nghe tin làng được cải chính:
  • Mặt ông vui tươi, rạng rỡ hẳn lên.
  • Về nhà, ông chia quà cho lũ trẻ xong liền chạy khắp xóm để loan tin.
  • Ông qua nhà bác Thứ và kể chuyện làng của mình.
  1. Tình yêu nước của ông Hai:
  • Tình yêu làng là cơ sở cho tình yêu nước.
  • “Ruột gan ông lão cứ múa cả lên, vui quá!” khi nghe các tin dân ta đánh Tây từ phòng thông tin.
  • Ông và con ông đều ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh ( cuộc đối thoại giữa hai cha con)

III. Đánh giá:

  • Nhà văn xây dựng nhiều tình huống truyện khác nhau, miêu tả tâm lí nhân vật qua những cuộc đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm đa dạng.

– Qua đây thể hiện tình yêu làng gắn liền với tình yêu nước của ông Hai. Tình yêu Tổ quốc chẳng đến từ đâu xa xôi, nó bắt nguồn từ chính những tình cảm gần gũi, bình dị, thân thương nhất.

Đọc thêm:  Soạn bài Dấu ngoặc đơn và dấu hai chấm | Soạn văn 8 hay nhất

Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân (SGK Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam) để làm rõ: Ở người nông dân này, tình yêu làng tha thiết thống nhất với lòng yêu nước và tinh thần kháng chiến.

Gợi ý làm bài

Phân tích nhân vật ông Hai để làm rõ tình yêu làng tha thiết thống nhất với lòng yếu nước và tinh thần kháng chiến:

  1. Tình yêu làng ở nhân vật ông Hai:
  • Ông Hai vốn rất yêu cái làng chợ Dầu của mình, luôn hãnh diện khoe về nó, luôn nghĩ làng mình “tinh thần cách mạng lắm”. Vậy mà ở nơi tản cư, ông lại phải nghe cái tin làng mình theo giặc, lập tề. Đó là một tình huống bất ngờ, gay cấn, tạo diễn biến tâm lí gay gắt của nhân vật: Ông Hai đau xót, tủi hổ, day dứt trong sự xung đột, giằng xé giữa tình yêu làng và tình yêu nước. Cả hai tình cảm này đều mãnh liệt, nhưng lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến vẫn rộng lớn hơn, bao trùm lên cả tình yêu làng.
  • Chính cách mạng và kháng chiến đã khơi dậy ở những người nông dân tình cảm yêu nước rộng lớn, hoà nhập thống nhất tình cảm làng quê vào tình cảm rộng lớn ấy. Ở ông Hai, tình cảm yêu làng luôn thống nhất với lòng yêu nước, với tinh thần kháng chiến
  1. Tâm trạng của ông Hai trước khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc:
  • Ở nơi tản cư, ông Hai nhớ làng da diết, muốn về làng, muốn tham gia kháng chiến. Ông cũng mong nắng to cho Tây chết. Đó là tình cảm yêu thương, gắn bó với làng quê, tự hào và có trách nhiệm với cuộc kháng chiến của làng.
  • Ở phòng thông tin, nghe được nhiều tin hay, nhất là những tin chiến thắng của quân ta, “ruột gan ông cứ múa cả lên, vui quá”. Điều này cho thấy ông luôn quan tâm tha thiết, nồng nhiệt đến cuộc kháng chiến.
  • Như vậy, ông Hai là người nông dân có tính tình vui vẻ, chất phác, có tấm lòng gắn bó với làng quê và cuộc kháng chiến.
  1. Nỗi đau đớn, tủi hổ của ông Hai khi nghe tin làng mình theo giặc:
  • Từ phòng thông tin bước ra:
  • Đang rất phấn chấn náo nức vì những tin vui của kháng chiến, gặp những người tản cư, nghe họ nhắc đến tên làng, ông Hai “quay phắt lại, lắp bắp hỏi”, hi vọng nghe được những tin tốt lành, nào ngờ lại hay tin cả làng mình Việt gian theo giặc, lập tề:
  • Khi nghe tin quá đột ngột ấy, ông Hai xấu hổ, uất ức, choáng váng, sững sờ như chết đứng: “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được”. Từ đỉnh cao của niềm vui, niềm tin ông Hai rơi xuống vực thẳm của sự đau đớn, tủi hổ, tuyệt vọng, bế tắc.
  • Khi trấn tĩnh lại được phần nào, ông còn cố chưa tin cái tin ấy. Nhưng rồi những người tản cư đã kể rành rọt quá, lại khẳng định họ “vừa ở dưới ấy lên”, làm ông không thể không tin. Niềm tự hào về làng thế là sụp đổ tan tành trước cái tin sét đánh.
  • Từ giây phút đó, trong tâm trí ông Hai chỉ còn có cái tin dữ ấy xâm chiếm, trở thành nỗi day dứt ám ảnh nặng nề. Ông tìm cách lảng ra về, cố ra vẻ bình thản để che giấu tâm trạng, nhưng trong lòng đầy lo lắng, vừa xấu hổ trước mọi người, vừa tủi hổ cho chính mình. Nghe tiếng chửi bọn Việt gian, ông “cúi gằm mặt xuống mà đi”.
  • Về đến nhà:
  • Ông nằm vật ra giường, rồi tủi thân nhìn đàn con “nước mắt ông lão cứ giàn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư?” Bao nhiêu điều tự hào về quê hương như sụp đổ trong tâm hồn người nông dân rất mực yêu quê ấy. Ông cảm thấy như chính ông, và cả các con ông, đều phải mang nỗi nhục của một tên Việt gian bán nước.
  • Ông căm giận lũ người theo giậc, phản bội làng nước, nên “nắm chặt hai tay lại mà rít lên: “Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này!”. Vói ông Hai, trong hoàn cảnh giặc giã; lòng yêu nước và tinh thần kháng chiến là những tình cảm thiêng liêng, còn sự phản bội là điều xấu xa ô nhục nhất.
  • Nhưng ông lại “ngờ ngợ như lời mình nói không được đúng lắm”. Ông “kiểm điểm từng người trong óc”, thấy họ đều có tinh thần cả, họ đã quyết tâm ở lại, “một sống một chết với giặc, có đời nào lại can tâm làm điều nhục nhã ấy!…”. Niềm tin tưởng, nỗi nghi ngờ giằng xé ở trong ông.
  • Suốt mấy ngày sau, ông Hai không dám đi đâu. Ông chỉ quanh quẩn ở nhà, nghe ngóng binh tình bên ngoài. “Một đám đông túm lại, ông cũng để ý, dăm bảy tiếng cười nói xa xa, ông cũng chột dạ. Lúc nào ông cũng nơm nớp tưởng như người ta đang để ý, người ta đang bàn tán đến cái chuyện ấy”, “Cứ thoáng nghe những tiếng Tây, Việt gian, cam nhông…là ông lủi ra một góc nhà, nín thít, thôi lại chuyện ấy rồi”. Cảm thấy mình có lỗi trong việc làng theo Tây, phản bội kháng chiến; ông Hai thu mình lại trong nỗi tủi hổ, đau xót, trằn trọc không ngủ, chẳng nói năng gì. Nỗi đau xót, tủi hổ trước cái tin làng theo giặc đã trở thành nỗi ám ảnh nặng nề, thành sự sợ hãi thường xuyên ở ông Hai, được nhà văn diễn tả vô cùng tinh tế.
  • Khi mụ chủ nhà đánh tiếng đuổi gia đình ông đi, ông Hai đã bị đẩy vào tình thế bế tắc tuyệt vọng:
  • Ông không biết đi đâu vì không ai chứa chấp dân của cái làng Việt gian; cũng không thể quay về làng, vì về làng lúc này là phản bội kháng chiến, phản bội Cụ Hồ: “Về làng tức là chịu quay lại làm nô lệ cho thằng Tây”. Mâu thuẫn trong nội tâm và tình thế của nhân vật đã lên đến đỉnh điểm, đòi hỏi phải được giải quyết.
  • Trước đây, tình yêu làng và tình yêu nước hòa quyện trong nhau thì lúc này; ông Hai buộc phải lựa chọn đau đớn giữa quê hương và Tổ quốc, giữa nghĩa nước với tình làng. Điều đó không đơn giản vì với ông, làng Chợ Dầu đã trở thành một phần của cuộc đời, không dễ gì vứt bỏ; còn cách mạng là cứu cánh của gia đình ông, giúp cho gia đình ông thoát khỏi cuộc đời nô lệ.
  • Một cuộc xung đột nội tâm gay gắt giữa tình yêu làng quê và tinh thần yêu nước đã diễn ra ở ông Hai. Ông đã dứt khoát lựa chọn theo cách của mình: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây thì phải thù”. Tình yêu nước đã rộng lớn hơn, bao trùm lên tình cảm với làng quê. Như vậy, tình yêu làng dẫu có thiết tha, mãnh liệt đến đâu cũng không thể mãnh liệt hơn tình yêu đất nước. Đó là vẻ đẹp tâm hồn cao cả của con người Việt Nam, khi sẵn sàng gạt bỏ tình cảm riêng tư để sống với tình cảm chung của cả cộng đồng, của cả dân tộc và đất nước. Nhưng dù đã xác định như thế, ông vẫn không thể dứt bỏ tình cảm với làng quê, vì thế mà ông càng xót đau, tủi hổ.
  • Trong tâm trạng bị dồn nén và bế tắc ấy, ông chỉ còn biết trút nỗi lòng của mình vào những lời thủ thỉ tâm sự với đứa con nhỏ còn rất thơ ngây là bé Húc:
  • Qua những lời tâm sự với đứa con nhỏ – mà thực chất là lời tự nhủ với mình, tự minh oan cho mình – ông Hai đã hiện lên với những suy nghĩ và tình cảm vừa lớn lao cao cả, lại vừa sâu sắc, cảm động:
  • Ông muốn đứa con nhỏ khắc cốt ghi tâm những điều thật giản dị mà thiêng liêng: “Nhà ta ở làng chợ Dầu”. Đó là nỗi nhớ quê, là tình yêu thiết tha, sâu nặng với cái làng chợ Dầu của ông,
  • Niềm tin tưởng mãnh liệt và tấm lòng chung thuỷ với kháng chiến, với cách mạng mà biểu tượng là Cụ Hồ “Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông”. Dẫu cả làng theo giặc, ông vẫn một lòng theo kháng chiến. Tình cảm ấy là sâu nặng, bền vững và thiêng liêng: “Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai”. Như vậy, dù đau khổ tột cùng khi nghe tin làng mình theo giặc nhưng tấm lòng thủy chung, son sắt với cuộc kháng chiến thì vẫn không hề thay đổi.
  • Đây là một đoạn văn diễn tả rất cảm động và sinh động nỗi lòng sâu xa, bền chặt, chân thành của ông Hai – một người nông dân – với quê hương, đất nước, với cách mạng và kháng chiến.
  1. Niềm sung sướng, tự hào của ông Hai khi nhận được tin cải chính về làng:
  • Nhận được tin cải chính về làng, ông Hai như được hồi sinh, mọi đau khổ, tủi nhục như biến mất. Nỗi đau đớn, tủi nhục khi nghe tin làng theo giặc lớn lao bao nhiêu bao nhiêu thì niềm sung sướng, hãnh diện khi nhận được tin cải chính về làng cũng sâu sắc bấy nhiêu:
  • Niềm vui trở lại tràn đầy trên gương mặt, cử chỉ, dáng vẻ của ông: khăn áo chỉnh tề, mặt tươi vui rạng rỡ, mồm bỏm bẻm nhai trầu, mắt hấp háy, nói bô bô, khao con bánh rán đường…
  • Ông hoan hỉ chạy đi khoe tin vui với tất cả mọi người. Đáng chú ý là câu đầu tiên ông khoe không phải là việc làng ông không theo giặc; mà là “Tây nó đốt nhà tôi rồi… Đốt nhẵn”. Ông múa tay lên mà khoe cái tin ấy:
  • Với người nông dân, ngôi nhà là cả cơ nghiệp, phải suốt đời căn cơ, xây dựng, giữ gìn. Vậy mà ông Hai không hề buồn tiếc về việc ngôi nhà mình bị đốt cháy, vì nó là minh chứng hùng hồn khẳng định làng ông không theo giặc. Nó còn là sự “đóng góp” nhỏ bé nhưng thiêng liêng và vẻ vang của gia đình ông với kháng chiến.
  • Trong sự cháy rụi của nhà ông, có sự hồi sinh của làng Chợ Dầu – cái làng luôn anh dũng kháng chiến, thủy chung với cách mạng, với Cụ Hồ. Vì vậy, những mất mát nhỏ bé của gia đình ông chẳng thấm vào đâu trong niềm vui lớn lao về làng Chợ Dầu anh dũng.
  • Chi tiết này đã thể hiện một cách đau xót và cảm động tấm lòng của người nông dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến cứu nước, khi sẵn sàng hi sinh tất cả vì làng nước.
  • Từ một người nông dân yêu làng, ông Hai đã trở thành một công dân nặng lòng với kháng chiến. Tình yêu làng, yêu nước đã hòa làm một trong ý nghĩ, tình cảm, việc làm của ông Hai. Tình cảm ấy thống nhất, hòa quyện nhưng tình yêu nước được đặt cao hơn, rộng lớn hơn, bao trùm lên tình làng. Đây là nét đẹp truyền thống mà cũng mang tinh thần thời đại. Ông Hai là hình ảnh tiêu biểu cho vẻ đẹp của người nông dân trên đất Việt trong thời kì kháng chiến chống Pháp.
Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button