Phân tích đặc điểm nhân vật “tôi” trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ
Phân tích đặc điểm nhân vật “tôi” trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ
Bài văn mẫu Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn
Bài Phân tích nhân vật “Tôi” trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ thuộc trong chủ đề Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong tác phẩm văn học Ngữ văn 7. Các em cùng tham khảo để có được kỹ năng làm bài tốt nhất.
I. Dàn ý phân tích đặc điểm nhân vật tôi trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ
1. Mở bài:– Giới thiệu tác phẩm, đoạn trích và nhân vật.- Nêu khái quát ấn tượng về nhân vật.2. Thân bài:* Nêu đặc điểm của nhân vật “tôi”:- Là người kiên nhẫn, ham học hỏi:+ Được bố dẫn ra vườn, chạm từng bông hoa. Dù đoán sai nhưng vẫn rất cố gắng rèn luyện.- Là người có tài năng đoán trúng các sự vật:+ Khả năng đoán được các loài hoa.+ Khả năng tìm đồ vật.+ Khả năng đoán khoảng cách thông qua tiếng bước chân.+ Khả năng đoán loài hoa thông qua “khứu giác”.- Tình yêu sâu sắc với gia đình và trân trọng những “món quà”:+ Yêu thích tên của người khác và cho rằng mỗi cái tên đều phát ra âm thanh đặc biệt.+ Chạm vào bố và nói đây là món quà “bự” nhất.- Là người có tình yêu thiên nhiên sâu sắc: Cuộc trò chuyện tưởng tượng với loài hoa.* Nhận xét, đánh giá về nghệ thuật xây dựng nhân vật:- Xây dựng nhân vật thông qua hành động, lời nói cụ thể.- Hình ảnh trong sáng, ngôn từ giàu sức gợi.* Nêu ý nghĩa của hình tượng nhân vật:- Thể hiện cái nhìn trìu mến của tác giả đối với trẻ thơ.- Bộc lộ tình yêu gia đình, thiên nhiên, cuộc sống.3. Kết bài:– Khái quát và đánh giá về nhân vật.
Bài văn mẫu Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật “tôi” trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ
II. Bài văn mẫu tham khảo Phân tích đặc điểm nhân vật “tôi” trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ
1. Bài văn phân tích đặc điểm nhân vật tôi trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ – mẫu số 1:
Đọc đoạn trích “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, ta không khỏi ấn tượng trước khả năng đoán đồ vật, tình yêu thiên nhiên và tình yêu thương gia đình của nhân vật “tôi”. Chắc hẳn, nhân vật “tôi” đã đem đến cho độc giả những cảm xúc không thể nào quên.
Trước hết, ta thấy được tính kiên nhẫn, ham học hỏi ở “tôi” khi cậu cố gắng luyện tập “nhắm mắt sờ những bông hoa rồi đoán”. Mặc dù ban đầu còn đoán sai nhưng cậu không vì thế mà buông xuôi, nản chí. Cậu luôn tiếp thu những bài học quý báu mà bố đã dạy với một thái độ cởi mở, vui vẻ.
Thông qua những lần chơi trò chơi cùng bố, người đọc dễ dàng nhận ra tài năng đoán trúng các sự vật của nhân vật “tôi”. Chẳng mấy chốc, “tôi” đoán được hết vườn hoa bằng cách nhắm mắt và chạm vào cánh của chúng. Sau này, bố tăng độ khó lên thông qua việc giấu kẹo trong nhà để “tôi” tìm thấy. Không lâu sau, cậu đã có thể đoán chính xác khoảng cách thông qua tiếng bước chân khiến cho chú Hùng ngạc nhiên tới nỗi phải thốt lên “cháu có đôi mắt thần”. Đôi mắt ấy đã cứu giúp thằng Tí thoát khỏi nạn đuối nước làm cho mọi người ngỡ ngàng, cảm phục. Một thời gian sau, cậu lại tiếp tục thực hành bằng cách ngửi và đoán tên loài hoa. Không nằm ngoài dự đoán, “tôi” hoàn toàn chiến thắng trò chơi này.
Nổi bật ở nhân vật “tôi” hơn cả là tình yêu gia đình và sự trân quý những “món quà”. Cậu yêu cái tên của thằng Tí vì “thấy tên nó đẹp hơn mọi tên, khi đọc lên, âm thanh cứ du dương như một bài hát”. Đối với cậu, bên cạnh “khu vườn là món quà bất tận”, cậu yêu bố và coi bố là món quà giá trị nhất của mình. Câu nói “A! Món quà của tui đây rồi. Ôi cái món quà này bự quá” đã cho thấy tình cảm gắn kết, sâu nặng mà “tôi” dành cho người bố thân thương.
Bên cạnh đó, tình yêu thiên nhiên luôn tràn đầy trong trái tim cậu bé. Sở dĩ “tôi” có thể đoán hết loài hoa và coi “những bông hoa chính là người đưa đường” bởi nó xuất phát từ tình cảm chân thành mà cậu dành cho tự nhiên. Ngay cả khi nhắm mắt thì hương sắc của bông hoa vẫn sẽ luôn dẫn ta đi đúng hướng.
Có thể nói, qua việc sử dụng ngôi kể thứ nhất xưng “tôi”, tác giả đã để nhân vật tự bộc lộ những tâm tư, tình cảm của riêng mình đối với gia đình, người thân và cả những loài hoa tươi thắm. Ngôn từ giàu sức gợi, hình ảnh trong sáng góp phần thể hiện cái nhìn hồn nhiên, vô tư của nhân vật.
Thông qua nhân vật “tôi”, nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần bày tỏ thái độ trân trọng, ngợi ca vẻ tươi mới, ấm áp của trẻ thơ. Đồng thời, bộc lộ tình yêu gia đình, thiên nhiên, cuộc sống.
2. Bài văn phân tích nhân vật tôi trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ – mẫu số 2:
Bằng tình yêu thương vô bờ đối với trẻ em, thiên nhiên và cuộc sống, nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần đã đem đến cho người đọc những liên tưởng thú vị qua đôi mắt trẻ thơ của nhân vật “tôi”. “Tôi” trong văn bản ẩn chứa tình yêu thương sâu sắc với tự nhiên và gia đình.
Truyện được kể ở ngôi kể thứ nhất xưng “tôi”. Người kể chuyện là một cậu bé ham học hỏi và có tài đoán trúng nhiều sự vật. Mở đầu văn bản là lời giới thiệu của nhân vật “tôi” về khu vườn bố trồng sau nhà. Bố đã rèn luyện tính kiên nhẫn cho cậu bằng cách “bảo tôi nhắm mắt lại, sau đó dẫn tôi đi chạm từng bông hoa một và yêu cầu nhân vật “tôi” đoán xem đó là loài hoa gì. Ban đầu, cậu còn nói sai rất nhiều. Tuy nhiên, cậu không hề nản chí mà vẫn tiếp tục luyện tập dưới sự động viên của bố. Chẳng mấy chốc, “tôi” có thể nhắm mắt đoán hết loài hoa trong vườn.
Từ đây, cậu phát hiện mình có tài năng đoán trúng hết các sự vật. Không dừng lại ở tài đoán hoa, “tôi” có khả năng tìm đồ vật mà không cần mở mắt. Thậm chí, “tôi” còn đoán được khoảng cách thông qua tiếng bước chân. Chú Hùng đã rất ngạc nhiên mà thốt lên rằng: “cháu có con mắt thần”. Tuy nhiên, tài năng ấy không chỉ dừng lại ở trò chơi đơn thuần mà nó đã giúp “tôi” cứu thằng Tí khỏi nạn chết đuối. Trong lúc mọi người không biết tiếng hét từ đâu vọng tới thì “tôi” nhanh chóng nói ngay: “Cách đây khoảng ba chục mét, hướng này!”. Sự phát hiện kịp thời ấy đã khiến cho mọi người vô cùng cảm phục, biết ơn.
Không những vậy, nhân vật “tôi” còn là người có tấm lòng nhân hậu, luôn yêu thương, trân quý những phút giây bên gia đình và người thân yêu. Cậu yêu cái tên của thằng Tí tới nỗi cảm thấy “tên nó đẹp hơn mọi tên, khi đọc lên, âm thanh cứ du dương như một bài hát”. Lúc nhắm mắt, chạm tay rồi gọi tên từng món quà, cậu vô tình chạm phải tay bố nhưng hóm hỉnh la lên rằng: “A! Món quà của tui đây rồi. Ôi cái món quà này bự quá!”. Câu nói ấy đã cho thấy được tình cảm mà “tôi” dành cho người bố kính yêu của mình.
Đặc biệt, nhân vật “tôi” có một tình yêu sâu sắc đối với thiên nhiên thông qua cuộc trò chuyện tưởng tượng cuối văn bản. “Tôi” coi “khu vườn là món quà bất tận” còn “Những bông hoa chính là người đưa đường!”. Điều khiến nhân vật “tôi” có thể đoán trúng tên các loài hoa mà không cần mở mắt là bởi “tôi” dành hết tình cảm, tâm trí của mình để thấu hiểu và yêu mến những loài hoa.
Có thể nói, bằng cách sử dụng ngôi kể thứ nhất, nhân vật “tôi” đã tự bộc lộ những tâm tư, tình cảm của riêng mình. Ngoài ra, hình ảnh gần gũi, quen thuộc, từ ngữ giàu sức gợi đã góp phần miêu tả tính cách, đặc điểm của nhân vật “tôi”.
Thông qua nhân vật “tôi”, nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần muốn bày tỏ cái nhìn trìu mến với trẻ thơ. Đồng thời, ông thể hiện tấm lòng yêu thương tha thiết đối với con người, cuộc sống xung quanh.
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – HẾT – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
Dàn ý và bài văn mẫu trên là những gợi ý quan trọng giúp các em có thể phân tích nhân vật một cách dễ dàng. Các em có thể tham khảo thêm bài soạn, văn mẫu lớp 7 khác như:- Soạn bài Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ– Phân tích đặc điểm nhân vật người bố trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-dac-diem-nhan-vat-toi-trong-vua-nham-mat-vua-mo-cua-so-71829n.aspx
Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!