Phân tích Tại lầu Hoàng Hạc tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng

Đề bài: Phân tích Tại lầu Hoàng Hạc tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng

phan tich tai lau hoang hac tong manh hao nhien chi quang lang

Phân tích Tại lầu Hoàng Hạc tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng

I. Dàn ý Phân tích Tại lầu Hoàng Hạc tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng

1. Mở bài

– Giới thiệu về tác giả và phong cách sáng tác.- Dẫn và bài thơ Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng.

2. Thân bài

a. Hoàn cảnh sáng tác: (Tự tìm hiểu).

b. Hai câu thơ đầu: Cảnh đưa tiễn bạn hiền của thi nhân:

* Bối cảnh không gian:- Hoàng Hạc lâu:+ Là nơi chia tay của Lý Bạch và Mạnh Hạo Nhiên.+ Nằm ở Vũ Hán, Hồ Bắc, về phía tây so với thành Giang Tô tức là Quảng Lăng và Dương Châu cũ.+ Là cảnh sắc thần tiên, tượng trưng cho sự thanh tĩnh, yên bình, tao nhã.

– Dương Châu (Quảng Lăng):+ Là nơi đến của Mạnh phu tử.+ Nằm ở phía đông của tỉnh Giang Tô ngày nay.+ Chốn phồn hoa đô hội bậc nhất, tượng trưng cho không gian động, nhộn nhịp.- Trường Giang: Là dòng sông huyết mạch nối liền hai hướng đông tây, đưa Mạnh Hạo Nhiên đi từ chốn ẩn cư về nơi đô hội.=> Không gian rộng lớn, mênh mông.* Thời gian:- “Yên hoa tam nguyệt”: Tức là mùa xuân hoa nở rộ.- “Tam nguyệt” là chỉ khoảng thời gian hoa nở rực rỡ và nhiều nhất, thời tiết ấm áp, trong lành.- “Yên hoa”: Chính là chỉ cảnh hoa nở trắng xóa diễm lệ như sương khói hai bên bờ sông, phụ là chỉ cảnh sương khói trên sông nước phủ lên trên rừng hoa tạo nên cảnh “hoa khói” lạ lùng.* Con người:- “Cố nhân”: Gợi ra mối quan hệ giữa người đi kẻ ở, đó là mối quan hệ bằng hữu đã thành tri kỷ, gắn bó sâu sắc.

c. Hai câu thơ sau: Nỗi lòng của thi nhân:* Câu thơ thứ 3 “Cô phàm viễn ảnh bích không tận”:- “Cô phàm”: Cánh buồm lẻ loi, cô độc, một là gợi ra ánh mắt chăm chú vào cánh buồm đang rời đi của bạn, hai là thể hiện nỗi cô đơn, lạc lõng trong tâm hồn tác giả.- “Viễn ảnh”: Gợi ra ánh mắt đau đáu theo hướng bạn rời đi, thể hiện tình cảm gắn bó tha thiết, nỗi mong nhớ khi bạn đi xa.- “Bích không tận”: Màu xanh gợi ra sự lạnh lẽo, cô đơn trong cõi lòng tác giả.* Câu thơ thứ 4 “Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu”:- Đặt trong mối quan hệ “có – không – có” , từ việc nhìn thấy dòng sông và mảnh trời mênh mông, gợi ra sự mất hút của bóng thuyền bạn hiền, từ đó gợi ra nỗi nhớ thương, tình cảm tha thiết của người ở lại.

3. Kết bài

Tổng kết giá trị nội dung và nghệ thuật.

II. Bài văn mẫu Phân tích Tại lầu Hoàng Hạc tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng

Cùng với Đỗ Phủ, Lý Hạ, Vương Duy thì Lý Bạch chính là một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất thời thịnh Đường, và được người đời tán dương ca tụng là thi tiên. Ông là một trong những nhà thơ có công lớn nhất đã mở ra thời đại hưng thịnh vượt bậc của Đường thi, với phong cách thơ theo chủ nghĩa lãng mạn, bay bổng tựa như một vị tiên nhân chốn phàm trần. Với thiên phú dị bẩm trong thi ca, ông đã sáng tác và để lại cho hậu thế hàng ngàn bài thơ bất hủ, thậm chí nhiều bản thơ của ông đã được dịch sang cả tiếng nước ngoài. Các chủ đề mà Lý Bạch, nhà thơ yêu rượu, kính rượu hướng tới thường là mối quan hệ bằng hữu thân tình, những sự lạ lùng kỳ bí của thiên nhiên cây cỏ, hoặc là để kín đáo bộc lộ những tâm trạng thầm kín sâu trong lòng đi kèm với thú chơi tao nhã – uống rượu làm thơ của mình. Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của thi tiên Lý Bạch với chủ đề tán dương, ngợi ca tình cảm bạn bè, đã trở thành bài thơ quen thuộc với nhiều độc giả yêu thơ. Đặc biệt là câu thơ “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu” dường như đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người.

Lý Bạch là người ưa ngao sơn ngoạn thủy, đặc biệt là trong 10 năm sau khi rời khỏi cung cấm ông lại càng có dịp đi nhiều nơi. Ông từng qua Triệu, Ngụy, Tề, Tần, Lương, Tống, các vùng Bân, Kỳ, Thương, Ư, Lạc Dương, các sông Hoài, sông Tứ… chính vì đi nhiều nơi nên ông có dịp được hội ngộ nhiều bậc kỳ tài, văn chương, tài học đều lỗi lạc. Trong đó có Đỗ Phủ, Sầm Tham, Cao Thích,… và Mạnh Hạo Nhiên là người đặc biệt xuất hiện nhiều nhất trong thơ của Lý Bạch. Bài thơ được viết trong khoảng năm 729 – 730, khi Mạnh Hạo Nhiên quyết định từ giã cuộc sống ẩn dật xuôi dòng về Dương Châu. Để tiễn bạn, Lý Bạch đã truyền tin cho Mạnh phu tử hẹn gặp ở Hoàng Hạc lâu, tại Giang Hạ (Vũ Hán), sau vài hôm vui vầy, thì Mạnh Hạo Nhiên theo thuyền về phía Đông. Đứng bên bờ sông nhìn bóng bạn khuất dần, lòng thi nhân có nhiều cảm xúc khó tả, Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng đã ra đời từ đó.

Đọc thêm:  Bài viết số 7 lớp 6 đề 2: Tả khu vườn vào buổi sáng đẹp trời Dàn ý

“Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâuYên hoa tam nguyệt há Dương ChâuCô phàm viễn ảnh bích không tậnDuy kiến Trường Giang thiên tế lưu”

Đường thi là thể thơ vần luật nghiêm ngặt, câu chữ hạn chế và vô cùng hàm súc thế nên việc dịch từ tiếng Hán sang tiếng Việt sau cho thoát nghĩa hợp vần dường như là thách thức đối với đa số các dịch giả. Duy chỉ có Tản Đà là người có vốn Hán học sâu rộng nên những bài thơ Đường ông dịch đều sát nghĩa và hay. Xét về bài Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng, đọc bản gốc và bản dịch thơ thì dường như các ý chỉ đúng tương đối và dịch giả còn bỏ sót rất nhiều chi tiết quan trọng, làm cho bài thơ kém đi nhiều cái hay đặc sắc. Chính vì thế việc phân tích nên dựa vào bản gốc và phần dịch nghĩa để có thể hiểu một cách chính xác từng tầng ý nghĩa và tác giả muốn truyền tải, còn bản dịch thơ chỉ nên lấy làm tham khảo.

Trước hết, chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu cảnh tiễn đưa bạn hiền của Lý Bạch thông qua hai câu thơ đầu.

“Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâuYên hoa tam nguyệt há Dương Châu”

Sau những ngày gặp gỡ bạn hiền cuối cùng Lý Bạch cũng phải tiễn bạn lên đường, Mạnh Hạo Nhiên lại xuôi dòng Trường Giang tiến về vùng Dương Châu. Với nét đặc trưng hàm súc, ngắn gọn và niêm luật chặt chẽ, nhưng phải truyền tải được nội dung sâu và rộng. Điều ấy đã yêu cầu các tác giả phải làm sao lựa chọn câu từ sao cho thật chuẩn xác, nhưng vẫn có mối liên hệ chặt chẽ. Nhìn vào hai câu thơ đầu, rõ ràng rằng Lý Bạch đã rất xuất sắc khi chỉ dùng 14 chữ mà đã bao quát được một buổi đưa tiễn với đầy đủ không gian, thời gian và cả con người trong ấy. Đặc biệt người đọc, càng đi tìm, càng ngẫm nghĩ lại càng khai mở được cái ý thơ ẩn chứa, tựa nhưng đang khai phá một kho tàng nghệ thuật vậy. Trước hết ta bàn về cái không gian của buổi đưa tiễn, phải khẳng định rằng đó là một không gian vô cùng bao la và rộng lớn. Tại sao lại nói vậy? Bởi cứ xét xem, trước là điểm mà Lý Bạch và Mạnh Hạo Nhiên gặp gỡ, đàm đạo mấy ngày trời – Hoàng Hạc lâu . Đây là một trong tứ đại danh tháp của Trung Quốc, gắn liền với truyền thuyết cưỡi hạc vàng ngao du của Phí Văn Vi, nằm ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nếu xét theo phương hướng thì nó nằm về phía tây của thành Giang Tô (Quảng Lăng cũ). Xét về tính chất đây là nơi tiễn bạn của Lý Bạch cũng là nơi xuất phát của Mạnh phu tử, nó mang một vẻ thần tiên, tĩnh lặng và tao nhã. Trái lại, thì Dương Châu, nơi mà Mạnh Hạo Nhiên sẽ đến lại nằm ở phía Đông của tỉnh Giang Tô ngày nay. Đây là nơi phồn hoa đô hội bậc nhất của Trung Quốc lúc bấy giờ, mang vẻ nhộn nhịp sôi động, khác hẳn với Hoàng Hạc lâu. Và nối giữa hai địa điểm ấy, là dòng Trường Giang rộng lớn, là huyết mạch giao thông quan trọng nối liền hai đầu đất nước, dẫn con thuyền của Mạnh Hạo Nhiên từ biệt phía tây hướng về phía Đông, đi từ nơi ẩn cư, thanh tĩnh sang chốn phồn hoa, rực rỡ. Có thể thể nói rằng, với 14 chữ ngắn gọn, cùng 2 địa điểm chính là Hoàng Hạc lâu và Dương Châu, Lý Bạch đã gợi mở ra một không gian đưa tiễn thật bao la, rộng lớn, mà lúc đầu nếu người đọc không tinh ý có lẽ chỉ thấy được một căn lầu với kẻ ở người đi, bó hẹp, sơ sài.

Đó là bàn về không gian, lại nói về thời gian trong tác phẩm cũng có nhiều điều đáng bàn, dẫu rằng nó chỉ gói gọn trong 4 chữ “yên hoa tam nguyệt”. Trong các bản dịch thơ hiện nay, đa phần các dịch giả vẫn còn vướng mắc hoặc có ý riêng khi diễn đạt không đầy đủ, thậm chí có phần đi xa so với nguyên tác, không diễn đạt được cái ý đồ thơ mà tác giả xây dựng. Ví như cụ Ngô Tất Tố dịch “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu” thành “Giữa mùa hoa khói Dương Châu xuôi dòng”, bỏ qua cụm “tam nguyệt”, hoặc Trần Trọng Kim lại dịch thành “Tháng 3 trẩy xuống Dương Châu thuận dòng”, bỏ mất cái “yên hoa”. Chung quy lại thì đều kém đi rất nhiều cái ý tứ thơ của Lý Bạch, thực tế trong các bài thơ Đường thi, không phải chỉ đơn giản là dịch đúng nghĩa của từ mà ra được ý thơ mà còn phải dùng sự suy vi để biến chuyển cái ý vốn đã được thi nhân cô đọng hết sức của câu thơ. Bây giờ nói về “yên hoa tam nguyệt” dịch sát nghĩa thì tức là “hoa khói tháng ba”, tính ra cái ý của Lý Bạch nó thường quá, dĩ nhiên là không phải vậy rồi. Thực tế người Trung Quốc sẽ hiểu cụm “yên hoa tam nguyệt” thành ý “mùa xuân hoa vừa nở rộ”. Tại sao lại nói như vậy, thì có thể lý giải rằng, tháng một là lúc hoa bắt đầu khai nụ, tháng hai khai hoa, tháng ba đúng vừa lúc hoa nở rộ nhất, rực rỡ nhất, bởi khi ấy đã là cuối xuân, thời tiết ấm áp hẳn, thế nên mới có “tam nguyệt” là vậy. Còn “yên hoa” , ngoài ý là cảnh tượng hoa nở trắng xóa hai bên bờ Trường Giang, diễm lệ như sương khói, thì có lẽ còn một phần là ở khói trắng của vùng sông nước lượn lờ trên hoa nên mới có cái cảnh “hoa khói” mơ hồ khiến nhiều người khó hiểu vậy. Chung quy lại “yên hoa tam nguyệt” chính là điểm nhấn cho phong cách thơ lãng mạn, bay bổng của thi tiên Lý Bạch. Đồng thời cảnh mùa xuân hoa nở ấy còn gợi ra một khung cảnh ấm áp, tươi đẹp, tiết trời trong sáng, ngụ ý chúc người đi thuận buồm xuôi gió.

Đọc thêm:  Nhiễu điều phủ lấy giá gương người trong một nước phải thương

Trong bối cảnh không gian và thời gian vừa rộng lớn, vừa thơ mộng thì hình ảnh con người chỉ hiện lên trong vòng hai chữ “cố nhân” đầy xúc tích, khéo léo nói lên mối quan hệ giữa kẻ tiễn với người đưa. Người đi là Mạnh Hạo Nhiên là một nhà thơ nổi danh của thời Đường, là người mà Lý Bạch ngưỡng mộ về cả tài năng và nhân cách, còn người ở rõ ràng là Lý Bạch. Hai người có tình bạn vong niên được xếp vào hàng tri kỷ, thấu hiểu lẫn nhau, khi Mạnh phu tử lớn hơn Lý Bạch tới 12 tuổi, thế nhưng nó không thể ngăn cách được sự đồng điệu trong tâm hồn của hai nhà thơ lớn đương thời. Từ “cố” ở đây không chỉ đơn thuần diễn đạt những điều đã cũ, mà là để bộc lộ tình cảm gắn bó, trân trọng với người bạn đã cùng nhau trải qua nhiều những kỷ niệm đáng nhớ, là tình bạn có sự thử thách của thời gian, năm tháng. Như vậy tổng hòa các yếu tố, không gian, thời gian, con người đã được đặt trong một mối quan hệ bao quát hơn, thứ nhất là mối quan hệ trong cái đẹp bao gồm thời tiết thuận lợi, cảnh sắc tuyệt vời, tình bằng hữu tri kỷ. Thứ hai các yếu tố trên còn được đặt trong mối quan hệ giữa có và không, người Trung Quốc vẫn quan niệm niệm tứ thú bao gồm “giai thì, mỹ cảnh, thắng sự, lương bằng”, thì có thể thấy trong bối cảnh thơ thì đã thỏa cả ba thứ duy chỉ thiếu một cái gọi là “thắng sự”. Bởi chuyện tiễn bạn lên đường đi xa, chuyện biệt ly trước giờ là việc vui vẻ, dẫu rằng người đi có hướng về một nơi tốt đẹp thế nào đi chăng nữa, thì kẻ ở lại sao tránh khỏi buồn thương. Và thi tiên Lý Bạch cũng như vậy, cảnh đẹp, thời tiết đẹp, có bạn tốt, thế nhưng bạn phải đi xa, biết bao nhiêu cái đẹp cũng để lại một dấu trầm trong lòng người thi nhân, có đẹp hơn thế nữa cũng bằng không.

Khác với hai câu thơ đầu thì hai câu thơ cuối lại tập trung bộc lộ cảm xúc của tác giả. Trước hết là thông qua việc tái hiện hiện hình ảnh thi nhân dõi mắt theo con thuyền chở bạn cho đến khi khuất bóng trên Trường Giang ở câu thơ thứ ba.

“Cô phàm viễn ảnh bích không tận”

Ở đây nếu độc giả tinh ý có thể phát hiện ra một sự phi lý của hình ảnh “cô phàm” – cánh buồm lẻ loi cô đơn. Phi lý ở chỗ, Trường Giang vốn là con đường giao thông huyết mạch của Trung Quốc, lại đang là đợt tháng 3, tháng cuối cùng của mùa xuân ấm áp, hẳn phải có vô số thuyền qua lại, thế nhưng trong thơ của Lý Bạch lại chỉ có độc một cánh buồm lẻ loi trên dòng sông. Sở có cảnh lạ lùng ấy là bởi tấm lòng đã định hướng cho đôi mắt, tác giả chỉ một lòng hướng theo con thuyền của bạn mình dần đi xa mà bỏ qua những con thuyền khác, thế nên thấy nó cô độc và lẻ loi. Thứ hai nữa là vốn dĩ trong lòng tác giả lúc này đây cũng đang dấy lên biết bao cảm giác cô đơn, lạc lõng mà theo như Nguyễn Du đã nói “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Dẫu ngoài kia có muôn thuyền bè ngược xuôi thì Lý Bạch cũng vẫn cảm giác rằng con thuyền của Mạnh Hạo Nhiên thật cô độc, lẻ loi khi tiến về chốn phồn hoa đô hội rực rỡ. Con thuyền ra đi mà mang theo của nỗi lòng của người ở lại, mênh mang không dứt.

Đọc thêm:  [Khối D09, D10 gồm những ngành nào?] Danh sách các trường

Thêm một hình ảnh khác cần chú ý ấy là “viễn ảnh bích không tận”, tức là sự vận động xa dần của cánh buồm rồi mất hút vào khoảng không bao la, trong màu xanh bát ngát của trời nước. Như vậy có thể thấy rằng hình ảnh này đã khéo léo gợi ra ánh mắt chăm chú dõi theo chiếc thuyền đi xa của người ở lại, giống như Nguyễn Bính đã từng có một câu thơ tương tự “Anh đi đấy, anh về đâu/Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm”, thoạt tiên còn thấy màu sắc, sau cùng chỉ còn thấy mờ mờ một cánh buồm nhỏ. Cũng ở câu thơ thứ ba này tác giả nhấn mạnh màu xanh biếc của trời nước “bích không tận” , đó là một gam màu lạnh trong hội họa. Và bản thân gam màu lạnh ấy đã gợi ra sự lạnh lẽo, trống trải, cô đơn trong cõi lòng của người ở lại. Như vậy ở đây không còn đơn thuần là cảnh đưa tiễn mà còn là tình cảm chất chứa của người đưa tiễn ẩn đầy trong từng ý thơ một, rất sâu sắc.

Ở câu thơ cuối cùng “Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu” ta lại thấy một cái hay khác trong thơ Lý Bạch, ở đây tác giả đã thiết kế một cấu trúc đa tầng để tạo nên chiều sâu cho ý thơ, từ cái có gợi ra cái không, rồi từ cái không lại gợi ra cái có, rất thú vị. Cái có là cái hiện hữu trước mắt, là cái mà thị giác có thể cảm nhận được, đó là dòng sông vô thủy, vô chung, mênh mông đến tận cõi trời vô hạn, khôn cùng. Từ cái hữu hình vô tận ấy thì ta nhìn ra được cái không chính là sự biến mất của con thuyền, là sự biến mất của người bạn trong khung cảnh trời nước. Rồi chính từ cái sự biến mất ấy, tác giả lại gợi ra cái ánh mắt đau đáu dõi theo bóng bạn cho đến khi khuất bóng không còn thấy gì nữa, ta nhận thấy được sự hụt hẫng, trống trải, cô đơn trong lòng thi nhân, thấy được nỗi nhớ thương của người ở lại, là tình cảm sâu nặng của người ở lại dành cho người ra đi. Như vậy có thể thấy rằng ở hai câu thơ cuối, nhìn chung thì có vẻ là tả cảnh, nhưng thực tế sức nặng của câu thơ lại nằm ở việc tác giả từ cảnh mà suy ra tình .Chính cái sự bóc tách từng nỗi niềm qua mỗi ý thơ đã chứng minh được sự hàm súc và tài năng tuyệt thế của Lý Bạch trong thể loại Đường thi.

Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng đã thể hiện sâu sắc tình bạn chân thành, gắn bó của hai nhà thơ lớn thời thịnh Đường, từ đó Lý Bạch mang đến cho muôn đời sau bài học về sự trân trọng tình bạn, tình bằng hữu quý giá. Về nghệ thuật, tác giả đã rất thành công trong việc sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình, ngôn ngữ sử dụng giản dị nhưng hàm súc cô đọng, “ý tại ngôn ngoại”, ít chữ nhưng ẩn chứa nhiều huyền cơ. Đặc biệt tiêu biểu cho phong cách thơ lãng mạn của thi tiên Lý Bạch ấy là hình ảnh thơ tươi sáng, trong trẻo, giàu sức gợi.

-HẾT-

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-tai-lau-hoang-hac-tong-manh-hao-nhien-chi-quang-lang-51502n.aspx Bên cạnh bài Phân tích Tại lầu Hoàng Hạc tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng, các em học sinh có thể tham khảo thêm một số bài văn hay lớp 10 khác như: Cảm nhận về tình bạn giữa Lí Bạch và Mạnh Hạo Nhiên trong bài thơ Tại lầu Hoàng Hạc tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng, Cảm nhận thơ Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng, Khái quát đặc sắc về nội dung và nghệ thuật bài Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng, Sơ đồ tư duy bài Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button