Phân tích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ – Thủ thuật

phan tich tinh canh le loi cua nguoi chinh phu

Bài văn mẫu Phân tích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

I. Dàn ý Phân tích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Chuẩn)

1. Mở bài:

Giới thiệu tác giả, tác phẩm “Chinh phụ ngâm” và trích đoạn “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ”.

2. Thân bài:

a. Khái quát chung:

– Hoàn cảnh sáng tác: “Chinh phụ ngâm” được sáng tác vào đời đầu Lê Hiền Tông, trong bối cảnh nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra, triều đình ra quân đánh dẹp, nhiều trai tráng phải từ biệt người thân để ra chiến trận. Cảm động trước nỗi đau mất mát của những người vợ có chồng ra trận, Đặng Trần Côn đã viết nên “Chinh phụ ngâm”.- Đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” viết về tình cảnh cô đơn, tâm trạng buồn khổ của người chinh phụ khi chồng ra trận, không có tin tức.

b. Phân tích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ”

* Tám câu đầu – tình cảnh cô đơn của người chinh phụ

– Ngoại cảnh:

+ Không gian hiên vắng, căn phòng chật hẹp, tù túng+ Thời gian: đêm khuya

→ Gợi tâm trạng cô đơn, buồn tủi.

– Hành động:

+ Bước những bước đi chậm rãi+ Buông rèm xuống, kéo rèm lên

→ Những hành động lặp đi lặp lại diễn tả nỗi chán chường, tô đậm nỗi cô đơn.

+ Trông ngóng tin chồng nhưng không có hồi âm

– Tâm trạng:

+ Trách móc, than thở: “Đèn có biết dường bằng chẳng biết”+ Trực tiếp bày tỏ nỗi lòng sầu khổ của mình: “Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi”.+ Buồn rầu không nói nên lời.

* Tám câu tiếp: Nỗi buồn khổ, sầu muộn đằng đẵng

– Ngoại cảnh:

+ Tiếng gà eo óc+ Bóng hòe phất phơ

→ Không gian buồn bã, hiu quạnh.

– Tâm trạng của người chinh phụ:

+ “Khắc giờ đằng đẵng như niên”: Nỗi nhớ thương sâu sắc, trông ngóng mòn mỏi khiến người chinh phụ cảm thấy mỗi giờ trôi qua dài như tựa một năm.+ “Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa”: nỗi sầu vô tận, không dứt

– Hành động:

+ “Hương gượng đốt”, “gương gượng soi”: cố vực dậy tinh thần cho bớt nỗi trống trải nhưng không thành “hồn đà mê mải”, “lệ lại châu chan”+ “Sắt cầm gượng gảy”, “phím loan ngại chùng”: lo sợ điều chẳng lành xảy ra.

→ Mọi sự cố gắng, nỗ lực vượt ra khỏi cảnh sầu bi, chán chường của người chinh phụ đều trở nên vô nghĩa, lại càng khiến cho nỗi khổ sở, xót xa thêm sâu sắc.

* Tám câu thơ cuối: Nỗi nhớ thương chồng của người chinh phụ

– Hình ảnh ước lệ “nghìn vàng”, “gió đông”, “non Yên”: thể hiện tấm lòng thủy chung, son sắt, một lòng hướng đến người chinh phu nơi biên ải xa xôi.- Từ láy “thăm thẳm”, “đau đáu” kết hợp với cụm từ “đường lên bằng trời”: đặc tả nỗi nhớ khôn nguôi, mênh mông đến vô cùng của người chinh phụ.- Nỗi buồn lan tỏa trong không gian, thấm vào cảnh vật.

c. Đánh giá

– Giá trị hiện thực: thể hiện tình cảnh cô đơn, lẻ loi của người phụ nữ có chồng ra trận, tố cáo chiến tranh phong kiến.- Giá trị nhân đạo: xót thương, đồng cảm với thân phận người phụ nữ, trân trọng, đề cao niềm khao khát hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình.

3. Kết bài:

Khẳng định giá trị của đoạn trích, tác phẩm.

>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích đoạn trích tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ tại đây.

II. Bài văn mẫu Phân tích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

1. Phân tích đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, mẫu số 1 (Chuẩn)

Tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn lấy bối cảnh những cuộc chiến tranh phi nghĩa diễn ra vào cuối thế kỉ XVIII. Bằng việc khắc họa hình ảnh nhớ thương, nỗi khổ đau của người chinh phụ khi chồng ra trận ở miền biên ải xa xôi, tác giả đã bày cất tiếng nói đồng cảm của mình với những người phụ nữ trong xã hội cũ đồng thời lên án, tố cáo chiến tranh phi nghĩa. Tác phẩm được nhiều dịch giả nổi tiếng yêu quý dịch sang bản diễn Nôm nhưng bản dịch hay nhất có lẽ là bản dịch của Đoàn Thị Điểm. Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ được trích trong tác phẩm gồm 25 câu thơ từ câu 193 đến câu 216 đã diễn tả nỗi cô đơn lẻ loi của người vợ trong những năm tháng chồng đi chiến trận.

“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bướcNgồi rèm thưa rủ thác đòi phenNgoài rèm thước chẳng mách tinTrong rèm dường đã có đèn biết chăngĐèn có biết dường bằng chẳng biết

Hạnh phúc là điều lớn lao mà ai cũng ao ước có được. Đặc biệt là đối với những người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa thì hạnh phúc đến không phải là dễ dàng, bởi vậy mà họ càng trân quý. Người chinh phụ trong tác phẩm phải chấp nhận xa chồng, càng xa chồng nàng càng cô đơn, buồn tẻ. Nỗi cô đơn ngập tràn cả khuê phòng, căn gác, tràn ngập cả không gian, thời gian. Trước hiên nhà, những bước đi chậm rãi, nặng nề và nhàm chán của người chinh phụ càng lột tả nỗi cô đơn, chán chường hơn bao giờ hết. Hành động buông rèm xuống, kéo rèm lên như lặp lại tô đậm thêm nỗi cô đơn trong khuê các. Càng cô đơn, càng thương nhớ, trông chờ một tiếng lành từ chim thước từ xa nhưng chẳng có, nàng đành ngậm ngùi bên chiếc đèn khuya.

” Đèn có biết dường bằng chẳng biếtLòng thiếp riêng bi thiết mà thôi”

phan tich doan trich tinh canh le loi cua nguoi chinh phu

Phân tích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ để thấy hoàn cảnh đáng thương của người chinh phụ

Tìm đến đèn để tâm giao cho vơi bớt nỗi ưu sầu, mà đèn nào có biết. Cuối cùng, ánh đèn dẫu có sáng tỏa đấy thôi nhưng nào soi rọi được tâm hồn người chinh phụ, nào thấu được tâm can kẻ cô đơn. Ánh dèn, dẫu sau nó cũng là một vật vô tri, vô giác, nào có thể lặng nghe người chinh phụ giãi bày, thở than. Ánh đèn nào có thể thay được người chồng nơi biên ải, có thể cùng nàng chia sẻ nỗi ngọt bùi, đắng cay. Có chăng, ánh đèn ngày một hiu hắt như chính lòng người chinh phụ ngày một nặng nề, trĩu những nỗi u hoài khôn thấu. Nàng buồn bã trong khuê phòng với ánh đèn dầu hiu hắt mà xót thương cho số phận mình, tủi hổ cho cảnh lẻ loi, đơn chiếc vì chia ly của mình. Nỗi bi thiết của lòng nàng cất lên trong từng tiếng thơ ai oán, vừa như trách móc, vừa như xót xa cho thân phận chính mình:

“Đèn có biết dường bằng chẳng biếtLòng thiếp riêng bi thiết mà thôiBuồn rầu nói chẳng nên lờiHoa đèn kia với bóng người khá thương”

Đọc thêm:  Rừng Vàng Biển Bạc ❤ Giải Thích Câu Tục Ngữ Nói ... - SCR.VN

Nỗi uất ức trong nàng như trỗi dậy, lòng người chinh phụ buồn tủi, đớn đau, nỗi lòng mình nàng “riêng bi thiết”, mình nàng chịu đựng. Hoa đèn in bóng người con gái cô độc trên khuê các càng tô đậm nỗi sầu trong đêm thâu. Đèn dần tàn, thời gian vẫn vậy cứ trôi đi, một mình, một bóng, gặm nhấm nỗi cô độc, sầu tủi, nỗi chán chường vì lẻ loi tận cùng.

“Gà eo óc gáy sương năm trốngHòe phất phơ rủ bóng bốn bênKhắc giờ đằng đẵng như niênMối sầu dằng dặc tựa miền biển xa”

Tiếng thở dài trong đêm thâu bởi hạnh phúc ấm êm bị chiến tranh phi nghĩa tước đoạt thật xót xa. Phải chăng lòng người buồn tủi, nỗi sầu thương nhuốm lên cả vị thời gian, màu không gian. Tiếng gà “eo óc” đếm thời gian trong đêm lạnh, bóng hòe “phất phơ rủ bóng” ngẩn ngơ bốn bề, tất cả đều đượm buồn thương. Thiên nhiên có thanh, có sắc mà chẳng có lấy chút niềm vui dù là nhỏ bé, như chính trái tim người thiếu phụ đang độ tuổi xuân thì, khát khao hạnh phúc lứa đôi lại chịu cảnh cô đơn khôn thấu. Ngồi buồn đếm vị thời gian trôi, mỗi khắc thời gian tựa như một năm dài. Hình ảnh so sánh kết hợp với từ láy gợi hình” khắc giờ đằng đẵng như niên” càng tô đậm nỗi nhớ thương, đợi chờ.

“Hương gượng đốt hồn đà mê mảiGương gượng soi lệ lại châu chanSắt cầm gượng gảy ngón đànDây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng”

Trong nỗi buồn tủi, sầu muộn, cô độc đến cùng cực ấy, người chinh phụ cố vực dậy tinh thần mình bằng việc tìm đến những thú vui đời thường. Nhưng trớ trêu thay, mọi thứ dường như đều trở nên gượng gạo, bất lực trước tâm trạng chinh phụ. Hướng gượng đốt thì hương mê mải, gượng soi ngắm dung nhan thì không ngăn được dòng lệ nhớ thương. Tay gõ lên phím đàn mà lòng quặn thắt, sợ dây đứt, phím chùng lại lắng lo về những điều xảy ra sắp đến. Mọi thứ dường như đều trở nên vô nghĩa, người chinh phụ càng làm, nỗi đau càng xoáy sâu trong tâm khảm, nỗi buồn càng day dứt chẳng nguôi ngoai.

“Lòng này gửi gió đông có tiệnNghìn vàng xin gửi đến non yênNon Yên dù chẳng tới miềnNhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời

Càng cô đơn, tuyệt vọng, nỗi nhung nhớ lại càng dâng trào, mãnh liệt. Người chinh phụ nhớ thương chồng tha thiết nhưng đành bất lực vì khoảng cách quá xa xôi. “Non Yên” một hình ảnh ẩn dụ cho sự xa xôi, cách trở của người chinh phụ và kẻ chinh phụ. Vì nỗi nhớ thương da diết, không biết làm gì hơn, nàng đành gửi nỗi nhớ theo gió đông đến “Non Yên”. Mong rằng, những nhớ thương ấy có thể là niềm động viên, ủi an cũng là nỗi mong mỏi cho chồng nơi xa được an toàn, đợi ngày trở về đoàn thủ. Từ láy “thăm thẳm”, “đau đáu” kết hợp với cụm danh từ “đường lên bằng trời” đã đặc tả nỗi nhớ khôn nguôi, mênh mông và cao rộng đến tận cùng trong người chinh phụ. Qua đó bộc lộ được tình yêu tha thiết, thủy chung son sắt của người con gái khi yêu.

“Cảnh buồn người thiết tha lòngCành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun”

Đúng như ai đó đã từng viết:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầuNgười buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

Trong những dòng thơ cuối, bút pháp tả cảnh ngụ tình một lần nữa được tác giả sử dụng đầy tinh tế. Cảnh buồn với sương đượm cành, thanh âm của tiếng côn trùng réo rắt, mưa phùn mênh mang như chính lòng người thiếu phụ lúc này: buồn ưu, cay đắng, đơn côi giữa dòng đời.

Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ đã chạm đến trái tim bao người đọc bởi những rung động tình cảm đời thường nhất. Đó là sự đồng cảm với tâm trạng của người chinh phụ, là sự trân trọng vẻ đẹp một tâm hồn của người phụ nữ khi yêu và sự căm phẫn trước chiến tranh tàn ác đã đẩy bao con người phải chịu khổ đau, chìa lìa như người chinh phụ.

2. Phân tích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, mẫu số 2 (Chuẩn)

Chinh phụ ngâm là sáng tác bằng chữ Hán của Đặng Trần Côn, ra đời và khoảng cuối thế kỷ XVIII. Đây là một trong số ít tác phẩm trung đại thể hiện sự đồng cảm với số phận những người phụ nữ, đặc biệt là những người chinh phụ có chồng phải tham gia vào các cuộc chiến tranh phi nghĩa, phải chịu cảnh chia cắt, lẻ loi cô quạnh trong nhiều năm tháng đằng đẵng. Vốn là một đề tài ít được chú ý, khi nói về nỗi khao khát hạnh phúc, tình yêu cuộc sống lứa đôi, đồng thời thể hiện sự căm ghét nghịch cảnh chiến tranh loạn lạc, thế nên ngay từ khi mới xuất hiện Chinh phụ ngâm đã rất được yêu thích bởi nội dung mới mẻ, cũng như chạm vào trái tim của nhiều độc giả đường thời. Trong số các bản diễn Nôm thì bản dịch của Đoàn Thị Điểm được xem là xuất sắc hơn cả dù vẫn còn nhiều nghi vấn về tác giả thực sự của bản dịch này. Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ từ câu 193 đến câu 216 của bản diễn Nôm thể hiện nỗi cô đơn lẻ loi của người vợ trong những ngày tháng đằng đẵng chờ chồng đánh trận, mà không hề có một tin tức, cũng chẳng rõ ngày trở về, chỉ biết mòn mỏi ngóng trông và hy vọng.

“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bướcNgồi rèm thưa rủ thác đòi phenNgoài rèm thước chẳng mách tinTrong rèm dường đã có đèn biết chăngĐèn có biết dường bằng chẳng biếtLòng thiếp riêng bi thiết mà thôiBuồn rầu chẳng nói nên lờiHoa đèn kia với bóng người khá thương”

Trong 8 câu thơ đầu tiên tâm trạng cô đơn, lẻ loi, nỗi quạnh quẽ đầy thương cảm của người chinh phụ được thể hiện rất rõ nét thông qua nhiều chi tiết. Trước hết là bộc lộ qua những hành động có tính lặp đi lặp lại, nhàm chán, vô vị. Người chinh phụ một lòng thủy chung chờ trượng phu đang chinh chiến nơi xa, chẳng có ai để cùng bầu bạn, chỉ biết đơn độc “dạo hiên vắng thầm gieo từng bước”, ấy là những bước chân uyển chuyển, chậm rãi, nhiều mối sầu tư, bước chân thậm chí có lẽ không phát ra tiếng động. Những từ “thầm”, “vắng”, lại càng làm nổi bật nỗi đìu hiu cô đơn của người thiếu phụ chốn khuê phòng. Ấy rồi chán cảnh đi lại dưới mái hiên, người chinh phụ lại trở vào căn phòng trống vắng, nỗi bồn chồn, nhớ nhung đi cùng với những lần “rèm thưa rủ thác đòi phen”, tấm mành mỏng hết buông xuống lại được cuốn lên, kéo theo tầm mắt trông ngóng xa xăm của người phụ nữ giữa căn nhà lạnh lẽo.

Khi trông ra ngoài khoảng sân vắng, người chinh phụ lại gửi gắm hy vọng mong manh của minh vào loài chim thước, một loài chim chuyên báo hỷ sự, chỉ mong được nghe một tiếng chim kêu báo bậc trượng phu đã trở về. Thế nhưng dạo hiên bao nhiêu lần, vén rèm bấy nhiêu lần, đôi mắt ngóng trông đến mỏi mòn mà vẫn chịu cảnh “Ngoài rèm thước chẳng mách tin”, thiếu phụ vẫn chưa thấy bóng chồng mình trở về từ chiến trận, dù một chút tin tức cũng chẳng có. Không chỉ bộc lộ nỗi buồn bã, cô đơn của người chinh phụ thông qua những hành động lặp lại trong vô thức mà tác giả còn tinh tế tái hiện tiếng thở dài tội nghiệp ấy thông qua ngoại cảnh xung quanh. Khi mà vì quá cô đơn, dường như người thiếu phụ chỉ còn mỗi ngọn đèn dầu leo lắt làm bạn, nàng buồn bã trông đèn mà xót thương cho số phận của mình, tủi hổ cho cảnh chia ly, hỏi đèn rằng có biết chăng nỗi sầu lẻ bóng của mình, rồi lại như hờn như trách mà than thở “đèn có biết dường bằng chẳng biết”. Bởi lẽ cuối cùng ngọn đèn cũng chỉ là vật vô tri, không tiếng nói, không tình cảm, làm sao có thể thay thế người chồng mà chinh phụ vẫn trông ngóng đêm ngày.

Đọc thêm:  Bảng chữ cái tiếng Thái chuẩn 2023 - Thủ Thuật Phần Mềm

Bên cạnh đó, cái mới mẻ trong tác phẩm của Đặng Trần Côn còn ở chỗ người chinh phụ tự bày tỏ nỗi lòng của mình “Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi”, không còn cố ém nhẹm, giấu đi những nỗi niềm sầu khổ, mà bộc lộc một cách rõ nét nỗi “buồn rầu” đến chẳng thể cất thành lời. Ngồi cô quạnh với “hoa đèn” mà nhớ đến bóng người trượng phu chẳng biết lưu lạc chốn nào, tất cả tựa như một tiếng thở dài, một nỗi uất ức, tủi thân cùng cực của người phụ nữ đang độ xuân sắc nhưng phải chịu cảnh lẻ loi, bị tước đi cái quyền sống êm ấm hạnh phúc bên chồng.

“Gà eo óc gáy sương năm trốngHòe phất phơ rủ bóng bốn bênKhắc giờ đằng đẵng như niênMối sầu dằng dặc tựa miền biển xa”

Cảnh buồn thương, hiu quạnh của người chinh phụ càng trở nên sâu sắc trong những âm thanh và cảnh sắc thê lương. Tiếng gà gáy “eo óc” là một từ láy hay và diễn tả rất đạt cái cảnh buồn vắng, quạnh quẽ trong đêm khuya. Khi mà người thiếu phụ vì cô đơn, vì nhớ thương chồng mà trằn trọc không ngủ được, nghe tiếng gà gáy từ những canh đầu, khi sương còn giăng kín, khi tiếng trống canh mới về đợt cuối. Xuyên suốt từng câu thơ và diễn biến tâm trạng của người chinh phụ, có thể thấy rằng không phải là nàng dậy sớm, mà có lẽ là trằn trọc suốt đêm không ngủ được, đến tận mờ sáng, rồi lại nghe thấy tiếng gà “eo óc” thê lương gáy sớm, khiến nỗi buồn càng thêm chồng chất trong lòng, mới chỉ nghe đã thấy nước mắt trực trào.

phan tich tinh canh le loi cua nguoi chinh phu

Bài văn Phân tích đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

Rồi thêm cảnh “hòe phất phơ” che phủ suốt bốn bên căn nhà càng làm cảnh sắc thêm phần ảm đạm, cô liêu. Càng làm rõ thêm cái sự thiếu sức sống, buồn thương trong tâm hồn người thiếu phụ trẻ tuổi, vốn đang tuổi xuân sắc nhưng phải mang trong lòng nỗi sầu ải triền miên nhiều năm tháng. Thời gian cũng là một trong những cách thức diễn tả nỗi chán chường của nhân vật trữ tình khi “khắc giờ đằng đẵng như niên”. Nỗi nhớ thương sâu sắc, trông ngóng mòn mỏi khiến người thiếu phụ tưởng một giờ dài tựa một năm, nỗi cô đơn, tủi hờn dường như đang dày vò, vặn xoắn tâm can trong từng khắc giây, thế nên một phút trôi qua cũng thật khó khăn và mang cảm tưởng đằng đẵng không dứt. Nỗi buồn “mối sầu” còn được tác giả tinh tế diễn tả bằng một lượng từ “dằng dặc” chỉ sự dài vô tận không dứt, kéo qua sông qua biển, đến tận nơi chiến trường xa xăm, nơi có người chồng đang miệt mài chinh chiến.

“Hương gượng đốt hồn đà mê mảiGương gượng soi lệ lại châu chanSắt cầm gượng gảy ngón đànDây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng”

Trong khốn cảnh buồn bã, lẻ loi đến cùng cực ấy người chinh phụ đã cố vực dậy tinh thần, tự tìm cho mình những thú vui khuây khỏa nhằm vơi đi phần nào nỗi nhớ thương, sự trống trải trong lòng. Nào là đốt hương, tô son điểm phấn, ngắm dung nhan, gảy đàn, thế nhưng tất thảy các thú vui tao nhã ấy đều trở nên thật chua xót, khi dường như càng làm nó lại càng xoáy sâu vào nỗi khổ sở của người chinh phụ. Cố “gượng” đốt hương, mà nghe mùi thơm hồn càng “mê mải” mệt nhọc, ngắm dung nhan tiều tụy vì thương nhớ mà nước mắt tuôn trào vì thương cho phận hồng nhan, thương cho người ở chiến trường, xót xa cho cảnh phân ly. Đến ngón đàn yêu thích, mà giờ đây khi gảy còn phải nương tay, sợ nhỡ chẳng may “dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng”, vì lo sợ điềm xấu, sợ cảnh sinh ly tử biệt, đớn đau. Như vậy có thể thấy mọi sự cố gắng, nỗ lực vượt ra khỏi cảnh sầu bi, chán chường của người chinh phụ đều trở nên vô nghĩa, không những không vực dậy được tinh thần mà còn khiến cho nỗi khổ sở, xót xa càng thêm sâu sắc.

“Lòng này gửi gió đông có tiệnNghìn vàng xin gửi đến non yênNon Yên dù chẳng tới miềnNhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trờiTrời thăm thẳm xa vời khôn thấuNỗi nhớ chàng đau đáu nào xongCảnh buồn người thiết tha lòngCành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun”

Trong những dòng thơ cuối, nỗi cô đơn, lẻ loi, buồn tủi của người chinh phụ chuyển thành nỗi nhớ thương khôn nguôi dành cho người chồng ngoài chiến trận, thể hiện tấm lòng thủy chung son sắt, vẻ đẹp mẫu mực của người phụ nữ trong xã hội cũ. Vì nhớ thương, vì bất lực trước cảnh chia ly, xa cách, thiếu phụ chỉ còn cách gửi nỗi nhớ, tình yêu của mình nhờ gió đông mang đến Non Yên, hy vọng chút tình cảm ấy có thể bảo vệ cho chồng mình được an toàn, sớm ngày trở về đoàn tụ. Câu thơ cũng bộc lộ trực tiếp nỗi nhớ thương không dứt của người vợ dành cho chồng mình trong cảnh chiến chinh loạn loạn lạc, là lòng khao khát tình yêu, hạnh phúc lứa đôi mãnh liệt của người phụ nữ trong xã hội cũ. Gặp cảnh binh biến, không thể thỏa cuộc sống điền viên, điều ấy đã để lại trong tâm hồn họ những nỗi buồn, nỗi xót xa đến độ “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, khi xung quanh chỉ có tiếng mưa, tiếng côn trùng réo rắt, sự mênh mang vô định của màn sương, nỗi buồn, nỗi cô đơn ấy liệu có ai thấu tỏ.

Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ là phần đặc sắc nhất trong toàn bộ Chinh phụ ngâm, thể hiện rõ được tinh thần nhân đạo mới mẻ mà Đặng Trần Côn muốn biểu đạt, khi mà tác giả chú tâm đến những ước vọng cá nhân của con người, đặc biệt là của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, vốn là những thứ bị xem là tầm thường tủn mủn. Đó bao gồm khao khát được yêu thương, sống hạnh phúc bên chồng con, có cuộc sống điền viên, ngoài ra còn thể hiện sâu kín nỗi căm ghét các cuộc chiến tranh vô nghĩa, gây nên hàng loạt các cuộc chia ly, phân tán, tước đoạt đi hạnh phúc, quyền được sống của con người, chứ không chỉ riêng gì người phụ nữ.

Đọc thêm:  Hình ảnh bảng chữ cái tiếng Anh sinh động, dễ nhớ nhất

3. Phân tích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, mẫu số 3 (Chuẩn)

Tác phẩm “Chinh phụ ngâm khúc” của tác giả Đặng Trần Côn ra đời vào những năm 40 của thế kỉ XVIII – giai đoạn xã hội rối ren, nội bộ phong kiến mâu thuẫn, chiến tranh loạn lạc diễn ra khắp nơi đã diễn tả thành công bi kịch tinh thần cùng tiếng lòng nhớ thương da diết của những người phụ nữ có chồng ra trận. Trích đoạn “Tình cảnh của người chinh phụ”, bản dịch của Đoàn Thị Điểm đã thể hiện rõ điều này. Bài thơ đã thể hiện rõ tâm trạng cô đơn sầu muộn của người phụ nữ có chồng ra trận, gián tiếp bộc lộ tiếng nói tố cáo chiến tranh phong kiến phi nghĩa và đề cao hạnh phúc lứa đôi của con người.

Trích đoạn mở đầu bằng dòng cảm xúc về nỗi cơ đơn, sầu tủi của người chinh phụ qua mười sáu câu thơ đầu. Trước hết, ở mười sáu câu thơ đầu tiên, tác giả đã tái hiện không gian ngoại cảnh cùng hành động, tâm trạng của người chinh phụ:

“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bướcNgồi rèm thưa rủ thác đòi phen.Ngoài rèm thước chẳng mách tinTrong rèm, dường đã có đèn biết chăng?Đèn có biết dường bằng chẳng biết,Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.Buồn rầu nói chẳng nên lời,Hoa đèn kia với bóng người khá thương.”

Thông qua bút pháp ngụ tình đặc sắc, tác giả đã tái hiện bối cảnh không gian của nỗi cô đơn. Giữa sự tĩnh mịch, người chinh phụ lặp đi lặp lại hành động “dạo hiên vắng”. Lúc này, nỗi nhớ nhung sầu muộn đã khiến cho bước chân của nàng mang nặng tâm trạng, trở nên nặng nề hơn. Nàng khắc khoải mong chờ thanh âm của tiếng chim thước – tín hiệu của sự trở về, sự gặp gỡ nhưng chẳng thấy. Trong không gian vắng lặng đó, nàng chỉ biết đối diện với ngọn đèn khuya: “đèn có biết”, “đèn chẳng biết”. Hình ảnh ngọn đèn là ẩn dụ tượng trưng thể hiện nỗi nhớ cùng sự cô đơn đang bủa vây tâm trí nàng. Ngọn đèn khuya không thể thấu hiểu nỗi niềm của “bi thiết” – nỗi buồn thương xót xa đến không cùng của người chinh phụ, để rồi nàng rưng rưng trong sự thương thân tủi phận: “Hoa đèn kia với bóng người khá thương”. Cảnh vật xung quanh dường như đồng cảm, cộng hưởng với với sự cô đơn, lẻ loi của người chinh phụ:

“Gà eo óc gáy sương năm trống,Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên.Khắc giờ đằng đẵng như niên,Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.”

Sự vắng lặng đến tĩnh mịch của cảnh vật đã được tô đậm thông qua thanh âm tiếng gà gáy năm canh. Dưới ánh bình minh mờ nhạt, hình ảnh cây hòe phất phơ rủ bóng đã tái hiện không gian hoang vắng cùng sự buồn bã trong tâm trạng. Đối với người chinh phụ lúc này, bước đi của thời gian “đằng đẵng như niên” khiến mối sầu của nàng càng thêm sầu não “tựa miền biển xa”. Thời gian đã được đong đếm bằng sự cô đơn, buồn tủi trong tâm trạng. Không gian được mở rộng theo chiều kích của nỗi đau, nỗi sầu “tựa miền biển xa”.

Nàng cố gắng vượt thoát chiếc vỏ bọc của sự cô đơn nhưng lại càng chìm sâu vào nỗi tuyệt vọng đến khôn cùng:

“Hương gượng đốt hồn đà mê mải,Gương gượng soi lệ lại châu chan.Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng.”

Đối diện với không gian vắng lặng, hiu quạnh, người chinh phụ gắng gượng điểm phấn tô son, dạo đàn để kiếm tìm sự thanh thản nhưng lại càng chạm đến nỗi cô đơn, tình cảnh lẻ loi và sự đơn chiếc. Những cụm từ “hồn đà mê mải”, “lệ lại châu chan” đã nhấn mạnh sự tự ý thức về bi kịch chia li trong hiện tại. Đối diện với sự tàn phai nhan sắc, trái tim nàng càng khắc khoải nỗi nhớ nhung cùng khao khát sum vầy trong nỗi tuyệt vọng. Những hình ảnh ước lệ “sắt cầm”, “dây uyên”, “phím loan” tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng đã khiến nỗi nhớ mong của người chinh phụ càng trở nên khắc khoải, thống thiết hơn bao giờ hết. Trong sự tuyệt vọng đó, nàng gửi gắm tiếng lòng của mình theo gió:

“Lòng này gửi gió đông có tiện ?Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.Non Yên dù chẳng tới miền,Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời”

Qua hình ảnh ước lệ “nghìn vàng” – tấm lòng nhớ thương, “gió đông” – ngọn gió mùa xuân thổi từ phương Đông, “non Yên” – nơi chiến trường xa xôi, chúng ta có thể thấy được tấm lòng thủy chung, son sắt, một lòng hướng đến người chinh phu nơi phương xa biên ải xa xôi. Nỗi nhớ ấy càng trở nên khắc khoải thông qua biện pháp điệp ngữ liên hoàn: “non Yên – non Yên”, “đường lên bằng trời – trời thăm thẳm”. Đặc biệt, các từ láy “thăm thẳm”, “đau đáu”, “thiết tha” để diễn tả nỗi nhớ thiết tha cùng nỗi đau tận cùng tâm trạng.

Bài thơ kết thúc bằng bức tranh ngoại cảnh qua những nét vẽ về “cảnh buồn” như “cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun”. Tất cả đều gợi lên không khí tang thương, lạnh lẽo, não nề. Cảnh vật đã hòa chung với tiếng lòng não nề của con người. Lòng người dường như trở nên lạnh lẽo trong nỗi cô đơn, tan vỡ, khổ đau.

Thông qua thể thơ song thất lục bát, tác giả đã tái hiện thành công nỗi niềm tâm trạng cô đơn trong âm điệu buồn thương da diết của người chinh phụ. Từ đó, tạo nên giá trị hiện thực qua tiếng nói tố cáo, lên án chiến tranh phong kiến phi nghĩa, những hiểm nguy mà người chinh phu phải đối mặt nơi chiến trường. Tác phẩm còn thấm đẫm giá trị nhân đạo qua những nỗi niềm tâm sự, những cung bậc cảm xúc đầy đau đớn, xót xa, những trống trải, cô đơn cùng khao khát về hạnh phúc lứa đôi của người chinh phụ.

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-tinh-canh-le-loi-cua-nguoi-chinh-phu-42025n.aspx Bài thơ Chinh phụ ngâm là tác phẩm nổi bật trong ngữ văn lớp 10, ngoài bài làm văn Phân tích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, học sinh và giáo viên có thể tham khảo thêm các bài làm văn mẫu Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, Viết lại nội dung đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ theo lời của người chinh phụ, hay phân tích chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button