Đề bài: Cảm nhận hình tượng cây xà nu trong đoạn đầu truyện ngắn Rừng xà nu
Cảm nhận hình tượng cây xà nu trong đoạn đầu truyện ngắn Rừng xà nu
I. Dàn ý Cảm nhận hình tượng cây xà nu trong đoạn đầu truyện ngắn Rừng xà nu (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu về tác giả Nguyễn Trung Thành, tác phẩm “Rừng xà nu” và hình tượng cây xà nu trong đoạn đầu truyện ngắn “Rừng xà nu”.
2. Thân bài:
a. Trình bày khái quát về tác giả Nguyễn Trung Thành, tác phẩm “Rừng xà nu”:– Nguyễn Trung Thành (1932) là nhà văn có duyên nợ với đất rừng Tây Nguyên, sáng tác của ông mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.- “Rừng xà nu” được viết năm 1965 là tác phẩm nổi tiếng nhất trong số những sáng tác của Nguyễn Trung Thành ở những năm kháng chiến chống Mỹ.
b. Cây xà nu phải chịu nhiều đau thương nhưng có sức sống mãnh liệt, kiên cường:– Rừng xà nu rộng lớn, hùng vĩ, là nạn nhân của bom đạn khiến cho cả rừng không có cây nào là không cây nào bị thương.- Cây xà nu có sức sống mãnh liệt, ham ánh sáng mặt trời, “nó phóng rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng”.
– Cây xà nu có sức sống kiên cường, bất khuất, bất diệt:+ “Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”.+ Bên cạnh những cây xà nu con không chịu được vết thương thì vẫn có những cây vượt lên được hơn cao đầu người khiến cho bom đạn của kẻ thù không thể nào hạ gục được chúng, chúng lớn nhanh để thay thế cho những cây đã ngã.
c. Cây xà nu là bức tường thành vững chắc bảo vệ người dân Tây Nguyên:– Rừng xà nu còn là ẩn dụ về tinh thần bất khuất, dũng cảm của con người Tây Nguyên: “Cứ thế hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho dân làng”.- Vẻ đẹp của sự đoàn kết, vững chắc của rừng xà nu: “Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa, đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp chân trời”.
d. Đánh giá:– Cây xà nu là hình tượng thẩm mĩ độc đáo, giàu ý nghĩa tượng trưng đã được Nguyễn Trung Thành khắc họa bằng tất cả niềm say mê , tin yêu và trân trọng.- Nghệ thuật dùng từ, các biện pháp tu từ như nhân hóa, ẩn dụ, lời văn giàu sức tạo hình và biểu cảm đã khiến cho cây xà nu trở thành một sinh vật sống động gợi cho người đọc nhiều suy tưởng.
3. Kết bài:
– Khái quát lại hình tượng cây xà nu trong đoạn đầu truyện ngắn Rừng xà nu.
II. Bài văn mẫu Cảm nhận hình tượng cây xà nu trong đoạn đầu truyện ngắn Rừng xà nu (Chuẩn)
Nếu súng là phương tiện đấu tranh của người lính thì nhà văn lại dùng chính ngòi bút của mình để làm vũ khí chống lại giặc ngoại xâm. Trưởng thành từ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhà văn Nguyễn Trung Thành không chỉ có những trải nghiệm phong phú của một người lính mà còn có nguồn chất liệu hiện thực dồi dào về cuộc chiến tranh. Những tác phẩm của ông đều tái hiện được không khí dữ dội của cuộc kháng chiến và vẻ đẹp anh hùng bên trong mỗi con người Việt Nam. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông có thể kể đến là “Rừng xà nu”. Qua tác phẩm “Rừng xà nu” nhà văn đã khắc họa thành công hình ảnh của cây xà nu, qua đó làm nổi bật vẻ đẹp sử thi của những con người anh hùng làng Xô Man.
Nguyễn Trung Thành (1932) là nhà văn có duyên nợ với đất rừng Tây Nguyên cho nên những sáng tác của ông đều mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Tác phẩm “Rừng xà nu” được sáng tác năm 1965 là tác phẩm nổi tiếng nhất trong số những sáng tác của Nguyễn Trung Thành ở những năm kháng chiến chống Mỹ. Hình tượng cây xà nu là hình tượng xuyên suốt tác phẩm đã mang lại một không khí đậm đà hương vị núi rừng Tây Nguyên.
Xà nu là một loài cây họ thông, nhựa và gỗ của chúng đều đem lại giá trị sử dụng cao, chúng có gắn bó mật thiết với con người Tây Nguyên. Bất cứ cuộc chiến tranh nào đi qua cũng để lại muôn vàn sự đau thương và mất mát. Với cây xà nu cũng vậy, chúng phải hứng chịu hầu hết đạn đại bác nhưng vẫn có sức sống mãnh liệt, kiên cường. Hình ảnh rừng xà nu xuất hiện từ ngay những dòng đầu của tác phẩm và được nhắc lại nhiều lần đã tạo ấn tượng ám ảnh trong lòng người đọc. Rừng xà nu rộng lớn, đông đảo, hùng vĩ, là nạn nhân của bom đạn nên cả rừng không có cây nào là không cây nào bị thương. Rừng xà nu nằm trong sự hủy diệt tàn bạo của chiến tranh khiến cho “có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão”, “ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn”. Bởi vậy cây xà nu không chỉ được biết đến là hiện thân của cái đẹp mà chúng còn phải gánh chịu nhiều đau thương giống như những người lính phải từ bỏ sinh mạng trong chiến tranh.
Đau thương là thế, hi sinh là thế nhưng những cây xà nu vẫn rất mạnh mẽ để vươn lên. Chúng khao khát sống đến mãnh liệt, ham ánh sáng mặt trời đến mức “nó phóng rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng”. Nhờ có sức sống kiên cường, bất khuất, bất diệt mà những thế hệ xà nu cũng vì thế mà chúng cứ nối tiếp nhau. “Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”. Hình ảnh của cây xà nu đã giúp ta gợi nhớ đến hình ảnh cây tre Việt Nam “Chẳng may thân gãy cành rơi/ Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng”. Từ đó, ta thấy được ý chí chiến đấu bền vững, quật cường của nhân dân ta khi lớp này già đi thì đã có lớp trẻ khác thay thế. Bên cạnh những cây xà nu con không chịu được vết thương thì vẫn có những cây vượt lên được hơn cao đầu người khiến cho bom đạn của kẻ thù không thể nào hạ gục được chúng, chúng lớn nhanh thật nhanh để thay thế cho những cây đã ngã. Hình ảnh cây xà nu chính là hình ảnh ẩn dụ cho niềm ham muốn tự do tha thiết của người dân Tây Nguyên vì họ luôn hướng về phía ánh sáng của Đảng, của cách mạng với niềm tin mãnh liệt vào một ngày giải phóng.
Dù phải hi sinh trước bom đạn chiến tranh nhưng cây xà nu vẫn luôn là bức tường thành vững chắc bảo vệ, che chở cho người dân Tây Nguyên. Rừng xà nu còn là ẩn dụ cho những người lính chiến đấu bảo vệ đất nước: “Cứ thế hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho dân làng”. Sự hy sinh thầm lặng của rừng cây xà nu đã khiến cho người đọc có những liên tưởng xa xăm. Để có được hòa bình như ngày hôm nay thì đã có rất nhiều vị anh hùng đã phải đánh đổi cả sự sống và nhiều thứ tình cảm thiêng liêng khác để một lòng đánh bại quân thù. Nhiều cây xà nu mọc cùng nhau trên một ngọn đồi hết lớp này qua lớp khác tạo thành rừng xà nu chính là vẻ đẹp của sự đông đảo và vững chắc khiến cho không gì có thể đánh bại được chúng: “Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa, đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp chân trời”. Rừng xà nu là biểu tượng của Tây Nguyên nói riêng và của toàn dân tộc Việt Nam nói chung vì chúng có những phẩm chất đáng trân trọng giống như con người Việt Nam vậy.
Cây xà nu là hình tượng thẩm mĩ độc đáo, giàu ý nghĩa tượng trưng đã được Nguyễn Trung Thành khắc họa bằng tất cả niềm say mê , tin yêu và trân trọng. Nghệ thuật dùng từ, các biện pháp tu từ như nhân hóa, ẩn dụ, lời văn giàu sức tạo hình và biểu cảm đã khiến cho cây xà nu trở thành một sinh vật sống động gợi cho người đọc nhiều suy tưởng về lịch sử chống giặc oai hùng của dân tộc. Ẩn sâu sau những cánh rừng xà nu bạt ngàn, xanh tốt chính là tinh thần đoàn kết, cùng nhau chiến đấu của buôn làng Tây Nguyên.
Hình tượng cây xà nu ở đoạn đầu truyện ngắn “Rừng xà nu” của tác giả Nguyễn Trung Thành đã đem đến cho bạn đọc những cảm nhận thú vị về thiên nhiên và con người Tây Nguyên. Hình tượng cây xà nu mang giá trị thẩm mĩ độc đáo, giàu ý nghĩa tượng trưng đã được tác giả Nguyễn Trung Thành khắc họa bằng tất niềm tin yêu thiên nhiên và tổ quốc.
-HẾT-
https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-hinh-tuong-cay-xa-nu-trong-doan-dau-truyen-ngan-rung-xa-nu-68485n.aspx Bài Cảm nhận về hình tượng cây xà nu trong đoạn đầu truyện ngắn Rừng xà nu trên đây sẽ là nguồn cảm hứng để các em khám phá về vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Tây Nguyên. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm những bài văn sau để làm phong phú vốn kiến thức của mình: Phân tích phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong tác phẩm Rừng xà nu, Cảm nhận về truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, Phân tích hình ảnh đôi bàn tay Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, Phân tích nhân vật cụ Mết trong truyện Rừng xà nu.