Ngày 28-3-1935: Ngày thành lập Dân quân tự vệ Việt Nam
Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 28-3-2022 còn được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 28-3
Sự kiện trong nước
Đồng chí Lê Văn Lương. Ảnh tư liệu
– Ngày 28-3-1912: Ngày sinh Đồng chí Lê Văn Lương. Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh trưởng trong một gia đình nho học tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Gần 70 năm hoạt động cách mạng, với gần 15 năm bị thực dân giam cầm, bị tra tấn dã man, tàn bạo, đồng chí vẫn luôn giữ vững khí tiết người cộng sản, nhất mực trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí đã để lại những tình cảm tốt đẹp đối với đồng chí, đồng nghiệp và quần chúng nhân dân. Trong 10 năm đảm nhiệm chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí đã đem sức mình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô, góp phần làm cho Thủ đô Hà Nội đạt được nhiều thành tích. Nhiều sự kiện và công trình trọng điểm của Thủ đô mang đậm dấu ấn chỉ đạo của đồng chí. Đồng chí Lê Văn Lương mất ngày 25-4-1995.
Các đồng chí tự vệ Đỏ thuộc Chiến khu Hỏa Quân và Đông Sở trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ảnh tư liệu.
– Ngày 28-3-1935: Ngày thành lập Dân quân tự vệ Việt Nam.
Lịch sử phát triển của dân quân tự vệ đã gắn liền với sự nghiệp giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ năm 1935 đến năm 1945, các đội tự vệ ở cả nông thôn và thành thị ra đời, làm nòng cốt cho quần chúng thực hiện khởi nghĩa vũ trang, tiến hành chiến tranh du kích, xây dựng và mở rộng các căn cứ địa. Tháng 8- 1945, lực lượng dân quân tự vệ đã cùng toàn dân thực hiện thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa giành độc lập. Sau ngày 2- 9- 1945, dân quân tự vệ trở thành lực lượng vũ trang của Nhà nước Việt Nam độc lập, một trong ba thứ quân của lực lượng vũ trang nhân dân, được tổ chức rộng khắp ở các làng, xã, đường phố trong cả nước, thực sự là công cụ bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, bảo vệ thành quả cách mạng.
Ngày nay, lực lượng dân quân tự vệ được phát triển cả về chất lượng, số lượng, biên chế trang bị. Tổ chức, biên chế tinh gọn hơn nhưng chất lượng tổng hợp của dân quân tự vệ được nâng cao, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ mới.
Trải qua quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ đã hết lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, chiến đấu kiên cường, mưu trí, dũng cảm; lao động, học tập, công tác hiệu quả, sáng tạo và đã lập nhiều chiến công to lớn; có 366 tập thể và 275 cá nhân thuộc lực lượng dân quân tự vệ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Dân quân tự vệ Việt Nam xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là bức tường sắt của Tổ quốc, vô luận kẻ địch hung bạo thế nào hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”.
– Ngày 28-3-1967: Tổng Thư ký Liên hiệp quốc U Thant đề xuất một thỏa ước ngừng bắn toàn diện tại Việt Nam sau các cuộc hội đàm hoà bình.
Sự kiện quốc tế
– Ngày 28-3-1930: Hai thành phố Constantinopolis và Angora đổi tên thành Istanbul và Ankara do những cải cách Thổ Nhĩ Kỳ của Mustafa Kemal Atatürk.
Macxim Gorki. Ảnh tư liệu.
– Ngày 28-3-1868: Ngày sinh đại vǎn hào Nga Macxim Gorki, là người mở đầu trào lưu vǎn hóa xã hội lỗi lạc. Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà vǎn Liên Xô. Sáng tác nổi tiếng nhất là tự thuật ba tập: “Thời thơ ấu”, “Kiếm sống” và “Những trường đại học của tôi”.
Theo dấu chân Người
– Ngày 28-3-1947: Nhân 100 Ngày toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ và đồng bào ngoài Bắc gửi điện biểu dương tinh thần bền bỉ hy sinh chiến đấu của đồng bào Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ. Bức điện có đoạn: “Sự anh dũng của đồng bào trong đó đã làm gương cho đồng bào toàn quốc noi theo. Chúng ta đồng tâm hiệp lực, không sợ gian nan, kiên quyết tranh đấu đến cùng, thì trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất, độc lập nhất định thành công”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu phụ nữ trong dịp Người lên thăm Tây Bắc, tháng 5-1959. Ảnh tư liệu.
– Ngày 28-3-1958, Bác gửi thư tới Sư đoàn 335 đang tham gia xây dựng kinh tế và quốc phòng trên Khu tự trị Tây Bắc, khen ngợi cán bộ và chiến sỹ “đã quyết tâm triệt để chấp hành nhiệm vụ mới, yên tâm và phấn khởi tham gia công cuộc củng cố và xây dựng khu Tây Bắc thành một hậu phương vững chắc của miền Bắc chúng ta… Tinh thần dũng cảm của các chú thật xứng đáng với truyền thống vẻ vang của quân đội ta, xứng đáng với sự giáo dục và sự tin cậy của Đảng và Chính phủ”.
– Ngày 28-3-1962: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Chi bộ tốt thì mọi việc đều tốt”, với bút danh T.L, đăng Báo Nhân Dân, số 2926. Người chỉ rõ: “Nhân dân ta rất tốt, nếu chi bộ khéo lãnh đạo và đảng viên hăng hái xung phong làm gương mẫu thì khó khăn gì cũng vượt qua, công việc gì cũng làm tốt”. Dẫn chứng bằng thực tế của hai hợp tác xã: Hợp tác xã thôn Nhân Lệ (Kiến An, Hải Phòng) và Hợp tác xã Quyết Tiến ở thôn Bùi (Hà Nam), tác giả kết luận: “Nội dung hai việc trên đây rất bình thường, nhưng nó chứng tỏ một ý nghĩa rất to lớn: Chi bộ tốt thì mọi công việc đều tốt”.
– Ngày 28-3-1964, Bác Hồ dự bế mạc Hội nghị Chính trị đặc biệt với lời kêu gọi: “Các đồng chí sẽ đem tinh thần nhất trí, ý chí cách mạng và lòng tin tưởng quyết tâm của tất cả chúng ta ở Hội nghị này đến nhân dân cả nước ta, biến thành một sức mạnh vĩ đại, một sức phấn khởi mới, hăng hái tiến lên!”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ngày này năm xưa – NXB: Chính trị quốc gia – Sự thật 2010; Hồ Chí Minh Toàn tập – NXB Chính trị quốc gia)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu”
Đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ, chiến sĩ thuộc hai đại đội xe đầu tiên của quân đội ta vào ngày 28-3-1951. Sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới năm 1950, quân đội ta đã có hai đại đội vận tải ô tô đầu tiên, gồm: Đại đội 200 và Đại đội 203, đóng quân tại làng Nà Roác, xã Bạch Đằng, huyện Hòa An, Cao Bằng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ tham gia Chiến dịch Biên giới năm 1950. Ảnh tư liệu.
Sau khi ân cần hỏi thăm sức khỏe và tình hình công tác cũng như sự đùm bọc của nhân dân trong vùng, Bác căn dặn: “Xe, xăng là mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân. Các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu”. Bác cũng yêu cầu cán bộ, chiến sĩ ngành xe phải thực hành tiết kiệm, ra sức giữ gìn tài sản của nhân dân, như tài sản, máu thịt của chính mình. Lời dạy đó đã trở thành phương châm chỉ đạo, khẩu hiệu hành động trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của ngành xe-máy quân đội từ khi thành lập đến nay.
Hiện nay, trước sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ nói chung và khoa học công nghệ quân sự nói riêng, cùng với mở rộng giao thương quốc tế, việc bảo đảm xe, xăng có nhiều thuận lợi. Song lời dạy của Bác cách đây gần 71 năm vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới đất nước. Thực tế, công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cần nhiều cơ sở vật chất và đất nước ta còn nghèo, nhất thiết phải ra sức thực hành tiết kiệm.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gần 71 năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật và ngành xe-máy quân đội đã nỗ lực biến lời dạy của Bác thành hành động thiết thực; những năm qua đã triển khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm”, hiện nay là “Quản lý, khai thác sử dụng vũ khí trang bị tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” trong toàn quân, góp phần to lớn tạo nên sức mạnh của quân đội ta trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 870 ngày 28-3-1961 đã đăng “Bài phát biểu của Hồ Chủ tịch tại Hội nghị Chỉnh huấn Trung ương”.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 870 ngày 28-3-1961. Ảnh: Qdnd.vn.
Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1337 ngày 28-3-1964 đã đăng bài “Báo cáo của Hồ Chủ tịch tại Hội nghị Chính trị đặc biệt”.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1337 ngày 28-3-1964. Ảnh: Qdnd.vn
TRẦN HUYỀN (tổng hợp)
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!